Người Khơ Mú tự gọi mình là Khmụ, Kmh mụ hoặc Kừm mụ tuỳ theo cách phát âm ở từng địa phương. Những tên ấy đều có nghĩa là người hay cộng đồng người. Trước năm 1954, người Khơ Mú thường được người Thái gọi là Xả hay Phủ Xả (người Xá), hay Thềnh (Tênh – người ở núi cao).

Người Khơ Mú tại Yên Châu tính đến 2020 có 69 hộ 337 nhân khẩu. Trong đợt khảo sát điền dã tháng 5 năm 2022, tại Bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, nhóm tác giả đã có điều kiện tiếp xúc và ghi nhận được, người Khơ Mú tại Yên Châu tập trung chủ yếu tại Bản Thàn, xã Chiềng Pằn (56 hộ, 295 nhân khẩu); ngoài ra, còn một số sống xen kẽ với các nhóm dân tộc khác (chủ yếu là người Mông, Xinh Mun) tại các xã Phiêng Khoài, Viêng Lán, Nà Và, Tú Nang, Huổi Khoa…;

Bản Thàn có 100% dân số là người Khơ Mú sinh sống (có một số hộ đan xen với các dân tộc khác do quan hệ hôn nhân với các nhóm người Thái, người Mông, người Kinh, người Puộc…) thuộc ba dòng họ khác nhau (Họ Mè từ Mai Sơn di cư xuống; họ Hà từ Nghệ An ra và họ Lừ từ Nghĩa Lộ sang); tên Thàn nghĩa là “người dưng”, bản Thàn là bản của những người dưng được đặt từ thời phong kiến để chỉ những người Khơ Mú đồng tộc nhưng khác họ về cư trú cùng nhau tại bản.

 Bản Thàn tiếp giáp với bản Tô Tang, bản Phát (người Thái) và bản Chiềng Phú (người Kinh); Bộ phận người Khơ Mú ở Yên Châu có quan hệ với những người đồng tộc của mình ở Thanh Hóa, Nghệ An và cũng mới có mặt tại đây khoảng hơn 200 năm.

Do địa bàn sinh sống nên hoạt động kinh tế, đời sống văn hóa của người dân trong bản cũng có nhiều khác biệt. Họ không trồng lúa nương mà trồng lúa ruộng và ruộng bậc thang; ít trồng ngô mà trồng cây mía; nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong tang ma, cưới xin, bên cạnh chịu ảnh hưởng văn hóa của người Thái còn lưu giữ được nhiều nét riêng như tiếng nói, chữ viết; điệu múa au eo truyền thống hay nhiều nghi thức riêng liên quan đến nghi thức đời người như cưới xin, tang ma…

1. Hoạt động kinh tế của người Khơ Mú tại Bản Thàn

1.1. Nông nghiệp

 Hoạt động kinh tế chính của người Khơ Mú là làm nương rẫy, Xả kin xắp phay, Tay kin xắp nặm (Xá ăn theo lửa/rẫy, Thái ăn theo nước/ruộng), gắn với cuộc sống du canh du cư. Cây lương thực chính là lúa nương, ngoài ra còn trồng thêm các loại hoa màu khác như bí, ngô, khoai, sắn, ...; vật nuôi chủ yếu là trâu, bò, gà, lợn.

Khi người Khơ Mú chuyển sang lối sống định canh, định cư, hoạt động kinh tế của người Khơ Mú đã có nhiều thay đổi. Người Khơ Mú tại bản chỉ trồng lúa ruộng, canh tác 1 vụ/năm chứ không làm rẫy như các nhóm Khơ Mú tại các nơi khác.

Lúa nước có hai loại là lúa tẻ và lúa nếp. Hiện nay, người Khơ Mú cũng sử dụng các giống lúa mới giống người Kinh và người Thái như OM 5451, OM 4900, các loại giống nếp nhoi và nếp tan... cứ 1ha thu hoạch được 5 – 7 tạ; có hộ đất tốt và chăm sóc tốt, sản lượng thu được khoảng 8 tạ thóc/ha/năm. Ở bản Thàn, người Khơ Mú đã biết cách sử dụng hệ thống thủy lợi như của người Thái, biết sử dụng nhiều giống lúa mới để tăng năng suất cũng như sử dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học cho canh tác cây lúa.

Vào mùa đông, do thiếu nước nên lúa chiêm xuân ở bản chết nhiều. Bên cạnh đó, những thửa ruộng nước này đều không thuận lợi cho cây lúa nước phát triển (độ màu kém, chỉ có nước một vụ) nên thu nhập từ cây lúa không cao.

Ngoài trồng lúa, bà con còn trồng các loại bầu bí; cây ăn quả quanh nhà (xoài, mận nhưng chưa theo tiêu chuẩn Vietgap nên thu nhập không đáng kể). Cách đây 10 năm, người dân trồng thêm ngô và sắn để bổ sung thêm cho bữa ăn mùa giáp hạt. Ở bản Thàn, cây ngô giữ vai trò chủ đạo do tính chất hợp với khí hậu nóng. Cây ngô được trồng với diện tích 25ha/toàn bản, từ tháng 3, đến tháng 9 cho thu hoạch, năng suất khoảng 6 - 8 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, từ 20 năm trở lại đây, người Khơ Mú tại bản chuyển đổi sang trồng mía bán cho nhà máy Mía đường của huyện Mai Sơn để tăng thêm thu nhập cho các hộ dân trong bản (54/56 hộ trồng). Nhờ cây mía, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nhiều gia đình không chỉ đủ ăn mà còn có tích lũy, mua sắm được các trang thiết bị trong gia đình như tivi, quạt, tủ lạnh, xe máy...

Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, người Khơ Mú ở bản Thàn đã nhận 195ha rừng để chăm sóc và bảo vệ.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở người Khơ Mú đã khá phát triển. Mục đích chăn nuôi chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu trong các nghi lễ, tín ngưỡng như ma chay, cưới xin, dựng nhà mới, cúng bái. Sản phẩm của chăn nuôi cũng chỉ nhằm tự túc, tự cấp là chính, chưa mang tính hàng hóa. Các giống vật nuôi gồm: trâu, bò, lợn, gà, chó, dê. Mỗi hộ trong bản đều nuôi lợn đẻ (2 lứa lợn con/năm có thể bán để tăng thêm thu nhập); bò nuôi để bán khi giáp hạt và phục vụ tín ngưỡng; trâu chủ yếu được nuôi để làm sức kéo... Một số hộ gia đình trong bản cũng nuôi dê để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

1.2. Thủ công nghiệp

Có thể nói, nghề thủ công phổ biến nhất và cũng phát triển nhất của người Khơ Mú là nghề đan lát. Ngoài mục đích sử dụng trong gia đình, các sản phẩm đan lát của họ còn phục vụ trao đổi với các nhóm cư dân khác, nhất là người Thái. Hiện nay, đan lát chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng tại bản, ngoài ra, các hộ cũng mua thêm các vật dụng từ nhựa có sẵn trên thị trường.

Nguyên liệu dùng để đan lát khá phong phú, gồm: Các loại cây họ tre, nứa như tờ nếch (vầu),  tờ la (nứa), tờ rờ se (giang), jạac (vầu đắng), mạy phay (tre gai); các loại dây thuộc họ song, mây gồm 7 loại: bloọng chăng, bloọng chik, bloọng glạ, bloọng grẹt, bloọng nuôl, bloọng rưing, bloọng knệ. Hiện nay, bên cạnh nguyên liệu khai thác trong tự nhiên, người Khơ Mú còn sử dụng một số nguyên liệu công nghiệp (chủ yếu là dây ni lông, dây bao tải dứa) xe làm sợi đan vợt xúc cá. Các sản phẩm đan lát gồm: mâm (phươn), ghế ngồi (săn đên), các loại gùi (yăng, khrông ja, khrông nhịk), ép đựng xôi (ep mah), giỏ tra hạt (hot), bem đựng quần áo (plụm), ghế mây… cho đến các loại thúng, mủng, nong, nia, sàng, sẩy, cót phơi, quạt, lồng gà, các loại đó cá cùng với các sản phẩm đan từ dây cước, gai (chài, vợt xúc cá...).

Trước kia, người Khơ Mú cũng đã biết dệt vải. Họ chỉ dệt được loại vải thô, khổ rộng 30cm, chỉ dùng để may túi, khăn, không đáp ứng được nhu cầu tự túc, tự cấp vải mặc, nên phải dùng các sản phẩm đan lát đổi lấy vải vóc với người Thái về dùng. Tuy nhiên, nghề dệt của người Khơ Mú không mấy phát triển. Hiện nay, không còn thấy khung cửi tại các gia đình trong bản, phụ nữ chỉ thêu khăn piêu vào lúc nông nhàn còn vải may quần áo, phục vụ nghi lễ đều mua ngoài thị trường.

2. Đời sống văn hóa vật chất của người Khơ Mú tại Bản Thàn

2.1. Nhà cửa

Người Khơ Mú ở nhà sàn, cột chôn, mái hình khum mai rùa. Những gia đình chưa có hoặc không có điều kiện làm nhà to thì thường ở nhà nửa sàn nửa đất. Nhà thường có 3 gian, một cầu thang lên xuống; trong nhà có 2 bếp (bếp nấu nướng hằng ngày và một bếp chỉ nấu nướng khi làm lễ giỗ tổ dòng họ).

Bộ khung nhà được liên kết bằng hệ thống cột, sà ngang, sàn, các vì kèo và khung sườn mái. Nhà chủ yếu dùng ngoãm tự nhiên và lạt buộc. Mặt bằng sinh hoạt được chia thành phần ngoài, phần trong, phần trên và phần dưới. Trong nhà cũng được ngăn thành các buồng ngủ. Nơi thờ ma nhà được bố trí trong một buồng riêng, tại gian sát hồi sau. Đây là nơi linh thiêng, nên cấm phụ nữ và khách lạ ra vào.

2.2. Y phục và trang sức

Bộ y phục của phụ nữ Khơ Mú gồm: Áo, váy, khăn đội đầu, dây lưng và xà cạp. Trong các thành tố của bộ y phục nữ, váy, dây lưng, khăn đội đầu và xà cạp đều giống như y phục của phụ nữ Thái Đen. Riêng áo thì khác. Đó là kiểu áo ngắn, xẻ ngực, cắt may bằng vải chàm đen; cổ liền hình trái tim, can nẹp bằng vải đỏ và được khâu đáp thêm hai dải hoa văn chạy sọc từ cổ áo xuống mép tà; khuy cài bằng 4 miếng bạc hoặc nhôm hình chữ nhật gọi là mắc pám. Ống tay áo rộng, được can nối với nách vai áo bằng đường thêu chỉ màu đỏ; phần gấu áo được can bằng vải đỏ rộng khoảng 5cm. Hầu hết phụ nữ, thiếu nữ khi lao động thì đi chân đất, còn khi đi chợ thì đi dép nhựa.

Trang sức phụ nữ Khơ Mú giống với trang sức của phụ nữ Thái Đen, gồm: Vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, trâm cài tóc chế tác bằng bạc hoặc nhôm. Thường chỉ trong các dịp tết lễ, cưới xin, hội hè, người dân mới đeo đồ trang sức, còn ngày thường hay khi đi làm hầu như họ không đeo đồ trang sức.

Bộ y phục truyền thống nam giới Khơ Mú giống với y phục nam giới Thái Đen, gồm: Quần chân què, áo cánh 3 túi, cài khuy bằng dây vải, được cắt may bằng vải nhuộm chàm, màu đen. Hiện nay, nam giới Khơ Mú chủ yếu mặc theo y phục người Kinh..

2.3. Ăn, uống, hút

Nguồn lương thực dùng trong bữa ăn hằng ngày của người Khơ Mú là: gạo, ngô, khoai, sắn, trong đó gạo (nếp và tẻ), ngô là chính; khoai, sắn chủ yếu dùng để độn với gạo. Những khi giáp hạt, mất mùa, thì khoai, sắn, là nguồn lương thực giúp họ vượt qua nạn đói kém. Nguồn thực phẩm dùng để chế biến thức ăn gồm: các loại thịt, cá, côn trùng, nhộng; các loại rau, măng tự trồng hay thu hái trong tự nhiên.

Các món chế biến từ lương thực

 Cũng như người Thái, trước đây, người Khơ Mú chủ yếu ăn xôi nếp đồ (hmạ nưng). Tuy nhiên, họ thường ít khi làm xôi ngũ màu. Quy trình đồ xôi cũng như dụng cụ đồ giống như ở người Thái và các tộc người láng giềng trong vùng. Riêng gạo tẻ thì được nấu theo cách nấu của người Kinh. Ngô, khoai, sắn ngoài luộc/nướng ăn phụ còn được độn với gạo nếp đồ hoặc độn gạo tẻ nấu thành cơm. Ngoài đồ, nấu, nếp còn được nấu trong ống nứa (hmạ lam); gói bánh sừng bò, làm bánh chưng (hmạ gấp) và các loại bánh làm bằng bột ngô, gạo nhân đường.

Các món ăn chế biến từ thực phẩm, rau cỏ

Các món chế biến từ thịt gồm: Luộc, nướng, muối chua, sấy khô (aprui), nấu canh, rang, ăn tái, gỏi. Một trong những món ăn hợp khẩu vị nhất của người Khơ Mú là lam nhoọc hay còn gọi là ả chặn. Đây là một loại canh nấu bằng các loại thịt đã có mùi, trộn rau (10 loại rau non như bí, lá ớt, lá dâu…), bột sả nướng, tấm gạo và gia vị. Canh được nấu trong nồi hoặc cũng có thể đun trong ống nứa. Khi chín, canh thường sền sệt, ăn có vị béo ngậy, thường dùng xôi chấm hoặc ăn với cơm tẻ. Người Khơ Mú cũng có món brịa, ruột non của các loại thú ăn cỏ như kiểu nặm pịa của người Thái. Ruột non trộn gia vị (gừng, bột sả, hạt tiêu rừng, muối, ớt), đun sôi chấm với rau luộc, rau tươi, chấm xôi. Một cách làm nữa là dùng ruột non gác bếp, sau đó nấu với măng tươi.

Các món chế biến từ cá gồm: Nướng, rang, nấu canh (cá không hoặc trộn rau, măng, gạo rang rồi giã như tấm), muối chua, đồ (khi có nhiều cá). Ngon nhất và phổ biến nhất là cá nướng hay cá lam trong ống nứa. Thường thì các loại cá trắng, có vẩy thì nướng, còn cá đen, da trơn thì nấu canh hoặc rang. Món pịa cá trộn gia vị vùi gio bếp, dùng để chấm xôi cũng rất được ưa chuộng.

Các món chế biến từ nhuyễn thể thường là nấu canh, rang với mẻ, làm chẻo (cá con, cua, nòng nọc). Các món chế biến từ rau gồm: Nấu canh, luộc, đồ, nướng, làm nộm, muối chua, vùi gio hay sau này có thêm xào.

 Đồ uống

Do đặc trưng của huyện Yên Châu là trồng rất nhiều chuối nên người Khơ Mú ở bản Thàn có thói quen nấu rượu chuối. Rượu chuối của người Khơ Mú được nấu từ chuối nguyên chất nên rất nặng, không uống được nhiều. Hiện nay, trong bản có khoảng 30 – 40% hộ dân nấu rượu để sử dụng và bán cho các gia đình trong bản. Do vị thơm đặc trưng của rượu chuối tại đây nên rất nhiều người ở các bản khác và quanh thị trấn đến tìm mua. Rượu chuối thường được đóng vào bom (1,5 lít) với giá 40.000 đồng/lít góp phần đem lại thu nhập thêm cho một bộ phận người dân trong bản.

Nói đến đồ uống truyền thống của người Khơ Mú, không thể không nhắc đến rượu cần (bụi xà). Đây cũng loại rượu được người Khơ Mú rất ưa chuộng. Rượu cần là loại rượu được nấu từ sắn, gạo, hoặc ngô, không chưng cất, mà sau khi ủ trong chum thì đổ nước lã vào rồi cắm cần để hút. Cách làm khá đơn giản. Sắn, gạo hoặc ngô được luộc hay đồ chín, tãi ra mẹt rải đều men lên, rồi ủ kín 3 ngày - 7 ngày, sau đó trộn với vỏ trấu đã đồ ấm (nhằm khi uống không bị tắc cần), rồi nhồi vào chum, đặt cạnh bếp lửa từ 3 hoặc 5 ngày trở lên, khi ngửi thấy mùi thơm là có thể uống được. Rượu cần của người Khơ Mú thường có 5 vị: Ngọt, đắng, chua, mặn nồng, nên rất có ích cho việc tiêu hóa. Ở người Khơ Mú, rượu cần được uống trong các dịp tết lễ, cưới xin, lên nhà mới; khi khách quý đến nhà. Có thể nói, tiếp khách bằng rượu cần ở họ, cũng giống như người Kinh tiếp khách bằng nước chè vậy. Bộ đồ dùng để uống rượu cần gồm: Nồi đồng (trước kia) đựng nước lã, nay đựng trong chậu nhôm to, gáo múc nước bằng ống nứa, sừng trâu đong nước và bộ ống cần bằng trúc hoặc mây dùi lỗ.

3. Đời sống tinh thần của người Khơ Mú tại Bản Thàn

3.1. Cưới hỏi

 Tục lệ cưới xin của người Khơ Mú trải qua nhiều bước với nhiều nghi thức như: tìm hiểu, dạm ngõ (Prkhát cămbrạ), ăn hỏi (gio manh căm brạ), xin ở rể (Manh veech gút cămbrạ), tiễn rể sang nhà vợ (Srông veech gút cămbrạ), lễ hợp hôn (Pưn đệ), lễ cưới (căm brạ) và lễ lại mặt (hấp êm).

            Hiện nay, các thủ tục rườm rà trong đám cưới cũng đã được giản lược để phù hợp với nếp sống mới cũng như điều kiện sống của các gia đình trong bản. Tuy nhiên, có một số nghi thức bắt buộc phải có theo truyền thống của người Khơ Mú vẫn được gìn giữ. Thứ nhất, trong đám cưới chính, trên mâm thờ để báo với tổ tiên bắt buộc phải có một đôi gà luộc, thịt lợn để cúng; thứ hai, các thủ tục cần có: 8 đồng bạc trắng, một đôi vòng bạc, 1 đôi chum rượu cần; trong khi tiến hành nghi lễ, đôi vòng bạc sẽ được bỏ vào hai cần rượu để cô dâu, chú rể cùng uống; sau khi uống, đôi vòng bạc sẽ được đeo cho cô dâu cùng với một đôi nhẫn vàng, trâm cài tóc, búi tóc, tóc giả để thực hiện nghi lễ “tẳng cẩu”.     

3.2. Tang ma

Người Khơ Mú quan niệm khi chết, hồn sẽ về sống tại thế giới của ma, được gọi là cuôi ptê nằm trong khu vực nghĩa địa của bản. Người Khơ Mú quan niệm, cuộc sống của người chết trái ngược với trần gian. Nếu ở trần gian là ngày thì dưới đó là đêm và ngược lại và thế giới của người chết cũng có đủ mọi thứ như ở trần gian: Cũng sống thành từng bản làng riêng, mặc quần áo, làm nương rẫy, chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn... như trên cõi trần. Tại bản Thàn, khu rừng ma rộng 1,7ha nằm riêng tại một khu của bản. Đến nay, khu rừng này vẫn đang là khu rừng thiêng của bản, cấm người dân vào chặt phá, chỉ khi có đám ma mới được phép ra vào khu rừng này. Vì thế, nó đang góp phần tạo ra và giữ lá phổi xanh cho sự phát triển của các hệ sinh thái trong rừng và đời sống của người dân trong bản.

Khi có người mất, theo lệ, gia đình phải mổ một con lợn để làm cơm vĩnh biệt người đã chết. Nấu nướng xong, người ta bầy cạnh quan tài một sải vải trắng, một con dao, một chai rượu, một cái bát, một ống nước và một đĩa đựng thức ăn nấu chín, một cái rương đựng quần áo và hai ngọn nến ở phía đầu và phía chân. Theo quan niệm xưa, khi gia đình có người mất, những người thân trong nhà sẽ phải đi tát suối 3 ngày để mò cua, ốc cho vào túi buộc lại để mang về cúng cho người chết. Hiện nay, thời gian chỉ còn là nửa buổi, con rể sẽ là người cắt gói cua ốc này rồi mang đi chôn cùng với người chết.

Thông thường, thi hài được quàn trong nhà hai hoặc ba ngày trước khi đem đi chôn. Hiện nay, chỉ còn để một đến hai ngày trong nhà để đảm bảo vệ sinh cũng như bớt các thủ tục rườm rà.

Mộ người chết được đắp thành ụ cao, bên trên dựng nhà mồ, lợp gianh (hiện nay lợp tôn hoặc xây tùy vào điều kiện của người sống cũng như mong muốn của người chết) và được rào qua loa. Người Khơ Mú quan niệm giống người Thái, người chết là hết nên có tục lệ đào sâu, chôn chặt, không hỏa táng mà địa táng, không có tục lệ thăm mộ như các dân tộc khác.

Theo tập tục của người Khơ Mú, khi trong bản có người chết thì cả bản đều nghỉ việc để lo phúng viếng và giúp tang chủ việc tang ma. Việc giúp đỡ này là hoàn toàn tự nguyện và người Khơ Mú coi việc giúp đỡ này không chỉ là tình cảm mà còn là nghĩa vụ giữa những người trong cộng đồng.