Sáng ngày 04 tháng 12 năm 2018, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam số 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, đã tổ chức Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2018 với chủ đề “Văn hóa nông thôn trong bối cảnh chuyển đổi”.

Tới dự với Hội nghị có: PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng, TS.Hoàng Cầm, Phó Viện trưởng; cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm, quản lý và giảng dạy về văn hóa trong cả nước,…

Hội nghị đã chọn ra 69 bài tham luận có chất lượng tập trung chủ yếu vào 5 nhóm chủ đề lớn:

  1. Những vấn đề lý luận chung về văn hóa nông dân, nông thôn(34 tham luận)
  2. Diện mạo văn hóa, xã hội nông thông hiện nay(22 tham luận)
  3. Sinh kế nông thôn: Cơ hội và thách thức(6 tham luận)
  4. Di dân nông thôn và các chiều cạnh tác động(4 tham luận)
  5. Tái cấu trúc văn hóa, xung đột, thương thỏa, thích ứng, … trong cộng đồng nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay (3 tham luận).

 Đặc biệt, Ban Tổ chức đã chọn ra 06 tham luận trình bày tại Hội nghị:

“Mâu thuẫn giữa ý chí của chính quyền và nguyện vọng của người dân: Bước đầu tìm hiểu việc thờ phụng Lê Ngọc Hân ở quê ngoại của bà” của TS Nguyễn Giáo, Viện Nghiên cứu Văn hóa.

 “Phục dựng lễ hội Điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi” của ThS. Phan Thùy Giang, Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ.

 “Đời sống văn hóa ở một ‘làng tỷ phú’: Phú quý sinh lễ nghĩa hay sự thỏa mãn nhu cầu nhân sinh thực tại” của ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Nghiên cứu Văn hóa.

  “Những thách thức trong việc huy động vốn văn hóa vào việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn hiện nay” của TS Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ.

 “Vai trò của tri thức dân gian trong sản xuất nông nghiệp của người Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An trong bối cảnh hiện nay” của ThS. Lương Văn Thiết, Bảo Tàng Dân tộc học.

 “Nông dân, nông thông Việt Nam qua góc nhìn của nghệ thuật biếm họa” của TS. Vũ Tú Quỳnh, Viện Nghiên cứu Văn hóa.

Sau phần trình bầy các tham luận, các đại biểu dự hội nghị đã có những trao đổi làm nổi bật một số vấn đề được Ban tổ chức quan tâm đó là “Văn hóa nông thôn trong bối cảnh chuyển đổi”. Các tham luận gửi tới Hội nghị cho thấy nghiên cứu văn hóa ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. Những ý kiến trao đổi góp phần gợi mở những hướng nghiên cứu mới về văn hóa, đưa ra các vấn đề nghiên cứu, các vấn đề cần thảo luận, đa dạng góc nhìn, bao quát thực hành văn hóa đương đại, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của đất nước. Hội nghị là diễn đàn chuyên môn để các nhà khoa học công bố những kết quả nghiên cứu mới, chia sẻ những những thành tựu về khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là những thảo luận xung quanh vấn đề văn hóa nông thôn hiện nay.

Một số hình ảnh tại Hội nghị: