Sơn La là một tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía Tây Bắc của nước ta. Phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái và tỉnh Lai Châu, phía Đông giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 14.174,4km2, đứng thứ ba cả nước sau tỉnh Nghệ An và Gia Lai; đến năm 2017, dân số là 1,2 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống.

          Người Lào còn có tên gọi khác như: Thay, Thay Duồn, Thay Nhuồn, Phu Thay... gồm hai nhóm địa phương chính là Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ). Về văn hóa, họ gần với người Thái và người Lự hơn là người Lào ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

          Tiếng Lào thuộc hệ ngôn ngữ Tày - Thái.

          Cho đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của người Lào ở Việt Nam. Có ý kiến cho rằng họ là những hậu nhân của các dân tộc nói tiếng Tày - Thái ở vùng tây nam Trung Quốc đã di cư về phía nam trong khoảng thế kỉ VII-VIII. Cũng có ý kiến khác cho rằng, người Tày - Thái cổ có mặt từ rất sớm trên đất nước Việt Nam, đã có sự tiếp xúc giữa ngôn ngữ tiền Việt - Mường với ngôn ngữ Tày cổ trong quá trình hình thành văn hóa Phùng Nguyên. Tuy nhiên có thể thấy, trong số người Lào ở vùng Tây Bắc nước ta nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, có một bộ phận mới di cư từ Lào sang ở thế kỉ XVII-XVIII. Cũng có ý kiến cho rằng, người Lào từ nước Lào đến Tây Bắc Việt Nam từ thế kỉ XIII, XIV và đến nay vẫn còn những địa danh mang tên Lào như bản Ná Lào (ruộng Lào), bản Ná Láo, bản Lào,... Những bản lâu đời của người Lào ở vùng Tây Bắc nước ta, hiện còn ở các huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La, Điện Biên tỉnh Điện Biên, Tam Đường huyện Than Uyên (Lai Châu).

          Ở Việt Nam, về dân số, Lào là dân tộc đứng ở vị trí thứ 35 trong 54 dân tộc. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, số người Lào ở nước ta là 14.928 người. Riêng tại tỉnh Sơn La, dân số người Lào là 3.380 người. Người Lào phân bố không đồng đều tại các huyện trong tỉnh. Họ thường cư trú tập trung ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó đông nhất tại huyện Sốp Cộp với 3.177 người và huyện Sông Mã với 143 người.

          Về hoạt động kinh tế: Người Lào sống chủ yếu dựa vào canh tác ruộng nước, đánh bắt cá và dệt vải, dệt thổ cẩm. Người Lào có truyền thống trồng lúa nước từ lâu đời với kĩ thuật canh tác dùng cày, bừa và làm thủy lợi. Ở những nơi có ít ruộng hoặc không có điều kiện để khai phá đất đai thành ruộng nước thì người Lào hoặc canh tác thêm, hoặc chủ yếu sống bằng canh tác nương. Tuy nhiên, canh tác nương không phải là kinh tế truyền thống của người Lào mà học được của các tộc người láng giềng như người Thái, người Khơ Mú và người Xinh Mun. Vì thế kĩ thuật làm nương của họ tương đối thô sơ, các công đoạn làm nương gồm: phát, đốt, chọc trỉa, tra hạt hoặc gieo vãi. Chăn nuôi của người Lào khá phát triển với các giống vật nuôi như trâu, bò, ngựa, lợn, gà, ngan, vịt... được nuôi nhốt trong chuồng trại và được chăn thả khá quy củ. Các gia súc lớn như trâu, bò, ngựa chủ yếu dùng làm sức kéo trong nông nghiệp và chuyên chở hàng hóa. Các loại gia súc, gia cầm khác dùng để cải thiện bữa ăn và dùng trong các dịp lễ tết và để bán. Nghề thủ công tương đối đa dạng và phát triển với các nghề dệt, nghề rèn,nghề làm gốm, làm đồ trang sức bằng bạc và đan lát. Tuy nhiên, do thực hiện cơ chế thị trường, các sản phẩm nghề thủ công của người Lào thường không cạnh tranh được với hàng hóa công nghiệp nên phần lớn các nghề thủ công cuả đồng bào có xu hướng ngày càng bị mai một. Khai thác nguồn lợi tự nhiên vẫn được duy trì và góp phần quan trọng trong đời sống đồng bào.

          Về văn hóa xã hội: trước đây người Lào thường sống tập trung thành các bản riêng với mối quan hệ khép kín. Ngày nay, quan hệ gia đình, họ hàng, cũng như quan hệ thôn bản của người Lào là khá cởi mở, không đóng kín trong gia đình, địa phương, dân tộc. Hôn nhân giữa người Lào với các dân tộc khác  cộng cư trong thôn bản trở nên phổ biến. Gia đình người Lào theo chế độ phụ quyền, chủ nhà là người cha, người chồng có quyền quyết định các công việc liên quan đến đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên mối quan hệ giữa các lứa tuổi và giới tính tương đối bình đẳng, tiếng nói của người phụ nữ và con cái trong gia đình được tôn trọng. Người Lào có các dòng họ như Lường, Lò, Hoàng, Vi... giống người Thái.mỗi họ có kiêng kỵ riêng. Con cái lấy họ theo cha. Phổ biến là hình thức gia đình nhỏ, một vợ một chồng.     

          Về văn hóa vật chất: nhà sàn của người Lào ở Sơn La giống với nhà sàn của người Lào ở nước Lào là kiểu nhà sàn với hai mái dài và hai mái đầu hồi. Trước đây, bố trí trong ngôi nhà sàn của người Lào, trên sàn thì người ở, dưới sàn là nơi nhốt gia súc, gia cầm và có một gian dành riêng để khung cửi và các đồ dùng để kéo sợi, dệt vải. Cũng có gia đình lắp đặt khung dệt ở ngay trên sàn. Ngày nay, dưới gầm sàn được dọn dẹp sạch sẽ, một phần để đồ dùng sản xuất, cối giã gạo và một phần để trẻ con chơi đùa, thậm chí ngủ trưa trong những ngày hè oi bức. Còn chuồng gia súc, gia cầm được làm tách biệt hẳn với ngôi nhà ở.Người Lào có thói quen ăn cơm nếp, uống rượu cần và hút thuốc lá. Trang phục của người Lào ở Sơn La khá giống trang phục của người Thái Đen. Riêng trang phục của phụ nữ Lào so với trang phục của phụ nữ Thái Đen có khác biệt đôi chút. Họ mặc váy đen quấn cao đến ngực, gấu váy thêu nhiều hoa văn sặc sỡ kiểu áo cánh ngắn bó thân với hàng khuy bạc phổ biến ở vùng Sông Mã. Cô gái Lào chưa chồng thường búi tóc ở giữa đỉnh đầu, khi đã có chồng để búi tóc lệch về bên trái. Phụ nữ Lào luôn đội khăn (piêu), đeo nhiều vòng ở cổ tay, xăm hình một loại hoa lá ở mu bàn tay.

          Về văn hóa tinh thần: Người Lào tin vào thuyết vật linh, thờ cúng tổ tiên và chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Trong năm người Lào thường tổ chức các lễ hội tiêu biểu như lễ Kin pang; lễ hội xên bản, xên mường; lễ mừng cơm mới... Hôn nhân của người Lào là ngoại hôn dòng họ, thuận chiều, sau hôn nhân vợ về cư trú bên nhà chồng, hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Người Lào cũng có tục ở rể giống các tộc người láng giềng.Trong phong tục ma chay, người chết được làm lễ và chôn cất chu đáo. Riêng người đứng đầu mường, bản hoặc nhà sư sau khi chết mới được thiêu (hỏa táng). Người Lào có kho tàng văn học dân gian và văn hóa nghệ thuật phong phú và độc đáo. Người Lào múa Lăm vông... trong các dịp liên hoan, lễ hội.

Tài liệu: dẫn theo “Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2020), Địa chí Sơn La, quyển 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật”.