Lễ hội "Đông Sửa" được tổ chức rất long trọng, là loại hinh sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Thái tại Bản Khá, lễ hội có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân trong xã hội, đã trở thành một nhu cầu, một khát vọng hướng đến cái tốt đẹp của nhân dân.

Theo tiếng Thái  "Đông" nghĩa là khu rừng thiêng, rừng cấm của bản, khu rừng này chỉ để bản dùng trong dịp lễ "Đông Sửa". "Sửa" nghĩa là áo thiêng, theo quan niệm của người Thái ở bản Khá "Áo thiêng" chứa đựng linh hồn của những người đã từng cai quản, quản lý khu rừng thiêng của bản. Hàng năm "Chảu Sửa" (Chủ áo) chọn ngày đẹp nhất của mùa xuân để tổ chức lễ hội "Xên đông sửa" (Cúng chủ áo). Những ngày này, mọi người gác lại hết công việc nhà, nương rẫy để tập trung cho việc chung cả bản. Trước khi thầy cúng làm lễ tại khu rừng thiêng từ sáng sớm người dân trong bản cùng nhau thịt lợn, thịt vịt, thịt gà, hái rau, xôi cơm,… mọi công việc nấu, nướng đều được làm tại khu rừng. Lễ vật được chuẩn bị chu đáo từ chọn gà, vịt, lợn thịt được sắp xếp theo tuần tự: lợn, gà, vịt và được bầy trên lá chuối,… Ngoài ra còn lễ vật của từng gia đình như vải khíp, đôi vòng tay, tiền vàng đều được đặt xung quanh theo tuần tự, người được chọn là đại diện chủ chủ hộ phải ngồi trực xung quanh nơi lễ cúng diễn ra.

Để tiến hành lễ cúng chính ở rừng thiêng còn có một lễ cúng tại gia đình người "Chủ áo" với mong muốn ông bà tổ tiên phù hộ, cho gia đình mạnh khoẻ, mọi điều đều may mắn, sau đó mới diễn ra lễ cúng tại rừng. Trước khi lễ cúng bắt đầu, thầy cúng làm lễ "Cẩn báo" với các vị thần lễ vật đã chuẩn bị xong, mời các vị thần "kiểm tra" lễ vật đã đầy đủ hay chưa, nếu đủ rồi thì buổi lễ chính thức được bắt đầu và được tiến hành nghiêm túc, trang trọng. Lễ cúng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các vị thần có công với bản, họ gửi gắm những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm. Với ý nghĩa tưởng nhớ về công ơn của người khai sinh ra bản, bảo vệ bản, cảm ơn các vị thần linh đã che chở cho dân làng. Đồng thời cũng là dịp cầu phúc, cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, một năm mới an khang thịnh vượng.

Sau phần lễ là các hoạt động của phần hội, các trò chơi dân gian cũng được đem ra trình diễn và được người dân cùng khách đến dự hăng hái tham gia như: Tung còn, thi bắt cá, xòe, trống chiêng, thi đan xọt, làm cút piêu, gói xôi,… Đến với lễ hội mọi người được gặp gỡ, vui chơi, giao lưu cùng với người dân trong bản,… Tất cả tạo nên một không khí hội náo nhiệt, vui tươi trên tinh thần đoàn kết và phát triển.

Qua lễ hội giúp con người được trở về cội nguồn của dân tộc, chứa đựng những ý nghĩa tốt đẹp, đạo hiếu với tổ tiên, mang ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người. Thể hiện sức mạnh cộng đồng, địa phương. Họ có chung một mục tiêu là đoàn kết để vượt qua khó khăn, đây cũng là dịp người dân được giải tỏa, giãi bày phiền muộn lo âu với thần linh và mong được giúp đỡ chở che để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời, qua lễ hội mở ra các giá trị văn hoá mới dựa trên nền tảng các giá trị văn hoá truyền thống hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá, du lịch cảnh quan, trải nghiệm,… đây cũng là hình thức giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống quý báu của cha ông được lan toả và trường tồn.