Cách đây tròn 60 năm, tại Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba tổ chức vào tháng 5/1962 tại Thủ đô Hà Nội, hợp tác xã Cao Đa của châu Phù Yên (Khu Tự trị Thái - Mèo) đã vinh dự được tuyên dương và tặng Cờ “Đơn vị tiên tiến xuất sắc nhất” trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn miền Bắc; được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đó là thành tích ghi dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Tây Bắc Tổ quốc.
Hợp tác xã Cao Đa thuộc xã Phiêng Ban, châu Phù Yên, Khu Tự trị Thái - Mèo (từ tháng 10/1962 đổi tên thành Khu Tự trị Tây Bắc), nằm bên đường số 13 (nay là Quốc lộ 37), do hai hợp tác xã Noong Đa và Bản Cao hợp nhất từ vụ đông - xuân 1961 - 1962.
Xã Phiêng Ban ở vùng tương đối cao, mùa hè mát, mùa đông đến sớm và thường có sương muối. Chung quanh các bản có nhiều núi cao, rừng cây lấy gỗ, rừng tre, nứa, đồi tranh… thuận lợi cho việc mở rộng diện tích trồng trọt trên nương. Tuy nhiên, khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp nằm ở chỗ ruộng ở đây toàn là bậc thang phân tán. Mùa mưa hàng năm, đất màu bị rửa trôi vì xói mòn. Đến mùa khô, nhiều dòng suối trên cao bị cạn, ruộng bị khô nước, nên trải qua nhiều thế hệ, nhân dân chỉ cấy một vụ lúa mùa.
Tiền thân đầu tiên của hợp tác xã Cao Đa là hợp tác xã bản Noong Đa, thành lập từ năm 1958 [4;tr.2]. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Phù Yên (trước năm 1952), nhân dân bản Noong Đa đã tản cư vào rừng sâu, tổ chức thành 3 tổ sản xuất, ngày đêm chung lưng đấu cật cuốc rẫy trồng lúa, trồng ngô tự túc lương thực và cung cấp cho tiền tuyến. Hòa bình lập lại, trở về bản mường, nhân dân Noong Đa vẫn không từ bỏ tổ sản xuất vì đã quen với lối làm ăn tập thể và thấy rằng càng những lúc khó khăn này, càng phải đoàn kết giúp đỡ nhau [3].
Năm 1957, từ tổ đổi công từng vụ, từng việc, một trong 3 tổ sản xuất trên đã tiến lên bình công chấm điểm. Đầu năm 1958, hợp tác xã Noong Đa được thành lập. Lúc đầu, hợp tác xã có 12 hộ tham gia, còn các hộ khác vẫn làm đổi công nên giai đoạn này, nhân dân vẫn quen gọi là làm hợp công. Qua một vụ thì tất cả bản cùng vào; ruộng đất, trâu bò đưa làm sở hữu chung. Như vậy, bản Noong Đa đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất từ cuối năm 1958 [4;tr.3].
Dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, công cụ và kĩ thuật sản xuất của bản Noong Đa và bản Cao cũng lạc hậu như hầu hết các nơi khác trong khu: sử dụng cày Thái, bừa gỗ; về kĩ thuật thì cày nông, bừa dối, cấy thưa, không bón phân, kết quả thu hoạch phụ thuộc thời tiết… Mỗi hộ trong bản nuôi vài con trâu, bò để lấy sức kéo, sau vụ cày bừa thì thả trâu vào rừng tự tìm lấy cỏ ăn, khi cần cày bừa lại đi tìm về. Lợn nuôi đều thả rông, cho ăn thất thường nên chậm lớn.
Mùa Xuân năm 1959, để đánh dấu bước trưởng thành của hợp tác xã nhỏ tiến lên quy mô toàn bản, Tổ Đảng của hợp tác xã Noong Đa đề xuất phát hoang một bãi tha ma làm nương kỷ niệm, nhưng vì trong bãi có nhiều mồ mả, một số xã viên còn mê tín nên lúc đầu không dám làm. Trước tình huống đó, Tổ Đảng kiên định chủ trương vận động nhân dân, dựa vào lực lượng thanh niên làm nòng cốt, cuối cùng đã huy động được hết thảy xã viên cùng tham gia. Cuối vụ thu hoạch, riêng 4 ha nương mới đã đem lại cho hợp tác xã thêm 10 tấn thóc, ai nấy đều phấn khởi, tin tưởng [2].
Từ đó, hợp tác xã liên tiếp phát động những đợt thi đua mới nhằm khắc phục thiên tai, sâu bệnh, đẩy mạnh áp dụng kĩ thuật và cải tiến nông cụ. Hợp tác xã đã tổ chức đào mương suối Quế dài 2.800 thước, chạy vòng qua sườn núi để đưa nước về đủ tưới cho 18 ten ruộng, cấy tăng thêm 18 ten chiêm. Hợp tác xã còn tiến hành cải tiến nông cụ: chuyển cày chìa vôi sang cày 51; loại bỏ hết bừa răng tre, dùng bừa răng sắt; làm thêm yên thồ, dùng trâu chuyển phân; đồng thời phát triển trồng cây công nghiệp như chè, bông, thầu dầu, v.v…
Nhờ áp dụng những biện pháp kĩ thuật cải tiến, cùng với tinh thần lao động hăng say “ngày làm không đủ tranh thủ làm đêm”, sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã được cải thiện rõ rệt. Ruộng được cấy tăng thêm một vụ chiêm; diện tích sản xuất trên nương mỗi năm một mở rộng. Từ năm 1960 trở đi, hợp tác xã bắt đầu trồng xen khoai dong vào ngô, sắn xen ngô, lúa nương xen bí. Năng suất lúa vụ chiêm và vụ mùa tăng đều qua các năm. Năm 1959, sản lượng lúa thu hoạch đạt 85.647 kg, đến năm 1961 lên 100.840 kg, tăng 15 tấn. Thu nhập bình quân nhân khẩu tính riêng về lúa từ 372 kg năm 1959 tăng lên 418 kg năm 1961. Tổng số thu nhập bình quân theo nhân khẩu tăng từ 99đ lên 136đ50 [3]. Thành tích cụ thể của hợp tác xã Noong Đa trong 3 năm (1959 - 1961) thể hiện qua bảng sau:
Năm |
Số ngày công làm cho hợp tác xã |
Giá trị một ngày công |
Bình quân lương thực quy ra thóc |
Bình quân thu nhập thực tế hàng tháng theo đầu người cả phần hợp tác xã và gia đình |
1959 |
176,2 |
0đ99 |
381,7 kg |
9đ15 |
1960 |
160,7 |
1đ29 |
423,0 kg |
11đ21 |
1961 |
172,7 |
1đ80 |
521,4 kg |
13đ54 |
Năm |
Tổng sản lượng phần hợp tác xã |
Giá trị sản lượng lương thực |
||
Tính thành tiền |
Chỉ số |
Riêng thóc |
Lương thực nói chung quy ra thóc |
|
1959 |
22.541đ56 |
100 |
18.842đ34 |
19.862đ60 |
1960 |
26.836đ00 |
119 |
22.182đ00 |
23.395đ79 |
1961 |
39.779đ34 |
163,1 |
23.504đ82 |
27.374đ33 |
Nguồn: [4;tr.5]
Bên cạnh trồng trọt, tình hình chăn nuôi của hợp tác xã Noong Đa cũng đạt kết quả rất tốt. Đàn trâu của hợp tác xã đã được chuyển chuồng 2 lần, đầu năm 1962 được đưa vào khu đồng cỏ rộng trên 100 ha, cách xa bản khoảng 10 cây số. Cuối năm 1961, hợp tác xã có 66 con trâu, 83 con bò, 20 con dê. Hàng năm 50% trâu cái đẻ thì nuôi được 93%, 70% bò cái đẻ thì nuôi được 92% [4;tr.4]. Hợp tác xã Noong Đa cũng là một trong những nơi đầu tiên trên miền Bắc thí điểm vắt sữa trâu; sữa được chế biến thành bánh và bán ra thị trường, trở thành một nguồn thu nhập thường xuyên của hợp tác xã. Ngoài ra, hợp tác xã còn có một trại chăn nuôi gồm 120 con lợn, một số gà, vịt và một ao cá. Cùng với phát triển chăn nuôi chung, hợp tác xã cũng khuyến khích xã viên chăn nuôi thêm gà, lợn. Năm 1961, gia đình nào cũng nuôi được từ 3 đến 5 con lợn, những gia đình đông người đã nuôi tới 11 con. Thu nhập phụ gia đình đã chiếm tới 53% tổng số thu nhập hàng năm [3].
Trên cơ sở sản xuất phát triển, đời sống văn hóa của nhân dân Noong Đa cũng từng bước được nâng cao. Trước kia, thời Pháp thuộc, cả bản chỉ có 4 người biết đọc, biết viết. Từ sau ngày giải phóng, các lớp bình dân mở đều đặn, đồng bào tích cực tham gia học tập. Năm 1960, nạn mù chữ đã được thanh toán. Đến năm 1962, hầu hết xã viên đều phổ cập cấp 1. Ban quản trị hợp tác xã đã có trình độ văn hóa bổ túc; con em xã viên phần lớn học lớp 4, 5, có em đã học tới lớp 10. Số thanh, thiếu niên đi học trường phổ thông và sơ cấp, trung cấp kỹ thuật mỗi năm một tăng. Nạn mê tín dị đoan đã được xóa bỏ căn bản. Hợp tác xã đã xây dựng được tủ thuốc phòng bệnh, hàng tháng cấp phát thuốc cho xã viên. Chuồng trại trâu, bò đã được chuyển đi xa bản; hàng tuần hợp tác xã tổ chức quét dọn bản mường sạch sẽ. Ngoài ra, hợp tác xã còn tổ chức được một đội văn nghệ, sắm đủ dụng cụ phục vụ luyện tập và biểu diễn [2].
Không chỉ tiến bộ trong sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, hợp tác xã Noong Đa còn thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc. Hợp tác xã có 2 dân tộc: Mường và Thái mà gần như một dân tộc. Trong một gia đình, chồng Thái thì vợ Mường hoặc chồng Mường vợ Thái, mọi người đều biết 2 thứ tiếng. Cho nên tuy có khác nhau về tiếng nói và một vài phong tục nhưng không có vấn đề gì phát sinh phải giải quyết về quan hệ dân tộc. Sự đoàn kết của họ đã trở thành tự nhiên trong sinh hoạt gia đình. Người dân Noong Đa không những đoàn kết nội bộ tốt mà còn mở rộng đoàn kết với các bản xung quanh. Những khi nhân dân các bản lân cận thiếu thóc ăn đến vay đều được nhân dân hợp tác xã Noong Đa nhiệt tình giúp đỡ. Năm 1961, hợp tác xã đem một số cây ăn quả và tre lên trồng trên bản người Mông Phiêng Ban, nơi kết nghĩa anh em. Để đáp lại, đồng bào Mông cũng mang hơn 73 cân gà giống “kết nghĩa” xuống trại chăn nuôi của hợp tác xã.
Những thành tích bước đầu của hợp tác xã Noong Đa tuy còn nhiều điểm cần phải khắc phục và phát huy hơn nữa, nhưng ưu điểm lớn nhất của nó là đã phát triển theo hướng đi lên qua từng năm và tất cả các mặt đều phát triển cân đối; tinh thần xã viên mỗi ngày thêm phấn khởi; hợp tác xã mỗi năm được củng cố thêm một bước phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp của Trung ương. Thành tích của hợp tác xã Noong Đa có tác dụng lôi cuốn mạnh mẽ đối với các hợp tác xã xung quanh; có tác dụng thúc đẩy phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn xã Phiêng Ban, ảnh hưởng tích cực đối với phong trào chung. Giữa năm 1961, các bản lân cận đều muốn hợp nhất với Noong Đa, nhất là 2 bản Phiêng Ban và bản Cao. Tổ Đảng và ban quản trị hợp tác xã nhận thấy khả năng lãnh đạo của mình còn nhiều hạn chế nên đề nghị Chi bộ trước mắt cho hợp nhất với hợp tác xã Bản Cao, tăng thêm 14 hộ xã viên, rồi sau này củng cố được tốt sẽ bàn việc mở rộng thêm nữa. Chủ trương đó được Chi bộ và Châu ủy Phù Yên nhất trí chuẩn y. Ngay trong vụ đông - xuân năm 1961 - 1962, vụ đầu tiên của hợp tác xã hợp nhất, mặc dù lúa chiêm gặp rét, một số ruộng phải cấy lại đến 3 lần nhưng năng suất bình quân vẫn đạt 2.559 kg/ha, giá trị một ngày công đạt 7,13 kg thóc. Đến tháng 6/1962, bình quân mỗi lao động của hợp tác xã đã làm 89 ngày công [4;tr.6].
Ngày 31/3/1962, hợp tác xã Cao Đa vinh dự được đón tiếp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương tới thăm. Sau khi nghe đại diện hợp tác xã báo cáo, Đại tướng đã phát biểu, chỉ rõ năm điểm tiên tiến của hợp tác xã, bao gồm: 1) Phương hướng sản xuất tiên tiến; 2) Mở rộng ngành, nghề: ngựa thồ, rèn, mộc, may…; 3) Biện pháp kĩ thuật tiên tiến; 4) Quản lý tiên tiến: thực hiện ba khoán, phân phối theo lao động; 5) Văn hóa tiên tiến, đã thanh toán nạn mù chữ,… đặc biệt là hợp tác xã biết nhìn xa cử người đi để đào tạo thành cán bộ trung cấp kĩ thuật, y tế,… [1;tr.119]. Đại tướng đã góp nhiều ý kiến quý báu để củng cố hợp tác xã và thúc đẩy sản xuất phát triển hơn nữa.
Tiếp đó, ngày 26/4/1962, nhân dân Cao Đa và toàn châu Phù Yên lại vui mừng, phấn khởi được tiếp nhận chiếc máy kéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Khu Tự trị Thái - Mèo, Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu quyết định tặng lại cho hợp tác xã Cao Đa để làm phương tiện sản xuất. Đó là phần thưởng hết sức ý nghĩa đối với cán bộ, xã viên hợp tác xã.
Với những thành tích và đóng góp của mình, trong Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba họp tháng 5/1962 tại Thủ đô Hà Nội, hợp tác xã Cao Đa vinh dự được tuyên dương và tặng Cờ “Đơn vị tiên tiến xuất sắc nhất” trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn miền Bắc; được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Hợp tác xã Cao Đa trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua lao động, sản xuất của Khu Tự trị Thái - Mèo - một “Đại Phong” trên miền Tây Bắc Tổ quốc. Trong những năm thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), hợp tác xã luôn là một điển hình tiêu biểu của Khu trên nhiều lĩnh vực: sản xuất, đổi mới quản lý, cải tiến kĩ thuật, học tập văn hóa, vệ sinh phòng bệnh,… Một phong trào thi đua rộng lớn “Học tập, đuổi kịp và vượt Cao Đa” được Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo phát động trong toàn Khu, trở thành động lực to lớn, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân nỗ lực, cố gắng, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Yên (2001), Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên (1945 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- “Cao Đa - Đại Phong miền núi Khu Tự trị Thái - Mèo”, Báo Tây Bắc, số 24, ra ngày 22/9/1962.
- H.N, “Cao Đa - Lá cờ đầu của phong trào hợp tác hóa châu Phù Yên”, Báo Tây Bắc, số 2, ra ngày 20/4/1962.
- Nguyễn Thành (1963), Hợp tác xã Cao Đa - Lá cờ Đại Phong của Khu Tự trị Tây Bắc, Nxb Nông thôn, Hà Nội.
5. Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2005), Tỉnh Sơn La 110 năm (1895 - 2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.