Người Thái Sơn La có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng có liên quan đến sản phẩm gốm như: xên bản, xên mường, lễ hội cầu mưa, cúng rừng cầu may, cúng ma,… gốm dùng để đựng hương, đựng nước trong các buổi cúng tế… ngoài ra gốm được dùng làm vật trao tặng cho các đôi trai gái lúc lên vợ lên chồng, làm vật phẩm tặng lên nhà mới. Sản phẩm gốm có mặt ở khắp các bản làng người Thái sinh sống được người dân mang đi trao đổi với phương thức trao đổi lấy các nông sản như: bông, vải, thóc,… với quan niệm hàng hóa đem đổi càng xa thì giá trị càng cao.

Tháng 10 năm 2020, trong quá trình thực tế chuyên môn, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (Trường Đại học Tây Bắc) đã tiếp cận bộ sưu tập gốm cổ của gia đình ôngVũ Đại Tá ở Tổ 2Phường Quyết Tâm, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.

Qua quan sát, trao đổi với người sở hữu chúng tôi thu thập được một số thông tin sau:

  1. Loại thứ nhất(số lượng 5 hiện vật)

Chum to (tiếng Thái gọi là hay ham): Dùng để đựng, ngâm rượu, chứa nước, nhuộm chàm.Màu sắc: hanh đỏ, đen, trắng ngà. Kích cỡ: cao 52 - 55cm, đường kính miệng 22 - 25cm, đường kính đáy 20cm, cổ dài 5 – 7cm, có họa tiết hoa văn “gờ nổi” và hình gấp khúc nhỏ ở phần cổ bình. Xuất xứ và nhận định: hiện vật được sưu tầm năm 2019 tại xã Mường Chanh nơi có nghề gốm cổ của người Thái.

  1. Loại thứ hai (số lượng 14 hiện vật)

Chum nhỡ (tiếng Thái gọi là hay bắc): dùng để làm rượu cần, đựng măng chua,... Màu sắc: xám, trắng ngà. Kích cỡ: cao 35 – 40cm, đường kính miệng 20 – 22cm, đường kính đáy 17 - 20cm, cổ cao 3 - 5cm. Cổ bình thẳng, có gờ, bụng tròn thon đáy, đáy bằng, có họa tiết hoa văn 3 đường đắp nổi và họa tiết gấp khúc khắc chìm bao quanhphần cổ bình.Hiện vật được sưu tập tại xã Chiềng Chung, Chiềng Kheo (huyện Mai Sơn), và thành phố Sơn La.

  1. Loại thứ ba (số lượng 5 hiện vật)

Loại nhỏ nhất (tiếng Thái gọi là om) dùng đựng cá mắm, muối dưa, gia vị,...Màu sắc: đỏ, xám. Hiện vật có miệng loe, vai và thân thu dần về phía đáy, đáy bằng. Họa tiết hoa văn gờ nổi, hình răng cưa, sóng nước. Hiện vật được trang trí họa tiết hoa văngấp khúc và đường xóng nước đều nhau chạy quanh cổ và vai bình.Hiện vậtđược sưu tập tại xã Mường Chanh, người sở hữu bình gốm cho biết gốm được mua tại lò gốm trong xã Mường Chanh khoảng năm 1980 - 1985.

Gốm Mường Chanh được phát hiện tại gia đình ông Vũ Đại Tá

Nguồn ảnh: Vũ Đại Tá

 Dựa vào đặc điểm hình dáng và họa tiết hoa văn, màu sắc của gốm thì đây là loại gốm sản xuất tại xã Mường Chanh, được người dân mang tới các bản, xã và các vùng lân cận bán, trao đổi lấy thóc, vải từ những năm 1980 – 1981. Hiện nay, nghề làm gốm xã Mường Chanh, huyên Mai Sơn (Sơn La) còn duy nhất một hộ gia đình còn hoạt động sản xuất gốm.

Việc phát hiện bộ sưu tập gốm có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở trong việc nghiên cứu, phát hiện cho việc tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử nghề gốm và các loại hình gốm của cộng đồng người Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La.