Tháng 2/2021 trong quá trình điền dã văn hóa, nhóm nghiên cứu đã phát hiện tại gia đình ông Lò Văn Tương ở Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La có 01 bộ khuôn dùng để làm cúc bướm của người Thái Đen. Qua khảo sát, trao đổi với chủ nhân bộ khuôn chúng tôi được biết khuôn được làm khoảng trước năm 1970 do ông Lò Văn Tương tự làm. Hiện nay, khuôn vẫn được sử dụng thường xuyên nhằm cung cấp lượng cúc cho người phụ nữ Thái làm áo cóm trên địa bàn tỉnh Sơn La. Khuôn còn khá nguyên vẹn, được làm bằng chất liệu đất nung, màu đỏ, chất đất mịn đặc trưng của loại đất dùng để làm gốm ở Chiềng Cơi trước đây.

Một số thông tin chúng tôi thu thập được như sau:

            Khuôn được làm bằng đất nung, theo kinh nghiệm của người thợ làm nghề chế tác cúc bướm (tiếng Thái gọi là Mắc Pém) thì khuôn được tạo bởi đất sét phơi khô sau đó nung qua lửa sẽ chịu được nhiệt độ cao, có độ bền, dễ sửa chữa. Khuôn dùng để đúc phôi, phần cúc thô ban đầu trong tạo hình cúc bướm.

Diện tích khuôn rộng 10cm, dài 25cm, cao 5cm, một đầu hở để đổ nguyên liệu dẫn vào các hàng khuôn bên trong. Khuôn gồm hai mặt ốp/ghép vào nhau, một chiếc trơn, một chiếc được người thợ gia công 24 con tương ứng mỗi con một cúc, độ dày của cúc dao động từ 1mm - 1,5mm. Khi đúc, 2 chiếc khuôn ốp vào nhau tạo sự chắc chắn và không chảy nguyên liệu ra ngoài. Trong quá trình đúc, người thợ dùng 2 chiếc kẹp tre (vam) dày 0,7cm, dài 40cm cố định một đầu và đầu còn lại được khóa bằng dây thép để khi đúc xong, tháo dây thép ra và lấy phôi.

Để tránh nhiệt độ cao người thợ thường tạo đế bằng gỗ và mặt trên được lót bằng bằng vải ướt sao cho khi đúc, tháo kẹp tre (vam) không bị cháy thanh tre và tránh nóng cho người đúc. Khuôn được làm thủ công bằng các vật liệu tự nhiên tuy khá đơn sơ nhưng lại có độ bền, chắc chắn, nhẹ và dễ di chuyển.

Để có bộ sản phẩm cúc bướm là kết quả của quá trình lao động chuyên cần, tài hoa khéo léo, người thợ đã gửi gắm tâm huyết qua cáchchế tạo khuôn dùng để đúc, nguyên liệu làm khuôn được lấy trong tự nhiên gần gũi với con người tạo ra những bộ cúc bướm đẹp mắt có tính đặc trưng trong bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Thái. Khuôn với chất liệu đất dễ kiếm, dễ sử dụng, dễ chế tác,đặc biệt có độ bền cao, quy trình tạo khuôn được đúc kết từ nhiều thập kỷ, sản phẩm phù hợp với tập tính sử dụng, đáp ứng các nhu cầu về văn hóa, đặc biệt là trang phục của cộng đồng người Thái Sơn La.

Khuôn đúc cúc bướm của người Thái Sơn La