Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) về chủ trương điều chỉnh nhân lực giữa đồng bằng và miền núi, trong những năm 1961 - 1965, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận hơn 14.000 nhân khẩu đến từ hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Tính đến cuối năm 1965, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.282 đồng bào khai hoang, được phân bố tại khắp các huyện trong tỉnh, trong đó tập trung đông nhất tại huyện Sông Mã và huyện Thuận Châu. Lực lượng trên đây đã xây dựng được 80 cơ sở khai hoang, trong đó có 78 hợp tác xã khai hoang độc lập và 2 cơ sở xen ghép vào các hợp tác xã địa phương. Đó là những đơn vị dân cư, cơ sở kinh tế mới trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Nhiệm vụ đầu tiên của đồng bào khai hoang là tổ chức phát hoang, phá rậm, dọn sạch nương đồi, chuẩn bị cho vụ sản xuất đầu tiên. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với những người nông dân vốn chỉ quen với công việc chân lội ruộng bùn, tay cấy lúa nước. Tác giả Hoàng Bắc trong tác phẩm “Chung sức xây dựng miền núi” đã phản ánh: “Phá hoang, phát rậm, đánh gốc, giẫy cỏ, là những công việc còn mới mẻ với đồng bào miền xuôi. Những ngày đầu tiên, bà con cầm con dao phát còn ngượng, vung lên vài nhát đã thấy mỏi, chặt một hồi, hai bàn tay phồng rộp cả. Có người bi quan, không tin sức mình có thể khuất phục được rừng hoang” [2;6]. Dụng cụ để phát hoang cũng hết sức thô sơ, phần lớn được trang bị từ khi còn ở nhà; hoặc đến địa điểm khai hoang được chính quyền cung cấp và đồng bào địa phương cho mượn như: dao phát, cuốc (cuốc bàn, cuốc chim, cuốc bướm), thuổng, xà beng, mai, búa,...

Để chinh phục thử thách đầu tiên này, cấp ủy và ban quản trị các hợp tác xã đã phát động phong trào thi đua, động viên các xã viên tích cực lao động sản xuất. Các đội, tổ xã viên nêu cao tinh thần quyết tâm không lùi bước trước khó khăn; xã viên đi sớm về khuya, cố gắng phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, các hợp tác xã khuyến khích xã viên học tập, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ và nhân dân địa phương. Nhờ kinh nghiệm của địa phương, đồng bào khai hoang từng bước quen dần với những công việc mới. Năng suất phát hoang, phát rậm, đánh gốc, cuốc nương, cày ruộng từng bước được cải thiện, nâng cao. Những “kiện tướng”[1] xuất hiện ngày càng nhiều. Đã có những “kiện tướng” phát hoang một ngày được 3.650 m2, cuốc một ngày được 2.500 m2; có những xã viên nữ một ngày cuốc được trên 1.000 m2 [4;18]. Nhiều đội sản xuất được công nhận danh hiệu “tên lửa”, “mũi tên xanh”. Thanh niên là lực lượng xung kích trong các phong trào thi đua; điển hình là chiến sĩ thi đua Nguyễn Văn Lũy[2] ở hợp tác xã Hoàng Văn Thụ.

Nhìn chung, trong 3 năm đầu (1961 - 1963), diện tích khai hoang của các hợp tác xã không ngừng được mở rộng. Cuối năm 1961, diện tích thống kê được 702 ha[3]; năm 1962 khai hoang thêm được 1.236 ha [7;3]. Tính đến cuối năm 1963, tổng diện tích đất đai khai hoang được 2.359,32 ha; trừ 295 ha vì độ dốc cao, bị mưa lũ xói mòn bạc màu phải bỏ, diện tích thực tế còn lại được các hợp tác xã sử dụng là 2.064,32 ha [8;8]. Bước sang năm 1964, việc khai hoang, mở rộng diện tích chủ yếu tập trung ở các hợp tác xã mới được xây dựng và các hợp tác xã được bổ sung thêm nhân lực; còn đối với các hợp tác xã xây dựng trước đó, tuy cũng có khai hoang thêm nhưng lại có một số diện tích đất bạc màu, phải bỏ nên thực tế diện tích đất sản xuất mở rộng không nhiều. Do đó, diện tích khai hoang mới trong năm 1964 chỉ tăng thêm khoảng trên 300 ha so với năm 1963 [1;5]. Năm 1965, các hợp tác xã đã khai hoang thêm 266 ha, cộng với diện tích cũ được 2.064 ha; trong khi đó bỏ hoang 77 ha, bình quân 1 hợp tác xã khai hoang có 25,4 ha đất canh tác [3;10].

Tổng hợp qua 5 năm (1961 - 1965) không kể số ruộng đất được các địa phương nhường lại cho và diện tích bị xói mòn phải bỏ, các hợp tác xã khai hoang trong toàn tỉnh đã khai hoang, phục hóa và đưa vào sản xuất được 1.849 ha [9;4]. Như vậy, so với diện tích khai hoang trong 3 năm đầu, tính đến cuối năm 1965, diện tích khai hoang sử dụng được có xu hướng giảm, mặc dù lực lượng khai hoang vẫn tiếp tục được bổ sung. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ những khó khăn trong sản xuất, các hợp tác xã không tận dụng hết diện tích đã khai phá được.

Đại bộ phận đất khai hoang và sản xuất của các hợp tác xã là đất nương đồi. Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, đến cuối năm 1963, có tới 95% diện tích trồng trọt của các hợp tác xã khai hoang là đất nương đồi [8;22]. Đó là một thực tế khó khăn đối với các hợp tác xã, vì đồng bào khai hoang vốn chỉ quen sản xuất trên đồng ruộng, không quen canh tác trên nương đồi, chưa nắm kỹ đặc điểm, biện pháp kỹ thuật của việc sản xuất trên nương; mặt khác, đất nương đồi có độ dốc lớn, thường bị xói mòn, sau một vài năm canh tác bị bạc màu phải bỏ (hiện tượng tái hoang). Hiện tượng này cũng giải thích vì sao diện tích khai hoang trong những năm 1964 - 1965 của các cơ sở khai hoang có xu hướng chững lại, thậm chí giảm đi so với thời gian trước đó, mặc dù nhân lực vẫn tiếp tục được bổ sung thêm, một số hợp tác xã khai hoang vẫn được thành lập mới. Thực tế, diện tích tái hoang hàng năm của các hợp tác xã khai hoang chiếm số lượng không nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1963, diện tích đất đã khai hoang nhưng phải bỏ là 181 ha [7;3]; đến cuối 1963, con số này là 295 ha [8;8]; riêng năm 1965, các hợp tác xã phải bỏ 77 ha [3;10]. Tổng hợp qua 5 năm, có tất cả 649 ha đã khai hoang nhưng bị xói mòn, bạc màu phải bỏ [9;4]. Con số này tương đương 25% diện tích đất đã khai hoang của các hợp tác xã. Đó là một tỷ lệ lớn, phản ánh tính chất khó khăn của công tác khai hoang ở miền núi cũng như những hạn chế của các hợp tác xã khai hoang trong những năm đầu sản xuất trên quê hương mới.

Bên cạnh diện tích nương đồi là chủ yếu, các hợp tác xã khai hoang cũng chú trọng khai phá ruộng nước để phát huy sở trường sản xuất lúa nước. Khó khăn với các hợp tác xã khai hoang là diện tích ruộng nước ở miền núi vốn đã ít, hầu hết đã được nhân dân địa phương sử dụng để cày cấy; trong khi đó, nguồn nước phục vụ sản xuất lại không dồi dào và thuận tiện. Để khắc phục những khó khăn đó, một số hợp tác xã khai hoang tích cực tổ chức đào mương, phai, làm những công trình thủy lợi nhỏ để chứa nước, dẫn nước nhằm cải tạo những khu vực có điều kiện thành ruộng nước, khai phá chân đồi, ven suối làm ruộng; đồng thời tìm cách liên hệ, xin ruộng nước của địa phương, v.v... để phát triển thêm diện tích ruộng nước cấy lúa. Tiêu biểu là hợp tác xã Sông Hồng (Mộc Châu) trong 2 năm 1963 - 1964 đã khắc phục nhiều khó khăn để khai hoang được khoảng 9 ha ruộng nước từ bãi hoang [5]. Nhân dân địa phương ở nhiều nơi cũng sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ bằng việc nhường lại một phần diện tích ruộng nước đã trồng cấy cho đồng bào khai hoang. Năm 1964, diện tích ruộng nước của các hợp tác xã khai hoang đã tăng thêm 60 ha, bằng 63% so với năm 1963 [1;7-8]. Đó là sự cố gắng lớn của đồng bào khai hoang trong việc chinh phục thiên nhiên, phát triển sản xuất. Diện tích ruộng nước tuy còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với diện tích đất nương đồi nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sản lượng lương thực (thóc ăn) cho một số hợp tác xã. Một số hợp tác xã khai hoang nhờ có diện tích ruộng nước tương đối lớn nên đã tự túc được thóc ăn cả năm, không phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Nhà nước, thậm chí còn có thóc dư thừa để bán cho Nhà nước.

Diện tích đất khai hoang của hợp tác xã phần lớn được sử dụng cho sản xuất của tập thể, một bộ phận được chia cho các hộ gia đình, các xã viên độc thân hoặc các tổ, nhóm xã viên để phát triển kinh tế phụ; một phần được sử dụng làm đất kiến thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng của hợp tác xã (nhà ở, nhà bếp, nhà câu lạc bộ, nhà làm việc; căng tin, nhà để xe, nhà giữ trẻ, trạm y tế, chuồng trại, cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, sân phơi, giếng nước ăn...). Theo thống kê, đến cuối năm 1963, trong tổng số 2.064,32 ha đất khai hoang của các hợp tác xã, đã phân chia cho: sản xuất tập thể 1.717 ha (chiếm 83%); gia đình xã viên 274,12 ha (chiếm 13,3%); đất kiến thiết 72,30 ha (chiếm 3,6%) [8;8]. Một hiện tượng rất đáng lưu ý là diện tích sản xuất kinh tế phụ của xã viên và gia đình xã viên có xu hướng ngày càng mở rộng. Từ sau khi có chủ trương tạo điều kiện cho kinh tế phụ phát triển, ngoài diện tích đất chia cho các xã viên, một số hợp tác xã đã để cho nhiều gia đình, xã viên tự khai phá thêm nên diện tích sản xuất phụ trên thực tế vượt hơn nhiều so với quy định chung, có gia đình sản xuất tới hơn 1 mẫu Bắc Bộ (hơn 3.600 m2), trong khi quy định tối đa không vượt quá 1.500 m2. Diện tích sản xuất riêng của gia đình xã viên chiếm tỷ lệ cao (từ 16 đến 18% so với diện tích sản xuất của tập thể), nhiều hộ vượt xa mức quy định [8;10]. Hiện tượng này về lâu dài có thể nảy sinh những vấn đề về tư hữu ruộng đất, đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý.

Với những cố gắng của đồng bào khai hoang; sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương (hướng dẫn cách phát hoang, nhượng lại ruộng nước, đồi nương,...), các hợp tác xã khai hoang đã tạo ra vốn liếng quan trọng đầu tiên trên quê hương mới. Bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người trong các hợp tác xã khai hoang đã cao hơn nhiều so với lúc còn ở quê cũ. Tính đến thời điểm giữa năm 1963, mỗi lao động khai hoang tính bình quân có 4.430 m2, tương đương 1 mẫu 3 sào Bắc Bộ; nếu tính riêng lao động nông nghiệp thì bình quân tương đương 1 mẫu 5 sào Bắc Bộ [10;2-3]. Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, đến cuối năm 1963, bình quân mỗi lao động khai hoang đạt 5.722 m2 (tương đương 1 mẫu 6 sào Bắc Bộ), mỗi nhân khẩu đạt 3.888 m2 (tương đương 1 mẫu 1 sào Bắc Bộ) [8;8]. Đến cuối năm 1965, mặc dù diện tích bình quân có giảm so với 3 năm đầu do kết quả khai hoang trong hai năm 1964 - 1965 có chiều hướng chững lại, trong khi số lượng đồng bào lên khai hoang vẫn tiếp tục được bổ sung, nhưng mỗi nhân khẩu vẫn có bình quân 2.000 m2 (tương đương hơn 5 sào Bắc Bộ), mỗi lao động có 4.280 m2 (tương đương 1 mẫu 2 sào Bắc Bộ) [6;2]. Như vậy, so với diện tích ruộng đất bình quân khi còn ở quê cũ là 3 sào/nhân khẩu (khoảng 1.000 m2) thì diện tích ruộng đất bình quân đầu người mà đồng bào khai hoang đạt được trên quê hương mới đã cao gấp 2 lần. Đó là thành quả đầu tiên của những người nông dân Hưng Yên, Thái Bình trên đất Sơn La. Thành quả đó có ý nghĩa hết sức quan trọng: vừa phá được cái “xiềng ba sào”, giải phóng sức lao động của bản thân; vừa góp phần mở rộng diện tích đất canh tác của miền núi, là tiền đề dẫn tới nâng cao sản lượng lương thực, cải thiện đời sống. Đó cũng là thắng lợi đầu tiên của đồng bào khai hoang trong cuộc đấu tranh chinh phục và cải tạo tự nhiên, xây dựng cuộc sống mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Khai hoang tỉnh Sơn La, Báo cáo số 02/BC/KH ngày 10-3-1965 về tổng kết công tác khai hoang năm 1964 tỉnh Sơn La (Báo cáo tại Hội nghị cán bộ khai hoang toàn tỉnh ngày 5-3-1965), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  2. Hoàng Bắc (1963), Chung sức xây dựng miền núi, Nxb Phổ thông.
  3. Chi cục Thống kê tỉnh Sơn La, Báo cáo số 210/TK ngày 25-12-1965 về tình hình sản xuất nông nghiệp 1965, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  4. Dự thảo báo cáo của Khu tại Hội nghị khai hoang nhân dân Tây Bắc tháng 9-1962, Hồ sơ 12125, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  5. Yên Nhuệ, Hợp tác xã Sông Hồng làm tốt công tác khai hoang ruộng nước và chống xói mòn trên nương, Báo Sơn La, số ra ngày 22-3-1965.
  6. Ty Khai hoang tỉnh Sơn La, Thông báo số 06-TB/KH ngày 08-12-1965 về tình hình thực hiện kế hoạch 1965 và nhiệm vụ công tác vận động nhân dân khai hoang của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, Hồ sơ 3482, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  7. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo về công tác khai hoang 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 1963 (ngày 1-8-1963), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  8. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Dự thảo báo cáo tổng kết phong trào đón tiếp đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế văn hóa trong 3 năm 1961 - 1962 - 1963 ở tỉnh Sơn La, Hồ sơ 362, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  9. Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả 5 năm tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở tỉnh Sơn La, Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.
  10. Ủy ban Lâm thời phụ trách hành chính tỉnh Sơn La, Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch từ tháng 1 đến ngày 15-6-1963 (ngày 9-7-1963), Tài liệu lưu tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Sơn La.

