Từ “coi” trong tiếng Thái có ý nghĩa giáo dục, triết lý và nhân văn sâu sắc. Theo nghĩa đen: “Coi” có nghĩa là từ từ, cẩn thận, bình tĩnh, thận trọng, khiêm nhường, từ tốn… Theo nghĩa bóng: “Coi” có nghĩa là nhắc nhở, răn dạy văn hóa làm người, văn hóa ứng xử… Từ “coi” trong tiếng Thái được dùng trong mọi lĩnh vực: văn hóa, đời sống sinh hoạt…của dân tộc Thái. Từ “coi” là cả một nét văn hóa ứng xử, nó coi như một lời nhắn nhủ giúp mỗi chúng ta cân nhắc, suy nghĩ trong quan hệ học tập, công tác và sinh hoạt…

     Theo nghĩa đen: “Coi” có nghĩa là từ từ, cẩn thận, bình tĩnh, thận trọng, khiêm nhường, từ tốn…

     Theo nghĩa bóng: “Coi” có nghĩa là nhắc nhở, răn dạy văn hóa làm người, văn hóa ứng xử…

     Từ “coi” trong tiếng Thái được dùng trong mọi lĩnh vực: văn hóa, đời sống sinh hoạt…của dân tộc Thái. Từ “coi” là cả một nét văn hóa ứng xử, nó coi như một lời nhắn nhủ giúp mỗi chúng ta cân nhắc, suy nghĩ trong quan hệ học tập, công tác và sinh hoạt…

    Từ “coi” trong tiếng Thái gồm: coi ép, coi hiến, coi bó, coi son, coi ngắm, coi nhăng, coi đu, coi dệt, coi dượn, coi pay, coi ma, coi nhang, coi dóng, coi nho tin, coi khốc tin, coi kin, coi dú, coi au, coi tọp, coi hom, coi khắm, coi chăm, coi pá, coi vậu, coi ổ, coi tố, coi ỉn, coi muôn, coi khắp, coi xé, coi bấng, coi lướt, coi lé, coi dỏng, coi dắm, coi lắm, coi lươi, coi tọp, coi hom…Cụ thể:

- Coi ép, coi hiến, coi ngắm, coi bó, coi son: nghĩa là trong học tập, nhận thức là cả một quá trình, phải có thời gian mới có thể tiếp cận dần dần với tri thức. Dạy học, giáo dục phải có thời gian, phải đúng đối tượng nên trong Giáo dục và Đào tạo từ “coi” có ý nghĩa triết lý sâu sắc. Vì cơ sở, nền tảng  kiến thức lớp dưới, cấp dưới có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cấp học trên. Người Thái có câu: “ Ép kin ép tạ, ép pá ép vạu” – (Học ăn học đo, học nói học thưa). Học sinh, sinh viên nào có ý thức,  có kiến thức phổ thông chắc chắn thì khi học lên cấp trên chất lượng đào tạo, giáo dục sẽ tốt hơn, chất lượng hơn…

- Coi dệt, coi dượn: Theo nghĩa đen nghĩa là Cái gì cũng cần phải học, học làm từ từ từng bước, từng khâu cho chắc chắn thì việc gì cũng sẽ thành công. Theo nghĩa bóng có ý nghĩa răn dạy con người phải chịu khó lao động, thức khuya dậy sớm; học hỏi kinh nghiệm các bậc tiền bối tất sẽ thành công. Người Thái có câu: “Dệt nọi má sú luông chắng puông hang chạng, dệt luông má sú nọi chí chỏi hang nu”

 ( làm từ nhỏ đến lớn sẽ được đuôi voi, làm từ lớn đến nhỏ sẽ được đuôi chuột)

- Coi pay, coi má - coi dóng pay:  Đi đứng phải cẩn thận, phải quan sát kỹ càng mới không vấp, không ngã. Hơn nữa, vì sàn nhà của người Thái hay làm bằng tre nên đi lại hay kêu, phải nhấc chân đi nhẹ nhàng mới không ảnh hưởng đến người xung quanh.  Người Thái có câu: “Côn chạ sương tin nắc, cốn lắc sương tin bâu” -  (người dại tiếng chân đi nặng, người khôn tiếng chân đi nhẹ). Hiện nay, đặc biệt trong tham gia giao thông phải có văn hóa giao thông, phải biết nhường nhịn, phải tuân thủ pháp luật…thì mới an toàn, không gây tai nạn, tránh  tình trạng (nhanh một giây – chậm cả đời)…Thậm chí từ “coi” trong tiếng Thái còn thể hiện trong thi ca của người Thái (coi pay đi ý liếng nha hảy, tốc tin khảm pá mạy nha sảy hám lương).

 - Coi kin, coi dú: “coi kin” nghĩa là Ăn, uống  phải từ tốn, ý nhị - “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; “coi dú” bất kể môi trường nào nhắc nhở con người luôn khiêm tốn, không tranh chấp - tranh giành, sống hòa thuận - chan hòa với mọi người, với hàng xóm láng giềng…

- Coi au, coi khắm: cầm nắm phải nhẹ nhàng, cẩn trọng nhất là những đồ vật dễ vỡ, dễ hỏng (nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa). Trong giao tiếp, bắt tay cũng cần có văn hóa, thể hiện tình cảm mức độ thân thiết; nắm tay, bắt tay chứ không bóp tay, không giơ tay cho người khác nắm…

- Coi pá, coi vậu, coi ổ, coi tô: nói năng phải nhẹ nhàng, từ tốn, dễ nghe – mới vừa lòng mọi người nhất là đối với phụ nữ, người già và trẻ em; Trong giao tiếp tùy môi trường, tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng... phải ứng xử có văn hóa. Người Thái có câu: “Quám pá báu đảy xự, vậu sư hửa măn men chaư căn” – (Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau). “Pá ón xương nặm tan, pá ban xương nặm phởng” – (Nói ngon như đường kính, nói ngọt như mật ong)… Trong giao tiếp, nhất là giao tiếp lần đầu và đặc biệt là đối với con gái phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên.

- Coi ỉn, coi khắp: ăn chơi, múa may, nhảy nhót phải nhẹ nhàng uyển chuyển, đúng nhịp, đúng điệu, đúng nhạc…phù hợp ở từng môi trường, từng điều kiện hoàn cảnh không gây gổ, phá ngang…

- Coi lướt, coi tản: nhìn người phải tế nhị, thoáng qua, vừa nhìn vừa ngắm vừa nghĩ, ngắm nhìn có văn hóa không nhìn chằm chằm sẽ phản cảm…nhìn miếng ăn khác, nhìn người yêu khác, nhìn bạn thân khác…

- Coi dỏng, coi dăm, coi lắm, coi lươi: nghĩa là việc mặc, trang điểm phải nhẹ hàng, phải phù hợp với từng dáng vóc, từng đối tượng, từng hoàn cảnh cụ thể…nhằm tô thêm vẻ đẹp của mỗi người. Người Thái có câu: “Cư dự xấu chăng, cư dăng xấu nái” – (Lôi thôi người ta ghét, lếc thếch người ta khinh). “Cáy chăn pưa khôn, cốn chăn pưa xuổng xửa” – (Gà đẹp vì lông, người đẹp vì quần áo)…

Tóm lại: từ “coi” trong tiếng Thái có giá trị, ý nghĩa văn hóa, giáo dục, triết lý và nhân văn rất sâu sắc, từ “coi” tác dụng và thâm nhập ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.      

Hiện nay hiện tượng tranh giành quyền lực, tranh giành lợi ích, chụp giật lợi ích, ít chia sẻ lợi ích đang tồn tại ở một bộ phận xã hội không phù hợp với lối sống văn hóa, truyền thống của dân tộc Thái. Do đó việc hiểu được, nắm được ý nghĩa của từ “coi” trong tiếng Thái sẽ giúp mỗi chúng ta tự điều chỉnh bản thân và giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội.