Tháng 5 năm 2021, trong quá trình nghiên cứu về văn hóa của người Thái, nhóm nghiên cứu đã thực địa và phát hiện chiếc cày dùng cho người kéo tại gia đình  bà Hoàng Thị Họp, bản Hượn xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La).

Qua trao đổi với cán bộ Phòng Văn hóa huyện Yên Châu, chúng tôi thu được các thông tin sau: chiếc cày được làm bằng gỗ có màu xám trắng, nhẹ, gỗ làm cày là loại gỗ được lấy trong rừng sâu, ít mắt, chịu nước tốt, gỗ có tên gọi là gỗ “rảnh”, cây to có đường kính 30cm, lá to tròn. Trên thân cày có các mối thắt bằng dây mây và mộng chốt, phần lưỡi cày có các vết gắn bằng cánh kiến. Cày đã mất một số chi tiết như: thanh nối với dây kéo, mất dây kéo (dây làm bằng da bò) và phần đeo lên vai người kéo, đặc biệt là lưỡi cày được đúc bằng gang. Cày có kích thước như sau: cao 50cm, phần buộc dây kéo dài 50cm, chiều dài của cày (không tính phần lưỡi) 140cm, phần cán cầm 13cm, đường kính trên thân gỗ dày 5 – 6cm, rộng 4 – 5cm, đường kính miệng 12cm. Phần gỗ bị dạn, nứt đã bị vôi hóa (màu trắng gà, rất cứng). Để sử dụng chiếc cày này, cần phải huy động sức lao động của 3 nhân lực, trong đó: 02 người kéo và 01 người đẩy, dùng trong canh tác nông nghiệp.

 

Chiếc cày phát hiện tại Yên Châu

Qua trao đổi với cán bộ Phòng Văn hóa huyện Yên Châu và người dân thì rất có thể chiếc cày đã có từ những năm 1930 – 1940, là dụng cụ để quan lại (phìa tạo) khai thác bóc lột sức lao động của người dân. Qua phát hiện chiếc cày của người Thái thêm một minh chứng cho thấy sự áp bức,bóc lột của chế độ xưa trong vùng dân tộc thiểu số trong đó có vùng Yên Châu (Sơn La).