Tục lệ cưới xin của người Khơ Mú trải qua nhiều bước với nhiều nghi thức như: tìm hiểu, dạm ngõ (Prkhát cămbrạ), ăn hỏi (giomanh căm brạ), xin ở rể (Manh veech gút cămbrạ), tiễn rể sang nhà vợ (Srông veech gút cămbrạ), lễ hợp hôn (Pưn đệ), lễ cưới (căm brạ) và lễ lại mặt (hấp êm). Trai gái Khơ Mú đến tuổi cập kê được quyền làm quen và lựa chọn người bạn đời. Việc tìm hiểu thường qua các dịp lễ tết, cưới hỏi, những tuần trăng sáng hay qua lao động sản xuất. Để đi đến hôn nhân, người Khơ Mú có tục “do lạ con lưm” gần giống như tục chọc sàn của người Thái.

Đến tuổi 15 trở đi, con trai thường đến nhà con gái để tâm sự, tìm hiểu. Nếu chàng trai ưng ý một cô gái nào đó thì tối đến đem theo đàn nhị tới gầm sàn nhà của cô gái – nơi cô vẫn ngủ để đánh đàn gọi mời cô gái ra ngoài tâm sự. Nghe tiếng đàn nhị, cô gái biết có người đến rủ mình ra ngoài hiên tâm sự, cô mở cửa và cầm ghế ra ngoài hiên trò chuyện với chàng trai đến tận đêm khuya.

Trai gái dù đã yêu nhau từ trước hay do cha mẹ sắp đặt trước đều phải trải qua các bước nghi lễ sau:

Lễ ăn hỏi là bước đầu tiên của chu trình hôn lễ mà tất cả mọi người đều phải trải qua. Trước khi ăn hỏi, có một lễ gọi là thăm (hỏi bố mẹ cô gái) để xem ý kiến của họ nhà gái về tình cảm của các bạn trẻ. Sau lễ này, sẽ tiến hành trao đổi ý kiến giữa hai gia đình về việc thống nhất cho đôi trai gái đi đến hôn nhân. Bước thứ ba là thông báo cho họ hàng hai bên về quyết định tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ.

Thành phần trong lễ đi hỏi gồm có: ông mối (lam) và bố (hoặc mẹ) chàng trai, cùng với một số người anh em họ hàng chàng trai. Ở Bản Thàn, dẫn đầu đoàn đi hỏi là ông mối, cùng đi có 2 thanh niên nam và 2 thanh nữ trong họ để mang các đồ ăn hỏi sang nhà gái.

Lễ vật trong lễ ăn hỏi gồm có: Trầu cau, 4 lít rượu, 2kg gạo, 1 đôi gà. Ông mối (lam) đặt vấn đề và mục đích chuyến đi với cha mẹ cô gái, truyền đạt ý nguyện của nhà trai muốn cưới con gái họ về làm dâu. Sau khi nhà trai ngỏ lời, cha mẹ cô gái hỏi ý kiến con gái xem cô có ưng thuận thì cha mẹ cô gái nhận lời gả con cho chàng trai. Nhà gái làm một mâm cơm bằng những lễ vật nhà trai đưa sang để làm lễ đính ước giữa hai gia đình (phươm ma rọ manh - bữa cơm ăn hỏi). Lễ vật trong lẽ ăn hỏi sẽ được dùng hết trong bữa cơm đính ước giữa 2 gia đình. Trong bữa cơm thân mật, hai họ cũng bàn đến đến các lễ vật thách cưới và dẫn cưới trong tương lai.

Sau lễ ăn hỏi 1 tháng, nhà trai tìm ngày tốt tiến hành làm lễ cưới (pưn đệ klệ căm brạ). Trong lễ cưới, nhà gái, yêu cầu nhà trai phải nộp các lễ vật như đã thỏa thuận trong khi ăn hỏi, tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, việc thách cưới chỉ còn mnag tính hình thức. Trong lễ cưới của người Khơ Mú ở Bản Thàn, nhà trai phải có 8 đồng bạc trắng để làm đồ thách cưới sang nhà gái cùng với các lễ cật khác như: Lợn 1 con từ 50kg trở lên (xường); gạo 30kg (ở rừng cộ); rượu 60 lít (buych); gà 4 con (hơia); nếu dùng tiền giấy thì phải nộp 250.000đ (cơmur chia); chăn, đệm 2 bộ (đrôc hđăm); vòng cổ 1 cái (xưng klôi); vòng tay 1 đôi (sư ngạch); hoa tai 1 đôi (kân sal); trâm cài đầu 1 cái (xưng gôm); khăn quấn tóc 1 đôi (glự lộp); thắt lưng 1 chiếc (sư eo); váy 1 cái (khôn); áo 1 chiếc (tẹp). Những lễ vật nộp cho nhà gái gọi là “khlương do pân đệ klệ cân brạ”.Đến ngày cưới đã chọn, nhà trai đem lễ vật sang nhà gái. Nhà gái cử đại diện nhận lễ và kiểm lại từng khoản cụ thể (reng bưng rịt khoong). Đồ vật nhỏ thì họ đếm, lợn và gà thì đem cân lại để nắm rõ từng khoản mà nhà trai đem tới. Họ phải làm như vậy để phòng khi ly dị thì căn cứ vào đó bắt bên chủ động ly hôn bồi thường. Tất nhiên, nếu nhà gái chủ động bỏ thì nhà gái phải bồi thường, còn nhà trai bỏ thì không được đòi bồi thường. Khi bàn giao lễ vật cho nhà gái có sự chứng kiến của trưởng bản và hai họ phải hứa cam kết với nhau. Sau đó, nhà trai có trách nhiệm giết thịt các con vật vừa giao cho nhà gái. Lễ cúng tổ tiên được tiến hành tại gian thờ tổ tiên (hoong hrôi gang). Đó là gian đầu hồi ở phía cầu thang khách. Bình thường khi không cúng, bàn thờ (hrôi gang) là một tấm phên đan rộng 50cm x 50cm được gác trên gác gian thờ. Khi cúng, thì người ta lấy hrôi gang xuống đặt trên sàn ngay ở chính giữa gian thờ. Họ bầy các thứ đồ cúng lên trên tấm phên rồi tất cả thành viên gia đình nhà gái cùng với con rể vào ngồi xung quanh bàn thờ. Chủ gia đình là người chủ trì lễ cúng. Nếu cha chết thì người con trai cả thay cha làm chủ gia đình. Chủ nhà khấn gọi linh hồn tổ tiên về dự lễ cưới, thông báo cho ma tổ tiên biết từ nay gia đình có thêm thành viên mới là rể của gia đình, xin tổ tiên hãy phù hộ cho con rể khỏe mạnh. Khấn xong, chủ nhà dùng cơm nếp vẽ lên tóc chàng rể và lần lượt đến tóc các thành viên khác. Sau đó, dùng máu gà bôi lên đầu gối chàng rể và mọi người xung quanh bàn thờ. Kết thúc lễ cúng, những người ngồi quanh mâm thờ ăn một chút làm phép rồi bê mâm ra ngoài nhà cho nhà trai thái thịt bầy ra các mâm để mời dân bản và họ hàng hai bên cùng ăn uống chung. Tiệc cưới kéo dài cả ngày.

Trong đám cưới, nhà trai sẽ phải chịu toàn bộ chi phí lễ cưới tổ chức tại hai bên gia đình.

Người Khơ Mú cũng có tục ở rể như người Thái. Sau khi cưới xong, chàng rể phảiở lại nhà vợ sinh sống và làm bổn phận người rể (rặt khươi). Nhà gái chuẩn bị một số tặng phẩm tặng lại cho nhà trai, gọi là “khrương vệc hợp”. Mỗi người trong gia đình nhà trai được tặng một cái khăn piêu (hrơ vệc) một cái khăn trắng thêu hai đầu (khăn), một bộ quần áo nhuộm chàm (tẹp tưng kha vang) cho bố chồng. Số tặng phẩm này nhà gái tặng cho nhà trai sau khi cưới 1-2 tháng.

Trước đây, hạn ở rể thường từ 1đến 3 năm. Nhiều người vì thời gian ở rể quá lâu nên khi trở về nhà cha mẹ đẻ đã có con 11-12 tuổi.

Khi hết hạn ở rể, bố mẹ vợ phải cho con rể mọi thứ đủ xây dựng một gia đình nhỏ. Chủ yếu là các thứ như: Giống lương thực, lợn giống, chăn đệm, trâu, bò nếu bố mẹ vợ có cũng cho. Nếu nhà vợ quá nghèo, ít nhất rể cũng được cái ninh, đồ phát nương và một đôi vòng.

Lễ Pưn đệ (lễ hợp hôn) thường được tổ chức sau lễ tiễn ở rể từ một đến hai tháng. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm: 1 con lợn từ 20 kg đến 30 kg; 1 con gà trống (để xem chân); rượu từ 10 đến 20 lít; gạo từ 10 đến 20 kg và đầy đủ gia vị thực phẩm cần thiết. Ngoài ra, còn kèm theo ít tiền mặt. Số tiền mặt và lễ vật kể trên sẽ được trừ trong lễ cưới chính thức. Đặc biệt, trong lễ pưn đệ, nhà trai còn mang trầu cau (theo yêu cầu của nhà gái), một bộ chăn, gối, đệm thứ gì cũng có đôi và những vật kỷ niệm cho con dâu (nếu nhà trai có điều kiện) ví dụ: 1 chiếc váy; 1 chiếc áo; 1 chiếc thắt lưng; 1 khăn piêu, vòng cổ, vòng tay...

          Trong lễ này, ngoài họ hàng hai bên còn Tạo bản (Khun cung) đến dự và là người làm lễ kết hôn cho đôi trẻ. Sau lễ này, đôi vợ chồng trẻ mới được phép ngủ với nhau và được quyền sinh con đẻ cái.

Lễ cưới chính thức (Cươi cơmun) được tổ chức sau khi chàng trai đã đã hết hạn ở rể (người Khơ-mú thường tổ chức lễ cưới chính thức vào tháng Mười cho đến ngày 25 tháng Chạp). Trước khi tổ chức lễ cưới chính thức, nhà trai phải cử người mang lễ vật gồm: 1 con gà; 2 chai rượu, gạo sang nhà gái để xin dâu. Sau đó chọn được ngày lành, tháng tốt, nhà trai mang toàn bộ số lượng lễ vật (như hai bên thống nhất) gồm: 1 con lợn 60kg, rượu 100 lít, gà 10 con, gạo 50kg, muối 1kg, vỏ sò đựng trong hộp (úp) gọi là tarader; 1 chiếc gươm, 1 cây giáo… sang nộp cho nhà gái, tổ chức lễ cưới chính thức.Những lễ vật này gọi là “đương cư mun vệc đư gang” (lễ vật đón dâu về nhà). Thành phần đi đón dâu gồm có đại diện cha mẹ chàng trai (chú, bác, cô, cậu), anh em của chàng trai (2 nam, 2 nữ); khoảng 6-8 người.

Lễ cưới chính thức(rước con dâu, cháu) về nhà, cha mẹ chàng trai phải đem một lễ nữa đến nhà gái, gồm các lễ vật như sau: Nhà gái khi nhận các lễ vật này cũng đem cân đo lại để ghi nhớ, sau đó nhà trai giết thịt lợn, gà, chế biến thức ăn để cúng xin phép ma của nhà gái cho phép chàng rể và con gái xuất khỏi họ. Cách làm trong lễ cúng này cũng như trong lễ cúng khi cưới, có khác là khi cưới thì xin phép nhập ma cho chú rể, còn lễ cúng đưa dâu là xin phép tách linh hồn con rể và con gái khỏi ma nhà để trở về sống ở ma nhà trai. Sau lễ cúng, hai họ và dân làng cùng dự bữa tiệc chia tay.

Trong lễ cưới chính thức của người Khơ Mú, có khá nhiều nghi thức diễn ra như:Cúng rượu cần (Bụi cờ đoong) trình báo ma nhà, đặt trầu (Nay plỵ  blu),mở hộp úp(gieng tarađer) do ông cậu bên nhà gái chủ trì để kiểm tra lễ vật do nhà trai mang sang; tạ ơn cha mẹ(Sù dầm bụ),của hồi môn (Kha mông căn đrường con đê),hát xin dâu (Tơm kro cmun), nộp cô dâu (Nộp cmun), tạ ơn ông mối;lễ lại mặt (Hấp êm) diễn ra sau lễ cưới 3 ngày.

Nhà trai khi đón dâu về cũng phải giết một con lợn 60kg, 60 lít rượu, 30kg gạo, 6-7 con gà. Khi các con vật trên đã được giết thịt, chế biến, nhà trai sắp lên bàn thờ cúng trình tổ tiên nhà trai xin phép nhập hộ cho cô dâu. Cách làm cũng như bên nhà gái. Các thành viên trong gia đình cùng cô dâu ngồi quanh mâm cúng tổ tiên ở gian cúng (hoong hrôi gang). Chủ nhà lấy xôi trộn với trứng vê lần lượt vào tóc cô dâu và tóc của mọi thành viên trong gia đình, sau đó lấy máu gà lần lượt bôi vào đầu gối cô dâu và các thành viên gia đình. Ý nghĩa của việc làm trên là xin phép ma nhà chồng nhận hồn cô dâu về sum họp với gia đình và phù hộ cho đôi vợ chồng mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.

Khi chủ nhà cúng xong, mỗi người ăn một chút ở mâm cúng trên bàn thờ, sau đó họ đưa ra ngoài mời dân làng và hai họ cùng ăn uống.

Trong ngày đưa dâu về nhà chồng, nhà gái cũng cử một đoàn gồm bác, chú, cô, cậu, anh em cô dâu đưa tiễn đôi vợ chồng sang tận nhà trai và cũng tham dự mâm cơm đón dâu của nhà trai.

Trường hợp người góa tái giá thì có sự khác nhau đối với đám cưới thông thường. Đối với gái góa đi bước nữa thì đám cưới giản đơn hơn, chỉ cần làm lễ đám cưới nhỏ như “teng gang” rồi đón dâu về nhà chồng. Các nghi lễ ở nhà trai thì vẫn thực hiện như đám cưới bình thường. Nếu đàn ông góa mà đi lấy gái tân phải làm đầy đủ nghi lễ như đám cưới bình thường vì người Khơ Mú quan niệm là “xương âm, đa phau yia ân đạ tồn” (nghĩa là lợn chưa mổ, gà chưa luộc), nên nhà trai phải đáp ứng mọi yêu cầu của nhà gái. Tức là đám cưới phải được tiến hành theo đúng luật tục của người Khơ Mú.

Nếu vợ chồng sống với nhau không còn tình cảm, mâu thuận gay gắt khiến không thể tiếp tục kéo dài cuộc hôn nhân mà hau vợ chồng cùng thuận tình ly hôn thì cộng đồng, luật tục cho phép. Tài sản gia đình và con cái được chia đều cho hai người, chồng nuôi con trai còn vợ nuôi con gái. Trong trường hợp một người muốn ly hôn, người kia không chấp thuận mà dẫn đến chia tay thì người khởi xướng ly hôn chỉ được 1/3 tài sản cũng như con cái.

Trong quan hệ gia đình con dâu phải thức khuya dậy sớm hơn các thành viên khác, phải chuẩn bị giường chiếu cho cả nhà ngủ, sáng phải thức dậy sớm lo cơm nước cho cả nhà, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Thường nàng dâu không ngồi ăn cùng mâm với bố chồng. cô dâu cũng không được tự tiện vào buồng của bố mẹ chồng, đặc biệt là ngồi lên giường của bố mẹ chồng, chỉ khi bố mẹ chồng chết, vợ chồng người con cả mới được chuyển sang giường của bố mẹ đẻ ở nhưng phải thưng lại vách buồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban dân tộc Tây Bắc (1954), Báo cáo về tình hình người Xá Cẩu, Tài liệu đánh máy phòng lưu trữ khu tự trị Tây Bắc.
  2. Trần Tất Chủng (2005), Văn hóa vật chất người Khơ Mú ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  3. Khổng Diễn (1999), Dân tộc Khơ Mú ở Việt Nam, NXB Văn hóa văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  4. Tạ Quang Động (2021), Nhạc cụ đao của người Khơ Mú, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  5. Trần Văn Hà (1999), Tìm hiểu về tri thức địa phương của người Khơ Mú ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp học viện – Viện Dân tộc học, Hà Nội.
  6. Đặng Minh Ngọc (2000), Khảo sát về tình hình kinh tế của người Khơ Mú ở Bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Viện Dân tộc học.
  7. Nguyễn Duy Thiệu (1996), Cấu trúc tộc người ở Lào, Nxb KHXH.
  8. Vương Hoàng Tuyên (1963), Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam, Nxb Giáo dục.
  9. Đặng Nghiêm Vạn (1965), Số liệu về sự thiên di của các bộ lạc Thái vào Tây Bắc Việt Nam, NCLS số 78 -9/1965.
  10. Đặng Nghiêm Vạn (1972), Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb KHXH Hà Nội.
  11. Lịch sử đảng bộ huyện Yên Châu (2018), Nxb Lý luận Chính trị