Tháng 5 năm 2020, trong quá trình thực tế nhóm nghiên cứu (Trường Đại học Tây Bắc) đã phát hiện bộ sưu tập gốm cổ tại gia đình anh Giàng Lao Lữ tiểu khu 3 Thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu (Sơn La).

  1. Loại thứ nhất (số lượng 5 hiện vật)

Màu sắc: đỏ, đen. Kích cỡ: cao 50cm, đường kính miệng 30cm, đường kính đáy 20cm, cổ dài 3 – 5cm, vòng to nhất là 120cm, có họa tiết hoa văn “gờ nổi” ở phần cổ bình, có đính bốn bông hoa xen giữa hai đường gờ nổi. Xuất xứ và nhận định: hiện vật được sưu tầm tại xã Sặp Vạt, đây có thể là các loại mộ nồi do “Phìa tạo” chôn cất, bởi theo người dân khi trận lũ năm 1973 đã làm lộ thiên các bình gốm tại ven suối sau đó người dân phát hiện và mang về sử dụng. Qua trao đổi với người sưu tầm và đồng nghiệp thì đây có thể là loại gốm thời Lê.

 

  1. Loại thứ hai (số lượng 3 hiện vật)

Màu sắc: đỏ. Kích cỡ: cao 50 – 55cm, đường kính miệng 6cm, đường kính đáy 7 - 10cm, cổ cao 8cm, vòng to nhất là 1m. Miệng loe, có gờ, bụng tròn thon đáy, đáy bằng, có họa tiết hoa văn “khắc vạch” trên thân và họa tiết khắc chìm bao quanh ở phần cổ bình, quanh bình gốm được đan bằng loại dây rừng. Hiện vật được sưu tập tại xã Chiềng Đông. Theo nhận định đây có thể là dòng gốm thuộc thế kỷ XVIII.

  1. Loại thứ ba (số lượng 2 hiện vật)

Màu sắc: đỏ, xám. Kích cỡ: cao 15 - 20cm, đường kính miệng và đáy 17cm. Hình trụ đứng có gờ, đáy bằng, có họa tiết hoa văn “khắc vạch” bao quanh thân bình và một số họa tiết khắc chìm ở cổ bình. Hiện vật được sưu tập tại xã Tú Nang, người dân sở hữu bình gốm cho biết gốm được phát hiện và mang từ núi đá về sau đó chuyển trao cho anh Giàng Lao Lữ. Qua trao đổi với đồng nghiệp thì đây là gốm thời Lê Sơ.


      4. Loại thứ tư (số lượng 25 hiện vật)

Màu sắc: đỏ, trắng đỏ, xám, đen. Kích cỡ: đủ loại, hiện vật có miệng loe, vai và thân thu dần về phía đáy, vai xuôi, đáy bằng. Họa tiết hoa văn gờ nổi, hình răng cưa, sóng nước. Hiện vật được sưu tập tại các xã trên địa bàn huyện Yên Châu, dựa vào đặc điểm hình dáng và họa tiết hoa văn thì đây là loại gốm sản xuất tại xã Mường Chanh, được người dân mang tới bán, trao đổi lấy thóc, vải từ những năm 1980 – 1981. Hiện nay, nghề làm gốm xã Mường Chanh, huyên Mai Sơn (Sơn La) còn duy nhất một hộ gia đình còn hoạt động sản xuất gốm.

 

Việc phát hiện bộ sưu tập gốm có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở trong việc nghiên cứu, phát hiện bước đầu cho việc tìm hiểu nghề gốm và các loại hình gốm, các dòng gốm trong quá trình đấu tranh, sinh sống và văn hóa sử dụng của cộng đồng người trên địa bàn tỉnh Sơn La.