Hoà nhịp cùng sự đổi thay của đất nước, trong những năm gần đây Trường Đại học Tây Bắc – cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Tây Bắc Việt Nam và Bắc Lào đang không ngừng lớn mạnh với những bước tiến vượt bậc. Từ một trường sư phạm cấp 2 Khu tự trị Tây Bắc, đến nay Trường Đại học Tây Bắc đã trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Bên cạnh việc đào tạo các chuyên ngành sư phạm, Nhà trường còn mở rộng thêm các khối ngành đào tạo ngoài sư phạm như Nông lâm, Kinh tế, đồng thời các Trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc trường cũng từng bước được thành lập.

     Trên cơ sở đó, ngày 12 tháng 4 năm 2013, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc ra Quyết định số 244 thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá các dân tộc Tây Bắc với chức năng tham mưu, tư vấn giúp Hiệu trưởng tổ chức, triển khai các hoạt động nghiên cứu về văn hoá Tây Bắc, trao đổi, liên kết, bồi dưỡng và bảo tồn văn hoá Tây Bắc.

     Ban đầu khi mới được thành lập, số lượng cán bộ của Trung tâm chỉ có 02 đồng chí. Đến nay, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà trường và sự phát triển của Trung tâm đã nâng tổng số cán bộ nhân viên thuộc biên chế Trung tâm gồm 5 thành viên, trong đó bao gồm 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc và 3 chuyên viên. Ngoài ra, Trung tâm cũng chú trọng mở rộng đội ngũ cộng tác viên ở cả trong và ngoài trường để cùng tham gia các công trình nghiên cứu do Trung tâm chủ trì.

     Trải qua hơn 2 năm hình thành và phát triển, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và triển khai nghiên  cứu khoa học, song với sự cố gắng Trung tâm cũng đã đạt được một số thành quả.

     Tháng 5 năm 2014, Trung tâm đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Định hướng nghiên cứu văn hoá các dân tộc Tây Bắc”. Tại Hội thảo, với sự tham gia của hơn 60 đại biểu là đại diện của các phòng, ban, khoa trong trường , các cộng tác viên và đại diện của các cơ quan chuyên môn tỉnh Sơn La đã đề xuất và thảo luận nhiều ý kiến có ý nghĩa góp phần vào định hướng công tác nghiên cứu văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc của Trung tâm trong giai đoạn trước mắt và những năm tiếp theo.

     Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: Trải qua hơn một năm thực hiện, tháng 12 năm 2014, đề tài nghiên cứu khoa học “Sưu tầm và giới thiệu sản phẩm gốm tại xã Mường Chanh huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La” đã được Hội đồng khoa học Nhà trường tiến hành nghiệm thu và được đánh giá đạt kết quả cao. Đề tài đã phần nào tái hiện lại quy trình sản xuất gốm của làng nghề truyền thống Mường Chanh huyện Mai Sơn, giới thiệu đến độc giả những sản phẩm gốm độc đáo, nổi tiếng một thời không chỉ ở vùng đất Sơn La mà còn được giao thương rộng rãi ở vùng Tây Bắc. Đề tài cũng nêu lên thực trạng sản xuất của làng nghề hiện nay qua đó đề xuất các giải pháp nhằm khôi phục lại làng nghề khỏi nguy cơ đang dần mai một.

     Việc nghiên cứu về vùng đất, con người Tây Bắc cũng đã được nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên chú trọng nghiên cứu, từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, khoá luận tốt nghiệp, cho đến luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ. Chính vì vậy, ngay từ khi Trung tâm được thành lập, chúng tôi đã tập trung thực hiện việc sưu tầm, thống kê, lập danh mục các công trình nghiên cứu văn hoá Tây Bắc đã được giảng viên, sinh viên trong trường thực hiện; đồng thời tiến hành nghiên cứu và tóm tắt lại nội dung các công trình này một cách đầy đủ nhất nhằm tạo nên bức tranh tổng quan để tránh sự trùng lặp trong việc lựa chọn hướng nghiên cứu sau này.

     Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Nhà trường, Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc cũng đã cử đại diện tham gia các chương trình Hội thảo, Hội nghị lớn như Hội nghị Quốc gia Thái học Việt Nam lần thứ VII “Cộng đồng Thái - Kadai Việt Nam: Những vấn đề phát triển bền vững” tổ chức tại Lai Châu (tháng 3 năm 2015), tham gia Ngày hội văn hoá dân tộc Thái lần thứ nhất (Lai Châu - 2014); Ngày hội văn hoá, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 12 (Hoà Bình – 2013), tiến hành thực tế chuyên môn tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã (Sơn La); trao đổi, tìm hiểu về công tác nghiên cứu văn hoá với Sở văn hoá Điện Biên, Sở văn hoá Sơn La… Qua các chuyến đi đó, cán bộ nhân viên Trung tâm đã từng bước được rèn giũa về các kĩ năng trong công tác nghiên cứu, cũng như hiểu biết thêm về đời sống văn hoá các dân tộc Tây Bắc, giúp cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của Trung tâm đạt hiệu quả cao hơn.

     Cùng với công tác nghiên cứu khoa học, việc sưu tầm và bảo lưu giá trị văn hoá vật chất của các dân tộc Tây Bắc cũng được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, trong 2 năm qua, Trung tâm đã tiến hành sưu tầm, mua sắm một số trang phục, nhạc cụ truyền thống của 4 dân tộc H’Mông, dân tộc Dao, dân tộc Thái, dân tộc Mường – 4 dân tộc chủ đạo làm nên nét văn hoá độc đáo của vùng Tây Bắc. Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục sưu tầm chúng tôi đang bắt tay vào triển khai trưng bày hiện vật tại phòng Trưng bày do Trung tâm quản lí để khi đến với Trường Đại học Tây Bắc nói chung và Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc nói riêng chúng ta không chỉ được nghe mà còn được tiếp cận các hiện vật văn hoá cụ thể.

     Mặc dù thời gian thành lập và hoạt động chưa dài, đội ngũ nghiên cứu viên còn thiếu kinh nghiệm song Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc cũng đã đạt được những thành quả nghiên cứu đáng kể. Mục tiêu chiến lược đặt ra cho Trung tâm trong giai đoạn tiếp theo là không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, trình độ chuyên môn nhằm tạo dựng uy tín, vươn lên trở thành cầu nối quan trọng giữa các cá nhân, đơn vị trong việc triển khai các dự án nghiên cứu văn hoá, con người Tây Bắc. Muốn làm được điều này, trước hết cần phải có sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Nhà trường, sự đoàn kết, thống nhất giữa tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm, và quan trọng nhất là Ban lãnh đạo Trung tâm phải hoạch định được hướng đi phù hợp, có chiến lược phát triển cho Trung tâm trong những giai đoạn tiếp theo.