Trong cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”, tỉnh Thái Bình là địa phương thứ hai sau tỉnh Hưng Yên tổ chức nông dân lên khai hoang, phát triển kinh tế tại Tây Bắc vào mùa xuân năm 1961.

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Bắc Bộ, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1.344 km2, dân số năm 1960 là 1.160.000 người [3;1], mật độ dân số là 864 người/km2 (đông nhất trong số các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, chỉ xếp sau mật độ dân số của Thủ đô Hà Nội), với tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm là 3,7%. Diện tích đất canh tác trong toàn tỉnh có 107.633 ha, bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người rất thấp, chỉ đạt 2 sào 4 thước Bắc Bộ [2;1]. Thông báo số 24-TB/TW ngày 1-6-1962 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: ở Thái Bình có tới 87 xã có diện tích bình quân đầu người chỉ trên dưới 1 sào [6;597].

Bình quân diện tích ruộng đất nêu trên khiến việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Thái Bình gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới khả năng nâng cao đời sống nhân dân. Hệ số sử dụng đất trung bình trong toàn tỉnh đã lên tới 2 lần/năm, không còn nhiều khả năng để quay vòng hơn; trong khi đó, diện tích đất hoang trong tỉnh không còn nhiều, hàng năm vẫn phải dành hàng nghìn ha phục vụ công tác đào sông, đắp đê, kiến thiết cơ bản (xây dựng cơ quan, trường học, trạm y tế,...). Trình độ sản xuất còn thô sơ, lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Là địa phương ven biển nên sản xuất nông nghiệp của Thái Bình thường xuyên bị thiên tai đe dọa, chịu nhiều hậu quả của bão lụt, năm được mùa, năm mất mùa. Sự bấp bênh trong sản xuất ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân; thu nhập hàng năm của người dân tăng, giảm thất thường. Tình trạng nêu trên thể hiện qua bảng số liệu sau:

Bảng 1. Sản lượng lương thực và thu nhập bình quân của tỉnh Thái Bình

giai đoạn 1957 - 1960

Năm

Tổng sản lượng lương thực (tấn)

Bình quân thu nhập đầu người (kg)

1957

402.929

---

1958

417.313

369

1959

488.477

410

1960

351.000

283

(Nguồn: [4;1] [5;2])

Số liệu thống kê nêu trên cho thấy tổng sản lượng và bình quân lương thực đầu người của Thái Bình trong những năm 1957 - 1960 không ổn định; khoảng cách chênh lệch giữa các năm khá lớn. Năm 1960 so với năm 1959, tổng sản lượng lương thực giảm 137.477 tấn, bình quân thu nhập đầu người giảm tới 172 kg/người. Để cải thiện đời sống của nhân dân, đi đôi với việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, khai hoang nhỏ kết hợp với phát triển nghề phụ và chăn nuôi, tỉnh Thái Bình xác định việc tổ chức đưa nông dân đi khai hoang xa, xây dựng cơ sở sản xuất mới ở trung du và miền núi là giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tiếp thu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ V (vòng 2, họp từ ngày 1-2-1961 đến ngày 9-2-1961) đã đề ra chủ trương trong năm 1961: “đối với lao động thừa ở nông thôn, ngoài việc làm tăng vụ, tăng diện tích, phát triển chăn nuôi, bước đầu nghiên cứu chuyển một số dân lên xây dựng khu vực sản xuất mới ở trung du và Tây Bắc. Năm nay dự kiến chuyển từ 1.000 đến 1.500 người” [1;12]. Trên cơ sở đó, từ đầu năm 1961, tỉnh Thái Bình tích cực tổ chức đồng bào đi khai hoang xa, bắt đầu với địa bàn Tây Bắc, từ đó mở rộng đến các địa phương khác trên miền núi phía Bắc.

