Lễ cưới là một nghi lễ quan trọng trong chu kỳ đời người, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, vai trò của gia đình, dòng họ, cộng đồng trong nghi lễ. Lễ cưới có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn giống nòi, nghi lễ, gia đình truyền thống. Đồng thời hôn nhân và đám cưới của người Dao Tiền còn bảo tồn những giá trị văn hóa riêng của tộc người này.

Thứ nhất, đám cưới của người Dao Tiền bảo tồn các nghi lễ văn hóa truyền thống. Người Dao Tiền rất coi trọng việc xây dựng, củng cố gia đình truyền thống, vì vậy, việc dựng vợ, gả chồng được coi là khâu mở đầu của sự hình thành gia đình, được thực hiện rất thận trọng và trang nghiêm cũng như vẫn được giữ gìn đậm nét trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc này. Trong lễ cưới, các phong tục và lễ nghi từ việc đi xin tuổi cô dâu, đưa tuổi cô dâu, chú rể nhờ thầy cúng xem sách lục hợp, đến nghi lễ ăn hỏi, báo cáo tổ tiên xin được tổ chức đám cưới, “ngủ mơ”, xin dâu, đón dâu, cắt khẩu và nhập khẩu cho cô dâu đều được thực hiện đầy đủ, theo đúng trình tự, có đủ các loại lễ vật kèm theo, các bài cúng, bài răn dạy nghĩa vụ làm dâu, rể, làm cha, làm mẹ….Đặc biệt, trong Lễ cưới, lễ vật nhà trai mang sang nhà gái không thể thiếu được là lễ tơ hồng. Lễ tơ hồng tuy đơn giản, được những người đàn ông cao tuổi, có uy tín trong dòng họ dùng giấy bản gói muối và gừng, buộc bằng chỉ tơ hồng, kèm thêm những đồng tiền bạc (theo sự thách cưới của nhà gái) nhưng mang ý nghĩa sâu sắc cầu mong cho đôi trẻ đã được se duyên trời, sống với nhau mặn nồng, đầu bạc răng long.

          Thứ hai, Lễ cưới của người Dao Tiền bảo tồn kho tàng văn hóa,giáo dục đạo đức con cái, vợ chồng. Hôn nhân và gia đình, dòng họ luôn gắn bó mật thiết, chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng văn hóa dân tộc Dao. Để đảm bảo sự bền vững của gia đình, sự trường tồn và phát triển của dòng họ, nhân dân và những người giỏi sáng tác thơ ca, tục ngữ, sách học, châm ngôn không chỉ răn dạy thanh niên nam, nữ mà còn cảnh báo khá nghiêm khắc về nghĩa vụ của các bậc cha mẹ. Trong đám cưới của người Dao Tiền không có các tiết mục hát, múa. Tuy nhiên luân thường, đạo lý được răn dạy rất kỹ lưỡng thông qua các bài cúng, lời dặn dò của bố mẹ hai bên đối với cô dâu, chú rể để thực hiện tốt vai trò của cuộc sống vợ chồng, bổn phần của những người làm con:“Mẹ tu công quả con gái tốt, cha ân đức dày con trai làm quan”; “Dành tiền con cháu; tính toán không minh tại cha mẹ”;“Nhà có con trưởng, nước có đạo thần; đạo thần không công quốc lễ loạn; con trưởng không giỏi nhà túng nghèo”;“Nhà giàu nhờ con trưởng; chính pháp nhờ đạo thần”; Quan niệm hôn nhân chỉ 1 vợ, 1 chồng: “ngựa chỉ phối một yên, nỏ chỉ phối 1 tên”

Coi trọng chế độ phụ quyền, nhưng không xơ cứng, vẫn đánh giá đúng công lao của nhà gái, họ ngoại, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng “Vợ theo chồng, chồng theo vợ”. Răn dạy con dâu, mẹ chồng: cô dâu đã là gái có chồng thì không được tơ tưởng đến người tình cũ; ngay phút đầu tiên bước ra khỏi nhà theo đoàn đưa dâu sang nhà chồng đã phải nhìn thẳng, không được quay đầu, nghiêng ngó…phải đối xử khéo với em cô, mẹ chồng và khuyên mẹ chồng phải gần gũi với con dâu trong buổi đầu bỡ ngỡ, không đối xử hà khắc với con dâu dễ dẫn đến hôn nhân của con cái đổ vỡ.

Thứ ba, đám cưới của người Dao Tiền bảo tồn các trang phục truyền thống.Trong lễ cưới, trang phục truyền thống là một thành tố quan trọng, mặc dù hiện nay ngày thường họ ít mặc nhưng cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có ít nhất một bộ để mặc vào những ngày lễ, đặc biệt là lễ cưới. Ngoài việc chuẩn bị cho cô dâu, chú rể bộ trang phục truyền thống thì những người phụ nữ trong họ đều mang trang phục đến để mặc cho cô dâu thể hiện sự quan tâm che chở, chăm sóc; những người trong đoàn đón dâu, đưa dâu, dẫn lễ đều phải mặc đầy đủ trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống trong lễ cưới của người Dao Tiền vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc của cộng đồng người Dao.

Có thể nói, trang phục của người Dao Tiền là một trong những loại hình trang phục được bảo tồn tốt nhất so với các dân tộc khác ở Sơn La cả về chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật tạo hoa văn, các loại hoa văn, cách thức cắt may và phương thức sử dụng. Hiện nay, trang phục của người Dao Tiền vẫn hoàn toàn được dệt bằng vải bông, nhuộm chàm, ngoài trang trí bằng hoa văn in sáp ong thì không có hoa văn nào khác, người ta diềm gấu váy bằng một đường vải trắng và một đường vải đỏ, viền nhỏ, trên cạp cũng viền một đường vải trắng, có xếp nếp một chút để tạo độ xòe cho váy, mềm mại khi mặc. Áo được may theo lối xẻ ngực có thêu rất điểm hoa văn viền theo gấu áo, lưng áo, viền chỉ nẹp áo, hoa văn đậm đặc ở cổ tay áo, sau cổ đính các đồng tiền. Hoa văn thêu trên áo mang đặc trưng văn hóa của người Dao đó là dấu ấn Bàn Vương, dấu thập ngoặc, hình con chó, nốt chân chó, cây thông.... Áo không có cúc, thường lồng 2 cái vào nhau, khi mặc thường mặc áo kép, khép xéo vạt, dùng thắt lưng buộc quanh bụng để giữ áo. Thắt lưng là một sợi dây dài hơn 2m được dệt bằng một loại khung dệt nhỏ bằng các loại sợi màu đã se chắc. Khăn đội đầu được thêu hoa rậm rạp ở 2 đầu khăn bằng chỉ màu đỏ hoặc hồng rực rỡ, gắn các tua bông đỏ, hồng. Chân quấn xà cạp cũng được thêu chỉ màu đen trên nền vải trắng.

Trong đám cưới, người Dao Tiền kiêng mặc đồ màu trắng nên trang phục trong lễ cưới chủ yếu là trang phục màu đen. Ngày cưới, cô dâu chú rể sẽ mặc trang phục mới nhất, đẹp nhất do tự tay cô dâu làm cho mình, thêm bộ trang phục mẹ chồng, mẹ đẻ chuẩn bị cho, họ hàng đến cho mượn.

Thứ tư, lễ cưới của người Dao Tiền bảo tồn các nét văn hóa ẩm thực.Mặc dù hiện nay, trong thời kỳ kinh tế thị trường, nhiều hàng hóa được lưu thông, giao lưu văn hóa, kinh tế diễn ra mạnh mẽ, nhưng trong Lễ cưới người Dao Tiền, các loại lễ vật, cách chế biến các món ăn truyền thống vẫn được gìn giữ. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị các đồ lễ dẫn cưới của nhà trai sang nhà gái, các món ăn trong các bữa cỗ: thịt lợn chua, rượu hoẵng, bánh rán…

Thịt chua: là món ăn ngày thường và cũng là đồ lễ dẫn cưới, món ăn trong các mâm cỗ cưới. Các gia đình đều phải nuôi lợn để chuẩn bị sẵn thịt chua, nếu đám cưới bị trì hoãn thì đưa ra dùng và làm gối mẻ khác vào để lúc nào trong nhà cũng có sẵn vì thịt chua phải làm ít nhất 6 tháng mới có thể ăn được và có thể để được 2-3 năm.

          Bánh rán: dùng bột gạo nếp nặn thành hình tròn, không có nhân, rán lên (trước đây không có đường, hiện nay họ cho thêm chút đường cho ngọt). Tuy nhiên, theo quan niệm của người Dao Tiền, đám cưới không thể thiếu được các cặp bánh rán, bánh to tượng trưng là mẹ, bánh nhỏ tượng trưng là con, cầu mong sau này đông con nhiều cháu, hạnh phúc của đôi trẻ sẽ được vẹn tròn. Vì vậy, mỗi đám cưới, các bà, các mẹ, các chị em vẫn xúm nhau lại làm để bánh rán cúng tổ tiên, đưa sang nhà gái, biếu những người giúp đám cưới.

Rượu hoãng: là loại rượu không chưng cất, ủ men giống như rượu nếp của người Kinh, chắt lấy nước đặc màu trắng đục, có mùi thơm, say nồng. Rượu hoãng không thể thiếu được trong nghi lễ cúng của đám cưới cũng như đồ lễ dẫn sang nhà gái.

Thịt lợn sống: có thể nói không dân tộc nào lại làm đồ lễ dân cưới sang nhà gái nhiều thịt lợn như vậy. Trước đây, khi điều kiện kinh tế khó khăn thì mỗi gia đình có thể mổ 03 con lợn nhỏ (khoảng 40-50kg); ngày nay, điều kiện kinh tế tốt hơn nên mỗi gia đình đều mổ lợn to từ 100kg trở lên để dẫn lễ sang nhà gái. Lợn mổ ra, được xẻ thành các phần theo vai vế, họ hàng bên nhà gái. Nhà gái cũng tổ chức lễ đón nhận trang trọng theo đúng phong tục, thể hiện lòng biết ơn đối với nhà trai.

Thứ năm, Lễ cưới của người Dao Tiền thể hiện tính cộng đồng, sự chia sẻ của dòng họ, gia đình hai bên: do xem tuổi kỹ lưỡng và có những quy định cụ thể nên người Dao Tiền tuyệt đối không có hôn nhân cận huyết, người trong cùng một dòng họ muốn lấy nhau phải cách nhau từ 3-5 đời, tuổi kết hôn trẻ nhưng phụ nữ ít khi kết hôn dưới 18 tuổi, vì vậy, hiện tượng tảo hôn rất ít xảy ra, đây cũng là những tập quán đẹp góp phần bảo tồn giống nòi, gia đình, dòng họ của người Dao. Người Dao Tiền kết hôn một vợ một chồng, không có hiện tượng đa thê và họ chủ yếu kết hôn cùng tộc, thậm chí cùng ngành Dao, ít kết hôn khác tộc.

Lễ cưới của người Dao Tiền ởhuyện Vân Hồ nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc; Đây là một mảng màu trong bức tranh đa sắc màu của nền văn hóa Việt Nam. Lễ cưới dân tộc Dao thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn nhiều giá trị di sản văn hóa như: tín ngưỡng dân gian, nghi lễ truyền thống, ẩm thực, trang phục….

Đám cưới người Dao Tiền ngày nay có một số thay đổi so với trước kia khi có sự pha trộn các yếu tố hiện đại như cô dâu, chú rể mặc trang phục hiện đại, chụp ảnh cưới, trong lễ cưới chủ yếu dùng tăng âm, nhạc hiện đại nhưng những nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì. Với người Dao Tiền, đám cưới không chỉ là nghi lễ tác thành cho đôi trẻ mà còn thể hiện những quan niệm, tín ngưỡng dòng tộc, là dịp để anh em, họ hàng họp mặt, chung vui cùng gia chủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến (1971) Người Dao ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội - Hà Nội
  2. Diệp Đình Hoa (), Người Dao ở Trung Quốc (qua những công trình nghiên cứu của học giả Trung Quốc), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Phan Thị Phượng (2015), Trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ ở Lào Cai, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Chảo Văn Lâm (2015), Nhà ở truyền thống của người Dao tuyển ở Lào Cai, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La (2014). Báo cáo Công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mông và Dao.
  6. Tư liệu điền dã tại tiểu khu Sao Đỏ huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
  7. Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2020), Địa chí Sơn La, quyển 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
  8. Lịch sử hình thành huyện Vân Hồ, nguồn: https://vanho.sonla.gov.vn/1311/31999/63371/lich-su-huyen-van-ho, ngày truy cập 18/8/2021
  9. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ,số liệu thống kê dân số tháng 6/2020.

Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền, nguồn: http://dsvh.gov.vn/nghi-le-truyen-thong-trong-dam-cuoi-cua-nguoi-dao-tien-3115, ngày truy cập 23/8/2021.