Nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ Trung tâm, khảo sát địa bàn nghiên cứu, thu thập tài liệu về văn hóa người Mông Bắc Yên đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác nghiên cứu văn hóa, phát triển du lịch với huyện Bắc Yên, từ ngày 03/5 đến 12/5/2017, đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc do TS.Trần Hạnh Nguyên làm trưởng đoàn đã tiến hành đợt thực tế chuyên môn, khảo sát địa bàn tại xã Tà Xùa huyện Bắc Yên.

          Trước khi đến Tà Xùa, ngày 03/5/2017, đoàn thực tế đã có buổi gặp gỡ, trao đổi công việc với đại diện UBND huyện Bắc Yên. Tại đây, đoàn đã được nghe các ý kiến phân tích, đánh giá chung nhất về các điều kiện tự nhiên – xã hội, đặc điểm dân số, các nguồn tài nguyên tự nhiên có thể dùng trong phát triển du lịch... từ đó giúp đoàn công tác có thể nắm được những điểm khái quát, nổi bật nhất của huyện Bắc Yên. Tại buổi làm việc, phía huyện Bắc Yên cũng nêu rõ: hiện nay, huyện đang bước đầu thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình du lịch văn hóa thí điểm tại xã Tà Xùa, do vậy huyện rất mong muốn có được các ý kiến tư vấn đóng góp từ phía Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc để công việc của huyện được triển khai một cách thuận lợi nhất.

          Sau khi nắm bắt tình hình chung, TS.Trần Hạnh Nguyên - đại diện Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc đã đưa ra một số ý kiến nhận định ban đầu về việc xây dựng mô hình du lịch văn hóa tại Bắc Yên. Theo đồng chí Nguyên, để xây dựng thành công mô hình du lịch văn hóa, chúng ta cần chú ý khai thác cả về nguồn tài nguyên tự nhiên và nguồn tài nguyên nhân văn. Trong đề án phát triển du lịch Tà Xùa – Bắc Yên của phòng Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện đã trình bày rất cụ thể và khá đầy đủ về các nguồn tài nguyên tự nhiên hiện có trên địa bàn huyện, song về nguồn tài nguyên nhân văn – các giá trị về văn hóa, phong tục tập quán... của đồng bào nơi đây (chủ yếu là người Mông) dường như chưa được đề cập đến. Vì vậy, đồng chí Nguyên đã đề xuất với huyện Bắc Yên, cần phải chú trọng hơn nữa trong việc nghiên cứu các giá trị nhân văn của đồng bào các dân tộc nơi đây, đặc biệt là của người Mông Bắc Yên.

          Sau buổi làm việc với đại diện huyện Bắc Yên, sáng ngày 04/5, đoàn công tác tiếp tục di chuyển về địa điểm nghiên cứu chính trong đợt thực tế là xã Tà Xùa. Tại đây, sau khi gặp gỡ, tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo xã, đoàn đã trình bày cụ thể về mục đích, kế hoạch của chuyến đi và mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía lãnh đạo xã Tà Xùa. Phía lãnh đạo xã Tà Xùa đã nhận lời giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn công tác trong quá trình thực địa tại địa phương.

          Thời gian tiếp theo, theo đúng kế hoạch đã đề ra, đoàn công tác đã chia các mảng việc cụ thể cho từng thành viên trong đoàn đảm nhiệm. Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu địa bàn và bắt đầu thu thập thông tin về hiện trạng thị trường du lịch, cũng như đặc điểm văn hóa truyền thống tại trung tâm xã Tà Xùa, bản Mống Vàng, bản Tà Xùa C. Chuyến thực tế kết thúc vào ngày 12/5/2017. Trong quá trình thực địa, đoàn công tác đã gặp không ít khó khăn như thời gian thực tế còn ngắn, địa bàn nghiên cứu hoàn toàn mới, các cán bộ trong đoàn không biết tiếng Mông... nhưng vượt lên những khó khăn, vất vả đó, đoàn công tác chúng tôi đã đạt được những kết quả nghiên cứu bước đầu, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế, đặt nền móng vững chắc cho những đợt công tác sau thành công hơn.

Một số hình ảnh trong chuyến thực địa

Đoàn công tác làm việc với đồng chí Hà Phi Hoàn, Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Yên

 

Hành trình đến với bản Mông

 

Trẻ em vùng cao

 

Hái chè cùng chị em người Mông xã Tà Xùa

 

Một gia đình người Mông xã Tà Xùa

 

Cán bộ Trung tâm tiến hành phỏng vấn người dân địa phương