Chiềng Ngần là một xã thuộc thành phố Sơn La, cách trung tâm thành phố 5km về phía Tây Bắc. Phía Đông và Đông Nam giáp 2 xã: Mường Bú (huyện Mường La), Mường Bằng (huyện Mai Sơn); phía Tây giáp các phường: Quyết Tâm, Quyết Thắng và Chiềng Sinh (thành phố Sơn La); phía Nam giáp xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn); phía Bắc giáp xã Chiềng Xôm, phường Quyết Thắng, phường Chiềng An (thành phố Sơn La). Tổng diện tích tự nhiên của chiềng ngần là 4.584ha, trên địa bàn xã có những nhóm đất chính: feralit đỏ nâu trên đá vôi, độ phì nhiêu khá, chiếm 29,01%; đất feralit mùn vàng đỏ trên đá sét, hàm lượng mùn trung bình,…

Xã có 7 dân tộc cùng sinh sống bao gồm: Thái, Kinh, Mông, Mường, Tày, Hoa, Lào, người Thái chiếm 95,3 % dân số toàn xã, gồm 2 nhóm Thái Đen và Thái Trắng, người Thái định cư tại xã từ lâu đời có các dòng họ lớn như họ Cà (455 hộ), họ Đèo (245 hộ), họ Lù (200 hộ).  Người dân cư trú theo bản, mỗi bản trung bình 20 – 30 nóc nhà, các bản có rừng, đường mòn, đường ranh giới riêng,... Người dân trong xã sớm biết làm nương rẫy, trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, sắn,… và các loại lạc, đỗ. Trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào đã tự chế tác các loại cung nỏ, súng kíp, dao, cuốc,… để phục vụ nhu cầu cũng như lao động sản xuất. Ngoài kinh tế nông nghiệp, Chiềng Ngần còn khuyến khích phát huy, phát triển vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng, trong đó có có các tri thức dân gian liên quan đến con dao trong lao động. Các tín ngưỡng có liên quan đến con dao đã tồn tại lâu đời trong văn hóa Thái, làm cho bức tranh văn hóa dân gian của cộng đồng có dân số đông nhất ở xã Chiềng Ngần thêm đa dạng, phong phú.

1. Giá trị của dao đối với người Thái ở Chiềng Ngần, thành phố Sơn La

Dao trong lao động, sản xuất: từ lâu, người Thái đã coi dao là công cụ quan trọng bậc nhất trong việc tạo ra các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa vật chất. Có dao người dân lấy gỗ, tre dựng nhà ở, tạo ra các công cụ và vật dụng cho sinh hoạt hàng ngày, dùng để chế biến thức ăn, làm nương rẫy… Dao có nhiều loại với kích thước khác nhau và công dụng, mục đích sử dụng cũng khác nhau. Có thể chia dao của người Thái thành một số loại cơ bản sau: dao dựa (mịt nhớ), dao nhọn (mịt lem),… và các loại kiếm nhỏ, to dùng trong một số nghi lễ tín ngưỡng. “Dao nổi lên như một loại công cụ vạn năng. Có một con dao tử tế, người ta có thể canh tác trên một đám nương đầy đủ theo đúng nghĩa của nó. Dao thay rìu chặt cây; cạo vỏ cây làm bùi nhùi để làm mồi cho vật cọ sát bật ra lửa, dao tham gia việc dọn nương, chặt cây làm gậy chọc lỗ gieo hạt, thay liềm gặt hái” (Cầm Trọng 2005: 75). Trong lao động sản xuất, người Thái sử dụng dao dựa (loại to) làm những việc quan trọng trong canh tác như phát nương, phát đường đi ra ruộng, chặt các cây gỗ lớn dùng làm cột nhà, xà nhà,… Do tính chất nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm của công việc, chỉ những người đàn ông trưởng thành mới được sử dụng loại dao to. Các loại dao có kích thước nhỏ dùng để khai thác các loại cây nhỏ như tre, nứa, dây rừng, dao cỡ nhỏ là công cụ gắn liền với phụ nữ và trẻ em ở lứa tuổi thiếu niên, dùng dao thu hái các loại rau, cây rừng. Dao của người Thái rất sắc, nhọn được sử dụng thường xuyên; mỗi khi sử dụng xong người đàn ông thường tiến hành mài dao ngay bằng các loại đá lấy ở rừng hoặc bờ suối chứ không để lâu, bởi để lâu dao nhanh cùn, lần sử dụng tiếp sẽ không sắc. Trong quá trình sử dụng dao, người sử dụng rất ít khi bị tác động của lưỡi hoặc mũi dao làm bị thương, điều đó cho thấy dao có vị trí cực kỳ quan trọng đối với con người.

Dao trong chế biến ẩm thực: trong văn hóa ẩm thực, dao dùng để mổ, làm thịt, chia nhỏ các tảng/miếng thịt các loại gia súc, gia cầm. Dao dùng để thái, băm, lọc, chặt loại xương, làm nhỏ các loại gia vị để phục vụ việc ăn uống hằng ngày trong gia đình hoặc phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Qua thực tế, tác giả chứng kiến cách chế biến các món ăn của người Thái, thì dao có vị trí quan trọng trong chế biến món ăn truyền thống như: nạp trâu, bò, pha chế thịt đặc biệt là thái, băm, chặt,… Ngoài đôi tay khéo léo, còn có sự giúp sức tích cực là con dao để tạo các món ăn mang tính truyền thống được như ý và đảm bảo hương vị đặc trưng của cộng đồng. Sử dụng dao là cả một nghệ thuật giúp người xem “tai nghe, mắt thấy” một cách trọn vẹn nhất, tinh túy nhất giữa các cách chế biến ẩm thực, đồng thời thể hiện tài năng của người đàn ông, bởi người đàn ông là người luôn chế biến những món chính trong mâm cỗ của người Thái. Vì vậy, dao là vật quan trọng trong mọi công việc của người Thái, mỗi công việc dù to hay nhỏ thì công năng sử dụng luôn được phát huy tối đa để phục vụ mục đích của con người. Con dao nói riêng và dụng cụ dùng trong lao dộng, sản xuất nói chung phải được coi như một di sản văn hóa mang tính biểu tượng, đại diện của cộng đồng người trong tiến trình lịch sử đấu tranh chống lại kẻ thù, tạo ra của cải vật chất, góp phần làm phong phú, đa dạng dóng góp vào kho tàng văn hóa của cộng đồng.

  1. Dao trong văn hóa dân gian người Thái ở xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La

Dao trong tang ma: Người Thái có nhiều hình thức tín ngưỡng có liên quan đến con dao - sản phẩm của nghề rèn truyền thống, “Nghề rèn gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của người dân nơi đây bởi nó tạo ra các công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt như: dao, cuốc, thuổng, hái, rìu... Ngoài ra, sản phẩm của nghề rèn còn mang ý nghĩa tâm linh khi được dùng trong việc cúng tế, đuổi tà ma theo phong tục của đồng bào nơi đây” (Tuệ Minh: 1). Theo phong tục của từng bản, từng địa phương, khi nhà nào có đám tang, trưởng bản sẽ tiến hành thông báo với bà con trong bản, để các gia đình biết được thông tin, sau đó mỗi hộ gia đình cử 2 người đến giúp tang lễ. Trong đám tang ai cũng đeo bên hông một con dao, có thể dao nhọn (mịt lem) hoặc dao dựa (mịt nhớ), cũng có thể là chiếc kiếm nhỏ. Đàn ông mang dao để giúp gia chủ việc chặt tre, làm các vật bằng tre, làm nhà mồ, đan lát phục vụ trong tang lễ hoặc các nhóm được phân công làm cỗ để cúng hoặc làm cỗ phục vụ mọi người đến giúp trong tang lễ. Ngoài ra, theo quan niệm mang dao bên mình còn chống được ma tà, người sức khỏe yếu đeo dao sẽ không sợ các hồn ma làm phiền, quấy nhiễu, người đến giúp còn cùng gia chủ tiến hành xác định vị trí đào huyệt mộ rồi dùng dao phát đường đi, phát quang chỗ huyệt mộ, con dao luôn bên hông, mỗi khi làm việc thì mới rút ra khỏi bao.

Đặc biệt trong tang lễ, khi tiến hành đưa người chết ra rừng ma, đi bên cạnh dẫn đường là con rể, có thể là rể cả hoặc rể thứ do người đã khuất lựa chọn làm người dẫn đường, người dẫn đường cũng đeo một con dao bên hông để sử dụng trong công việc cần thiết của mình, ngoài ra còn đeo thêm một con dao nữa của người đã khuất, phải là con dao được người đã khuất sử dụng thường xuyên. Sau khi tiến hành chôn cất xong xuôi thì người con rể được phép mang con dao đeo bên hông của người đã khuất về sử dụng bình thường, coi đó là vật được thừa hưởng từ bố mẹ vợ. Đây là tín ngưỡng trong tang ma của người Thái, được duy trì và tồn tại cho đến ngày nay, một nét đẹp văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc tộc người.

Dao (kiếm) của thầy cúng (ông mo, thầy mo): Cúng tế có từ lâu đời, bởi người Thái tin vào thần linh với tín ngưỡng đa thần của đồng bào lấy nông nghiệp làm sinh kế. Thầy mo được xem như người có thể đến thế giới tâm linh chiến đấu với ma quỷ giải cứu hồn vía người đi lạc hoặc bị bắt đi. Để chiến đấu với ma quỷ, thầy mo phải cần đến một cây kiếm, kiếm có thể do thầy truyền lại cũng có thể tự rèn hoặc đặt các hộ rèn có uy tín ở địa phương. Trước khi tiến hành cúng, thầy cúng cầm kiếm khấn để xua đuổi tà ma, bảo vệ mọi người trong lễ cúng, kiếm là vật dùng quan trọng không thể thiếu của người thầy mo vì thế nó được bảo quản rất cẩn thận, kiếm không đem ra sử dụng mà chỉ dùng với mục đích trừ tà ma khi làm lễ. Khi ra khỏi nhà để làm cúng cho một chủ cúng nào đó, thầy cúng thường đặt kiếm lên ban thờ thắp hương khấn xin với thần linh (báo cáo) mong thần linh giúp đỡ để thầy cúng hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi tiến hành lễ cúng về phải đặt kiếm và các đồ lễ lên ban thờ và thắp hương để báo cáo (báo công) đã hoàn thành công việc. Thông thường khi cúng lớn (cúng dê, cúng lợn, cúng trâu), thầy cúng thường cúng con vật sống, thầy dùng kiếm chém tượng trưng vào con vật rồi mới giao con vật cho người nhà chủ cúng mổ để tiến hành các bước tiếp theo trong lễ cúng. Những ông mo, thầy mo giỏi thường có nhiều con nuôi và học trò của mình khắp các bản, họ là những người được mo quý mến hoặc mang ơn, được mo chữa bệnh, giúp giả trừ tà ma. Vì mến mộ, nhiều người muốn theo nghề mo nên xin các mo cho đi theo để học nghề, mỗi thầy mo chỉ chọn lấy một hai người trong số đông đảo những con nuôi, học trò của mình để truyền lại những bí quyết hành lễ. Nếu thầy mo già yếu và chết đi, gia đình thường giữ lại cây kiếm đã từng hành lễ như một báu vật thiêng liêng.

Dùng dao làm đơn vị đo lường truyền thống: Trước đây điều kiện giao thông đi lại còn nghèo nàn, đường sá rậm rạp, các thiết bị đo lường rất hiếm, người Thái thường dùng khái niệm “con dao quăng” để chỉ và xác định ước lượng khoảng cách xa gần. Có câu quang mịt là ném dao, quang mịt họt có nghĩa là ước lượng khoảng cách gần từ nơi đang đứng đến vị trí nào đó bằng cách ném (quăng) con dao về hướng đó. Tuy nhiên các nghiên cứu cho rằng khái niệm “dao quăng” cũng không hẳn thế, họ cho rằng người Thái sống dựa vào môi trường tự nhiên, dựa vào rừng để sinh sống, rừng cung cấp nguyên vật liệu, cung cấp thức ăn,… hình ảnh người đàn ông đi rừng đeo bao dao ở thắt lưng là hình ảnh không hiếm thấy ở người Thái. Vì con dao nặng đến trên dưới 1kg nên khi đeo nó bên hông lâu sẽ thấy mỏi, họ sẽ quăng con dao đeo từ bên hông này sang bên hông kia, hành động đó diễn ra liên tục trong lúc di chuyển. Khoảng thời gian giữa hai lần chuyển như thế được tính là một con dao quăng, khoảng cách được đo bằng một con “dao quăng” tùy vào sức khỏe của từng người, tùy thuộc vào thời gian di chuyển. Lúc mới đi thì một quăng dao sẽ xa hơn so với thời gian di chuyển nhiều hơn khi đã đi mệt; người lớn, người khỏe, người đi rừng thường xuyên thì một “dao quăng” cũng xa hơn so với người ít đi hoặc phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, “dao quăng” là phương thức tính dân gian mang tính ước lượng, không chính xác, là đơn vị đo với từng cá nhân, chứ không mang tính bao quát cho tất cả mọi người.

Dao dùng trừ ma tà: Dao còn dùng khi nhà có trẻ sơ sinh để trừ tà ma, khi nhà có trẻ mới sinh, con dao được chủ nhà cài dưới tấm niếp (phên đan) để các ma không về quấy rầy trẻ nhỏ và người mẹ. Ngoài ra, theo ông Cà Văn Chăm (50 tuổi, thầy giáo) ở Chiềng Ngần cho biết: khi lên nhà mới, gia chủ tiến hành lễ “xên hươn”; gia chủ đeo dao ở hông ngồi cùng thầy cúng ở chân cầu thang, sau khi cúng xong, dao và một số đồ vật được mang lên nhà để ở nơi thờ cúng của gia đình, các đồ vật này không được bỏ xuống mà chỉ khi có việc lớn như tang ma, lễ tết mới đem xuống làm sạch rồi lại treo lên, với quan niệm các đồ vật trong đó có dao sẽ giúp chủ nhà xua đuổi được những điều xấu, mang lại những điều tốt lành cho các thành viên trong gia đình.

  1. Bảo tồn và phát huy giá trị của dao trong văn hóa truyền thống các tộc người ở Sơn La

Con dao đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, trong các tín ngưỡng dân gian của người Thái. Dao không chỉ đóng góp vào việc lao động sản xuất, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc giữa con người với công cụ tạo ra của cải, con người dựa vào tín ngưỡng để tin rằng có đấng thần linh phù hộ, che trở, tránh được những điều xấu luôn mang đến những điều tốt đẹp. Qua các tín ngưỡng văn hóa dân gian liên quan đến con dao cho thấy văn hóa Thái chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc, các tín ngưỡng, bài khấn, tri thức có dịp được ôn lại để trao truyền cho thế hệ con cháu mai sau, nối tiếp vốn văn hóa tốt đẹp của cộng đồng.

Gần đây, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó, mục tiêu tổng quát “giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu”. Ngày nay, đời sống của cộng đồng ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc đời sống văn hóa tinh thần được thể hiện qua các thực hành văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Qua đó thấy được cơ hội để văn hóa của cộng đồng người phát huy cùng với sự phát triển chung của toàn tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các thiết bị thông tin ngày càng hiện đại đã và đang ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa bản địa; cùng với những thay đổi về nhận thức, về kinh tế đã kéo theo sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các tộc người với nhau. Đặc biệt, xu hướng đổi mới về đời sống sinh hoạt, nhiều giá trị văn hoá truyền thống bị biến đổi, một số bản trong thành phố Sơn La không còn giữ được bản sắc, những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng so với người Kinh, bởi văn hóa vật chất đã che lấp, làm nhòa văn hoá Thái. Nhiều tập quán sinh hoạt đã thay đổi, không gian văn hóa truyền thống dần thu hẹp, thậm chí đã không còn được duy trì, thế hệ trẻ không còn mặn mà nhiều với lối sinh hoạt văn hóa truyền thống,…Vấn đề đặt ra là cần bảo tồn, chọn lọc và phát huy kịp thời giá trị các di sản văn hoá nói chung và tín ngưỡng dân gian về sử dụng công cụ lao động, trong đó có con dao là vô cùng quan trọng. Các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch khuyến khích sử dụng vốn văn hóa truyền thống, như trong tang lễ hoặc các tín ngưỡng liên quan đến dao cần được sử dụng và thực hành đầy đủ, đó là những nét văn hóa truyền thống đã đang và cần được quan tâm, bảo tồn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cầm Trọng (2005), “Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam” Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
  2. Chu Quang Trứ (2013), “Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật”, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội
  3. Tuệ Minh (2020), Những nghề thủ công truyền thống ở Sơn La" https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/963855/nhung-nghe-thu-cong-truyen-thong-o-son-la (truy cập ngày 9/6/2021)