Để lãnh đạo và tổ chức đợt thí điểm đầu tiên xây dựng hợp tác xã khai hoang tại Tây Bắc, Tỉnh ủy Thái Bình phân công 1 đồng chí Tỉnh ủy viên và chỉ định một Ban cán sự gồm 3 đồng chí, giúp việc Ban cán sự gồm một số cán bộ chuyên môn (1 cán bộ trong ban công tác nông thôn tỉnh có kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã, 1 cán bộ trung cấp nông lâm, 1 y tá, 1 cán bộ tài chính, 5 cán bộ huyện có kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã). Ban cán sự và đoàn cán bộ này có trách nhiệm tổ chức tốt đợt thí điểm, đồng thời chuẩn bị cho các đợt sau [7;2]. Cuối năm 1960, Tỉnh ủy Thái Bình cử một đoàn cán bộ lên liên lạc với Khu ủy Tây Bắc, tìm và xác định địa điểm khai hoang thí điểm của tỉnh tại chân đèo Pha Đin; đồng thời, tại Thái Bình, cấp ủy Đảng và chính quyền mở một đợt tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, sau một thời gian vận động đã có 1.000 đơn tình nguyện xin đi. Để giúp đỡ lực lượng đi khai hoang, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần “tự lực cánh sinh”, tỉnh Thái Bình đã phát động phong trào “xẻ người, xẻ của”, vận động các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyên góp tiền bạc, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất ủng hộ người đi. Lãnh đạo tỉnh cũng quyết định trích quỹ của địa phương để hỗ trợ những người đi khai hoang. Đồng bào khai hoang của tỉnh Thái Bình được hỗ trợ các vật dụng như: nón, áo tơi, chăn, màn, quần áo ấm, lương ăn trong khi đi đường và giày dép để sản xuất; chưa tính phần nhân dân giúp đỡ, chỉ tính riêng số tiền của tỉnh đã lên tới 6.297 đồng, bình quân mỗi người 11 đồng 30, chưa kể tiền thuê xe. Quân khu Tả ngạn giúp đỡ tỉnh Thái Bình 10 xe ô tô để đưa đón nhân dân đến địa điểm khai hoang [7;3].

Ngay khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ V (vòng 2, tháng 2-1961) vừa bế mạc, công tác chuyển dân đi Tây Bắc khai hoang được xúc tiến khẩn trương. Sau chuyến đi thí điểm đầu tiên của đồng bào Hưng Yên lên Sơn La xây dựng hợp tác xã khai hoang Hoàng Văn Thụ, tháng 2-1961, đoàn khai hoang thí điểm của tỉnh Thái Bình bắt đầu lên đường đi Tây Bắc. Đến tháng 3-1961, các xã viên được chuyển lên qua 2 đợt: đợt thứ nhất bắt đầu đi ngày 20-2-1961 gồm 191 người với nhiệm vụ chuẩn bị nơi ăn, ở, sinh hoạt cho những người đến sau; và đợt thứ hai khởi hành ngày 4-3-1961 gồm 362 người; tổng cộng cả hai đợt là 553 người, gồm 524 bần nông và 29 trung nông [7;3]. Thành phần xã viên được tập hợp ở một số xã trong 6 huyện (Hưng Nhân, Tiên Hưng, Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương, Đông Quan), gồm 369 trung niên, 184 thanh niên; 52 phụ nữ; trong đó có 87 đảng viên. Cán bộ có 3 đảng ủy viên, 12 chi ủy viên, 8 cán bộ đoàn thể, 49 cán bộ hợp tác xã, 3 công an, 5 dân quân, 1 chủ tịch xã [10;4]. Lực lượng trên đã thành lập một hợp tác xã cấp cao ở Thuận Châu, thuộc Khu Tự trị Thái - Mèo, lấy tên là Bình Thuận. Tên gọi “Bình - Thuận” để nhớ về quê cũ - Thái Bình và quê mới - Thuận Châu, thể hiện mối tình đoàn kết xuôi - ngược, đồng thời có ý nghĩa hy vọng “bình an, thuận lợi”. Hợp tác xã Bình Thuận tổ chức khai hoang, sản xuất trên diện tích rộng hơn 500 ha dưới chân đèo Pha Đin, thuộc địa phận xã Chiềng Pha. Phần lớn diện tích trước đây nhân dân địa phương đã khai phá, điều kiện khai hoang ở đây dễ hơn so với hợp tác xã Hoàng Văn Thụ của đồng bào Hưng Yên.

Bình Thuận là hợp tác xã khai hoang thí điểm đầu tiên của nông dân tỉnh Thái Bình trong cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”. Đó là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp củng cố, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ghi nhận sự đóng góp, tiên phong của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Tại địa điểm khai hoang, đồng bào đã được Khu ủy, trực tiếp là cấp ủy Đảng, chính quyền của châu Thuận Châu đón tiếp chu đáo. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Châu đã dành cho hợp tác xã khai hoang Bình Thuận những tình cảm và giúp đỡ vật chất quý báu ngay từ thời điểm đồng bào đặt chân đến địa điểm khai hoang như: “nhường đất, giúp đỡ đầy đủ tre, gỗ, gianh đủ làm 144 gian nhà ở và chuồng trại chăn nuôi, lại còn mang tới cho 125 con gà, 5 con chó, 1 con mèo, 106 quả trứng, 100 kg giống lúa và ngô, bán chịu cho 58 con trâu cày,...” [7;12].

Để kịp thời chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng hợp tác xã khai hoang, ngày 27-2-1961, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị ký ban hành Công văn số 466-TN, trong đó khẳng định: “Cần thống nhất nhận định đây là việc nhân dân tổ chức đi khai hoang và thành lập riêng những cơ sở sản xuất mới được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Nhà nước, không nên lầm với việc của nông trường quốc doanh. Về nội dung và hình thức coi như HTX cao cấp, mọi công việc quản trị và quản lý (sản xuất, lao động, tài vụ, v.v...) đều do HTX tự đảm nhiệm” [8;2]. Công văn đánh giá: “Đợt này của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên đưa lên coi như đợt thí điểm, phải cố gắng làm cho tốt và rút được kinh nghiệm cho những đợt mở rộng sau này”. Chính phủ quy định trách nhiệm của các địa phương nơi đưa đồng bào đi và nơi tiếp nhận nhân lực đến khai hoang; đồng thời yêu cầu: “các Bộ và Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo tích cực giúp đỡ các cơ sở giải quyết những khó khăn” [8;2]. Đó là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đối với công tác thí điểm khai hoang xa.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, hợp tác xã Bình Thuận đã nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất, phấn đấu tự túc lương thực. Ngay trong năm 1961, hợp tác xã Bình Thuận khai hoang được 227 ha, trồng trọt được 355 ha (cả tăng vụ), thu hoạch bình quân 737 kg lương thực (riêng thóc 355 kg); bình quân 1 công lao động đạt 1,26 đồng, bình quân thu nhập 223,75 đồng [9]. Hợp tác xã Bình Thuận đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới gặp gỡ, động viên trong dịp Thủ tướng lên thăm Khu Tự trị Thái - Mèo vào đầu năm 1962, sau đó được Thủ tướng gửi tặng một chiếc ô tô làm phương tiện vận chuyển; đây là chiếc ô tô mà Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đó là kỷ vật vô cùng giá trị, có ý nghĩa động viên to lớn, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với những người đi tiên phong trong công cuộc khai hoang, phát triển kinh tế miền núi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 1-NQ/TU ngày 23-2-1961 của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thái Bình họp từ ngày 1 đến ngày 9-2-1961, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 5-8-1961 của Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 31-7-1961 về tổ chức nông dân đi khai hoang mở rộng cơ sở sản xuất ở miền núi đợt cuối năm 1961, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Dự thảo báo cáo tổng kết công tác khai hoang của Thái Bình từ đầu năm 1960 đến nay (ngày 4-8-1962), Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 50-NQKH ngày 10-8-1962 về phương hướng, nhiệm vụ công tác khai hoang trong 5 năm và 6 tháng cuối năm 1962, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  5. Dự thảo một số ý kiến phát biểu của đồng chí Ngô Duy Đông Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 23 (1962), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Đoàn Cán bộ khai hoang tỉnh Thái Bình, Báo cáo ngày 6-7-1961 về tổng kết việc tổ chức đưa các xã viên hợp tác xã tỉnh Thái Bình đi khai hoang xây dựng cơ sở sản xuất ở miền núi, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  8. Phủ Thủ tướng, Công văn số 466-TN ngày 27-02-1961 về công tác khai hoang, Hồ sơ 3411, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  9. Thành tích sản xuất năm 1961 của hai hợp tác xã khai hoang thí điểm, Báo Tây Bắc, số ra ngày 7-10-1962.

10. Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo, Báo cáo tổng kết đợt điều chỉnh nhân lực miền xuôi lên xây dựng hợp tác xã khai hoang ở Tây Bắc (ngày 15-5-1961), Hồ sơ 3366, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.