Dân tộc Mông là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Mông cư trú ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc trên một địa bàn khá rộng lớn, dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào từ Lạng Sơn đến Nghệ An, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La... Ngoài ra, từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, một bộ phận người Mông đã di cư vào tận Tây Nguyên, sống rải rác ở một số nơi thuộc Gia Lai và Kon Tum.   

Trải qua lịch sử hàng trăm năm với nhiều biến động, hiện nay cộng đồng người Mông ở Việt Nam đã định cư và chung sống gần gũi bên cạnh các dân tộc thiểu số khác như Dao, Tày, Nùng, Thái... Người Mông có đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần khá đa dạng. Văn hóa của dân tộc Mông đã góp phần tạo nên nét đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng mà thống nhất.

Nhìn chung, trong một năm, người Mông có rất ít lễ hội, chủ yếu mang tính chất gia đình, dòng họ. Lễ hội cộng đồng không nhiều. Có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ kết thúc năm, hội xuân (hội sải sán), tết rằm tháng Giêng (tết hái lộc)... trong đó “tục niêm phong nhà cửa, đồ dùng, công cụ lao động và lễ gọi hồn kết thúc năm” là tập tục lâu đời, cho đến nay vẫn được đồng bào Mông duy trì và bảo lưu nguyên vẹn các giá trị truyền thống.

Theo quan niệm của người Mông thì dù là con người, con vật hay đồ vật, công cụ lao động đến các loại cây cỏ, hoa màu đều có linh hồn. Trong một năm, khi con người phải bôn ba khắp nơi để lao động với biết bao khó khăn, vất vả để làm ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân và gia đình thì cùng với đó, các đồ dùng, công cụ lao động cũng vất vả không kém. Vì vậy, khi năm cũ chuẩn bị kết thúc, năm mới sắp đến chính là dịp để các thành viên trong gia đình trở về đoàn tụ đông đủ và nghỉ ngơi, hưởng lộc trong những ngày tết; đồng thời đó cũng là dịp để các công cụ lao động trong gia đình được nghỉ ngơi một cách thoải mái nhất.

Thông thường, tết truyền thống của người Mông sẽ diễn ra vào tối ngày 30 tháng 10 hoặc 30 tháng 11 âm lịch hàng năm (nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng người Mông ăn tết vào tháng 12 dương lịch là không chính xác). Trước đây, do không có chữ viết và cũng không có lịch nên thông thường sau khi thu hoạch xong mùa màng, cũng là lúc có một loại hoa gọi là “hoa chó đẻ” nở rộ thì người Mông cho rằng tết đã đến. Lúc này, khắp các bản làng, người Mông sẽ rộn ràng chuẩn bị để đón tết.

          Chiều tối 30 tết, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị bánh dày, gà, lợn, trứng, hương... và đi lấy ba cây trúc hoặc nứa (tre nói chung) nhỏ, tỉa hết phần lá và cành thân dưới, để lại một ít trên ngọn rồi buộc cả ba cây lại thành một bó dài khoảng 1m - 1,5m bằng một đoạn vải màu đỏ. Khi trời chuẩn bị tối, giai đoạn giao thoa giữa ngày và đêm là thời điểm thích hợp nhất để gia chủ hoặc thầy cúng (thầy gọi hồn) đại diện cho gia chủ sẽ cầm bó trúc và quét một lượt xung quanh nhà từ trong ra ngoài, vừa quét vừa nói đại ý như sau: “Tôi không quét hồn của cha mẹ, hồn của các con cháu, hồn của các loài vật nuôi, hồn của các loài hoa mùa... Năm qua tết đến, tôi sẽ quét những gì không tốt, còn tàn dư của bệnh tật, đau ốm, không may mắn,... để trôi đi theo năm cũ và năm mới mọi người sẽ đón nhận những điều tốt lành...”. Sau khi quét xong, người cúng mang bó trúc này qua cửa chính và vứt về phía mặt trời lặn; tiếp đó quay lại vào nhà lấy các công cụ lao động như cuốc, xẻng, dao, thuổng... xếp đứng trên nền nhà gần bàn thờ, thẳng cửa chính ra vào và tiến hành niêm phong các vât dụng đó. Để tiến hành niêm phong nông cụ, gia chủ sẽ cắt nhiều miếng giấy bản rộng bằng bàn tay hình chữ nhật và dùng một cái bánh dày để làm chất kết dính, mỗi vật dụng từ cái cuốc, cái xẻng, cái xô, con dao... sẽ được niêm phong bằng một tờ giấy bản như vậy.Tương tự, gia chủ sẽ niêm phong đến từng cái cột nhà, từng cánh cửa, mỗi vật dụng ít nhất phải có một đại diện được niêm phong với quan niệm rằng: Năm mới đến, con người và tất cả các vật dụng trong gia đình sẽ về đoàn tụ, ăn tết vui vẻ, nghỉ ngơi thoải mái sau một năm cùng lao động cực nhọc.

