Đám cưới là một trong những nét văn hóa đặc trưng để phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Tuy nhiên, tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh sống mà nét văn hóa này có những điểm khác biệt và tương đồng, vừa thể hiện cái chung của cả cộng đồng tộc người, vừa thể hiện cái riêng mang đậm sắc thái địa phương.

Người Hmông ở Việt Nam là tộc người có dân số xếp thứ 8 về tỉ trọng dân số cả nước. Người Hmông cư trú tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… một phần ở tây Thanh Hóa, Nghệ An. Ngoài ra còn rải rác ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Người Hmông ở Việt Nam có nhiều nhóm khác nhau. Về tộc danh của tộc người này hiện vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Phía các cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thường sử dụng tên gọi Hmông trong các công trình nghiên cứu. Phía Ủy ban dân tộc và một số phương tiện thông tin truyền thông thường sử dụng tộc danh Mông. Hiện nay, cả hai tộc danh Hmông và Mông đều đang được sử dụng song song trong các công trình nghiên cứu và các văn bản pháp luật. Ngoài ra, các tộc danh như Mèo, Miêu, Mẹo, H’mông… cũng vẫn được nhắc đến nhưng không chính thống.

          Một điều dễ nhận thấy khi nghiên cứu về kiến trúc Ayutthaya là hầu hết các công trình kiến trúc đẹp nhất của vương quốc đều là các kiến trúc Phật giáo. Việc coi Phật giáo là quốc giáo khiến cho hàng loạt các công trình kiến trúc Phật giáo mọc lên ở khắp nơi và dấu tích của nó còn vô kể cho đến ngày nay.

 

                                                                                                                     Lường Hoài Thanh[1]

  1. Quá trình di cư của người Thái vào khu vực Đông Nam Á

Dân tộc Thái thuộc ngành phía Tây của nhóm các dân tộc thuộc ngữ hệ Tày - Thái (tên tộc người chính xác là Tai, Tay, Táy và những biến âm như: Thay Tháy, Dáy, Đài, Kađai…) trong ngữ hệ Nam - Thái (Australo - Thái) hay Thái - Kađai. Khu vực sinh sống của họ được phân bố ở các vùng thung lũng dọc theo các con sông lớn từ Nam sông dương Tử đến Mekong, Menam, Irrawaddy, sông Hồng, trong khu vực Bắc Đông Dương tạo thành một “vành đai” khổng lồ kéo dài từ phía Đông đến phía Tây Assam của Ấn Độ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, lịch sử của nhóm tộc người nói tiếng Thái đã diễn biến theo quy luật không ngừng “định cư” nhưng cũng không ngừng “di cư”. Trong quá trình đó, người Thái đã tạo ra không phải một mà nhiều “vùng đất tổ” trong lịch sử hàng ngàn năm của mình. Tuy nhiên, sớm hơn cả và được coi là địa bàn cư trú đầu tiên của tổ tiên tộc người Thái là một vùng miền rộng lớn: từ miền Vân Nam Trung Quốc cho đến Mường Theng (Mường Thanh) Việt Nam. Kí ức về “vùng đất tổ” này đã được lưu truyên trong dân gian và trong sử sách của người Thái nhiều nơi, được nhiều nhà nghiên cứu xem xét, khẳng định.

Năm 1967, trong công trình Lịch sử Lào (Bangkok), tác giả M.L.Mannich đã dành hẳn một chương cho việc tìm hiểu về lịch sử khởi nguồn của người Thái. “Người ta nghĩ rằng, quê hương đầu tiên của người Thái là ở vùng núi Altai. Lúc đó họ chưa được gọi bằng cái tên này. Họ dần dần di chuyển về phía Nam lưu vực sông Hoàng Hà và sau đó là sông Trường Giang. Lúc đó là khoảng 5000 năm TCN... Lịch sử của người Thái trước khi họ đến Vân Nam ở phía Nam Trung Quốc thì rất mơ hồ và họ được cho là đã hình thành hai vương quốc ở phía Bắc của tỉnh Tứ Xuyên gọi là vương quốc của Lung (bác) và vương quốc của Pa (chú). Người Hán tràn xuống và tấn công họ lần nữa và chỗ họ đến tiếp theo là Ngio. Ngio được thành lập vào năm 212 TCN. Điểm định cư tiếp theo là Pegnai…. Người Thái lúc này được gọi chung là Ngai lao (Ailao)”[2].

Cùng với ý kiến trên, tác giả Rong Syamananda trong cuốn Lịch sử Thái Lan cũng đã tổng hợp ý kiến của nhiều học giả và khẳng định “Người Thái sinh sống ở vùng Tây Bắc của Tứ Xuyên từ hơn 4000 năm TCN; sau đó họ bắt đầu di cư dọc theo sông Dương Tử để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Khi tiếp xúc với người Trung Quốc, họ đã có một cuộc chạy đua tuyệt vời, nhưng họ không đoàn kết với nhau thành một quốc gia. Họ được chia thành các bộ lạc hoặc nhóm có các hoàng tử hoặc các thủ lĩnh đứng đầu. Họ đã tự gọi mình bằng các tên riêng như Mung, Lung, Pa nhưng người Thái tự gọi mình là Ailao. Khoảng năm 936 TCN, người Tartar đã bắt đầu xâm nhập vào phía Tây Trung Quốc và sớm quấy nhiễu vương quốc của Lung. Không thể chống lại áp lực của người Tartar, người Thái tại vương quốc Lung đã di chuyển về phía Tứ Xuyên, nơi họ sáp nhập với một nhóm Thái của vương quốc Pa lập nên một vương quốc mới là Ngiou”[3].

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu của các tác giả Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng… cũng đều khẳng định quê hương tổ tiên của người Thái ở vùng Vân Nam và Mường Theng. “Các truyền thuyết và tài liệu chép tay của người Thái, Lào và Lự ở Tây Bắc và ở Lào tìm được đều thống nhất ghi chép quê hương xưa của người Thái, người Lào và người Lự trước khi di cư vào Đông Dương là ở miền “chín con sông gặp nhau” tức là miền các con sông Hồng (Nặm Tao), sông Đà (Nặm Tè), sông Mã (Nặm Ma), sông Mekong (Nặm Khoong), sông Nặm Na, Nặm U và ba con sông chưa rõ tên ở Trung Quốc. Những tài liệu trên còn chép tổ tiên xưa ở các mường (tức các khu vực, các “nước”) như Mường Ôm, Mường Ai, Mường Lò, Mường Hỏ, Mường Bo – te, Mường Ốc, Mường Ác, Mường Tum Hoàng. Hiện nay các tên đất này đã được xác định đều ở miền Vân Nam hiện nay. Đáng chú ý là còn có cả Mường Then hay Mường Theng tức Miền Điện Biên Phủ hiện nay. Xưa Mường Then có lẽ rộng hơn bao gồm Mường Tè, sông Mã ở Tây Bắc Việt Nam và một phần tỉnh Phong-sa-lỳ thuộc nước Lào nữa” [4].  

Còn theo tác giả Cầm Trọng trong cuốn Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam thì cho rằng “Có thể thấy sự xuất hiện tên đen, trắng để chỉ các tộc người cư trú ở miền Vân Nam trong các thư tịch cổ Trung Quốc như Man thư, Đường thư…Vào thời Lưu Tống (thế kỉ V Công nguyên) đã có các tên Ô man đông Thoán (người Man đen ở phía đông đất Thoán) hay còn gọi là Di; Bạch Man tây Thoán (người Man trắng ở phí tây đất Thoán) hay còn gọi là Bạch, Bặc” [5].

  1. Sự hình thành các tiểu quốc đầu tiên của người Thái tại khu vực Đông Nam Á

Theo truyền thuyết về Khun Borom, các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Thái như Thái Đen, Thái Trắng, Thái Đỏ và các nhóm tương tự đã bắt đầu di cư khỏi phía Nam Trung Quốc với các nhóm Shan, Ahom, Lu và Thái Bắc (Thái Yuan – Thái Lớn) vào thế kỉ VIII và thế kỉ XI “Nhóm người nói ngữ hệ Thái được chia thành 5 nhóm. Đầu tiên, nhóm phía Bắc ở lại Trung Quốc tiếp tục phát triển và trở thành tổ tiên của người Chuang (Choang) hiện nay. Thứ hai, nhóm Thái ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam, tổ tiên của người Thái Đen, Trắng và Đỏ. Nhóm Thái thứ ba được bản địa hóa tại một nơi nào đó ở phía Đông Bắc Lào và lân cận của Việt Nam, tổ tiên của người Thái Siang Khwang (Xiêng Khoảng) và Siam - Ayutthaya. Nhóm thứ tư có lẽ ở phía Bắc Lào trong vùng lân cận của Luang Prabang và cuối cùng chắc chắn là nhóm Thái ở phía Tây, vùng cực bắc Thái Lan và phần tiếp giáp Lào, Việt Nam và Miến Điện” [6].

Đợt thiên di mạnh mẽ nhất của người Thái bắt đầu diễn ra từ thế kỉ IX đến thế kỉ X. Một bộ phận Thái ở thượng lưu Tây Giang đã men theo triền sông Đà và sông Mekong đi về phía Nam. Cho nên trong thời gian này đã xuất hiện một số điểm tụ cư của người Thái ở vùng sông Đà như Mường Lay, Mường Tè, Mường La… Chính quá trình di cư này đã góp phần hình thành nên ở khu vực (bây giờ là) Tây Bắc Việt Nam một điểm tụ cư được gọi là Síp hốc châu táy (Mười sáu châu Thái).

Một bộ phận khác của người Thái đã đi về phía Tây, đến thượng lưu Irrawaddy lập nên các vùng quần cư của người Thái (gọi là Shan, Maa hay Pong) với các vương quốc cổ như Mogaung ở Thượng Miến năm 1215. Năm 1223, một vương quốc cổ của người Shan được thành lập. Năm 1229, một vương quốc khác là Assam của người Ahom ở phía Đông Ấn Độ cũng xuất hiện và tồn tại cho đến năm 1842 thì được sáp nhập vào lãnh thổ Ấn Độ thuộc Anh.

Theo GS Vũ Dương Ninh trong cuốn Lịch sử vương quốc Thái Lan: “Vào thế kỉ VIII, ở miền cực bắc Thái Lan đã xuất hiện một vương quốc của người Thái, kinh đô là ChiêngSaen được xây dựng năm 773. Năm 1096, ở lưu vực hai dòng sông là Ping và Oang, phía bắc thành phố Raheng ngày nay, đã thành lập một vương quốc độc lập của người Thái là Payao. Năm 1262, một bộ phận người Thái lập nên quốc gia của họ là Chiêngrai phía Bắc Thái Lan. Trong vòng ba chục năm, vua xứ Chiêngrai là Mawnglai (Mangrai) chinh phục các vương quốc láng giềng lập nên vương quốc Lanna ở phía Bắc “một triệu thửa ruộng”, đóng đô ở Chiang mai…Cùng với đó là sự ra đời của vương quốc Sukhothai (1260), và sau đó là Ayutthaya (1350) - tiền thân của nhà nước Thái Lan hiện đại”[7]. Người Thái ở miền Trung Thái Lan được gọi là Thái Nọi tức là Thái Nhỏ để phân biệt với người Shan ở Myanma là Thái Yai hay Thái Lớn.

Còn theo D.E.G Hall: “Người Thái chưa bao giờ ngừng di chuyển. Họ cứ từ từ, rất từ từ thâm nhập theo các con sông và các lưu vực của miền Trung Đông Dương. Các nhóm nhỏ người Thái định cư giữa những người Khmer, người Môn và người Miến Điện. Những lính đánh thuê người Thái cũng đã xuất hiện trên các bức khắc nổi của đền Ăngco Vát. Trước đó từ rất lâu, họ từ các lưu vực sông Salween và Mêkông đi vào lưu vực sông Mê Nam ở phía Bắc Raheng, nơi giao nhau của hai con sông Me’ping và Mewang một quốc gia độc lập của người Thái tên là Payao đã ra đời vào đầu năm 1096”[8].

Về nhánh di cư vào Lào, Đặng Nghiêm Vạn cũng như nhiều nhà nghiên cứu đều khẳng định, người Thái di cư vào Lào thành nhiều đợt, mạnh mẽ nhất vào khoảng thế kỉ thứ VIII dựa trên các câu truyện truyền thuyết liên quan đến nhân vật được coi là thủy tổ của người Thái là Khun Borom và con trai Khun Lò. Đến năm 1353, Pha Ngừm đã giải phóng các mường Lào khỏi quân đội Sukhothai và thành lập nên vương quốc Lào độc lập.

Như vậy, cho đến thế kỉ XI, người Thái đã không ngừng di chuyển xuống phía Nam, không chỉ sống trong vùng lưu vực sông Mêkông, dọc theo sông Nậm U với khu vực Luang Prabang và Tây Bắc Việt Nam tới lưu vực sông Chaophraya Mê Nam. “Có thể họ đã bị các cuộc chinh chiến của quân Nguyên Mông đẩy về phía Nam vào cuối thế kỉ XII. Cũng có thể họ di cư do các mối quan hệ thương mại hoặc đơn giản là họ chuyển đến những vùng đất chưa có người định cư” [9].

Năm 1253, việc Hoàng đế Nguyên Mông Hốt Tất Liệt đánh chiếm Nam Chiếu đã gây ra một “sự  sôi sục” mạnh hơn nữa trong người Thái. Chính quyền Nguyên Mông đã thi hành chính sách “chia để trị” truyền thống và ủng hộ việc thiết lập một loạt các quốc gia của người Thái để chống lại chính quyền cũ. Chính điều này đã giúp các thủ lĩnh người Thái tại khu vực sông Mê Nam nổi lên giành chính quyền, thôn tính các tiểu quốc của người Môn và đã xây dựng nên Vương quốc Thái thống nhất đầu tiên tại khu vực Mê Nam, mở đường cho sự toàn thịnh của người Thái tại khu vực này vào giai đoạn sau.

Tóm lại, người Thái từ vùng Vân Nam Trung Quốc đã thiên di xuống khu vực Đông Nam Á theo nhiều đợt khác nhau, rõ nét nhất là từ thế kỉ VII, VIII từ nhà nước Nam Chiếu và tiếp sau đó là đợt di cư mạnh mẽ vào thế kỉ XI, XII từ nhà nước Đại Lý, dưới sức ép của triều đình nhà Tống và đặc biệt là dưới sức mạnh quân sự của quân Nguyên Mông. Quá trình di cư của người Thái gắn liền với quá trình cộng cư, phát triển một cách thịnh vượng và vững chắc trong sự đan xen với các tộc người khác, hình thành các vương quốc cổ của tộc người trong suốt một dải ở khu vực Đông Nam Á lục địa, nên nhiều nhà nghiên cứu còn gọi giai đoạn lịch sử này là “thế kỉ của người Thái”.

Quá trình di cư của người Thái cũng là quá trình mà người Thái từ một gốc ngôn ngữ và văn hóa chung - văn hóa cội nguồn, dần dần vỡ ra để hình thành nên các nhóm địa phương cũng như những cộng đồng tộc người khác ở khu vực Đông Nam Á. Hai bộ phận người Thái định cư tại Lào và Thái Lan đã phát triển thành hai quốc gia dân tộc. Ngược lại, các bộ phận còn lại của tộc người Thái sau khi hoàn thành quá trình tụ cư, định cư và di cư lan tỏa đã dừng lại trong trạng thái tổ chức Bản Mường rồi gia nhập thành dân tộc thiểu số của các quốc gia khác Thái như trường hợp ở Việt Nam, Trung Quốc, Myanma, Ahom…trong khoảng từ thế kỉ XIV trở về sau.

 

[1] Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Bắc -  Trường Đại Học Tây Bắc

[2] Mannich, M.L (1967), History of Laos (including the history of Lanna Thai, Chiang Mai) Lịch sử Lào (bao gồm cả lịch sử của Vương quốc Thái Lanna), copyright: Chalesmit, 1 -2 Erawan Arcade, Bangkok. Tr11

[3] Rong Syamnanda (1976), A History of Thailand, (Lịch sử Thái Lan) Bangkok: Chulalongkorn University. Tr7 - 8

[4] Đặng Nghiêm Vạn  (cb) (1968), Sơ bộ bàn về quá trình hình thành các nhóm dân tộc Tày - Thái ở Việt Nam. Mối quan hệ với các nhóm Nam Trung Quốc và Đông Dương, Nhà xb Khoa học xã hội, Hà Nội. Tr31

[5]Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nhà xb Khoa học xã hội, Hà Nội. Tr29

[6] David K.Wyatt (1982), Thailand a short History (Tóm tắt lịch sử Thái Lan), Yale University Press, New Haven and London. Tr.12

[7] Vũ Dương Ninh (1990), Vương quốc Thái Lan - lịch sử và hiện tại, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Hà Nội. Tr.42

[8] D.E.G. Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Nhà xb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tr.272

[9] Chris Baker và Pasuk Phongpaichit (2005), Lịch sử Thái Lan, (bản dịch của Võ Thị Thu Nguyệt lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á). Tr.13

 

Tây Bắc không chỉ là xứ sở hùng vĩ, hiểm trở, thơ mộng với những cánh rừng đại ngàn, những triền ruộng bậc thang mà còn là một kho trầm tích văn hóa dân gian được hình thành, lưu giữ và phát triển từ ngàn đời.

Ngọc Chiến là một trong 16 xã của huyện Mường La, cách trung tâm huyện 34 km. Phía Đông giáp xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; phía Tây giáp xã Nặm Păm; phía Nam giáp xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La; phía Bắc giáp xã Nặm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, La Ha và Kinh. Người Mông ở Ngọc Chiến thuộc 2 nhóm: Mông Đu (Mông Đen) và Mông Lềnh (Mông Hoa). Người Mông là tộc người còn nhiều giá trị văn hóa ít bị mai một nhất so với các tộc người khác cùng sinh sống như: nghề thủ công chế tác khèn, nhuộm chàm, thêu dệt thổ cẩm, rèn,... Đặc biệt là loại hình nhà ở mang dấu ấn tộc người, nhà ở của người Mông có những đặc trưng về kiến trúc không lẫn với nhà ở của các cộng đồng người trong vùng. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, giao lưu, với các tộc người khác cũng như tác động của điều kiện tự nhiên nhà ở của người Mông cũng bị tác động và ảnh hưởng rõ nét.

            - Nhà ở của người Mông tại xã Ngọc Chiến hiện nay: Nhà làm bằng gỗ pơ mu và các loại gỗ quý trên núi cao, nơi mây mù bao phủ. Họ san nền bằng phẳng để dựng nhà, nhà thường dựa vào núi hoặc nơi có địa thế dựa lưng vững chắc, kiêng quay lưng ra các khe sông, suối, vực sâu. Chất liệu làm nhà là gỗ, tre, nứa,... người Mông tận dụng sự phong phú về nguyên vật liệu trong tự nhiên. Nhà thấp, cửa ít mở có tác dụng giúp cho không gian mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, ngoài ra còn có thể giúp chống thú dữ và sương mù bao phủ. Nhà thông thường có 3 gian, 2 chái, cửa ra vào gồm một cửa chính và 2 cửa phụ, bên cạnh đó còn có 2 cửa sổ, không có cửa sổ hậu vì thế nhà người Mông thường ít cửa hơn so người người Kinh. Mái nhà không lợp ngói như người Thái mà được lợp hoàn toàn bằng gỗ.

            Gian bên phải vào là bếp và buồng ngủ gia chủ, gian bên trái vào là giường khách, bếp sưởi hoặc bếp lò, gian giữa rộng hơn hai bên đặt nơi thờ cúng tổ, đồng thời là nơi tiếp khách và ăn uống của gia đình. Gian ngủ của vợ chồng, con cái được bố trí kín đáo để đảm bảo sinh hoạt riêng tư. Các cửa được mở vào trong và thường có bục, cửa phụ dành cho phụ nữ mới sinh để qua lại, khi gia đình có khách mới mở và đi cửa chính. Trong nhà có chiếc cột trụ đặt ở vì của gian giữa nối với nóc nhà. Cột được đẽo vuông hoặc tròn, có đường kính 6 - 8cm. Khi trong nhà có công to việc lớn, gia chủ thắp hương lên bàn thờ hoặc nơi thờ cúng và ở chân cột trụ để báo cáo với tổ tiên, thổ công biết. Không gian bên ngoài nhà người Mông thường lấy đá xếp thành tường bao hoặc rào bằng tre, phên gỗ để che chắn xung quanh nhà.

            Quan niệm của người Mông cho rằng, mọi thành viên sống trong nhà đều khỏe mạnh, làm ăn phát đạt là nhờ những lực lượng siêu nhiên phù hộ. Lực lượng siêu nhiên trong văn hóa Mông gồm các loại ma ngự trong ngôi nhà. Theo Tiến Sĩ Trần Hữu Sơn thì: Xử ca, là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống các ma nhà người H'mông. Xử ca gắn liền với ý niệm giàu có, nhất là về tiền bạc. Nơi thờ xử ca là tấm ván hậu gian giữa nhà. Nơi thờ được gián hai miếng giấy bản màu vàng và bạc cắm 3 (hoặc 9) lông gà, bôi ít máu gà. Mỗi năm cúng xử ca một lần vào đêm 30 tết,... Ma cột chính: cột chính là cột giữa của vì kèo thứ 2 ,... cột tượng trưng cho sự hưng thịnh của gia đình, liên quan đến sức khỏe và vận mệnh của gia đình,...Ma cửa (xìa mềnh) có nhiệm vụ như người lính gác cửa, ngăn ma ác vào nhà, bảo vệ gia súc, bảo vệ của cải, bảo vệ các hồn ngăn cho các hồn trong nhà không bỏ đi,...Ma buồng (đá trùng), Ma bếp (đá kho trù), Ma bếp lửa ở gian giữa (hú sinh), Ma bảo vệ hồn lúa, hồn ngô. Đối với người Mông, nhà ở cũng có linh hồn của ngôi nhà, chính là những con người sống trong đó. Ngôi nhà ở vừa đại diện cho văn hóa vật thể của tộc người vừa chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa tinh thần.

- Cấu trúc nhà: Với chất liệu làm nhà hoàn toàn là từ thực vật, tận dụng sự phong phú về thực vật, hiểu biết môi trường, độ ẩm lớn, nhiều thú dữ, mặt bằng không bằng phẳng,... Nhà ở đã hình thành lối sống gần gũi với thiên nhiên, cấu trúc của nhà là không gian mở ra nhiều phía, tiếp cận và hòa đồng với thiên nhiên. Kiểu dáng nhà thấp mang nét đặc trưng riêng biệt, đến bất kỳ bản người Mông nào ở huyện Bắc Yên cũng bắt gặp cấu trúc ngoại thất của nhà ở bao gồm: nhà chính để ở, các công trình phụ cận như nhà phụ, chuồng gia súc gia cầm, vườn rau.

- Mặt bằng: Nhà ở có cấu trúc phổ biến là loại nhà 3 gian hai chái. Mái dốc thấp nên trong nhà thường thiếu ánh sáng, xung quanh được bưng bằng ván gỗ. Bộ vì kèo thường là 3, 5, 7 cột hoặc những biến thể 4 cột. Nhà có cấu trúc không gian theo chiều cao, chia làm 2 tầng cơ bản: nền và gác. Khi bước vào cửa nhà chính, nhìn thẳng vào gian chính giữa sẽ là bàn thờ tổ tiên, người Mông gọi là "xử ca" của gia đình. Bàn thờ tổ tiên được dán giấy và lông gà, ống tre để cắm hương, cách bài trí khá đơn giản. Mỗi chi, mỗi họ sẽ có cách bài trí gian thờ khác nhau.

Gác trong nhà được ngăn bằng gỗ phía bên trên phòng của chủ nhà, kích thước tương đương với kích thước của bếp, có chiều cao vừa tay với của người trưởng thành. Gác có tác dụng dùng để cất giữ các loại thực phẩm khô và để các loại hạt ngô, thóc,... gác được tạo bởi những tấm ván gỗ một đầu gác lên xà ngang một đầu gác lên vách nhà. Để lên gác người Mông làm cầu thang là thanh gỗ đặc đẽo vát tương ứng với bước chân người trưởng thành.  Ngoài ra, trong nhà còn có thêm các bộ phận phụ nhưng lại không thể thiếu đó gác bếp, gác để bát hoặc gác treo đồ ăn.

- Cấu trúc khung nhà: Bộ vì kèo khá đơn giản, gồm: cột, xà, kèo, thanh ngang,... nhằm tạo nên hình hài của ngôi nhà đồng thời là bộ phận chính tạo nên sự vững chãi, lien kết các bộ phận, các gian với nhau. Trong bộ vì kèo thì hệ thống cột là điểm tựa cho ngôi nhà có nhiệm vụ trụ vững trên mặt đất. Các bộ phận khác như xuyên, kèo,... đều liên kết với cây cột thông qua các lỗ đục trên thân cột. Nhà có 2 loại cột: cột cái và cột quân là những cây cột có kích thước lớn nhất (25 - 30cm) cột quân nằm ở ngoài cùng 2 bên còn cột cái nằm ở giữa, các cột sẽ chịu lực theo phương thẳng đứng từ trên xuống. Trước đây nhà ở chủ yếu làm cột tròn, dọc theo hình dáng tự nhiên của thân cây, tuy nhiên hiện nay đa số làm nhà cột vuông, cột vuông có kích thước nhỏ hơn so với cột tròn nhưng lại rất thuận tiện trong việc bật mực và đục lỗ xuyên, khi lắp các bộ phận của khung nhà cũng dễ dàng hơn, thông thường nhà gồm 8 cột cái và 12 cột quân.

Nhà ở truyền thống của người Mông xã Ngọc Chiến

Kèo là những thanh gỗ vắt chéo lại thành hệ thống kết nối các đầu cột của vì. Đây là bộ phận kết hợp cùng với xà tạo thành hình dáng mái nhà. Kèo được lắp vào hệ thống cột trong cùng bộ vì tạo nên hình chóp của mái. Phía đầu xuyên qua các rãnh mộng, thắt, trước khi đục các rãnh, lỗ mộng cần phải tính toán đến kích thước của kèo sao cho vừa khít. Xuyên là hệ thống những thanh gỗ chịu lực theo phương nằm ngang, xuyên qua các thân cột từ nhiều vị trí khác nhau. Xuyên có chức năng liên kết với các cột tạo thành bộ vì kèo và liên kết các bộ vì kèo với nhau tạo thành bộ khung nhà. Xà có hai chức năng cơ bản là dung để xuyên ngang và xuyên dọc: xuyên ngang là xuyên nằm trong bộ vì kèo, liên kết với hệ thống cột, kèo tạo nên bộ vì kèo; xuyên dọc là xuyên tiên kết các bộ vì kèo lại với nhau. Để bộ khung được vững chắc, có sức bền chịu được thời tiết khắc nghiệt thì cột, xà, xuyên, kèo phải làm từ các loại gỗ tốt.

- Cấu trúc mái: Hệ thống các bộ phận tạo thành mái nhà gồm: xà nóc, rui, mè, cạp mái,gỗ lợp có tác dụngche chắn mưa nắng cho con người sống trong nhà. Trước đây mái nhà thường được lợp bằng gỗ pơ mu, mái gỗ có kích thước rộng 50cm, dài 1,2m, dày 3 – 5cm được đan xen kẽ và cố định với rui, mè bằng hệ thống dây buộc. Mái nhà mang đặc trưng riêng biệt dễ nhận dạng, độ bền cao mang tính văn hóa vùng miền rõ nét. Các cây đòn tay trong hệ thống mái dài đều từ trên đỉnh nóc xuôi xuống hai bên theo chiều vuông góc với kèo. Đòn tay có thể làm bằng gỗ hoặc tre, thẳng chắc để có thể chịu lực tốt. Rui rải đều theo chiều xuôi của mái theo chiều gốc quay xuống dưới, bên trên các hàng rui là những thanh mè được dải vuông góc tạo thành các ô vuông. Các bộ phận của bộ khung mái được cố định với nhau bằng lạt, mây buộc. Đối với nhà lợp gỗ thường có thêm cạp mái, là những thanh tre giống như những thanh mè. Cạp mái được sử dụng để ép chặt mái gỗ xuống khung mái,  mái có dốc nên có thể thoát nước nhanh, đảm bảo cho ngôi nhà không bị dột khi trời mưa to. Nhìn chung mái nhà thường phủ xuống thấp cách mặt đất 170cm, do cấu tạo 4 mái, hai mái chính và hai chái nên có lác dụng cản gió bão và không bị hắt mưa vào nhà.

- Vách và hệ thống cửa: Là hệ thống bưng, rào, trình... để che chắn xung quanh nhà hoặc ngăn các buồng, gian,... đa số nhà ở làm bằng vách gỗ, hệ thống vách bao quanh bưng kín để che gió lạnh. Chính vì thế mà trong nhà thường bí và thiếu ánh sáng. Hệ thống cửa khá đơn sơ, thông thường chỉ mở một cửa ra vào ở đầu chái, cửa ra vào được làm bằng gỗ, có hai loại cửa đó là cửa chính và cửa phụ, cửa phụ ở 2 chái. Tất cả các cửa đều có bục cửa, cửa có hai cánh được mở vào trong. Nhưng dù là loại cửa nào thì cũng có cấu tạo tương tự nhau, đều được cố định với khung cửa thông qua chiếc trụ ngăn ở hai đầu trên và dưới có lác dụng làm trụ xoay khi đóng mở. Cửa được chốt bằng một chiếc then cài ngang giữa cánh cửa và khung đối với cửa một cánh, và giữa hai cánh cửa đối với cửa hai cánh.

Nhà người Mông ở Ngọc Chiến hệ thống cửa sổ ít khi mở, thường mang tính chất tượng trưng, không thoáng, thiếu ánh sáng. Cửa sổ có cấu tạo tất đơn giản, chỉ có thanh gỗ bắc ngang cách mặt đất khoảng 60cm, chiều rộng thì tùy mỗi gia đình, có thể làm 80cm hay 1m cũng có thể làm nhỏ hơn. Ở giữa có thanh ngang và các thanh chấn song làm bằng gỗ vuông hoặc tròn đơn giản và không chạm khắc trang trí hoa văn. Trong những năm gần đây, nhà có biến đổi về cấu trúc phên, vách, cửa và cửa sổ. Thay cho vách phên gỗ thô sơ, mái gỗ, nền đất thì đã xuất hiện vách xây hoặc luồn gạch, mái được lợp bằng các loại vật liệu công nghiệp mới, nền được dát đá, gạch. Hệ thống cửa cũng được cải tiến theo hướng chắc chắn và mở rộng hơn, thoáng hơn để ánh sang vào nhà. Nhà ngày càng trở nên kiên cố, chắc chắn hơn bởi ngoài mục đích che nắng, che mưa nó còn có tác dụng tích trữ của cải, vật chất, đặc biệt là nhận diện những gia đình có kiều kiện kinh tế trong vùng.