Rượu Hang Chú ra đời từ khi nào thì có lẽ không ai có thể nói chính xác thời gian được mà chỉ có thể nói rằng, đó là một sản phẩm ẩm thực cũng như một món đồ uống gắn liền với mọi công việc lớn nhỏ của người Mông Trắng, xã Hang Chú nói riêng và người Mông huyện Bắc Yên nói chung. Nhờ hương vị độc đáo rượu Hang Chú theo năm tháng đã dần chiếm được sự mến mộ, tình cảm của người uống. Đây là loại rượu quý, được bà con dùng cúng bái trời đất, tổ tiên vào các dịp lễ tết, cưới hỏi,... Ở xã Hang Chú, gia đình nào cũng biết nấu rượu, nhưng nấu ngon nhất là các hộ bản Pa Cư Sáng A. Để làm ra rượu Hang Chú, đòi hỏi các công đoạn rất công phu, kỹ càng từ việc chọn nguyên liệu đến quy trình ngâm, luộc, ủ và chưng cất.

Rượu được nấu cách thủy bằng chảo nhôm, trên chảo được đặt một chiếc nồi sạch đựng nước lạnh, khi hơi bốc lên rượu sẽ theo ống dẫn chảy ra ngoài. Rượu ngon phải có vị thơm của thóc, vị đậm đà của men lá, rượu có nồng độ trên 50 độ nên chỉ nhấp một chén đã lan tỏa khắp cơ thể. Đặc biệt, khi uống có cảm giác khoan khoái, dễ chịu, dù có uống say, khi tỉnh dậy cũng không đau đầu. Với mỗi ly rượu thực khách có thể cảm nhận được hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, rượu Hang Chú chính là nét văn hóa độc đáo, là tinh hoa của núi rừng, là đặc sản của huyện Bắc Yên.

  1. Nguồn nguyên liệu

            Người Mông Trắng ở xã Hang Chú, đặc biệt là bản Pa Cư Sáng A, qua nhiều đời đã tích lũy được một công thức nấu rượu độc đáo. Rượu được chưng cất hoàn toàn bằng phương thức thủ công, không chứa chất bảo quản, là thành quả của sự kế thừa và phát triển, mang tính truyền thống của người Mông.        

+ Thóc: Đây là nguyên liệu chính để nấu rượu, thóc dùng nấu rượu là loại thóc tẻ, phơi khô không xát để nguyên hạt, giá thu mua thóc hiện nay là 6000VNĐ/kg.

+ Nhiên liệu dùng để nấu rượu là củi, được khai thác trong tự nhiên mang về phơi khô dùng dần vào việc nấu rượu. Nước dùng để nấu rượu được lấy từ suối chảy từ trên núi cao xuống, các hộ gia đình dùng ống nhựa hoặc tre đục bỏ các mắt giữa các ống để dẫn nước về sử dụng.

+ Men: Hiện nay, trên địa bàn xã không có diện tích trồng cây làm men. Chủ yếu là do người dân lấy từ rừng theo kinh nghiệm hoặc mua men sẵn có trên thị trường. Trước đây, người Mông dùng men từ lá cây rừng (loại cây lá to dài, mỗi cây có 4-8 lá giống cây gừng), lấy lá về cho vào cối giã nhỏ cho thật nhuyễn, vê tròn thành từng cục bằng vốc tay, sau đó cho vào lu cở (gùi của người Mông), phía dưới dải vỏ trấu, phía trên phủ vải kín, ủ từ 9 – 10 ngày rồi bảo quản bằng cách để trên gác bếp cho khô để sử dụng.

  1. Bộ dụng cụ nấu rượu

            - Bếp lò: Bếp nấu rượu phần lớn do tự chế, tự đắp.  Bếp có hình vuông đường kính 1,2m, cao 60cm, kín 3 mặt còn 1 mặt có cửa để cho củi vào khi đun, rộng 40cm.

- Chảo nhôm to: Miệng rộng đường kính 1,2m, cao 40cm, dày dùng để chứa nước (người Mông ưu dùng chảo nhôm bởi vì chảo nhôm có độ bền cao, nhẹ, không bị rỉ sét như chảo gang) và đặt nồi chứa thóc lên trên.

- Nồi đựng thóc: Dùng để chứa thóc, hình dạng giống chiếc chỗ đồ xôi của người Thái. Có tác dụng khi nấu tạo hơi của thóc bay lên trên. Phía trên của chiếc nồi có ống dẫn rượu ra các dụng cụ chứa. Nồi cao 65cm, đường kính đáy dưới 70cm, đường kính đáy trên 50cm, bằng nhôm nguyên chất.

- Xẻng: Loại to chuyên dùng để xúc thóc khi nấu xong ra các dụng cụ chứa, thóc xúc ra để nguội được người dân tận dụng dùng làm thức ăn cho trâu bò, lợn gà.

- Muôi: Là loại muôi to được làm bằng nhôm, gang dùng để múc thóc hoặc nước trong lúc nấu rượu.

- Chảo nhỏ chứa nước: Đường kính 67cm, bằng nhôm đột. Khi nấu nước được thay liên tục để giữa cho nước có độ lạnh nhất định, tạo độ mát. Khi nấu hơi nước bay lên ngấm vào thóc gặp chảo chứa nước lạnh tạo thành rượu theo đường ống chảy ra ngoài nơi có dụng cụ chứa.

- Thùng ủ men: Gồm 02 loại; loại thứ nhất là thùng gỗ dung tích 80 – 100 lít, loại thứ hai là thùng nhựa có nắp đậy, dung tích 160 lít, hiện nay người dân chủ yếu dùng thùng nhựa bởi thể tích lớn, rễ sử dụng và vệ sinh.

- Can nhựa đựng rượu: Dung tích 10 lít, 20 lít.

- Dụng cụ đo nồng độ rượu.

  1. Quy trình nấu

Nấu thóc: Mỗi mẻ nấu khoảng 40kg thóc, thóc được rửa sạch với nước suối, người Mông sử dụng chảo để nấu thóc, sau khi rửa sạch đổ thóc vào chảo sau đó đổ nước suối sao cho gập thóc (khi nấu không đậy vung), đun to lửa khoảng 4h, dùng xẻng xúc ra tấm phên đan bằng nứa được trải sẵn dưới nền nhà. Dàn thóc đều, để khoảng 30 phút cho nguội rồi rắc men lá lên trên trộn đều cho vào thùng, sau đó lấy lá chuối khô phủ kín mặt rồi đắp đất lên trên, mỗi lần ủ thóc khoảng 20 ngày.

Nấu rượu: Cho nồi vào chảo gang chít kín vào các khe hở tiếp giáp giữa nồi với chảo sao cho thật kín sau đó đổ nước vào chảo và cho thóc đã ủ vào nồi, gắn ống dẫn rượu ra phía ngoài có đặt dụng cụ chứa, bên trên nồi là chảo nước được gắn, nhét rẻ ướt vào các rãnh hở phần tiếp giáp giữa 2 dụng cụ, đổ nước lạnh vào chảo trên cùng. Tiếp theo chất củi bắt đầu nấu, trong quá trình nấu nếu hơi nước phì ra chỗ hở thì phải khắc phục ngay bởi hơi nước nước chính là rượu. Ban đầu đun lửa to khoảng 1h cho đến khi nào rượu ở ống chảy thì cho lửa nhỏ lại, kiểm tra thường xuyên nước trên chảo nếu nước nóng thì phải thay nước lạnh vào để giữa mát.

Với 40 kg thóc đã ủ thì nấu được 30lít rượu 30 độ, lấy rượu 40 độ thì được 20lít  mỗi lần nấu khoảng 4h. Để đảm bảo giữa ủ và nấu thường xuyên người ta cứ nấu thóc để ủ 3 nồi thì nấu thành phẩm 3 nồi liên tục trong 1 ngày. Để có được các loại rượu có nồng độ khác nhau họ thường lấy loại 40 – 45 độ sau đó pha với nước mó trong các khe suối sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

  1. Thị trường tiêu thụ

             Nghề nấu rượu tại bản Pa Cư Sáng A xã Hang Chú hiện nay, đầu ra sản phẩm thường phân phối tại nhà, hoặc bán cho người Mông đến gom đi phân phối cho các cá nhân, gia đình có nhu cầu sử dụng ở trong tỉnh hoặc một số doanh nghiệp ở nơi khác. Thông thường, người dân nấu rượu xong để 1 – 2 ngày sau đó bán cho doanh nghiệp đến tận bản thu mua. Bán đổ cho doanh nghiệp thu mua thường xuyên loại 30 độ là 25.000VNĐ/lít, 35 độ là 27.000VNĐ/lít, loại 40 độ = 30.000VNĐ/lít và loại 45 độ = 35.000VNĐ/lít. Một mẻ rượu thóc nấu được 30 lít với giá thành là 25.000VNĐ/lít thì sẽ thu về 750.000VNĐ, trong đó trừ 240.000VNĐ (tiền mua thóc) và 50.000VNĐ (tiền củi đốt) còn lại 460.000VNĐ. Ngoài tiêu thu thường xuyên cho các doanh nghiệp còn có người dân ở các bản, xã lân cận tới mua hoặc khách du lịch mua làm quà biếu. Như vậy thấy được nghề nấu rượu giúp người dân có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình một cách bền vững.

  1. Một số thuận lợi, tiềm năng phát triển làng nghề nấu rượu

- Tiềm năng về con người: Đặc điểm nổi bật là con người dân xã Hang Chú là tộc người chịu thương chịu khó, chăm chỉ luôn tìm tòi hướng đi mới để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như việc tiếp thu kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều đời nay nhằm nâng cao hiệu quả của nghề. Với số lao động thường xuyên, tại chỗ đủ đáp ứng và là điều kiện thuận lợi để công việc nấu rượu tại Hang Chú được phát triển.

- Thuận lợi về chủ trương, chính sách: Việc xây dựng và phát triển làng nghề, sản xuất và kinh doanh rượu Hang Chú được sự quan tâm, nhất trí, đồng thuận cao của Thường trực HU-HĐND-UBND huyện, các cấp chính quyền cơ sở và sự ủng hộ của người dân địa phương. Huyện Bắc Yên đã phê duyệt Đề án: “Mô hình trình diễn phát triển làng nghề, sản xuất và kinh doanh rượu Hang Chú”. Đồng thời, huyện còn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án để đẩy nhanh triển khai, thực hiện. Sau quá trình đầu tư dây chuyền, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, năm 2013, sản phẩm rượu Hang Chú đã ra mắt trên thị trường trong tỉnh với sản lượng bình quân 700 lít/năm.

- Tiềm năng văn hóa, du lịch: Xã Hang Chú có di tích Bãi đá cổ Khe Hổ, đây là một di tích khảo cổ học với nhiều họa tiết, hình họa bí ẩn trên các phiến đá to nhỏ khác nhau. Hang Chú là xã còn khá hoang sơ, phong tục tập quán còn lưu giữ được bản sắc, lối sống đặc trưng của người Mông, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa gắn với làng nghề nấu rượu xã Hang Chú, khám phá cuộc sống của cộng đồng người Mông vùng cao của huyện Bắc Yên. Với những thuận lợi trên sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện, mở ra một hướng đi mới cho bà con địa phương trong phát triển sản xuất kinh tế, ổn định xã hội.

Một số hình ảnh của nghề nấu rượu tại xã Hang Chú: