Tà Xùa là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; cách trung tâm huyện 14,5 km. Phía Bắc giáp xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp xã Phiêng Ban, phía Đông giáp xã Suối Tọ và xã Suối Bau huyện Phù Yên; phía Tây giáp xã Làng Chếu và xã Xím Vàng huyện Bắc Yên. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 4.138,61 ha; trong đó, đất nông nghiệp có 2.457,71 ha, chiếm 59,4%. Địa hình chủ yếu là đồi, núi... Bởi vậy, cho đến nay sinh kế chính của người Mông ở xã Tà Xùa chủ yếu vẫn là trồng trọt, chăn nuôi và khai thác các nguồn lợi từ tự nhiên. Trong đó, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập chính cho người dân địa phương.

Từ lâu, Tà Xùa đã nổi tiếng với chè san tuyết cổ thụ được trồng cách đây trên dưới 200 năm. Trên cơ sở đó, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá bỏ thuốc phiện thay vào đó cây chè được chọn làm cây công nghiệp mũi nhọn để phát triển nông nghiệp của địa phương. Chè được trồng chủ yếu trên nương và một số ít ở xung quanh vườn nhà.

Trên thực tế, chè không phải là giống cây trồng mới tại Tà Xùa bởi nơi đây hiện có hơn 1.000 gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang được bảo tồn và cho thu hoạch với sản lượng khá cao. Bên cạnh đó, từ cuối những năm 1970, hợp tác xã trồng chè Chung Trinh cũng đã được thành lập, tham gia lao động sản xuất là các đội viên của bốn bản Tà Xùa A, Chung Trinh, Mống Vàng và Tà Xùa C. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ sản xuất, năng lực quản lí, đầu ra cho sản phẩm… dẫn đến làm ăn kém hiệu quả nên hợp tác xã này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian, sau đó bị giải thể… Mặc dù vậy, cây chè vẫn được đồng bào lưu giữ, không bị phá bỏ hoàn toàn. Từ năm 1998, sau khi Chương trình 135 được triển khai, đời sống kinh tế người dân dần có sự chuyển biến. Cây chè được Ủy ban nhân dân xã và người dân địa phương quan tâm đầu tư, phục hồi sản xuất. Hiện nay, tổng diện tích chè trong toàn xã là 194 ha, trong đó diện tích cây chè cho thu hoạch là 138,2 ha, diện tích chè chăm sóc chưa cho thu hoạch là 41,178 ha, diện tích chè trồng mới là 14,622 ha; số cây chè cổ thụ được đưa vào bảo tồn là 1.500 cây; thực hiện thí điểm mô hình ghép mắt cây chè là 400 cây. Năng suất chè búp tươi đạt từ 4,5 đến 5 tấn/ha. Sản lượng chè búp tươi năm 2019 đạt từ 15 đến 18 tấn. Có thể nhận thấy, diện tích cây chè đang có xu hướng tăng dần qua các năm gần đây. Hầu hết, tất cả các hộ người Mông trong xã đều có nương trồng chè. Hộ nào ít cũng trồng được 1 đến 2 ha, hộ trồng nhiều lên đến 5,6 ha. Theo anh Lù A Châu (bản Chung Trinh) cho biết: thông thường 10 kg chè búp tươi sau khi chế biến sẽ cho ra 2kg chè khô. Chè vụ Xuân Hè tuy đạt sản lượng nhưng chất lượng không cao nên giá bán thường dao động từ 200 đến 250 nghìn/1 kg. Ngược lại, chè vụ Đông tuy sản lượng búp thu được ít song chất lượng chè được nhận xét là thơm ngon, vị đậm đà và đạt nước hơn nên giá bán thường sẽ cao hơn chè vụ Xuân Hè từ 2 - 3 lần; đặc biệt, gần đến những dịp cuối năm như Tết Nguyên đán của đồng bào miền xuôi... chè Tà Xùa có thể bán được với giá lên tới 1 triệu đồng 1 kg.

Trước đây, người Mông sao chè bằng phương pháp thủ công. Chè được sao bằng bếp củi trên những chiếc chảo sắt to. Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, được sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, đồng bào đã mua máy sao chè về sử dụng, từ đó công việc sao chè cũng đỡ vất vả và đạt hiệu quả hơn. Ông Lù A Chua (bản Chung Trinh) cho biết: Nhà ông có khoảng 2 ha chè đang cho thu hoạch, “một năm tính cả lúc đắt lúc rẻ thì cũng thu được khoảng 50 triệu đồng”. Việc đưa máy móc vào chế biến chè đã góp phần giảm tải sức lao động của người phụ nữ, đồng thời chè sao chín đều hơn, được nước hơn... Từ đó giá chè cũng tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào.

Hiện nay, người Mông không chỉ bán chè ở chợ huyện hay đợi lái buôn lên bản thu mua, với sự phát triển của kinh tế, việc giao lưu được mở rộng, một số người dân đã biết liên lạc và tạo mối làm ăn với các thương lái ở dưới xuôi, đưa đặc sản chè Tà Xùa đến gần hơn với mọi miền của Tổ quốc chứ không còn bó hẹp tiêu thụ trong địa bàn huyện Bắc Yên hoặc tỉnh Sơn La như trước. Có thể nhận thấy, với một tộc người vẫn dựa vào kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo thì cây chè đã mang lại cho người Mông nơi đây một nguồn thu nhập có giá trị kinh tế tương đối cao và ổn định.