Thực hiện kế hoạch của Nhà trường, ngày 26 tháng 12 năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu văn hoá các dân tộc Tây Bắc đã mời GS, TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch hội văn nghệ dân gian Việt Nam - người được mệnh danh là một pho sách sống về văn học, nghệ thuật, âm nhạc dân gian Việt Nam, một trong những học giả uyên bác hàng đầu nước ta hiện nay; lên nói chuyện về văn hoá dân gian.

     Tham gia buổi nói chuyện có NGƯT, TS Nguyễn Văn Bao - Bí thư đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường cùng tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên 2 khoa Ngữ văn, Sử - Địa; các thành viên Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc, các cộng tác viên cùng những người quan tâm đến vấn đề văn hoá dân gian vùng Tây Bắc.

     Trong thời gian làm việc buổi sáng, GS Tô Ngọc Thanh đã cung cấp cho sinh viên và các cán bộ giảng viên Nhà trường có thêm những hiểu biết khái quát nhất về nền văn hoá dân gian của dân tộc Việt Nam nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng với các ví dụ cụ thể, sinh động về một số tộc người tiêu biểu vùng Tây Bắc như người Thái, Mông, Dao, Khơ mú…

     Buổi chiều cùng ngày, GS Tô Ngọc Thanh tiến hành nói chuyện với tập thể nhân viên, cộng tác viên Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc và các thành viên quan tâm. Đây thực sự là một buổi nói chuyện thú vị và ý nghĩa. Với hiểu biết sâu sắc của một người từng sống và công tác tại Tây Bắc gần 20 năm (1959 - 1975), GS Tô Ngọc Thanh đã từng bước gợi ý những vấn đề cần thiết trong việc nghiên cứu văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc, phân tích những điểm mạnh yếu trong nghiên cứu, từ đó chỉ ra cho Trung tâm những hướng nghiên cứu cơ bản nhất trong giai đoạn tiếp theo.

     Kết thúc buổi nói chuyện, đồng chí Hiệu trưởng thay mặt toàn thể cán bộ giảng viênNnhà trường cảm ơn sự nhiệt tình của GS và hi vọng GS trên cương vị của mình là Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian sẽ có những quan tâm tới Nhà trường, tới Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc, giúp Trung tâm từng bước đi lên xứng đáng là Trung tâm nghiên cứu về văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc.

     Trong thời gian làm việc tại Trường Đại học Tây Bắc, GS Tô Ngọc Thanh đã phác họa cho chúng ta một bức tranh tổng thể nhất về văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc hiện nay, chỉ ra cho Trung tâm NCVHCDT Tây Bắc và các cộng tác viên những việc cần làm để có được những hướng nghiên cứu sát với thực tiễn.