Bản Lụ thuộc huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân Lào, cách cửa khẩu Quốc gia Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La, Việt Nam) khoảng 8km, là một bản thuần nông nằm bên dòng Sông Mã, sông bắt nguồn từ tỉnh Điện Biên chảy qua địa phận xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) thì đổ sang nước bạn Lào. Ở bản Lụ có nhiều nghề thủ công truyền thống tồn tại lâu đời phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như nghề dệt, nghề trồng lúa nước,… đặc biệt là nghề làm gốm thủ công đã tồn tại lâu đời phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân.

Trong quá trình nghiên cứu, thông qua một số cán bộ người Lào được biết nghề có từ rất lâu đời, tuy nhiên cụ thể từ khi nào thì không có những bằng chứng rõ ràng, qua trao đổi với trưởng bản và cán bộ Phòng Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện Mường Ét được biết nghề có cách ngày nay khoảng 120 - 200 năm, cũng có thông tin nghề gốm bản Lụ có cách đây khoảng 400 năm.

Nguồn gốc của nghề bắt nguồn từ một gia đình có 8 anh em người ở Xiềng Đồng, huyện Xiềng Thòng (tỉnh Luông Pha Bang) di cư tìm những nơi có nguồn đất màu mỡ, cạnh nguồn nước để sinh sống, lập nghiệp xây dựng bản làng. Trong quá trình di cư, họ đã chọn mảnh đất bên cạnh dòng Sông Mã, người Lào gọi là sông Sốp Hồng Lụ, để sinh sống. Họ cải tạo đất, đắp đất, làm mương dẫn nước vào ruộng để canh tác lúa nước và gọi cánh đồng bên dòng Sông Mã là cánh đồng Đông (bản Lụ ngày nay). Trong quá trình sinh sống, lao động, 8 anh em đã phát hiện ra chất đất ở cánh đồng Đông rất mịn, dẻo không có sỏi, tạp chất có thể làm gốm (8 anh em này từng làm gốm ở Luông Pha Bang), họ đã lấy đất nặn thành các đồ đựng đem phơi khô, sau đó chất củi đốt cho thật chắc, khô để sử dụng. Khi thấy các đồ vật làm từ đất hiệu quả phục vụ cho đời sống, 8 anh em tiến hành làm gốm, và nghề gốm ở bản Lụ bắt nguồn từ đó.

Để có cái nhìn rộng hơn, chúng tôi tiến hành so sánh với gốm của người Thái ở Sơn La, qua nghiên cứu thấy rằng gốm Lào khá tương đồng với gốm Thái như: quy trình chế tác, lò nung, mục đích sử dụng, tập quán sử dụng, thói quen sử dụng các đồ dùng được chế tạo bằng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, nguồn khai thác đất,… Tuy nhiên, đất ở đây mịn hơn, gốm cũng ít méo và lỗi hơn. Giống với gốm Thái (Sơn La) trong dòng chảy của nền kinh tế nông nghiệp, tự cung tự cấp, đời sống người dân khó khăn, các sản phẩm bằng chất liệu hiện đại nhập khẩu hạn chế, mặt khác các sản phẩm gốm lại đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với thói quen sử dụng được người dân ưa chuộng, do đó nghề gốm bản Lụ có điều kiện phát triển.

Hiện nay, ở bản Lụ còn 4 gia đình làm gốm: gia đình Sổm Phăn; gia đình Bun My; gia đình Khăm Pan; gia đình Phăn Thoong. Người Lào thường làm gốm vào tháng 1 hoặc tháng 2 hằng năm, họ làm liên tục trong thời gian đó, gốm được làm nhiều mẻ với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau phục vụ nhu cầu và mục đích sử dụng của người dân. Ở bản Lụ, người ta làm các loại sản phẩm: Chum dùng để ủ rượu, làm rượu cần, làm cá mắm; bát đựng thức ăn; cối để giã gia vị, đựng các loại hạt giống; chậu đựng nước; nồi để nấu ăn, đặc biệt có loại chum nhỏ dùng trong tang lễ. Trong tang lễ người Lào vẫn sử dụng hình thức hỏa táng, sau đó lấy xương đặt vào chum, lấy vải phủ kín rồi mới đem chôn.

Nguồn tiêu thụ gốm chủ yếu tại chợ thị trấn huyện Mường Ét, trong tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Xiêng Khoảng. Khi mang bán tại các tỉnh xa họ thường chở bằng ôtô (như vận chuyển các loại hoa quả sang Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), còn gần hơn họ dùng xuồng máy để vận chuyển.

Đây là nghề gốm có nhiều tương đồng với gốm Thái ở Sơn La (Việt Nam) về tri thức, cách thức tạo ra sản phẩm cũng như nhu cầu và mục đích sử dụng gốm. Thông qua phát hiện này có thể thấy được khái quát về giá trị, nét tương đồng, văn hóa sử dụng, sự thích ứng của con người dựa vào môi trường tự nhiên. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chuyên môn có những định hướng nghiên cứu dài hạn, bởi lịch sử của nghề gốm đang có những nhận định chưa thực sự thống nhất, nguồn gốc cũng chưa tương đồng,… Vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn, để có những nhận định về nguồn gốc, giá trị, văn hóa cũng như lịch sử tồn tại của nghề gốm một cách khoa học góp phần làm phong phú vốn cổ của cộng đồng người Lào ven dòng Sông Mã.