Trong bối cảnh của Việt Nam, ở một giai đoạn “tranh tối tranh sáng” giữa vật chất và tinh thần, giữa nghèo đói và bệnh sĩ, giữa khoa học và sự mù quáng tâm linh, giữa một đám đông với niềm tin bất định, nhân học dường như là một trong những hướng tiếp cận khả dĩ nhất để nhận thức rõ hơn các vấn đề của xã hội và con người Việt Nam hiện nay

Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, sinh sống ở trên nhiều vùng địa lý và văn hóa sinh thái khác nhau. Vì vậy, mỗi tộc người có bản sắc văn hóa khác nhau, đa dạng và độc đáo. Có thể nói rằng, với sự đa dạng và độc đáo đó của văn hóa tộc người ấy mà nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã gọi Việt Nam là “thiên đường của dân tộc học”. Đây chính là một cái vốn văn hóa (cultural capital) mà dựa vào đó chúng ta có thể mời gọi sự hợp tác khoa học với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ cũng như với các nhà khoa học ở các nước trên thế giới.

Nhân học (Anthropology) là nghành khoa học nghiên cứu về con người, từ  cổ đại đến hiện đại, về các cách thức sinh tồn của họ qua không gian và thời gian. Nhân học được chia thành nhiều nhánh, mỗi nhánh nghiên cứu một khía cạnh của cuộc sống con người. Có nhánh nghiên cứu về sự tiến hóa của con người hiện đại từ người tiền sử (Nhân học hình thể). Nhánh khác lại chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ, về sự hình thành và phổ biến của ngôn ngữ…

Claude Lévi-Strauss là nhà nhân loại học xã hội người Pháp, một lý thuyết gia hàng đầu của thuyết cấu trúc, vốn là thuyết được áp dụng vào việc phân tích các hệ thống văn hóa (như: các hệ thống quan hệ họ hàng và các hệ thống huyền thoại) dựa vào các quan hệ cấu trúc giữa các yếu tố của chúng. Thuyết cấu trúc không chỉ ảnh hưởng đến khoa học xã hội thế kỷ 20 mà còn đến các lĩnh vực khác: nghiên cứu triết học, tôn giáo so sánh, văn chương, điện ảnh.

Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, diện tích tự nhiên 14.109,83 km(đứng thứ ba trong cả nước); dân số trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc cùng sinh sống (dân tộc Thái 53,5%; Kinh 16,43%; Mông 15,92%; Mường 6,96%; Xinh Mun 1,97%; Dao 1,67%; Khơ Mú 1,37%; 2,05% các dân tộc thiểu số khác). Sơn La vừa là giao điểm của nhiều nét văn hóa đặc sắc, vừa là một trong các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng chiến lược, quan trọng của vùng Tây Bắc Việt Nam. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, văn hóa các dân tộc thiểu số là thành tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất nơi đây. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với quá trình toàn cầu hóa, sựphát triển của đời sống kinh tế văn hóa xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, văn hóa của nhiều cộng đồng dân tộc ở Sơn La đã và đang có nhiều biến đổi theo những chiều hướng khác nhau. Ngoài những ảnh hưởng tích cực, đã xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực, những mâu thuẫn giữa hội nhập, phát triển kinh tế với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người.

1.Đặc điểm văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La

- Văn hoá các dân tộc trong tỉnh được hình thành từ lâu đời, vừa thống nhất vừa đa dạng.

Văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc. Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, các giá trị văn hóa đó không ngừng được kết tinh và phát triển. Đó là đức tính nhân ái, đoàn kết, lối sống và ứng xử của các cư dân thuộc nền văn hóa nông nghiệp đặc biệt là tinh thần yêu nước, là ngôn ngữ chung, chữ viết chung... Đây chính là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp tạo nên tính thống nhất về văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại tỉnh.

Tính đa dạng trước hết biểu hiện ở sắc thái văn hóa vùng với những đặc điểm riêng được sáng tạo nên bởi các nhóm cư dân, các thành phần tộc người trên vùng lãnh thổ như ngôn ngữ, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội....

Tính đa dạng còn biểu hiện ngay trong từng tộc người, nhất là những tộc người có nhiều nhóm địa phương như nhóm Thái (Thái Đen, Thái Trắng); nhóm Dao (Dao Đỏ, Dao Tiền); nhóm Mông (Mông Đen, Mông Hoa...)góp phần làm nên một bức tranh đa dạng về văn hóa của cá dân tộc tại tỉnh.

- Văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La được hình thành và phát triển từ một nền văn hóa dân gian.

Các kết quả nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, folklore, nhân chủng học, địa chất học, địa danh học...đã cung cấp nhiều bằng chứng cụ thể về thời kì tiền sử tại Sơn La – nơi con người đã có mặt từ rất sớm. Qua nhiều thế kỷ đã tồn tại một giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân nông nghiệp trồng trọt, của một thiết chế xã hội công xã nông thôn... với một hệ thống các triết lý và quan niệm cùng nhiều hình thức sinh hoạt gắn với chu kỳ đời người, chu kỳ trồng trọt, chu kỳ thời tiết... Đó là những giá trị văn hóa dân gian.Các giá trị văn hóa dân gian là “nguyên liệu” chính cùng với các giá trị văn hóa bác học... đã tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc tại Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.

