Thu Đông năm 1952, quân và dân Việt Nam giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Tây Bắc. Sau gần 2 tháng chiến đấu (từ ngày 14/10/1952 đến ngày 10/12/1952), qua 3 đợt tiến công, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 6.000 quân địch, giải phóng một khu vực rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (rộng khoảng 28.500 km2 với 250.000 dân), nối liền vùng Tây Bắc mới giải phóng với căn cứ địa Việt Bắc. Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc đã vượt ra ngoài biên giới nước ta; vùng giải phóng của ta đã mở đến sát Thượng Lào. Mới hôm nào, chiến trường này còn là hậu phương an toàn của địch nay đã bị uy hiếp trực tiếp. Sau chiến thắng Tây Bắc, Việt Nam có thêm điều kiện để phối hợp tốt hơn với Chính phủ và quân đội kháng chiến Lào. Ngay sau chiến dịch, một số đơn vị bộ đội Việt Nam đã được cử sang phối hợp chiến đấu cùng quân giải phóng Pathet Lào. Trên đường từ Tây Bắc trở về căn cứ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc tranh thủ trước mùa mưa, đưa bộ đội chủ lực sang giúp bạn giải phóng một phần đất đai ở Thượng Lào, mở rộng chỗ đứng chân cho Chính phủ kháng chiến Lào trên một địa bàn tiếp giáp với vùng Tây Bắc mới giải phóng của ta. Đại tướng đã trao đổi vấn đề này với đồng chí Nguyễn Chí Thanh và chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu, đề xuất kế hoạch với Tổng Quân ủy. Ngày 2/2/1953, Tổng Quân ủy nhất trí mở chiến dịch Xuân Hè năm 1953 ở Thượng Lào và đề nghị với Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở một chiến dịch ở Sầm Nưa. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thống nhất cùng Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ítxala quyết định đưa quân đội Việt Nam sang phối hợp với quân giải phóng Pathet Lào mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công Sầm Nưa. Mục đích chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng căn cứ du kích, tạo lập hậu phương, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào phát triển, phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, ngăn chặn âm mưu củng cố Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng của địch.
Mở chiến dịch Thượng Lào là thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẻ vang của quân dân Việt Nam đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Thượng Lào (ngày 3/4/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ của ta cần phải: “Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta; Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn; Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam; Tất cả phải có quyết tâm rất cao, rất bền, tranh nhiều thắng lợi”[1].
Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm có Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 304 và Trung đoàn 148; cùng một số đơn vị pháo binh, phòng không, công binh, thông tin. Một số đơn vị quân giải phóng Pathet Lào tham gia phối hợp cùng chiến đấu. Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị và Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Cung cấp. Trung ương còn cử đồng chí Nguyễn Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, đặc trách công tác về Lào cùng đi với Bộ Chỉ huy chiến dịch. Về phía các bạn Lào có các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản - Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Xinhgapo - Thứ trưởng Quốc phòng, Thao Ma - Bí thư tỉnh Sầm Nưa.
Theo kế hoạch tác chiến, hướng chính của chiến dịch là Sầm Nưa, hướng phối hợp ở phía bắc là lưu vực sông Nậm Hu, ở phía nam là Xiêng Khoảng. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xuphanuvông đi chiến dịch ở hướng chính. Về chiến thuật, “bộ đội sẽ dùng lối bôn tập chiến dịch, từ xa ập tới bao vây toàn bộ quân địch, khống chế sân bay, bãi thả dù không cho tăng viện, nhổ những điểm cao quan trọng ở ngoại vi, đánh sâu vào tung thâm, chia cắt quân địch để tiêu diệt”[2].
Để đánh lừa phán đoán của địch, Bộ Tổng tham mưu đã xây dựng một kế hoạch nghi binh đánh Nà Sản từ 3 hướng: sông Đà vào, Sơn La xuống, Yên Châu lên. Mọi hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch từ hậu phương lên tới Cò Nòi, nếu bị lộ, địch vẫn có thể nghĩ ta chuẩn bị đánh Nà Sản; chỉ cần hết sức giữ bí mật trên đoạn đường từ Cò Nòi sang Sầm Nưa. Kế hoạch nghi binh được thực hiện hiệu quả, góp phần phân tán sự chú ý của địch, khiến chúng phán đoán sai hướng, mục tiêu tấn công của ta trong chiến dịch. Chúng tung tin ta sắp tiến công Thượng Lào hoặc Tây Bắc, nhằm các mục tiêu Xiêng Khoảng, Sầm Nưa hoặc Nà Sản. Ta tương kế tựu kế, chỉ đạo bộ đội đẩy mạnh hoạt động, thu hút sự chú ý của địch trên hướng Nà Sản. Khi bộ đội đến Mộc Châu và một cánh quân xuất hiện trên hướng đường số 7 thì Đài “Con nhạn” của địch loan tin cuộc tiến công của ta sắp bắt đầu, nhưng chúng vẫn còn nghi ngờ, chưa biết ta đánh Sầm Nưa hay Nà Sản. Chúng có vẻ nghiêng về phương án mục tiêu bị tiến công là Nà Sản. Ngày 7/4/1953, chúng rút quân ở Cò Nòi tập trung về Nà Sản, bổ sung lương thực, đạn dược cho vị trí này; trong suốt một tuần lễ đầu tháng 4/1953, máy bay địch đánh phá dữ dội đường số 41, đoạn Quang Huy - Tạ Khoa. Đến thời điểm các đơn vị chủ lực hành quân từ Mộc Châu sang Lào, địch vẫn chưa phát hiện mục tiêu của chiến dịch.
Ngày 9/4/1953, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh vượt biên giới đến vị trí tập kết. Ngày 12/4/1953, phát hiện các đơn vị đi đầu của ta cách Sầm Nưa gần một ngày hành quân, Tướng Xalăng (Raoul Salan) vội vã ra lệnh cho toàn bộ quân địch ở thị xã rút chạy. Tình huống chiến dịch đã thay đổi. Từ phương án vận động bôn tập từ xa đến bao vây, đánh địch trong công sự vững chắc, bộ đội ta nhanh chóng thích ứng với tình huống mới, chuyển sang thực hiện phương án vận động truy kích tiêu diệt địch, bắt đầu từ ngày 13/4/1953.
Trải qua hơn một tháng vận động truy kích (từ ngày 13/4/1953 đến ngày 18/5/1953)[3], Chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Quân ta diệt, bắt sống và làm tan rã gần 2.800 sĩ quan và binh lính địch (bằng 1/5 tổng số lực lượng của địch ở Lào); giải phóng một vùng đất rộng 4.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Xa Lỳ (chiếm 1/5 diện tích Bắc Lào) với hàng chục vạn dân. Với những kết quả đó, chiến dịch đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra.
Với thắng lợi của chiến dịch, lực lượng kháng chiến của Lào đã có một địa bàn đứng chân rộng lớn và vững chắc, nối liền với hậu phương chiến lược của Việt Nam. Vùng mới giải phóng ở Thượng Lào cho phép liên quân Lào - Việt tiến sâu vào hậu phương địch, củng cố và mở rộng vùng tự do của hai nước và tạo nên một chiến trường cơ động, có thể tiến đánh địch trên nhiều hướng. Thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước Việt Nam - Lào có điều kiện phát triển thuận lợi. Lực lượng kháng chiến Lào được tôi luyện và trưởng thành.
Về phía Việt Nam, thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào giúp củng cố thêm quyền chủ động chiến lược của quân và dân ta, không chỉ trong phạm vi Bắc Bộ mà đã mở rộng ra toàn chiến trường Bắc Đông Dương. Cùng với chiến thắng Tây Bắc trước đó, chiến thắng Thượng Lào là nguồn cổ vũ, thúc đẩy các chiến trường khác trong cả nước hoạt động sôi nổi và có hiệu quả hơn.
Đối với thực dân Pháp, sau hai đòn thua đau ở Tây Bắc, Thượng Lào, hệ thống bố trí và chiếm đóng của quân đội Pháp và lực lượng ngụy binh co lại một cách nguy hiểm. Trên chiến trường Bắc Đông Dương, lực lượng cơ động của Pháp bị căng mỏng và phân tán, buộc địch phải lựa chọn ưu tiên nhiệm vụ đóng giữ những vị trí chiến lược. Kế hoạch giành lại quyền chủ động chiến lược của Tướng Đờ Lát (De Lattre de Tassigny), được Xalăng dốc sức thực hiện, đến đây coi như đã thất bại. Một lần nữa Pari phải thực hiện kế hoạch “thay ngựa giữa dòng” - quyết định đưa Tướng Nava (Henry Navarre) sang thay Tướng Xalăng ngay trong thời gian Chiến dịch Thượng Lào đang diễn ra (ngày 7/5/1953).
Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào ghi nhận đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Mặc dù mới được giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng quân và dân Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã huy động được 34.650 dân công phục vụ chiến dịch từ trung tuyến đến hỏa tuyến (bằng 1.732.000 ngày công), 850 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa thồ làm công tác vận chuyển; đã cung cấp 4.975 tấn gạo, 140 con trâu, 2.200 con bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau khô và 12 tấn đường[4]. Những số liệu cụ thể nêu trên đã khẳng định, các tỉnh Tây Bắc đóng góp phần lớn sức người, sức của cho Chiến dịch Thượng Lào[5]. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, tình hữu nghị kề vai sát cánh của hai dân tộc Lào - Việt, góp phần tô thắm thêm mối tình thủy chung, son sắc giữa hai dân tộc anh em.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8 (1953 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.105.
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ (Hồi ức, Hữu Mai thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.363.
[3] Một số tài liệu và công trình nghiên cứu xác định thời gian Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 8/4/1953 đến ngày 3/5/1953. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trận mở màn Chiến dịch là trận Mường Hàm (đêm 13/4/1953); và trận kết thúc Chiến dịch là trận Mường Khoa lần thứ hai (sáng 18/5/1953).
[4] Viện Sử học (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khu Tây Bắc (1945 - 1954), Nxb Khoa học Xã hội, tr.412-413.
[5] Tổng hợp công tác hậu cần phục vụ chiến dịch đã cung cấp được 6.300 tấn lương thực, 200 tấn muối, 290 tấn thịt, 190 tấn thực phẩm khô và hơn 166 tấn vũ khí.