1. Vài nét khái quát về đồng bào khai hoang ở Sơn La (1961 - 1965)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đã thông qua Nghị quyết, trong đó xác định chủ trương: “Phải phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau”[1]. Đó là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế miền núi, củng cố miền Bắc.

Thực hiện chủ trương điều chỉnh nhân lực từ đồng bằng lên khu vực trung du và miền núi, tham gia phát triển kinh tế, từ cuối năm 1960, các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình đã vận động, tổ chức đưa nông dân lên Khu Tự trị Thái - Mèo, thành lập các hợp tác xã (HTX) khai hoang. HTX Hoàng Văn Thụ là HTX khai hoang thí điểm đầu tiên của tỉnh Hưng Yên, được thành lập tháng 12/1960 tại châu Mai Sơn. HTX Bình Thuận là HTX khai hoang thí điểm đầu tiên của tỉnh Thái Bình, thành lập tháng 2/1961 tại châu Thuận Châu. Đây là hai lá cờ đầu trong phong trào khai hoang xa trên miền Bắc. Trong tác phẩm “Đi khai hoang Tây Bắc”, tác giả Hữu Thọ khẳng định: “Dự tính đến năm 1965, số dân Tây Bắc sẽ lên tới 1 triệu, nhiều hơn hai lần số dân hiện nay. Lúc đó, hoặc sau đây nữa, dù tình hình kinh tế phồn thịnh, dân cư đông đúc như thế nào, cũng không ai quên được những người dân Hưng Yên đầu tiên lên Tây Bắc thành lập hợp tác xã Hoàng Văn Thụ ở huyện Mai Sơn và những người dân Thái Bình lên thành lập hợp tác xã Bình Thuận ở chân đèo Phạ Đin thuộc huyện Thuận Châu”[2].

Từ hai châu Mai Sơn và Thuận Châu, đồng bào khai hoang đã mở rộng địa bàn đến các địa phương khác trong toàn tỉnh. Từ hai HTX thí điểm ban đầu, đến cuối năm 1965, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có 80 cơ sở khai hoang của nông dân hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình được xây dựng (trong đó có 78 HTX độc lập và 2 đội xen ghép vào các HTX địa phương). Các HTX khai hoang của đồng bào Hưng Yên phân bố tại 5 huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La và Sông Mã; các HTX khai hoang của đồng bào Thái Bình phân bố tại 2 huyện: Thuận Châu và Quỳnh Nhai. Hầu hết các HTX khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La được xây dựng theo mô hình HTX cấp cao, phạm vi tương đương một bản dân cư. Trong quá trình xây dựng và củng cố, HTX khai hoang từng bước được chuyển giao cho chính quyền các xã địa phương gần nhất quản lý. Về tổ chức, các HTX khai hoang đều được chia thành các đội - tổ - nhóm sản xuất; lãnh đạo có đảng bộ (hoặc chi bộ), ban quản trị; mỗi HTX khai hoang đều xây dựng lực lượng dân quân, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ để thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh.

Qua 5 năm (1961 - 1965), không kể 870 cháu nhỏ được sinh ra trên quê hương mới, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận tổng cộng 14.046 nhân khẩu thuộc 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Đông (trong đó, tuyệt đại bộ phận là nông dân tỉnh Hưng Yên và Thái Bình; tỉnh Hà Đông chỉ có 30 người, bước đầu đưa lên để khảo sát địa điểm khai hoang). Cũng trong 5 năm đó, đã có 263 lao động tham gia nghĩa vụ quân sự; 69 lao động thoát ly tham gia công tác tại các cơ quan, các ngành kinh tế khác; và 4.302 người thuộc các trường hợp bỏ về, được cho về quê cũ hoặc đi khai hoang nơi khác. Tính đến cuối năm 1965, tổng số đồng bào khai hoang còn bám trụ trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.282 người, gồm 5.169 nam, 5.113 nữ, tỷ lệ lao động chiếm khoảng 48%[3]. Số lượng trên tương đương với dân số huyện Quỳnh Nhai hoặc Thị xã Sơn La cùng thời điểm[4]. Đó thực sự là một lực lượng đáng kể tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Sơn La.

 Sự xuất hiện của đồng bào khai hoang và các HTX của người Kinh với số lượng ngày càng nhiều là một trong những biến đổi quan trọng của tỉnh Sơn La trong những năm 1961 - 1965. Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đồng bào khai hoang đã có những đóng góp quan trọng và tích cực, góp phần củng cố và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

  1. Đồng bào khai hoang góp phần tăng cường cơ sở chính trị trên địa bàn tỉnh Sơn La

 Cùng với những đóng góp trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, sự hiện diện với số lượng lớn đồng bào khai hoang góp phần phát triển nhanh chóng cơ sở chính trị và xã hội; củng cố và tăng cường sức mạnh cho hệ thống chính trị của các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, cùng hàng chục chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ ở các cơ sở khai hoang bổ sung cho hệ thống chính trị của các địa phương đã làm tăng thêm sức mạnh của tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng ở Sơn La, nhất là từ khi các HTX khai hoang được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nhiều xã viên khai hoang được bầu tham gia cơ quan chính quyền Nhà nước các cấp của tỉnh Sơn La và Khu Tự trị. Trong số 116 đại biểu Hội đồng nhân dân Khu Tây Bắc khóa III, có 2 xã viên của các HTX khai hoang[5]. Trong số 71 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa II, có 3 xã viên của các HTX khai hoang[6]. Bên cạnh đó, nhiều xã viên khai hoang được cử đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập đã được bố trí công tác tại các cơ quan chính quyền, chuyên môn của địa phương, giúp tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ cơ sở cho tỉnh Sơn La. Quá trình trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ giữa HTX khai hoang và HTX địa phương cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý cho một bộ phận cán bộ, xã viên của các HTX địa phương, đặc biệt trong công tác “ba quản” (quản lý lao động, quản lý sản xuất, quản lý tài vụ).

Đồng bào khai hoang tại Sơn La còn có tác động tích cực trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Được sự tuyên truyền, giáo dục của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ trước khi lên quê hương mới, đồng bào khai hoang đã sớm ý thức rõ nhiệm vụ tăng cường đoàn kết với nhân dân các dân tộc địa phương. Đoàn kết với nhân dân địa phương, coi địa phương là quê hương thứ hai của mình không những là nhiệm vụ chính trị mà còn là một nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi. Ý thức đoàn kết thể hiện ngay trong cách đặt tên cho nhiều HTX khai hoang, phản ánh sự gắn bó, hòa hợp giữa quê hương cũ và quê hương mới như: Bình Thuận (Thái Bình + Thuận Châu), Ninh Thuận (Thái Ninh + Thuận Châu), Ân Sinh (Ân Thi + Chiềng Sinh), Tây Hưng (Tây Bắc + Hưng Yên), Hưng Sơn (Hưng Yên + Sơn La), Văn Bú (Văn Lâm + Mường Bú), Kim Chung (Kim Động + Chiềng Chung),... Trên thực tế, hơn 10.000 nhân khẩu được bố trí vào các địa điểm khai hoang cùng sinh sống, lao động và sản xuất với nhân dân địa phương đã củng cố tình đoàn kết giữa đồng bào người Kinh với đồng bào các dân tộc, xóa bỏ những thành kiến trước đây. Trong thời gian đầu tiếp nhận đồng bào khai hoang lên xây dựng cơ sở kinh tế mới ở Sơn La và Tây Bắc, trong một bộ phận nhân dân địa phương cũng nảy sinh tâm lý e ngại, lo sợ người Kinh lên chiếm đất, lo ngại con cháu sau này không còn nương canh tác, không còn chỗ thả trâu,... Nhưng cùng với thời gian, quá trình tiếp xúc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt và đời sống đã giúp đồng bào khai hoang và nhân dân địa phương thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia với nhau; từng bước xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti và ngờ vực; nâng cao nhận thức, tăng cường tin tưởng và đoàn kết. Nhiều HTX khai hoang đã thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc, hết lòng giúp đỡ địa phương, được nhân dân địa phương tin yêu, quý mến. Không chỉ cải thiện mối quan hệ với nhân dân địa phương, xóa bỏ những thành kiến tồn tại bấy lâu để tạo dựng quan hệ tốt đẹp, đồng bào khai hoang còn trở thành nhân tố thúc đẩy nhân dân các dân tộc đẩy mạnh phát triển sản xuất. “Nhiều bản đề nghị, nếu có những đợt lên khai hoang mới, nên phân tán các gia đình người Kinh vào các HTX địa phương để cho sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau được mật thiết hơn”[7]. Đó là tác động tích cực, rõ nét mà đồng bào khai hoang đem lại. Có thể nói, “Thắng lợi to lớn nhất là tình đoàn kết giữa nhân dân địa phương với đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế, văn hóa ở địa phương”[8].

  1. Đồng bào khai hoang góp phần củng cố thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Sơn La

Sự hiện diện của đồng bào khai hoang không chỉ tăng cường cơ sở chính trị và xã hội cho các địa phương của tỉnh Sơn La mà còn bổ sung cho các địa phương lực lượng dân quân tự vệ có ý nghĩa quan trọng cả về mặt số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao khả năng tự vệ và sức chiến đấu trong tình hình mới. Theo quy định của công tác tổ chức, mỗi HTX khai hoang sẽ bố trí khoảng 10% lực lượng xã viên để thực hiện nhiệm vụ dân quân. Trên thực tế, qua 3 năm đầu triển khai (1961 - 1963), trong tổng số 8.104 nhân khẩu lên tham gia khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La, đã có 1.458 nam, nữ dân quân (chiếm 18% tổng số nhân khẩu khai hoang)[9]. Đặc biệt, trong số nhân khẩu khai hoang tại Sơn La, có một bộ phận là bộ đội phục viên, công an vũ trang; đó là những nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng của lực lượng dân quân trong các HTX khai hoang; tăng cường thêm kinh nghiệm trong công tác quân sự địa phương. Các tổ, đội dân quân được thành lập ngay trong mỗi HTX khai hoang, thường xuyên tổ chức học tập, sinh hoạt chính trị, luyện tập quân sự, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng này cùng với dân quân của các HTX và lực lượng vũ trang địa phương dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đã phối hợp luyện tập, xây dựng phương án tuần tra chung, tích cực tham gia lùng bắt gián điệp, biệt kích, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La năm 1965 khẳng định: “Ngay từ khi mới lên, HTX khai hoang đã tổ chức những đơn vị dân quân thường xuyên phối hợp với lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở các địa phương cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự chung. Mấy năm qua đã góp phần bắt gọn nhiều toán gián điệp biệt kích từ các chuyến máy bay ban đêm địch thả dù xuống, từ biên giới lén lút vào hoặc bọn phản động địa phương âm mưu gây bạo loạn…”[10]. Bên cạnh đó, từ năm 1961 đến năm 1965, trong tổng số nhân khẩu khai hoang tại Sơn La, đã có 263 người tham gia nghĩa vụ quân sự[11], góp phần chi viện sức người cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Trên phương diện tổ chức, việc thành lập các HTX khai hoang độc lập có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố thế trận quốc phòng - an ninh. Ngay từ khi cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi” được phát động và tổ chức, vai trò và đóng góp của các HTX khai hoang trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh đã được đề cập và khẳng định. Tác giả Hằng Anh trong công trình “Tham gia xây dựng miền núi là thiết thực chống Mỹ cứu nước” đã khẳng định: “Đồng bào miền xuôi tham gia cuộc vận động chính là góp phần thiết thực tăng thêm lực lượng hậu bị cho miền núi, làm cho miền núi có dự trữ to lớn về người, về của. Mỗi một cơ sở kinh tế mạnh thêm hoặc xây dựng mới ở miền núi đều tăng thêm tiềm lực quốc phòng”[12]. Trong nghiên cứu của mình, tác giả Nguyễn Đình Lê cũng đã khẳng định một luận điểm quan trọng về vai trò của các HTX nông nghiệp đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh: “Chính HTX nông nghiệp có tác dụng như một tấm lưới an toàn, đóng vai trò như hiệp hội quần chúng, lại có chức năng như một tổ chức hành chính có hiệu quả, góp phần quyết định đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội cho sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước khó khăn, quyết liệt”[13]. Trên thực tế, mỗi HTX khai hoang được xây dựng là một đơn vị dân cư, có vị trí, vai trò như một “cứ điểm” trong thế bố phòng chung. Gần 80 HTX khai hoang độc lập là chừng ấy cơ sở quần chúng, ngày đêm làm tai mắt cho thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng - là phên dậu phía Tây Bắc Tổ quốc - góp phần làm cho tấm lưới bảo vệ được ken dày thêm, gia cố thêm sức mạnh tự vệ. Nhiều HTX khai hoang được xây dựng bên cạnh đường giao thông; một số được xây dựng ở khu vực ngã ba, ngã tư đường giống như những chốt quân sự trong hoàn cảnh có chiến tranh. Đặc biệt, trong số các HTX khai hoang tại Sơn La, có một số HTX được xây dựng ở địa bàn biên giới, giáp Vương quốc Lào, nơi các thế lực phản động thường xuyên lợi dụng, hoạt động, như HTX Sông Hồng (Lóng Sập, Mộc Châu), HTX Kim Chung (Phiêng Khoài, Yên Châu), một số HTX khai hoang ở huyện Sông Mã,... Các HTX này giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh ở địa bàn chiến lược biên giới; góp phần cùng nhân dân các dân tộc Sơn La giữ vững vùng biên cương phía Tây Bắc Tổ quốc.

  1. Đồng bào khai hoang tích cực chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại

Bước sang năm 1965, trước nguy cơ thất bại của chiến lược Chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam. Ngày 14/6/1965, không quân Mỹ bắt đầu tiến hành ném bom, đánh phá địa bàn tỉnh Sơn La. Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, đến cuối năm 1965, đã có 10 cơ sở khai hoang ở các huyện Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Mộc Châu bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá[14].

Trước âm mưu và hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, cùng với nhân dân miền Bắc, đồng bào khai hoang tại Sơn La thể hiện tinh thần quyết tâm, chủ động, sẵn sàng tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Các đồng chí trong Ban quản trị của HTX Sông Hồng (Lóng Sập, Mộc Châu) đã khẳng định: “Với tình thế cách mạng hiện nay, bà con HTX Sông Hồng chúng tôi một lòng bám chặt rễ làm giàu trên làng mới, đồng thời cũng kiên quyết đánh trúng, đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc ta!”[15]. Đó cũng là quyết tâm chung của đồng bào khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Thực hiện chủ trương chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, các HTX khai hoang đã tổ chức sơ tán đồng bào khỏi những trọng điểm có nguy cơ bị đánh phá; đào, đắp hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn; triển khai các biện pháp phòng không nhân dân. Công tác phòng không được các HTX khai hoang thực hiện tốt. Cán bộ và xã viên các HTX khai hoang đã đào, đắp được 8.675 thước giao thông hào, 68 hầm hố trú ẩn và ụ súng bắn máy bay[16]. Nhờ đó, trải qua hơn một năm bị máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá, mặc dù hơn 20 HTX khai hoang bị trúng bom đạn, có những HTX bị bắn phá nhiều lần như Tây Hưng, Sông Hồng, Hưng Sơn, Bãi Sậy (Mộc Châu), Kim Chung, Chiềng Kim (Yên Châu), Ninh Thuận (Thuận Châu),… nhưng thiệt hại về người và của không đáng kể; đồng bào khai hoang vẫn bám sát đồng ruộng để tiếp tục sản xuất[17]. Báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên ngày 08/2/1966 cho biết: “Ở nhiều HTX chẳng những chỉ tiêu sản xuất không giảm mà còn tăng lên rõ rệt như 25 cơ sở khai hoang ở Sông Mã, trồng trọt đạt 107%, chăn nuôi đạt 140%”[18].

Không chỉ duy trì sản xuất bình thường, cán bộ và xã viên ở 20 HTX khai hoang này đã 56 lần trực tiếp bắn máy bay Mỹ[19]. Điển hình là thành tích chiến đấu của HTX khai hoang Hưng Sơn (Mộc Châu). Ngay trong ngày đầu tiên ném bom đánh phá địa bàn Sơn La (ngày 14/6/1965), chiếc máy bay đầu tiên của không quân Mỹ đã bị quân dân Mộc Châu bắn rơi. Tên phi công Thiếu tá người Mỹ nhảy dù ra khỏi máy bay, vừa đặt chân tới mặt đất đã bị tốp dân quân của HTX Hưng Sơn (gồm năm anh chị em Lê Bá Vi, Đỗ Quang Dư, Giang Thị Hướng, Đỗ Hữu Bốn, Trương Thị Thanh) tổ chức bao vây và bắt sống. Đó là chiến công đầu tiên của đồng bào khai hoang trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, gây tiếng vang lớn trong toàn tỉnh, mở đầu và góp phần vào thành tích chiến đấu chống Mỹ của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Với thành tích đó, HTX khai hoang Hưng Sơn đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Ba[20]. Bên cạnh đó, một số HTX khai hoang khác như HTX Chu Văn Thịnh (Mường La), HTX Kim Chung (Yên Châu),... cũng lập được các chiến công trong chiến đấu, phòng gian, bắt gián điệp, biệt kích, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, đồng bào khai hoang tại Sơn La còn tích cực đóng góp công sức phục vụ chiến đấu. Tính riêng trong khoảng thời gian 120 ngày vừa thực hiện sơ tán, vừa tham gia chiến đấu, đồng bào khai hoang đã đóng góp được 14.739 công trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chuyển 148 tấn thóc, bán 13.250 cây gỗ, tre, nứa; 5 vạn phên gianh, trên 2.000 thước phên cót để các cơ quan làm lán trại và một số thực phẩm như lợn, gà, vịt, rau xanh,…[21]. Các tổ, đội dân quân ở các HTX khai hoang ngoài việc bố trí lực lượng trực chiến thường xuyên còn tranh thủ phối hợp cùng với xã viên và nhân dân địa phương đóng góp 4.640 công phục vụ bộ đội xây dựng công sự, vận chuyển vũ khí, khiêng cáng thương binh, sửa chữa cầu đường, và chuyên chở kho tàng cho các cơ quan Nhà nước. Trong hoàn cảnh sơ tán, phân tán, các đơn vị bộ đội, cơ quan Nhà nước gặp một số khó khăn, nhất là về thực phẩm và vật liệu xây dựng lán trại, các HTX khai hoang đã bán 88 tấn rau xanh, 4.682 cân thịt các loại, 6.987 cây tre, gỗ, 39.920 phên gianh và 1.532 thước cót[22]; góp phần công sức trong sự nghiệp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tại Đại hội thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của tỉnh Sơn La nhân dịp tổng kết 120 ngày đánh Mỹ (tháng 10/1965), nhiều tập thể và cá nhân ở các HTX khai hoang đã được tuyên dương, khen thưởng. Hầu hết các HTX khai hoang được tặng giấy khen, bằng khen. Riêng HTX khai hoang Hưng Sơn (Mộc Châu) được Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La tặng Cờ thi đua “HTX khá nhất” cùng với HTX Lò Văn Giá (xã Chiềng An, huyện Mường La)[23]. Đó là những trang truyền thống đáng tự hào, là nguồn động lực cổ vũ, động viên đối với phong trào sản xuất, chiến đấu ở các HTX khai hoang nói riêng, cũng như đối với quân và dân trên toàn tỉnh Sơn La.

  1. 5. Kết luận

Không chỉ có tác động tích cực và sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu đưa miền núi tiến gần với miền xuôi theo chủ trương của Đảng; đồng bào khai hoang tại Sơn La còn có đóng góp to lớn trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng trở nên ác liệt, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả nước, đưa không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, sự xuất hiện của đồng bào khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La đã góp phần tăng cường cơ sở chính trị, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh tại khu vực miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, nâng cao năng lực và sức mạnh chống Mỹ, tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Với những đóng góp quan trọng đó, đồng bào khai hoang tại Sơn La đã góp phần công sức bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đóng góp tích cực vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hằng Anh (1965), Tham gia xây dựng miền núi là thiết thực chống Mỹ cứu nước, Nxb Phổ thông, Hà Nội.
  2. Hoàng Bắc (1962), “Về vấn đề đoàn kết dân tộc ở Tây Bắc”, Tập san Dân tộc, số 32.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21 (1960), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Nguyễn Tân Hòa, “Chuyển biến mới trong các HTX khai hoang ở Sơn La”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 15/3/1965.
  5. Nguyễn Đình Lê (2015), “Suy nghĩ về vị thế của phong trào tập thể hóa nông nghiệp miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 (469), tr. 45-50.
  6. 6. “Danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa II”, Báo Sơn La, số ra ngày 17/5/1965.
  7. 7. “Kỳ họp thứ nhất khóa III của Hội đồng nhân dân Khu”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 26/7/1963.
  8. P.V, “Đại hội đánh Mỹ”, Báo Sơn La, số ra ngày 25/10/1965.
  9. Hữu Thọ (1963), Đi khai hoang Tây Bắc, Nhà xuất bản Nông thôn, Hà Nội.
  10. Hải Trà, “Làng mới trên biên giới”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 1/6/1965.
  11. Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08/12/1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  12. Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Phương hướng nhiệm vụ công tác khai hoang trong năm 1966, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  13. Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên, Báo cáo số 02/KH ngày 08/02/1966 về tình hình công tác khai hoang 1965, Hồ sơ 180, Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Hưng Yên
  14. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Dự thảo báo cáo tổng kết phong trào đón tiếp đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế văn hóa trong 3 năm 1961 - 1962 - 1963 ở tỉnh Sơn La, Hồ sơ 362, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

15. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21 (1960), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.928.

[2] Hữu Thọ (1963), Đi khai hoang Tây Bắc, Nhà xuất bản Nông thôn, tr.10.

[3] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.4.

[4] Năm 1965, huyện Quỳnh Nhai có 10.520 người, Thị xã Sơn La có 10.094 người. Theo: Phòng Thống kê Khu Tự trị Tây Bắc, Số liệu thống kê dân số năm 1955 - 1969, Hồ sơ 3027, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Trung ương III, tr.32.

[5] Bà Vũ Thị Thìn (xã viên HTX Ninh Thuận, Thuận Châu) và bà Đào Thị Nga (xã viên HTX Hoàng Văn Thụ, Mai Sơn). Theo: “Kỳ họp thứ nhất khóa III của Hội đồng nhân dân Khu”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 26/7/1963.

[6] Bà Chu Thị Thuận (cán bộ HTX Hoa Mai, Mai Sơn), ông Nguyễn Thế Cưu (Chủ nhiệm HTX Lê Hồng Phong, Sông Mã), và chị Lê Thị Hoa (Phó Bí thư Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động HTX Bình Thuận, Thuận Châu). Theo: “Danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa II”, Báo Sơn La, số ra ngày 17/5/1965.

[7] Hoàng Bắc (1962), “Về vấn đề đoàn kết dân tộc ở Tây Bắc”, Tập san Dân tộc, số 32, tr.11.

[8] Nguyễn Tân Hòa, “Chuyển biến mới trong các HTX khai hoang ở Sơn La”, Báo Tây Bắc, ngày 15/3/1965.

[9] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Dự thảo báo cáo tổng kết phong trào đón tiếp đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế văn hóa trong 3 năm 1961 - 1962 - 1963 ở tỉnh Sơn La, Hồ sơ 362, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.16.

[10] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.6.

[11] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.4.

[12] Hằng Anh (1965), Tham gia xây dựng miền núi là thiết thực chống Mỹ cứu nước, Nxb Phổ thông, Hà Nội, tr.19.

[13] Nguyễn Đình Lê (2015), “Suy nghĩ về vị thế của phong trào tập thể hóa nông nghiệp miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 (469), tr.47.48.

[14] Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08/12/1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.3-4.

[15] Hải Trà, “Làng mới trên biên giới”, Báo Tây Bắc, số ra ngày 1/6/1965.

[16] Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08/12/1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.3.

[17] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.6.

[18] Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên, Báo cáo số 02/KH ngày 08/02/1966 về tình hình công tác khai hoang 1965, Hồ sơ 180, Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Hưng Yên, tr.7.

[19] Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Phương hướng nhiệm vụ công tác khai hoang trong năm 1966, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.2.

[20] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.6.

[21] Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08/12/1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.3.

[22] Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La, tr.6.

[23] P.V, “Đại hội đánh Mỹ”, Báo Sơn La, số ra ngày 25-10-1965.