  1. Thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La

Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

- Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, kế thừa và phát huy trong thực tiễn đời sống của đồng bào các dân tộc.

Tính đến nay, tỉnh Sơn La có 89 di tích văn hóa vật thể được phê duyệt đưa vào danh mục, trong đó có 63 di tích được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh). Đến năm 2020, tổng số tư liệu, hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh là 23.366 tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều tư liệu hiện vật quý như: Sách Thái cổ, sách Dao cổ, trống đồng, trang phục các dân tộc, sản phẩm đan lát... Giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh đã triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi được 16 di tích lịch sử cách mạng quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn; Di tích Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (huyện Phù Yên)...[1]

Sở Văn hóa thể thao và Du lịch đã tiến hành công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc bao gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng theo 07 loại hình gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian. Sở đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được 13 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 12 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là: Chữ viết cổ dân tộc Thái; Lễ Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); Nghệ thuật Xòe Thái; Lễ cúng dòng họ của người Mông, Lễ Cầu an (Pang A) của người La Ha; Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mộc Châu; Nghi lễ cưới truyền thống của người Dao Tiền; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa huyện Mộc Châu; Nghi lễ Gội đầu của người Thái Trắng huyện Quỳnh Nhai; Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng; Nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng ma) của người Xinh Mun dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu[2].

Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa 14 loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhạc cụ của người Mông, Thái, Khơ Mú, Dao; các làn điệu dân ca của người Mông, Thái, Dao, Mường; nghề làm giấy thủ công và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy dó của người Dao; Nghi lễ cúng vía trâu của người Thái; Lễ cúng bản của người La Ha, Lễ mừng cơm mới của người Lào; nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông; các nghi lễ trong năm của người Khơ Mú…

Hiện nay, tỉnh có 2 kho sách chữ Thái cổ tại Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh với số lượng 1.495 cuốn, được lưu giữ và bảo quản bằng công nghệ thông tin hiện đại. Trong giai đoạn 2015 - 2022, mỗi năm đã xuất bản 3 đầu sách về sưu tầm, dịch, nghiên cứu văn nghệ dân gian với kinh phí bình quân 270 triệu đồng/năm để bảo tồn, giới thiệu, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc Sơn La.

Nhiều giá trị, di sản văn hóa các dân tộc được nghiên cứu, tôn vinh là di sản văn hóa Quốc gia và nhân loại. Ngày 15/12/2021, UNESCO đã ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hàng năm, tỉnh còn tổ chức cho các nghệ nhân, đội văn nghệ tham gia trình diễn dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và các lễ hội, lễ nghi của tỉnh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam và tham dự các liên hoan văn hóa, văn nghệ khu vực, toàn quốc.

Bên cạnh đó, các đội văn nghệ quần chúng cũng được tổ chức và hoạt động ngày càng có hiệu quả, là môi trường tốt để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tổ chức phục vụ khách du lịch.

Nhiều đề tài khoa học, đề án, dự án, phương án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện, tiêu biểu như: “Khảo sát sưu tầm lễ hội dân tộc Mông tỉnh Sơn La”; “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa cư dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La”; “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”; …. Qua đó, đánh giá thực trạng của di sản văn hóa các dân tộc và đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Sơn La đang có nguy cơ mai một và biến đổi.

- Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc đã, đang bị mai một nhanh chóng (ngôn ngữ, tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực, kiến trúc, lễ hội, hôn nhân, tang ma…). Ở Sơn La hiện nay, có thể nhận thấy những giá trị văn hóa đang biến đổi hàng ngày hàng giờ chính là chữ viết, trang phục và kiến trúc nhà ở của nhiều dân tộc.

Biến đổi về chữ viết: Đa số các dân tộc tỉnh Sơn La bảo tồn rất tốt tiếng nói của dân tộc mình như dân tộc: Thái, Mông, Dao, Mường, Lào. Tuy nhiên, do có sự giao lưu nhiều với dân tộc Thái và sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội đã làm cho những nhóm dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La như Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng ít sử dụng tiếng nói của dân tộc mình mà chuyển sang sử dụng tiếng Thái trong giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra, ở một số vùng thị trấn, thành phố, con em các dân tộc có bố mẹ là công chức nhà nước, hôn nhân khác tộc rất ít biết tiếng nói của dân tộc mình. Đây là một biến đổi tất yếu nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay.

Biến đổi về trang phục: Trước đây, người dân tự trồng bông, lanh để dệt vải làm trang phục, làm chăn đắp; các loại vải này thường có các màu sắc chủ đạo là đen, đỏ, vàng, trắng. Ngày nay, người dân đa số không còn trồng bông, lanh để dệt vải mà sử dụng sợi bông công nghiệp được mua ngoài chợ để may trang phục (thường rẻ và tiện hơn so với dệt và may truyền thống); Màu sắc, họa tiết hoa văn trên vải và trên trang phục cũng rực rỡ hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn; cách thức may trang phục cũng được cải tiến, chuyển từ may và thêu tay sang may máy. Trước đây, trang phục truyền thống được người dân sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày cũng như các dịp lễ, tết. Hiện nay, y phục truyền thống chỉ chủ yếu phổ biến ở vùng sâu vùng xa, hoặc các cụ già là còn giữ được thói quen mặc trang phục cổ truyền hàng ngày.Bộ phận lớn thanh niên đều ưa dùng loại quần áo may sẵn bằng vải dệt công nghiệp như ở miền xuôi, họ chỉ mặc quần áo truyền thống trong các dịp hội hè, lễ tết; nhiều thanh thiếu niên còn ngại mặc trang phục truyền thống với tâm lý tự ti, khác biệt với các nhóm dân tộc khác. Nhiều nhóm dân tộc có nghề thủ công thêu khăn piêu truyền thống như người Thái, người Lào, người Khơ Mú… tuy nhiên, hiện nay chỉ còn người già, phụ nữ đã lập gia đình biết thêu thùa còn lại các em gái, thanh niên gần như không được thêu, dạy… là một trong những nguy cơ làm mai một và biến mất các nghề thủ công truyền thống.

Biến đổi về nhà ở:Qua quá trình sinh sống, do việc chặt phá rừng làm cho nguồn nguyên liệu tự nhiên cạn dần, buộc người dân phải chuyển sang sử dụng các loại nguyên liệu khác để làm nhà. Do đó, các loại hình nhà cổ truyền được chuyển sang nhà xây theo kiến trúc phương Tây; chuyển từ nhà sàn sang nhà đất hoặc nhà xây hoặc nhà nửa sàn nửa đất; chuyển từ cấu trúc sinh hoạt truyền thống sang cấu trúc thông thường… Điều này dẫn đến sự biến đổi về cách thức sinh hoạt và cách bố trí vật dụng trong ngôi nhà truyền thống, ít nhiều dẫn đến xáo trộn và thay đổi mối quan hệ trong các gia đình truyền thống trước đây.

Các giá trị văn hóa mới xâm nhập thiếu định hướng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp chưa được giữ gìn và chưa thật sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa từ bên ngoài.

- Mặt trái của cơ chế thị trường vẫn còn tác động đến quan điểm, thái độ, cũng như việc thực hiện chính sách đầu tư bảo tồn, phát triển văn hóa.

- Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hoá rất hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực.Vai trò của chủ thể, của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy và đặt đúng vị trí trong việc lập kế hoạch, xây dựng triển khai, tổ chức quản lý, giám sát các dự án từ cơ sở về văn hoá, ảnh hưởng tới chất lượng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc trong tỉnh.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá còn thiếu, yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ngày càng ít dần và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

- Chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc dạy và học chữ, học tiếng dân tộc đối với học sinh các dân tộc. Di sản văn hoá các dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

  1. Một số đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần đảm bảo cho Sơn La phát triển bền vững

Có thể nói, phát triển là một trong những quy luật tất yếu, góp phần nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của con người, kiến tạo nên cuộc sống công bằng, văn minh, hiện đại. Quá trình phát triển của một quốc gia, dân tộc được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau : kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, kỹ thuật…Trong đó, phát triển văn hóa được xem là nhiệm vụ song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa như một nguồn vốn, giống như các vốn tài nguyên, vật chất hay tài chính…là động lực cho phát triển và có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hộ. Bởi thế văn hóa vừa là trụ cột của phát triển bền vững, song cũng là đối tượng cần phát triển bền vững. Trong đó, văn hóa tộc người là thành tố quan trọng trong văn hóa của một quốc gia đa dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc của chính quốc gia đó.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần đảm bảo cho Sơn La phát triển bền vững, nhóm tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Một là,tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kết quả Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện được các mục tiêu chiến lược được nêu trong Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững".

Hai là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa, về công tác quản lý văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Các cấp ban, bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về văn hóa, từ đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; thực sự phải coi “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện các hình thức động viên, khen thưởng, chú trọng biểu dương, nêu gương các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp này.

Ba là, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác văn hóa

+ Nguồn lực tài chính: Nhà nước và các cơ quan, ban ngành trong tỉnhtiếp tục quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa các dân tộc; có chính sách hỗ trợ, phục dựng các lễ hội truyền thống; các công trình sản phẩm văn hóa; tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công tạo dựng các công trình, sản phẩm văn hóa; phổ biến, truyền dạy nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị về văn hóa đối với các dân tộc trong tỉnh; hỗ trợ các mô hình văn hóa đặc sắc, mô hình điểm ở các bản, xã; hỗ trợ việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào các dân tộc.

+ Nguồn lực con người: Chú trọng công tác tuyển dụng công chức, viên chức được đào tạo đúng chuyên môn nghiệp vụ; chú trọng công tác xây dựng quy hoạch và chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn định kỳ, tập huấn hằng năm;“chuẩn hóa” cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ.

Bốn là, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội,xây dựng các đề án phát triển du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển kinh tế.

Phải có chiến lược phát triển, phải chú ý đến tính đặc thù, phải có phương án, giải pháp, giải quyết hài hòa giữa “bảo tồn và phát triển”. Khi phát triển du lịch cộng đồng, phát triển sinh kế đối với các dân tộc phải chú trọng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa (dệt thổ cẩm, canh tác ruộng bậc thang, trang phục, kiến trúc nhà ở… của các dân tộc), đặc biệt là các di sản theo hướng bảo vệ, tôn trọng ý kiến của cộng đồng, đề cao vai trò của cộng đồng và cộng đồng là chủ thể được hưởng lợi.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần đảm bảo cho Sơn La phát triển bền vững, nhất là trong thời đại 4.0 cần số hóa những dữ liệu cốt lõi gắn với bản sắc văn hóa đặc thù của các dân tộc. Từ đó, có thể lựa chọn đăng tải các dữ liệu trên các phương tiện truyền thông (như mạng xã hội) và truyền hình, để đông đảo người dân có điều kiện tiếp cận, tương tác, tìm hiểu thuận lợi hơn. 

Năm là, đẩy mạnh việc đưa hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La vào giảng dạy tại các cấp học cũng như thường xuyên duy trì các hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La tại các cấp học trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Quan tâm đến công tác giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bằng cách đưa nội dung bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với thực tế của từng trường học. Cùng với đó là giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu (làn điệu dân ca, trò chơi dân gian…) cho học sinh trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan, khảo sát tìm hiểu thực tế tại các địa phương; khai thác kinh nghiệm thực tế, truyền thống văn hóa vốn có của học sinh; tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như sưu tầm ca dao, dân ca các dân tộc thiểu số, tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc, học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu văn hóa ẩm thực của các dân tộc, tổ chức tết dân tộc, lễ hội, tổ chức các câu lạc bộ (câu lạc bộ múa, câu lạc bộ ca dao dân ca, câu lạc bộ cồng chiêng...), hội thi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội diễn văn nghệ, thi trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày bản sắc văn hóa của các dân tộc, tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong trường học, thực hành các nghề thủ công truyền thống, liên hoan văn nghệ và trò chơi dân gian, mời nghệ nhân trên địa bàn đến truyền dạy văn hóa cho học sinh...

Sáu là, khuyến khích đồng bào các dân tộc trong tỉnh mặc trang phục truyền thống các dân tộc.

            Theo Quyết định 209/QÐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Cần tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn tỉnh mặc trang phục dân tộc không chỉ trong các ngày lễ lớn mà trong cả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc đến trường; có quy định vận động, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc ít nhất 01 buổi/tuần tại các trường dân tộc nội trú và học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên là người DTTS tại các trường Tiểu học và THCS, THPT, trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc không chỉ là công việc của một cấp, ngành hay của một cá thể, không phải là công việc ngày một, ngày mai mà là công việc chung của cả cộng đồng. Để việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộcđạt hiệu quả, góp phần đảm bảo cho Sơn La phát triển bền vững, mỗi người dân chúng ta chính là một chủ thể góp phần vào việc bảo tồn, phát huy và giới thiệu hình ảnh văn hóa dân tộc mình, con người và mảnh đất Sơn La với bạn bè trong nước và quốc tế, mỗi chúng ta sẽ là những nhân tố tự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vốn có của dân tộc mình trước khi có sự giúp đỡ từ bên ngoài.Có như vậy, những giá trị văn hóa mới có được sức sống nội sinh và ngày càng phát triển một cách bền vững, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa bên ngoài để tiếp tục phát triển và hội nhập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La (2016), Báo cáo Thực trạng văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La
  2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La (2018), Báo cáo Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tỉnh Sơn La
  3. Trần Hữu Sơn (), Xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao. Nxb Văn hóa Dân tộc
  4. Tỉnh ủy Sơn La (2016), Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2020.
  5. Tỉnh ủy Sơn La (2020), Báo cáoTổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 05 - NQ/TUcủa Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "tăng cường sự lãnh đạocủa Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020"
  6. Tỉnh ủy Sơn La (2020), Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội 5 năm (2016 – 2020), kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021 – 2025).

[1] Tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Sơn La

[2]Báo cáo kiểm kê di sản của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La

  1. Từ yêu cầu đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực Tây Bắc

Sau hơn 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), khu vực Tây Bắc (gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) đã đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đường bộ được cải thiện đáng kể; kinh tế từng bước có sự chuyển dịch từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cho đến những năm cuối thế kỷ XX, khu vực Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ kinh tế kém phát triển, xã hội lạc hậu nhất so với cả nước. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của vùng trung du và miền núi phía Bắc (trong đó có các tỉnh Tây Bắc) năm 1998 là 64,5%, cao nhất cả nước (trong khi khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai với 52,4%; tỷ lệ hộ nghèo trung bình của cả nước là 37,4%) [13]. Kết quả điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999 cho thấy thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 1999 (số liệu đã làm tròn) của tỉnh Lai Châu là 161.000 đồng, tỉnh Sơn La là 192.000 đồng, tỉnh Hòa Bình là 207.000 đồng, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Bắc và Tây Bắc (210.000 đồng) và của cả nước (295.000 đồng) [12]. Mặc dù đã bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tuy nhiên, sản lượng công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu kinh tế của vùng; toàn vùng chỉ có 8.894 cơ sở công nghiệp [6;tr.4].

Về mặt xã hội, tổng số lao động của khu vực Tây Bắc có khoảng 1,115 triệu người; trong đó, khoảng 28,2% số người có bằng tốt nghiệp tiểu học, 22,6% số người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và 8,7% số người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngành giáo dục và đào tạo của các địa phương trong khu vực còn nhiều hạn chế. Giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn; theo số liệu thống kê thời điểm tháng 9/1999, toàn vùng có 284 trường (3.427 lớp) mẫu giáo với 4.840 giáo viên và 75.451 học sinh; có 452 trường tiểu học với 15.692 giáo viên và 352.155 học sinh; có 432 trường trung học cơ sở với 6.051 giáo viên và 148.965 học sinh; có 57 trường trung học phổ thông với 1.276 giáo viên và 35.903 học sinh [6;tr.4-5]. Tính đến năm 2000, Tây Bắc vẫn còn trên 50% số trường học được làm từ gianh tre, nứa lá; trang thiết bị, đồ dùng phục vụ giảng dạy và học tập thiếu thốn; năng lực chuyên môn của giáo viên không đều và không đủ đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách giáo dục; số đông đội ngũ giáo viên cắm bản, xoá mù trước đây được đào tạo theo kiểu “cấp tốc” đến nay vẫn chưa được đào tạo lại… [14;tr.33]. Lĩnh vực đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề còn thiếu và yếu; năm 1999, toàn vùng có 2 trường cao đẳng sư phạm (Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình) với 200 giảng viên và 3.366 sinh viên hệ tập trung; 10 trường trung học chuyên nghiệp với 338 giáo viên và 5.397 học sinh hệ tập trung; 4 trường dạy nghề với 105 giáo viên và 2.431 học sinh học nghề hệ tập trung [6;tr.4-5].

Trên bình diện toàn vùng, sự phân bố trường lớp, ngành nghề so với khu vực đồng bằng và giữa các địa phương trong vùng còn nhiều bất cập, trong đó bất cập lớn nhất không chỉ là tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề trong vùng, giữa các địa phương với nhau và giữa các cấp học trong ngành giáo dục mà còn là thực trạng nguồn nhân lực trình độ cao ở Tây Bắc thuộc các lĩnh vực kinh tế, nông lâm, y dược,... chủ yếu được đào tạo ở miền xuôi hoặc được tăng cường từ miền xuôi lên chứ không phải được đào tạo tại chỗ ở Tây Bắc. Thực trạng này cũng đã được Trung ương Đảng và Chính phủ quan tâm, nhận thức rõ. Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 ban hành theo Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ khi đánh giá về những yếu kém của giáo dục Việt Nam qua 15 năm đổi mới, cũng đã khẳng định: Các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tập trung quá nhiều vào các thành phố lớn, khu công nghiệp lớn. Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn” [7].

Theo số liệu điều tra dân số ngày 01/4/1999, khu vực Tây Bắc có xấp xỉ 2.227 nghìn người. Dự báo, dân số trong vùng sẽ lên tới 2.800 nghìn người vào năm 2010, và khoảng 3.400 nghìn người vào năm 2020. Thời điểm thống kê, số lao động có chuyên môn, kỹ thuật và được kinh qua đào tạo mới chiếm khoảng 8,6% tổng số lực lượng lao động của cả vùng (xấp xỉ bằng 61% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước). Nếu tính riêng số người có trình độ đại học và cao đẳng trong tổng lực lượng lao động của Tây Bắc thì tỷ lệ bình quân chung của vùng là 1,5% (trong khi bình quân của toàn quốc là 3,5%). Tính toán phù hợp với dự thảo chiến lược giáo dục và đào tạo đến năm 2010, để có từ 25% đến 30% số lao động chuyên môn kỹ thuật và được đào tạo trong tổng số lực lượng lao động làm việc vào năm 2010, thì trong thời gian 10 năm (từ năm 2001 đến năm 2010), khu vực Tây Bắc phải đào tạo được từ 350.000 đến 420.000 người ở các trình độ khác nhau; trong đó, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên từ 35.000 đến 42.000 người, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật từ 245.000 người đến 294.000 người [6; tr.6]. Như vậy, để có được lực lượng lao động với trình độ như trên, bình quân mỗi năm, khu vực Tây Bắc cần phải đào tạo ít nhất 3.500 người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên.

Thực trạng và những tính toán nêu trên cho thấy, nhu cầu đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng để tham gia vào quá trình lao động, sản xuất, góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở Tây Bắc đã trở nên vô cùng cấp thiết.

Tây Bắc không thể tăng tốc phát triển kinh tế trong điều kiện phần lớn lao động xã hội vẫn còn là lực lượng lao động giản đơn, chưa qua đào tạo. Mặt khác, do điều kiện kinh tế, xã hội của vùng còn có khoảng cách nhất định so với khu vực đồng bằng, đặc biệt là điều kiện giao thông và những khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán,... nên việc điều chuyển cán bộ, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao từ các khu vực khác cho vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, song song với các giải pháp động viên, khuyến khích và xây dựng các chế độ chính sách ưu tiên phù hợp để huy động cán bộ khoa học, kỹ thuật từ nơi khác đến công tác và làm việc thì vấn đề đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu cho vùng đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết. Đây là cơ sở khẳng định sự cần thiết phải thành lập một trường đại học, đặt trụ sở tại vùng Tây Bắc. Nhu cầu đó càng cấp bách hơn khi xem xét trên phạm vi toàn quốc, tính đến cuối thế kỷ XX, chỉ còn khu vực Tây Bắc chưa có một trường đại học; trong khi các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như Tây Nam Bộ và Tây Nguyên đều đã thành lập được các trường đại học để phục vụ nhu cầu đào tạo tại chỗ lực lượng lao động trình độ cao[1].

  1. Đến sự thành lập Trường Đại học Tây Bắc

Mong muốn thành lập một trường đại học ở khu vực Tây Bắc để đào tạo cán bộ cho đồng bào các dân tộc đã được nêu ra từ rất sớm, nhất là từ những năm 60 thế kỷ XX. Nhà giáo Phạm Viết Hoàng công tác tại Phòng Giáo vụ Khu học xá Mường La thuộc Khu Tự trị Thái - Mèo trong bài viết về Khu học xá đăng trên Tập san Dân tộc, tháng 9/1961 đã tâm sự: “Trong khi phát biểu về mơ ước của mình, có em thiếu nhi đã “ước mơ khu học xá có trường đại học”. Ước mơ của em là ước mơ chung của cán bộ, giáo viên và học sinh chúng tôi. Chắc chắn một ngày không xa nữa, với sự chăm sóc và dìu dắt của Đảng, những con người mà trước kia thực dân cho là “lạc hậu, mọi rợ”, sẽ ngồi vào ghế trường đại học ngay ở “quê hương hoa ban và hội còn” của họ” [8;tr.30]. Trong thư gửi nhân dân các dân tộc Khu Tự trị Thái - Mèo sau chuyến thăm Tây Bắc (cuối tháng 1/1962), Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Phải gắng sao cho mỗi xã đều có trường cấp 1, mỗi châu đều có trường cấp 2, rồi cấp 3. Phải tiến đến mở trường Đại học ở khu” [11]. Mong muốn đó được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân các dân tộc Tây Bắc tin tưởng, gửi gắm vào Trường Sư phạm Cấp II Khu Tự trị Tây Bắc (sau này là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc). Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mong muốn đó càng trở nên bức thiết và chính đáng. Để hiện thực hóa được mong muốn đó, tháng 9/1997, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu và Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Khoa giáo Trung ương, Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Ban Cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị “nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc lên thành Trường Đại học Sư phạm Tây Bắc tại Thị xã Sơn La, với chức năng đào tạo đa ngành nhằm đào tạo - bồi dưỡng cán bộ giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật có trình độ Đại học cho hai tỉnh Lai Châu - Sơn La”. Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu còn nhấn mạnh: “Đây là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, vừa phù hợp với thực tiễn miền núi và đảm bảo sự công bằng giữa các vùng trong cả nước” [16].

Cùng với sự ủng hộ của các tỉnh Tây Bắc, từ những năm cuối thế kỷ XX, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo đội ngũ, mở rộng địa bàn tuyển sinh, tăng cường mối quan hệ với các địa phương Tây Bắc,... Tính đến năm 2000, đội ngũ giảng viên của Trường có 120 người, trong đó số người có trình độ trên đại học đã tăng lên 40% (gồm 01 Tiến sĩ và 49 Thạc sĩ), sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học. Quy mô tuyển sinh của Trường không ngừng tăng lên: năm 1996: 416 sinh viên; năm 1997: 462 sinh viên; năm 1998: 708 sinh viên; năm 1999: 624 sinh viên; năm 2000: 730 sinh viên [6;tr.10]. Địa bàn tuyển sinh của Trường ngày càng mở rộng, bao gồm cá tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương,... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ủng hộ chủ trương thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Nhiều cuộc Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã được triển khai để bàn về chủ trương và phương án thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Đặc biệt, sau chuyến thăm và làm việc với các tỉnh Tây Bắc của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, ngày 07/5/1998, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 98/TB-VPCP về chủ trương thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La lựa chọn địa điểm quy hoạch xây dựng Trường Đại học Tây Bắc tại khu vực Bản Dửn (thuộc xã Chiềng Ngần và một phần của xã Chiềng Cơi - Thị xã Sơn La); đồng thời triển khai xây dựng Đề án thành lập Trường Đại học Tây Bắc, trình Chính phủ phê duyệt.

Theo nội dung Đề án, Trường Đại học Tây Bắc thành lập nhằm đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực trình độ cao cung cấp cho các địa phương trong vùng, đồng thời mở rộng và tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng, phù hợp với mục tiêu chung trong quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2000 - 2010. Việc thành lập Trường Đại học Tây Bắc còn tạo ra những điều kiện thuận lợi để mọi đối tượng dân cư thuộc các dân tộc ít người, những người nghèo và những người ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học và được tham gia học tập ở bậc đại học; thực hiện điều tiết từng bước cơ cấu đào tạo theo vùng, miền và khắc phục tình trạng phân bố lực lượng lao động khoa học - kỹ thuật - công nghệ không đồng đều giữa các vùng, miền và các địa phương [6;tr.7]. 

Đáp ứng những mong muốn và nhu cầu chính đáng nêu trên, ngày 23/3/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg về thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Nội dung của Quyết định cụ thể như sau:

Điều 1. Thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Điều 2. Trường Đại học Tây Bắc có nhiệm vụ:

  1. Đào tạo nhân lực có trình độ đại học và cao đẳng.
  2. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức.
  3. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.

Điều 3. Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trụ sở của trường đặt tại tỉnh Sơn La; Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng” [10].

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/5/2001, Lễ Công bố thành lập Trường Đại học Tây Bắc được tổ chức tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (thị trấn Thuận Châu, Sơn La) trước sự chứng kiến của đông đảo đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đại biểu Ban Dân tộc Trung ương, Ban Dân tộc Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại biểu của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Tây Bắc [14;tr.35].

Sự thành lập Trường Đại học Tây Bắc là sự kiện lịch sử quan trọng, không chỉ thuần tuý đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của địa phương mà còn thể hiện chính sách dân tộc của Đảng, sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc. NGND.PGS.TS Đặng Quang Việt - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tây Bắc đã khẳng định: “Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc của Chính phủ đã hiện thực hóa ý tưởng thành lập trường đại học cho khu vực Tây Bắc của thế hệ lãnh đạo Nhà trường từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, đã phản ánh được ước vọng bao đời của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, tạo ra cơ hội được học tập đạt trình độ cao cho nhân dân và con em các dân tộc Tây Bắc, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh Tây Bắc, tạo thêm một động lực quan trọng, giúp cho Tây Bắc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [15;tr.8].

  1. Bước phát triển mới của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc

Ngay sau Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc, ngày 04/4/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, trong đó khẳng định rõ: “Đối với vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên: Tập trung đầu tư phát triển Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc để nâng cao năng lực thu nhận sinh viên, đảm nhận vai trò chủ đạo trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ trong vùng” [9]. Đó là định hướng lâu dài của Trung ương đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo ở các khu vực còn nhiều khó khăn.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, tương xứng với vị thế và vai trò của một trường đại học, phù hợp với tên gọi mới của Nhà trường, ngày 27/6/2001, Huyện ủy Thuận Châu ban hành Quyết định số 167-QĐ/HU về việc đổi tên Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc, trực thuộc Huyện ủy Thuận Châu. Trước yêu cầu mới, Đảng bộ Trường sớm xác định nhiệm vụ trong giai đoạn mới là lãnh đạo xây dựng Trường Đại học Tây Bắc “thực sự là một trường đại học đa ngành, đa cấp, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục hàng đầu của vùng Tây Bắc”. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Đảng bộ đã lãnh đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển Trường Đại học Tây Bắc giai đoạn 2002 - 2005, trong đó xác định những quan điểm định hướng cơ bản: “Từng bước phát triển hoạt động đào tạo trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo chuẩn mực của các cấp đào tạo (đại học, cao đẳng). Duy trì đào tạo trình độ cao đẳng, tăng dần quy mô đào tạo trình độ đại học. Từng bước hoàn thiện tổ chức, phát triển đội ngũ, củng cố cơ sở vật chất hiện có, phát triển cơ sở vật chất theo dự án đủ đảm bảo cho phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ... Từng bước đa dạng hóa loại hình đào tạo, tạo thuận lợi cho người theo học, tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên,... Tận dụng triệt để các quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo, từng bước học tập, tiếp thu, tiếp nhận trình độ, quy trình đào tạo, quy trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế” [1].

Với vị thế, vai trò và quy mô của một trường đại học mới thành lập, dự kiến trong những năm tiếp theo, Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, sẽ có từ 100 đến 120 đảng viên, từ 10 tới 12 chi bộ trực thuộc; cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, quy mô đào tạo, các mối quan hệ hợp tác,... sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Trước yêu cầu phát triển đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường đã đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến hiệp thương với Tỉnh ủy Sơn La xem xét về vị trí của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc. Trên cơ sở đó, ngày 04/5/2003, Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 30-CV/BCS gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về việc đề nghị Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La. Đồng thời, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, căn cứ Điểm 2 Điều 10 Quy định số 14-QĐ/TW ngày 16/11/2001 về cụ thể thi hành Điều lệ Đảng, tháng 8/2003, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc đã có Tờ trình số 18-TTr/ĐU gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La về việc xem xét, quyết định để Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La. Việc Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc cùng có ý kiến đề nghị với Tỉnh ủy Sơn La xem xét về vị trí của Đảng bộ Trường trong tình hình mới thể hiện tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm đối với tương lai phát triển của Nhà trường; đồng thời là bước chuẩn bị cần thiết phục vụ cho việc kết nối, triển khai những nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trong đó đặc biệt quan trọng là nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, triển khai Dự án xây dựng Trường Đại học Tây Bắc tại cơ sở mới Thị xã Sơn La.

Trên cơ sở đề nghị của Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc, căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tiễn, ngày 01/12/2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Quyết định số 591-QĐ/TU, có hiệu lực từ ngày ký, trong đó quy định: “Nay thành lập Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy, trên cơ sở chuyển giao Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc đang trực thuộc Đảng bộ huyện Thuận Châu” [3]. Quyết định thành lập Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử phát triển của Đảng bộ Trường. Sau một thời gian triển khai công tác chuẩn bị, bàn giao, ngày 16/01/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Quyết định số 679-QĐ/TU chuyển giao Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Bắc thuộc Đảng bộ huyện Thuận Châu, nay trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La [4]. Đến đây, hoàn tất quá trình chuyển giao Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Huyện ủy Thuận Châu về trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La; kết thúc một chặng đường phát triển của Đảng bộ và Nhà trường đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Thuận Châu; mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc - trở thành một trong số ít đảng bộ cơ sở đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Sơn La.

Cùng với những sự kiện quan trọng nêu trên, ngay trong nhiệm kỳ 2001 - 2005, nhiệm kỳ đầu tiên lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của một trường đại học, Đảng bộ Trường đã có sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 5/2005, Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc đã có 8 chi bộ với 114 đảng viên, so với năm 2001, thời điểm Đảng bộ mới có 5 chi bộ với 70 đảng viên. Với phương hướng xác định trong kế hoạch chiến lược giai đoạn 2005 - 2010, dự kiến trong nhiệm kỳ XX (2005 - 2010), Đảng bộ Trường sẽ tiếp tục phát triển, có từ 9 đến 12 chi bộ, với số lượng đảng viên từ 160 đến 200, mỗi năm sẽ kết nạp từ 20 đến 25 đảng viên mới [2]. Trước sự phát triển và yêu cầu lãnh đạo trong giai đoạn mới, để tạo điều kiện cho công tác lãnh đạo của Đảng bộ, nhất là đối với nhiệm vụ phát triển Đảng, ngày 10/4/2005, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc xây dựng Tờ trình số 126-TTr/ĐU đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La xem xét, ủy quyền cho Đảng bộ quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên. Trên cơ sở đó, căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 29/4/2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Quyết định số 1090-QĐ/TU ủy quyền cho Đảng ủy cơ sở Trường Đại học Tây Bắc được quyền quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên [5]. Sự kiện này thêm một lần nữa đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc - từ một Tổ Đảng của Trường Sư phạm Cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo (1960) phát triển lên thành Chi bộ Trường Sư phạm Cấp II Khu Tự trị Tây Bắc (1965), rồi Đảng bộ Trường Sư phạm Cấp II Tây Bắc (1967), Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (1981) trực thuộc Huyện ủy Thuận Châu, trước khi chính thức trở thành Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La (2003), được ủy quyền cấp trên cơ sở quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên (2005). Đó là quá trình phát triển và trưởng thành của Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc gắn liền với những nhiệm vụ, vị thế và vai trò lịch sử của Nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc, 2002. Nghị quyết số 14-NQ/ĐU ngày 24/4/2002 về kế hoạch phát triển Trường Đại học Tây Bắc giai đoạn 2002 - 2005. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc, 2005. Đề án công tác nhiệm kỳ XX (2005 - 2010), Dự thảo lần 4. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, 2003. Quyết định số 591-QĐ/TU ngày 01/12/2003 thành lập Đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Tỉnh ủy. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  4. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, 2004. Quyết định số 679-QĐ/TU ngày 16/01/2004 về việc chuyển giao tổ chức cơ sở Đảng. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, 2005. Quyết định số 1090-QĐ/TU ngày 29/4/2005 về việc ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên và khai trừ đảng viên cho Đảng ủy cơ sở Trường Đại học Tây Bắc. Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.
  6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2000. Đề án Thành lập và xây dựng Trường Đại học Tây Bắc. Tài liệu lưu tại bộ phận Lưu trữ Trường Đại học Tây Bắc.
  7. “Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010” ban hành theo Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
  8. Phạm Viết Hoàng, 1961. “Khu học xá Mường La - Trung tâm văn hóa của Khu Tự trị Thái - Mèo”, Tập san Dân tộc, số 27, tr.25-30
  9. “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010” ban hành theo Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
  10. Thủ tướng Chính phủ, 2001. Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg ngày 23/3/2001 về thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Tài liệu lưu tại bộ phận Lưu trữ Trường Đại học Tây Bắc.
  11. “Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi nhân dân các dân tộc Khu Tự trị Thái - Mèo sau khi đi thăm Tây Bắc”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  12. Tổng cục Thống kê. Điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999. https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=417&idmid=4&ItemID=1341 (truy cập ngày 03/9/2020)
  13. Tổng cục Thống kê. Tỷ lệ hộ nghèo phân theo thành thị, nông thôn và phân theo vùng, Nguồn: https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=395&idmid=3&ItemID=12632 (truy cập ngày 03/9/2020).
  14. Trường Đại học Tây Bắc, 2010. Lịch sử Trường Đại học Tây Bắc 1960 - 2010.
  15. Trường Đại học Tây Bắc, 2010. Tập san Văn nghệ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học Tây Bắc.
  16. 16. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, 1997. Công văn số 569/CV-UB ngày 06/9/1997 về việc đề nghị nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc và Trường Trung học Sư phạm tỉnh Lai Châu. Tài liệu lưu tại bộ phận Lưu trữ Trường Đại học Tây Bắc.

 

[1] Trường Đại học Cần Thơ (tiền thân là Viện Đại học Cần Thơ) thành lập ngày 31/3/1966; Trường Đại học Tây Nguyên thành lập theo Quyết định số 298/CP ngày 11/11/1977 của Hội đồng Chính phủ.