Trong 02 ngày, từ ngày 24 đến ngày 25 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 57 năm 2022. Đây là sự kiện nổi bật của khảo cổ học nước nhà trong năm 2022.
Tới dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS. TSKH. Lưu Trần Tiêu, nguyên Thứ trưởng Bộ văn hoá - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia; PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học,… cùng đông đảo các nhà quản lý, nguyên quản lý của các cơ quan Trung ương, địa phương, đại biểu là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu khảo cổ học, quản lý văn hóa trong nước và quốc tế.
Hội thảo đã nhận được 390 thông báo thuộc các tiểu ban cụ thể:
Tiểu ban Khảo cổ học Tiền sử: 55 thông báo;
Tiểu ban Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm: 47 thông báo;
Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử 225 thông báo (trong đó có 04 thông báo của cán bộ Trường Đại học Tây Bắc về các di tồn văn hóa vật chất tại Sơn La: Bốn trụ đá tại huyện Mai Sơn; Phát hiện nhóm di vật tại xã Chiềng Đen. TP. Sơn La; Giá trị tháp Mường Và (Sốp Cộp); Nhóm đồ sành tại xã Chiềng Khương (Sông Mã).
Tiểu ban Khảo cổ học Cham pa – Óc Eo: 40 thông báo;
Tiểu ban Khảo cổ học Dưới nước: 15 thông báo và 8 thông báo về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học, nhằm giới thiệu đến công chúng, cung cấp các thông tin, vấn đề khảo cổ học mới, tiềm năng nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học, góp phần tích cự vào việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá. Với 390 thông báo đã cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam mùa điền dã 2021 - 2022 đã diễn ra sôi nổi đều khắp trên cả nước và đạt được những hiệu quả quan trọng. Nhiều thông báo được thực hiện công phu, nghiêm túc, thông tin khoa học mới bổ sung những cứ liệu văn hoá vật chất, giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của con người và dân tộc Việt Nam. Mục tiêu hướng tới bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.