Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu quá trình hòa nhập của di dân Thái trắng bản Quỳnh Tiến vào cuộc sống ở điểm tái định cư Lả Sẳng, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La từ bốn góc độ tâm lý, văn hóa, xã hội và kinh tế. Từ đó, chỉ ra chính sách hỗ trợ sau di dân, sự thay đổi của môi trường kinh tế, phương thức sống, sự giao lưu giữa di dân và cư dân địa phương, nhất là sự tự lực tự cường, chủ động hòa nhập với cuộc sống trên quê hương mới… đã giúp di dân Thái trắng bản Quỳnh Tiến hòa nhập thành công vào cuộc sống ở điểm tái định cư.

   Từ khóa: Di dân thủy điện Sơn La, Thái trắng, hòa nhập xã hội.

  1. Đặt vấn đề

Nhà máy thủy điện Sơn La nằm tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La được khởi công xây dựng vào ngày 02/12/2005. Để phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, 20.260 hộ dân, 95.733 khẩu thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời lên chỗ ở mới để nhường đất cho dự án, trong đó, riêng tỉnh Sơn La phải di dời 12.500 hộ, 61.509 khẩu. Theo Đặng Nguyên Anh (2008), “đặc thù của các dự án thủy điện là được triển khai xây dựng chủ yếu tại các tỉnh miền núi, nơi đồng bào dân tộc sinh sống theo tập quán, phong tục và văn hóa đa dạng. Việc di dời, tái định cư trong các công trình thủy điện đã và đang dẫn đến những thay đổi lớn về tập quán canh tác và lối sống, có ảnh hưởng đến tài nguyên đất đai, đất canh tác vốn là nguồn sinh kế và an ninh lương thực của đa số đồng bào các dân tộc. Việc di chuyển, tái định cư trong các dự án thủy điện ở miền núi trên thực tế rất khác với các dự án giải phóng mặt bằng ở miền xuôi, đòi hỏi có những quan tâm chính sách đặc biệt nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên và con người”. Nhận định này đặc biệt đúng với thủy điện Sơn La với hơn 90% di dân là người dân tộc thiểu số, với phong tục tập quán, kỹ thuật canh tác, đặc trưng văn hóa xã hội ở cả điểm di dời lẫn điểm tái định cư đều tồn tại nhiều khác biệt, thậm chí ngay trong cùng một quần thể di dân cũng có nhiều khác biệt giữa những người có trình độ giáo dục, tuổi tác, giới tính, điều kiện kinh tế khác nhau. Vậy nên, quá trình thích nghi với cuộc sống và phương thức sản xuất mới, đặc biệt là sự thay đổi và thích nghi về mặt tâm lý của di dân để nhanh chóng hòa nhập vào xã hội tại điểm tái định cư, ổn định cuộc sống của di dân nói chung và di dân thủy điện Sơn La nói riêng luôn là một chủ đề nghiên cứu thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội. Bài viết này là kết quả nhiều đợt nghiên cứu điền dã kéo dài từ tháng 11/2011 đến nay tại bản Quỳnh Tiến phường Chiềng An thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La nhằm tái hiện gần 10 năm hòa nhập vào cuộc sống tại điểm tái định cư Lả Sẳng của di dân bản Quỳnh Tiến. 

  1. 2. Giới thiệu điểm nghiên cứu

Trước di dân, cư dân bản Quỳnh Tiến phân bố rải rác ở bản Pắc Ma thuộc trung tâm xã Pắc Ma, phía Nam của huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La, cách trung tâm huyện cũ 12km, cách thành phố Sơn La 120km. Bản Pắc Ma nằm trên bờ trái dòng sông Đà, cách khu cơ quan trung tâm xã Pắc Ma chỉ khoảng 300m, gồm 5 bản tự nhiên: bản Luông, bản Nớ, bản Nà Mạ, bản Nưa, bản Chằm Coong (bản Cao Lương). Bản Pắc Ma có tổng diện tích khoảng 270 ha, trong đó diện tích ruộng lúa nước chiếm khoảng 52 ha, còn lại là đất ở, nương rẫy, đất rừng và đất hoang. Bản Pắc Ma nằm lọt trong một thung lũng nhỏ hẹp, ba bề núi cao hiểm trở, một mặt giáp sông Đà, điều kiện giao thông tương đối khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa hiện tượng sạt lở, tắc đường thường xuyên xảy ra. Trong bản còn có 3 dòng suối khá lớn chảy qua là suối Nậm Le, Nậm Sáng và Nậm Chằm Coong cung cấp nguồn nước phong phú cho canh tác lúa nước - cây lương thực chủ đạo của dân bản. Ngoài ra, họ còn canh tác ngô, lúa nương, sắn và cả bông, chàm trên các sườn núi. Do quỹ đất chưa sử dụng tương đối lớn, nên ngoài tiêu chuẩn mỗi nhân khẩu 450m² ruộng lúa, tùy theo quy mô mà mỗi hộ gia đình đều canh tác thêm từ 1,5 ha - 5 ha đất nương. Theo thống kê năm 2008, bản Pắc Ma có 374 hộ, 3700 khẩu, đại đa số là người Thái trắng, tự xưng là Tày Đón, một số ít người Thái Đen và người Kinh kết hôn với người trong bản và chuyển sống sinh sống tại đây đều đã bị đồng hóa và tự coi mình là người Thái Pắc Ma. Cả bản có 15 dòng họ, gồm Điêu, Hà, Hoàng, Lừ, Lường, Liềm, Lù, Lò, La, Vì, Nùng, Sằn, Tòng, Mè và Nguyễn chung sống với nhau. Trong bản, trừ một vài người làm cán bộ xã, còn lại đều là nông dân. 

Ngày 28/11/2008, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước “Vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”, cư dân bản Pắc Ma di cư đến 13 điểm tái định cư trong tỉnh, trong đó có 30 hộ, 142 khẩu chuyển đến điểm tái định cư Lả Sẳng, phường Chiềng An, thành phố Sơn La. Để kỷ niệm quê cũ Quỳnh Nhai, đồng thời thể hiện hy vọng và quyết tâm xây dựng cuộc sống mới tiến bộ và tốt đẹp hơn, bà con trong bản thống nhất đặt tên bản mới là Quỳnh Tiến. Bản Quỳnh Tiến nằm ở cuối của phường Chiềng An, phía Bắc giáp ranh với huyện Thuận Châu, phía Nam giáp bản Nặm Chặm, phía Tây giáp bản Lả Sẳng, phía Đông giáp đường nội thị nối liền khu trung tâm hành chính phường Chiềng Đen và đường Quốc lộ 6 nối liền Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Bản Quỳnh Tiến cách đường Quốc lộ 6 200m, cách khu trung tâm hành chính Phường Chiềng An 2km, cách trung tâm thành phố Sơn La 9km, cách thị trấn Phiêng Lanh, trung tâm huyện Quỳnh Nhai mới khoảng 60km, điều kiện giao thông đi lại hết sức thuận lợi. Nên sau khi chuyển đến điểm tái định cư, các hộ trong bản đều mua xe máy làm phương tiện vận chuyển, sản xuất và đi thăm người thân ở quê cũ và các điểm tái định cư khác. Bản Quỳnh Tiến có diện tích hơn 1ha, trước kia là vùng đất đồi dốc, nằm ở trong một thung lũng nhỏ hẹp, sau được san thấp xuống gần bằng mặt đường, mỗi hộ di dân được phân 400m² đất ở và mỗi nhân khẩu được phân 3500m² đất nương nằm rải rác ở các sườn núi tại phường Chiềng An, chủ yếu canh tác ngô, sắn, cà phê và mận hậu.

Tính đến tháng 9/2013, phường Chiềng An có 1382 hộ, 6110 khẩu với 75% là nông dân, còn lại làm cán bộ các cơ quan nhà nước, kinh doanh tự do hoặc công nhân (Ủy ban nhân dân phường Chiềng An, 2013). Phường Chiềng An có 13 bản và 2 tổ dân phố, với 6 dân tộc gồm Thái, Kinh, Mường, Xinh Mun, H’mong, Tày cùng chung sống, trong đó người Thái (cả người Thái đen bản địa và di dân Thái Trắng) có 1.293 hộ, 5.841 khẩu chiếm 95,6% tổng dân số toàn phường. Di dân Thái trắng Quỳnh Nhai sống tập trung ở hai bản Quỳnh Tiến và Quỳnh An với 63 hộ, 288 khẩu, chiếm 4,93% tổng số người Thái trong phường[1]. Ngoài một số ít cán bộ ở các cơ quan nhà nước hoặc buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Chiềng An người Thái ở phường Chiềng An đa phần là nông dân; Người Kinh có 88 hộ, 250 khẩu chiếm 4,09% tổng dân số toàn phường. Họ chủ yếu sống ven đường Quốc lộ, làm cán bộ ở các cơ quan nhà nước hoặc buôn bán tự do; Dân số các dân tộc khác chỉ chiếm 0,31% tổng dân số toàn phường.

Theo thống kê của tác giả, tính đến tháng 5/2013, bản Quỳnh Tiến có 32 hộ, 147 khẩu với 73 nam và 74 nữ. Trong bản ngoài 8 giáo viên, 1 cán bộ hội phụ nữ phường Chiềng An, 1 cán bộ Trung tâm Cai nghiện tỉnh, 1 công an, 1 bảo vệ trường học, 1 thợ sửa xe máy tự do ra, còn lại đều là nông dân. Bản Quỳnh Tiến có 4 dòng họ Lò, Điêu, Hoàng, Hà cùng chung sống. Nhưng theo tiêu chuẩn những người cùng ăn “hóng họ” (giỗ tổ) được tổ chức vào cuối năm sẽ thuộc về một dòng họ của người Thái trắng Quỳnh Nhai, thì ở bản Quỳnh Tiến có 4 họ Lò, 2 họ Điêu Chính, 1 họ Điêu Văn, 2 họ Hoàng. 

  1. Quá trình hòa nhập xã hội của di dân bản Quỳnh Tiến : Tự lực tự cường, chủ động hòa nhập với cuộc sống trên quê hương mới

            Các chuyên gia nghiên cứu về quá trình di dân cho rằng sự khác biệt lớn nhất, khó vượt qua nhất giữa cộng đồng di dân và cư dân bản địa là sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán. Tuy nhiên, sau khi nhập cư ngoài những khó khăn nêu trên, di dân bản Quỳnh Tiến còn gặp phải những khó khăn về tâm lý, nhà ở, đất sản xuất, và cả những khác biệt về kỹ thuật sản xuất, mức chi tiêu... tại điểm tái định cư. Trong bài viết này, chúng tôi đứng từ các góc độ tâm lý, văn hóa, xã hội và kinh tế để phân tích quá trình hòa nhập xã hội của di dân bản Quỳnh Tiến.

3.1. Quá trình hòa nhập tâm lý của di dân bản Quỳnh Tiến

            Trước khi di dân, người dân bản Quỳnh Tiến sống ở vùng đất thấp ven sông Đà, có độ cao trung bình so với mặt nước biển chỉ khoảng 146-150m, không khí nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình cao hơn một chút so với các vùng khác trong tỉnh. Nhờ hệ thống thủy văn phong phú và diện tích rừng che phủ rộng, nên chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa trong năm, giữa ngày và đêm không cao. Các hiện tượng thời tiết bất lợi vào mùa đông như sương muối, rét buốt... gần như không có. Sau khi chuyển cư đến điểm tái định cư Lả Sẳng nằm ở khu vực địa hình cao của cao nguyên Sơn La, có độ cao so với mặt nước biển là 700-800m, lượng mưa trung bình ít hơn, nhiệt độ thấp hơn, song chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, giữa các mùa trong năm lại cao hơn nhiều so với quê cũ. Đặc biệt, do hệ thống thủy văn khô kiệt, diện tích rừng bị khai thác kiệt quệ, lại không có sự điều tiết của dòng sông lớn như sông Đà, nên hiện tượng rét buốt, sương muối... vào mùa đông thường xuyên diễn ra. Những khác biệt về thời tiết, khí hậu giữa điểm xuất cư và điểm nhập cư không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tâm lý lo lắng, bất an cho bà con di dân, gây trở ngại cho quá trình thích nghi và hòa nhập xã hội của di dân. Sự thay đổi về chỗ ở không chỉ đơn thuần là sự biến đổi về không gian sống mà còn là sự biến đổi về phương thức sống, phương thức sản xuất và quan hệ xã hội. Di dân đồng nghĩa với việc vĩnh viễn rời bỏ quê hương bản quán, rời bỏ mảnh đất ông cha bao đời sinh sống, xa rời họ hàng, làng xóm, mất chỗ dựa về tinh thần, tình cảm và vật chất. Vậy nên, cho dù mức độ đền bù lớn thế nào, điều kiện sống và sản xuất ở điểm nhập cư tốt đến đâu thì cũng không thể giảm bớt nỗi nhớ người thân, nhớ quê hương của di dân. Ngoài ra, sau khi chuyển cư đến một nơi hoàn toàn xa lại, cư trú giữa một cộng đồng mới hoàn toàn, để tồn tại và tiếp tục phát triển, di dân bản Quỳnh Tiến còn phải đối mặt với áp lực thích nghi và hòa nhập với xã hội điểm tái định cư.

Em thấy ở ngoài này và quê cũ giống nhau thôi, nhưng mà tính phần ở trên đấy nói chung là thoải mái hơn chứ không gò bó như dưới này. Đầu tiên là mình chưa quen ai, thứ hai là chưa hiểu tính. Còn ở trên đấy từ đời ông cha sống ở đấy rồi, toàn là anh em hết. Di dân xuống dưới đây lại phân chia nhiều điểm di dân thì nó lại thiếu anh em, mình lại phải bắt quen anh em mới thì hơi khó, nó gò bó ở chỗ đấy, nó không thoải mái mấy.

(PVS 1, Nam, 1986, Nông dân)

Sau khi chuyển cư ra điểm tái định cư Lả Sẳng, nhờ sự tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, trong thời gian dài của các cơ quan ban ngành có liên quan từ trước và sau khi di dân, người dân bản Quỳnh Tiến xác định rõ quê cũ đã bị chìm sâu xuống dưới dưới lòng hồ, dù có thương nhớ hay đau lòng thế nào thì cũng không thể quay về được nữa, nên chỉ còn cách hướng tới tương lai, xây dựng quê hương mới tốt hơn ngay trên vùng đất tái định cư. Mặt khác, việc đồng cam cộng khổ, khắc phục cuộc sống khó khăn, vất vả trong quá trình di dân và quá trình xây dựng quê hương mới “tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”, cũng như tình cảm gắn bó với văn hóa truyền thống của cộng đồng Thái trắng, những trải nghiệm chung về nỗi niềm thương nhớ quê hương và người thân... Tất cả những điểm chung đó đã gắn kết người dân bản Quỳnh Tiến lại với nhau, biến họ thành một tập thể đoàn kết, thậm chí mối gắn kết giữa các thành viên trong bản còn chặt chẽ hơn cả trước khi di dân. Có thể thấy, việc xác định về mặt tư tưởng của di dân bản Quỳnh Tiến đã giúp họ mạnh mẽ vượt qua nỗi đau ly hương, củng cố quyết tâm xây dựng quê hương mới của họ. Ngoài ra, nhờ những trải nghiệm chung trong quá trình di dân và xây dựng cuộc sống mới, các thành viên trong bản trở nên gắn kết chặt chẽ hơn, tạo thành sức mạnh đoàn kết, giúp họ nhanh chóng khắc phục khó khăn, chủ động thích nghi và hòa nhập với cuộc sống sau di dân. Nhờ thế, sau khoảng 5 năm tái định cư, người dân bản Quỳnh Tiến đã cảm thấy quen thuộc, gắn bó và yêu quý cuộc sống ở điểm di dân tái định cư.

3.2. Quá trình hòa nhập văn hóa, xã hội của di dân bản Quỳnh Tiến

Thành phố Sơn La là khu vực cư trú tập trung lâu đời của ngành Thái Đen, cách khu vực cư trú của ngành Thái trắng khá xa, nên trước khi di dân thủy điện Sơn La chuyển cư đến, người dân địa phương, đặc biệt là những người ở cách xa bản di dân đều không mấy hiểu biết về di dân Thái trắng, thậm chí có người còn chưa từng nghe đến người Thái trắng, có người lầm tưởng người Thái đen da đen như người Châu Phi, người Thái trắng da trắng trẻo, nên mình và di dân đều là người Thái trắng vì có nước da trắng trẻo như nhau... Sau khi di dân thủy điện Sơn La chuyển cư đến, cư dân địa phương hết sức tò mò, có nơi còn rủ nhau đến bản di dân Thái trắng để làm quen, tìm hiểu. Sau một thời gian tiếp xúc, họ phát hiện ra những điểm giống và khác nhau giữa hai bên. Như về mặt ngôn ngữ, tuy cùng nói chung một ngôn ngữ Thái nhưng thuộc hai phương ngôn khác nhau, nên khi mới tiếp xúc đôi khi họ còn không hiểu ngôn ngữ của nhau mà phải dùng tiếng Kinh để làm phương tiện giao tiếp chính. Về phong tục tập quán, trang phục của phụ nữ Thái trắng khác với phụ nữ Thái đen, phụ nữ Thái trắng không có tập tục “tằng cẩu” sau khi kết hôn như phụ nữ Thái đen, bải di dân Thái trắng có tập tục ăn tết Xíp xí vào 14/7 âm lịch và trước dịp tết nguyên đán họ có lễ gội đầu, lễ tổng kết bản, tục ăn “hóng họ” (giỗ họ)... Ban đầu, do chưa hiểu về lối sống và phong tục tập quán của nhau, nên đôi khi thanh niên bản di dân Quỳnh Tiến và cư dân bản địa nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã, xô xát.

Khác với người Thái đen điểm tái định cư, di dân Thái trắng tương đối quen thuộc với văn hóa, lối sống và ngôn ngữ của người Thái đen do trước di dân họ sống gần các bản Thái đen, thậm chí một số người còn sử dụng thuần thục phương ngôn Thái đen Quỳnh Nhai. Tuy nhiên, sau khi chuyển cư đến điểm tái định cư Lả Sẳng, họ cũng gặp một số khó khăn khi sử dụng tiếng Thái để giao tiếp với cư dân Thái đen bản địa. Theo nhà nhân học nổi tiếng Trung Quốc Phong Tiếu Thiên, sau khi chuyển đến điểm tái định cư di dân thường phải “đối mặt với điều kiện sống, môi trường ngôn ngữ, phong tục tập quán và văn hóa hoàn toàn mới. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng giao lưu với cư dân bản địa trở thành một biện pháp chiến lược để họ thích nghi với cuộc sống xã hội ở điểm tái định cư. Vậy nên, cho dù là hành vi tự nguyện hay là bắt buộc, thì cơ hội giao lưu tiếp xúc với người dân địa phương càng nhiều, họ càng thích nghi tốt với xã hội điểm tái định cư” (Phong Tiếu Thiên, 2006). Để hạn chế khó khăn về mặt ngôn ngữ, xóa tan trở ngại trong giao tiếp với cư dân bản địa, đẩy nhanh quá trình hòa nhập xã hội, người dân bản Quỳnh Tiến đã sử dụng tiếng Kinh như một công cụ thay thế để giao lưu. Sau đó, cùng với thời gian và tần xuất giao tiếp giữa di dân và cư dân địa phương tăng lên, di dân bản Quỳnh Tiến chủ động học nói tiếng Thái đen bản địa. Đến nay, họ đã có thể dùng phương ngôn Thái đen bản địa để giao tiếp.

Ngoài việc lựa chọn sử dụng tiếng Kinh, ngôn ngữ thuận lợi nhất cho giao tiếp, chú tâm học ngôn ngữ, tìm hiểu đặc điểm văn hóa, lối sống của người Thái đen bản địa, di dân bản Quỳnh Tiến còn tích cực, chủ động kết nối và mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội với người dân bản địa bằng các biện pháp sau: Thứ nhất, thông qua bạn bè, người thân, họ tìm kiếm những mối quan hệ sẵn có với người dân địa phương, như quan hệ họ hàng xa, cha mẹ anh chị em kết nghĩa, bạn học... trên cơ sở đó, nhờ họ kết nối và mở rộng mối quan hệ với cộng đồng dân cư địa phương. Thứ hai, tranh thủ những lúc đi hái cà phê, hái mận thuê cho người dân bản địa, hoặc khi thuê người dân bản địa đến xây dựng nhà cửa, sau đó là những dịp đi họp, đi giao lưu văn hóa văn nghệ ở Phường, ở các bản khác hoặc những lúc các nhân đi buôn bán, mua sắm, tham gia hôn lễ, tang lễ, lên nhà mới... để cố kết mối quan hệ sẵn có và mở rộng thêm những mối quan hệ xã hội khác. Ở góc độ tập thể, trưởng bản và các cụ già trong bản Quỳnh Tiến còn kết nối và tổ chức lễ kết nghĩa giữa bản Quỳnh Tiến với bản Lả Sẳng theo truyền thống của dân tộc Thái. Hai bên cam kết sẽ là anh em của nhau, vui buồn có nhau và cùng có trách nhiệm với nhau.