          Sau khi niêm phong nhà cửa, đồ dùng, nông cụ xong, thầy cúng hoặc gia chủ sẽ tiếp tục thực hiện “lễ gọi hồn”. Lễ gọi hồn của người Mông rất đơn giản, không cầu kì, chỉ cần 2 con gà (một con trống và một con mái) do một thành viên trong gia đình cầm giữ đứng trước cửa chính bên trong nhà. Bên cạnh là mâm lễ gọi hồn gồm một bát gạo đặt một quả trứng vào giữa bát gạo đó (có nơi trong gia đình có bao nhiêu thành viên thì phải có bấy nhiêu quả trứng) và ba nén hương. Lúc này, gia chủ hoặc thầy cúng sẽ bắt đầu gõ chiêng (một số nơi đã bỏ tục gõ chiêng này) để gọi hồn của các thành viên trong gia đình về ăn tết với đại ý nội dung như sau:

          “Hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt, năm cũ đã qua và năm mới cũng đã về. Tôi gọi hồn của tất cả các thành viên trong gia đình nhà (A) về ăn tết. Trong một năm qua dù hồn có bị sa ngã hay lạc lõng nơi chân trời góc bể thì tôi gọi mời và hãy lập tức tỉnh ngộ và quay về ngay; dù hồn vẫn còn đang say sưa giao du bên nội hay bên ngoại, say sưa cùng anh em bạn bè hay lạc lõng vào chín đường tám lối của các đường chợ búa... thì hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt, năm cũ đã đi qua và năm mới cũng đã về, tôi gọi mời và hãy lập tức tỉnh ngộ và quay về ngay; dù hồn có bị lạc lõng vào chín con đường làm ăn, tám con đường gia súc đi hay lạc vào chín con đường bệnh tật, tám con đường ốm đau, đã biến thành con người, con bướm... Nhưng hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt, năm cũ đã đi qua và năm mới cũng đã về nên tôi mời gọi hãy nhanh chân quay về để cùng đoàn tụ với cha mẹ, vợ chồng, con cái... Để hồn nhập vào thể xác và không bị bệnh tật, ốm đau. Nếu hồn của các thành viên trong gia đình đã quay về rồi thì hãy mạnh dạn bước vào nhà và không đứng ở ngoài hiên nhỡ trời mưa thì sẽ bị ướt, nhỡ trời nắng sẽ bị nắng nóng nên hãy vào nhà cùng cột kiềng sưởi ấm, cùng cột giường ôm nhau ngủ để nghìn năm không bệnh tật, trăm năm không ốm đau.

          Hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt, năm cũ đã đi qua và năm mới cũng đã về tôi gọi hồn của cả các loài vật gia súc, gia cầm, cùng với hồn của các loại cây hoa màu cùng về ăn tết với gia chủ”.

          Gọi hồn xong thì mang gà đi mổ, trứng đi luộc, sau khi gà và trứng đã được luộc chín thì bày mâm cỗ gồm gà luộc cả con, trứng luộc, bát cơm, bát canh, ba nén hương và thầy cúng hoặc gia chủ lại tiếp tục gọi mời một lần nữa. Nội dung bài cúng được lặp lại tương tự như trên.

Khi thầy cúng hoặc gia chủ gọi mời lần hai xong thì đem gà đi chặt cùng với các con gà khác đã được chuẩn bị trước đó, rồi bày một mâm cỗ khác trên nền nhà gần chỗ bàn thờ gồm cơm, canh, rượu, thịt và nhiều cái thìa để gọi mời tổ tiên, thổ công, thổ địa, ma nhà... Sau đó, các thành viên trong gia đình và khách mời được bày mâm và bắt đầu ăn tết, uống rượu vui vẻ, chúc tụng nhau đi quanh vòng từ nhà này sang nhà khác suốt cả đêm.

Một phong tục đặc biệt trong tết của người Mông mà hiện nay một số nơi vẫn duy trì là các ngày đầu năm mới (mồng 1, mồng 2, mồng 3), người ta thường kiêng không được ăn cơm chan canh bởi họ quan niệm nếu ăn cơm chan canh trong những ngày này thì cả năm khi gia chủ đi làm gì đó sẽ bị gặp mưa dẫn đến không may mắn, làm ăn sẽ khó khăn hơn. Hoặc cũng có một số nơi, đồng bào Mông sẽ kiêng hoặc hạn chế ăn rau trong ba ngày tết, chỉ chủ yếu ăn thịt vì họ cho rằng ngày tết ăn rau thì cả năm gia đình sẽ nghèo khó.

Có thể nhận thấy, tục niêm phong nhà cửa, đồ dùng, công cụ lao động và lễ gọi hồn kết thúc năm là một phong tục đặc biệt trong văn hóa của đồng bào người Mông. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự du nhập các yếu tố văn hóa của các tộc người khác, ở nhiều vùng Mông, đồng bào đã không còn duy trì tập tục ăn tết cổ truyền. Tuy nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống tộc người vẫn cần được bảo lưu và truyền thừa cho các thế hệ kế cận để từ đó cùng nhau gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số để nó tồn tại, phát triển làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.