Dân tộc Mông là dân tộc có tỉ lệ cao trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở các tỉnh phía bắc nước ta. Riêng tại Sơn La, theo Tổng điều tra về dân số và nhà ở cả nước năm 2009, dân số người Mông trong tỉnh là 157.253 người, chiếm hơn 15% dân số trên địa bàn tỉnh, sinh sống tại các xã vùng núi cao của 12 huyện, thành phố [1].
Dân tộc Mông thường cư trú ở vùng núi cao, giao thông khó khăn, với lối sống khép kín theo hình thức tự cấp tự túc, do vậy điều kiện sinh sống của đồng bào Mông đặc biệt khó khăn, cùng với đó phần đa người Mông đều không biết đọc, biết viết, khả năng giao lưu và hội nhập với bên ngoài còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người Mông vẫn bảo lưu, trao truyền được các giá trị văn hóa truyền thống tộc người gần như nguyên vẹn. Các giá trị văn hóa của người Mông rất phong phú và đa dạng thể hiện trong các lĩnh vực văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội.
Văn hóa vật chất: Người Mông sử dụng lương thực chính là gạo tẻ. Gạo nếp chỉ được sử dụng trong các dịp lễ tết. Ngô, sắn được trồng chủ yếu phục vụ trong chăn nuôi. Thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của họ rất đơn giản, ngoài cơm tẻ người ta chỉ cần một chút thức ăn theo kiểu “có gì ăn đấy”, các món ăn thường được chế biến theo kiểu luộc hoặc nấu canh. Dịp tết hoặc đám cưới có thêm bánh dày được làm từ gạo nếp nương do gia đình trồng. Do sống ở vùng núi cao nhiệt độ thấp nên người Mông có thói quen nấu và uống rượu thóc. Nhìn chung có thể thấy, tập quán ăn uống của người Mông tương đối đơn giản. Do điều kiện kinh tế khó khăn lại ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài do vậy tập tục ăn uống của người Mông vẫn không có nhiều thay đổi.
Nhà ở truyền thống của đồng bào người Mông thường là kiểu nhà trệt nền đất vách được dựng bằng các tấm gỗ lớn. Nhà thường được làm 3 gian, 2 chái với ưu điểm đông ấm, hè mát. Trong đó gian giữa bao giờ cũng rộng hơn 2 gian bên cạnh “bởi đây là gian trung tâm của ngôi nhà, nơi diễn ra các sinh hoạt của mỗi thành viên sinh sống trong đó, đặc biệt đây là nơi tổ chức cúng ma nhà vào các dịp lễ tết hay các nghi lễ liên quan đến chu kì đời người...”[2, tr299]. Trong nhà người ta đặt 2 bếp lửa ở hai bên đầu nhà, gian giữa đặt bàn thờ ma. Cột ma được dựng ở gian giữa của ngôi nhà gần đầu bếp chính. Xung quanh nhà người ta thường trồng một ít rau để phục vụ gia đình. Hiện nay hình thức nhà xây được lợp mái tôn cũng dần xuất hiện. Tuy nhiên người Mông vẫn sinh sống chủ yếu trong những ngôi nhà nền đất ván gỗ như trước.
Trang phục truyền thống của người Mông được làm từ vải lanh nhuộm chàm thêu hoa văn hoặc nhuộm sáp ong. Hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chủ yếu vẫn mặc váy được trang trí sặc sỡ màu sắc, nam giới mặc quần ống rộng của người Mông kết hợp với áo sơ mi hoặc áo thun như của người Kinh. Nguyên liệu để làm váy áo được thay đổi từ vải lanh nhuộm chàm thành vải sợi công nghiệp. Vải lanh chỉ còn được sử dụng trong tang ma, khi đưa tiễn người chết về thế giới bên kia.
Văn hóa xã hội: Người Mông thường sống tập trung thành các bản nhỏ, được bố trí theo lối mật tập. Trước đây, quy mô các bản của người Mông thường từ 10 - 20 hộ. Ngày nay, cùng với sự gia tăng về dân số và sự phát triển của kinh tế - xã hội, số hộ trong các bản đã tăng lên nhiều lần. Với quan điểm “cùng họ đều là anh em”, trong cuộc sống hàng ngày các gia đình thường tương trợ giúp đỡ nhau về mọi mặt. Bởi vậy khi gia đình có việc trọng đại như cưới xin, ma chay thì đó được coi là việc lớn của cả dòng họ và sẽ do anh em trong họ tổ chức giúp đỡ.
Gia đình của người Mông phổ biến là gia đình phụ hệ, thường có từ 2 đến 3 thế hệ cùng chung sống. Người đàn ông lớn tuổi nhất đóng vai trò trụ cột, đứng ra quản lý tài sản chung của gia đình, phân chia tài sản cho các con ra ở riêng, đồng thời đứng ra tổ chức, phân công lao động cho các thành viên còn lại và trực tiếp đảm nhiệm những công việc nặng nhọc nhất, nguy hiểm nhất trong sản xuất như chặt cây, đánh đá, khai phá nương rẫy, và đốn gỗ, vận chuyển từ rừng về nhà khi làm nhà mới… Họ còn là người lo toan việc tổ chức hôn lễ cho con cái, thờ cúng tổ tiên, các ma nhằm cầu mong sự phù hộ cho gia đình mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Về đối ngoại, họ còn thay mặt các thành viên trong gia đình giải quyết mọi quan hệ với dòng họ và xã hội. Có thể nói người đàn ông là chủ gia đình có vị trí cao trong gia đình và cả ngoài cộng đồng, mọi ý kiến của họ đều được các thành viên trong gia đình cho là sáng suốt và nghe theo. Người vợ, người mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng và gia đình nhà chồng. Một vài năm trở lại đây, đã có một số phụ nữ người Mông có cơ hội được học tập và làm việc ở các cơ quan nhà nước, hoặc tham gia hoạt động buôn bán ở chợ thị trấn hoặc mở cửa hàng ngay ở các bản, xã... Tuy số lượng này không nhiều nhưng những thay đổi trên đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống khép kín bao đời nay của người phụ nữ Mông giúp họ thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội, giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả và trở nên đa sắc hơn.
Văn hóa tinh thần: Người Mông có đời sống văn hoá tinh thần phong phú và đa dạng. Trong một năm, người Mông tổ chức rất nhiều nghi lễ mang đặc trưng văn hoá tộc người như lễ cúng cơm mới, lễ cúng tu su… được coi là dịp sinh hoạt văn hoá chung của anh em gia đình, dòng họ, tăng tính cố kết của cộng đồng. Đặc biệt vào dịp tết cổ truyền họ thường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi mang tính cộng đồng như như ném pao, kéo co, thi thổi khèn… Với người Mông, tết là dịp để nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả vì thế trong 3 ngày này họ kiêng không làm việc nặng, cả ngày sẽ uống rượu ăn thịt, hát ca và thăm hỏi anh em họ hàng. Hết 3 ngày tết họ lại tiếp tục các cuộc chơi xuân khắp các bản làng, tham gia vào các hoạt động văn hoá cộng đồng do bản tổ chức. Đây chính là dịp để các chàng trai cô gái làm quen, tìm hiểu lẫn nhau. Phần lớn các cặp đôi người Mông đều xuất phát từ những đám chơi hội này vì vậy họ quan niệm đây cũng chính là “mùa cưới” của đồng bào Mông.
Về mặt tín ngưỡng, người Mông cũng có quan điểm vạn vật hữu linh. Họ thờ cúng ma nhà, ma cửa, ma bếp, ma buồng, ma núi, ma rừng… đây là hệ thống các ma lành được người Mông thờ cúng để bảo vệ sức khoẻ và bình an của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, họ cũng tin là có một loại ma dữ chuyên làm hại con người có thể sẽ gặp phải khi đi đường xa. Vì thế trước kia, khi gia đình có người chuẩn bị vào rừng hoặc đi làm ăn, học tập xa… người ta vẫn thường tổ chức lễ cúng cầu sức khoẻ, cầu mong nhận được sự bảo vệ của ma lành để mọi người tránh bị ma dữ quấy phá.
Nhìn chung, phần đông các gia đình người Mông vẫn thờ cúng tổ tiên theo truyền thống, tuy nhiên những năm gần đây tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng có một số gia đình đã cải đạo chuyển sang Tin lành. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc người Mông từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng hàng trăm năm của mình để theo Tin lành là do gánh nặng về mặt kinh tế bởi các tập tục, các nghi lễ rườm rà, tốn kém. Trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì chính những thủ tục, nghi lễ đó đã tạo nên sự ngột ngạt, đè nén trong tâm lí và trong đời sống kinh tế của người dân. Trong số đó, một bộ phận người Mông khát khao được giải phóng và họ tìm đến với Tin lành như một sự giải thoát. Tuy nhiên, trên con đường cải đạo đó phần lớn người dân đều tin theo một cách mù quáng. Họ xóa bỏ hoàn toàn văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng hàng trăm năm qua, từ đó cũng xóa đi những đặc trưng của văn hóa tộc người. Biến người Mông từ một tộc người có nhiều nét riêng, độc đáo thành tộc người bị đồng hóa về văn hóa cũng như mọi mặt của đời sống xã hội [3, tr 30].
Tập quán chu kỳ đời người bao gồm sinh đẻ, hôn nhân và tang ma. Cho đến nay người Mông tỉnh Sơn La vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo trong các tập quán liên quan đến chu kỳ đời người thể hiện qua các nghi lễ, các bài ca, làn điệu đối đáp... vẫn được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào Mông dần được cải thiện, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội được giao lưu, học tập, làm việc tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó dưới ảnh hưởng của quá trình giao lưu và hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế đã mở ra cơ hội cho người Mông được nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa của các tộc người khác, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của chính tộc người mình. Mặt khác đây cũng là khó khăn, thách thức cho sự phát triển của văn hóa bản thân mỗi tộc người trong việc giữ vững những giá trị văn hoá mang tính bản sắc.
Tài liệu tham khảo
- Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc H’Mông Sơn La, nguồn: https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/tin-tuc/trai-nghiem-van-hoa-dong-bao-dan-toc-h-mong-son-la-610649.html
- Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2020), Địa chí Sơn La, quyển 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
Nguyễn Thị Huyền (2019), Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, huyện Bắc yên, tỉnh Sơn La, Luận văn Thạc sĩ Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.