Song song với việc chủ động và tích cực mở rộng quan hệ xã hội, tìm hiểu, học hỏi văn hóa truyền thống của người Thái đen bản địa, tạo điều kiện cho quá trình hòa nhập xã hội của các thành viên trong bản và cả cộng đồng diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, di dân bản Quỳnh Tiến vẫn chủ động sàng lọc và loại bỏ những đối tượng nghiện hút, chơi bời, lêu lổng người địa phương... nhằm hạn chế những ảnh hưởng không tốt của họ đến cuộc sống hiện tại của dân bản cũng như của thế hệ tương lai.

Ra ngoài này cũng chơi với Thái đen chứ. Đi đâu thì đi cũng phải có bạn, thêm bạn bớt thù. Bạn nhiều là tốt. Mình cũng phải phân ra bạn làm ăn, bạn ăn chơi, bạn đua đòi. Không thể (xếp) cùng một loại bạn được.

(PVS 2, Nam, 1987, Nông dân)

Đồng thời, trong phạm vi gia đình và cộng đồng Thái trắng họ vẫn gìn giữ ngôn ngữ và phong tục tập quán truyền thống của mình. Họ vẫn dùng phương ngôn Thái trắng trong giao tiếp hàng ngày với nhau, các lễ tết truyền thống như tết Xíp xí, lễ gội đầu, lễ cúng thần bản, lễ ăn Hóng họ... vẫn được họ duy trì. Ngoài ra, họ còn chủ động giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống của mình trong cộng đồng địa phương thông qua những buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, hay chủ động mời bàn con Thái đen bản địa đến tham gia các lễ hội truyền thống riêng có của di dân Thái trắng.

Có thể thấy, trong quá trình thích nghi và hòa nhập với cuộc sống xã hội ở điểm tái định cư di dân bản Quỳnh Tiến đã chủ động lựa chọn những phương thức hiệu quả nhất, cũng như những mối quan hệ lành mạnh nhất để đẩy nhanh tốc độ hòa nhập xã hội nhưng lại vẫn đảm bảo môi trường phát triển lành mạnh cho cộng đồng dân bản trong hiện tại và tương lai. Nhờ tính chủ động trong giao tiếp cũng như tình yêu và niềm tự hào với văn hóa truyền thống của mình, di dân bản Quỳnh Tiến không chỉ giữ gìn thành công bản sắc văn hóa của mình mà còn giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của cộng đồng di dân Thái trắng Quỳnh Nhai với cộng đồng địa phương, khiến văn hóa Thái trắng theo chân di dân hòa nhập và làm phong phú thêm văn hóa điểm tái định cư nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình mà không hề bị hòa tan hay đồng hóa với văn hóa bản địa.

3.3. Quá trình hòa nhập kinh tế của di dân bản Quỳnh Tiến

Trước khi di dân, người Thái trắng bản Pắc Ma cư trú lâu đời bên bờ sông Đà. Nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp của họ có hai đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, sống dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên. Ở quê cũ đất rộng người thưa, các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng đều phong phú. Ngoài diện tích ruộng lúa nước được phân theo tiêu chuẩn 400m²/ 1 khẩu, diện tích đất nương có thể khai thác thoải mái tùy theo khả năng của mỗi gia đình để trồng lúa nương, ngô, sắn, bông, chàm... Diện tích đất chưa khai thác rộng lớn còn cung cấp cho họ không gian để phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê... Tài nguyên nước và rừng phong phú cũng cung cấp miễn phí nguồn thức ăn, chất đốt, nguyên liệu dựng nhà..., tạo điều kiện cho người dân bản Pắc Ma duy trì kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc truyền thống. Thứ hai, do địa hình tự nhiên hiểm trở, chia cắt mạnh, điều kiện giao thông, liên lạc khó khăn, cộng thêm tập quán cư trú khép kín trong dòng họ và tộc người... khiến cho bản Pắc Ma tương đối biệt lập với xã hội bên ngoài, người dân ít được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật hiện đại, nên họ vẫn duy trì phương thức sản xuất nông nghiệp cổ truyền như hệ thống “mương, phai, lái, lín”, phương thức sản xuất đao canh hỏa trủng, ít hoặc không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu... Vì thế, mặc dù người dân bản Pắc Ma canh tác trên diện tích rộng, đầu tư nhiều thời gian và sức lao động, nhưng do kỹ thuật sản xuất lạc hậu, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đơn điệu, không có điểm nhấn và thương hiệu, thị trường tiêu thụ khó khăn nên lao động vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao.

Sau khi chuyển cư đến điểm tái định cư Lả Sẳng, mỗi hộ di dân được phân 400m² đất ở, đồng thời, được hỗ trợ 50 triệu tiền di chuyển và một chuyến xe chở khung nhà và đồ đạc đến điểm tái định cư. Thời gian đầu khi nhà chưa dựng xong, dân bản Quỳnh Tiến phải dựng tạm lán trại để ở, rồi nhờ anh em bạn bè trong bản hoặc thuê người dân bản địa đến dựng nhà, xây công trình phụ... Về diện tích đất canh tác, do quỹ đất ở thành phố Sơn La có hạn, mật độ dân số cao, đa phần diện tích đất đai đã được giao cho cá nhân hoặc tập thể sở hữu nên việc thu hồi đất cho di dân gặp rất nhiều khó khăn, trong thời gian đầu mới chuyển cư đến, di dân bản Quỳnh Tiến không có đất canh tác, lại không quen biết nhiều, nên đa số loanh quanh ở nhà không có việc làm, mọi chi tiêu như mua thức ăn hàng ngày, mua vật liệu xây dựng, trả tiền công xây dựng... đều trông hết vào tiền đền bù di dân. Hơn 1 năm sau khi chuyển đến điểm tái định cư Lả Sẳng, các cơ quan ban ngành có liên quan mới giao được đợt đất sản xuất đầu tiên cho di dân bản Quỳnh Tiến. Đến đầu năm 2014, di dân bản Quỳnh Tiến mới nhận được toàn bộ diện tích đất canh tác theo quy định mỗi khẩu là 3500 m². Sau khi được phân đất, tuy rằng có đất canh tác nhưng diện tích đất canh tác được phân cho di dân bản Quỳnh Tiến đa phần nằm rải rác ở các sườn đồi có độ dốc cao, cách xa nguồn nước, đất bị xói mòn và bạc màu nghiêm trọng, chi phí dành cho cải tạo đất cao. Việc chuyển cư từ vùng đất có tài nguyên nước phong phú ven sông Đà, tới định cư ở khu vực địa hình cao, khô lạnh, thiếu nước của cao nguyên Sơn La khiến cho cơ cấu cây trồng, kỹ thuật sản xuất, cơ cấu ngành nghề của di dân bản Quỳnh Tiến xuất hiện những thay đổi lớn, hình thức kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp với canh tác lúa nước chiếm vị trí chủ đạo bị thay thế bởi hình thức kinh tế nông nghiệp hàng hóa, canh tác trên nương rẫy với các cây đặc sản địa phương như ngô, sắn, mận hậu, cà phê chiếm vị trí chủ đạo. Diện tích đất canh tác hạn chế ở điểm tái định cư kéo theo sự biến mất của cây bông, cây chàm và nghề dệt truyền thống. Không gian sống bị thu hẹp cũng khiến cho việc chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, dê bị thay thế bởi chăn nuôi gia cầm gà, vịt, ngan và lợn. Ngoài tài nguyên đất và tài nguyên nước hạn hẹp ra, tài nguyên rừng ở điểm tái định cư cũng cạn kiệt và khoảng hơn chục năm lại đây chính quyền thành phố Sơn La thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho các hộ dân địa phương trông coi, bảo vệ, khai thác, hoạch khoanh vùng rừng đầu nguồn bảo vệ và cấm khai thác dưới mọi hình thức. Khi mới chuyển cư đến điểm tái định cư Lả Sẳng, di dân bản Quỳnh Tiến theo tập quá cũ vào rừng hái măng, hái rau, lấy củi... dẫn đến mâu thuẫn, hiểu lầm giữa di dân và cư dân địa phương.

Để thích nghi với cuộc sống mới, thời điểm mới chuyển cư đến điểm tái định cư Lả Sẳng, chưa được phân đất canh tác, người dân bản Quỳnh Tiến ổn định nhà cửa xong liền bắt xe quay về quê cũ tranh thủ nước hồ thủy điện chưa ngập đến nơi để trồng trọt trên diện tích đất canh tác cũ hoặc rủ nhau đi thu hái cà phên, mận hậu, sắn... cho người Thái đen bản địa để kiếm thêm thu nhập, giảm bớt áp lực kinh tế, đồng thời tìm hiểu các loại giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với địa phương, kỹ thuật canh tác, phương thức tiêu thụ... Họ dùng một phần tiền đền bù di dân để mua xe máy và điện thoại phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, đi lại thăm hỏi bà con làng xóm cũ và vận chuyển, mua sắm hàng hóa... Số tiền còn lại được họ gửi tiết kiệm phòng khi khó khăn. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình trong bản Quỳnh Tiến đều trồng một vườn rau trước nhà, làm chuồng nuôi gà, vịt, lợn để bổ sung thức ăn cho gia đình, khi cần thiết hoặc thừa lại mang đi bán để tăng thêm thu nhập. Sau khi nhận được đất canh tác, dựa vào kinh nghiệm sản xuất của mình cộng thêm kiến thức mới học được nhờ chủ động quan sát, hỏi han kinh nghiệm trồng trọt của cư dân địa phương và kỹ thuật trồng trọt từ cán bộ khuyến nông, người dân bản Quỳnh Tiến quyết định giữ nguyên và tiếp tục khai thác diện tích cây ăn quả được phân, dành một phần đất canh tác trồng cây cà phê vì đây là cây kinh tế có giá trị cao tại địa phương, phần đất canh tác còn lại tiếp tục trồng ngô và sắn để góp phần giải quyết vấn đề tiêu dùng và thức ăn chăn nuôi trước mắt, bổ sung vào số lương thực mang từ quê ra. Họ quan sát thấy cư dân bản địa có xu hướng lạm dụng máy phát cỏ, thuốc diệt cỏ trong quá trình sản xuất, tuy phải đầu tư ít thời gian và công sức hơn, nhưng đất đai bị ô nhiễm, cỏ không được làm sạch tận gốc nên nhanh chóng mọc lại ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Vì thế, di dân bản Quỳnh Tiến chỉ học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm có lợi cho sản xuất của cư dân bản địa nhưng hạn chế hoặc kiên quyết không sử dụng máy phát cỏ hay thuốc diệt cỏ mà vẫn cần mẫn chăm sóc đất đai theo kinh nghiệm của mình. Ngoài ra, để tăng thêm hiệu quả sử dụng đất, họ còng trồng xen kẽ đậu, lạc, bí vào vườn cà phê hoặc cây ăn quả. Họ dùng một phần tiền đền bù di dân và hỗ trợ sản xuất để đầu tư mua phân bón, giống cây trồng chất lượng cao... Nhờ giống tốt, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cộng thêm kinh nghiệm canh tác phong phú và lao động cần cù, chăm chỉ, nên cà phê của dân bản Quỳnh Tiến chỉ mới trồng hai năm đã bắt đầu được thu hoạch sớm hơn một năm so với dân bản địa trồng và “sản lượng ngô và sắn ở điểm tái định cư cao hơn nhiều so với quê cũ, hiệu quả sản xuất cũng ngày càng được nâng cao” (PVS, Nam, 1950, Nông dân). Có thể thấy, sau di dân, tuy không còn được hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên như trước kia, nhưng nhờ vị trí địa lý thuận lợi nằm ngay trong thành phố Sơn La, điều kiện giao thông, các công trình công cộng, dịch vụ xã hội, nền kinh tế thị trường phát triển và sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, nên di dân bản Quỳnh Tiến có nhiều cơ hội học hỏi và tiếp xúc với nguồn thông tin mới và kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại. Nhờ thế, khi sản xuất họ chỉ phải bỏ ra ít thời gian và sức lao động hơn so với trước kia, nhưng vẫn đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều này, giúp họ có thêm thời gian để nghỉ ngơi, thăm thú người thân và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của đô thị hóa và kinh tế thị trường, cuộc sống của di dân bản Quỳnh Tiến không còn đơn giản như trước kia chỉ cần chăm chỉ lao động, làm ruộng nương là hoàn toàn yên tâm về cái ăn cái mặc. Sau khi di dân ra thành phố, ngoài một số ít những thứ họ có thể tự sản xuất được như rau, trứng... ra, “cái gì cũng phải bỏ tiền ra mua, có tiền mới sống được, mức chi tiêu cũng cao hơn nhiều” (PVS Nữ, 1965, Giáo viên), ở thành phố “sống bằng tiền, không có tiền thì không sướng được, không có tiền thì không ra được” (PVS Nữ, 1984, Nông dân), áp lực về “mức tiêu dùng thành phố với thu nhập của nông dân” bắt đầu hình thành và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bản Quỳnh Tiến, nên họ nhận định để có cuộc sống thoải mái cần phải học cách kiếm tiền. Để kiếm thêm thu nhập, những lúc nông nhàn, một số phụ nữ, trẻ em và người già bản Quỳnh Tiến rủ nhau đi hái cà phê, mận, thu sắn, phơi sắn, ngô thuê cho cư dân bản địa hoặc thái sắn thuê cho một số xưởng thu mua và chế biến nông sản gần bản, một số khác lại mang rau quả, trứng, gia cầm... gia đình sản xuất được ra chợ bán. Nam thanh niên trong bản cũng đi vác ngô thuê, buôn bán nông sản... để kiếm thêm thu nhập. Có một số hộ trong bản mở sạp bán hàng tạp hóa, bán thịt lợn, bán quần áo, sửa xe máy... phục vụ bà con trong bản và khu vực lân cận. Thậm chí, một số thanh niên trong bản bắt đầu xuống tận thành phố Sơn La bán hàng hoặc bưng bê cho các hàng quán hoặc làm công nhân trong nhà máy xi măng, nhà máy gạch. Có người còn xuống tận Hà Nội, vào Nam làm công nhân trong các công ty hoặc các khu công nghiệp. Nhờ năng động, sáng tạo, chủ động học hỏi, di dân bản Quỳnh Tiến thật sự đã học được cách làm kinh tế, cách kiếm tiền, đời sống kinh tế của họ ngày càng ổn định.

“Hiện tại cái lớn nhất của dân ở những điểm thế này là người ta đã biết sản xuất hàng hóa thị trường. Sản xuất để bán chứ còn ăn thì để ít thôi, thế nên là người ta phát triển rất nhanh sản xuất hàng hóa, nhờ thế người ta mới có tiền, còn ở quê cũ thì mình đã không làm được sản xuất hàng hóa, không cung cấp thị trường thì mình không có tiền tiêu. Nên sau khi chuyển cư ra đây, có nhiều hộ di dân đã có nửa tỉ hoặc hơn nửa tỉ gửi ngân hàng”.

(PVS 3, Nam, 1962, Cán bộ)

Có thể thấy, sự chủ động ham học hỏi, tập quán lao động cần cù, chăm chỉ và thành quả trong phát triển kinh tế của di dân bản Quỳnh Tiến không chỉ biến vùng thung lũng vốn được người Thái đen bản địa mệnh danh là “Phiêng Tai” (Tiếng Thái nghĩa là đất chết) trở thành vùng đất giàu có, trù phú, mà còn khiến cư dân địa phương ngày càng nể phục, yêu quý họ, chứng minh bản lĩnh và khả năng thích nghi mạnh mẽ, cũng như sự hòa nhập thành công với cuộc sống lao động, sản xuất ở điểm tái định cư của người dân bản Quỳnh Tiến.

  1. Kết luận

Sau chưa đầy 10 năm kể từ khi chuyển cư đến điểm tái định cư Lả Sẳng, di dân bản Quỳnh Tiến đã biến vùng thung lũng vốn được người Thái đen bản địa mệnh danh là “Phiêng Tai” (Tiếng Thái nghĩa là đất chết) trở thành vùng đất giàu có, trù phú, nhờ thế nhận được sự nể phục, yêu quý của người dân địa phương, xây dựng thành công mối quan hệ xã hội bền vững như quan hệ họ hàng, làng xóm, hôn nhân, bạn bè, đồng nghiệp, bạn học, cha mẹ anh chị em kết nghĩa... với cộng đồng cư dân bản địa, giữ gìn và quảng bá văn hóa truyền thống của người Thái trắng, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa điểm tái định cư, từ đó, chứng minh bản lĩnh và khả năng thích nghi mạnh mẽ, cũng như sự hòa nhập thành công với cuộc sống lao động, sản xuất ở điểm tái định cư của di dân bản Quỳnh Tiến. Để làm được điều này, ngoài sự nhanh nhạy, chủ động trong cuộc sống, sự kiên cường cần cù trong lao động, lối sống lành mạnh và nền tảng văn hóa truyền thống độc đáo của người dân bản Quỳnh Tiến ra, còn nhờ sự quan tâm toàn diện của nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đến cuộc sống của di dân và cả người dân điểm nhập cư, nhờ chính sách di dân không chỉ quan tâm đến hỗ trợ về kinh tế, tư liệu sản xuất, kỹ thuật sản xuất, mà còn vận dụng linh hoạt những hiểu biết về tâm lý, tôn giáo, văn hóa của di dân, giúp di dân nhanh chóng thích nghi và hòa nhập vào cuộc sống tại điểm tái định cư. Ngoài ra, sự bao dung, thân thiện, nhiệt tình của người dân địa phương cũng là một nhân tố quan trọng làm nên thành công của quá trình hòa nhập xã hội của di dân bản Quỳnh Tiến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Nguyên Anh (2008) “Công tác di dân, tái định cư trong các công trình thủy điện ở nước ta từ góc nhìn xã hội học”, tạp chí “Xã hội học”, số 2 (102), 2008 : 23-27
  2. Goldscheider. Urbanmingrants in Developing Nations. Westview Press, 1983.
  3. Lê Sĩ Hải (2016) “Sự hòa nhập lối sống đô thị của dân nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí “Văn hóa nghệ thuật”, số 382, tháng 4/2016 http://www.vhnt.org.vn/tin-tuc/tu-lieu-trong-nuoc/29750/su-hoa-nhap-loi-song-do-thi-cua-dan-nhap-cu-tai-tphcm ngày 27/04/2016
  4. Phạm Xuân Đại (1985) “Khả năng hòa nhập và mức độ ổn định của các cộng đồng di dân tại Đông – Tây Nam Bộ”, “Xã hội học”, số 4, năm 1985: 85-90.
  5. Phạm Xuân Đại (1986) “Mấy vấn đề tâm lý của người chuyển cư đi xây dựng vùng kinh tế mới”, tạp chí “Xã hội học” số 4, 1986: 54-60.
  6. Phạm Xuân Đại “Một vài cảm nhận về mấy vấn đề xã hội và khả năng hòa nhập cộng đồng trong quá trình di dân xây dựng công trình thủy điện Sơn La qua khảo sát xã hội học tại xã Cò Nòi”, tạp chí “Xã hội học” số 3(63), 1998: 54 - 61.
  7. Phong Tiếu Thiên(2006) “Cuộc sống sau di dân: Thích nghi xã hội của di dân ngoại tỉnh công trình thủy điện Tam Hiệp” trích “Tạp chí Khoa học xã hội Giang Tô”, kỳ 3, năm 2006, tr.82.
  8. Trịnh Thị Quang (2004) “Chính sách di dân lao động và phân bố dân cư miền núi Việt Nam” trích “Xã hội học” số 2 (86), 2004: 51-64.

[1] Số liệu công bố ngày 30/9/2013 của UBND Phường Chiềng An.

Trần Hạnh Nguyên

(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Thái học lần VIII)