Đến Trung tâm Thông tin Thư viện vào những ngày này bạn sẽ có được cảm nhận đặc biệt về không khí làm việc và học tập rất sôi nổi. Ở bên cạnh thư viện đã nhiều tháng, chứng kiến mọi hoạt động ở đây nhưng tôi chưa thấy không khí đó như những ngày này. Từ sáng sớm các cán bộ của Trung tâm đã có mặt và gần như cùng lúc ấy các sinh viên cũng đã tới Thư viện với hy vọng đọc được tài liệu mình cần và tìm được chỗ ngồi ưng ý.

Trao đổi với một cán bộ thư viện về tài liệu cần tìm mất vài phút, khi quay ra, tôi đã thấy các sinh viên ngồi kín các dãy bàn ở tầng dưới. Hỏi chuyện một sinh viên quê ở Nam Định về số lần đến thư viện trong một tuần, em cho biết thường thì khoảng 4 lần kể cả ngày thứ 7 và Chủ nhật và mỗi lần khoảng chừng 3 giờ đồng hồ. Qua câu chuyện, tôi biết các sinh viên đến thư viện để tìm đọc tài liệu theo yêu cầu của giảng viên và cũng nhân thể tự học, trao đổi về bài học với các bạn cùng lớp. Câu chuyện hướng tôi về phía có chừng bẩy tám sinh viên đang trao đổi về bài học. Cuộc trao đổi rất sôi nổi và hào hứng. Có lúc họ dừng lại đi mượn tài liệu đối chất và tranh luận. Biết tôi là giáo viên văn, một sinh viên muốn tôi giải nghĩa giúp cụm từ chiêng đà thu không trong câu thơ Mặt trời gác núi, chiêng đà thu không của Nguyễn Du. Tôi cũng đã từng hướng dẫn sinh viên học Truyện Kiều nhưng không để ý tới tiểu tiết này nên không dám trả lời ngay đành ghi lại số điện thoại của bạn ấy và hứa trả lời vào buổi chiều. Trở về phòng mình, tôi phải lấy đến bốn cuốn sách ra tra cứu mới đủ tự tin để giải nghĩa cho sinh viên ấy về nghĩa của cụm từ trên.

Một góc phòng đọc

Sau buổi sáng ấn tượng ấy, chiều đến, tôi tới phòng đọc để “thực mục sở thị” hoạt động của thư viện. Lúc 14 giờ 30, các bàn đều hết chỗ, sinh viên nào cũng có một tài liệu. Không khí ở đây lại yên tĩnh tới mức tôi đi trong phòng mà nghe rõ bước chân mình. Tôi lặng lẽ rời phòng đọc, vừa xuống hết cầu thang thì gặp giám đốc từ phòng ra, tôi hỏi mà như một đề nghị:

- Người đọc ngày nào cũng thế này à? Có mở thêm phòng đọc được không?

Anh trả lời:

- Không phải ngày nào cũng thế, dịp ôn thi thì thiếu nhưng cũng có lúc nhiều bàn không có  sinh viên tới đọc.

Nghe anh nói, tôi biết anh nói thật và hiểu được những lo nghĩ của một người đứng đầu đơn vị làm thế nào để trung tâm vừa phục vụ người đọc thật tốt vừa khuyến khích được sinh viên hăng hái khai thác các tài liệu hiện có.

Sáng hôm sau, tôi lại đến thư viện sớm. Cảnh tượng vẫn như ngày hôm trước. Tôi thấy vui. Nhìn vào tấm bảng có dòng chữ Thư viện là kho tàng chứa tất cả của cải tinh thần của con người (G.V Lei Briz) tôi thấy như sáng hơn, đẹp hơn.

Dời thư viện, tôi miên man trong suy nghĩ. Tôi nhớ về lời thầy dạy tôi ngày tôi đỗ vào trường Đại học Sư phạm: “ Người thầy dạy võ cần giữ lại một miếng võ để thủ thân nhưng người thầy dạy chữ thì phải dạy hết những chữ mà mình biết”. Tôi nhớ tới bài học chữ Hán trong kinh Luận ngữ: “ Học giả đáng thủ tam đa: khán đa, tố đa, thương lượng đa, thị dã” ( kẻ đi học phải giữ được 3 điều: đọc nhiều, đặt ra nhiều câu hỏi, bàn bạc, trao đổi nhiều). Tôi nhớ tới điều răn của Đức Phật tổ: “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ” mà hòa thượng Kim Cương Tử đã nhắc nhở mọi người.

Từ câu hỏi của sinh viên, tôi nhớ tới một câu trong Luận ngữ: “Giáo học tương trưởng”. Đúng là sự dạy và học cùng giúp nhau lớn lên. Nếu không có câu hỏi ấy chắc tôi chưa tra cứu từ điển để ghi nhớ ý nghĩa của cụm từ mà sinh viên đã hỏi tôi. Tôi học được từ học trò tôi khát vọng hiểu biết, sự hiểu biết nhờ thầy dạy, bạn bè, đồng nghiệp từ chính học trò và từ Sách – những người Thầy.