 

[1]Danh hiệu thi đua được bình bầu trong các hợp tác xã dựa trên kết quả lao động, sản xuất.

[2] Kiện tướng cuốc đất, một ngày cuốc được 2.500 thước vuông, dẫn đầu hợp tác xã Hoàng Văn Thụ trong nhiều phong trào thi đua lao động, sản xuất, sáng tạo. Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III (tháng 5-1962), Nguyễn Văn Lũy được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.

[3] Số liệu thống kê có thể chưa đầy đủ vì còn ít hơn diện tích của hai hợp tác xã Hoàng Văn Thụ và Bình Thuận khai hoang đến giữa năm 1961. Chúng tôi chưa có điều kiện làm sáng tỏ.

Trong cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”, tỉnh Thái Bình là địa phương thứ hai sau tỉnh Hưng Yên tổ chức nông dân lên khai hoang, phát triển kinh tế tại Tây Bắc vào mùa xuân năm 1961.

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Bắc Bộ, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1.344 km2, dân số năm 1960 là 1.160.000 người [3;1], mật độ dân số là 864 người/km2 (đông nhất trong số các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, chỉ xếp sau mật độ dân số của Thủ đô Hà Nội), với tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm là 3,7%. Diện tích đất canh tác trong toàn tỉnh có 107.633 ha, bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người rất thấp, chỉ đạt 2 sào 4 thước Bắc Bộ [2;1]. Thông báo số 24-TB/TW ngày 1-6-1962 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: ở Thái Bình có tới 87 xã có diện tích bình quân đầu người chỉ trên dưới 1 sào [6;597].

Bình quân diện tích ruộng đất nêu trên khiến việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Thái Bình gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới khả năng nâng cao đời sống nhân dân. Hệ số sử dụng đất trung bình trong toàn tỉnh đã lên tới 2 lần/năm, không còn nhiều khả năng để quay vòng hơn; trong khi đó, diện tích đất hoang trong tỉnh không còn nhiều, hàng năm vẫn phải dành hàng nghìn ha phục vụ công tác đào sông, đắp đê, kiến thiết cơ bản (xây dựng cơ quan, trường học, trạm y tế,...). Trình độ sản xuất còn thô sơ, lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Là địa phương ven biển nên sản xuất nông nghiệp của Thái Bình thường xuyên bị thiên tai đe dọa, chịu nhiều hậu quả của bão lụt, năm được mùa, năm mất mùa. Sự bấp bênh trong sản xuất ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân; thu nhập hàng năm của người dân tăng, giảm thất thường. Tình trạng nêu trên thể hiện qua bảng số liệu sau:

Bảng 1. Sản lượng lương thực và thu nhập bình quân của tỉnh Thái Bình

giai đoạn 1957 - 1960

Năm

Tổng sản lượng lương thực (tấn)

Bình quân thu nhập đầu người (kg)

1957

402.929

---

1958

417.313

369

1959

488.477

410

1960

351.000

283

(Nguồn: [4;1] [5;2])

Số liệu thống kê nêu trên cho thấy tổng sản lượng và bình quân lương thực đầu người của Thái Bình trong những năm 1957 - 1960 không ổn định; khoảng cách chênh lệch giữa các năm khá lớn. Năm 1960 so với năm 1959, tổng sản lượng lương thực giảm 137.477 tấn, bình quân thu nhập đầu người giảm tới 172 kg/người. Để cải thiện đời sống của nhân dân, đi đôi với việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, khai hoang nhỏ kết hợp với phát triển nghề phụ và chăn nuôi, tỉnh Thái Bình xác định việc tổ chức đưa nông dân đi khai hoang xa, xây dựng cơ sở sản xuất mới ở trung du và miền núi là giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tiếp thu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ V (vòng 2, họp từ ngày 1-2-1961 đến ngày 9-2-1961) đã đề ra chủ trương trong năm 1961: “đối với lao động thừa ở nông thôn, ngoài việc làm tăng vụ, tăng diện tích, phát triển chăn nuôi, bước đầu nghiên cứu chuyển một số dân lên xây dựng khu vực sản xuất mới ở trung du và Tây Bắc. Năm nay dự kiến chuyển từ 1.000 đến 1.500 người” [1;12]. Trên cơ sở đó, từ đầu năm 1961, tỉnh Thái Bình tích cực tổ chức đồng bào đi khai hoang xa, bắt đầu với địa bàn Tây Bắc, từ đó mở rộng đến các địa phương khác trên miền núi phía Bắc.

Để lãnh đạo và tổ chức đợt thí điểm đầu tiên xây dựng hợp tác xã khai hoang tại Tây Bắc, Tỉnh ủy Thái Bình phân công 1 đồng chí Tỉnh ủy viên và chỉ định một Ban cán sự gồm 3 đồng chí, giúp việc Ban cán sự gồm một số cán bộ chuyên môn (1 cán bộ trong ban công tác nông thôn tỉnh có kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã, 1 cán bộ trung cấp nông lâm, 1 y tá, 1 cán bộ tài chính, 5 cán bộ huyện có kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã). Ban cán sự và đoàn cán bộ này có trách nhiệm tổ chức tốt đợt thí điểm, đồng thời chuẩn bị cho các đợt sau [7;2]. Cuối năm 1960, Tỉnh ủy Thái Bình cử một đoàn cán bộ lên liên lạc với Khu ủy Tây Bắc, tìm và xác định địa điểm khai hoang thí điểm của tỉnh tại chân đèo Pha Đin; đồng thời, tại Thái Bình, cấp ủy Đảng và chính quyền mở một đợt tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, sau một thời gian vận động đã có 1.000 đơn tình nguyện xin đi. Để giúp đỡ lực lượng đi khai hoang, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần “tự lực cánh sinh”, tỉnh Thái Bình đã phát động phong trào “xẻ người, xẻ của”, vận động các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyên góp tiền bạc, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất ủng hộ người đi. Lãnh đạo tỉnh cũng quyết định trích quỹ của địa phương để hỗ trợ những người đi khai hoang. Đồng bào khai hoang của tỉnh Thái Bình được hỗ trợ các vật dụng như: nón, áo tơi, chăn, màn, quần áo ấm, lương ăn trong khi đi đường và giày dép để sản xuất; chưa tính phần nhân dân giúp đỡ, chỉ tính riêng số tiền của tỉnh đã lên tới 6.297 đồng, bình quân mỗi người 11 đồng 30, chưa kể tiền thuê xe. Quân khu Tả ngạn giúp đỡ tỉnh Thái Bình 10 xe ô tô để đưa đón nhân dân đến địa điểm khai hoang [7;3].

Ngay khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ V (vòng 2, tháng 2-1961) vừa bế mạc, công tác chuyển dân đi Tây Bắc khai hoang được xúc tiến khẩn trương. Sau chuyến đi thí điểm đầu tiên của đồng bào Hưng Yên lên Sơn La xây dựng hợp tác xã khai hoang Hoàng Văn Thụ, tháng 2-1961, đoàn khai hoang thí điểm của tỉnh Thái Bình bắt đầu lên đường đi Tây Bắc. Đến tháng 3-1961, các xã viên được chuyển lên qua 2 đợt: đợt thứ nhất bắt đầu đi ngày 20-2-1961 gồm 191 người với nhiệm vụ chuẩn bị nơi ăn, ở, sinh hoạt cho những người đến sau; và đợt thứ hai khởi hành ngày 4-3-1961 gồm 362 người; tổng cộng cả hai đợt là 553 người, gồm 524 bần nông và 29 trung nông [7;3]. Thành phần xã viên được tập hợp ở một số xã trong 6 huyện (Hưng Nhân, Tiên Hưng, Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương, Đông Quan), gồm 369 trung niên, 184 thanh niên; 52 phụ nữ; trong đó có 87 đảng viên. Cán bộ có 3 đảng ủy viên, 12 chi ủy viên, 8 cán bộ đoàn thể, 49 cán bộ hợp tác xã, 3 công an, 5 dân quân, 1 chủ tịch xã [10;4]. Lực lượng trên đã thành lập một hợp tác xã cấp cao ở Thuận Châu, thuộc Khu Tự trị Thái - Mèo, lấy tên là Bình Thuận. Tên gọi “Bình - Thuận” để nhớ về quê cũ - Thái Bình và quê mới - Thuận Châu, thể hiện mối tình đoàn kết xuôi - ngược, đồng thời có ý nghĩa hy vọng “bình an, thuận lợi”. Hợp tác xã Bình Thuận tổ chức khai hoang, sản xuất trên diện tích rộng hơn 500 ha dưới chân đèo Pha Đin, thuộc địa phận xã Chiềng Pha. Phần lớn diện tích trước đây nhân dân địa phương đã khai phá, điều kiện khai hoang ở đây dễ hơn so với hợp tác xã Hoàng Văn Thụ của đồng bào Hưng Yên.

Bình Thuận là hợp tác xã khai hoang thí điểm đầu tiên của nông dân tỉnh Thái Bình trong cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”. Đó là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp củng cố, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ghi nhận sự đóng góp, tiên phong của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Tại địa điểm khai hoang, đồng bào đã được Khu ủy, trực tiếp là cấp ủy Đảng, chính quyền của châu Thuận Châu đón tiếp chu đáo. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Châu đã dành cho hợp tác xã khai hoang Bình Thuận những tình cảm và giúp đỡ vật chất quý báu ngay từ thời điểm đồng bào đặt chân đến địa điểm khai hoang như: “nhường đất, giúp đỡ đầy đủ tre, gỗ, gianh đủ làm 144 gian nhà ở và chuồng trại chăn nuôi, lại còn mang tới cho 125 con gà, 5 con chó, 1 con mèo, 106 quả trứng, 100 kg giống lúa và ngô, bán chịu cho 58 con trâu cày,...” [7;12].

Để kịp thời chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng hợp tác xã khai hoang, ngày 27-2-1961, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị ký ban hành Công văn số 466-TN, trong đó khẳng định: “Cần thống nhất nhận định đây là việc nhân dân tổ chức đi khai hoang và thành lập riêng những cơ sở sản xuất mới được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Nhà nước, không nên lầm với việc của nông trường quốc doanh. Về nội dung và hình thức coi như HTX cao cấp, mọi công việc quản trị và quản lý (sản xuất, lao động, tài vụ, v.v...) đều do HTX tự đảm nhiệm” [8;2]. Công văn đánh giá: “Đợt này của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên đưa lên coi như đợt thí điểm, phải cố gắng làm cho tốt và rút được kinh nghiệm cho những đợt mở rộng sau này”. Chính phủ quy định trách nhiệm của các địa phương nơi đưa đồng bào đi và nơi tiếp nhận nhân lực đến khai hoang; đồng thời yêu cầu: “các Bộ và Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo tích cực giúp đỡ các cơ sở giải quyết những khó khăn” [8;2]. Đó là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đối với công tác thí điểm khai hoang xa.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, hợp tác xã Bình Thuận đã nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất, phấn đấu tự túc lương thực. Ngay trong năm 1961, hợp tác xã Bình Thuận khai hoang được 227 ha, trồng trọt được 355 ha (cả tăng vụ), thu hoạch bình quân 737 kg lương thực (riêng thóc 355 kg); bình quân 1 công lao động đạt 1,26 đồng, bình quân thu nhập 223,75 đồng [9]. Hợp tác xã Bình Thuận đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới gặp gỡ, động viên trong dịp Thủ tướng lên thăm Khu Tự trị Thái - Mèo vào đầu năm 1962, sau đó được Thủ tướng gửi tặng một chiếc ô tô làm phương tiện vận chuyển; đây là chiếc ô tô mà Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đó là kỷ vật vô cùng giá trị, có ý nghĩa động viên to lớn, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với những người đi tiên phong trong công cuộc khai hoang, phát triển kinh tế miền núi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 1-NQ/TU ngày 23-2-1961 của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thái Bình họp từ ngày 1 đến ngày 9-2-1961, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 5-8-1961 của Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 31-7-1961 về tổ chức nông dân đi khai hoang mở rộng cơ sở sản xuất ở miền núi đợt cuối năm 1961, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Dự thảo báo cáo tổng kết công tác khai hoang của Thái Bình từ đầu năm 1960 đến nay (ngày 4-8-1962), Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 50-NQKH ngày 10-8-1962 về phương hướng, nhiệm vụ công tác khai hoang trong 5 năm và 6 tháng cuối năm 1962, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  5. Dự thảo một số ý kiến phát biểu của đồng chí Ngô Duy Đông Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 23 (1962), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Đoàn Cán bộ khai hoang tỉnh Thái Bình, Báo cáo ngày 6-7-1961 về tổng kết việc tổ chức đưa các xã viên hợp tác xã tỉnh Thái Bình đi khai hoang xây dựng cơ sở sản xuất ở miền núi, Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình.
  8. Phủ Thủ tướng, Công văn số 466-TN ngày 27-02-1961 về công tác khai hoang, Hồ sơ 3411, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
  9. Thành tích sản xuất năm 1961 của hai hợp tác xã khai hoang thí điểm, Báo Tây Bắc, số ra ngày 7-10-1962.

10. Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo, Báo cáo tổng kết đợt điều chỉnh nhân lực miền xuôi lên xây dựng hợp tác xã khai hoang ở Tây Bắc (ngày 15-5-1961), Hồ sơ 3366, Phông Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Dân tộc Mông là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Mông cư trú ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc trên một địa bàn khá rộng lớn, dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào từ Lạng Sơn đến Nghệ An, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La... Ngoài ra, từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, một bộ phận người Mông đã di cư vào tận Tây Nguyên, sống rải rác ở một số nơi thuộc Gia Lai và Kon Tum.   

Trải qua lịch sử hàng trăm năm với nhiều biến động, hiện nay cộng đồng người Mông ở Việt Nam đã định cư và chung sống gần gũi bên cạnh các dân tộc thiểu số khác như Dao, Tày, Nùng, Thái... Người Mông có đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần khá đa dạng. Văn hóa của dân tộc Mông đã góp phần tạo nên nét đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng mà thống nhất.

Nhìn chung, trong một năm, người Mông có rất ít lễ hội, chủ yếu mang tính chất gia đình, dòng họ. Lễ hội cộng đồng không nhiều. Có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ kết thúc năm, hội xuân (hội sải sán), tết rằm tháng Giêng (tết hái lộc)... trong đó “tục niêm phong nhà cửa, đồ dùng, công cụ lao động và lễ gọi hồn kết thúc năm” là tập tục lâu đời, cho đến nay vẫn được đồng bào Mông duy trì và bảo lưu nguyên vẹn các giá trị truyền thống.

Theo quan niệm của người Mông thì dù là con người, con vật hay đồ vật, công cụ lao động đến các loại cây cỏ, hoa màu đều có linh hồn. Trong một năm, khi con người phải bôn ba khắp nơi để lao động với biết bao khó khăn, vất vả để làm ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân và gia đình thì cùng với đó, các đồ dùng, công cụ lao động cũng vất vả không kém. Vì vậy, khi năm cũ chuẩn bị kết thúc, năm mới sắp đến chính là dịp để các thành viên trong gia đình trở về đoàn tụ đông đủ và nghỉ ngơi, hưởng lộc trong những ngày tết; đồng thời đó cũng là dịp để các công cụ lao động trong gia đình được nghỉ ngơi một cách thoải mái nhất.

Thông thường, tết truyền thống của người Mông sẽ diễn ra vào tối ngày 30 tháng 10 hoặc 30 tháng 11 âm lịch hàng năm (nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng người Mông ăn tết vào tháng 12 dương lịch là không chính xác). Trước đây, do không có chữ viết và cũng không có lịch nên thông thường sau khi thu hoạch xong mùa màng, cũng là lúc có một loại hoa gọi là “hoa chó đẻ” nở rộ thì người Mông cho rằng tết đã đến. Lúc này, khắp các bản làng, người Mông sẽ rộn ràng chuẩn bị để đón tết.

          Chiều tối 30 tết, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị bánh dày, gà, lợn, trứng, hương... và đi lấy ba cây trúc hoặc nứa (tre nói chung) nhỏ, tỉa hết phần lá và cành thân dưới, để lại một ít trên ngọn rồi buộc cả ba cây lại thành một bó dài khoảng 1m - 1,5m bằng một đoạn vải màu đỏ. Khi trời chuẩn bị tối, giai đoạn giao thoa giữa ngày và đêm là thời điểm thích hợp nhất để gia chủ hoặc thầy cúng (thầy gọi hồn) đại diện cho gia chủ sẽ cầm bó trúc và quét một lượt xung quanh nhà từ trong ra ngoài, vừa quét vừa nói đại ý như sau: “Tôi không quét hồn của cha mẹ, hồn của các con cháu, hồn của các loài vật nuôi, hồn của các loài hoa mùa... Năm qua tết đến, tôi sẽ quét những gì không tốt, còn tàn dư của bệnh tật, đau ốm, không may mắn,... để trôi đi theo năm cũ và năm mới mọi người sẽ đón nhận những điều tốt lành...”. Sau khi quét xong, người cúng mang bó trúc này qua cửa chính và vứt về phía mặt trời lặn; tiếp đó quay lại vào nhà lấy các công cụ lao động như cuốc, xẻng, dao, thuổng... xếp đứng trên nền nhà gần bàn thờ, thẳng cửa chính ra vào và tiến hành niêm phong các vât dụng đó. Để tiến hành niêm phong nông cụ, gia chủ sẽ cắt nhiều miếng giấy bản rộng bằng bàn tay hình chữ nhật và dùng một cái bánh dày để làm chất kết dính, mỗi vật dụng từ cái cuốc, cái xẻng, cái xô, con dao... sẽ được niêm phong bằng một tờ giấy bản như vậy.Tương tự, gia chủ sẽ niêm phong đến từng cái cột nhà, từng cánh cửa, mỗi vật dụng ít nhất phải có một đại diện được niêm phong với quan niệm rằng: Năm mới đến, con người và tất cả các vật dụng trong gia đình sẽ về đoàn tụ, ăn tết vui vẻ, nghỉ ngơi thoải mái sau một năm cùng lao động cực nhọc.

          Sau khi niêm phong nhà cửa, đồ dùng, nông cụ xong, thầy cúng hoặc gia chủ sẽ tiếp tục thực hiện “lễ gọi hồn”. Lễ gọi hồn của người Mông rất đơn giản, không cầu kì, chỉ cần 2 con gà (một con trống và một con mái) do một thành viên trong gia đình cầm giữ đứng trước cửa chính bên trong nhà. Bên cạnh là mâm lễ gọi hồn gồm một bát gạo đặt một quả trứng vào giữa bát gạo đó (có nơi trong gia đình có bao nhiêu thành viên thì phải có bấy nhiêu quả trứng) và ba nén hương. Lúc này, gia chủ hoặc thầy cúng sẽ bắt đầu gõ chiêng (một số nơi đã bỏ tục gõ chiêng này) để gọi hồn của các thành viên trong gia đình về ăn tết với đại ý nội dung như sau:

          “Hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt, năm cũ đã qua và năm mới cũng đã về. Tôi gọi hồn của tất cả các thành viên trong gia đình nhà (A) về ăn tết. Trong một năm qua dù hồn có bị sa ngã hay lạc lõng nơi chân trời góc bể thì tôi gọi mời và hãy lập tức tỉnh ngộ và quay về ngay; dù hồn vẫn còn đang say sưa giao du bên nội hay bên ngoại, say sưa cùng anh em bạn bè hay lạc lõng vào chín đường tám lối của các đường chợ búa... thì hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt, năm cũ đã đi qua và năm mới cũng đã về, tôi gọi mời và hãy lập tức tỉnh ngộ và quay về ngay; dù hồn có bị lạc lõng vào chín con đường làm ăn, tám con đường gia súc đi hay lạc vào chín con đường bệnh tật, tám con đường ốm đau, đã biến thành con người, con bướm... Nhưng hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt, năm cũ đã đi qua và năm mới cũng đã về nên tôi mời gọi hãy nhanh chân quay về để cùng đoàn tụ với cha mẹ, vợ chồng, con cái... Để hồn nhập vào thể xác và không bị bệnh tật, ốm đau. Nếu hồn của các thành viên trong gia đình đã quay về rồi thì hãy mạnh dạn bước vào nhà và không đứng ở ngoài hiên nhỡ trời mưa thì sẽ bị ướt, nhỡ trời nắng sẽ bị nắng nóng nên hãy vào nhà cùng cột kiềng sưởi ấm, cùng cột giường ôm nhau ngủ để nghìn năm không bệnh tật, trăm năm không ốm đau.

          Hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt, năm cũ đã đi qua và năm mới cũng đã về tôi gọi hồn của cả các loài vật gia súc, gia cầm, cùng với hồn của các loại cây hoa màu cùng về ăn tết với gia chủ”.

          Gọi hồn xong thì mang gà đi mổ, trứng đi luộc, sau khi gà và trứng đã được luộc chín thì bày mâm cỗ gồm gà luộc cả con, trứng luộc, bát cơm, bát canh, ba nén hương và thầy cúng hoặc gia chủ lại tiếp tục gọi mời một lần nữa. Nội dung bài cúng được lặp lại tương tự như trên.

Khi thầy cúng hoặc gia chủ gọi mời lần hai xong thì đem gà đi chặt cùng với các con gà khác đã được chuẩn bị trước đó, rồi bày một mâm cỗ khác trên nền nhà gần chỗ bàn thờ gồm cơm, canh, rượu, thịt và nhiều cái thìa để gọi mời tổ tiên, thổ công, thổ địa, ma nhà... Sau đó, các thành viên trong gia đình và khách mời được bày mâm và bắt đầu ăn tết, uống rượu vui vẻ, chúc tụng nhau đi quanh vòng từ nhà này sang nhà khác suốt cả đêm.

Một phong tục đặc biệt trong tết của người Mông mà hiện nay một số nơi vẫn duy trì là các ngày đầu năm mới (mồng 1, mồng 2, mồng 3), người ta thường kiêng không được ăn cơm chan canh bởi họ quan niệm nếu ăn cơm chan canh trong những ngày này thì cả năm khi gia chủ đi làm gì đó sẽ bị gặp mưa dẫn đến không may mắn, làm ăn sẽ khó khăn hơn. Hoặc cũng có một số nơi, đồng bào Mông sẽ kiêng hoặc hạn chế ăn rau trong ba ngày tết, chỉ chủ yếu ăn thịt vì họ cho rằng ngày tết ăn rau thì cả năm gia đình sẽ nghèo khó.

Có thể nhận thấy, tục niêm phong nhà cửa, đồ dùng, công cụ lao động và lễ gọi hồn kết thúc năm là một phong tục đặc biệt trong văn hóa của đồng bào người Mông. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự du nhập các yếu tố văn hóa của các tộc người khác, ở nhiều vùng Mông, đồng bào đã không còn duy trì tập tục ăn tết cổ truyền. Tuy nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống tộc người vẫn cần được bảo lưu và truyền thừa cho các thế hệ kế cận để từ đó cùng nhau gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số để nó tồn tại, phát triển làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tà Xùa là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; cách trung tâm huyện 14,5 km. Phía Bắc giáp xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp xã Phiêng Ban, phía Đông giáp xã Suối Tọ và xã Suối Bau huyện Phù Yên; phía Tây giáp xã Làng Chếu và xã Xím Vàng huyện Bắc Yên. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 4.138,61 ha; trong đó, đất nông nghiệp có 2.457,71 ha, chiếm 59,4%. Địa hình chủ yếu là đồi, núi... Bởi vậy, cho đến nay sinh kế chính của người Mông ở xã Tà Xùa chủ yếu vẫn là trồng trọt, chăn nuôi và khai thác các nguồn lợi từ tự nhiên. Trong đó, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập chính cho người dân địa phương.

Từ lâu, Tà Xùa đã nổi tiếng với chè san tuyết cổ thụ được trồng cách đây trên dưới 200 năm. Trên cơ sở đó, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá bỏ thuốc phiện thay vào đó cây chè được chọn làm cây công nghiệp mũi nhọn để phát triển nông nghiệp của địa phương. Chè được trồng chủ yếu trên nương và một số ít ở xung quanh vườn nhà.

Trên thực tế, chè không phải là giống cây trồng mới tại Tà Xùa bởi nơi đây hiện có hơn 1.000 gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang được bảo tồn và cho thu hoạch với sản lượng khá cao. Bên cạnh đó, từ cuối những năm 1970, hợp tác xã trồng chè Chung Trinh cũng đã được thành lập, tham gia lao động sản xuất là các đội viên của bốn bản Tà Xùa A, Chung Trinh, Mống Vàng và Tà Xùa C. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ sản xuất, năng lực quản lí, đầu ra cho sản phẩm… dẫn đến làm ăn kém hiệu quả nên hợp tác xã này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian, sau đó bị giải thể… Mặc dù vậy, cây chè vẫn được đồng bào lưu giữ, không bị phá bỏ hoàn toàn. Từ năm 1998, sau khi Chương trình 135 được triển khai, đời sống kinh tế người dân dần có sự chuyển biến. Cây chè được Ủy ban nhân dân xã và người dân địa phương quan tâm đầu tư, phục hồi sản xuất. Hiện nay, tổng diện tích chè trong toàn xã là 194 ha, trong đó diện tích cây chè cho thu hoạch là 138,2 ha, diện tích chè chăm sóc chưa cho thu hoạch là 41,178 ha, diện tích chè trồng mới là 14,622 ha; số cây chè cổ thụ được đưa vào bảo tồn là 1.500 cây; thực hiện thí điểm mô hình ghép mắt cây chè là 400 cây. Năng suất chè búp tươi đạt từ 4,5 đến 5 tấn/ha. Sản lượng chè búp tươi năm 2019 đạt từ 15 đến 18 tấn. Có thể nhận thấy, diện tích cây chè đang có xu hướng tăng dần qua các năm gần đây. Hầu hết, tất cả các hộ người Mông trong xã đều có nương trồng chè. Hộ nào ít cũng trồng được 1 đến 2 ha, hộ trồng nhiều lên đến 5,6 ha. Theo anh Lù A Châu (bản Chung Trinh) cho biết: thông thường 10 kg chè búp tươi sau khi chế biến sẽ cho ra 2kg chè khô. Chè vụ Xuân Hè tuy đạt sản lượng nhưng chất lượng không cao nên giá bán thường dao động từ 200 đến 250 nghìn/1 kg. Ngược lại, chè vụ Đông tuy sản lượng búp thu được ít song chất lượng chè được nhận xét là thơm ngon, vị đậm đà và đạt nước hơn nên giá bán thường sẽ cao hơn chè vụ Xuân Hè từ 2 - 3 lần; đặc biệt, gần đến những dịp cuối năm như Tết Nguyên đán của đồng bào miền xuôi... chè Tà Xùa có thể bán được với giá lên tới 1 triệu đồng 1 kg.

Trước đây, người Mông sao chè bằng phương pháp thủ công. Chè được sao bằng bếp củi trên những chiếc chảo sắt to. Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, được sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, đồng bào đã mua máy sao chè về sử dụng, từ đó công việc sao chè cũng đỡ vất vả và đạt hiệu quả hơn. Ông Lù A Chua (bản Chung Trinh) cho biết: Nhà ông có khoảng 2 ha chè đang cho thu hoạch, “một năm tính cả lúc đắt lúc rẻ thì cũng thu được khoảng 50 triệu đồng”. Việc đưa máy móc vào chế biến chè đã góp phần giảm tải sức lao động của người phụ nữ, đồng thời chè sao chín đều hơn, được nước hơn... Từ đó giá chè cũng tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào.

Hiện nay, người Mông không chỉ bán chè ở chợ huyện hay đợi lái buôn lên bản thu mua, với sự phát triển của kinh tế, việc giao lưu được mở rộng, một số người dân đã biết liên lạc và tạo mối làm ăn với các thương lái ở dưới xuôi, đưa đặc sản chè Tà Xùa đến gần hơn với mọi miền của Tổ quốc chứ không còn bó hẹp tiêu thụ trong địa bàn huyện Bắc Yên hoặc tỉnh Sơn La như trước. Có thể nhận thấy, với một tộc người vẫn dựa vào kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo thì cây chè đã mang lại cho người Mông nơi đây một nguồn thu nhập có giá trị kinh tế tương đối cao và ổn định.

Cách đây vừa tròn 60 năm, vào những ngày cuối tháng 1/1962 chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cùng đoàn công tác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đã tới thăm Khu Tự trị Thái - Mèo. Cùng đi với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Tạo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và một số cán bộ của các bộ, ngành và cơ quan Trung ương.

Tại Sân bay Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Trung Đình - Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Cầm Ngoan - Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo, Thiếu tướng Bằng Giang - Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, cùng các đồng chí đại diện Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Khu Tự trị Thái - Mèo và châu Điện Biên đã ra sân bay đón chào Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí trong đoàn công tác. Thủ tướng đã đến đặt vòng hoa viếng mộ các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thăm đồi A1, thăm hợp tác xã Nà Nưa, Nông trường Điện Biên và nói chuyện với cán bộ, bộ đội Điện Biên Phủ.

Trên đường đi Tuần Giáo, Mường Lay, Thủ tướng ghé thăm Công trường 426, thăm hợp tác xã khai hoang của đồng bào huyện Thụy Anh (Thái Bình). Tại Mường Lay, Thủ tướng đã đi thăm cửa hàng mậu dịch, đến xem mô hình sản xuất ép mía, thái sắn bằng sức nước của hợp tác xã Hoa - Việt và nói chuyện với cán bộ, bộ đội, nhân dân châu Mường Lay. Trên đường về Sơn La, Thủ tướng đã nghỉ lại Tuần Giáo, gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ thi đua của châu. Thủ tướng đã tới thăm hợp tác xã khai hoang Bình Thuận của đồng bào tỉnh Thái Bình, nói chuyện với cán bộ, nhân viên châu Thuận và các cơ quan, xí nghiệp của Khu.

Tại Thị xã Sơn La (thành lập tháng 10/1961), trung tâm Khu Tự trị Thái - Mèo, gần 5.000 đồng bào, cán bộ, bộ đội, công an nhân dân vũ trang và đại biểu nhân dân 18 châu trong Khu Tự trị đã tổ chức mít tinh chào mừng Thủ tướng cùng các đồng chí trong đoàn công tác. Phát biểu tại buổi mít tinh, Thủ tướng đã chuyển đến đồng bào các dân tộc Tây Bắc lời thăm hỏi thân ái của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; căn dặn mọi người tăng cường đoàn kết, làm tốt hơn nữa công tác sản xuất, học tập văn hóa, để góp phần mau chóng xây dựng miền Tây Bắc thành hòn ngọc quý của nước ta. Thủ tướng nhấn mạnh những nhiệm vụ Khu Tự trị Thái - Mèo cần tập trung thực hiện, bao gồm:

“- Phát triển nông nghiệp một cách mạnh mẽ và toàn diện. Đó là nhiệm vụ rất chủ yếu.

- Phát triển công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương.

- Đẩy mạnh công tác lâm nghiệp như khai thác bảo vệ và trồng cây gây rừng (cấm phá rừng).

- Phát triển giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng và mậu dịch (đặc biệt là đường sông).

- Đẩy mạnh công tác tư tưởng, giáo dục, văn hóa và y tế.

- Tăng cường công tác giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ biên giới.

- Tích cực đào tạo cán bộ, cải tiến tổ chức biên chế và lề lối làm việc” [5].

Thay mặt Khu ủy Tây Bắc và chính quyền Khu Tự trị Thái - Mèo, đồng chí Cầm Ngoan - Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu phát biểu chào mừng, báo cáo những thành tích của Khu đã đạt được trong những năm qua với Thủ tướng và các thành viên trong đoàn, khẳng định lời hứa quyết tâm:

“- Ra sức củng cố và phát triển phong trào hợp tác xã, nông trường quốc doanh tiến lên mạnh mẽ và vững chắc, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp địa phương và công nghiệp, mở mang đường xá, đồng thời phát triển và xây dựng các mặt về kinh tế và văn hóa khác, đảm bảo thực hiện kế hoạch năm 1962 thắng lợi vượt mức và toàn diện.

- Tăng cường đoàn kết dân tộc một cách thiết thực hơn nữa, tích cực củng cố cơ sở, giữ gìn trật tự trị an bảo vệ sản xuất, bảo vệ bản mường và bảo vệ biên cương của Tổ quốc, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện từng bước tiến kịp, từng mặt tiến vượt miền xuôi, hòa với miền Bắc tiến đều lên chủ nghĩa xã hội” [3].

Sau buổi mít tinh, Thủ tướng đã đến xem triển lãm tiểu thủ công nghiệp của Khu. Trên đường về Hà Nội, Thủ tướng đã ghé thăm hợp tác xã khai hoang Hoàng Văn Thụ của đồng bào tỉnh Hưng Yên tại châu Mai Sơn. Thủ tướng cũng đã đến xem nơi trồng bông thí nghiệm của Sở Nông nghiệp Khu; thăm khu vực trồng chè, chăn cừu của Nông trường Mộc Châu; thăm một đơn vị bộ đội và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên châu Mộc.

Trong thời gian 5 ngày ở Tây Bắc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí trong đoàn công tác đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các châu Điện Biên, Mường Lay, Tuần Giáo, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Thị xã Sơn La. Ở các châu, đoàn công tác đã đến thăm một số hợp tác xã địa phương, hợp tác xã khai hoang, nông trường, công trường, cơ quan, trường học… Đến đâu, đoàn cũng nhận được sự đón tiếp rất nồng nhiệt của cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc. Thủ tướng cùng các đồng chí trong đoàn cũng đã dự bữa cơm thân mật với các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ thi đua ở Điện Biên, Mường Lay, Tuần Giáo và Thị xã Sơn La.

Kết thúc chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thư chào mừng và chúc Tết nhân dân các dân tộc Khu Tự trị Thái - Mèo. Trong thư, Thủ tướng bày tỏ: “Qua cuộc đi thăm này, tôi rất vui mừng phấn khởi vì hai lẽ: Thứ nhất, là tôi đã có dịp bày tỏ nhiệt tình thắm thiết và lòng yêu mến của Trung ương Đảng, của Chính phủ và của đồng bào cả nước đối với đồng bào khu Tây Bắc. Thứ hai, là vì tôi được thấy rõ tình hình Tây Bắc thật đúng như Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhận định: Đất đai, rừng núi, sông ngòi khu Tây Bắc có rất nhiều của cải thiên nhiên. Đồng bào Tây Bắc giầu lòng yêu nước, giầu tinh thần cách mạng và có nhiều tài năng xây dựng đời sống mới” [4]. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng và hy vọng nếu như biết khai thác và phát huy tốt hơn nữa tiềm năng phong phú của mình thì Khu Tự trị Thái - Mèo “sẽ trở nên một vùng rất giầu và rất đẹp, quý báu như một hòn ngọc của nước Việt Nam ta” [4]. Để làm được điều đó, Thủ tướng căn dặn các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc Khu Tự trị phải thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa và chính sách dân tộc. Trong nông nghiệp, phải ra sức sản xuất nhiều lúa, ngô, khoai, sắn để đủ ăn, có dự trữ và có thêm nhiều lương thực bán cho Nhà nước; tất cả các bản, các xã đều phải chăm lo trồng cây công nghiệp; phải đẩy mạnh việc chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt; phải chăm sóc trâu, bò cho béo tốt và sử dụng trâu, bò nhiều hơn. Đến thăm triển lãm tiểu thủ công nghiệp của Khu và một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, Thủ tướng khẳng định đồng bào Khu Tự trị biết nhiều nghề, làm được nhiều thứ hàng đẹp và tốt như các loại nông cụ, các loại vải, đồ đan, đồ gỗ, đồ sành, v.v… Thủ tướng khuyến khích đồng bào các dân tộc “hãy ra sức phát triển các nghề đó và làm thêm nhiều nghề khác”, đồng thời giao nhiệm vụ: “Khu Tự trị Thái - Mèo phải cố gắng tự cung cấp một phần ngày càng lớn về hàng tiêu dùng và các thứ nông cụ cải tiến” [4]. Về văn hóa, Thủ tướng căn dặn: “Mọi người đều phải chăm học. Ai chưa biết chữ phải cố học để đọc thông viết thạo. Ai đã biết chữ phải cố học để mỗi năm lên được một lớp. Các cán bộ và thanh niên phải gương mẫu trong việc học. Phải gắng sao cho mỗi xã đều có trường cấp 1, mỗi châu đều có trường cấp 2, rồi cấp 3… Tất cả các xã, các bản đều phải giữ đúng vệ sinh và ra sức tiêu diệt bệnh sốt rét” [4]. Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những thành tích đạt được của các hợp tác xã khai hoang: “Tôi có đến thăm một số hợp tác xã của đồng bào Thái Bình và Hưng Yên lên khai hoang. Tôi rất vui mừng thấy rằng đồng bào Khu Tự trị Thái - Mèo và đồng bào ở miền xuôi lên đã đoàn kết thân ái với nhau, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà, nhờ vậy mà các hợp tác xã khai hoang đã thu được kết quả tốt bước đầu. Đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc hãy chuẩn bị đón thêm nhiều đoàn anh em bà con ở miền xuôi lên, để cùng nhau sát cánh xây dựng Khu Tự trị Thái - Mèo xã hội chủ nghĩa” [4]. Thủ tướng mong muốn Khu Tự trị Thái - Mèo thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thông qua việc hướng ứng và tổ chức cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi.

Bên cạnh tình cảm vui mừng, phấn khởi trước những thành tích, đổi thay tích cực trên vùng đất Tây Bắc, Thủ tướng cũng bày tỏ những trăn trở, băn khoăn trước thực trạng phá rừng bừa bãi và hệ thống giao thông còn nhiều yếu kém của Khu Tự trị. Thủ tướng nhắn nhủ: “Rừng là của quý của khu Tây Bắc và của cả nước ta. Ở Khu Tây Bắc nhiều rừng bị đốt phá, đồi núi trơ trọi, đó là điều không tốt. Đồng bào phải hết sức giữ gìn rừng. Đẵn gỗ và đốt nương phải theo sự hướng dẫn của cán bộ trông nom về rừng. Vừa đẵn gỗ, vừa phải ra sức trồng cây” [4]. Về giao thông vận tải, Thủ tướng không hài lòng khi thấy những đoạn đường số 6 hiện đang chưa được tốt. Thủ tướng nhắc nhở cán bộ giao thông tránh mọi lãng phí về tiền của, sử dụng hợp lý khả năng của máy móc và nhân lực trên các công trường cầu đường hiện nay. “Không nên để tình trạng xây dựng nhà ở của công trường thì rất tốt đẹp, tốn hàng vạn đồng trong khi đó đường xe thì đá lổm chổm như trên dọc đường Tuần Giáo - Mường Lay” [6].

Một điều cần nhấn mạnh là ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, miền Bắc còn nghèo nàn, lạc hậu, vừa mới bắt tay thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) để bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội; ở miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang diễn ra quyết liệt, nhưng với tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng đã nhận rõ những tiềm năng to lớn của Tây Bắc và một tương lai tươi sáng đang đón chờ Tây Bắc ở phía trước. Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ ra những hình ảnh hết sức cụ thể của miền đất Tây Bắc trong tương lai, đó là: trong văn hóa “Phải tiến đến mở trường Đại học ở khu” [4]; và trong kinh tế “Khối nước sông Đà, gần một nửa khối nước sông Hồng, rồi đây sẽ không còn là nguồn thủy tai để trở nên nguồn thủy lợi và sức điện. Tây Bắc sẽ biến thành một vùng công nghiệp quan trọng của nước ta” [7]. Bốn thập kỷ sau những lời khẳng định đó, vào những năm đầu thế kỷ XXI, Trường Đại học Tây Bắc thành lập theo Quyết định số 39/2001/QĐ-TTG ngày 23/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Nhà máy Thủy điện Sơn La chính thức được khởi công ngày 02/12/2005 là những công trình hiện thực hóa những nét phác họa về một bức tranh Tây Bắc hiện đại trong tương lai của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sau chuyến thăm Khu Tự trị Thái - Mèo không lâu, trong bài viết “Bài ca Tây Bắc” gửi đăng trên Báo Tây Bắc, số 274, ra ngày 20/2/1962, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: “Tây Bắc, một hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc đang chờ đợi chúng ta, thúc giục chúng ta. Sức lực của đồng bào Tây Bắc, sức lực của nhân dân ta hãy mau chóng khai thác tài nguyên phong phú của Tây Bắc để xây dựng đời sống mới ở Tây Bắc, góp phần xây dựng đời sống mới ở miền Bắc nước ta” [7]. Cùng với đó, Thủ tướng đã gửi tặng hợp tác xã khai hoang Bình Thuận (Thuận Châu) một chiếc ô tô làm phương tiện vận chuyển. Đây là chiếc ô tô mà Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đó là kỷ vật vô cùng giá trị, có ý nghĩa động viên to lớn, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với công cuộc khai hoang, phát triển kinh tế miền núi nói riêng, cũng như đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Tây Bắc nói chung.

Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn công tác của Trung ương lên thăm Khu Tự trị Thái - Mèo, miền đất Tây Bắc hôm nay đang thay da đổi thịt, từng bước hiện thực hóa những mong muốn và tin tưởng của Thủ tướng về một trong những hòn ngọc của Tổ quốc Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. P.V, “Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến với chúng ta”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  2. Xã luận “Quyết tâm thực hiện những lời huấn thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ lên thăm Khu Tự trị Thái - Mèo”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  3. “Lời phát biểu của ông Cầm Ngoan - Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu trong buổi mít tinh chào mừng phái đoàn Đảng và Chính phủ lên thăm Khu ta”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  4. “Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi nhân dân các dân tộc Khu Tự trị Thái - Mèo sau khi đi thăm Tây Bắc”, Báo Tây Bắc, số 272, tháng 2/1962.
  5. “Thông báo của Ban Thường vụ Khu ủy Tây Bắc về việc đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lên thăm Tây Bắc”, Báo Tây Bắc, số 273, Số đặc biệt tháng 2/1962.
  6. P.V, “Quyết tâm thực hiện lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng biến Tây Bắc thành hòn ngọc của nước ta”, Báo Tây Bắc, số 273, Số đặc biệt tháng 2/1962.
  7. Phạm Văn Đồng, “Bài ca Tây Bắc”, Báo Tây Bắc, số 274, ngày 20/2/1962.

Tháng 5 năm 2021, trong quá trình nghiên cứu về văn hóa của người Thái, nhóm nghiên cứu đã thực địa và phát hiện chiếc cày dùng cho người kéo tại gia đình  bà Hoàng Thị Họp, bản Hượn xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La).

Qua trao đổi với cán bộ Phòng Văn hóa huyện Yên Châu, chúng tôi thu được các thông tin sau: chiếc cày được làm bằng gỗ có màu xám trắng, nhẹ, gỗ làm cày là loại gỗ được lấy trong rừng sâu, ít mắt, chịu nước tốt, gỗ có tên gọi là gỗ “rảnh”, cây to có đường kính 30cm, lá to tròn. Trên thân cày có các mối thắt bằng dây mây và mộng chốt, phần lưỡi cày có các vết gắn bằng cánh kiến. Cày đã mất một số chi tiết như: thanh nối với dây kéo, mất dây kéo (dây làm bằng da bò) và phần đeo lên vai người kéo, đặc biệt là lưỡi cày được đúc bằng gang. Cày có kích thước như sau: cao 50cm, phần buộc dây kéo dài 50cm, chiều dài của cày (không tính phần lưỡi) 140cm, phần cán cầm 13cm, đường kính trên thân gỗ dày 5 – 6cm, rộng 4 – 5cm, đường kính miệng 12cm. Phần gỗ bị dạn, nứt đã bị vôi hóa (màu trắng gà, rất cứng). Để sử dụng chiếc cày này, cần phải huy động sức lao động của 3 nhân lực, trong đó: 02 người kéo và 01 người đẩy, dùng trong canh tác nông nghiệp.

 

Chiếc cày phát hiện tại Yên Châu

Qua trao đổi với cán bộ Phòng Văn hóa huyện Yên Châu và người dân thì rất có thể chiếc cày đã có từ những năm 1930 – 1940, là dụng cụ để quan lại (phìa tạo) khai thác bóc lột sức lao động của người dân. Qua phát hiện chiếc cày của người Thái thêm một minh chứng cho thấy sự áp bức,bóc lột của chế độ xưa trong vùng dân tộc thiểu số trong đó có vùng Yên Châu (Sơn La).