Giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo, mang tính truyền thống của địa phương. Tạo sức hấp dẫn, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút du khách thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần làm đa dạng, phong phú vốn văn hóa bản địa. Nhằm thúc đẩy phong trào chăn nuôi trâu, bò, phục tráng lại đàn trâu "ngố" phát triển kinh tế đảm bảo thu nhập của các hộ gia đình ngày càng được nâng cao.

     Hàng năm cứ đến ngày mồng 4, mồng 5 tháng Giêng vòng chung kết hội chọi trâu truyền thống bản Tong Tải, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La lại diễn ra không không khí mùa xuân ấm áp trên dải đất vùng cao. Hội được tổ chức ngay tại sân vận động của bản. Khác với các sới chọi  Đồ Sơn, Hải Lựu hay như Phù Yên,  những "ông trâu" ở Tong Tải thường ngày vẫn làm công việc như cày nương, kéo củi, vận chuyển đồ dùng lên nương...chỉ đến khi hội chuẩn bị diễn ra các gia đình mới nhốt riêng những "ông trâu" to khỏe chăm sóc kỹ hơn để đăng kí với ban tổ chức. Tiêu chuẩn trâu tham gia chọi phải là trâu có tuổi đời từ 7 - 8 tuổi trở lên, vòng ngực 200cm, trọng lượng 550kg trở lên, ngoại hình cân đối, sừng to chắc và khỏe, chân móng to đều, nhanh nhẹn, không mắc các loại bệnh gia súc thường gặp, khi đăng kí chủ trâu phải đặt cược số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) với Ban tổ chức để đảm bảo chủ trâu có trâu tham dự không vi quy định của Ban tổ chức.

     Hội chọi trâu năm nay quy tụ 32 ông trâu trong vùng và các vùng lân cận tham, đấu loại trực tiếp vòng 16 con, vòng 8 con, vòng 4 con, giải ba và chung kết. Cơ cấu giải thưởng năm nay thấp hơn năm trước, giải nhất 8.000.000đ, giải nhì 6.000.000đ (sáu triệu đồng) và đồng giải ba 3.000.00đ (ba triệu đồng), ngoài ra Ban tổ chức còn trao cờ lưu niệm cho các chủ trâu tham dự giải và các cặp đấu hay nhất giải. Mặc cho thời tiết nắng gió, các "ông trâu" thể hiện cho khán giả những trận đấu hay, những miếng đánh đẹp mắt. các ông trâu lao vào nhau với sức mạnh kinh hoàng: chảy máu, gãy sừng, bỏ chạy và trượt đuổi tiếng thở phì phò luôn làm cho sới chọi ồ lên cùng với tiếng thúc giục của người thuyết minh trận đấu như tiếp thêm sức mạnh cho các ông trâu.

     Sân chọi được Ban tổ chức gia công kiên cố bằng hàng trăm cây tre, gỗ, dây thép, lạt nứa được đan xen kẽ trên một bãi đất rộng hình chữ nhật có lối để trâu chọi ra vào, cạnh sân bóng của bản, có cửa ra vào được cuốn tấm bạt và chỉ được nhấc lên khi các ông trâu vào chọi, các bậc ngồi vây tròn quanh sới chọi tạo thành tầng lớp, cao thấp để du khách dễ dàng quan sát. Hàng ngàn khán giả đến từ khắp các vùng trong toàn tỉnh đã có mặt từ rất sớm để cổ vũ cho các "ông trâu", nhiều du khách đến đây để thưởng thức cũng có những người đến với Tong Tải bởi sự hiếu kỳ. Len lỏi trong đám đông du khách chúng ta sẽ bắt gặp những thợ săn ảnh đang hướng ống máy về phía sới chọi tìm cho mình 1 bức ảnh cô đọng nhất, cảm xúc nhất của ngày hội.

     Ở Tong Tải mọi nhu cầu vận chuyển, dùng sức trong lao động đều có mặt của các "ông trâu". Họ coi trâu là bạn đồng hành, thành viên trong một năm lao động trên nương rẫy, là công cụ canh tác mùa màng, thắng hay bại đều nhờ cậy vào "đầu cơ nghiệp". Chính sự gần gũi như vậy mà có những cặp đấu nhìn thấy nhau không chịu đánh, Ban tổ chức phải dùng biện pháp kéo dây, huy động trọng tài và các chủ trâu dùng dây thừng buộc mũi trâu kéo 2 đầu trâu vào sát nhau ép đánh. Hội chọi trâu Tong Tải không giết thịt trâu sau khi các ông trâu đã thất trận hoặc thắng trận mà vẫn được bà con mang về sử dụng vào mục đích nông nghiệp ngoại trừ một số trâu bị thua trận không còn khả năng lao động mới đem bán hoặc giết mổ. Người H'Mông tôn trọng con vật, có con vật mới có của cải, mùa màng. Đấy là nét văn hóa đặc biệt của con người trong cách ứng xử với động vật, với vật nuôi thuần dưỡng. Hội chọi trâu đã trở thành nơi giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc H'Mông, nhất là kinh nghiện nuôi dưỡng và chăm sóc trâu hay đơn giản trâu là vật quan trọng đối với người dân nơi đây. Hội kết thúc trong vui mừng của du khách, rôm rả chúc nhau một năm gặp nhiều thành công, chúc mừng thắng lợi của các "ông trâu".

     Hội chọi trâu được tổ chức thường xuyên nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương, tạo sức hấp dẫn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thu hút khách thăm quan, ngày càng thể hiện được chỗ đứng, có sức hấp dẫn với nhân dân và du khách gần xa. Hội tổ chức thường xuyên vào đầu năm mới là hoạt động văn hóa dân gian mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc H'Mông nói riêng và cộng đồng các dân tộc Sơn La nói chung, tinh thần cấu kết cộng đồng và đặc biệt nhân dân trong toàn bản đã duy trì hội chọi trâu hàng năm góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân gian của dân tộc.