Người Thái Sơn La có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng có liên quan đến sản phẩm gốm như: xên bản, xên mường, lễ hội cầu mưa, cúng rừng cầu may, cúng ma,… gốm dùng để đựng hương, đựng nước trong các buổi cúng tế… ngoài ra gốm được dùng làm vật trao tặng cho các đôi trai gái lúc lên vợ lên chồng, làm vật phẩm tặng lên nhà mới. Sản phẩm gốm có mặt ở khắp các bản làng người Thái sinh sống được người dân mang đi trao đổi với phương thức trao đổi lấy các nông sản như: bông, vải, thóc,… với quan niệm hàng hóa đem đổi càng xa thì giá trị càng cao.

Tháng 10 năm 2020, trong quá trình thực tế chuyên môn, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (Trường Đại học Tây Bắc) đã tiếp cận bộ sưu tập gốm cổ của gia đình ôngVũ Đại Tá ở Tổ 2Phường Quyết Tâm, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.

Qua quan sát, trao đổi với người sở hữu chúng tôi thu thập được một số thông tin sau:

  1. Loại thứ nhất(số lượng 5 hiện vật)

Chum to (tiếng Thái gọi là hay ham): Dùng để đựng, ngâm rượu, chứa nước, nhuộm chàm.Màu sắc: hanh đỏ, đen, trắng ngà. Kích cỡ: cao 52 - 55cm, đường kính miệng 22 - 25cm, đường kính đáy 20cm, cổ dài 5 – 7cm, có họa tiết hoa văn “gờ nổi” và hình gấp khúc nhỏ ở phần cổ bình. Xuất xứ và nhận định: hiện vật được sưu tầm năm 2019 tại xã Mường Chanh nơi có nghề gốm cổ của người Thái.

  1. Loại thứ hai (số lượng 14 hiện vật)

Chum nhỡ (tiếng Thái gọi là hay bắc): dùng để làm rượu cần, đựng măng chua,... Màu sắc: xám, trắng ngà. Kích cỡ: cao 35 – 40cm, đường kính miệng 20 – 22cm, đường kính đáy 17 - 20cm, cổ cao 3 - 5cm. Cổ bình thẳng, có gờ, bụng tròn thon đáy, đáy bằng, có họa tiết hoa văn 3 đường đắp nổi và họa tiết gấp khúc khắc chìm bao quanhphần cổ bình.Hiện vật được sưu tập tại xã Chiềng Chung, Chiềng Kheo (huyện Mai Sơn), và thành phố Sơn La.

  1. Loại thứ ba (số lượng 5 hiện vật)

Loại nhỏ nhất (tiếng Thái gọi là om) dùng đựng cá mắm, muối dưa, gia vị,...Màu sắc: đỏ, xám. Hiện vật có miệng loe, vai và thân thu dần về phía đáy, đáy bằng. Họa tiết hoa văn gờ nổi, hình răng cưa, sóng nước. Hiện vật được trang trí họa tiết hoa văngấp khúc và đường xóng nước đều nhau chạy quanh cổ và vai bình.Hiện vậtđược sưu tập tại xã Mường Chanh, người sở hữu bình gốm cho biết gốm được mua tại lò gốm trong xã Mường Chanh khoảng năm 1980 - 1985.

Gốm Mường Chanh được phát hiện tại gia đình ông Vũ Đại Tá

Nguồn ảnh: Vũ Đại Tá

 Dựa vào đặc điểm hình dáng và họa tiết hoa văn, màu sắc của gốm thì đây là loại gốm sản xuất tại xã Mường Chanh, được người dân mang tới các bản, xã và các vùng lân cận bán, trao đổi lấy thóc, vải từ những năm 1980 – 1981. Hiện nay, nghề làm gốm xã Mường Chanh, huyên Mai Sơn (Sơn La) còn duy nhất một hộ gia đình còn hoạt động sản xuất gốm.

Việc phát hiện bộ sưu tập gốm có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở trong việc nghiên cứu, phát hiện cho việc tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử nghề gốm và các loại hình gốm của cộng đồng người Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Bản Lụ thuộc huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân Lào, cách cửa khẩu Quốc gia Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La, Việt Nam) khoảng 8km, là một bản thuần nông nằm bên dòng Sông Mã, sông bắt nguồn từ tỉnh Điện Biên chảy qua địa phận xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) thì đổ sang nước bạn Lào. Ở bản Lụ có nhiều nghề thủ công truyền thống tồn tại lâu đời phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như nghề dệt, nghề trồng lúa nước,… đặc biệt là nghề làm gốm thủ công đã tồn tại lâu đời phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân.

Trong quá trình nghiên cứu, thông qua một số cán bộ người Lào được biết nghề có từ rất lâu đời, tuy nhiên cụ thể từ khi nào thì không có những bằng chứng rõ ràng, qua trao đổi với trưởng bản và cán bộ Phòng Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện Mường Ét được biết nghề có cách ngày nay khoảng 120 - 200 năm, cũng có thông tin nghề gốm bản Lụ có cách đây khoảng 400 năm.

Nguồn gốc của nghề bắt nguồn từ một gia đình có 8 anh em người ở Xiềng Đồng, huyện Xiềng Thòng (tỉnh Luông Pha Bang) di cư tìm những nơi có nguồn đất màu mỡ, cạnh nguồn nước để sinh sống, lập nghiệp xây dựng bản làng. Trong quá trình di cư, họ đã chọn mảnh đất bên cạnh dòng Sông Mã, người Lào gọi là sông Sốp Hồng Lụ, để sinh sống. Họ cải tạo đất, đắp đất, làm mương dẫn nước vào ruộng để canh tác lúa nước và gọi cánh đồng bên dòng Sông Mã là cánh đồng Đông (bản Lụ ngày nay). Trong quá trình sinh sống, lao động, 8 anh em đã phát hiện ra chất đất ở cánh đồng Đông rất mịn, dẻo không có sỏi, tạp chất có thể làm gốm (8 anh em này từng làm gốm ở Luông Pha Bang), họ đã lấy đất nặn thành các đồ đựng đem phơi khô, sau đó chất củi đốt cho thật chắc, khô để sử dụng. Khi thấy các đồ vật làm từ đất hiệu quả phục vụ cho đời sống, 8 anh em tiến hành làm gốm, và nghề gốm ở bản Lụ bắt nguồn từ đó.

Để có cái nhìn rộng hơn, chúng tôi tiến hành so sánh với gốm của người Thái ở Sơn La, qua nghiên cứu thấy rằng gốm Lào khá tương đồng với gốm Thái như: quy trình chế tác, lò nung, mục đích sử dụng, tập quán sử dụng, thói quen sử dụng các đồ dùng được chế tạo bằng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, nguồn khai thác đất,… Tuy nhiên, đất ở đây mịn hơn, gốm cũng ít méo và lỗi hơn. Giống với gốm Thái (Sơn La) trong dòng chảy của nền kinh tế nông nghiệp, tự cung tự cấp, đời sống người dân khó khăn, các sản phẩm bằng chất liệu hiện đại nhập khẩu hạn chế, mặt khác các sản phẩm gốm lại đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với thói quen sử dụng được người dân ưa chuộng, do đó nghề gốm bản Lụ có điều kiện phát triển.

Hiện nay, ở bản Lụ còn 4 gia đình làm gốm: gia đình Sổm Phăn; gia đình Bun My; gia đình Khăm Pan; gia đình Phăn Thoong. Người Lào thường làm gốm vào tháng 1 hoặc tháng 2 hằng năm, họ làm liên tục trong thời gian đó, gốm được làm nhiều mẻ với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau phục vụ nhu cầu và mục đích sử dụng của người dân. Ở bản Lụ, người ta làm các loại sản phẩm: Chum dùng để ủ rượu, làm rượu cần, làm cá mắm; bát đựng thức ăn; cối để giã gia vị, đựng các loại hạt giống; chậu đựng nước; nồi để nấu ăn, đặc biệt có loại chum nhỏ dùng trong tang lễ. Trong tang lễ người Lào vẫn sử dụng hình thức hỏa táng, sau đó lấy xương đặt vào chum, lấy vải phủ kín rồi mới đem chôn.

Nguồn tiêu thụ gốm chủ yếu tại chợ thị trấn huyện Mường Ét, trong tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Xiêng Khoảng. Khi mang bán tại các tỉnh xa họ thường chở bằng ôtô (như vận chuyển các loại hoa quả sang Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), còn gần hơn họ dùng xuồng máy để vận chuyển.

Đây là nghề gốm có nhiều tương đồng với gốm Thái ở Sơn La (Việt Nam) về tri thức, cách thức tạo ra sản phẩm cũng như nhu cầu và mục đích sử dụng gốm. Thông qua phát hiện này có thể thấy được khái quát về giá trị, nét tương đồng, văn hóa sử dụng, sự thích ứng của con người dựa vào môi trường tự nhiên. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chuyên môn có những định hướng nghiên cứu dài hạn, bởi lịch sử của nghề gốm đang có những nhận định chưa thực sự thống nhất, nguồn gốc cũng chưa tương đồng,… Vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn, để có những nhận định về nguồn gốc, giá trị, văn hóa cũng như lịch sử tồn tại của nghề gốm một cách khoa học góp phần làm phong phú vốn cổ của cộng đồng người Lào ven dòng Sông Mã.

Tháng 2/2021 trong quá trình điền dã văn hóa, nhóm nghiên cứu đã phát hiện tại gia đình ông Lò Văn Tương ở Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La có 01 bộ khuôn dùng để làm cúc bướm của người Thái Đen. Qua khảo sát, trao đổi với chủ nhân bộ khuôn chúng tôi được biết khuôn được làm khoảng trước năm 1970 do ông Lò Văn Tương tự làm. Hiện nay, khuôn vẫn được sử dụng thường xuyên nhằm cung cấp lượng cúc cho người phụ nữ Thái làm áo cóm trên địa bàn tỉnh Sơn La. Khuôn còn khá nguyên vẹn, được làm bằng chất liệu đất nung, màu đỏ, chất đất mịn đặc trưng của loại đất dùng để làm gốm ở Chiềng Cơi trước đây.

Một số thông tin chúng tôi thu thập được như sau:

            Khuôn được làm bằng đất nung, theo kinh nghiệm của người thợ làm nghề chế tác cúc bướm (tiếng Thái gọi là Mắc Pém) thì khuôn được tạo bởi đất sét phơi khô sau đó nung qua lửa sẽ chịu được nhiệt độ cao, có độ bền, dễ sửa chữa. Khuôn dùng để đúc phôi, phần cúc thô ban đầu trong tạo hình cúc bướm.

Diện tích khuôn rộng 10cm, dài 25cm, cao 5cm, một đầu hở để đổ nguyên liệu dẫn vào các hàng khuôn bên trong. Khuôn gồm hai mặt ốp/ghép vào nhau, một chiếc trơn, một chiếc được người thợ gia công 24 con tương ứng mỗi con một cúc, độ dày của cúc dao động từ 1mm - 1,5mm. Khi đúc, 2 chiếc khuôn ốp vào nhau tạo sự chắc chắn và không chảy nguyên liệu ra ngoài. Trong quá trình đúc, người thợ dùng 2 chiếc kẹp tre (vam) dày 0,7cm, dài 40cm cố định một đầu và đầu còn lại được khóa bằng dây thép để khi đúc xong, tháo dây thép ra và lấy phôi.

Để tránh nhiệt độ cao người thợ thường tạo đế bằng gỗ và mặt trên được lót bằng bằng vải ướt sao cho khi đúc, tháo kẹp tre (vam) không bị cháy thanh tre và tránh nóng cho người đúc. Khuôn được làm thủ công bằng các vật liệu tự nhiên tuy khá đơn sơ nhưng lại có độ bền, chắc chắn, nhẹ và dễ di chuyển.

Để có bộ sản phẩm cúc bướm là kết quả của quá trình lao động chuyên cần, tài hoa khéo léo, người thợ đã gửi gắm tâm huyết qua cáchchế tạo khuôn dùng để đúc, nguyên liệu làm khuôn được lấy trong tự nhiên gần gũi với con người tạo ra những bộ cúc bướm đẹp mắt có tính đặc trưng trong bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Thái. Khuôn với chất liệu đất dễ kiếm, dễ sử dụng, dễ chế tác,đặc biệt có độ bền cao, quy trình tạo khuôn được đúc kết từ nhiều thập kỷ, sản phẩm phù hợp với tập tính sử dụng, đáp ứng các nhu cầu về văn hóa, đặc biệt là trang phục của cộng đồng người Thái Sơn La.

Khuôn đúc cúc bướm của người Thái Sơn La

Ngày 03/03/2021,trong quá trình khảo sát các di tồn văn hóa vật chất thuộc văn hóa người Thái tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chúng tôi đã phát hiện 02 đồ đựng bằng gốm (người Thái gọi là “Phai”) dùng để nhuộn chàm và đựng nước sinh hoạt tại gia đình ông Hoàng Văn Chiển, 61 tuổi (bản Nặm Ún, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu).

Sau khi trao đổi, chỉnh lý chúng tôi đo được các thông số sau:

- “Phai 1”: Hình tròn miệng loe, đáy và miệng tròn, rìa mép vuốt tròn, xương gốm dày. Thân gốm thô, không trang trí hoa văn. Kích thước: cao 31cm, vòng miệng rộng 103cm, vòng đáy 70cm. “Phai” còn khá lành lặn.

- “Phai 2”: Hình tròn miệng loe, đáy và miệng tròn, rìa mép vuốt tròn, xương gốm dày. Thân gốm thô ráp, không trang trí hoa văn. Kích thước: cao 32cm, vòng  miệng 135cm, vòng đáy 83cm. “Phai” đã bị sứt phần miệng, vết sứt dài 05cm, rộng 02cm còn khá lành lặn.

Dụng cụ nhuộm chàm bằng đất nung

Đất làm “Phai” được lấy ở bản Na Pản (bản duy nhất có đất sét ở huyện Yên Châu dùng để nặn “Phai”). “Phai” dùng để nhuộn chàm, làm đồ đựng, không có nắp. Theo ông Chiển,“Phai” được bố ông nặn từ những năm 1965 – 1966, nặn hoàn toàn bằng tay sau đó phơi khô rồi mới nung. Cách nung khá đặc biệt, nặn xong đem phơi ở chỗ đất trống. nguyên liệu đốt được lấy từ phân trâu khô, khi nung đốt người Thái dùng phân trâu khô cho vào bên trong “Phai” để nung. Nung liên tục trong 02 ngày đêm, trong quá trình nung, thay chất đốt liên tục sao cho lửa không tắt, lửa tắt sẽ làm cho gốm chín không đều.

Do kiều kiện sống, lối sống tự cung tự cấp người Thái ở Yên Châu đã sáng tạo ra các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong đó có “Phai” bằng đất nung. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy người Thái ở Yên Châu rất ít gia đình làm “Phai” để sử dụng, chỉ những gia đình có điều kiện sống khó khăn, đông con mới làm, bởi tiền, bạc rất khan hiếm để có thể mua bán các vật dụng bằng chất liệu khác. Còn đối với các hộ dân, gia đình khá giả hơn thường mua hoặc trao đổi lấy các loại đồ đựng có chất liệu khác hoặc trao đổi thóc với người dân mang gốm ở làng nghề gốm Mường Chanh. huyện Mai Sơn đến buôn bán. 

Đây là ví dụ cho thấy tính đặc trưng của người dân dựa vào tự nhiên để chế tạo ra các dụng cụ phục vụ mục đích sinh hoạt của con người. Đồng thời thấy được thói quen, nhu cầu sử dụng đồ đựng của người Thái được làm từ chất liệu gốm, đất nung là một trong những nét đặc trưng nổi bật của văn hoá Thái Sơn La trong tiến trình lịch sử. Khi nghiên cứu các di tồn văn hóa vật chất, các nhà nghiên cứu cho rằng, người Thái ưa thích sử dụng vật liệu từ đất nung, bởi có độ bền cao, phù hợp với điều kiện sống, góp phần làm phong phú thêm vốn văn hóa của cộng đồng người Thái ở Sơn La nói riêng và người Thái ở Tây Bắc nói chung.

Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu quá trình hòa nhập của di dân Thái trắng bản Quỳnh Tiến vào cuộc sống ở điểm tái định cư Lả Sẳng, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La từ bốn góc độ tâm lý, văn hóa, xã hội và kinh tế. Từ đó, chỉ ra chính sách hỗ trợ sau di dân, sự thay đổi của môi trường kinh tế, phương thức sống, sự giao lưu giữa di dân và cư dân địa phương, nhất là sự tự lực tự cường, chủ động hòa nhập với cuộc sống trên quê hương mới… đã giúp di dân Thái trắng bản Quỳnh Tiến hòa nhập thành công vào cuộc sống ở điểm tái định cư.

Người Thái là dân tộc có dân số đông nhất trong số 25 dân tộc anh em ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Theo Tổng thống kê dân số toàn quốc của Trung Quốc năm 1994, tổng dân số người Thái là 107.32 vạn người, trong đó có 106.2 vạn người cư trú tại tỉnh Vân Nam, chiếm 98.96% tổng số người Thái ở Trung Quốc. Trong đó, người Thái ở lưu vực sông Lan Thương có 41.6 vạn người; lưu vực Nộ Giang có 40.2 vạn người; lưu vực Hồng Hà có 19.8 vạn người; lưu vực Kim Sa có 4.6 vạn người.