Nếu ai đã từng một lần qua miền Tây Bắc, chắc hẳn sẽ không thể nào quên được hình ảnh những cô gái Thái dịu dàng, thướt tha trong bộ áo cóm giản dị mà duyên dáng.

     Từ xưa, phụ nữ Thái đã nổi tiếng với nghề trồng bông, dệt vải. Trong gia đình người Thái ở Tây Bắc bao giờ cũng phải có nương bông, nương chàm hàng năm trồng, tỉa để lấy bông dệt vải, lấy chàm nhuộm, trong nhà có xa quay sợi, bật bông, có khung dệt, khung thêu… Các bé gái từ 8 đến 10 tuổi đã bắt đầu được bà, được mẹ, được chị hướng dẫn những công việc đầu tiên trồng bông, làm sợi, dệt vải, thêu thùa. Cũng từ đây, dệt vải, thêu thùa đã trở thành công việc thường ngày, xuyên suốt trong cuộc đời người phụ nữ cho đến khi về với ông bà, tổ tiên; đồng thời nó cũng được coi là một tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh người phụ nữ.

     Người Thái gồm hai ngành Thái đen và Thái trắng. Trang phục thường ngày của hai ngành có nhiều điểm tương đồng, điểm khác nhau căn bản để phân biệt chủ yếu phải dựa vào phần cổ áo. Với người Thái đen cổ áo thường may cao ôm khít cổ, còn đối với người Thái trắng thì cổ áo thường được cắt may theo hình chữ V. Về cơ bản, nữ phục của người Thái bao gồm áo cóm, váy, thắt lưng, xà tích, khăn piêu, cùng các loại trang sức kèm theo như vòng cổ, vòng tay, hoa tai.

     Áo cóm là loại áo được may bó sát người, dài đến ngang eo, khi mặc được dắt vào bên trong váy. Chính giữa áo là hàng nẹp áo được may ghép bằng loại vải khác có màu sắc nổi bật. Trên đó được đơm những hàng cúc bạc (hiện nay chủ yếu là cúc làm bằng kim loại khác như nhôm hoặc in-ox) với nhiều tạo hình khác nhau hình bướm, hình ong, hình ve... Chính hàng cúc bạc này đã làm cho áo cóm trở thành chiếc áo đặc trưng trong bộ nữ phục Thái; bởi theo quan niệm dân gian Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo cóm là tượng trưng cho sự kết hợp của nam và nữ, tạo nên sự trường tồn của giống nòi.

     Áo cóm xưa kia thường được làm bằng vải bông nhuộm chàm cũng có khi là vải thổ cẩm tự dệt. Theo dòng thời gian, đến nay phụ nữ người Thái đã biết tạo nên cho mình những chiếc áo cóm với màu sắc và chất liệu đa dạng, phong phú hơn nhưng hình dáng chiếc áo vẫn được đồng bào bảo lưu nguyên vẹn. Có người từng nói rằng, trang phục Thái khéo léo làm tôn vẻ đẹp người con gái, họ biết tận dụng trang phục để khoe cơ thể. Con gái Thái vừa cao, vừa trắng lại để tóc dài, mặc áo cóm ngắn bó sát người vừa tôn vẻ đẹp hình thể vừa kín đáo, tế nhị.

     Váy trong tiếng Thái là xỉn, cũng được làm bằng vải bông nhuộm chàm. Thông thường khổ vải tự dệt chỉ rộng từ 40 đến 50 cm nên người ta thường phải cắt 4 khổ khâu vào với nhau. Vì vậy khổ váy thường rộng từ 170 đến 200 cm còn chiều dài của váy thì tùy vào chiều cao từng người mặc. Váy Thái cổ có phần cạp váy được làm bằng màu nhạt hơn phần thân váy, và có thêm phần lót bên trong váy gọi là “lõng xỉn”, phần lót này tạo sự kín đáo cho chiếc váy. Khi mặc váy có thể gập 2 bên vào giữa hoặc có thể gấp về 1 bên làm cho váy có độ xoè, khi bước đi, lên cầu thang, lao động, hoặc múa được dễ dàng và cũng làm cho chiếc váy thêm phần xúng xính.

     Phụ trang đi kèm không thể thiếu trong bộ nữ phục đó là dây thắt lưng. Thắt lưng dài khoảng một sải tay được làm bằng tơ, thường có màu xanh rêu, cụ già thì hay thắt dây màu tím. Khi thắt vòng dây thắt lưng qua eo hai vòng sau đó thắt lại cho chặt rồi dắt vào trong dây vòng quanh eo. Ngày nay dây thắt lưng cũng đã được cải tiến có móc khóa cho khỏi tuột và không còn gấp nếp như trước.

     Xà tích cũng là một loại trang sức đi kèm với dây thắt lưng. Xà tích được làm từ bạc trắng và có nhiều loại khác nhau. Thông thường dùng loại xà tích năm dây, có loại vòng qua bụng được một vòng, có loại vòng qua bụng được hai vòng. Còn có loại chỉ dùng để treo ở thắt lưng, chiều dài khoảng 20 cm, nhưng chân dưới có gắn móng chân tay gấu, hổ, có nẹp bạc để giữ.

     Khăn piêu - nét đặc trưng tiêu biểu cho bộ nữ phục Thái đồng thời cũng là nét đặc trưng chung cho văn hóa Thái. Khăn piêu được xem như vật bất li thân của các cô gái Thái. Piêu theo cô gái lên nương, đến chợ hay khi tham gia lễ hội, xên bản xên mường, là quà tặng người yêu, tặng bố mẹ, anh chị em chồng khi về nhà chồng. Để làm piêu người ta vẫn sử dụng khuôn vải nhuộm chàm nhưng được nhuộm thêm vài lần để mặt vải láng cứng ánh sắc chàm đen. Piêu thường dài khoảng 150 cm, rộng nhất cũng không quá 2 gang tay. Hai phần vải đầu khăn được gọi là gương mặt của piêu nên được các cô gái thêu thùa rất tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo của mỗi cô gái. Mặt piêu thường được thêu hoa văn hình ngôi sao tám cánh biến thể hoặc hình quả trám... bằng các loại chỉ màu trắng, xanh, đỏ, tím, vàng rất sặc sỡ. Ngày nay, piêu không chỉ được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Thái mà nó còn được các dân tộc láng giềng như Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha ưa dùng, cùng với đó piêu đã trở thành một món quà lưu niệm đối với du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Tây Bắc.

     Người Thái là một dân tộc rất coi trọng về hình thức trang phục. Điều này không chỉ thể hiện trong các dịp hội hè mà ngay trong cuộc sống hàng ngày cũng cần mặc đẹp. Mỗi bộ trang phục được làm ra chính là tình cảm, là niềm tự hào của mỗi cô gái.

     Ngày nay mặc dù sự phát triển của kinh tế - xã hội và sự giao thoa văn hóa giữ các vùng miền, các dân tộc đã có tác động mạnh mẽ tới yếu tố văn hóa truyền thống. Song nữ phục Thái vẫn đang được đồng bào bảo lưu, gìn giữ rộng rãi. Và theo dòng chảy của thời gian nó càng khẳng định được sức sống và vị thế của mình trong đời sống xã hội Thái. Nữ phục Thái nói riêng là giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Thái. Nó không chỉ thể hiện yếu tố sử dụng mà còn thể hiện cả yếu tố thẩm mĩ, văn hóa và tín ngưỡng trong quan hệ cộng đồng mà hàng nghìn năm nay không thay đổi. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo nữ phục Thái là một việc làm quan trọng và cần thiết.