Lễ cưới là một nghi lễ quan trọng trong chu kỳ đời người, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, vai trò của gia đình, dòng họ, cộng đồng trong nghi lễ. Lễ cưới có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn giống nòi, nghi lễ, gia đình truyền thống. Đồng thời hôn nhân và đám cưới của người Dao Tiền còn bảo tồn những giá trị văn hóa riêng của tộc người này.

Thứ nhất, đám cưới của người Dao Tiền bảo tồn các nghi lễ văn hóa truyền thống. Người Dao Tiền rất coi trọng việc xây dựng, củng cố gia đình truyền thống, vì vậy, việc dựng vợ, gả chồng được coi là khâu mở đầu của sự hình thành gia đình, được thực hiện rất thận trọng và trang nghiêm cũng như vẫn được giữ gìn đậm nét trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc này. Trong lễ cưới, các phong tục và lễ nghi từ việc đi xin tuổi cô dâu, đưa tuổi cô dâu, chú rể nhờ thầy cúng xem sách lục hợp, đến nghi lễ ăn hỏi, báo cáo tổ tiên xin được tổ chức đám cưới, “ngủ mơ”, xin dâu, đón dâu, cắt khẩu và nhập khẩu cho cô dâu đều được thực hiện đầy đủ, theo đúng trình tự, có đủ các loại lễ vật kèm theo, các bài cúng, bài răn dạy nghĩa vụ làm dâu, rể, làm cha, làm mẹ….Đặc biệt, trong Lễ cưới, lễ vật nhà trai mang sang nhà gái không thể thiếu được là lễ tơ hồng. Lễ tơ hồng tuy đơn giản, được những người đàn ông cao tuổi, có uy tín trong dòng họ dùng giấy bản gói muối và gừng, buộc bằng chỉ tơ hồng, kèm thêm những đồng tiền bạc (theo sự thách cưới của nhà gái) nhưng mang ý nghĩa sâu sắc cầu mong cho đôi trẻ đã được se duyên trời, sống với nhau mặn nồng, đầu bạc răng long.

          Thứ hai, Lễ cưới của người Dao Tiền bảo tồn kho tàng văn hóa,giáo dục đạo đức con cái, vợ chồng. Hôn nhân và gia đình, dòng họ luôn gắn bó mật thiết, chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng văn hóa dân tộc Dao. Để đảm bảo sự bền vững của gia đình, sự trường tồn và phát triển của dòng họ, nhân dân và những người giỏi sáng tác thơ ca, tục ngữ, sách học, châm ngôn không chỉ răn dạy thanh niên nam, nữ mà còn cảnh báo khá nghiêm khắc về nghĩa vụ của các bậc cha mẹ. Trong đám cưới của người Dao Tiền không có các tiết mục hát, múa. Tuy nhiên luân thường, đạo lý được răn dạy rất kỹ lưỡng thông qua các bài cúng, lời dặn dò của bố mẹ hai bên đối với cô dâu, chú rể để thực hiện tốt vai trò của cuộc sống vợ chồng, bổn phần của những người làm con:“Mẹ tu công quả con gái tốt, cha ân đức dày con trai làm quan”; “Dành tiền con cháu; tính toán không minh tại cha mẹ”;“Nhà có con trưởng, nước có đạo thần; đạo thần không công quốc lễ loạn; con trưởng không giỏi nhà túng nghèo”;“Nhà giàu nhờ con trưởng; chính pháp nhờ đạo thần”; Quan niệm hôn nhân chỉ 1 vợ, 1 chồng: “ngựa chỉ phối một yên, nỏ chỉ phối 1 tên”

Coi trọng chế độ phụ quyền, nhưng không xơ cứng, vẫn đánh giá đúng công lao của nhà gái, họ ngoại, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng “Vợ theo chồng, chồng theo vợ”. Răn dạy con dâu, mẹ chồng: cô dâu đã là gái có chồng thì không được tơ tưởng đến người tình cũ; ngay phút đầu tiên bước ra khỏi nhà theo đoàn đưa dâu sang nhà chồng đã phải nhìn thẳng, không được quay đầu, nghiêng ngó…phải đối xử khéo với em cô, mẹ chồng và khuyên mẹ chồng phải gần gũi với con dâu trong buổi đầu bỡ ngỡ, không đối xử hà khắc với con dâu dễ dẫn đến hôn nhân của con cái đổ vỡ.

Thứ ba, đám cưới của người Dao Tiền bảo tồn các trang phục truyền thống.Trong lễ cưới, trang phục truyền thống là một thành tố quan trọng, mặc dù hiện nay ngày thường họ ít mặc nhưng cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có ít nhất một bộ để mặc vào những ngày lễ, đặc biệt là lễ cưới. Ngoài việc chuẩn bị cho cô dâu, chú rể bộ trang phục truyền thống thì những người phụ nữ trong họ đều mang trang phục đến để mặc cho cô dâu thể hiện sự quan tâm che chở, chăm sóc; những người trong đoàn đón dâu, đưa dâu, dẫn lễ đều phải mặc đầy đủ trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống trong lễ cưới của người Dao Tiền vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc của cộng đồng người Dao.

Có thể nói, trang phục của người Dao Tiền là một trong những loại hình trang phục được bảo tồn tốt nhất so với các dân tộc khác ở Sơn La cả về chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật tạo hoa văn, các loại hoa văn, cách thức cắt may và phương thức sử dụng. Hiện nay, trang phục của người Dao Tiền vẫn hoàn toàn được dệt bằng vải bông, nhuộm chàm, ngoài trang trí bằng hoa văn in sáp ong thì không có hoa văn nào khác, người ta diềm gấu váy bằng một đường vải trắng và một đường vải đỏ, viền nhỏ, trên cạp cũng viền một đường vải trắng, có xếp nếp một chút để tạo độ xòe cho váy, mềm mại khi mặc. Áo được may theo lối xẻ ngực có thêu rất điểm hoa văn viền theo gấu áo, lưng áo, viền chỉ nẹp áo, hoa văn đậm đặc ở cổ tay áo, sau cổ đính các đồng tiền. Hoa văn thêu trên áo mang đặc trưng văn hóa của người Dao đó là dấu ấn Bàn Vương, dấu thập ngoặc, hình con chó, nốt chân chó, cây thông.... Áo không có cúc, thường lồng 2 cái vào nhau, khi mặc thường mặc áo kép, khép xéo vạt, dùng thắt lưng buộc quanh bụng để giữ áo. Thắt lưng là một sợi dây dài hơn 2m được dệt bằng một loại khung dệt nhỏ bằng các loại sợi màu đã se chắc. Khăn đội đầu được thêu hoa rậm rạp ở 2 đầu khăn bằng chỉ màu đỏ hoặc hồng rực rỡ, gắn các tua bông đỏ, hồng. Chân quấn xà cạp cũng được thêu chỉ màu đen trên nền vải trắng.

Trong đám cưới, người Dao Tiền kiêng mặc đồ màu trắng nên trang phục trong lễ cưới chủ yếu là trang phục màu đen. Ngày cưới, cô dâu chú rể sẽ mặc trang phục mới nhất, đẹp nhất do tự tay cô dâu làm cho mình, thêm bộ trang phục mẹ chồng, mẹ đẻ chuẩn bị cho, họ hàng đến cho mượn.

Thứ tư, lễ cưới của người Dao Tiền bảo tồn các nét văn hóa ẩm thực.Mặc dù hiện nay, trong thời kỳ kinh tế thị trường, nhiều hàng hóa được lưu thông, giao lưu văn hóa, kinh tế diễn ra mạnh mẽ, nhưng trong Lễ cưới người Dao Tiền, các loại lễ vật, cách chế biến các món ăn truyền thống vẫn được gìn giữ. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị các đồ lễ dẫn cưới của nhà trai sang nhà gái, các món ăn trong các bữa cỗ: thịt lợn chua, rượu hoẵng, bánh rán…

Thịt chua: là món ăn ngày thường và cũng là đồ lễ dẫn cưới, món ăn trong các mâm cỗ cưới. Các gia đình đều phải nuôi lợn để chuẩn bị sẵn thịt chua, nếu đám cưới bị trì hoãn thì đưa ra dùng và làm gối mẻ khác vào để lúc nào trong nhà cũng có sẵn vì thịt chua phải làm ít nhất 6 tháng mới có thể ăn được và có thể để được 2-3 năm.

          Bánh rán: dùng bột gạo nếp nặn thành hình tròn, không có nhân, rán lên (trước đây không có đường, hiện nay họ cho thêm chút đường cho ngọt). Tuy nhiên, theo quan niệm của người Dao Tiền, đám cưới không thể thiếu được các cặp bánh rán, bánh to tượng trưng là mẹ, bánh nhỏ tượng trưng là con, cầu mong sau này đông con nhiều cháu, hạnh phúc của đôi trẻ sẽ được vẹn tròn. Vì vậy, mỗi đám cưới, các bà, các mẹ, các chị em vẫn xúm nhau lại làm để bánh rán cúng tổ tiên, đưa sang nhà gái, biếu những người giúp đám cưới.

Rượu hoãng: là loại rượu không chưng cất, ủ men giống như rượu nếp của người Kinh, chắt lấy nước đặc màu trắng đục, có mùi thơm, say nồng. Rượu hoãng không thể thiếu được trong nghi lễ cúng của đám cưới cũng như đồ lễ dẫn sang nhà gái.

Thịt lợn sống: có thể nói không dân tộc nào lại làm đồ lễ dân cưới sang nhà gái nhiều thịt lợn như vậy. Trước đây, khi điều kiện kinh tế khó khăn thì mỗi gia đình có thể mổ 03 con lợn nhỏ (khoảng 40-50kg); ngày nay, điều kiện kinh tế tốt hơn nên mỗi gia đình đều mổ lợn to từ 100kg trở lên để dẫn lễ sang nhà gái. Lợn mổ ra, được xẻ thành các phần theo vai vế, họ hàng bên nhà gái. Nhà gái cũng tổ chức lễ đón nhận trang trọng theo đúng phong tục, thể hiện lòng biết ơn đối với nhà trai.

Thứ năm, Lễ cưới của người Dao Tiền thể hiện tính cộng đồng, sự chia sẻ của dòng họ, gia đình hai bên: do xem tuổi kỹ lưỡng và có những quy định cụ thể nên người Dao Tiền tuyệt đối không có hôn nhân cận huyết, người trong cùng một dòng họ muốn lấy nhau phải cách nhau từ 3-5 đời, tuổi kết hôn trẻ nhưng phụ nữ ít khi kết hôn dưới 18 tuổi, vì vậy, hiện tượng tảo hôn rất ít xảy ra, đây cũng là những tập quán đẹp góp phần bảo tồn giống nòi, gia đình, dòng họ của người Dao. Người Dao Tiền kết hôn một vợ một chồng, không có hiện tượng đa thê và họ chủ yếu kết hôn cùng tộc, thậm chí cùng ngành Dao, ít kết hôn khác tộc.

Lễ cưới của người Dao Tiền ởhuyện Vân Hồ nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc; Đây là một mảng màu trong bức tranh đa sắc màu của nền văn hóa Việt Nam. Lễ cưới dân tộc Dao thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn nhiều giá trị di sản văn hóa như: tín ngưỡng dân gian, nghi lễ truyền thống, ẩm thực, trang phục….

Đám cưới người Dao Tiền ngày nay có một số thay đổi so với trước kia khi có sự pha trộn các yếu tố hiện đại như cô dâu, chú rể mặc trang phục hiện đại, chụp ảnh cưới, trong lễ cưới chủ yếu dùng tăng âm, nhạc hiện đại nhưng những nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì. Với người Dao Tiền, đám cưới không chỉ là nghi lễ tác thành cho đôi trẻ mà còn thể hiện những quan niệm, tín ngưỡng dòng tộc, là dịp để anh em, họ hàng họp mặt, chung vui cùng gia chủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến (1971) Người Dao ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội - Hà Nội
  2. Diệp Đình Hoa (), Người Dao ở Trung Quốc (qua những công trình nghiên cứu của học giả Trung Quốc), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Phan Thị Phượng (2015), Trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ ở Lào Cai, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Chảo Văn Lâm (2015), Nhà ở truyền thống của người Dao tuyển ở Lào Cai, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La (2014). Báo cáo Công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mông và Dao.
  6. Tư liệu điền dã tại tiểu khu Sao Đỏ huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
  7. Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2020), Địa chí Sơn La, quyển 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
  8. Lịch sử hình thành huyện Vân Hồ, nguồn: https://vanho.sonla.gov.vn/1311/31999/63371/lich-su-huyen-van-ho, ngày truy cập 18/8/2021
  9. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ,số liệu thống kê dân số tháng 6/2020.

Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền, nguồn: http://dsvh.gov.vn/nghi-le-truyen-thong-trong-dam-cuoi-cua-nguoi-dao-tien-3115, ngày truy cập 23/8/2021.

Đặt vấn đề
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, diện tích tự nhiên 14.109,83 km2 (đứng thứ ba trong cả nước); dân số trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc cùng sinh sống (dân tộc Thái 53,5%; Kinh 16,43%; Mông 15,92%; Mường 6,96%; Xinh Mun 1,97%; Dao 1,67%; Khơ Mú 1,37%; 2,05% các dân tộc thiểu số khác). Sơn La vừa là giao điểm của nhiều nét văn hóa đặc sắc, vừa là một trong các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng chiến lược, quan trọng của vùng Tây Bắc Việt Nam. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, văn hóa các dân tộc thiểu số là thành tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất nơi đây. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển của đời sống kinh tế văn hóa xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, văn hóa của nhiều cộng đồng dân tộc ở Sơn La đã và đang có nhiều biến đổi theo những chiều hướng khác nhau. Ngoài những ảnh hưởng tích cực, đã xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực, những mâu thuẫn giữa hội nhập, phát triển kinh tế với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người.
1.Đặc điểm văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La
- Văn hoá các dân tộc trong tỉnh được hình thành từ lâu đời, vừa thống nhất vừa đa dạng.
Văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc. Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, các giá trị văn hóa đó không ngừng được kết tinh và phát triển. Đó là đức tính nhân ái, đoàn kết, lối sống và ứng xử của các cư dân thuộc nền văn hóa nông nghiệp đặc biệt là tinh thần yêu nước, là ngôn ngữ chung, chữ viết chung... Đây chính là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp tạo nên tính thống nhất về văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại tỉnh.
Tính đa dạng trước hết biểu hiện ở sắc thái văn hóa vùng với những đặc điểm riêng được sáng tạo nên bởi các nhóm cư dân, các thành phần tộc người trên vùng lãnh thổ như ngôn ngữ, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội....
Tính đa dạng còn biểu hiện ngay trong từng tộc người, nhất là những tộc người có nhiều nhóm địa phương như nhóm Thái (Thái Đen, Thái Trắng); nhóm Dao (Dao Đỏ, Dao Tiền); nhóm Mông (Mông Đen, Mông Hoa...)góp phần làm nên một bức tranh đa dạng về văn hóa của cá dân tộc tại tỉnh.
- Văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La được hình thành và phát triển từ một nền văn hóa dân gian.
Các kết quả nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, folklore, nhân chủng học, địa chất học, địa danh học...đã cung cấp nhiều bằng chứng cụ thể về thời kì tiền sử tại Sơn La – nơi con người đã có mặt từ rất sớm. Qua nhiều thế kỷ đã tồn tại một giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân nông nghiệp trồng trọt, của một thiết chế xã hội công xã nông thôn... với một hệ thống các triết lý và quan niệm cùng nhiều hình thức sinh hoạt gắn với chu kỳ đời người, chu kỳ trồng trọt, chu kỳ thời tiết... Đó là những giá trị văn hóa dân gian.Các giá trị văn hóa dân gian là “nguyên liệu” chính cùng với các giá trị văn hóa bác học... đã tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc tại Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.
2. Thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La
Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
- Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, kế thừa và phát huy trong thực tiễn đời sống của đồng bào các dân tộc.
Tính đến nay, tỉnh Sơn La có 89 di tích văn hóa vật thể được phê duyệt đưa vào danh mục, trong đó có 63 di tích được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh). Đến năm 2020, tổng số tư liệu, hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh là 23.366 tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều tư liệu hiện vật quý như: Sách Thái cổ, sách Dao cổ, trống đồng, trang phục các dân tộc, sản phẩm đan lát... Giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh đã triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi được 16 di tích lịch sử cách mạng quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn; Di tích Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (huyện Phù Yên)...
Sở Văn hóa thể thao và Du lịch đã tiến hành công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc bao gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng theo 07 loại hình gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian. Sở đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được 13 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 12 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là: Chữ viết cổ dân tộc Thái; Lễ Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); Nghệ thuật Xòe Thái; Lễ cúng dòng họ của người Mông, Lễ Cầu an (Pang A) của người La Ha; Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mộc Châu; Nghi lễ cưới truyền thống của người Dao Tiền; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa huyện Mộc Châu; Nghi lễ Gội đầu của người Thái Trắng huyện Quỳnh Nhai; Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng; Nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng ma) của người Xinh Mun dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu .
Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa 14 loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhạc cụ của người Mông, Thái, Khơ Mú, Dao; các làn điệu dân ca của người Mông, Thái, Dao, Mường; nghề làm giấy thủ công và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy dó của người Dao; Nghi lễ cúng vía trâu của người Thái; Lễ cúng bản của người La Ha, Lễ mừng cơm mới của người Lào; nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông; các nghi lễ trong năm của người Khơ Mú…
Hiện nay, tỉnh có 2 kho sách chữ Thái cổ tại Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh với số lượng 1.495 cuốn, được lưu giữ và bảo quản bằng công nghệ thông tin hiện đại. Trong giai đoạn 2015 - 2022, mỗi năm đã xuất bản 3 đầu sách về sưu tầm, dịch, nghiên cứu văn nghệ dân gian với kinh phí bình quân 270 triệu đồng/năm để bảo tồn, giới thiệu, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc Sơn La.
Nhiều giá trị, di sản văn hóa các dân tộc được nghiên cứu, tôn vinh là di sản văn hóa Quốc gia và nhân loại. Ngày 15/12/2021, UNESCO đã ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hàng năm, tỉnh còn tổ chức cho các nghệ nhân, đội văn nghệ tham gia trình diễn dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và các lễ hội, lễ nghi của tỉnh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam và tham dự các liên hoan văn hóa, văn nghệ khu vực, toàn quốc.
Bên cạnh đó, các đội văn nghệ quần chúng cũng được tổ chức và hoạt động ngày càng có hiệu quả, là môi trường tốt để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tổ chức phục vụ khách du lịch.
Nhiều đề tài khoa học, đề án, dự án, phương án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện, tiêu biểu như: “Khảo sát sưu tầm lễ hội dân tộc Mông tỉnh Sơn La”; “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa cư dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La”; “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”; …. Qua đó, đánh giá thực trạng của di sản văn hóa các dân tộc và đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Sơn La đang có nguy cơ mai một và biến đổi.
- Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc đã, đang bị mai một nhanh chóng (ngôn ngữ, tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực, kiến trúc, lễ hội, hôn nhân, tang ma…). Ở Sơn La hiện nay, có thể nhận thấy những giá trị văn hóa đang biến đổi hàng ngày hàng giờ chính là chữ viết, trang phục và kiến trúc nhà ở của nhiều dân tộc.
Biến đổi về chữ viết: Đa số các dân tộc tỉnh Sơn La bảo tồn rất tốt tiếng nói của dân tộc mình như dân tộc: Thái, Mông, Dao, Mường, Lào. Tuy nhiên, do có sự giao lưu nhiều với dân tộc Thái và sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội đã làm cho những nhóm dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La như Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng ít sử dụng tiếng nói của dân tộc mình mà chuyển sang sử dụng tiếng Thái trong giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra, ở một số vùng thị trấn, thành phố, con em các dân tộc có bố mẹ là công chức nhà nước, hôn nhân khác tộc rất ít biết tiếng nói của dân tộc mình. Đây là một biến đổi tất yếu nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay.
Biến đổi về trang phục: Trước đây, người dân tự trồng bông, lanh để dệt vải làm trang phục, làm chăn đắp; các loại vải này thường có các màu sắc chủ đạo là đen, đỏ, vàng, trắng. Ngày nay, người dân đa số không còn trồng bông, lanh để dệt vải mà sử dụng sợi bông công nghiệp được mua ngoài chợ để may trang phục (thường rẻ và tiện hơn so với dệt và may truyền thống); Màu sắc, họa tiết hoa văn trên vải và trên trang phục cũng rực rỡ hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn; cách thức may trang phục cũng được cải tiến, chuyển từ may và thêu tay sang may máy. Trước đây, trang phục truyền thống được người dân sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày cũng như các dịp lễ, tết. Hiện nay, y phục truyền thống chỉ chủ yếu phổ biến ở vùng sâu vùng xa, hoặc các cụ già là còn giữ được thói quen mặc trang phục cổ truyền hàng ngày.Bộ phận lớn thanh niên đều ưa dùng loại quần áo may sẵn bằng vải dệt công nghiệp như ở miền xuôi, họ chỉ mặc quần áo truyền thống trong các dịp hội hè, lễ tết; nhiều thanh thiếu niên còn ngại mặc trang phục truyền thống với tâm lý tự ti, khác biệt với các nhóm dân tộc khác. Nhiều nhóm dân tộc có nghề thủ công thêu khăn piêu truyền thống như người Thái, người Lào, người Khơ Mú… tuy nhiên, hiện nay chỉ còn người già, phụ nữ đã lập gia đình biết thêu thùa còn lại các em gái, thanh niên gần như không được thêu, dạy… là một trong những nguy cơ làm mai một và biến mất các nghề thủ công truyền thống.
Biến đổi về nhà ở:Qua quá trình sinh sống, do việc chặt phá rừng làm cho nguồn nguyên liệu tự nhiên cạn dần, buộc người dân phải chuyển sang sử dụng các loại nguyên liệu khác để làm nhà. Do đó, các loại hình nhà cổ truyền được chuyển sang nhà xây theo kiến trúc phương Tây; chuyển từ nhà sàn sang nhà đất hoặc nhà xây hoặc nhà nửa sàn nửa đất; chuyển từ cấu trúc sinh hoạt truyền thống sang cấu trúc thông thường… Điều này dẫn đến sự biến đổi về cách thức sinh hoạt và cách bố trí vật dụng trong ngôi nhà truyền thống, ít nhiều dẫn đến xáo trộn và thay đổi mối quan hệ trong các gia đình truyền thống trước đây.
Các giá trị văn hóa mới xâm nhập thiếu định hướng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp chưa được giữ gìn và chưa thật sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa từ bên ngoài.
- Mặt trái của cơ chế thị trường vẫn còn tác động đến quan điểm, thái độ, cũng như việc thực hiện chính sách đầu tư bảo tồn, phát triển văn hóa.
- Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hoá rất hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực.Vai trò của chủ thể, của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy và đặt đúng vị trí trong việc lập kế hoạch, xây dựng triển khai, tổ chức quản lý, giám sát các dự án từ cơ sở về văn hoá, ảnh hưởng tới chất lượng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc trong tỉnh.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá còn thiếu, yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ngày càng ít dần và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
- Chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc dạy và học chữ, học tiếng dân tộc đối với học sinh các dân tộc. Di sản văn hoá các dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
3. Một số đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần đảm bảo cho Sơn La phát triển bền vững
Có thể nói, phát triển là một trong những quy luật tất yếu, góp phần nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của con người, kiến tạo nên cuộc sống công bằng, văn minh, hiện đại. Quá trình phát triển của một quốc gia, dân tộc được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau : kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, kỹ thuật…Trong đó, phát triển văn hóa được xem là nhiệm vụ song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa như một nguồn vốn, giống như các vốn tài nguyên, vật chất hay tài chính…là động lực cho phát triển và có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hộ. Bởi thế văn hóa vừa là trụ cột của phát triển bền vững, song cũng là đối tượng cần phát triển bền vững. Trong đó, văn hóa tộc người là thành tố quan trọng trong văn hóa của một quốc gia đa dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc của chính quốc gia đó.
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần đảm bảo cho Sơn La phát triển bền vững, nhóm tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:
Một là,tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kết quả Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện được các mục tiêu chiến lược được nêu trong Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững".
Hai là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa, về công tác quản lý văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Các cấp ban, bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về văn hóa, từ đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; thực sự phải coi “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện các hình thức động viên, khen thưởng, chú trọng biểu dương, nêu gương các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp này.
Ba là, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác văn hóa
+ Nguồn lực tài chính: Nhà nước và các cơ quan, ban ngành trong tỉnhtiếp tục quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa các dân tộc; có chính sách hỗ trợ, phục dựng các lễ hội truyền thống; các công trình sản phẩm văn hóa; tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công tạo dựng các công trình, sản phẩm văn hóa; phổ biến, truyền dạy nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị về văn hóa đối với các dân tộc trong tỉnh; hỗ trợ các mô hình văn hóa đặc sắc, mô hình điểm ở các bản, xã; hỗ trợ việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào các dân tộc.
+ Nguồn lực con người: Chú trọng công tác tuyển dụng công chức, viên chức được đào tạo đúng chuyên môn nghiệp vụ; chú trọng công tác xây dựng quy hoạch và chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn định kỳ, tập huấn hằng năm;“chuẩn hóa” cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ.
Bốn là, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội,xây dựng các đề án phát triển du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển kinh tế.
Phải có chiến lược phát triển, phải chú ý đến tính đặc thù, phải có phương án, giải pháp, giải quyết hài hòa giữa “bảo tồn và phát triển”. Khi phát triển du lịch cộng đồng, phát triển sinh kế đối với các dân tộc phải chú trọng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa (dệt thổ cẩm, canh tác ruộng bậc thang, trang phục, kiến trúc nhà ở… của các dân tộc), đặc biệt là các di sản theo hướng bảo vệ, tôn trọng ý kiến của cộng đồng, đề cao vai trò của cộng đồng và cộng đồng là chủ thể được hưởng lợi.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần đảm bảo cho Sơn La phát triển bền vững, nhất là trong thời đại 4.0 cần số hóa những dữ liệu cốt lõi gắn với bản sắc văn hóa đặc thù của các dân tộc. Từ đó, có thể lựa chọn đăng tải các dữ liệu trên các phương tiện truyền thông (như mạng xã hội) và truyền hình, để đông đảo người dân có điều kiện tiếp cận, tương tác, tìm hiểu thuận lợi hơn.
Năm là, đẩy mạnh việc đưa hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La vào giảng dạy tại các cấp học cũng như thường xuyên duy trì các hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La tại các cấp học trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Quan tâm đến công tác giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bằng cách đưa nội dung bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với thực tế của từng trường học. Cùng với đó là giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu (làn điệu dân ca, trò chơi dân gian…) cho học sinh trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan, khảo sát tìm hiểu thực tế tại các địa phương; khai thác kinh nghiệm thực tế, truyền thống văn hóa vốn có của học sinh; tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như sưu tầm ca dao, dân ca các dân tộc thiểu số, tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc, học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu văn hóa ẩm thực của các dân tộc, tổ chức tết dân tộc, lễ hội, tổ chức các câu lạc bộ (câu lạc bộ múa, câu lạc bộ ca dao dân ca, câu lạc bộ cồng chiêng...), hội thi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội diễn văn nghệ, thi trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày bản sắc văn hóa của các dân tộc, tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong trường học, thực hành các nghề thủ công truyền thống, liên hoan văn nghệ và trò chơi dân gian, mời nghệ nhân trên địa bàn đến truyền dạy văn hóa cho học sinh...
Sáu là, khuyến khích đồng bào các dân tộc trong tỉnh mặc trang phục truyền thống các dân tộc.
Theo Quyết định 209/QÐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Cần tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn tỉnh mặc trang phục dân tộc không chỉ trong các ngày lễ lớn mà trong cả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc đến trường; có quy định vận động, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc ít nhất 01 buổi/tuần tại các trường dân tộc nội trú và học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên là người DTTS tại các trường Tiểu học và THCS, THPT, trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc không chỉ là công việc của một cấp, ngành hay của một cá thể, không phải là công việc ngày một, ngày mai mà là công việc chung của cả cộng đồng. Để việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộcđạt hiệu quả, góp phần đảm bảo cho Sơn La phát triển bền vững, mỗi người dân chúng ta chính là một chủ thể góp phần vào việc bảo tồn, phát huy và giới thiệu hình ảnh văn hóa dân tộc mình, con người và mảnh đất Sơn La với bạn bè trong nước và quốc tế, mỗi chúng ta sẽ là những nhân tố tự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vốn có của dân tộc mình trước khi có sự giúp đỡ từ bên ngoài.Có như vậy, những giá trị văn hóa mới có được sức sống nội sinh và ngày càng phát triển một cách bền vững, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa bên ngoài để tiếp tục phát triển và hội nhập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La (2016), Báo cáo Thực trạng văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La (2018), Báo cáo Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tỉnh Sơn La
3. Trần Hữu Sơn (), Xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao. Nxb Văn hóa Dân tộc
4. Tỉnh ủy Sơn La (2016), Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2020.
5. Tỉnh ủy Sơn La (2020), Báo cáo Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "tăng cường sự lãnh đạocủa Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020"
6. Tỉnh ủy Sơn La (2020), Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội 5 năm (2016 – 2020), kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021 – 2025).

Có thể nói, quá trình hội nhập kinh tế diễn ra mạnh mẽ ở Sơn La đã ít nhiều tác động tới văn hóa các dân tộc nói chung và văn hóa dân tộc Thái nói riêng. Dưới tác động của hội nhập, các giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhà cửa, ẩm thực, văn học nghệ thuật, tín ngưỡng truyền thống…của người Thái đã có nhiều biến đổi, nhiều khía cạnh bị mất đi và xuất hiện nhiều nhân tố mới thay thế truyền thống, hoặc bổ sung, làm giàu thêm truyền thống.

Về tiếng nói, chữ viết

Trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tiếng nói chữ viết là những giá trị văn hóa riêng vốn có. Dân tộc Thái có chữ viết từ thế kỷ thứ VI, theo hệ chữ Pali của Ấn Độ, thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Chữ Thái tương đối thống nhất giữa các vùng của người Thái, có khác nhau chỉ là những ký hiệu riêng của từng địa phương, ghi theo âm của địa phương mình. Hiện nay, trong Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh còn lưu giữ  hơn 1.400 cuốn sách chữ Thái cổ được viết trên giấy dó, dướng. Ngoài ra, ở trong dân cũng còn một số sách chữ Thái cổ đang được lưu giữ. Sách chữ Thái cổ có nhiều thể loại: văn học, lịch sử, răn dạy con người, tín ngưỡng…. Tại các bản có một số người biết viết, đọc và dịch những cuốn sách chữ Thái cổ, trong đó có cả phụ nữ. Tuy nhiên, số lượng không nhiều vì trước đây không phải ai cũng được học chữ, hình thức học không được tổ chức theo lớp mà chủ yếu trong gia đình tự dạy nhau, không có giáo trình.10 năm trở lại đây, các Trường CĐ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của Tỉnh và gần đây nhất là Trường Đại học Tây Bắc đã thực hiện việc mở các lớp đào tạo tiếng, chữ Thái – góp phần không nhỏ vào việc khôi phục và duy trì vốn tiếng, chữ Thái cho đồng bào dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc khác quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc này. Theo kết quả kiểm kê, đối với những bản ở các huyện, vùng sâu, vùng xa thì có đến 90-100% số dân trong bản biết và vẫn nói tiếng Thái, tuy nhiên, một số bản gần thị trấn, thành phố, một số người đi công tác, là công chức nhà nước, hôn nhân khác tộc nên ở thế hệ con cái một số người không biết nói tiếng Thái.

Hiện nay, việc sử dụng song ngữ Kinh – Thái trong các gia đình và cộng đồng ngày càng phổ biến. Song ngữ đã thâm nhập vào hầu hết các lửa tuổi, các mối quan hệ trong gia đình : từ vợ/chồng, bố mẹ/con cái, ông bà/chá và giữa anh chị em. Song ngữ ngày càng phổ biến trong quan hệ với đồng tộc. Việc sử dụng tiếng Kinh trong gia đình và trong môi trường cộng đồng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đặc biệt, sự chuyển đổi ngôn ngữ diễn ra chủ yếu ở nhiều thanh thiếu niên khi môi trường tiếp xúc của họ hàng ngày chủ yếu là tiếng Kinh. Họ sử dụng tiếng Kinh là chủ yếu để biểu đạt tâm tư – tình cảm.

Về trang phục

Trang phục là một trong những yếu tố dễ nhận biết đến đặc điểm và bản sắc tộc người nhưng cũng lại là yếu tố có nhiều biến đổi. Trang phục truyền thống của người Thái may bằng vải sợi bông, nhuộm chàm: nam giới mặc quần may theo lối chân què, áo xẻ ngực, khăn màu đen; ngày lễ, tết, cưới họ mặc áo dài màu đen giống như áo dài của đàn ông dân tộc Kinh, khăn dài màu đen. Phụ nữ mặc áo cóm, may theo lối xẻ ngực, đính hàng cúc bạc hình các con côn trùng hoặc hoa lá: bướm, ve sầu, nhện, lá sắn...áo bó sát thân, váy dài màu đen  (phụ nữ Thái đen may cổ áo cao, ôm khít cổ, đội khăn Piêu; phụ nữ Thái trắng may áo cổ thấp, hình trái tim; ngoài ra, Sơn La còn có các nhóm Thái địa phương cũng có đôi chút khác biệt về trang phục phụ nữ). Ngày lễ, tết, cưới phụ nữ Thái trắng mặc áo dài may theo lối chui đầu, phụ nữ Thái đen mặc áo dài may theo lối xẻ nách, cài cúc cạnh. Người Thái có trang phục tang ma, thầy mo riêng.

Tuy nhiên, hiện nay các loại trang phục được bảo tồn chủ yếu là trang phục phụ nữ, bảo tồn chủ yếu về kiểu dáng và cách thức cắt may, còn vải đã dùng vải công nghiệp là chủ yếu, chỉ  trang phục tang ma còn bảo tồn đậm nét. Dưới tác động của quá trình giao lưu văn hóa, sự hội nhập văn hóa, trang phục truyền thống đang dần bị mai một. Việc sử dụng trang phục truyền thống hiện nay chủ yếu chỉ còn ở phụ nữ trung niên và người già, tuy nhiên, chất liệu và nhiều yếu tố truyền thống của bộ trang phục đã bị thay đổi. Hiện nay, ngày thường chỉ có khoảng 20-30 % phụ nữ mặc trang phục truyền thống; trong những dịp lễ, tết có khoảng 70-80% phụ nữ mặc trang phục truyền thống. Y phục còn được bảo tồn, tuy nhiên mức độ bảo tồn đậm, nhạt ở từng địa phương khác nhau; y phục của phụ nữ, y phục ngày thường được bảo tồn đậm nét hơn. Xu hướng dùng y phục ngày thường được được cắt may bằng chất liệu, màu sắc đẹp được dùng như y phục lễ hội ngày càng tăng. Y phục được bảo tồn về kiểu dáng, còn chất liệu đã được dùng hầu hết bằng chất liệu công nghiệp. Y phục nam chỉ còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 5-10%  dân số trong một bản sử dụng. Người Thái vẫn ưa dùng nhiều đồ trang sức, trước đây chủ yếu làm bằng bạc và hợp kim tổng hợp, ngày nay xu hướng dùng vàng làm đồ trang sức ngày càng tăng. Trang phục tang ma còn bảo tồn đậm nét.. Ở thành phố, do nhận thức được vẻ đẹp của trang phục truyền thống nên trang phục dân tộc Thái đã và đang được bảo tồn khá tốt. Một số vùng khác có sự vào cuộc của chính quyền, đưa vào hương ước của bản để quy định mặc trang phục truyền thống.

Về nhà cửa truyền thống

Người Thái ở nhà sàn, nhà của người Thái trắng có 4 mái phẳng; nhà của người Thái đen mái khum hình mui rùa, trên nóc nhà thường trang trí khau cút. Hiện nay, nhà ở đang có sự biến đổi mạnh về cả chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Trong nhiều năm trở lại đây khi thành phố Sơn La ngày càng phát triển với nhiều công trình xây dựng, các nhà cao tầng, các trung tâm thương mại được mọc lên không gian sống của con người dần bị thu hẹp. Hình ảnh những bản dân tộc với những ngôi nhà sàn lấp ló sau rặng cây dần bị mất đi, đặc biệt ở những khu trong thành phố, ven thành phố. Trước đây người ta có thể cảm nhận được « bản trong phố » thì ngày nay dường như mọi thứ đã được hòa lẫn trong một không gian phố núi hiện đại. Người Thái hiện nay sống ở nhiều loại hình nhà cửa khác nhau và số lượng các nhà phi truyền thống đang dần chiếm ưu thế : nhà nhiều tầng, nhà mái bằng, nhà cấp 4, chỉ còn số ít nhà ở nhà sàn. Các ngôi nhà được xây dựng với nhiều kiểu kiến trúc hiện đại, khang trang, nội thất tiện nghi theo phong cách người Kinh. Hình ảnh những ngôi nhà sàn với bếp lửa, những chõ xôi, mâm tre…dần dần bị mai một.

Văn học nghệ thuật

Bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết. Ở loại hình di sản văn hóa phi vật thể này, người Thái không có các thể loại: hò, vè. Các di sản còn lại hầu như không còn nhiều, thể loại hát ru (ú lu) chủ yếu là bà ru cháu, mẹ ru con, những lời ru chủ yếu do người hát tự sáng tác (ứng tác), không có bài mẫu, vừa hát vừa nghĩ và đặt lời; Sử thi, trường ca được ghi lại trong những cuốn sách cổ, tuy nhiên người biết sử dụng không còn nhiều.

Người Thái có kho tàng truyện cổ dân gian, truyện thơ, ca dao dân ca,… với những tác phẩm nổi tiếng như: “Xống chụ xon xao”, “Khun Lú nàng Ủa”, “Tản chụ xống xương”, “Tản chụ xiết xương”,… người Thái rất yêu thích văn nghệ đặc biệt là hát dân ca (Khắp) và múa (Xòe). Trong các bản làng còn khá nhiều người biết hát, họ thường hát khi đi hỏi vợ, làm mối, hát đám cưới, các bài hát này chủ yếu hát theo hình thức ứng tác (vừa hát vừa nghĩ và đặt lời), hát đối, hát giao duyên, hát thơ (theo tác phẩm “sống chụ son sao” – Tiễn dặn người yêu); Hát tiễn hồn người chết...

Người Thái sử dụng nhạc cụ truyền thống chủ yếu: các loại sáo (pí), trống, chiêng, khèn bè, chũm chọe. Dùng sáo, khèn thổi để tỏ tình, đệm cho các bài hát dân ca. Vào những ngày lễ, hội người ta đánh trống, chiêng rộn ràng để múa vòng (xòe vòng). Hiện nay, việc sử dụng nhạc cụ dân tộc chủ yếu là các loại: trống, chiêng, chũm chọe… để làm nhạc đệm cho các điệu xòe. Một số điệu múa truyền thống vẫn được bảo tồn như: múa quạt, múa khăn, múa sạp, múa hoa, múa chai, múa quả bầu, múa nón... Mỗi bản thường có ít nhất từ 01 - 02 đội văn nghệ thường xuyên tập luyện và biểu diễn, là một trong những môi trường tốt để bảo tồn loại hình di sản này. Điệu múa xòe, múa sạp là những nét nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Thái, được cả nước biết đến.

Người Thái không có nghệ thuật sân khấu, các loại hình ca, múa, nhạc được bảo tồn tương đối tốt, tuy nhiên một số điệu múa đã được cải biên, nâng cao, có sự tiếp thu một số tác phẩm múa của các dân tộc khác: Khơ mú, La ha…các làn điệu dân ca ngày càng ít được sử dụng, xu hướng của thanh niên hiện nay chủ yếu theo hiện đại: Nghe nhạc, hát từ đài, đĩa VCD, DVD, ti vi….

Tập quán xã hội

Bao gồm: luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác. Người Thái có nhiều tập quán xã hội mang đậm bản sắc tộc người. Hiện nay một số tập quán truyền thống vẫn được bảo lưu, một số tập quán đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp:Các luật tục đã được xây dựng thành hương ước để cả bản cùng thực hiện, hàng năm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp ; Các chuẩn mực đạo đức vẫn được giữ gìn: kính trên, nhường dưới, kính người già, yêu trẻ nhỏ… ; Các nghi lễ và phong tục truyền thống được bảo tồn tương đối tốt: lễ đầy tháng, lễ đặt tên, lễ cưới; lễ tang và một số nghi lễ khác…Tuy nhiên, một số phong tục đã được thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ví dụ : của hồi môn trong đám cưới không còn phải chuẩn bị kỹ và nhiều như lễ cưới truyền thống; hình thức ở rể hầu như không còn; thời gian tổ chức đám ma được rút ngắn cho phù hợp với nếp sống mới… Nhưng các bước tiến hành các nghi lễ hầu như vẫn giữ nguyên phong tục truyền thống.

Lễ hội truyền thống

 Người Thái không có nhiều lễ hội, lễ hội lớn nhất là như Xên Mường hoàn toàn mất hẳn, năm 2008 tỉnh Sơn La có tổ chức phục dựng lại lễ hội Xên Mường La của người Thái đen tại thành phố Sơn La nhưng sau khi phục dựng, lễ hội không được bảo tồn; lễ hội Xên bản: chỉ một số ít bản còn tổ chức 2 hoặc 3 năm một lần; một vài nơi còn tổ chức lễ hội Xên lẩu nó; Kin pang then, Hết Chá… đây là lễ hội của những người làm nghề thầy mo, thầy thuốc. Hiện nay, ngoài tết nguyên đán của dân tộc, nhân dân các bản đều lấy ngày 18/11 hàng năm (Ngày hội đại đoàn kết toàn dân) làm ngày hội lớn, cả bản tổ chức liên hoan ẩm thực, giao lưu văn hóa văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao dân tộc…Bên cạnh đó, những năm gần đây, lễ hội Hoa ban được tổ chức hàng năm, kết hợp với lễ hội là các trò chơi dân gian truyền thống được phục dựng như tó má lẹ, ném còn, hội thi thêu khăn piêu… nhằm góp phần duy trì và giới thiệu những nét đặc trưng của văn hóa Thái tới các cộng đồng dân cư khác cùng sinh sống (tuy nhiên, đây không phải là hoạt động được tổ chức tại tất cả các địa phương trong tỉnh nên khả năng lan tỏa chưa đủ lớn)

Nghề thủ công truyền thống

Nghề thủ công truyền thống của người Thái vốn chỉ phục vụ cho nền kinh tế tự cung, tự cấp, không trở thành sản phẩm để trao đổi, không có các làng bản chuyên về nghề thủ công truyền thống. Do sự chi phối nhiều mặt của nền kinh tế thị trường và cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó phải kể đến sự tiện lợi, hình thức đẹp, giá thành phù hợp của các loại hình sản phẩm thủ công, bên cạnh đó, việc sản xuất các mặt hàng này theo phương thức công nghiệp hiện đại lại có tác dụng giải phóng sức lao động của con người nên hiện nay một số nghề thủ công truyền thống đã và đang bị mai một, đặc biệt là ở vùng I (thị trấn, thành phố).Cụ thể : Nghề đan lát mây tre, đan chài, đan lưới, nghề nhuộm chàm, nuôi tằm, dệt vải còn rất ít gia đình làm, một số rất ít gia đình đi mua sợi và len ở chợ về để dệt thổ cẩm. Mỗi bản chỉ còn lại một vài hộ còn dệt vải. Khăn piêu của người Thái Đen vẫn được thêu nhưng hiện nay chủ yếu dùng sợi len để thêu.Nghề rèn chỉ còn 1-2 hộ/ bản, thậm chí nhiều bản không có hộ nào làm; sản phẩm cũng không nhiều, chủ yếu là sửa chữa các loại dụng cụ đang dùng của gia đình và trong bản. Nghề đan chiếu chỉ còn một vài nhà. Nghề gốm chỉ còn duy nhất 01 gia đình làm tại vùng gốm Mường Chanh nổi tiếng đang làm để giữ nghề chứ không có hiệu quả kinh tế.

Tri thức dân gian

Bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác. Những tri thức dân gian hiện nay ít được sử dụng do đã áp dụng khá nhiều khoa học kỹ thuật tiến bộ vào lao động sản xuất: Tri thức về lao động sản xuất: Kỹ thuật dẫn thủy nhập điền vẫn được bảo tồn song song với việc tiếp thu kỹ thuật dẫn nước hiện đại; Về y dược học cổ truyền: Ngoài việc đến bệnh viện thì vẫn còn một số người biết bốc thuốc nam chữa bệnh, một số hộ gia đình vẫn cúng ma, gọi hồn khi bị đau ốm, đặc biệt là những gia đình gặp chuyện không may mắn. Về sử dụng lịch Thái: Hiện nay đa số người Thái vẫn sử dụng lịch của mình để xem ngày cúng cơm cho bố mẹ, ngày cưới hỏi, làm nhà…tuy nhiên chỉ có những người biết chữ Thái, thầy mo mới biết xem ngày, tháng cụ thể, còn những người bình thường chỉ xem theo trí nhớ của mình để cúng cơm…

Về ẩm thực

Người Thái có rất nhiều món ăn đặc sắc được chế biến từ lương thực, thực vật; động vật, thủy sản… ngoài ra họ còn dùng nhiều loại côn trùng để chế biến món ăn: dế mèn, châu chấu, bọ sít, niềng niễng… Họ có nhiều phương thức để chế biến các món ăn: Nướng, đồ, làm khô, làm mắm…họ cũng dùng rất nhiều loại gia vị để chế biến món ăn, vừa ngon miệng, vừa đảm bảo sức khỏe. Ẩm thực của người Thái được bảo tồn tương đối tốt về cả cách thức chế biến, các loại thực phẩm, gia vị lẫn phong cách đón tiếp khách. Người Thái vẫn yêu thích các món ăn của dân tộc mình và tự nguyện gìn giữ, bảo tồn. Hiện nay, một số món ăn của người thái đã trở thành các sản phẩm để giới thiệu tại các nhà hàng, khách sạn, phục vụ khách du lịch đến Sơn La và được quảng bá ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, một số gia đình không còn giữ gìn cách chế biến truyền thống trong các bữa ăn hàng ngày, kể cả trong tiếp đón khách, thậm chí các món ăn trong đám cưới cũng đã tiếp nhận ảnh hưởng “đậm đặc” phong cách ẩm thực của người Kinh.

Biến đổi trong món ăn của người Thái có xu hướng đáp ứng tính tiện dụng và sự đổi thay về sản xuất, thị trường và môi trường tự nhiên. Nguồn lương thực và thực phẩm thay đổi khiến cơ cấu bữa ăn và món ăn của người dân cũng thay đổi. Nhiều món ăn truyền thống mất đi do không còn nguyên liệu, nhất là những món ăn khai thác từ tự nhiên. Một số món ăn ít được chế biến do cầu cầu kỳ, tốn thời gian.

Người Khơ Mú tự gọi mình là Khmụ, Kmh mụ hoặc Kừm mụ tuỳ theo cách phát âm ở từng địa phương. Những tên ấy đều có nghĩa là người hay cộng đồng người. Trước năm 1954, người Khơ Mú thường được người Thái gọi là Xả hay Phủ Xả (người Xá), hay Thềnh (Tênh – người ở núi cao).

Người Khơ Mú tại Yên Châu tính đến 2020 có 69 hộ 337 nhân khẩu. Trong đợt khảo sát điền dã tháng 5 năm 2022, tại Bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, nhóm tác giả đã có điều kiện tiếp xúc và ghi nhận được, người Khơ Mú tại Yên Châu tập trung chủ yếu tại Bản Thàn, xã Chiềng Pằn (56 hộ, 295 nhân khẩu); ngoài ra, còn một số sống xen kẽ với các nhóm dân tộc khác (chủ yếu là người Mông, Xinh Mun) tại các xã Phiêng Khoài, Viêng Lán, Nà Và, Tú Nang, Huổi Khoa…;

Bản Thàn có 100% dân số là người Khơ Mú sinh sống (có một số hộ đan xen với các dân tộc khác do quan hệ hôn nhân với các nhóm người Thái, người Mông, người Kinh, người Puộc…) thuộc ba dòng họ khác nhau (Họ Mè từ Mai Sơn di cư xuống; họ Hà từ Nghệ An ra và họ Lừ từ Nghĩa Lộ sang); tên Thàn nghĩa là “người dưng”, bản Thàn là bản của những người dưng được đặt từ thời phong kiến để chỉ những người Khơ Mú đồng tộc nhưng khác họ về cư trú cùng nhau tại bản.

 Bản Thàn tiếp giáp với bản Tô Tang, bản Phát (người Thái) và bản Chiềng Phú (người Kinh); Bộ phận người Khơ Mú ở Yên Châu có quan hệ với những người đồng tộc của mình ở Thanh Hóa, Nghệ An và cũng mới có mặt tại đây khoảng hơn 200 năm.

Do địa bàn sinh sống nên hoạt động kinh tế, đời sống văn hóa của người dân trong bản cũng có nhiều khác biệt. Họ không trồng lúa nương mà trồng lúa ruộng và ruộng bậc thang; ít trồng ngô mà trồng cây mía; nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong tang ma, cưới xin, bên cạnh chịu ảnh hưởng văn hóa của người Thái còn lưu giữ được nhiều nét riêng như tiếng nói, chữ viết; điệu múa au eo truyền thống hay nhiều nghi thức riêng liên quan đến nghi thức đời người như cưới xin, tang ma…

1. Hoạt động kinh tế của người Khơ Mú tại Bản Thàn

1.1. Nông nghiệp

 Hoạt động kinh tế chính của người Khơ Mú là làm nương rẫy, Xả kin xắp phay, Tay kin xắp nặm (Xá ăn theo lửa/rẫy, Thái ăn theo nước/ruộng), gắn với cuộc sống du canh du cư. Cây lương thực chính là lúa nương, ngoài ra còn trồng thêm các loại hoa màu khác như bí, ngô, khoai, sắn, ...; vật nuôi chủ yếu là trâu, bò, gà, lợn.

Khi người Khơ Mú chuyển sang lối sống định canh, định cư, hoạt động kinh tế của người Khơ Mú đã có nhiều thay đổi. Người Khơ Mú tại bản chỉ trồng lúa ruộng, canh tác 1 vụ/năm chứ không làm rẫy như các nhóm Khơ Mú tại các nơi khác.

Lúa nước có hai loại là lúa tẻ và lúa nếp. Hiện nay, người Khơ Mú cũng sử dụng các giống lúa mới giống người Kinh và người Thái như OM 5451, OM 4900, các loại giống nếp nhoi và nếp tan... cứ 1ha thu hoạch được 5 – 7 tạ; có hộ đất tốt và chăm sóc tốt, sản lượng thu được khoảng 8 tạ thóc/ha/năm. Ở bản Thàn, người Khơ Mú đã biết cách sử dụng hệ thống thủy lợi như của người Thái, biết sử dụng nhiều giống lúa mới để tăng năng suất cũng như sử dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học cho canh tác cây lúa.

Vào mùa đông, do thiếu nước nên lúa chiêm xuân ở bản chết nhiều. Bên cạnh đó, những thửa ruộng nước này đều không thuận lợi cho cây lúa nước phát triển (độ màu kém, chỉ có nước một vụ) nên thu nhập từ cây lúa không cao.

Ngoài trồng lúa, bà con còn trồng các loại bầu bí; cây ăn quả quanh nhà (xoài, mận nhưng chưa theo tiêu chuẩn Vietgap nên thu nhập không đáng kể). Cách đây 10 năm, người dân trồng thêm ngô và sắn để bổ sung thêm cho bữa ăn mùa giáp hạt. Ở bản Thàn, cây ngô giữ vai trò chủ đạo do tính chất hợp với khí hậu nóng. Cây ngô được trồng với diện tích 25ha/toàn bản, từ tháng 3, đến tháng 9 cho thu hoạch, năng suất khoảng 6 - 8 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, từ 20 năm trở lại đây, người Khơ Mú tại bản chuyển đổi sang trồng mía bán cho nhà máy Mía đường của huyện Mai Sơn để tăng thêm thu nhập cho các hộ dân trong bản (54/56 hộ trồng). Nhờ cây mía, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nhiều gia đình không chỉ đủ ăn mà còn có tích lũy, mua sắm được các trang thiết bị trong gia đình như tivi, quạt, tủ lạnh, xe máy...

Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, người Khơ Mú ở bản Thàn đã nhận 195ha rừng để chăm sóc và bảo vệ.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở người Khơ Mú đã khá phát triển. Mục đích chăn nuôi chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu trong các nghi lễ, tín ngưỡng như ma chay, cưới xin, dựng nhà mới, cúng bái. Sản phẩm của chăn nuôi cũng chỉ nhằm tự túc, tự cấp là chính, chưa mang tính hàng hóa. Các giống vật nuôi gồm: trâu, bò, lợn, gà, chó, dê. Mỗi hộ trong bản đều nuôi lợn đẻ (2 lứa lợn con/năm có thể bán để tăng thêm thu nhập); bò nuôi để bán khi giáp hạt và phục vụ tín ngưỡng; trâu chủ yếu được nuôi để làm sức kéo... Một số hộ gia đình trong bản cũng nuôi dê để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

1.2. Thủ công nghiệp

Có thể nói, nghề thủ công phổ biến nhất và cũng phát triển nhất của người Khơ Mú là nghề đan lát. Ngoài mục đích sử dụng trong gia đình, các sản phẩm đan lát của họ còn phục vụ trao đổi với các nhóm cư dân khác, nhất là người Thái. Hiện nay, đan lát chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng tại bản, ngoài ra, các hộ cũng mua thêm các vật dụng từ nhựa có sẵn trên thị trường.

Nguyên liệu dùng để đan lát khá phong phú, gồm: Các loại cây họ tre, nứa như tờ nếch (vầu),  tờ la (nứa), tờ rờ se (giang), jạac (vầu đắng), mạy phay (tre gai); các loại dây thuộc họ song, mây gồm 7 loại: bloọng chăng, bloọng chik, bloọng glạ, bloọng grẹt, bloọng nuôl, bloọng rưing, bloọng knệ. Hiện nay, bên cạnh nguyên liệu khai thác trong tự nhiên, người Khơ Mú còn sử dụng một số nguyên liệu công nghiệp (chủ yếu là dây ni lông, dây bao tải dứa) xe làm sợi đan vợt xúc cá. Các sản phẩm đan lát gồm: mâm (phươn), ghế ngồi (săn đên), các loại gùi (yăng, khrông ja, khrông nhịk), ép đựng xôi (ep mah), giỏ tra hạt (hot), bem đựng quần áo (plụm), ghế mây… cho đến các loại thúng, mủng, nong, nia, sàng, sẩy, cót phơi, quạt, lồng gà, các loại đó cá cùng với các sản phẩm đan từ dây cước, gai (chài, vợt xúc cá...).

Trước kia, người Khơ Mú cũng đã biết dệt vải. Họ chỉ dệt được loại vải thô, khổ rộng 30cm, chỉ dùng để may túi, khăn, không đáp ứng được nhu cầu tự túc, tự cấp vải mặc, nên phải dùng các sản phẩm đan lát đổi lấy vải vóc với người Thái về dùng. Tuy nhiên, nghề dệt của người Khơ Mú không mấy phát triển. Hiện nay, không còn thấy khung cửi tại các gia đình trong bản, phụ nữ chỉ thêu khăn piêu vào lúc nông nhàn còn vải may quần áo, phục vụ nghi lễ đều mua ngoài thị trường.

2. Đời sống văn hóa vật chất của người Khơ Mú tại Bản Thàn

2.1. Nhà cửa

Người Khơ Mú ở nhà sàn, cột chôn, mái hình khum mai rùa. Những gia đình chưa có hoặc không có điều kiện làm nhà to thì thường ở nhà nửa sàn nửa đất. Nhà thường có 3 gian, một cầu thang lên xuống; trong nhà có 2 bếp (bếp nấu nướng hằng ngày và một bếp chỉ nấu nướng khi làm lễ giỗ tổ dòng họ).

Bộ khung nhà được liên kết bằng hệ thống cột, sà ngang, sàn, các vì kèo và khung sườn mái. Nhà chủ yếu dùng ngoãm tự nhiên và lạt buộc. Mặt bằng sinh hoạt được chia thành phần ngoài, phần trong, phần trên và phần dưới. Trong nhà cũng được ngăn thành các buồng ngủ. Nơi thờ ma nhà được bố trí trong một buồng riêng, tại gian sát hồi sau. Đây là nơi linh thiêng, nên cấm phụ nữ và khách lạ ra vào.

2.2. Y phục và trang sức

Bộ y phục của phụ nữ Khơ Mú gồm: Áo, váy, khăn đội đầu, dây lưng và xà cạp. Trong các thành tố của bộ y phục nữ, váy, dây lưng, khăn đội đầu và xà cạp đều giống như y phục của phụ nữ Thái Đen. Riêng áo thì khác. Đó là kiểu áo ngắn, xẻ ngực, cắt may bằng vải chàm đen; cổ liền hình trái tim, can nẹp bằng vải đỏ và được khâu đáp thêm hai dải hoa văn chạy sọc từ cổ áo xuống mép tà; khuy cài bằng 4 miếng bạc hoặc nhôm hình chữ nhật gọi là mắc pám. Ống tay áo rộng, được can nối với nách vai áo bằng đường thêu chỉ màu đỏ; phần gấu áo được can bằng vải đỏ rộng khoảng 5cm. Hầu hết phụ nữ, thiếu nữ khi lao động thì đi chân đất, còn khi đi chợ thì đi dép nhựa.

Trang sức phụ nữ Khơ Mú giống với trang sức của phụ nữ Thái Đen, gồm: Vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, trâm cài tóc chế tác bằng bạc hoặc nhôm. Thường chỉ trong các dịp tết lễ, cưới xin, hội hè, người dân mới đeo đồ trang sức, còn ngày thường hay khi đi làm hầu như họ không đeo đồ trang sức.

Bộ y phục truyền thống nam giới Khơ Mú giống với y phục nam giới Thái Đen, gồm: Quần chân què, áo cánh 3 túi, cài khuy bằng dây vải, được cắt may bằng vải nhuộm chàm, màu đen. Hiện nay, nam giới Khơ Mú chủ yếu mặc theo y phục người Kinh..

2.3. Ăn, uống, hút

Nguồn lương thực dùng trong bữa ăn hằng ngày của người Khơ Mú là: gạo, ngô, khoai, sắn, trong đó gạo (nếp và tẻ), ngô là chính; khoai, sắn chủ yếu dùng để độn với gạo. Những khi giáp hạt, mất mùa, thì khoai, sắn, là nguồn lương thực giúp họ vượt qua nạn đói kém. Nguồn thực phẩm dùng để chế biến thức ăn gồm: các loại thịt, cá, côn trùng, nhộng; các loại rau, măng tự trồng hay thu hái trong tự nhiên.

Các món chế biến từ lương thực

 Cũng như người Thái, trước đây, người Khơ Mú chủ yếu ăn xôi nếp đồ (hmạ nưng). Tuy nhiên, họ thường ít khi làm xôi ngũ màu. Quy trình đồ xôi cũng như dụng cụ đồ giống như ở người Thái và các tộc người láng giềng trong vùng. Riêng gạo tẻ thì được nấu theo cách nấu của người Kinh. Ngô, khoai, sắn ngoài luộc/nướng ăn phụ còn được độn với gạo nếp đồ hoặc độn gạo tẻ nấu thành cơm. Ngoài đồ, nấu, nếp còn được nấu trong ống nứa (hmạ lam); gói bánh sừng bò, làm bánh chưng (hmạ gấp) và các loại bánh làm bằng bột ngô, gạo nhân đường.

Các món ăn chế biến từ thực phẩm, rau cỏ

Các món chế biến từ thịt gồm: Luộc, nướng, muối chua, sấy khô (aprui), nấu canh, rang, ăn tái, gỏi. Một trong những món ăn hợp khẩu vị nhất của người Khơ Mú là lam nhoọc hay còn gọi là ả chặn. Đây là một loại canh nấu bằng các loại thịt đã có mùi, trộn rau (10 loại rau non như bí, lá ớt, lá dâu…), bột sả nướng, tấm gạo và gia vị. Canh được nấu trong nồi hoặc cũng có thể đun trong ống nứa. Khi chín, canh thường sền sệt, ăn có vị béo ngậy, thường dùng xôi chấm hoặc ăn với cơm tẻ. Người Khơ Mú cũng có món brịa, ruột non của các loại thú ăn cỏ như kiểu nặm pịa của người Thái. Ruột non trộn gia vị (gừng, bột sả, hạt tiêu rừng, muối, ớt), đun sôi chấm với rau luộc, rau tươi, chấm xôi. Một cách làm nữa là dùng ruột non gác bếp, sau đó nấu với măng tươi.

Các món chế biến từ cá gồm: Nướng, rang, nấu canh (cá không hoặc trộn rau, măng, gạo rang rồi giã như tấm), muối chua, đồ (khi có nhiều cá). Ngon nhất và phổ biến nhất là cá nướng hay cá lam trong ống nứa. Thường thì các loại cá trắng, có vẩy thì nướng, còn cá đen, da trơn thì nấu canh hoặc rang. Món pịa cá trộn gia vị vùi gio bếp, dùng để chấm xôi cũng rất được ưa chuộng.

Các món chế biến từ nhuyễn thể thường là nấu canh, rang với mẻ, làm chẻo (cá con, cua, nòng nọc). Các món chế biến từ rau gồm: Nấu canh, luộc, đồ, nướng, làm nộm, muối chua, vùi gio hay sau này có thêm xào.

 Đồ uống

Do đặc trưng của huyện Yên Châu là trồng rất nhiều chuối nên người Khơ Mú ở bản Thàn có thói quen nấu rượu chuối. Rượu chuối của người Khơ Mú được nấu từ chuối nguyên chất nên rất nặng, không uống được nhiều. Hiện nay, trong bản có khoảng 30 – 40% hộ dân nấu rượu để sử dụng và bán cho các gia đình trong bản. Do vị thơm đặc trưng của rượu chuối tại đây nên rất nhiều người ở các bản khác và quanh thị trấn đến tìm mua. Rượu chuối thường được đóng vào bom (1,5 lít) với giá 40.000 đồng/lít góp phần đem lại thu nhập thêm cho một bộ phận người dân trong bản.

Nói đến đồ uống truyền thống của người Khơ Mú, không thể không nhắc đến rượu cần (bụi xà). Đây cũng loại rượu được người Khơ Mú rất ưa chuộng. Rượu cần là loại rượu được nấu từ sắn, gạo, hoặc ngô, không chưng cất, mà sau khi ủ trong chum thì đổ nước lã vào rồi cắm cần để hút. Cách làm khá đơn giản. Sắn, gạo hoặc ngô được luộc hay đồ chín, tãi ra mẹt rải đều men lên, rồi ủ kín 3 ngày - 7 ngày, sau đó trộn với vỏ trấu đã đồ ấm (nhằm khi uống không bị tắc cần), rồi nhồi vào chum, đặt cạnh bếp lửa từ 3 hoặc 5 ngày trở lên, khi ngửi thấy mùi thơm là có thể uống được. Rượu cần của người Khơ Mú thường có 5 vị: Ngọt, đắng, chua, mặn nồng, nên rất có ích cho việc tiêu hóa. Ở người Khơ Mú, rượu cần được uống trong các dịp tết lễ, cưới xin, lên nhà mới; khi khách quý đến nhà. Có thể nói, tiếp khách bằng rượu cần ở họ, cũng giống như người Kinh tiếp khách bằng nước chè vậy. Bộ đồ dùng để uống rượu cần gồm: Nồi đồng (trước kia) đựng nước lã, nay đựng trong chậu nhôm to, gáo múc nước bằng ống nứa, sừng trâu đong nước và bộ ống cần bằng trúc hoặc mây dùi lỗ.

3. Đời sống tinh thần của người Khơ Mú tại Bản Thàn

3.1. Cưới hỏi

 Tục lệ cưới xin của người Khơ Mú trải qua nhiều bước với nhiều nghi thức như: tìm hiểu, dạm ngõ (Prkhát cămbrạ), ăn hỏi (gio manh căm brạ), xin ở rể (Manh veech gút cămbrạ), tiễn rể sang nhà vợ (Srông veech gút cămbrạ), lễ hợp hôn (Pưn đệ), lễ cưới (căm brạ) và lễ lại mặt (hấp êm).

            Hiện nay, các thủ tục rườm rà trong đám cưới cũng đã được giản lược để phù hợp với nếp sống mới cũng như điều kiện sống của các gia đình trong bản. Tuy nhiên, có một số nghi thức bắt buộc phải có theo truyền thống của người Khơ Mú vẫn được gìn giữ. Thứ nhất, trong đám cưới chính, trên mâm thờ để báo với tổ tiên bắt buộc phải có một đôi gà luộc, thịt lợn để cúng; thứ hai, các thủ tục cần có: 8 đồng bạc trắng, một đôi vòng bạc, 1 đôi chum rượu cần; trong khi tiến hành nghi lễ, đôi vòng bạc sẽ được bỏ vào hai cần rượu để cô dâu, chú rể cùng uống; sau khi uống, đôi vòng bạc sẽ được đeo cho cô dâu cùng với một đôi nhẫn vàng, trâm cài tóc, búi tóc, tóc giả để thực hiện nghi lễ “tẳng cẩu”.     

3.2. Tang ma

Người Khơ Mú quan niệm khi chết, hồn sẽ về sống tại thế giới của ma, được gọi là cuôi ptê nằm trong khu vực nghĩa địa của bản. Người Khơ Mú quan niệm, cuộc sống của người chết trái ngược với trần gian. Nếu ở trần gian là ngày thì dưới đó là đêm và ngược lại và thế giới của người chết cũng có đủ mọi thứ như ở trần gian: Cũng sống thành từng bản làng riêng, mặc quần áo, làm nương rẫy, chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn... như trên cõi trần. Tại bản Thàn, khu rừng ma rộng 1,7ha nằm riêng tại một khu của bản. Đến nay, khu rừng này vẫn đang là khu rừng thiêng của bản, cấm người dân vào chặt phá, chỉ khi có đám ma mới được phép ra vào khu rừng này. Vì thế, nó đang góp phần tạo ra và giữ lá phổi xanh cho sự phát triển của các hệ sinh thái trong rừng và đời sống của người dân trong bản.

Khi có người mất, theo lệ, gia đình phải mổ một con lợn để làm cơm vĩnh biệt người đã chết. Nấu nướng xong, người ta bầy cạnh quan tài một sải vải trắng, một con dao, một chai rượu, một cái bát, một ống nước và một đĩa đựng thức ăn nấu chín, một cái rương đựng quần áo và hai ngọn nến ở phía đầu và phía chân. Theo quan niệm xưa, khi gia đình có người mất, những người thân trong nhà sẽ phải đi tát suối 3 ngày để mò cua, ốc cho vào túi buộc lại để mang về cúng cho người chết. Hiện nay, thời gian chỉ còn là nửa buổi, con rể sẽ là người cắt gói cua ốc này rồi mang đi chôn cùng với người chết.

Thông thường, thi hài được quàn trong nhà hai hoặc ba ngày trước khi đem đi chôn. Hiện nay, chỉ còn để một đến hai ngày trong nhà để đảm bảo vệ sinh cũng như bớt các thủ tục rườm rà.

Mộ người chết được đắp thành ụ cao, bên trên dựng nhà mồ, lợp gianh (hiện nay lợp tôn hoặc xây tùy vào điều kiện của người sống cũng như mong muốn của người chết) và được rào qua loa. Người Khơ Mú quan niệm giống người Thái, người chết là hết nên có tục lệ đào sâu, chôn chặt, không hỏa táng mà địa táng, không có tục lệ thăm mộ như các dân tộc khác.

Theo tập tục của người Khơ Mú, khi trong bản có người chết thì cả bản đều nghỉ việc để lo phúng viếng và giúp tang chủ việc tang ma. Việc giúp đỡ này là hoàn toàn tự nguyện và người Khơ Mú coi việc giúp đỡ này không chỉ là tình cảm mà còn là nghĩa vụ giữa những người trong cộng đồng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) về chủ trương điều chỉnh nhân lực giữa đồng bằng và miền núi, trong những năm 1961 - 1965, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận hơn 14.000 nhân khẩu đến từ hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Tính đến cuối năm 1965, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.282 đồng bào khai hoang, được phân bố tại khắp các huyện trong tỉnh, trong đó tập trung đông nhất tại huyện Sông Mã và huyện Thuận Châu. Lực lượng trên đây đã xây dựng được 80 cơ sở khai hoang, trong đó có 78 hợp tác xã khai hoang độc lập và 2 cơ sở xen ghép vào các hợp tác xã địa phương. Đó là những đơn vị dân cư, cơ sở kinh tế mới trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Nhiệm vụ đầu tiên của đồng bào khai hoang là tổ chức phát hoang, phá rậm, dọn sạch nương đồi, chuẩn bị cho vụ sản xuất đầu tiên. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với những người nông dân vốn chỉ quen với công việc chân lội ruộng bùn, tay cấy lúa nước. Tác giả Hoàng Bắc trong tác phẩm “Chung sức xây dựng miền núi” đã phản ánh: “Phá hoang, phát rậm, đánh gốc, giẫy cỏ, là những công việc còn mới mẻ với đồng bào miền xuôi. Những ngày đầu tiên, bà con cầm con dao phát còn ngượng, vung lên vài nhát đã thấy mỏi, chặt một hồi, hai bàn tay phồng rộp cả. Có người bi quan, không tin sức mình có thể khuất phục được rừng hoang” [2;6]. Dụng cụ để phát hoang cũng hết sức thô sơ, phần lớn được trang bị từ khi còn ở nhà; hoặc đến địa điểm khai hoang được chính quyền cung cấp và đồng bào địa phương cho mượn như: dao phát, cuốc (cuốc bàn, cuốc chim, cuốc bướm), thuổng, xà beng, mai, búa,...

Để chinh phục thử thách đầu tiên này, cấp ủy và ban quản trị các hợp tác xã đã phát động phong trào thi đua, động viên các xã viên tích cực lao động sản xuất. Các đội, tổ xã viên nêu cao tinh thần quyết tâm không lùi bước trước khó khăn; xã viên đi sớm về khuya, cố gắng phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, các hợp tác xã khuyến khích xã viên học tập, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ và nhân dân địa phương. Nhờ kinh nghiệm của địa phương, đồng bào khai hoang từng bước quen dần với những công việc mới. Năng suất phát hoang, phát rậm, đánh gốc, cuốc nương, cày ruộng từng bước được cải thiện, nâng cao. Những “kiện tướng”[1] xuất hiện ngày càng nhiều. Đã có những “kiện tướng” phát hoang một ngày được 3.650 m2, cuốc một ngày được 2.500 m2; có những xã viên nữ một ngày cuốc được trên 1.000 m2 [4;18]. Nhiều đội sản xuất được công nhận danh hiệu “tên lửa”, “mũi tên xanh”. Thanh niên là lực lượng xung kích trong các phong trào thi đua; điển hình là chiến sĩ thi đua Nguyễn Văn Lũy[2] ở hợp tác xã Hoàng Văn Thụ.

Nhìn chung, trong 3 năm đầu (1961 - 1963), diện tích khai hoang của các hợp tác xã không ngừng được mở rộng. Cuối năm 1961, diện tích thống kê được 702 ha[3]; năm 1962 khai hoang thêm được 1.236 ha [7;3]. Tính đến cuối năm 1963, tổng diện tích đất đai khai hoang được 2.359,32 ha; trừ 295 ha vì độ dốc cao, bị mưa lũ xói mòn bạc màu phải bỏ, diện tích thực tế còn lại được các hợp tác xã sử dụng là 2.064,32 ha [8;8]. Bước sang năm 1964, việc khai hoang, mở rộng diện tích chủ yếu tập trung ở các hợp tác xã mới được xây dựng và các hợp tác xã được bổ sung thêm nhân lực; còn đối với các hợp tác xã xây dựng trước đó, tuy cũng có khai hoang thêm nhưng lại có một số diện tích đất bạc màu, phải bỏ nên thực tế diện tích đất sản xuất mở rộng không nhiều. Do đó, diện tích khai hoang mới trong năm 1964 chỉ tăng thêm khoảng trên 300 ha so với năm 1963 [1;5]. Năm 1965, các hợp tác xã đã khai hoang thêm 266 ha, cộng với diện tích cũ được 2.064 ha; trong khi đó bỏ hoang 77 ha, bình quân 1 hợp tác xã khai hoang có 25,4 ha đất canh tác [3;10].

Tổng hợp qua 5 năm (1961 - 1965) không kể số ruộng đất được các địa phương nhường lại cho và diện tích bị xói mòn phải bỏ, các hợp tác xã khai hoang trong toàn tỉnh đã khai hoang, phục hóa và đưa vào sản xuất được 1.849 ha [9;4]. Như vậy, so với diện tích khai hoang trong 3 năm đầu, tính đến cuối năm 1965, diện tích khai hoang sử dụng được có xu hướng giảm, mặc dù lực lượng khai hoang vẫn tiếp tục được bổ sung. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ những khó khăn trong sản xuất, các hợp tác xã không tận dụng hết diện tích đã khai phá được.

Đại bộ phận đất khai hoang và sản xuất của các hợp tác xã là đất nương đồi. Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, đến cuối năm 1963, có tới 95% diện tích trồng trọt của các hợp tác xã khai hoang là đất nương đồi [8;22]. Đó là một thực tế khó khăn đối với các hợp tác xã, vì đồng bào khai hoang vốn chỉ quen sản xuất trên đồng ruộng, không quen canh tác trên nương đồi, chưa nắm kỹ đặc điểm, biện pháp kỹ thuật của việc sản xuất trên nương; mặt khác, đất nương đồi có độ dốc lớn, thường bị xói mòn, sau một vài năm canh tác bị bạc màu phải bỏ (hiện tượng tái hoang). Hiện tượng này cũng giải thích vì sao diện tích khai hoang trong những năm 1964 - 1965 của các cơ sở khai hoang có xu hướng chững lại, thậm chí giảm đi so với thời gian trước đó, mặc dù nhân lực vẫn tiếp tục được bổ sung thêm, một số hợp tác xã khai hoang vẫn được thành lập mới. Thực tế, diện tích tái hoang hàng năm của các hợp tác xã khai hoang chiếm số lượng không nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1963, diện tích đất đã khai hoang nhưng phải bỏ là 181 ha [7;3]; đến cuối 1963, con số này là 295 ha [8;8]; riêng năm 1965, các hợp tác xã phải bỏ 77 ha [3;10]. Tổng hợp qua 5 năm, có tất cả 649 ha đã khai hoang nhưng bị xói mòn, bạc màu phải bỏ [9;4]. Con số này tương đương 25% diện tích đất đã khai hoang của các hợp tác xã. Đó là một tỷ lệ lớn, phản ánh tính chất khó khăn của công tác khai hoang ở miền núi cũng như những hạn chế của các hợp tác xã khai hoang trong những năm đầu sản xuất trên quê hương mới.

Bên cạnh diện tích nương đồi là chủ yếu, các hợp tác xã khai hoang cũng chú trọng khai phá ruộng nước để phát huy sở trường sản xuất lúa nước. Khó khăn với các hợp tác xã khai hoang là diện tích ruộng nước ở miền núi vốn đã ít, hầu hết đã được nhân dân địa phương sử dụng để cày cấy; trong khi đó, nguồn nước phục vụ sản xuất lại không dồi dào và thuận tiện. Để khắc phục những khó khăn đó, một số hợp tác xã khai hoang tích cực tổ chức đào mương, phai, làm những công trình thủy lợi nhỏ để chứa nước, dẫn nước nhằm cải tạo những khu vực có điều kiện thành ruộng nước, khai phá chân đồi, ven suối làm ruộng; đồng thời tìm cách liên hệ, xin ruộng nước của địa phương, v.v... để phát triển thêm diện tích ruộng nước cấy lúa. Tiêu biểu là hợp tác xã Sông Hồng (Mộc Châu) trong 2 năm 1963 - 1964 đã khắc phục nhiều khó khăn để khai hoang được khoảng 9 ha ruộng nước từ bãi hoang [5]. Nhân dân địa phương ở nhiều nơi cũng sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ bằng việc nhường lại một phần diện tích ruộng nước đã trồng cấy cho đồng bào khai hoang. Năm 1964, diện tích ruộng nước của các hợp tác xã khai hoang đã tăng thêm 60 ha, bằng 63% so với năm 1963 [1;7-8]. Đó là sự cố gắng lớn của đồng bào khai hoang trong việc chinh phục thiên nhiên, phát triển sản xuất. Diện tích ruộng nước tuy còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với diện tích đất nương đồi nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sản lượng lương thực (thóc ăn) cho một số hợp tác xã. Một số hợp tác xã khai hoang nhờ có diện tích ruộng nước tương đối lớn nên đã tự túc được thóc ăn cả năm, không phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Nhà nước, thậm chí còn có thóc dư thừa để bán cho Nhà nước.

Diện tích đất khai hoang của hợp tác xã phần lớn được sử dụng cho sản xuất của tập thể, một bộ phận được chia cho các hộ gia đình, các xã viên độc thân hoặc các tổ, nhóm xã viên để phát triển kinh tế phụ; một phần được sử dụng làm đất kiến thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng của hợp tác xã (nhà ở, nhà bếp, nhà câu lạc bộ, nhà làm việc; căng tin, nhà để xe, nhà giữ trẻ, trạm y tế, chuồng trại, cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, sân phơi, giếng nước ăn...). Theo thống kê, đến cuối năm 1963, trong tổng số 2.064,32 ha đất khai hoang của các hợp tác xã, đã phân chia cho: sản xuất tập thể 1.717 ha (chiếm 83%); gia đình xã viên 274,12 ha (chiếm 13,3%); đất kiến thiết 72,30 ha (chiếm 3,6%) [8;8]. Một hiện tượng rất đáng lưu ý là diện tích sản xuất kinh tế phụ của xã viên và gia đình xã viên có xu hướng ngày càng mở rộng. Từ sau khi có chủ trương tạo điều kiện cho kinh tế phụ phát triển, ngoài diện tích đất chia cho các xã viên, một số hợp tác xã đã để cho nhiều gia đình, xã viên tự khai phá thêm nên diện tích sản xuất phụ trên thực tế vượt hơn nhiều so với quy định chung, có gia đình sản xuất tới hơn 1 mẫu Bắc Bộ (hơn 3.600 m2), trong khi quy định tối đa không vượt quá 1.500 m2. Diện tích sản xuất riêng của gia đình xã viên chiếm tỷ lệ cao (từ 16 đến 18% so với diện tích sản xuất của tập thể), nhiều hộ vượt xa mức quy định [8;10]. Hiện tượng này về lâu dài có thể nảy sinh những vấn đề về tư hữu ruộng đất, đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý.

Với những cố gắng của đồng bào khai hoang; sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương (hướng dẫn cách phát hoang, nhượng lại ruộng nước, đồi nương,...), các hợp tác xã khai hoang đã tạo ra vốn liếng quan trọng đầu tiên trên quê hương mới. Bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người trong các hợp tác xã khai hoang đã cao hơn nhiều so với lúc còn ở quê cũ. Tính đến thời điểm giữa năm 1963, mỗi lao động khai hoang tính bình quân có 4.430 m2, tương đương 1 mẫu 3 sào Bắc Bộ; nếu tính riêng lao động nông nghiệp thì bình quân tương đương 1 mẫu 5 sào Bắc Bộ [10;2-3]. Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, đến cuối năm 1963, bình quân mỗi lao động khai hoang đạt 5.722 m2 (tương đương 1 mẫu 6 sào Bắc Bộ), mỗi nhân khẩu đạt 3.888 m2 (tương đương 1 mẫu 1 sào Bắc Bộ) [8;8]. Đến cuối năm 1965, mặc dù diện tích bình quân có giảm so với 3 năm đầu do kết quả khai hoang trong hai năm 1964 - 1965 có chiều hướng chững lại, trong khi số lượng đồng bào lên khai hoang vẫn tiếp tục được bổ sung, nhưng mỗi nhân khẩu vẫn có bình quân 2.000 m2 (tương đương hơn 5 sào Bắc Bộ), mỗi lao động có 4.280 m2 (tương đương 1 mẫu 2 sào Bắc Bộ) [6;2]. Như vậy, so với diện tích ruộng đất bình quân khi còn ở quê cũ là 3 sào/nhân khẩu (khoảng 1.000 m2) thì diện tích ruộng đất bình quân đầu người mà đồng bào khai hoang đạt được trên quê hương mới đã cao gấp 2 lần. Đó là thành quả đầu tiên của những người nông dân Hưng Yên, Thái Bình trên đất Sơn La. Thành quả đó có ý nghĩa hết sức quan trọng: vừa phá được cái “xiềng ba sào”, giải phóng sức lao động của bản thân; vừa góp phần mở rộng diện tích đất canh tác của miền núi, là tiền đề dẫn tới nâng cao sản lượng lương thực, cải thiện đời sống. Đó cũng là thắng lợi đầu tiên của đồng bào khai hoang trong cuộc đấu tranh chinh phục và cải tạo tự nhiên, xây dựng cuộc sống mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Khai hoang tỉnh Sơn La, Báo cáo số 02/BC/KH ngày 10-3-1965 về tổng kết công tác khai hoang năm 1964 tỉnh Sơn La (Báo cáo tại Hội nghị cán bộ khai hoang toàn tỉnh ngày 5-3-1965), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  2. Hoàng Bắc (1963), Chung sức xây dựng miền núi, Nxb Phổ thông.
  3. Chi cục Thống kê tỉnh Sơn La, Báo cáo số 210/TK ngày 25-12-1965 về tình hình sản xuất nông nghiệp 1965, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  4. Dự thảo báo cáo của Khu tại Hội nghị khai hoang nhân dân Tây Bắc tháng 9-1962, Hồ sơ 12125, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  5. Yên Nhuệ, Hợp tác xã Sông Hồng làm tốt công tác khai hoang ruộng nước và chống xói mòn trên nương, Báo Sơn La, số ra ngày 22-3-1965.
  6. Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08-12-1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  7. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo về công tác khai hoang 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 1963 (ngày 1-8-1963), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  8. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Dự thảo báo cáo tổng kết phong trào đón tiếp đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế văn hóa trong 3 năm 1961 - 1962 - 1963 ở tỉnh Sơn La, Hồ sơ 362, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  9. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  10. Ủy ban Lâm thời phụ trách hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch từ tháng 1 đến ngày 15-6-1963 (ngày 9-7-1963), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.

 

[1]Danh hiệu thi đua được bình bầu trong các hợp tác xã dựa trên kết quả lao động, sản xuất.

[2] Kiện tướng cuốc đất, một ngày cuốc được 2.500 thước vuông, dẫn đầu hợp tác xã Hoàng Văn Thụ trong nhiều phong trào thi đua lao động, sản xuất, sáng tạo. Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III (tháng 5-1962), Nguyễn Văn Lũy được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.

[3] Số liệu thống kê có thể chưa đầy đủ vì còn ít hơn diện tích của hai hợp tác xã Hoàng Văn Thụ và Bình Thuận khai hoang đến giữa năm 1961. Chúng tôi chưa có điều kiện làm sáng tỏ.

Trong cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”, tỉnh Thái Bình là địa phương thứ hai sau tỉnh Hưng Yên tổ chức nông dân lên khai hoang, phát triển kinh tế tại Tây Bắc vào mùa xuân năm 1961.

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Bắc Bộ, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1.344 km2, dân số năm 1960 là 1.160.000 người [3;1], mật độ dân số là 864 người/km2 (đông nhất trong số các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, chỉ xếp sau mật độ dân số của Thủ đô Hà Nội), với tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm là 3,7%. Diện tích đất canh tác trong toàn tỉnh có 107.633 ha, bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người rất thấp, chỉ đạt 2 sào 4 thước Bắc Bộ [2;1]. Thông báo số 24-TB/TW ngày 1-6-1962 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: ở Thái Bình có tới 87 xã có diện tích bình quân đầu người chỉ trên dưới 1 sào [6;597].

Bình quân diện tích ruộng đất nêu trên khiến việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Thái Bình gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới khả năng nâng cao đời sống nhân dân. Hệ số sử dụng đất trung bình trong toàn tỉnh đã lên tới 2 lần/năm, không còn nhiều khả năng để quay vòng hơn; trong khi đó, diện tích đất hoang trong tỉnh không còn nhiều, hàng năm vẫn phải dành hàng nghìn ha phục vụ công tác đào sông, đắp đê, kiến thiết cơ bản (xây dựng cơ quan, trường học, trạm y tế,...). Trình độ sản xuất còn thô sơ, lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Là địa phương ven biển nên sản xuất nông nghiệp của Thái Bình thường xuyên bị thiên tai đe dọa, chịu nhiều hậu quả của bão lụt, năm được mùa, năm mất mùa. Sự bấp bênh trong sản xuất ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân; thu nhập hàng năm của người dân tăng, giảm thất thường. Tình trạng nêu trên thể hiện qua bảng số liệu sau:

Bảng 1. Sản lượng lương thực và thu nhập bình quân của tỉnh Thái Bình

giai đoạn 1957 - 1960

Năm

Tổng sản lượng lương thực (tấn)

Bình quân thu nhập đầu người (kg)

1957

402.929

---

1958

417.313

369

1959

488.477

410

1960

351.000

283

(Nguồn: [4;1] [5;2])

Số liệu thống kê nêu trên cho thấy tổng sản lượng và bình quân lương thực đầu người của Thái Bình trong những năm 1957 - 1960 không ổn định; khoảng cách chênh lệch giữa các năm khá lớn. Năm 1960 so với năm 1959, tổng sản lượng lương thực giảm 137.477 tấn, bình quân thu nhập đầu người giảm tới 172 kg/người. Để cải thiện đời sống của nhân dân, đi đôi với việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, khai hoang nhỏ kết hợp với phát triển nghề phụ và chăn nuôi, tỉnh Thái Bình xác định việc tổ chức đưa nông dân đi khai hoang xa, xây dựng cơ sở sản xuất mới ở trung du và miền núi là giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tiếp thu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ V (vòng 2, họp từ ngày 1-2-1961 đến ngày 9-2-1961) đã đề ra chủ trương trong năm 1961: “đối với lao động thừa ở nông thôn, ngoài việc làm tăng vụ, tăng diện tích, phát triển chăn nuôi, bước đầu nghiên cứu chuyển một số dân lên xây dựng khu vực sản xuất mới ở trung du và Tây Bắc. Năm nay dự kiến chuyển từ 1.000 đến 1.500 người” [1;12]. Trên cơ sở đó, từ đầu năm 1961, tỉnh Thái Bình tích cực tổ chức đồng bào đi khai hoang xa, bắt đầu với địa bàn Tây Bắc, từ đó mở rộng đến các địa phương khác trên miền núi phía Bắc.

Để lãnh đạo và tổ chức đợt thí điểm đầu tiên xây dựng hợp tác xã khai hoang tại Tây Bắc, Tỉnh ủy Thái Bình phân công 1 đồng chí Tỉnh ủy viên và chỉ định một Ban cán sự gồm 3 đồng chí, giúp việc Ban cán sự gồm một số cán bộ chuyên môn (1 cán bộ trong ban công tác nông thôn tỉnh có kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã, 1 cán bộ trung cấp nông lâm, 1 y tá, 1 cán bộ tài chính, 5 cán bộ huyện có kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã). Ban cán sự và đoàn cán bộ này có trách nhiệm tổ chức tốt đợt thí điểm, đồng thời chuẩn bị cho các đợt sau [7;2]. Cuối năm 1960, Tỉnh ủy Thái Bình cử một đoàn cán bộ lên liên lạc với Khu ủy Tây Bắc, tìm và xác định địa điểm khai hoang thí điểm của tỉnh tại chân đèo Pha Đin; đồng thời, tại Thái Bình, cấp ủy Đảng và chính quyền mở một đợt tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, sau một thời gian vận động đã có 1.000 đơn tình nguyện xin đi. Để giúp đỡ lực lượng đi khai hoang, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần “tự lực cánh sinh”, tỉnh Thái Bình đã phát động phong trào “xẻ người, xẻ của”, vận động các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyên góp tiền bạc, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất ủng hộ người đi. Lãnh đạo tỉnh cũng quyết định trích quỹ của địa phương để hỗ trợ những người đi khai hoang. Đồng bào khai hoang của tỉnh Thái Bình được hỗ trợ các vật dụng như: nón, áo tơi, chăn, màn, quần áo ấm, lương ăn trong khi đi đường và giày dép để sản xuất; chưa tính phần nhân dân giúp đỡ, chỉ tính riêng số tiền của tỉnh đã lên tới 6.297 đồng, bình quân mỗi người 11 đồng 30, chưa kể tiền thuê xe. Quân khu Tả ngạn giúp đỡ tỉnh Thái Bình 10 xe ô tô để đưa đón nhân dân đến địa điểm khai hoang [7;3].

Ngay khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ V (vòng 2, tháng 2-1961) vừa bế mạc, công tác chuyển dân đi Tây Bắc khai hoang được xúc tiến khẩn trương. Sau chuyến đi thí điểm đầu tiên của đồng bào Hưng Yên lên Sơn La xây dựng hợp tác xã khai hoang Hoàng Văn Thụ, tháng 2-1961, đoàn khai hoang thí điểm của tỉnh Thái Bình bắt đầu lên đường đi Tây Bắc. Đến tháng 3-1961, các xã viên được chuyển lên qua 2 đợt: đợt thứ nhất bắt đầu đi ngày 20-2-1961 gồm 191 người với nhiệm vụ chuẩn bị nơi ăn, ở, sinh hoạt cho những người đến sau; và đợt thứ hai khởi hành ngày 4-3-1961 gồm 362 người; tổng cộng cả hai đợt là 553 người, gồm 524 bần nông và 29 trung nông [7;3]. Thành phần xã viên được tập hợp ở một số xã trong 6 huyện (Hưng Nhân, Tiên Hưng, Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương, Đông Quan), gồm 369 trung niên, 184 thanh niên; 52 phụ nữ; trong đó có 87 đảng viên. Cán bộ có 3 đảng ủy viên, 12 chi ủy viên, 8 cán bộ đoàn thể, 49 cán bộ hợp tác xã, 3 công an, 5 dân quân, 1 chủ tịch xã [10;4]. Lực lượng trên đã thành lập một hợp tác xã cấp cao ở Thuận Châu, thuộc Khu Tự trị Thái - Mèo, lấy tên là Bình Thuận. Tên gọi “Bình - Thuận” để nhớ về quê cũ - Thái Bình và quê mới - Thuận Châu, thể hiện mối tình đoàn kết xuôi - ngược, đồng thời có ý nghĩa hy vọng “bình an, thuận lợi”. Hợp tác xã Bình Thuận tổ chức khai hoang, sản xuất trên diện tích rộng hơn 500 ha dưới chân đèo Pha Đin, thuộc địa phận xã Chiềng Pha. Phần lớn diện tích trước đây nhân dân địa phương đã khai phá, điều kiện khai hoang ở đây dễ hơn so với hợp tác xã Hoàng Văn Thụ của đồng bào Hưng Yên.

Bình Thuận là hợp tác xã khai hoang thí điểm đầu tiên của nông dân tỉnh Thái Bình trong cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”. Đó là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp củng cố, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ghi nhận sự đóng góp, tiên phong của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Tại địa điểm khai hoang, đồng bào đã được Khu ủy, trực tiếp là cấp ủy Đảng, chính quyền của châu Thuận Châu đón tiếp chu đáo. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Châu đã dành cho hợp tác xã khai hoang Bình Thuận những tình cảm và giúp đỡ vật chất quý báu ngay từ thời điểm đồng bào đặt chân đến địa điểm khai hoang như: “nhường đất, giúp đỡ đầy đủ tre, gỗ, gianh đủ làm 144 gian nhà ở và chuồng trại chăn nuôi, lại còn mang tới cho 125 con gà, 5 con chó, 1 con mèo, 106 quả trứng, 100 kg giống lúa và ngô, bán chịu cho 58 con trâu cày,...” [7;12].

Để kịp thời chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng hợp tác xã khai hoang, ngày 27-2-1961, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị ký ban hành Công văn số 466-TN, trong đó khẳng định: “Cần thống nhất nhận định đây là việc nhân dân tổ chức đi khai hoang và thành lập riêng những cơ sở sản xuất mới được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Nhà nước, không nên lầm với việc của nông trường quốc doanh. Về nội dung và hình thức coi như HTX cao cấp, mọi công việc quản trị và quản lý (sản xuất, lao động, tài vụ, v.v...) đều do HTX tự đảm nhiệm” [8;2]. Công văn đánh giá: “Đợt này của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên đưa lên coi như đợt thí điểm, phải cố gắng làm cho tốt và rút được kinh nghiệm cho những đợt mở rộng sau này”. Chính phủ quy định trách nhiệm của các địa phương nơi đưa đồng bào đi và nơi tiếp nhận nhân lực đến khai hoang; đồng thời yêu cầu: “các Bộ và Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo tích cực giúp đỡ các cơ sở giải quyết những khó khăn” [8;2]. Đó là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đối với công tác thí điểm khai hoang xa.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, hợp tác xã Bình Thuận đã nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất, phấn đấu tự túc lương thực. Ngay trong năm 1961, hợp tác xã Bình Thuận khai hoang được 227 ha, trồng trọt được 355 ha (cả tăng vụ), thu hoạch bình quân 737 kg lương thực (riêng thóc 355 kg); bình quân 1 công lao động đạt 1,26 đồng, bình quân thu nhập 223,75 đồng [9]. Hợp tác xã Bình Thuận đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới gặp gỡ, động viên trong dịp Thủ tướng lên thăm Khu Tự trị Thái - Mèo vào đầu năm 1962, sau đó được Thủ tướng gửi tặng một chiếc ô tô làm phương tiện vận chuyển; đây là chiếc ô tô mà Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đó là kỷ vật vô cùng giá trị, có ý nghĩa động viên to lớn, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với những người đi tiên phong trong công cuộc khai hoang, phát triển kinh tế miền núi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 1-NQ/TU ngày 23-2-1961 của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thái Bình họp từ ngày 1 đến ngày 9-2-1961, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 5-8-1961 của Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 31-7-1961 về tổ chức nông dân đi khai hoang mở rộng cơ sở sản xuất ở miền núi đợt cuối năm 1961, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Dự thảo báo cáo tổng kết công tác khai hoang của Thái Bình từ đầu năm 1960 đến nay (ngày 4-8-1962), Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 50-NQKH ngày 10-8-1962 về phương hướng, nhiệm vụ công tác khai hoang trong 5 năm và 6 tháng cuối năm 1962, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  5. Dự thảo một số ý kiến phát biểu của đồng chí Ngô Duy Đông Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 23 (1962), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Đoàn Cán bộ khai hoang tỉnh Thái Bình, Báo cáo ngày 6-7-1961 về tổng kết việc tổ chức đưa các xã viên hợp tác xã tỉnh Thái Bình đi khai hoang xây dựng cơ sở sản xuất ở miền núi, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  8. Phủ Thủ tướng, Công văn số 466-TN ngày 27-02-1961 về công tác khai hoang, Hồ sơ 3411, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  9. Thành tích sản xuất năm 1961 của hai hợp tác xã khai hoang thí điểm, Báo Tây Bắc, số ra ngày 7-10-1962.

10. Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo, Báo cáo tổng kết đợt điều chỉnh nhân lực miền xuôi lên xây dựng hợp tác xã khai hoang ở Tây Bắc (ngày 15-5-1961), Hồ sơ 3366, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.