Từ lâu chúng ta đã không còn xa lạ gì với hình ảnh những ngôi nhà sàn của người Thái ở vùng Tây Bắc nước ta. Nhưng có mấy ai khi nhìn vào ngôi nhà sàn đó mà phân biệt được đâu là nhà sàn của người Thái đen và đâu là nhà sàn của người Thái trắng chưa? Câu trả lời được thể hiện ở 2 cặp khau cút trên nóc nhà sàn, nơi giao nhau ở hai đầu hồi trong mỗi ngôi nhà của người Thái đen. Chính cặp khau cút đó đã tạo nên cái riêng, cái độc đáo chỉ nhà sàn của người Thái đen vùng Tây Bắc mới có. Khau cút không chỉ để trang trí, làm đẹp thêm cho ngôi nhà mà bên trong nó còn ẩn chứa những giá trị nhân sinh sâu sắc.

     Khau cút ban đầu chỉ là hai thanh gỗ ghép chéo vào nhau hình chữ X và được đóng vào đầu hai thanh đòn nóc có tác dụng chắn gió cho mái tranh ở hai bên đầu hồi. Dần dần theo thời gian bằng trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ dân gian, hình ảnh khau cút dần có sự biến đổi trở nên đa dạng và phong phú hơn.

     Nói về nguồn gốc và ý nghĩa của khau cút có nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là cặp sừng trâu cách điệu - biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Cũng có ý kiến, với trang trí hoạ tiết hoa sen, khau cút ít nhiều có liên quan đến Phật giáo. Trong đó, Nhà Thái học Cầm Trọng lại đưa ra quan điểm khau cút là cách điệu của búp cây guột - một loại cây có nhiều ở vùng Tây Bắc thường mọc ở vùng ven sông suối…

     Bên cạnh đó, trong kho tàng truyện cổ tích dân tộc Thái cũng có đề cập đến vấn đề này. Theo “Quăm tô mương” (chuyện kể bản mường), tổ tiên người Thái đen là tạo Xuông, tạo Ngần từ mường Ôm, mường Ai, Xíp Xoong Păn Na vào Tây Bắc Việt Nam theo dòng nặm Tao (sông Hồng), tạt sang phải chiếm lấy Mường Lò (Nghĩa Lộ) làm bàn đạp để rồi tiến mãi đến tận Mường Thanh và những vùng giáp biên giới Lào. Trên chặng đường đi mở cõi một bộ phận dừng chân ở đất Sơn La, một bộ phận lại từ Mường Thanh quay trở lại Thuận Châu (Mường Muổi) và nhiều mường khác để khai mường , lập “tạo”. Và trong buổi chia ly trước khi rời quê hương ra đi tìm miền đất hứa, tổ tiên người Thái đen đã hẹn thề rằng: dù ở bất kì phương trời nào, khi làm nhà họ cũng sẽ gắn lên đầu nóc chái nhà một cái dấu tương tự biểu tượng hình trăng khuyết để sau này các thế hệ hậu duệ của họ có thể nhận ra dòng giống của mình. Sau này, cái dấu mang hình trăng khuyết kia dần được cải tiến và biến đổi trở thành cặp khau cút quen thuộc như bây giờ trên nóc mỗi ngôi nhà sàn của người Thái đen vùng Tây Bắc. Còn với ngành Thái trắng khi thiên di vào vùng Tây Bắc nước ta họ đi theo hai ngả: Một ngả từ đầu nguồn nặm Te (sông Đà), sông Nặm Na di cư xuống và lập mường ở các địa phương thuộc Điện Biên, Lai Châu và ở Mường Chiên - Quỳnh Nhai, Mường Trai và Ngọc Chiến - Mường La… Một nhóm Thái trắng khác từ Lào sang lập nghiệp ở các địa bàn: Mường Sang (Mộc Châu), Phù Yên, Bắc Yên và một số nơi thuộc Văn Chấn (Nghĩa Lộ cũ). Điều này giải thích vì sao biểu tượng khau cút chỉ có trên nóc nhà sàn của người Thái đen vùng Tây Bắc và trở thành biểu tượng đặc trưng của họ.

     Khau cút có nhiều loại khác nhau nhưng tất cả đều được làm bằng gỗ. Mỗi loại đều có 2 cặp và cả 4 chiếc này đều được làm giống nhau. Me cút (tức là thanh cái của các loại khau cút) cũng được làm tương tự nhau. Đó là một thanh gỗ dẹt hình chữ nhật, cũng có thể là đoạn tre bổ đôi. Thanh nào cũng đều được đục thủng ở giữa, sau đó chập vào nhau dùng con sỏ xỏ qua lỗ, chốt phía ngoài lại, kéo vắt dọc trên đòn nóc và buộc giữ. Điểm khác nhau để phân biệt giữa các loại khau cút được thể hiện ở cách thức trang trí phần phía trên của Me cút về đằng ngọn.

     Theo cuốn “Nhà sàn cổ người Thái ở Việt Nam”, tác giả Vương Trung đã chia khau cút thành 5 loại cơ bản gồm: Khau cút Chim, khau cút Tảu, khau cút Pụa Nọi, khau cút Pụa Luông, khau cút Lai Bua.

     Khau cút Chim có thể coi là loại hình có cấu tạo đơn giản nhất. Để tạo thành khau cút Chim, người ta chỉ cần đục lỗ mộng dàn đều ở phần phía trên Me cút về đằng ngọn, sau đó lắp 3 cút dài (là các cút được làm giống que đan chài và vó, dài khoảng 30cm) vào là được. Cái que đan chài vó đó trong tiếng Thái người ta gọi là Chim May, nên cút này được gọi là cút chim.

     Khau cút tảu: Me cút cũng bằng thanh gỗ hình chữ nhật dài khoảng 1.5m, rộng từ 12 đến 15 cm, dày khoảng 5cm. Đầu ngọn được tiện tròn, sau đó tiện tiếp cạnh xuống lồi lõm thành 3 khúc liền, khúc thứ nhất tròn, khúc thứ hai dài gấp đôi khúc thứ nhất và khúc thứ ba tròn như khúc thứ nhất. Các khúc đó được gọi là Cút me vì nó nằm trên thân Me cút. Đục lỗ mộng hai cạnh đối diện của cút dài và lắp hai cút đơn vào. Các cút đó làm bằng gỗ dẹp, rộng và dày ngang Me cút. Các cút rời đều được tiện giống hình quả bầu nước - tiếng Thái gọi quả bầu là Mák Tảu, vì vậy Cút này được gọi là Cút Tảu.

     Chuẩn mực: Sau khi lắp xong thì lấy tâm chính giữa của khúc dài của Cút me mà quay com pa nối 4 điểm cút với nhau được một đường tròn tức là kích thước của sải cánh cút 2 bên dài ngang chiều dọc 3 cút me.

     Khau cút Pụa Nọi: Tiện trên Me cút thành 5 khúc cút liên tiếp: khúc thứ nhất và khúc thứ hai tròn, khúc thứ ba dài bằng hai khúc trên, khúc thứ tư và khúc thứ năm tròn. Sau đó đục lỗ mộng hai cạnh đối diện của khúc dài giữa. Làm hai cút rời lớn giống nhau, mỗi cút gồm khúc ngoài tròn, khúc tròn dài gấp rưỡi khúc ngoài, cắt đầu loe và có mộng ở giữa, đục lỗ mộng hai khúc dài trong, tiếp đó lắp hai cút đơn vào, nó sẽ trở thành một cút kép lớn. Lắp hai cút khép lớn vào hai cạnh khúc dài giữa của Me cút.

     Chuẩn mực: Chiều dài sải cánh của hai cút kép bằng chiều dài của 5 cút me, nếu lấy tâm chính giữa khúc dài của cút me mà quay compa nối bốn điểm cuối của Cút sẽ được một đường tròn.

     Khau cút Pụa Luông: Tiện trên Me cút 7 khúc cút liên tiếp, tính từ trên ngọn xuống. Khúc thứ nhất tròn, khúc thứ hai dài gấp rưỡi khúc thứ nhất, khúc thứ ba tròn, khúc thứ tư dài bằng khúc thứ nhất và khúc thứ hai liền nhau, khúc thứ năm tròn, khúc thứ 6 dài bằng khúc thứ hai, khúc thứ bảy tròn. Đục lỗ mộng đối diện trên khúc thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Làm hai cút rời giống nhau: khúc ngoài tròn, khúc giữa dài gấp rưỡi khúc ngoài, khúc trong tròn, cắt loe đầu để mộng ở giữa, đục lỗ mộng đối diện hai cạnh khúc giữa dài mà lắp hai cút đơn vào, trở thành một cút kép lớn. Tiếp tục lắp hai cút kép lớn vào hai cạnh khúc dài thứ tư, sau đó lắp 2 cút đơn vào 2 cạnh khúc thứ hai và 2 cút đơn vào 2 cạnh khúc thứ sáu trên thanh Me cút. Bước cuối cùng là đục và lắp cựa (giống hình cái lưỡi liềm úp xuống) vào cạnh trên của Me cút, dưới khúc thứ bảy. Như vậy quá trình tạo thành khau cút Pụa Luông đã hoàn thành.

     Chuẩn mực: Chiều dài sải cánh hai cút kép ngang bằng với chiều dài dọc của 7 khúc cút trên Me cút.

     Khau cút Lai Bua: Thực chất đây là một kiểu biến thể của khau cút Pụa Luông được phát triển ở trình độ cao hơn. Điểm khác nhau cơ bản được thể hiện ở quá trình làm khúc cút ngọn sẽ được lắp thêm bông sen khắc bằng gỗ vào hai cạnh của nó và giữa mặt cút được đục thủng một hình tam giác để lắp kính. Đồng thời 2 cút kép lớn cũng được chế tạo dài hơn một tí so với khau cút Pụa Luông.

     Có thể nhận thấy rằng, theo thời gian nghệ thuật cấu trúc khau cút của người Thái đen đã có sự phát triển đáng kể từ thấp lên cao. Càng về sau các loại hình khau cút càng được chế tác tỉ mỉ, phức tạp và ngày càng trở nên tinh xảo.  Ngày nay được sống trong xã hội tự do và bình đẳng vì vậy khi làm nhà người Thái đen muốn làm khau cút theo loại hình nào cũng được. Tuy nhiên, trong chế độ phong kiến xưa kia việc sử dụng từng loại khau cút cũng được quy định rạch ròi đối với từng tầng lớp xã hội. Khau cút Chim và khau cút Tảu là hai loại khau cút được dùng phổ biến trong xã hội vì nhà của thường dân nghèo khổ, không có địa vị trong xã hội chỉ được dùng hai loại này. Khau cút Pụa Nọi và khau cút Pụa Luông được áp dụng với nhà của người giàu có hoặc đối với các chức dịch hạng vừa trong các bản làng của người Thái đen Tây Bắc. Riêng khau cút Lai Bua chỉ những chức anha Châu (chức quan đứng đầu huyện) trở lên mới được phép sử dụng. Chính vì vậy người ta còn gọi khau cút Lai Bua là “khau cút vua ban”.

     Ngày nay, cùng với quá trình cộng cư, sự hoà đồng về lối sống, cách sống, sự ảnh hưởng qua lại về phong tục, tập quán giữa các dân tộc với nhau, văn hoá của cộng đồng người Thái cũng chịu những tác động sâu sắc. Nhiều nét văn hoá cổ truyền cũng dần bị mai một, trong đó biểu tượng khau cút của người Thái đen vùng Tây Bắc cũng không phải là một ngoại lệ. Ở nhiều vùng Thái đen hiện nay, người ta thường dựng nhà “theo kiểu nhà ở của người Kinh” hoặc nếu có làm nhà sàn thì cũng có nhiều biến đổi và được giản lược khá nhiều. Nhà sàn truyền thống được làm hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp gianh thì nay phần lớn được thay bằng mái tôn, mái ngói màu sắc rực rỡ. Khau cút xưa làm bằng gỗ (bằng tre) thì nay khau cút bằng tôn hoặc được đúc bằng xi măng cũng bắt đầu xuất hiện và dần thay thế cho khau cút được làm bằng chất liệu gỗ ban đầu. Bên cạnh đó, hiện nay ở nhiều vùng Thái đen, trên nóc nhà sàn của họ cũng không còn nhìn thấy sự hiện diện của biểu tượng khau cút hoặc có chăng cũng chỉ là những biểu tượng khau cút không rõ là thuộc loại hình nào.

     Khau cút của người Thái đen vùng Tây Bắc là một di sản văn hoá độc đáo góp phần quan trọng làm phong phú thêm cho kho tàng văn hoá lâu đời của người Thái nói riêng và của cả dân tộc ta nói chung. Chính vì vậy, gìn giữ, bảo tồn và phát huy khau cút của người Thái đen vùng Tây Bắc và các giá trị của nó là việc cần thiết và có ý nghĩa thiết thực trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta.