Trong 02 ngày 29 - 30 tháng 9 năm 2018, tại Khách sạn Century Riverside Huế số 49, Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 53 với chủ đề “Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2018”.

Đến dự có các đồng chí: TS. Nguyễn Thái Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; PGS.TS Nguyễn Dung, Tỉnh ủy viên, PCT UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học; TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Bà Minh Kauffman Giám đốc Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam thuộc tổ chức American Council of Learned Societies cùng đông đảo các nhà khoa học nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các bảo tàng trong toàn quốc; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thông tin, Hội nghị là diễn đàn khoa học thường niên để các nhà khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực có liên quan đến Hội nghị, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ tiếp cận, trao đổi, học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện khả năng, năng lực nghiên cứu khoa học của cá nhân. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Viện Khảo cổ học trong việc đưa Hội nghị hàng năm về các địa phương, như là một hoạt động quảng bá cho ngành khảo cổ học Việt Nam vừa là cơ hội để mọi người đến được nhiều hơn với khảo cổ học.

Về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, PGS.TS Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Nhận thức được vai trò to lớn của Di sản văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực Khảo cổ học, Huế luôn quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là di sản thế giới Cố đô Huế. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về việc gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Hội nghị là cơ hội để Huế mở rộng giao lưu, hợp tác, quảng bá những nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng đất và con người xứ Huế tới bạn bè trong và ngoài nước; là cơ hội để tỉnh nghiên cứu, tham khảo, vận dụng vào việc quyết định các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh trong những năm tới”....

Hội nghị tập trung vào các nội dung chính:

Khảo cổ học tiền sử có 110 tham luận trong đó có tham luận “Nhận diện giá trị của gốm Thái ở Sơn La” do chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc – Trường Đại học Tây Bắc gửi tới Hội nghị;

Khảo cổ học lịch sử 179 tham luận; Khảo cổ học Champa – Óc Eo 40 tham luận;

Khảo cổ học dưới nước 8 tham luận;

Những vấn đề chung là 11 tham luận.

Các tham luận là những phát hiện mới về di tích, di vật và những nghiên cứu chuyên sâu về nhiều vấn đề xuyên suốt trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Hội nghị không chỉ là diễn đàn khoa học chuyên sâu mà còn là dịp để các nhà khảo cổ học chuyên và không chuyên trên toàn quốc gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về những phát hiện mới, những nghiên cứu mới, hướng tới sự hợp tác giữa Viện Khảo cổ học, các trường Đại học, các Bảo tàng, các Khu Di sản trong nghiên cứu khảo cổ học nói riêng, văn hóa nói chung.

Một số hình ảnh tại Hội Nghị