Một trong những đòi hỏi cấp thiết về văn hóa hiện nay là giữ gìn bản sắc văn hóa. Tất cả những gì do con người sáng tạo có giá trị đều là văn hóa thì ngôn ngữ là sáng tạo vĩ đại nhất của loài người. Nếu chúng ta coi tiếng kêu của các loài là một dạng biểu hiện ngôn ngữ thì thứ ngôn ngữ đó chỉ có giá trị nhất định ở phương diện thông tin. Ngôn ngữ mà con người sử dụng không chỉ có giá trị thông tin mà còn có giá trị rất nhiều lần hơn thế nữa. Tình trạng mai một ngôn ngữ ngày càng nhiều không phải chỉ ở một dân tộc mà đã diễn ra ở rất nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự mai một ấy không chỉ làm hao mòn bản sắc văn hóa mà còn làm mất đi những giá trị tinh thần mà tổ tiên của các dân tộc anh em đã sáng tạo, lưu giữ và truyền lại với niềm tin các thế hệ con cháu biết quý trọng giữ gìn tài sản ngôn ngữ như báu vật.

Một trong những đòi hỏi cấp thiết về văn hóa hiện nay là giữ gìn bản sắc văn hóa. Tất cả những gì do con người sáng tạo có giá trị đều là văn hóa thì ngôn ngữ là sáng tạo vĩ đại nhất của loài người. Nếu chúng ta coi tiếng kêu của các loài là một dạng biểu hiện ngôn ngữ thì thứ ngôn ngữ đó chỉ có giá trị nhất định ở phương diện thông tin. Ngôn ngữ mà con người sử dụng không chỉ có giá trị thông tin mà còn có giá trị rất nhiều lần hơn thế nữa. Tình trạng mai một ngôn ngữ ngày càng nhiều không phải chỉ ở một dân tộc mà đã diễn ra ở rất nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự mai một ấy không chỉ làm hao mòn bản sắc văn hóa mà còn làm mất đi những giá trị tinh thần mà tổ tiên của các dân tộc anh em đã sáng tạo, lưu giữ và truyền lại với niềm tin các thế hệ con cháu biết quý trọng giữ gìn tài sản ngôn ngữ như báu vật.

Ba mươi năm trước, chúng tôi lên Tây Bắc công tác, đã được các thế hệ đàn anh nhắc nhở cần phải học tiếng địa phương. Ngày ấy, khi đi chợ không biết tiếng Thái thì gặp nhiều khó khăn. Các mẹ, các chị bán thực phẩm ở chợ hầu như không nói tiếng phổ thông. Chúng tôi có tự học tiếng Thái nhưng cũng chỉ là những câu hỏi về giá cả còn thì không học thêm vì công việc hằng ngày ít và gần như không sử dụng tiếng địa phương bởi những người làm việc cùng chúng tôi đều dùng tiếng phổ thông.

Công tác ở một trường chuyên nghiệp, chúng tôi giảng dạy và sinh viên học tập đều bằng tiếng phổ thông. Sinh viên người dân tộc phần lớn là con em cán bộ, viên chức nhà nước và cán bộ địa phương nói tiếng phổ thông giỏi hơn tiếng dân tộc mình. Khoảng những năm cuối thập kỷ bẩy mươi nhà trường có tổ chức dạy tiếng Thái cho sinh viên nhưng về sau không tổ chức nữa nên tiếng Thái - tiếng của dân tộc đông nhất Tây Bắc - cũng ít được các sinh viên người Thái sử dụng hằng ngày trong giao tiếp của các em. Ngay một tác phẩm tinh hoa của văn học dân gian Thái là Sống chụ sôn sao giảng dạy ở bậc Cao đẳng và Đại học mà các sinh viên người Thái cũng không được tiếp cận với văn bản tiếng Thái, dù là bản phiên âm bằng ký tự quốc ngữ.

Thống kê của Khoa Tiểu học-Mầm non tại Đại học Tây Bắc, cho thấy sinh viên người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ rất cao. Càng ngày việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc càng không được chú ý dẫn tới sự mai một càng nhanh. Trao đổi với các sinh viên là người dân tộc thiểu số, chúng tôi được biết số sinh viên nói kém, thậm chí không nói được tiếng của dân tộc mình là phổ biến.

Hơn mười năm trước, tôi đến thăm nhà một gia đình người H’Mông; chồng là bác sĩ, giám đốc trung tâm y tế, vợ là giáo viên. Anh chị có hai cháu nhỏ sắp vào tiểu học. Hôm ấy, anh chị không ở nhà, chỉ có hai cháu và ông bà nội đến chơi. Tôi không biết tiếng H’Mông nên không nói chuyện được với hai cụ. Hai cháu cũng không nói chuyện với ông bà. Tôi đến, các cháu rất vui vì có người nói tiếng phổ thông với chúng. Thế là năm người chia thành hai nhóm: hai cụ nói với nhau bằng tiếng dân tộc còn ba bác cháu tôi thì nói tiếng Kinh. Tôi kể cho các cháu nghe truyện cổ tích, truyện cười. Hai đứa trẻ thích thú, có lúc cười ngặt nghẽo. Gần trưa, hai cụ lại trở về trên quê. Hôm sau, gặp mẹ các cháu, chị nói với tôi: “Em về, các cháu khoe bác đến chơi, bác kể chuyện thích lắm và chúng lại lầu bầu là hai ông bà đến nhà, chẳng nói năng gì, ngồi chán rồi về”. Cả hai chúng tôi cùng cười nhưng điệu cười không được vui lắm vì cả tôi và chị đều nhận ra rằng nhà trường và cha mẹ đã không dạy cho các cháu tiếng dân tộc và các cháu lớn lên khó giữ gìn được bản sắc văn hóa mà thứ thiết thực nhất là ngôn ngữ.

Tôi vừa được dự Ngày Hội Văn hóa đân tộc Thái toàn quốc lần thứ Nhất tại Lai Châu. Lễ hội thật tưng bừng và náo nhiệt, đúng là đã hội tụ những giá trị tinh hoa của dân tộc Thái 8 tỉnh phía Bắc; một hoạt động giàu sắc thái văn hóa, thiết thực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam. Gần như các hoạt động nghệ thuật những ngày ấy, nhất là ở các trại văn hóa đều sử dụng tiếng Thái. Anh Kà Kỳ Vọng, biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam, người dẫn chương trình hôm ấy đã chào mừng khán giả bằng tiếng Thái. Nghe anh nói, ai cũng nhận ra văn hóa Thái qua ngôn ngữ Thái mà anh sử dụng, đã lan tỏa đến tâm hồn khán giả ngay phút đầu tiên của chương trình.

Làm công tác nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, tôi và các cộng sự đều nhận thấy càng cần phải học tiếng dân tộc và muốn giữ gìn bản sắc văn hóa, các dân tộc anh em phải chú ý trước hết giữ gìn ngôn ngữ.

Để giữ gìn được bản sắc văn hóa, tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta phải thấm nhuần thành máu thịt từ tư duy đến hành động để 54 sắc màu các dân tộc anh em cùng hòa quyện bền vững, rực rỡ trong bản sắc Văn hóa Việt Nam mà trước hết phải giữ gìn ngôn ngữ.