Người Thái ở xã Cà Nàng hiện nay đang phát huy được những giá trị văn hóa do người dân sáng tạo, bảo tồn và lưu truyền trong quá trình tồn tại, sinh sống và phát triển, thể hiện khát vọng, chinh phục thiên nhiên mang bản sắc và đặc trưng văn hoá Thái vùng sông nước. Trong đó nhà lợp mái đá - một loại hình kiến trúc được người dân gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

          Trải qua thời gian và quá trình thích ứng với đặc điểm sống ven sông Đá đã dần tạo ra nhà sàn để thoả mãn nhu cầu của đời sống - nhu cầu sử dụng. "Nhà ở là phương tiện cư trú và là tổ hợp không gian sinh hoạt văn hóa của con người. Nhà ở được phát triển cùng với tiến trình của lịch sử xã hội, mức độ kinh tế và văn hóa cùng sự biến đổi về hoàn cảnh địa lý, môi trường sinh sống " [2, tr.157]. Hiện nay, ở bản Pho Pha vẫn còn 80% nhà sàn lợp mái đá, đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, "Cũng không ai biết chính xác văn hóa làm nhà sàn lợp đá có từ khi nào, nhưng từ rất lâu rồi người ta vẫn yêu thích dùng loại đá này để lợp nhà vì nó vừa đem lại sự chắc chắn cho ngôi nhà và vừa tạo ra một không gian mát và thân thiện" [1, tr.1]. Nhà sàn lợp mái đá là nhà cột vuông, kê tảng, nhà thường có 2 gian, 2 trái với 5 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang. Nhà sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên để chế tác, tuy chỉ có dây buộc thép 1li dùng để buộc đá lợp khỏi xê dịch với hệ thống mái. Hệ thống cột được liên kết bằng những đòn dầm xuyên qua các lỗ đục, kiểu kiến trúc có vẻ đơn giản nhưng lại rất chắc chắn đủ sức chống mưa nắng và gió bão. Sàn nhà được nâng cao bằng cách kê các tảng đá hoặc tảng làm bằng xi măng để tạo không gian thông thoáng, đón ánh sáng. Có một cầu thang để đi lên sàn nằm ở bên phải, các bậc ở cầu thang là số lẻ. 

          Đặc điểm kiến trúc mái đá

          Kiến trúc bên ngoài: Nhà người Thái ở bản Pho Pha, xã Cà Nàng lựa chọn kiểu mái chóp có nhiều cạnh, kết cấu kiểu đối xứng, đều nhau, có độ dốc cao nên hình thành độ nghiêng lớn nhìn rất bề thế. Mái nhà là mảng chính chiếm 1/2 chiều cao của ngôi nhà, mái được lợp bằng đá tự nhiên tạo khối hình như một tảng đá vững chãi. Chức năng của mái là bảo vệ toàn bộ ngôi nhà và kiến trúc bên trong. Mái được lợp bằng đá đen, cắt vuông vắn, gồm 2 loại: loại vuông 25 x 25cm và loại 30 x 30cm, mỗi viên đá được cắt vát một góc cân đối, sâu vào 7cm, để khi ghép 2 viên lại sẽ khớp với nhau tạo thành đường thẳng, nếu cắt không đều thì khi lợp sẽ lệch, nghiêng và kéo theo cả hàng ngói sẽ nghiêng, chỗ tiếp giáp giữa 2 viên được phủ lên (đè lên) bằng một viên khác tạo thành hình vảy cá. Mỗi viên đá được dùi một lỗ nhỏ để luồn dây thép qua với tác dụng buộc vào litô giúp viên đá liên kết với khung mái. Mái đá nhìn như một khối đá khổng lồ, như sải cánh bao trọn lấy kiến trúc bên trong, đá chính là "tấm lá chắn" vũng chắc bảo vệ gia đình trước mọi tác nhân của môi trường. Có thể nói mái nhà lợp đá là một bộ phận vô cùng quan trọng tạo nên nét độc đáo, vẻ đẹp gắn với môi trường tự nhiên.

          Kiến trúc bên trong: Bên dưới lớp mái là phần đỡ đá lợp, là bộ phận chịu lực chính nâng đỡ toàn bộ hệ thống mái nhà. Phần này còn được gọi là kiến trúc mái, sườn mái hay khung kèo mái. Sườn mái gồm vì kèo, xà gồ, cầu phong và li tô. Các bộ phận liên kết chặt chẽ tạo thành mạng lưới dày đặc bên trong để chống đỡ toàn bộ sức nặng của đá lợp bên ngoài. Hệ thống bên trong được tạo bởi:

          Xà gồ hay còn gọi là đòn tay có đường kính 10 - 12cm, được làm từ loại gỗ quý có khả năng chịu lực tốt. Chức năng chính của xà gồ là tạo sự liên kết giữa các vì kèo, xà gồ được trải đều trên vì kèo, dọc mái.

          Cầu phong là bộ phận cấu thành kiến trúc bên trong mái, được làm bằng gỗ, cầu phong được trải đều dọc theo mái từ đỉnh xuống giọt gianh. Cầu phong dày 3 - 4cm, rộng 8-12cm, mỗi một mái cần khoảng 10 thanh cầu phong. Cầu phong được đặt vuông góc với xà gồ và được cố định bằng đinh sắt.

          Li tô là nơi các viên đá lợp sẽ buộc vào bằng dây thép vuông góc với cầu phong, song song với xà gồ. Tùy kích thước của đá lợp mái mà khoảng cách giữa hai li tô sẽ khác nhau, số lượng li tô phụ thuộc vào chiều rộng của mái. Li tô làm bằng tre già, dày, thẳng ngâm trong ao hoặc sông suối để tránh mối mọt, sau đó chẻ nhỏ vót đều với kích thước là 3cm. Li tô được trải đều, cố định với cầu phong bằng đinh sắt.     Sau cùng là đòn nóc, là bộ phận cao nhất của mái nhà. Đòn làm bằng gỗ, hình tam giác, cạnh bằng quay vào bên trong còn cạnh nhọn tam giác là đỉnh cao nhất của mái. Đòn nóc giống như xương sống của mái, che chở và bảo vệ cho nhà sàn. Kiến trúc bên trong mái khá dầy với nhiều bộ phận khác nhau, nhưng tất cả phải được làm chắc chắn bởi đây là bộ phận gánh toàn bộ đá lợp của mái nhà.

          Ưu nhược điểm của nhà sàn lợp mái đá

Ưu điểm: mái đá có vai trò chống nóng quan trọng, giảm thiểu lượng nhiệt hấp thụ giúp cho những ngôi nhà ở đây rất mát. Vì đá có độ dày, mỏng đều nhau nên nhiệt sẽ hạn chế không toả được xuống phía dưới (bên trong nhà). Ngoài ra, lợp đá cũng giúp mái không bắt lửa khi vào mùa phát nương đốt rẫy trồng hoa màu. Mái dốc thoát nước nhanh, không thấm nước, có độ bền cao, mức độ an toàn tốt, có liên kết giữa các viên đá với nhau hình vẩy cá vì thế mái nhà không bị xê dịch khi gặp gió bão, giông lốc,…

          Nhược điểm: Mái có độ nghiêng lớn dẫn đến việc hao tốn vật liệu khá nhiều khi làm; đá lợp tương đối nặng từ 1kg - 2kg/viên, do đó ảnh hưởng lên kết cấu của hệ thống bên trong. Vì vậy mỗi lần sửa chữa, tháo dỡ hay thay thế rất phức tạp mất nhiều thời gian, phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế, thời tiết.

Nhà sàn lợp đá mang những đặc trưng riêng thể hiện qua quan niệm, nếp sinh hoạt và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu, phản ánh nếp sống gia đình cùng các mối quan hệ xã hội. Với những giá trị tích cực về văn hoá tộc người Vì vậy, cần có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy, phát triển một cách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả để người dân có động lực giữ gìn di sản văn hoá độc đáo của cộng đồng trước ảnh hưởng của các trào lưu, sự du nhập của các nền văn hóa mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn Thành Chương (2021) https://laodong.vn/photo/doc-dao-nhung-khu-pho-nha-san-lop-da-o-dien-bien-969418.ldo. truy cập ngày 31/5/2023

2. Vũ Tam Lang (1999), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội.