Sau Chiến dịch Tây Bắc, phần lớn đất đai Tây Bắc đã được giải phóng. Trên địa bàn Tây Bắc, thực dân Pháp chỉ còn chiếm đóng Thị xã Lai Châu và khu vực Nà Sản. Mặc dù vậy, chúng vẫn không chịu từ bỏ âm mưu tái chiếm và duy trì thống trị lâu dài đối với địa bàn quan trọng này. Nhằm chiếm lại các địa bàn đã mất, thực dân Pháp một mặt ra sức củng cố hai vị trí Nà Sản và Thị xã Lai Châu; mặt khác tăng cường tổ chức các cuộc càn quét vào các khu vực trọng yếu. Tại những vùng kiểm soát được, chúng tái lập ngụy quyền; thực hiện âm mưu gây phỉ ở các địa phương khác để phá hoại hậu phương kháng chiến. Chúng tung tay chân cài cắm vào các xã đội, ủy ban xã, công an xã, cơ quan giao thông… để lấy cắp tài liệu, moi tin tức, chia rẽ đội ngũ cán bộ, tập hợp lực lượng, chờ thời cơ nổi dậy chống phá. Để bù vào số quân bị thiếu hụt, thực dân Pháp tăng cường đôn quân, bắt lính, tổ chức các đơn vị địa phương quân, mở rộng chiến tranh gián điệp một cách tinh vi hơn.

Kết hợp với các hoạt động quân sự, thực dân Pháp còn sử dụng những thủ đoạn chính trị thâm độc, như nêu cao chiêu bài độc lập, dân chủ giả hiệu, lợi dụng tôn giáo, mê tín và trình độ nhận thức còn lạc hậu của đồng bào để tuyên truyền, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo theo chúng và gây chia rẽ giữa các dân tộc. Chúng dùng ruộng đất để khống chế, ép buộc những gia đình có thanh niên phải đi lính cho phỉ; thậm chí còn đe dọa “nếu ai không đi lính cho phỉ thì sẽ bị giết”. Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, một số cơ sở kháng chiến bị vỡ; một số đồng bào buộc phải tham gia các tổ chức của địch, phải đi phu, vào lính, hoạt động cho địch. Tình hình đó đặt ra yêu cầu đối với các địa phương Tây Bắc vừa phải nhanh chóng tiếp quản, làm chủ vùng mới giải phóng; vừa phải chủ động, tích cực đấu tranh với những âm mưu, hành động của địch, bảo vệ nhân dân.

Với chiến thắng Tây Bắc 1952, đại bộ phận đất đai và nhân dân Tây Bắc đã được giải phóng. Đồng bào thoát khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp và tay sai, có điều kiện tham gia đóng góp nhiều hơn cho kháng chiến. Sau chiến dịch, các địa phương Tây Bắc khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ củng cố vùng mới giải phóng: đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng; phát triển lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích; khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa. Các địa phương ra sức giải quyết nạn đói, hỗ trợ nhân dân tăng gia sản xuất, sớm ổn định cuộc sống mới.

Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Tây Bắc, chỉ một thời gian ngắn, tình hình Tây Bắc đã thay đổi căn bản. Mới đó không lâu, khi Chiến dịch Tây Bắc vừa mở màn, các chiến sĩ của Đại đoàn 312 đã bắt gặp cảnh: “Anh em lại được gặp các mẹ, các chị, các em nô nức ra gặp bộ đội. Người nào cũng tiều tụy, rách rưới, gầy như xác ve. Đồng bào cho biết mấy tháng nay chỉ toàn ăn củ rừng, nhưng củ rừng đào mãi cũng hết. Một cụ già ở Bản Vàng kể, nhân dân đói đã ba tháng nay vì không cấy được ruộng, không đi được nương. Mỗi năm Pháp bắt dân đi phu 11 tháng. Đàn ông còn sức lực chúng bắt đem đi, đàn bà đêm nào cũng phải lên đồn làm đồ chơi cho bọn quan lính trên đồn…”[1]. Dọc đường chiến dịch, đến đâu các chiến sĩ cũng chứng kiến cảnh đói nghèo: “Nhìn nắm cơm của dân chỉ thấy một màu nâu xỉn cứng như nắm gỉ sắt. Hỏi nhân dân ăn gì? Dân vừa khóc vừa nói ăn củ nâu. Hỏi củ nâu chát thế ăn làm sao? Sao không đào củ mài mà ăn? Bà con trả lời củ mài nằm sâu lắm không có sức đào”[2]. Ngay cả một vùng trù phú, màu mỡ như cánh đồng Phù Yên - 1 trong 4 cánh đồng lớn của vùng Tây Bắc[3] thì dưới chế độ cai trị của thực dân và tay sai cũng chỉ còn là cảnh tượng: “Cánh đồng Phù Yên bằng phẳng dài hàng chục ki-lô-mét chỉ toàn một màu tro xám đến rợn người”[4]. Vậy mà chưa đầy 4 tháng sau Chiến dịch Tây Bắc, trên đường hành quân tham gia Chiến dịch Thượng Lào, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã cảm nhận được không khí, cảnh vật, con người Tây Bắc khác hẳn: “Trên cánh đồng Quang Huy, quang cảnh phục hồi ruộng hoang hóa làm phấn chấn lòng người. Đêm đến, trên cao nguyên Mộc Châu mù sương, đồng bào thắp đuốc gọi nhau đi họp. Sự hồi sinh kỳ diệu của Tây Bắc thật nhanh chóng”[5]. Rõ ràng, sức mạnh của kháng chiến, niềm vui được giải phóng đã mang lại cho vùng đất Tây Bắc và con người nơi đây sức sống mới. Đó là khí thế mới, điều kiện mới để đồng bào các dân tộc quyết tâm xây dựng lại bản mường, tiếp tục đóng góp cho kháng chiến.

Trong khi các địa phương Tây Bắc đang tích cực ổn định tình hình sau giải phóng, thì các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến mới. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc đã vượt ra ngoài biên giới nước ta; vùng giải phóng của ta đã mở đến sát Thượng Lào. Vừa mới đây, địa bàn này còn là hậu phương an toàn của địch, nay đã bị uy hiếp trực tiếp. Sau chiến thắng Tây Bắc, Việt Nam có thêm điều kiện để phối hợp tốt hơn với Chính phủ và quân đội kháng chiến Lào. Ngay sau Chiến dịch Tây Bắc, một số đơn vị bộ đội Việt Nam đã được cử sang phối hợp chiến đấu cùng quân giải phóng Pathet Lào. Trên đường từ chiến trường Tây Bắc trở về căn cứ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc tranh thủ thời gian trước mùa mưa, đưa bộ đội chủ lực sang giúp bạn giải phóng một phần đất đai ở Thượng Lào, mở rộng chỗ đứng chân cho Chính phủ kháng chiến Lào trên một địa bàn tiếp giáp với vùng Tây Bắc mới giải phóng của ta. Sầm Nưa - tỉnh tiếp giáp với Sơn La và Thanh Hóa của Việt Nam đã từng được lãnh đạo hai nước bàn bạc và thống nhất chọn làm mục tiêu giải phóng khi thời cơ đến.

Mùa Xuân năm 1953, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ítxala quyết định đưa quân đội Việt Nam sang phối hợp với quân giải phóng Pathet Lào mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công Sầm Nưa. Mục đích chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng những căn cứ du kích, tạo lập hậu phương, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào phát triển, phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, ngăn chặn âm mưu củng cố Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng của địch.

Ngày 9/4/1953, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh vượt biên giới đến vị trí tập kết. Ngày 12/4/1953, phát hiện các đơn vị đi đầu của ta cách Sầm Nưa gần một ngày hành quân, Tướng Xalăng vội ra lệnh cho toàn bộ quân địch ở thị xã rút chạy. Tình huống chiến dịch đã thay đổi. Từ phương án vận động bôn tập từ xa đến bao vây, đánh địch trong công sự vững chắc, bộ đội ta đã thích ứng với tình huống mới, nhanh chóng chuyển sang thực hiện phương án vận động truy kích tiêu diệt địch, bắt đầu từ ngày 13/4/1953.

Trải qua hơn một tháng vận động truy kích (từ ngày 13/4/1953 đến ngày 18/5/1953), Chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Quân ta diệt, bắt sống và làm tan rã gần 2.800 sĩ quan và binh lính địch (bằng 1/5 tổng số lực lượng của địch ở Lào); giải phóng một khu vực rộng 4.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Xa Lỳ (chiếm 1/5 diện tích Bắc Lào) với hàng chục vạn dân. Với những kết quả đó, chiến dịch đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra, góp phần đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước quan trọng, đẩy thực dân Pháp lún sâu thêm vào khủng hoảng.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào ghi nhận đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù là vùng tạm chiếm trong suốt những năm tháng chống thực dân Pháp tính đến trước khi được giải phóng (tháng 12/1952), trình độ kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và lạc hậu, lực lượng kháng chiến còn mỏng và yếu nhưng đây lại không phải là lần đầu tiên đồng bào các dân tộc Tây Bắc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả là giúp đỡ cách mạng Lào. Với đặc điểm tiếp giáp với các tỉnh Bắc Lào, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, dân cư, văn hóa,…. nên ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Tây Bắc đã được chọn là địa bàn đứng chân của lực lượng kháng chiến Lào. Sự ra đời của Ban xung phong Lào Bắc (tháng 5/1948) do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Chỉ huy trưởng là bước khởi đầu để xây dựng lực lượng và cơ sở kháng chiến ở các tỉnh Bắc Lào. Ban xung phong Lào Bắc quyết định chọn bản Phiêng Sa, xã Chiềng On (nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài), huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La làm địa bàn đứng chân để từ đó tiến sâu vào vùng Bắc Lào. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân bản Phiêng Sa đã hết lòng ủng hộ về lương thực, thực phẩm, tiền của để Ban xung phong Lào Bắc mua sắm vũ khí; giữ bí mật cho hoạt động của Ban. Được sự đùm bọc, che chở của đồng bào dân tộc Mông bản Phiêng Sa, đặc biệt là gia đình Cụ Tráng Lao Khô - người vừa là giao thông viên dẫn đường, vừa bảo vệ đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Ban xung phong Lào Bắc có cơ sở vững chắc để từng bước thâm nhập vào các bản làng thuộc khu vực tả ngạn sông Mã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân các bộ tộc Lào, tiến tới lập căn cứ cách mạng. Đến tháng 10/1948, Ban xung phong Lào Bắc đã gây dựng được cơ sở ở 44 bản, gồm 333 gia đình với số dân hơn 1.500 người. Vùng này được xây dựng thành căn cứ kháng chiến đầu tiên ở huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn[6]. Từ đó, lực lượng kháng chiến Lào từng bước được xây dựng, phát triển.

Trong thời gian chuẩn bị và diễn ra Chiến dịch Thượng Lào, quân và dân Tây Bắc, trực tiếp là đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã tích cực phối hợp với hoạt động của các đơn vị tham gia chiến dịch. Để phân tán sự chú ý và đối phó của địch, hỗ trợ các hoạt động của bộ đội chủ lực, trước và trong thời gian diễn ra chiến dịch, quân và dân Tây Bắc đẩy mạnh các hoạt động quân sự. Bộ đội địa phương và dân quân du kích đã kiên cường chiến đấu, đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm của địch. Cùng với đó, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Bắc đã chủ động tổ chức tiễu phỉ. Việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên địa bàn Tây Bắc, nhất là khu vực quanh Nà Sản và Thị xã Lai Châu còn có tác dụng kìm chân địch, không cho chúng có cơ hội, điều kiện tăng cường, ứng cứu cho các lực lượng ở Thượng Lào.

Trên phương diện hậu cần, sau những chiến thắng liên tiếp giành được trên chiến trường rừng núi trong các chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952), Tây Bắc (14/10/1952 - 10/12/1952), Chiến dịch Thượng Lào là chiến dịch đầu tiên quân đội ta tổ chức trên chiến trường nước bạn Lào, rất xa hậu phương. So với Nà Sản thì đường tiếp tế từ hậu phương tới Sầm Nưa dài gấp đôi. Do đó, yêu cầu đối với công tác hậu cần cũng cao hơn so với các chiến dịch trước đó. Để đáp ứng yêu cầu trên, công tác chuẩn bị hậu cần đã được tính toán và chuẩn bị kỹ. Trên hướng chính của chiến dịch, Tổng cục Cung cấp bố trí các kho, trạm ở khu vực Mộc Châu, Vạn Mai sau đó chuyển dần vào Sốp Ban, Sốp Hào bảo đảm cho các lực lượng tiến công Sầm Nưa. Liên khu 4 bảo đảm hậu cần cho cánh quân đánh Xiêng Khoảng theo Đường số 7; còn hướng Mường Sài đảm bảo cho Trung đoàn 148 do bạn Lào đảm nhiệm. Hơn 80 ô tô, 880 thuyền, hơn 2.000 xe đạp và 180 ngựa thồ được huy động vận chuyển vật chất phục vụ chiến dịch. Kết quả, trên cả hai hướng, hậu cần đã cung cấp cho bộ đội được hơn 6.300 tấn gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt và 190 tấn thực phẩm khác, bố trí 166 tấn vũ khí, cứu chữa 490 thương binh. Từ trung tuyến trở ra đã sử dụng hơn 62.500 dân công, quy thành 2.535.000 ngày công, chưa kể phần Hội đồng Cung cấp Mặt trận chuyển từ hậu phương tới trung tuyến[7]. Có thể nói, công tác đảm bảo hậu cần - kỹ thuật trong Chiến dịch Thượng Lào đã có sự tiến bộ lớn về tổ chức và chỉ huy, phương thức đảm bảo linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được tình huống đột biến của chiến dịch mà không có sự chuẩn bị trước.

Xét về điều kiện huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch, Tây Bắc “cũng là một khu vực rừng núi mới được giải phóng, kinh tế nghèo nàn, nhân dân chưa quen phục vụ chiến dịch. Khả năng huy động nhân vật lực ở Tây Bắc rất hạn chế, cho nên chủ yếu phải dựa vào Liên khu 3 - 4 và Việt Bắc”[8]. Trên thực tế, hậu cần chiến dịch được huy động chủ yếu từ hai tỉnh Thanh Hóa (phục vụ hướng chính Sầm Nưa) và Nghệ An (phục vụ hướng phối hợp Xiêng Khoảng). Mặc dù vậy, với vai trò là hậu phương trực tiếp, các tỉnh Tây Bắc đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Thượng Lào. Theo số liệu thống kê chính thức được ghi nhận, mặc dù mới giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng quân và dân các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã huy động được 34.650 dân công phục vụ chiến dịch từ trung tuyến đến hỏa tuyến (bằng 1.732.000 ngày công), 850 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa thồ làm công tác vận chuyển; đã cung cấp 4.975 tấn gạo, 140 con trâu, 2.200 con bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau khô và 12 tấn đường[9]. Những số liệu tổng hợp nêu trên đã góp phần khẳng định đóng góp quan trọng của các tỉnh Tây Bắc cho Chiến dịch Thượng Lào. Đáng chú ý, trong phong trào thi đua tăng năng suất, vượt mức kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch, đoàn dân công Văn Chấn (Yên Bái) cùng với đoàn thuyền Thanh Ba (Phú Thọ), đoàn dân công Hậu Lộc (Thanh Hóa) và Nghi Thuận (Nghệ An), đoàn xe đạp thị xã Thanh Hóa,… đã đoạt được giải thưởng “Thi đua khá nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh[10]. Công tác quân nhu cũng ghi nhận đóng góp tích cực của các đội dân công chủ lực như Văn Chấn, Văn Bàn đã kịp thời chuẩn bị kho, lán đầy đủ, đảm bảo để tập kết hàng hóa, trang thiết bị[11].

Trong những đóng góp chung của nhân dân Tây Bắc, không thể không nói tới những đóng góp của đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu. Trong Chiến dịch Thượng Lào 1953, Mộc Châu giữ vị trí quan trọng đặc biệt: là nơi đóng đại bản doanh của Sở Chỉ huy tiền phương, nơi tổ chức Hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến chiến dịch trong 2 ngày 5/4 và 6/4/1953 trước khi các đơn vị xuất phát tới mặt trận. Sau Chiến dịch Tây Bắc, các đại đoàn chủ lực của ta như Đại đoàn 308, 312 và một bộ phận của Đại đoàn 316 được lệnh tập kết tại Mộc Châu để tham gia hướng chính chiến dịch, qua Pa Háng tiến đánh Sầm Nưa. Huyện Mộc Châu trở thành căn cứ đứng chân đầu tiên, là điểm xuất phát và là tuyến trung chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến dịch. Cùng với Vạn Mai, Mộc Châu là điểm tập kết của binh trạm vận tải, tổng kho vũ khí, tổng kho gạo, đội điều trị quân y,… trước khi đưa tới hỏa tuyến. Với tình nghĩa keo sơn hữu nghị Việt - Lào, với tinh thần “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mộc Châu tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến[12].

Đó là những đóng góp hết sức quan trọng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong Chiến dịch Thượng Lào 1953. Đặt trong bối cảnh vừa mới giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhiều nơi vừa mới trải qua nạn đói mới thấy hết ý nghĩa, sự cố gắng, quyết tâm của đồng bào qua những hoạt động hưởng ứng, phối hợp, đóng góp cho chiến dịch; thể hiện tinh thần cách mạng và niềm tin của nhân dân với sự nghiệp kháng chiến. Đó cũng là cội nguồn tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, tình hữu nghị kề vai sát cánh của hai dân tộc Việt - Lào, góp phần tô thắm thêm mối tình thủy chung, son sắc giữa hai dân tộc anh em./.

 

[1] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.229-230.

[2] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.237.

[3] Câu “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc” để nói về 4 cánh đồng lớn ở Tây Bắc, gồm: Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), Than Uyên (Lai Châu), Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La).

[4] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.237.

[5] Đại tướng Lê Trọng Tấn (1994), Từ Đồng Quan đến Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, tr.260.

[6] Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2002), Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945 - 1954), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, tr.143.

[7] Ban Khoa học Hậu cần (1984), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953 (Phần bổ sung), Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.33.

[8] Ban Khoa học Hậu cần (1984), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953 (Phần bổ sung), Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.6.

[9] Viện Sử học (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khu Tây Bắc (1945 - 1954), Nxb Khoa học Xã hội, tr.412-413.

[10] Ban Khoa học Hậu cần (1982), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953, Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.26.

[11] Ban Khoa học Hậu cần (1982), Công tác hậu cần Chiến dịch Thượng Lào mùa xuân 1953, Tổng cục Hậu cần xuất bản, tr.29.

[12] Huyện Mộc Châu đã huy động và cung cấp 1.000 tấn trong tổng số gần 7.000 tấn lương thực, thực phẩm (chiếm khoảng 15% khối lượng lương thực, thực phẩm) phục vụ chiến dịch (xem thêm: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La (1995), Sơn La - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, tr.147).

Thu Đông năm 1952, quân và dân Việt Nam giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Tây Bắc. Sau gần 2 tháng chiến đấu (từ ngày 14/10/1952 đến ngày 10/12/1952), qua 3 đợt tiến công, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 6.000 quân địch, giải phóng một khu vực rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (rộng khoảng 28.500 km2 với 250.000 dân), nối liền vùng Tây Bắc mới giải phóng với căn cứ địa Việt Bắc. Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc đã vượt ra ngoài biên giới nước ta; vùng giải phóng của ta đã mở đến sát Thượng Lào. Mới hôm nào, chiến trường này còn là hậu phương an toàn của địch nay đã bị uy hiếp trực tiếp. Sau chiến thắng Tây Bắc, Việt Nam có thêm điều kiện để phối hợp tốt hơn với Chính phủ và quân đội kháng chiến Lào. Ngay sau chiến dịch, một số đơn vị bộ đội Việt Nam đã được cử sang phối hợp chiến đấu cùng quân giải phóng Pathet Lào. Trên đường từ Tây Bắc trở về căn cứ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc tranh thủ trước mùa mưa, đưa bộ đội chủ lực sang giúp bạn giải phóng một phần đất đai ở Thượng Lào, mở rộng chỗ đứng chân cho Chính phủ kháng chiến Lào trên một địa bàn tiếp giáp với vùng Tây Bắc mới giải phóng của ta. Đại tướng đã trao đổi vấn đề này với đồng chí Nguyễn Chí Thanh và chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu, đề xuất kế hoạch với Tổng Quân ủy. Ngày 2/2/1953, Tổng Quân ủy nhất trí mở chiến dịch Xuân Hè năm 1953 ở Thượng Lào và đề nghị với Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở một chiến dịch ở Sầm Nưa. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thống nhất cùng Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ítxala quyết định đưa quân đội Việt Nam sang phối hợp với quân giải phóng Pathet Lào mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công Sầm Nưa. Mục đích chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng căn cứ du kích, tạo lập hậu phương, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào phát triển, phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, ngăn chặn âm mưu củng cố Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng của địch.

Mở chiến dịch Thượng Lào là thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẻ vang của quân dân Việt Nam đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Thượng Lào (ngày 3/4/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ của ta cần phải: “Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta; Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn; Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam; Tất cả phải có quyết tâm rất cao, rất bền, tranh nhiều thắng lợi”[1].

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm có Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 304 và Trung đoàn 148; cùng một số đơn vị pháo binh, phòng không, công binh, thông tin. Một số đơn vị quân giải phóng Pathet Lào tham gia phối hợp cùng chiến đấu. Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị và Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Cung cấp. Trung ương còn cử đồng chí Nguyễn Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, đặc trách công tác về Lào cùng đi với Bộ Chỉ huy chiến dịch. Về phía các bạn Lào có các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản - Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Xinhgapo - Thứ trưởng Quốc phòng, Thao Ma - Bí thư tỉnh Sầm Nưa.

Theo kế hoạch tác chiến, hướng chính của chiến dịch là Sầm Nưa, hướng phối hợp ở phía bắc là lưu vực sông Nậm Hu, ở phía nam là Xiêng Khoảng. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xuphanuvông đi chiến dịch ở hướng chính. Về chiến thuật, “bộ đội sẽ dùng lối bôn tập chiến dịch, từ xa ập tới bao vây toàn bộ quân địch, khống chế sân bay, bãi thả dù không cho tăng viện, nhổ những điểm cao quan trọng ở ngoại vi, đánh sâu vào tung thâm, chia cắt quân địch để tiêu diệt”[2].

Để đánh lừa phán đoán của địch, Bộ Tổng tham mưu đã xây dựng một kế hoạch nghi binh đánh Nà Sản từ 3 hướng: sông Đà vào, Sơn La xuống, Yên Châu lên. Mọi hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch từ hậu phương lên tới Cò Nòi, nếu bị lộ, địch vẫn có thể nghĩ ta chuẩn bị đánh Nà Sản; chỉ cần hết sức giữ bí mật trên đoạn đường từ Cò Nòi sang Sầm Nưa. Kế hoạch nghi binh được thực hiện hiệu quả, góp phần phân tán sự chú ý của địch, khiến chúng phán đoán sai hướng, mục tiêu tấn công của ta trong chiến dịch. Chúng tung tin ta sắp tiến công Thượng Lào hoặc Tây Bắc, nhằm các mục tiêu Xiêng Khoảng, Sầm Nưa hoặc Nà Sản. Ta tương kế tựu kế, chỉ đạo bộ đội đẩy mạnh hoạt động, thu hút sự chú ý của địch trên hướng Nà Sản. Khi bộ đội đến Mộc Châu và một cánh quân xuất hiện trên hướng đường số 7 thì Đài “Con nhạn” của địch loan tin cuộc tiến công của ta sắp bắt đầu, nhưng chúng vẫn còn nghi ngờ, chưa biết ta đánh Sầm Nưa hay Nà Sản. Chúng có vẻ nghiêng về phương án mục tiêu bị tiến công là Nà Sản. Ngày 7/4/1953, chúng rút quân ở Cò Nòi tập trung về Nà Sản, bổ sung lương thực, đạn dược cho vị trí này; trong suốt một tuần lễ đầu tháng 4/1953, máy bay địch đánh phá dữ dội đường số 41, đoạn Quang Huy - Tạ Khoa. Đến thời điểm các đơn vị chủ lực hành quân từ Mộc Châu sang Lào, địch vẫn chưa phát hiện mục tiêu của chiến dịch.

Ngày 9/4/1953, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh vượt biên giới đến vị trí tập kết. Ngày 12/4/1953, phát hiện các đơn vị đi đầu của ta cách Sầm Nưa gần một ngày hành quân, Tướng Xalăng (Raoul Salan) vội vã ra lệnh cho toàn bộ quân địch ở thị xã rút chạy. Tình huống chiến dịch đã thay đổi. Từ phương án vận động bôn tập từ xa đến bao vây, đánh địch trong công sự vững chắc, bộ đội ta nhanh chóng thích ứng với tình huống mới, chuyển sang thực hiện phương án vận động truy kích tiêu diệt địch, bắt đầu từ ngày 13/4/1953.

Trải qua hơn một tháng vận động truy kích (từ ngày 13/4/1953 đến ngày 18/5/1953)[3], Chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Quân ta diệt, bắt sống và làm tan rã gần 2.800 sĩ quan và binh lính địch (bằng 1/5 tổng số lực lượng của địch ở Lào); giải phóng một vùng đất rộng 4.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Xa Lỳ (chiếm 1/5 diện tích Bắc Lào) với hàng chục vạn dân. Với những kết quả đó, chiến dịch đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra.

Với thắng lợi của chiến dịch, lực lượng kháng chiến của Lào đã có một địa bàn đứng chân rộng lớn và vững chắc, nối liền với hậu phương chiến lược của Việt Nam. Vùng mới giải phóng ở Thượng Lào cho phép liên quân Lào - Việt tiến sâu vào hậu phương địch, củng cố và mở rộng vùng tự do của hai nước và tạo nên một chiến trường cơ động, có thể tiến đánh địch trên nhiều hướng. Thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước Việt Nam - Lào có điều kiện phát triển thuận lợi. Lực lượng kháng chiến Lào được tôi luyện và trưởng thành.

Về phía Việt Nam, thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào giúp củng cố thêm quyền chủ động chiến lược của quân và dân ta, không chỉ trong phạm vi Bắc Bộ mà đã mở rộng ra toàn chiến trường Bắc Đông Dương. Cùng với chiến thắng Tây Bắc trước đó, chiến thắng Thượng Lào là nguồn cổ vũ, thúc đẩy các chiến trường khác trong cả nước hoạt động sôi nổi và có hiệu quả hơn.

Đối với thực dân Pháp, sau hai đòn thua đau ở Tây Bắc, Thượng Lào, hệ thống bố trí và chiếm đóng của quân đội Pháp và lực lượng ngụy binh co lại một cách nguy hiểm. Trên chiến trường Bắc Đông Dương, lực lượng cơ động của Pháp bị căng mỏng và phân tán, buộc địch phải lựa chọn ưu tiên nhiệm vụ đóng giữ những vị trí chiến lược. Kế hoạch giành lại quyền chủ động chiến lược của Tướng Đờ Lát (De Lattre de Tassigny), được Xalăng dốc sức thực hiện, đến đây coi như đã thất bại. Một lần nữa Pari phải thực hiện kế hoạch “thay ngựa giữa dòng” - quyết định đưa Tướng Nava (Henry Navarre) sang thay Tướng Xalăng ngay trong thời gian Chiến dịch Thượng Lào đang diễn ra (ngày 7/5/1953).

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào ghi nhận đóng góp không nhỏ của  đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Mặc dù mới được giải phóng, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng quân và dân Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã huy động được 34.650 dân công phục vụ chiến dịch từ trung tuyến đến hỏa tuyến (bằng 1.732.000 ngày công), 850 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa thồ làm công tác vận chuyển; đã cung cấp 4.975 tấn gạo, 140 con trâu, 2.200 con bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau khô và 12 tấn đường[4]. Những số liệu cụ thể nêu trên đã khẳng định, các tỉnh Tây Bắc đóng góp phần lớn sức người, sức của cho Chiến dịch Thượng Lào[5]. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, tình hữu nghị kề vai sát cánh của hai dân tộc Lào - Việt, góp phần tô thắm thêm mối tình thủy chung, son sắc giữa hai dân tộc anh em.

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8 (1953 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.105.

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ (Hồi ức, Hữu Mai thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.363.

[3] Một số tài liệu và công trình nghiên cứu xác định thời gian Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 8/4/1953 đến ngày 3/5/1953. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trận mở màn Chiến dịch là trận Mường Hàm (đêm 13/4/1953); và trận kết thúc Chiến dịch là trận Mường Khoa lần thứ hai (sáng 18/5/1953).

[4] Viện Sử học (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khu Tây Bắc (1945 - 1954), Nxb Khoa học Xã hội, tr.412-413.

[5] Tổng hợp công tác hậu cần phục vụ chiến dịch đã cung cấp được 6.300 tấn lương thực, 200 tấn muối, 290 tấn thịt, 190 tấn thực phẩm khô và hơn 166 tấn vũ khí.

Dân tộc Mông là dân tộc có tỉ lệ cao trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở các tỉnh phía bắc nước ta. Riêng tại Sơn La, theo Tổng điều tra về dân số và nhà ở cả nước năm 2009, dân số người Mông trong tỉnh là 157.253 người, chiếm hơn 15% dân số trên địa bàn tỉnh, sinh sống tại các xã vùng núi cao của 12 huyện, thành phố [1].

          Dân tộc Mông thường cư trú ở vùng núi cao, giao thông khó khăn, với lối sống khép kín theo hình thức tự cấp tự túc, do vậy điều kiện sinh sống của đồng bào Mông đặc biệt khó khăn, cùng với đó phần đa người Mông đều không biết đọc, biết viết, khả năng giao lưu và hội nhập với bên ngoài còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người Mông vẫn bảo lưu, trao truyền được các giá trị văn hóa truyền thống tộc người gần như nguyên vẹn. Các giá trị văn hóa của người Mông rất phong phú và đa dạng thể hiện trong các lĩnh vực văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội.

          Văn hóa vật chất: Người Mông sử dụng lương thực chính là gạo tẻ. Gạo nếp chỉ được sử dụng trong các dịp lễ tết. Ngô, sắn được trồng chủ yếu phục vụ trong chăn nuôi. Thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của họ rất đơn giản, ngoài cơm tẻ người ta chỉ cần một chút thức ăn theo kiểu “có gì ăn đấy”, các món ăn thường được chế biến theo kiểu luộc hoặc nấu canh. Dịp tết hoặc đám cưới có thêm bánh dày được làm từ gạo nếp nương do gia đình trồng. Do sống ở vùng núi cao nhiệt độ thấp nên người Mông có thói quen nấu và uống rượu thóc. Nhìn chung có thể thấy, tập quán ăn uống của người Mông tương đối đơn giản. Do điều kiện kinh tế khó khăn lại ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài do vậy tập tục ăn uống của người Mông vẫn không có nhiều thay đổi.

          Nhà ở truyền thống của đồng bào người Mông thường là kiểu nhà trệt nền đất vách được dựng bằng các tấm gỗ lớn. Nhà thường được làm 3 gian, 2 chái với ưu điểm đông ấm, hè mát. Trong đó gian giữa bao giờ cũng rộng hơn 2 gian bên cạnh “bởi đây là gian trung tâm của ngôi nhà, nơi diễn ra các sinh hoạt của mỗi thành viên sinh sống trong đó, đặc biệt đây là nơi tổ chức cúng ma nhà vào các dịp lễ tết hay các nghi lễ liên quan đến chu kì đời người...”[2, tr299]. Trong nhà người ta đặt 2 bếp lửa ở hai bên đầu nhà, gian giữa đặt bàn thờ ma. Cột ma được dựng ở gian giữa của ngôi nhà gần đầu bếp chính. Xung quanh nhà người ta thường trồng một ít rau để phục vụ gia đình. Hiện nay hình thức nhà xây được lợp mái tôn cũng dần xuất hiện. Tuy nhiên người Mông vẫn sinh sống chủ yếu trong những ngôi nhà nền đất ván gỗ như trước.

          Trang phục truyền thống của người Mông được làm từ vải lanh nhuộm chàm thêu hoa văn hoặc nhuộm sáp ong. Hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chủ yếu vẫn mặc váy được trang trí sặc sỡ màu sắc, nam giới mặc quần ống rộng của người Mông kết hợp với áo sơ mi hoặc áo thun như của người Kinh. Nguyên liệu để làm váy áo được thay đổi từ vải lanh nhuộm chàm thành vải sợi công nghiệp. Vải lanh chỉ còn được sử dụng trong tang ma, khi đưa tiễn người chết về thế giới bên kia.

          Văn hóa xã hội: Người Mông thường sống tập trung thành các bản nhỏ, được bố trí theo lối mật tập. Trước đây, quy mô các bản của người Mông thường từ 10 - 20 hộ. Ngày nay, cùng với sự gia tăng về dân số và sự phát triển của kinh tế - xã hội, số hộ trong các bản đã tăng lên nhiều lần. Với quan điểm “cùng họ đều là anh em”, trong cuộc sống hàng ngày các gia đình thường tương trợ giúp đỡ nhau về mọi mặt. Bởi vậy khi gia đình có việc trọng đại như cưới xin, ma chay thì đó được coi là việc lớn của cả dòng họ và sẽ do anh em trong họ tổ chức giúp đỡ.

          Gia đình của người Mông phổ biến là gia đình phụ hệ, thường có từ 2 đến 3 thế hệ cùng chung sống. Người đàn ông lớn tuổi nhất đóng vai trò trụ cột, đứng ra quản lý tài sản chung của gia đình, phân chia tài sản cho các con ra ở riêng, đồng thời đứng ra tổ chức, phân công lao động cho các thành viên còn lại và trực tiếp đảm nhiệm những công việc nặng nhọc nhất, nguy hiểm nhất trong sản xuất như chặt cây, đánh đá, khai phá nương rẫy, và đốn gỗ, vận chuyển từ rừng về nhà khi làm nhà mới… Họ còn là người lo toan việc tổ chức hôn lễ cho con cái, thờ cúng tổ tiên, các ma nhằm cầu mong sự phù hộ cho gia đình mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Về đối ngoại, họ còn thay mặt các thành viên trong gia đình giải quyết mọi quan hệ với dòng họ và xã hội. Có thể nói người đàn ông là chủ gia đình có vị trí cao trong gia đình và cả ngoài cộng đồng, mọi ý kiến của họ đều được các thành viên trong gia đình cho là sáng suốt và nghe theo. Người vợ, người mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng và gia đình nhà chồng. Một vài năm trở lại đây, đã có một số phụ nữ người Mông có cơ hội được học tập và làm việc ở các cơ quan nhà nước, hoặc tham gia hoạt động buôn bán ở chợ thị trấn hoặc mở cửa hàng ngay ở các bản, xã... Tuy số lượng này không nhiều nhưng những thay đổi trên đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống khép kín bao đời nay của người phụ nữ Mông giúp họ thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội, giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả và trở nên đa sắc hơn. 

          Văn hóa tinh thần: Người Mông có đời sống văn hoá tinh thần phong phú và đa dạng. Trong một năm, người Mông tổ chức rất nhiều nghi lễ mang đặc trưng văn hoá tộc người như lễ cúng cơm mới, lễ cúng tu su… được coi là dịp sinh hoạt văn hoá chung của anh em gia đình, dòng họ, tăng tính cố kết của cộng đồng. Đặc biệt vào dịp tết cổ truyền họ thường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi mang tính cộng đồng như như ném pao, kéo co, thi thổi khèn… Với người Mông, tết là dịp để nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả vì thế trong 3 ngày này họ kiêng không làm việc nặng, cả ngày sẽ uống rượu ăn thịt, hát ca và thăm hỏi anh em họ hàng. Hết 3 ngày tết họ lại tiếp tục các cuộc chơi xuân khắp các bản làng, tham gia vào các hoạt động văn hoá cộng đồng do bản tổ chức. Đây chính là dịp để các chàng trai cô gái làm quen, tìm hiểu lẫn nhau. Phần lớn các cặp đôi người Mông đều xuất phát từ những đám chơi hội này vì vậy họ quan niệm đây cũng chính là “mùa cưới” của đồng bào Mông.

          Về mặt tín ngưỡng, người Mông cũng có quan điểm vạn vật hữu linh. Họ thờ cúng ma nhà, ma cửa, ma bếp, ma buồng, ma núi, ma rừng… đây là hệ thống các ma lành được người Mông thờ cúng để bảo vệ sức khoẻ và bình an của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, họ cũng tin là có một loại ma dữ chuyên làm hại con người có thể sẽ gặp phải khi đi đường xa. Vì thế trước kia, khi gia đình có người chuẩn bị vào rừng hoặc đi làm ăn, học tập xa… người ta vẫn thường tổ chức lễ cúng cầu sức khoẻ, cầu mong nhận được sự bảo vệ của ma lành để mọi người tránh bị ma dữ quấy phá.

          Nhìn chung, phần đông các gia đình người Mông vẫn thờ cúng tổ tiên theo truyền thống, tuy nhiên những năm gần đây tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng có một số gia đình đã cải đạo chuyển sang Tin lành. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc người Mông từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng hàng trăm năm của mình để theo Tin lành là do gánh nặng về mặt kinh tế bởi các tập tục, các nghi lễ rườm rà, tốn kém. Trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì chính những thủ tục, nghi lễ đó đã tạo nên sự ngột ngạt, đè nén trong tâm lí và trong đời sống kinh tế của người dân. Trong số đó, một bộ phận người Mông khát khao được giải phóng và họ tìm đến với Tin lành như một sự giải thoát. Tuy nhiên, trên con đường cải đạo đó phần lớn người dân đều tin theo một cách mù quáng. Họ xóa bỏ hoàn toàn văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng hàng trăm năm qua, từ đó cũng xóa đi những đặc trưng của văn hóa tộc người. Biến người Mông từ một tộc người có nhiều nét riêng, độc đáo thành tộc người bị đồng hóa về văn hóa cũng như mọi mặt của đời sống xã hội [3, tr 30].

          Tập quán chu kỳ đời người bao gồm sinh đẻ, hôn nhân và tang ma. Cho đến nay người Mông tỉnh Sơn La vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo trong các tập quán liên quan đến chu kỳ đời người thể hiện qua các nghi lễ, các bài ca, làn điệu đối đáp... vẫn được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

          Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào Mông dần được cải thiện, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội được giao lưu, học tập, làm việc tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó dưới ảnh hưởng của quá trình giao lưu và hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế đã mở ra cơ hội cho người Mông được nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa của các tộc người khác, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của chính tộc người mình. Mặt khác đây cũng là khó khăn, thách thức cho sự phát triển của văn hóa bản thân mỗi tộc người trong việc giữ vững những giá trị văn hoá mang tính bản sắc.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc H’Mông Sơn La, nguồn: https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/tin-tuc/trai-nghiem-van-hoa-dong-bao-dan-toc-h-mong-son-la-610649.html
  2. Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2020), Địa chí Sơn La, quyển 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Nguyễn Thị Huyền (2019), Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, huyện Bắc yên, tỉnh Sơn La, Luận văn Thạc sĩ Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Sơn La là một tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía Tây Bắc của nước ta. Phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái và tỉnh Lai Châu, phía Đông giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 14.174,4km2, đứng thứ ba cả nước sau tỉnh Nghệ An và Gia Lai; đến năm 2017, dân số là 1,2 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống.

          Người Lào còn có tên gọi khác như: Thay, Thay Duồn, Thay Nhuồn, Phu Thay... gồm hai nhóm địa phương chính là Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ). Về văn hóa, họ gần với người Thái và người Lự hơn là người Lào ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

          Tiếng Lào thuộc hệ ngôn ngữ Tày - Thái.

          Cho đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của người Lào ở Việt Nam. Có ý kiến cho rằng họ là những hậu nhân của các dân tộc nói tiếng Tày - Thái ở vùng tây nam Trung Quốc đã di cư về phía nam trong khoảng thế kỉ VII-VIII. Cũng có ý kiến khác cho rằng, người Tày - Thái cổ có mặt từ rất sớm trên đất nước Việt Nam, đã có sự tiếp xúc giữa ngôn ngữ tiền Việt - Mường với ngôn ngữ Tày cổ trong quá trình hình thành văn hóa Phùng Nguyên. Tuy nhiên có thể thấy, trong số người Lào ở vùng Tây Bắc nước ta nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, có một bộ phận mới di cư từ Lào sang ở thế kỉ XVII-XVIII. Cũng có ý kiến cho rằng, người Lào từ nước Lào đến Tây Bắc Việt Nam từ thế kỉ XIII, XIV và đến nay vẫn còn những địa danh mang tên Lào như bản Ná Lào (ruộng Lào), bản Ná Láo, bản Lào,... Những bản lâu đời của người Lào ở vùng Tây Bắc nước ta, hiện còn ở các huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La, Điện Biên tỉnh Điện Biên, Tam Đường huyện Than Uyên (Lai Châu).

          Ở Việt Nam, về dân số, Lào là dân tộc đứng ở vị trí thứ 35 trong 54 dân tộc. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, số người Lào ở nước ta là 14.928 người. Riêng tại tỉnh Sơn La, dân số người Lào là 3.380 người. Người Lào phân bố không đồng đều tại các huyện trong tỉnh. Họ thường cư trú tập trung ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó đông nhất tại huyện Sốp Cộp với 3.177 người và huyện Sông Mã với 143 người.

          Về hoạt động kinh tế: Người Lào sống chủ yếu dựa vào canh tác ruộng nước, đánh bắt cá và dệt vải, dệt thổ cẩm. Người Lào có truyền thống trồng lúa nước từ lâu đời với kĩ thuật canh tác dùng cày, bừa và làm thủy lợi. Ở những nơi có ít ruộng hoặc không có điều kiện để khai phá đất đai thành ruộng nước thì người Lào hoặc canh tác thêm, hoặc chủ yếu sống bằng canh tác nương. Tuy nhiên, canh tác nương không phải là kinh tế truyền thống của người Lào mà học được của các tộc người láng giềng như người Thái, người Khơ Mú và người Xinh Mun. Vì thế kĩ thuật làm nương của họ tương đối thô sơ, các công đoạn làm nương gồm: phát, đốt, chọc trỉa, tra hạt hoặc gieo vãi. Chăn nuôi của người Lào khá phát triển với các giống vật nuôi như trâu, bò, ngựa, lợn, gà, ngan, vịt... được nuôi nhốt trong chuồng trại và được chăn thả khá quy củ. Các gia súc lớn như trâu, bò, ngựa chủ yếu dùng làm sức kéo trong nông nghiệp và chuyên chở hàng hóa. Các loại gia súc, gia cầm khác dùng để cải thiện bữa ăn và dùng trong các dịp lễ tết và để bán. Nghề thủ công tương đối đa dạng và phát triển với các nghề dệt, nghề rèn,nghề làm gốm, làm đồ trang sức bằng bạc và đan lát. Tuy nhiên, do thực hiện cơ chế thị trường, các sản phẩm nghề thủ công của người Lào thường không cạnh tranh được với hàng hóa công nghiệp nên phần lớn các nghề thủ công cuả đồng bào có xu hướng ngày càng bị mai một. Khai thác nguồn lợi tự nhiên vẫn được duy trì và góp phần quan trọng trong đời sống đồng bào.

          Về văn hóa xã hội: trước đây người Lào thường sống tập trung thành các bản riêng với mối quan hệ khép kín. Ngày nay, quan hệ gia đình, họ hàng, cũng như quan hệ thôn bản của người Lào là khá cởi mở, không đóng kín trong gia đình, địa phương, dân tộc. Hôn nhân giữa người Lào với các dân tộc khác  cộng cư trong thôn bản trở nên phổ biến. Gia đình người Lào theo chế độ phụ quyền, chủ nhà là người cha, người chồng có quyền quyết định các công việc liên quan đến đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên mối quan hệ giữa các lứa tuổi và giới tính tương đối bình đẳng, tiếng nói của người phụ nữ và con cái trong gia đình được tôn trọng. Người Lào có các dòng họ như Lường, Lò, Hoàng, Vi... giống người Thái.mỗi họ có kiêng kỵ riêng. Con cái lấy họ theo cha. Phổ biến là hình thức gia đình nhỏ, một vợ một chồng.     

          Về văn hóa vật chất: nhà sàn của người Lào ở Sơn La giống với nhà sàn của người Lào ở nước Lào là kiểu nhà sàn với hai mái dài và hai mái đầu hồi. Trước đây, bố trí trong ngôi nhà sàn của người Lào, trên sàn thì người ở, dưới sàn là nơi nhốt gia súc, gia cầm và có một gian dành riêng để khung cửi và các đồ dùng để kéo sợi, dệt vải. Cũng có gia đình lắp đặt khung dệt ở ngay trên sàn. Ngày nay, dưới gầm sàn được dọn dẹp sạch sẽ, một phần để đồ dùng sản xuất, cối giã gạo và một phần để trẻ con chơi đùa, thậm chí ngủ trưa trong những ngày hè oi bức. Còn chuồng gia súc, gia cầm được làm tách biệt hẳn với ngôi nhà ở.Người Lào có thói quen ăn cơm nếp, uống rượu cần và hút thuốc lá. Trang phục của người Lào ở Sơn La khá giống trang phục của người Thái Đen. Riêng trang phục của phụ nữ Lào so với trang phục của phụ nữ Thái Đen có khác biệt đôi chút. Họ mặc váy đen quấn cao đến ngực, gấu váy thêu nhiều hoa văn sặc sỡ kiểu áo cánh ngắn bó thân với hàng khuy bạc phổ biến ở vùng Sông Mã. Cô gái Lào chưa chồng thường búi tóc ở giữa đỉnh đầu, khi đã có chồng để búi tóc lệch về bên trái. Phụ nữ Lào luôn đội khăn (piêu), đeo nhiều vòng ở cổ tay, xăm hình một loại hoa lá ở mu bàn tay.

          Về văn hóa tinh thần: Người Lào tin vào thuyết vật linh, thờ cúng tổ tiên và chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Trong năm người Lào thường tổ chức các lễ hội tiêu biểu như lễ Kin pang; lễ hội xên bản, xên mường; lễ mừng cơm mới... Hôn nhân của người Lào là ngoại hôn dòng họ, thuận chiều, sau hôn nhân vợ về cư trú bên nhà chồng, hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Người Lào cũng có tục ở rể giống các tộc người láng giềng.Trong phong tục ma chay, người chết được làm lễ và chôn cất chu đáo. Riêng người đứng đầu mường, bản hoặc nhà sư sau khi chết mới được thiêu (hỏa táng). Người Lào có kho tàng văn học dân gian và văn hóa nghệ thuật phong phú và độc đáo. Người Lào múa Lăm vông... trong các dịp liên hoan, lễ hội.

Tài liệu: dẫn theo “Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2020), Địa chí Sơn La, quyển 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật”.

Người Thái ở xã Cà Nàng hiện nay đang phát huy được những giá trị văn hóa do người dân sáng tạo, bảo tồn và lưu truyền trong quá trình tồn tại, sinh sống và phát triển, thể hiện khát vọng, chinh phục thiên nhiên mang bản sắc và đặc trưng văn hoá Thái vùng sông nước. Trong đó nhà lợp mái đá - một loại hình kiến trúc được người dân gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

          Trải qua thời gian và quá trình thích ứng với đặc điểm sống ven sông Đá đã dần tạo ra nhà sàn để thoả mãn nhu cầu của đời sống - nhu cầu sử dụng. "Nhà ở là phương tiện cư trú và là tổ hợp không gian sinh hoạt văn hóa của con người. Nhà ở được phát triển cùng với tiến trình của lịch sử xã hội, mức độ kinh tế và văn hóa cùng sự biến đổi về hoàn cảnh địa lý, môi trường sinh sống " [2, tr.157]. Hiện nay, ở bản Pho Pha vẫn còn 80% nhà sàn lợp mái đá, đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, "Cũng không ai biết chính xác văn hóa làm nhà sàn lợp đá có từ khi nào, nhưng từ rất lâu rồi người ta vẫn yêu thích dùng loại đá này để lợp nhà vì nó vừa đem lại sự chắc chắn cho ngôi nhà và vừa tạo ra một không gian mát và thân thiện" [1, tr.1]. Nhà sàn lợp mái đá là nhà cột vuông, kê tảng, nhà thường có 2 gian, 2 trái với 5 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang. Nhà sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên để chế tác, tuy chỉ có dây buộc thép 1li dùng để buộc đá lợp khỏi xê dịch với hệ thống mái. Hệ thống cột được liên kết bằng những đòn dầm xuyên qua các lỗ đục, kiểu kiến trúc có vẻ đơn giản nhưng lại rất chắc chắn đủ sức chống mưa nắng và gió bão. Sàn nhà được nâng cao bằng cách kê các tảng đá hoặc tảng làm bằng xi măng để tạo không gian thông thoáng, đón ánh sáng. Có một cầu thang để đi lên sàn nằm ở bên phải, các bậc ở cầu thang là số lẻ. 

          Đặc điểm kiến trúc mái đá

          Kiến trúc bên ngoài: Nhà người Thái ở bản Pho Pha, xã Cà Nàng lựa chọn kiểu mái chóp có nhiều cạnh, kết cấu kiểu đối xứng, đều nhau, có độ dốc cao nên hình thành độ nghiêng lớn nhìn rất bề thế. Mái nhà là mảng chính chiếm 1/2 chiều cao của ngôi nhà, mái được lợp bằng đá tự nhiên tạo khối hình như một tảng đá vững chãi. Chức năng của mái là bảo vệ toàn bộ ngôi nhà và kiến trúc bên trong. Mái được lợp bằng đá đen, cắt vuông vắn, gồm 2 loại: loại vuông 25 x 25cm và loại 30 x 30cm, mỗi viên đá được cắt vát một góc cân đối, sâu vào 7cm, để khi ghép 2 viên lại sẽ khớp với nhau tạo thành đường thẳng, nếu cắt không đều thì khi lợp sẽ lệch, nghiêng và kéo theo cả hàng ngói sẽ nghiêng, chỗ tiếp giáp giữa 2 viên được phủ lên (đè lên) bằng một viên khác tạo thành hình vảy cá. Mỗi viên đá được dùi một lỗ nhỏ để luồn dây thép qua với tác dụng buộc vào litô giúp viên đá liên kết với khung mái. Mái đá nhìn như một khối đá khổng lồ, như sải cánh bao trọn lấy kiến trúc bên trong, đá chính là "tấm lá chắn" vũng chắc bảo vệ gia đình trước mọi tác nhân của môi trường. Có thể nói mái nhà lợp đá là một bộ phận vô cùng quan trọng tạo nên nét độc đáo, vẻ đẹp gắn với môi trường tự nhiên.

          Kiến trúc bên trong: Bên dưới lớp mái là phần đỡ đá lợp, là bộ phận chịu lực chính nâng đỡ toàn bộ hệ thống mái nhà. Phần này còn được gọi là kiến trúc mái, sườn mái hay khung kèo mái. Sườn mái gồm vì kèo, xà gồ, cầu phong và li tô. Các bộ phận liên kết chặt chẽ tạo thành mạng lưới dày đặc bên trong để chống đỡ toàn bộ sức nặng của đá lợp bên ngoài. Hệ thống bên trong được tạo bởi:

          Xà gồ hay còn gọi là đòn tay có đường kính 10 - 12cm, được làm từ loại gỗ quý có khả năng chịu lực tốt. Chức năng chính của xà gồ là tạo sự liên kết giữa các vì kèo, xà gồ được trải đều trên vì kèo, dọc mái.

          Cầu phong là bộ phận cấu thành kiến trúc bên trong mái, được làm bằng gỗ, cầu phong được trải đều dọc theo mái từ đỉnh xuống giọt gianh. Cầu phong dày 3 - 4cm, rộng 8-12cm, mỗi một mái cần khoảng 10 thanh cầu phong. Cầu phong được đặt vuông góc với xà gồ và được cố định bằng đinh sắt.

          Li tô là nơi các viên đá lợp sẽ buộc vào bằng dây thép vuông góc với cầu phong, song song với xà gồ. Tùy kích thước của đá lợp mái mà khoảng cách giữa hai li tô sẽ khác nhau, số lượng li tô phụ thuộc vào chiều rộng của mái. Li tô làm bằng tre già, dày, thẳng ngâm trong ao hoặc sông suối để tránh mối mọt, sau đó chẻ nhỏ vót đều với kích thước là 3cm. Li tô được trải đều, cố định với cầu phong bằng đinh sắt.     Sau cùng là đòn nóc, là bộ phận cao nhất của mái nhà. Đòn làm bằng gỗ, hình tam giác, cạnh bằng quay vào bên trong còn cạnh nhọn tam giác là đỉnh cao nhất của mái. Đòn nóc giống như xương sống của mái, che chở và bảo vệ cho nhà sàn. Kiến trúc bên trong mái khá dầy với nhiều bộ phận khác nhau, nhưng tất cả phải được làm chắc chắn bởi đây là bộ phận gánh toàn bộ đá lợp của mái nhà.

          Ưu nhược điểm của nhà sàn lợp mái đá

Ưu điểm: mái đá có vai trò chống nóng quan trọng, giảm thiểu lượng nhiệt hấp thụ giúp cho những ngôi nhà ở đây rất mát. Vì đá có độ dày, mỏng đều nhau nên nhiệt sẽ hạn chế không toả được xuống phía dưới (bên trong nhà). Ngoài ra, lợp đá cũng giúp mái không bắt lửa khi vào mùa phát nương đốt rẫy trồng hoa màu. Mái dốc thoát nước nhanh, không thấm nước, có độ bền cao, mức độ an toàn tốt, có liên kết giữa các viên đá với nhau hình vẩy cá vì thế mái nhà không bị xê dịch khi gặp gió bão, giông lốc,…

          Nhược điểm: Mái có độ nghiêng lớn dẫn đến việc hao tốn vật liệu khá nhiều khi làm; đá lợp tương đối nặng từ 1kg - 2kg/viên, do đó ảnh hưởng lên kết cấu của hệ thống bên trong. Vì vậy mỗi lần sửa chữa, tháo dỡ hay thay thế rất phức tạp mất nhiều thời gian, phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế, thời tiết.

Nhà sàn lợp đá mang những đặc trưng riêng thể hiện qua quan niệm, nếp sinh hoạt và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu, phản ánh nếp sống gia đình cùng các mối quan hệ xã hội. Với những giá trị tích cực về văn hoá tộc người Vì vậy, cần có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy, phát triển một cách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả để người dân có động lực giữ gìn di sản văn hoá độc đáo của cộng đồng trước ảnh hưởng của các trào lưu, sự du nhập của các nền văn hóa mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn Thành Chương (2021) https://laodong.vn/photo/doc-dao-nhung-khu-pho-nha-san-lop-da-o-dien-bien-969418.ldo. truy cập ngày 31/5/2023

2. Vũ Tam Lang (1999), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội.

Lễ hội "Đông Sửa" được tổ chức rất long trọng, là loại hinh sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Thái tại Bản Khá, lễ hội có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân trong xã hội, đã trở thành một nhu cầu, một khát vọng hướng đến cái tốt đẹp của nhân dân.

Theo tiếng Thái  "Đông" nghĩa là khu rừng thiêng, rừng cấm của bản, khu rừng này chỉ để bản dùng trong dịp lễ "Đông Sửa". "Sửa" nghĩa là áo thiêng, theo quan niệm của người Thái ở bản Khá "Áo thiêng" chứa đựng linh hồn của những người đã từng cai quản, quản lý khu rừng thiêng của bản. Hàng năm "Chảu Sửa" (Chủ áo) chọn ngày đẹp nhất của mùa xuân để tổ chức lễ hội "Xên đông sửa" (Cúng chủ áo). Những ngày này, mọi người gác lại hết công việc nhà, nương rẫy để tập trung cho việc chung cả bản. Trước khi thầy cúng làm lễ tại khu rừng thiêng từ sáng sớm người dân trong bản cùng nhau thịt lợn, thịt vịt, thịt gà, hái rau, xôi cơm,… mọi công việc nấu, nướng đều được làm tại khu rừng. Lễ vật được chuẩn bị chu đáo từ chọn gà, vịt, lợn thịt được sắp xếp theo tuần tự: lợn, gà, vịt và được bầy trên lá chuối,… Ngoài ra còn lễ vật của từng gia đình như vải khíp, đôi vòng tay, tiền vàng đều được đặt xung quanh theo tuần tự, người được chọn là đại diện chủ chủ hộ phải ngồi trực xung quanh nơi lễ cúng diễn ra.

Để tiến hành lễ cúng chính ở rừng thiêng còn có một lễ cúng tại gia đình người "Chủ áo" với mong muốn ông bà tổ tiên phù hộ, cho gia đình mạnh khoẻ, mọi điều đều may mắn, sau đó mới diễn ra lễ cúng tại rừng. Trước khi lễ cúng bắt đầu, thầy cúng làm lễ "Cẩn báo" với các vị thần lễ vật đã chuẩn bị xong, mời các vị thần "kiểm tra" lễ vật đã đầy đủ hay chưa, nếu đủ rồi thì buổi lễ chính thức được bắt đầu và được tiến hành nghiêm túc, trang trọng. Lễ cúng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các vị thần có công với bản, họ gửi gắm những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm. Với ý nghĩa tưởng nhớ về công ơn của người khai sinh ra bản, bảo vệ bản, cảm ơn các vị thần linh đã che chở cho dân làng. Đồng thời cũng là dịp cầu phúc, cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, một năm mới an khang thịnh vượng.

Sau phần lễ là các hoạt động của phần hội, các trò chơi dân gian cũng được đem ra trình diễn và được người dân cùng khách đến dự hăng hái tham gia như: Tung còn, thi bắt cá, xòe, trống chiêng, thi đan xọt, làm cút piêu, gói xôi,… Đến với lễ hội mọi người được gặp gỡ, vui chơi, giao lưu cùng với người dân trong bản,… Tất cả tạo nên một không khí hội náo nhiệt, vui tươi trên tinh thần đoàn kết và phát triển.

Qua lễ hội giúp con người được trở về cội nguồn của dân tộc, chứa đựng những ý nghĩa tốt đẹp, đạo hiếu với tổ tiên, mang ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người. Thể hiện sức mạnh cộng đồng, địa phương. Họ có chung một mục tiêu là đoàn kết để vượt qua khó khăn, đây cũng là dịp người dân được giải tỏa, giãi bày phiền muộn lo âu với thần linh và mong được giúp đỡ chở che để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời, qua lễ hội mở ra các giá trị văn hoá mới dựa trên nền tảng các giá trị văn hoá truyền thống hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá, du lịch cảnh quan, trải nghiệm,… đây cũng là hình thức giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống quý báu của cha ông được lan toả và trường tồn.