Đến hẹn lại lên, dường như đã trở thành thông lệ cứ đến ngày rằm, mùng một bà con nhân dân các dân tộc thành phố Sơn La lại tề tựu, hẹn hò nhau cùng lên dâng hương, khấn lễ tại đền thờ vua Lê Thái Tông - khu di tích lịch sử - văn hoá của tỉnh Sơn La nói chung và của thành phố Sơn La nói riêng. Không biết thông lệ này có từ bao giờ nhưng nó đã thấm sâu, bám rễ vào cuộc sống, vào tín ngưỡng tâm linh của đồng bào nơi đây từ thế hệ này tiếp nối sang thế hệ khác. Đền thờ vua Lê Thái Tông đã trở thành nơi con người gửi gắm tâm linh và được thả hồn vào thiên nhiênsau những bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường.
Đền thờ vua Lê Thái Tông nằm trên địa bàn tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La. Đền nằm phía bên phải, cách trục đường Lò Văn Giá khoảng 500m. Đền thờ vua Lê Thái Tông và văn bia Quế Lâm ngự chế đã trở thành một tổ hợp di tích lịch sử - văn hoá độc đáo của Sơn La. Bởi lẽ cho đến nay, đền thờ vua Lê Thái Tông vẫn là điểm văn hoá tâm linh duy nhất để đồng bào nơi đây có thể gửi gắm tâm linh, tín ngưỡng của mình một cách chân chính.
Di tích cũng chính là minh chứng ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng, oanh liệt của vị vua trẻ hùng tài, đại lược Lê Thái Tông cách đây gần 600 năm về trước, khi ông lần đầu tiên thân chinh dẫn quân lên miền biên giới Tây Bắc dẹp loạn quân phản nghịch Thượng Nghiễm ở châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu - Sơn La). Được sự ủng hộ của nhân dân và các dân tộc địa phương, quân triều đình nhanh chóng bắt được tên tướng phản nghịch Thượng Nghiễm, dẹp yên quân phản loạn, mang lại bình yên cho miền đất phên dậu phía tây Tổ quốc. Trên đường trở về Thăng Long, vua và quân sĩ có dừng chân nghỉ tại Động La (người dân địa phương còn gọi bằng một tên gọi khác là Thẳm Báo Ké). Đứng giữa đất trời bao la, trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với tầm nhìn xa trông rộng tài chiến lược và tâm hồn thi sĩ nhà vua đã cho quân sĩ khắc lên vách đá bài thơ chữ Hán và tựa đề gồm 140 chữ trong 14 dòng mang tên “Quế Lâm Ngự Chế”. Chính vì vậy, đền thờ vua Lê Thái Tông còn nhiều người biết đến với cái tên đền “Quế Lâm ngự chế”. Di tích này được phát hiện năm 1965 và được Bộ Văn hoá Thông tin xếp bằng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia ngày 5/2/1994.
Đến thăm khu di tích, thắp một nén hương tưởng nhớ, được hoà mình vào thiên nhiên, núi rừng rộn tiếng chim ca lòng chúng ta không khỏi bâng khuâng nhớ về vị vua tài trí một thời. Vua Lê Thái Tông tên huý là Nguyên Long, con thứ của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), mẹ là Cung Từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần - người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương, xứ Thanh Hoá (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá). Ông sinh ngày 20 tháng 11 năm Quý Mão (1423). Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) được sách phong làm Lương quận công. Ngày 6 tháng giêng năm Thuận Thiên thứ hai (1429) được lập thành Hoàng Thái Tử. Ngày 8 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 6 (1433) lên ngôi Hoàng đế, lấy năm sau làm niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất (1434). Đến năm thứ 7 đổi niên hiệu là Đại Bảo (1440) lấy hiệu là “Quế Lâm Động Chủ” nối tiếp hiệu “Lam Sơn Động Chủ” của vua cha Lê Thái Tổ. Lê Thái Tông ở ngôi được 9 năm. Mùa thu năm 1442, vua đi tuần thú về miền Đông Chí Linh - Hải Dương; ngày 4 tháng 8, về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định bỗng gặp bệnh ác rồi băng. Vua Lê Thái Tông ở ngôi 9 năm (1433 - 1442), hưởng dương 20 tuổi, táng ở Hựu Lăng - Lam Sơn - Thanh Hoá.
Mặc dù vua mất khi tuổi còn rất trẻ nhưng với tài thao lược và trí tuệ hơn người của một đấng minh quân thì những gì ông làm được cho sơn hà xã tắc trong 9 năm trị vì của mình cũng đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố vững chắc nền độc lập, tự chủ mà vua cha vừa giành được, đồng thời tạo nên những tiền đề quan trọng đưa triều đại Lê Sơ bước vào thời kì phát triển hùng cường, đưa chế độ phong kiến Việt Nam vào thời kì phát triển đỉnh cao trong lịch sử. Nhận xét về vua Lê Thái Tông, mở đầu “Đại Việt sử kí bản kỉ thực lục” quyển IX của Ngô Sĩ Liên có ghi: “Vua thiên tư thông minh trí tuệ, nối vận thái bình, bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài dẹp nước di địch, trọng đạo sùng nho, mở khoa thủ sĩ, xét tù xử ngục phần nhiều rộng tha”.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, ngày nay khi du khách ghé thăm di tích Quế Lâm ngự chế, chúng ta vẫn sẽ được chiêm ngưỡng bút tích của bài thơ được khắc trên vách đá cao thẳng đứng với những nét khắc còn khá rõ ràng. Bên dưới bài thơ chính là cửa hang, đi xuống mười bậc đá là tới. Ngay khi bước chân xuống tới cửa hang, chúng ta đã có thể cảm nhận được không khí mát mẻ, dễ chịu cùng với đó là được tự do hoà mình với những cảnh đẹp mà nhiên nhiên ban tặng. Các bạn có thể đã được thăm thú nhiều nơi như thăm động Phong Nha - Kẻ Bàng, thăm hang Sửng Sốt, hang Chi Đảy… nhưng khi đến với hang đá Quế Lâm ngự chế mặc dù nơi đây còn nhiều nét đơn sơ nhưng thật không khó để chúng ta nhận thấy rằng những đường nét tạo hình độc đáo trong hang cũng không hề thua kém với các danh thắng kể trên.
Từ di tích Quế Lâm ngự chế, rẽ theo hướng tay phải khoảng 200 m, chúng ta sẽ đến đền thờ vua Lê Thái Tông. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 9/2001 và khánh thành ngày 22/1/2003 để ghi nhớ công đức của vị vua này. Đền được xây dựng trên diện tích 800m2 theo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ Việt Nam, bao gồm các hạng mục: cổng tam quan, sân đền, nhà tả hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung. Nằm ở hướng Nam chếch Đông, nên đền đón được những cơn gió mát mẻ của mùa hè, những tia nắng ban mai và tránh được những đợt gió bấc mùa đông.
Khu di tích Đền thờ vua Lê Thái Tông và văn bia Quế Lâm ngự chế là một trong những di tích lịch sử - văn hoá quan trọng của Sơn La, có tiềm năng trong đầu tư và phát triển du lịch. Chính vì vậy, nằm trong chuỗi Chương trình du lịch năm 2015 và các năm tiếp theo của tỉnh Sơn La, thành phố Sơn La “Hướng về cội nguồn”, trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5 tháng 3 vừa qua, thành phố Sơn La đã lên kế hoạch và tổ chức thành công Lễ hội Đền thờ vua Lê Thái Tông nhằm tôn vinh những công lao to lớn của Người và các tướng sĩ, nhân dân có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước nói chung, bảo vệ miền biên giới Tây Bắc nói riêng. Qua đó ôn lại truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc thành phố Sơn La, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và kế tục sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết xây dựng thành phố Sơn La ngày càng văn minh, giàu đẹp. Hi vọng rằng trong những năm tiếp theo, tỉnh uỷ và các sở, ban, ngành có liên quan sẽ có sự quan tâm hơn nữa, đề ra các chiến lược phát triển để đưa di tích đền thờ Lê Thái Tông nói riêng và các danh thắng của tỉnh nói chung trở thành một tour liên hợp thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh, qua đó quảng bá hình ảnh Sơn La đang từng ngày đổi mới đến với bè bạn trong cả nước.
Tài liệu tham khảo:
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí bản kỉ thực lục, quyển IX;
- Nguyễn Diệu Huyền, Tìm hiểu văn bản bài thơ Quế Lâm ngự chế khắc trên bia đá ở đền Lê Thái Tông, Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia “Ngôn ngữ và văn học vùng Tây Bắc”, năm 2014;
- Kế hoạch tổ chức Lễ hội Đền thờ vua Lê Thái Tông thành phố Sơn La năm 2015;
- wesite: dsvh.sonla.gov.vn; vov4.vn