Quỳnh Nhai là huyện miền núi nằm ở phía bắc tỉnh Sơn La, cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 60 km dọc tuyến quốc lộ 279 theo hướng đông bắc đi Than Uyên (Lai Châu). Quỳnh Nhai được biết đến với những dãy núi non hùng vĩ cùng vùng lòng hồ thuỷ điện (rộng gần 10 nghìn ha) đẹp mộng mơ, hiện đang là một trong những điểm thu hút du lịch của Sơn La, đồng thời Quỳnh Nhai còn được biết đến với nhiều lễ hội văn hoá độc đáo của bà con các dân tộc nơi đây như kin pang then (ăn mừng mệnh trời), lễ hội gội đầu... Trong đó phải kể đến lễ hội đua thuyền đã xuất hiện từ lâu đời được cha ông truyền lại và duy trì, gìn giữ qua các thế hệ.

      Chúng tôi đến thăm mảnh đất Quỳnh Nhai vào dịp UBND huyện đang cùng bà con các dân tộc tưng bừng tổ chức ngày hội đua thuyền truyền thống (ngày 10 tháng Giêng) hàng năm.

     Cũng như bao du khách khác tham dự lễ hội, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là đền Linh Sơn Thuỷ Từ và đền thờ Nàng Han - hai đền thờ văn hóa tâm linh gắn bó trong đời sống của nhân dân Quỳnh Nhai hàng mấy thế kỉ nay. Tại đây, vào trước giờ khai hội đua thuyền, Ban tổ chức huyện uỷ, đại diện lãnh đạo tỉnh cùng bà con nhân dân sẽ tiến hành làm lễ dâng hương để cầu mong một năm mới tốt đẹp, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công trong sự nghiệp xây dựng và gìn giữ quê hương, bản mường.

     Đền Linh Sơn Thuỷ Từ và đền thờ Nàng Han vốn là hai ngôi đền độc lập, có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ XIV do bà con dân tộc thiểu số dựng nên. Từ năm 2003, theo chủ trương của Nhà nước về việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La, bà con các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện công cuộc di dân tái định cư đến nơi ở mới, chính vì vậy nhiều di sản văn hoá trong đó có đền Linh Sơn Thuỷ Từ và đền Nàng Han cũ đều đã bị ngập sâu trong nước.

     Thể theo nguyện vọng của bà con nhân dân, kết hợp với  chủ trương của Nhà nước, UBND huyện Quỳnh Nhai đã tiến hành xây dựng dự án phục dựng di tích đền thờ Linh Sơn Thủy Từ và đền thờ Nàng Han thành một khu di tích mới hiện toạ lạc trên khu vực đồi Pú Nghịu xã Mường Giàng.

     Đền Linh Sơn Thuỷ Từ là ngôi đền thờ các vị thần linh (thần sông, thần núi) vốn nằm trên địa phận bản Mường Chiên, xã Mường Chiên. Theo tài liệu do Phòng văn hoá huyện Quỳnh Nhai cung cấp thì địa điểm chọn dựng đền xưa kia chính là nơi hai dòng suối Nặm Chiên và Nậm Cỏ chảy đối diện để đổ ra sông Đà tạo thành ngã ba sông suối, là vùng đất có thế địa linh nhân kiệt và có ý nghĩa về mặt tâm linh. Người dân nơi đây tin rằng các lực lượng siêu nhiên trên trời gồm then luông và các vị then là đấng cai quản đất, trời, con người và vạn vật. Còn ở trần gian bất cứ nơi nào cũng có các vị thần cai quản. Chính vì vậy, từ mấy trăm năm trước đền thờ đã được xây dựng và là nơi bà con nhân dân trong vùng đến làm lễ cầu mong các vị thần sông, thần núi và các vị anh hùng có công khai hoang xây dựng quê hương Quỳnh Nhai… phù hộ cho con cháu luôn được mạnh khoẻ làm ăn phát đạt, bảo vệ mùa màng, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, cuộc sống an lành và gặp nhiều may mắn. Từ đó, đền Linh Sơn Thuỷ Từ trở thành nơi hội tụ để sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng các dân tộc trong toàn huyện.

     Từ đền Linh Sơn Thuỷ Từ, đi tiếp vào phía trong khoảng 100m sẽ đến đền thờ Nàng Han – vị nữ anh hùng trong lịch sử đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Tuy nhiên ở mỗi vùng miền lại có những truyền thuyết khác nhau về Nàng Han. Tại Quỳnh Nhai, truyền thuyết về Nàng Han vẫn là câu truyện được lưu truyền và kể mãi qua các thế hệ: Nàng Han tên thật là Nàng Ỏ, vốn xuất thân trong một gia đình người dân tộc Thái (Thái trắng) ở xã Chiềng Xa, Mường So (nay là huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng là người có tài, anh dũng, mưu trí, sáng suốt, nết na, xinh đẹp được quan niệm như một vị nữ thần của dân tộc Thái. Khi đất nước bị giặc phương Bắc xâm lấn, Nàng đã giả trai, dũng cảm cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân yêu nước đánh giặc. Nàng dùng vỏ chăn của mình làm cờ khởi nghĩa cùng đồng bào 16 châu Thái đánh giặc ngoại xâm. Quân của Nàng đánh đâu thắng đấy được nhân dân trong vùng cảm phục và đồng tình ủng hộ hết lòng. Khâm phục ý chí chiến đấu của Nàng nên lúc bấy giờ trong vùng đã lưu truyền câu hát:

“Dắng nặm hẩu Nang Han pay lợc, tặp sấc hẩu Nang Han pầy cón”

(dịch: Lội nước Nàng Han lội chốn sâu hơn, đánh giặc Nàng Han dẫn đầu)

     Lúc Nàng Han và quân sỹ đánh đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi là vào buổi trưa ngày 30 tết Nguyên Đán. Nàng đã hạ lệnh cho quân sỹ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Cũng từ đó, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Chạp, nhiều nơi đã duy trì lễ gội đầu với ý nghĩa xua đi những gì không may mắn trong năm, cầu mong cho mưa thuận gió hoà và những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.

     Cũng giống như truyền thuyết Thành Gióng của người Kinh, truyền thuyết Nàng Han là bản anh hùng ca lịch sử hào hùng của dân tộc Thái và một số dân tộc khác ở Tây Bắc. Nó chứng tỏ truyền thống yêu nước, xả thân vì Tổ quốc, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ. Đó chính là cội nguồn sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.

     Sau khi làm lễ dâng hương tại đền Linh Sơn Thuỷ Từ và đền thờ Nàng Han, đoàn người dự hội tiếp tục di chuyển về khu vực cầu Pá Uôn (xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai), nơi sẽ diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống. Ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con nhân dân trong toàn huyện và du khách thập phương đã đổ về đây, ai ai cũng háo hức, chờ đợi đến giờ khai hội.

     Quê hương Quỳnh Nhai gắn liền với dòng sông Đà hùng vĩ vì thế sông nước có mối liên hệ đặc biệt đối với đời sống của bà con nơi đây. Bà con quan niệm rằng, những ai giỏi chèo thuyền là những người có khả năng chinh phục sông nước và thuận lợi trong làm ăn, sinh sống. Nên từ đó, trong bản làng đã hình thành những cuộc đua thuyền với quy mô nhỏ. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2011, UBND huyện Quỳnh Nhai đã bắt đầu tổ chức ngày hội đua thuyền truyền thống với quy mô lớn, thống nhất trong toàn huyện. Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp văn hoá trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Quỳnh Nhai. Thông qua lễ hội, góp phần khơi nguồn sáng tạo của cha ông, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, cùng nhau vươn lên, vượt qua thách thức trong cuộc sống.

     Tham dự lễ hội đua thuyền năm nay có 11 đội với sự tranh tài của 295 vận động viên (VĐV) đến từ 11 xã trên địa bàn toàn huyện. Các đội cùng tham gia thi đấu ở 5 nội dung: Nội dung thứ nhất 20 VĐV nam, nội dung thứ hai 20 VĐV nữ, nội dung thứ ba 10 VĐV nam, nội dung thứ tư 10 VĐV nữ và nội dung thứ năm 10 VĐV nam nữ phối hợp. Với sự say mê, lòng nhiệt huyết và quyết tâm chiến thắng, các đội tham gia thi đấu đều nỗ lực hết mình, cống hiến cho người xem những cuộc đua đặc sắc, gây cấn. Hai bên bờ sông và khu vực cầu Pá Uôn hàng nghìn khán giả đứng vây xem. Họ hò reo, phấn khích theo nhịp chèo của từng đội đua. Kết quả chung cuộc dù thắng hay thua thì nụ cười vẫn luôn nở trên môi các VĐV cũng như khán giả bởi với họ thắng, thua không phải là vấn đề trọng yếu mà họ coi đây chính là một dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng có ý nghĩa, là nơi để họ phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng, nơi để họ giao lưu và học hỏi cùng các đội bạn mỗi dịp xuân về. Ngoài đua thuyền, trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao dân tộc khác như: kéo co, bắn nỏ, tung còn… cũng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân.

     Đến với Quỳnh Nhai, hoà mình vào dòng người đông đúc xem đua thuyền chúng ta mới có thể cảm nhận hết được sự vui tươi, hồ hởi của bà con nơi đây cũng như thấy được tầm quan trọng của việc tổ chức lễ hội. Lễ hội đua thuyền truyền thống không chỉ phục vụ nhu cầu về văn hoá, tinh thần cho người dân trong vùng mà qua đó còn góp phần giới thiệu và quảng bá các nét đẹp văn hoá của các dân tộc vùng lòng hồ sông Đà, thu hút khách du lịch và thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện; từ đó phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.


CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC