SƠ LƯỢC GIỚI THIỆU LỊCH SỬ, TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC Ở TÂY BẮC - VIỆT NAM

 

                                                                                                                  PGS.TS. Phạm Văn Lực

                                                                        Giám đốc Trung tâm NCVH các dân tộc Tây Bắc - Trường Đại học Tây Bắc

                                                                                                     Tel. 0948518889, Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

            Tây Bắc là vùng đất “Địa chính trị”, là địa bàn sinh sống lâu đời của 30 dân tộc anh em. Trong lịch sử cũng như hiện nay, Tây Bắc có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng cả về mặt kinh tế, chính trị xã hội, an ninh quốc phòng và trong quan hệ giao lưu quốc tế. Thế nhưng, cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về địa giới của khu Tây Bắc, thậm chí vẫn còn khá nhiều người hiểu không đúng về các dân tộc ở Tây Bắc. Trong phạm vi của bài viết này tôi xin sơ lược giới thiệu cùng độc giả về lịch sử, địa bàn cư trú, tình hình kinh tế xã hội và văn hóa các dân tộc ở Tây Bắc - Việt Nam, cụ thể như sau:

  1. Vài nét về vị trí vùng đất Tây Bắc và tên gọi

Tây Bắc là một phần của lãnh thổ Việt Nam, một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam, là địa bàn sinh sống lâu đời của 30 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Mông, Dao, Kháng, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Cơ Lao, La Chí, La Hủ, Tày, Nùng, Lào, Thái, Lào, Lự, Giáy, Cao Lan, Bố Y, Hà Nhì, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Cống, Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, Si La, Pu Péo… [21, tr.108].

Cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về địa giới của khu Tây Bắc[1], nhưng theo chúng tôi Tây Bắc là tên gọi theo phương vị, lấy thủ đô Hà Nội làm chuẩn, để chỉ một vùng đất thuộc các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình -  nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội.

Tây Bắc có diện tích tự nhiên là 46.335 km2, phía Bắc có 513 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây có 552 km đường biên giới tiếp giáp với Lào; phía Đông và Nam giáp các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ; phía Đông có dãy Hoàng Liên Sơn ngăn cách với miền lưu vực sông Hồng. 

Từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang chia nước ta thành 15 bộ: Văn Lang, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Tân Hưng; Tây Bắc lúc đó thuộc bộ Tân Hưng. Trong Dư Địa chí Nguyễn Trãi viết: “Tây Bắc xưa thuộc bộ Tân Hưng” [12, tr.33].

Trong thời kỳ Bắc thuộc (179TCN - 905), thời nhà Tần, Tây Bắc thuộc Tượng quận; đời Hán thuộc Giao chỉ, đời Ngô là các huyện Lâm Tây, Tây Đạo thuộc quận Tân Xương; thời Tùy, Đường là huyện Tân Xương, sau đổi là châu Phong.

Thời họ Khúc khôi phục quyền tự chủ (905-930) Tây Bắc thuộc châu Chi [8, tr.36]. Dưới triều đại Nhà Lý (1010-1225) Tây Bắc thuộc châu Lâm Tây, châu Đăng; thời Trần (1226-1400), Tây Bắc thuộc đạo Đà Giang. Vào cuối thời Trần, năm Quang Thái thứ 10 (1397) vùng đất này được đổi thành trấn Thiên Hưng. Trấn Thiên Hưng thời Trần có hai châu (Phủ) là Gia Hưng và Quy Hoá. Đến triều Lê thế kỷ XVI, Tây Bắc thuộc Lộ Đà Giang, bao gồm 16 châu Thái (Tiếng Thái gọi là síp hốc châu Táy) đó là: Mường Lò, Mường Tiến (hay còn gọi là Chiêu Tấn, đến năm 1909 thực dân Pháp đổi là Than Uyên), Mường Tấc (Phù Yên), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Vạt (Yên Châu), Mường Mụa (Mai Sơn), Mường La, Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lay, Mường Tùng (Tùng Lăng), Mường Hoàng (Hoàng Nham), Mường Tiêng (Lễ Tuyền), Mường Chiềng Khem (Châu Khiêm)Mường Chúp (Tuy Phụ), Mường Mi (Hợp Phì).

Năm 1463, trấn Hưng Hoá được thành lập gồm 3 phủ đó là: Gia Hưng, Quy Hoá và An Tây.

+ Phủ Gia Hưng có 1 huyện, 5 châu, 42 động. Đó là huyện Thanh Xuyên (sau đổi là Thanh Sơn) gồm 1 thôn, 2 động và các châu: Châu Việt, Châu Mai.

+ Phủ Quy Hoá có các châu: Văn Chấn, Trấn Yên,Văn Bàn, Thuỳ Vĩ, Yên Lập.

+ Phủ An Tây có 10 châu đó là: Lai, Luân, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Tùng Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì, Tuy Phụ và Khiêm. Đến đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1768) có 6 châu là: Tùng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ và Khiêm bị triều đình phong kiến Mãn Thanh cướp mất, phủ An Tây chỉ còn có 4 châu là: Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, châu Lai và châu Luân. Thời Tây Sơn, vua Quang Trung đã làm biểu gửi vua Thanh đòi lại 6 châu bị cướp mất, nhưng không được chấp nhận.

 Dưới triều Nguyễn (XIX), Tây Bắc được đổi là tỉnh Hưng Hóa, bao gồm 10 châu Thái (Thập châu) thuộc tỉnh Hưng Hoá, cụ thể là các châu sau: Mường Lò, Mường Tiến (hay còn gọi là Chiêu Tấn, đến năm 1909 thực dân Pháp đổi là Than Uyên), Mường Tấc (Phù Yên), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Vạt (Yên Châu), Mường Mụa (Mai Sơn), Mường La, Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lay.

            Từ cuối thế kỷ XIX trong quá trình bình định khu vực Tây Bắc, thực dân Pháp đã  áp dụng chính sách chia để trị.

Ngày 11.4.1900 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái, bao gồm các châu: Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn, Lục Yên, Than Uyên.

            Đến ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ Tiểu quân khu Vạn Bú chuyển thành tỉnh Vạn Bú (Sơn La).

             Ngày 12/7/1907 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ Đạo Quan binh thứ 4, chuyển Lào Cai sang chế độ cai trị dân sự để lập thành tỉnh Lào Cai. Địa bàn của tỉnh Lào Cai bao gồm các châu: Bảo Thắng, Thuỷ Vĩ do Công sứ Pháp trực tiếp cai trị.

            Đến ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách các châu: Quỳnh Nhai, Điện Biên, Tuần Giáo, Châu Lai và phủ Châu Luân thành lập tỉnh Lai Châu. Lúc này tỉnh Sơn La chỉ còn 6 châu: Sơn La (hay Mường La), Thuận Châu, Mai Sơn, Châu Yên, Châu Mộc, Phù Yên (cả Bắc Yên ngày nay).

            Tháng 3.1948, thực dân Pháp thành lập Xứ Thái Tự trị bao gồm 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Phong Thổ do Đèo Văn Long làm chúa Xứ (Chẩu Phen Khăm), tỉnh Sơn La do Bạc Cầm Quí làm tỉnh trưởng; toàn Xứ có 70 ghế nghị viện (thực chất do các cố vấn Pháp điều hành).

            Ngày 17.7.1952 Đảng - Chính phủ thành lập Khu Tây Bắc gồm bốn tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, rộng 44.300 km².

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Đảng - Chính phủ quyết định thành lập Khu Tự trị Thái – Mèo. Ngày 07/05/1955, đúng vào ngày kỷ niệm một năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ công bố Sắc lệnh thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Sơn La. Khu Tự trị Thái - Mèo bao gồm hai tỉnh Sơn La, lai Châu (cũ)  và hai huyện Văn Chấn, Than Uyên của tỉnh Yên Bái và huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai. Từ 1955 đến 1962 gọi là Khu Tự trị Thái Mèo, từ 1962 đến 1975 gọi là Khu Tự trị Tây Bắc.

Ban Chỉ đạo được thành lập ngày 24/8/2004 theo quyết định của Bộ Chính trị nhằm giúp Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc Bộ. Ban Chỉ đạo Tây Bắc bao gồm 14 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Tây Nghệ An, Tây Thanh Hóa.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc là một trong 3 Ban Chỉ đạo thuộc quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 2 Ban còn lại là Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Sáng ngày 11 tháng 10 năm 2017, Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa 12), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

Có thể nói, trong lịch sử, Tây Bắc là vùng đất có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng “địa đầu” của Tổ Quốc, che chắn cho trấn như “Giậu” như “Phên” án ngữ cho châu làm “Then” làm “chốt” và nơi đây cũng được coi là vùng đất “Tam Mãnh” qua Lào vào Vân Nam và Hưng hóa. Trong bài phú “Thiên Hưng trấn” của Nguyễn Bá Thống viết:

Quan ải Ai Lao liên lạc tiện đường, biên giới Vân Nam khống chế mọi mặt. Đây là nơi sung yếu của Bách Man, cửa ngõ của Lục Chiếu, che giữ cho Trấn như “Giậu” như “Phên” án ngữ miền thượng du là “then” làm “chốt”… Lúa bát ngát ruộng, dâu gai mơn mởn thành hàng. Lông (thú), cánh (chim), ngà (voi), da, tràn ngập sáng lán quốc; bạc, vàng châu báu đầy dẫy nơi biên cương” [3, tr.15]

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tây Bắc được coi là “Địa vực” đặc biệt quan trọng “sườn Tây” của căn cứ địa Việt Bắc và cả chiến trường Đông Dương.

Hiện nay, Tây Bắc có tầm chiến lược đặc biệt quan trong cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và trong quan hệ giao lưu quốc tế.

  1. Giới thiệu khái quát tình hình các dân tộc ở Tây Bắc trong lịch sử

2.1. Cơ cấu, thành phần các dân tộc ở Tây Bắc

Tây Bắc là địa bàn sinh sống của 30 dân tộc anh em, thuộc 3 ngữ hệ khác nhau [21, tr.108]

* Ngữ hệ Nam Á có 3 nhóm dân tộc, cụ thể là:

+ Nhóm Việt - Mường: gồm dân tộc Kinh, Mường, Thổ

+ Nhóm Mông - Dao: gồm dân tộc Dao, Mông

+ Nhóm Môn - Khơ Me: gồm dân tộc Kháng, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun.

* Ngữ hệ Thái - Kadai, có 2 nhóm:

 Nhóm Tày - Thái có các dân tộc: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng,Tày, Thái, Sán Chay.

Nhóm Kadai, bao gồm các dân tộc: Cơ Lao, La Chí, La Ha, Pu Péo.

 * Ngữ hệ Hán - Tạng, bao gồm:

 - Nhóm tiếng Hán: gồm các dân tộc Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ (trong dân tộc Sán Chay)

 - Nhóm Tạng - Miến: bao gồm các dân tộc Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La. 

 Như vậy, ở Tây Bắc hiện có 30 dân tộc: Kinh, Mường, Thổ, Mông, Dao, Kháng, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Tày, Thái, Sán Chay, Cơ Lao, La Chí, La Ha, Pu Péo, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La.

2.2. Về nguồn gốc lịch sử, địa bàn cư trú và đặc trưng kinh tế xã hội

2.2.1. Về nguồn gốc lịch sử, địa bàn cư trú

* Ngữ hệ Nam Á

- Cư dân thuộc Nhóm tiếng Việt - Mường: (Kinh, Mường, Thổ)

+ Người Kinh đến làm ăn, sinh sống ở Sơn La-Tây Bắc từ rất sớm. Qua khảo sát về một số chợ vùng Mường Sại, Liệp Muội, Nậm Ét, Chiềng Bằng ở huyện Thuận Châu [172] và một số chợ vùng dọc sông Đà của huyện Mường La, Mai Sơn…cho thấy: từ thế kỷ XVI các lái buôn người Kinh đã ngược sông Đà mang dầu, muối, vải… lên buôn bán trao đổi hàng hoá, khi về họ mang theo nhiều đặc sản của miền Tây Bắc như hương liệu, cánh kiến, nấm hương, kể cả ngà voi, sừng tê giác, gạc hươu... Nhiều địa điểm dọc sông Đà như: Tạ Khoa (Phù Yên), Song Khủa (Mộc Châu), Tà Hộc (Mai Sơn), Chiềng Sại (Thuận Châu)…đã trở thành những nơi buôn bán tấp nập. Nhưng, thời kỳ này người Kinh mới chỉ lên buôn bán trao đổi hàng hoá sau đó lại về xuôi.

            Từ giữa thế kỷ XVIII chế độ phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ suy vong, giai cấp phong kiến tăng cường áp bức bóc lột làm cho đời sống của nhân dân trở nên điêu đứng, khởi nghĩa nông dân bùng nổ trên quy mô rộng lớn... Do nghèo khổ, một bộ phận nông dân đã phải phiêu bạt lên sinh sống ở các châu tiếp giáp với miền xuôi như Phù Yên (Mường Tấc), một bộ phận tham gia những cuộc khởi nghĩa nông dân khi bị triều đình phong kiến Trung ương đàn áp cũng đã tìm cách chạy trốn lên đây nương nhờ các tù trưởng, tộc trưởng người Thái, người Mường; hoặc để tránh sự đàn áp của triều đình phong kiến, nhiều người đã dạt lên rẻo cao nhận  làm con, cháu các gia đình dân tộc Thái, dân tộc Mường rồi lâu ngày đã Thái hoá, hoặc Mường hoá trở thành người dân tộc. Dấu tích của sự phiêu bạt đó đến nay còn để lại ở Phù Yên (Mường Tấc) nhiều nhóm dân tộc Thái nhưng lại mang các họ Việt như họ Lê, Nguyễn, Trần…

            Tuy nhiên, đến khi Pháp xâm (1858) số lượng người Kinh ở vùng Sơn La -Tây Bắc vẫn rất ít, chủ yếu sinh sống ở vùng Phù Yên, một số ít ở Vạn Bú và khu vực giáp với tỉnh Hoà Bình.

            Từ  đầu thế kỷ XX, để thống trị và vơ vét bóc lột đối với nhân dân các dân tộc Sơn La, thực dân Pháp không ngừng củng cố bộ máy thống trị, tăng cường lực lượng quân sự và đưa phu lên xây dựng các công sở như: Nhà công sứ, Bưu điện (trước dây gọi là nhà dây thép), Nhà tù Sơn La, đặc biệt từ năm 1932 chúng ồ ạt đưa phu lên mở đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay)… Từ đó người Kinh có mặt ở Sơn La – Tây Bắc ngày một đông. Do sự khắc nghiệt của khí hậu thời tiết, nhiều người đã bị ốm chết, nhiều người đã tìm cách trốn về quê, nhưng cũng có một số người đã ở lại làm ăn sinh sống trở thành bộ phận của cư dân Tây Bắc hiện nay. Cho đến những năm 1940-1943, số lượng người kinh ở Tây Bắc vẫn không đáng kể: “…Thời điểm này số lượng người kinh ở các thị xã vẫn rất ít chủ yếu là mấy nhân viên bưu điện, một số công nhân làm đường, công nhân điện, nước…”[6, tr.26]..

         Ngoài những bộ phận trên, một nguồn nhập cư nữa của người Kinh vào vùng Sơn La – Tây Bắc là từ năm 1930 nhiều chiến sĩ cách mạng đã bị thực dân Pháp đày lên giam cầm ở Nhà tù Sơn La, thời điểm đông nhất lên tới gần 600 người [6, tr.26]. Sự có mặt của các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Sơn La đã góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, gây dựng các phong trào cách mạng đưa đến sự ra đời của Chi bộ nhà tù Sơn La(12/1939). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào yêu nước chống Pháp của các dân tộc Sơn La có sự chuyển biến về chất, từng bước hoà nhập trở thành bộ phận của phong trào cách mạng cả nước, góp sức cùng dân tộc làm lên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

       Từ sau năm 1954, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ nhiều đơn vị bộ đội và dân công trước đây đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay trực tiếp ở lại Sơn La-Tây Bắc làm nhiện vụ xây dựng kinh tế, thành lập các lâm trường, nông trường, hợp tác xã. Đặc biệt từ năm 1958 với chính sách tăng cường và phát triển kinh tế văn hoá miền núi của Đảng, hàng nghìn cán bộ, giaó viên và đông đảo bà con nông dân ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây… đã tình nguyện lên công tác, sinh sống ở Sơn La-Tây Bắc. Từ đó người Kinh ở Sơn La, Tây Bắc ngày càng trở nên đông đúc.

        Cho đến ngày nay người Kinh chiếm 17% dân số trong vùng. Họ sinh sống chủ yếu ở các trung tâm thị xã, thị trấn, các thị tứ, các lâm trường, nông trường và hợp tác xã. Nơi người Kinh tập trung sinh sống đông nhất là huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố Sơn La, Điện biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… Trong qúa trình sinh sống, người Kinh đã kề vai sát cánh cùng các dân tộc Sơn La - Tây Bắc xây dựng, phát triển kinh tế và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

        Có thể nói, qua nhiều thời kỳ lịch sử và với nhiều lí do khác nhau, sự nhập cư của người Kinh vào vùng Sơn La - Tây Bắc ngày một đông, lúc đầu họ lên làm ăn buôn bán xong về xuôi, dần dần họ ở lại làm ăn sinh sống đan xen với các dân tộc Thái, Mường. Sau đó họ đã định cư riêng theo từng cụm nhỏ từ 5-7 gia đình giống như làng ở dưới xuôi. Cuộc sống chính của họ vẫn là làm nông nghiệp, vào thời điểm nhàn dỗi họ có làm nghề thủ công, nhưng chủ yếu là để phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình, hoặc cũng có khi dùng để trao đổi hàng hoá với các dân tộc người địa phương [172]. Trước đây, sự có mặt của người Kinh ở Sơn La – Tây Bắc đã bị thực dân Pháp và tầng lớp quí tộc phong kiến địa phương gieo rắc tư tưởng kỳ thị, gây chia rẽ dân tộc, coi sự có mặt của người Kinh ở Tây Bắc là “một nguy cơ”. Năm 1939 khi làm lễ khánh thành đường 41 (Quốc lộ 6) tại Mộc Châu (Sơn La), công sứ Sanhpunốp với chiêu bài chính trị thâm độc đã đã giao nhiệm vụ cho bọn tay sai ở Mộc Châu phải tìm mọi cách để “ngăn chặn sự xâm lược của người Kinh vào Tây Bắc…” [6, tr 27]. 

        + Người Mường, thuộc nhóm Việt-Mường, họ sinh sống chủ yếu ở các huyện: Mộc Châu, Bắc Yên, Phù Yên, thành phố Sơn La, Điện biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và ở rải rác các địa phương trong vùng. Cũng như người Việt (Kinh), người Mường chủ yếu sinh sống ở các khu vực trung tâm như: thị xã, thị trấn và ở các vùng thấp. Cuộc sống chủ yếu của họ là dựa vào sản xuất nông nghiệp với hai ngành chính trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, họ còn làm một số nghề thủ công truyền thống như làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm… Về mặt xã hội, người Mường có trình độ phát triển kinh tế xã hội cao, đến khi Pháp xâm (1858) trong xã hội người Mường đã có sự phân hoá giai cấp, tổ chức xã hội đã hình thành. Đứng đầu các mường là lang đạo, cha truyền con nối cai quản các mường, bên dưới là các nông nô phải có nghĩa vụ đóng tô thuế và phu phen tạp dịch cho giai cấp thống trị, cơ cấu xã hội và chính trị trong xã hội Mường gần giống như của người Việt. Qua quá trình lao động sản xuất và đấu tranh xây dựng bản mường, người Mường luôn đoàn kết cùng các dân tộc anh em và đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh chung của các dân tộc Sơn La.

            Ngoài ra, nhóm cư dân này còn có người Thổ cũng có trình độ phát triển kinh tế xã hội khá cao so với các dân tộc khác ở trong vùng.

- Cư dân thuộc Nhóm tiếng Mông - Dao (Mông, Dao)

            + Dân tộc Mông: ở Tây Bắc có 5 ngành, trong đó đông nhất là hai ngành Mông Đơ (Mông Trắng) và Mông Đu (Mông Đen). Người Mông ở Việt Nam có quan hệ mật thiết với các nhóm người Mông ở miền Nam Trung Quốc (từ Quí Châu - Vân Nam- Quảng Tây - Trung Quốc).  Về sự thiên di của người Mông vào vùng Sơn La-Tây Bắc cho đến nay cũng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau; Tuy nhiên, dựa trên cơ sở của một số tài liệu và thành tựu của các công trình nghiên cứu như: Histoire des miao và các nguồn tài liệu dã sử chữ Thái của địa phương: Quam Tô Mương của Mường La, Mường Muổi, Mường Piềng, Táy Pú Xấc, Chương Han và trong cuốn Điện Biên trong lịch sử…chúng tôi nhất trí quan điểm người Mông thiên di vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, với nhiều lí do khác nhau. Nhưng, một trong những nguyên nhân cơ bản là họ không chịu nổi chính sách đồng hoá, thôn tính của triều đại phong kiến Mãn Thanh nên đã tìm đường di cư vào các nước Đông Dương trong đó có vùng Sơn La-Tây Bắc. Trong quá trình thiên di vào Sơn La-Tây Bắc, người Mông đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Họ không những phải tranh cháp địa bàn sinh sống với các tộc người Thái, Lự, Xinh Mun, La Ha mà còn phải đối mặt với cả những cuộc chinh phạt của triều đình phong kiến Nguyễn thế kỷ XIX…Cuối cùng họ ổn định địa bàn cư trú ở những vùng cao núi đá hiểm trở.

            Là dân tộc ít người đông thứ hai trong vùng (sau dân tộc Thái), dân tộc Mông chủ yếu sinh sống dựa vào làm nương rẫy ở ven các sườn núi và canh tác ruộng bậc thang. Cây trồng chính của họ là ngô, lúa, rau củ... Đặc biệt, người Mông có biệt tài về kỹ thuật làm nương rẫy ở sườn núi cao, độ dốc lớn, khai thác rừng, rèn sắt và dệt lanh ...

            Về mặt xã hội, cho đến khi thực dân Pháp xâm lược (1858) người Mông vẫn còn trong tình trạng nghèo nàn lạc hậu chưa vượt qua thời kỳ thị tộc, bộ lạc; sống theo kiểu du canh, du cư. Đứng đầu thị tộc là các tù trưởng, tộc trưởng thường gọi là thống lý, thống quán làm nhiệm vụ cai quản mọi mặt của đời sống xã hội, vừa tổ chức bóc lột dân chúng theo luật tục hết sức hà khắc và cay nghiệt…

            Hiện nay dân tộc Mông ở Tây Bắc vẫn trong tình trạng nghèo nàn lạc hậu, họ chủ yếu tập trung sinh sống ở rẻo cao các huyện như: Bắc Yên, Thuận Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Tuần Giáo, Điện Biên…Trong đó đông nhất là ở Phú Nhung, Bắc Yên, tỉ lệ người Mông chiếm gần 60% dân số toàn huyện, ở 5 xã là Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Hồng Ngài 100% dân số là người Mông.

            + Người Dao (thuộc nhóm tiếng H’Mông-Dao) ở Sơn La với một số lượng rất ít, đời sống kinh tế của họ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (làm ruộng nước và nương rẫy), ngoài ra họ cũng biết khai thác lâm sản, chăn nuôi, làm hàng thủ công… Hiện nay họ sinh sống chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên và rải rác các địa phương trong tỉnh.

            Nhóm cư dân này còn có người Pà Thẻn cũng có trình độ phát triển kinh tế xã hội tương đồng so với người Mông, người Dao ở trong vùng.

- Cư dân thuộc Nhóm tiếng Môn - Khơ Me (Kháng, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun)

Ở Tây Bắc bao gồm các dân tộc: Khơ Mú, Kháng, Mảng, Xinh Mun. Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nói về sự có mặt của nhóm cư dân này ở vùng đất Sơn La, Tây Bắc. Tuy nhiên, dựa vào kết quả của một số công trình nghiên cứu: “Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc” [7]; “Điện Biên trong lịch sử”[8, tr.32]; “Tư liệu lịch sử kinh tế và xã hội Thái ở Việt Nam” [9, tr 28-31]; “Cơ sở văn hoá Việt nam” [11, tr.215-218] và một số tài liệu chữ Thái ở địa phương như: Quam Tô Mương của Mường La; Quam Tô Mương của Mường Muổi; Táy Pú Xấc… cho thấy: trước khi người Thái thiên di vào vùng Tây Bắc Việt Nam (cuối Thiên niên kỷ thứ nhất, đầu Thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên) thì các cư dân này đã là chủ nhân sinh sống lâu đời ở vùng đất này và có trình độ phát triển kinh tế xã hội khá cao:

            “Thuở ấy, cư dân Tây Bắc vẫn là một bộ phận của nền văn minh đồng thau Đông Sơn với sản phẩm nổi tiếng là trống đồng và công cụ bằng đồng, những thứ mà ngày nay đã trở thành vật thiêng, chỉ dùng trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trong số cư dân ấy, người Kháng có tục uống nước bằng mũi (Tà mui). Nước măng chua, hoà tỏi, rau thơm, gạn lấy nước đổ vào vỏ quả bầu mận, cho chảy vào mũi, trong khi ấy miệng thì nhai cá hay thịt. Cách uống này hiện nay vẫn còn tồn tại trong người Kháng ở ven sông Đà phía bên Tà Hộc, (Mai Sơn) Mường Sại, Chiềng Muôn, Chiềng Bằng, Liệp Muội(Thuận Châu), các vùng dọc sông Đà của Mường La, Phù Yên, Bắc Yên… Đặc biệt, người Kháng rất giỏi làm thuyền độc mộc, đánh cá ở các sông, suối. Người Thái cũng phải thừa nhận “thuyền tốt không gì bằng thuyền Kháng” [11, tr. 218].

            Người Mảng, cho đến ngày nay vẫn còn giữ được tục săm những chấm, hoặc vòng tròn có chấm ở giữa, quanh miệng và cằm. Vì thế người Thái gọi họ là “Xá cằm hoa” (Xá cang lái), tức Xá cằm xăm hoa. Người Mảng cũng là dân tộc có nhiều kinh nghiệm trong việc làm nương dẫy ở các sườn núi có độ dốc cao.  Cuộc sống của họ chủ yếu là dựa vào kinh tế nương rẫy, săn bắt, hái lượm và đánh cá ở ven các sông, suối… Về mặt sinh hoạt văn hoá tinh thần, người Mảng cũng giống như người La Ha đều biết nhảy múa  trên nền nhạc cụ tre nứa dỗ trên mặt sàn tấm ván …

            Có thể nói: “Tất cả những nét đặc trưng như: trống đồng, thuyền độc mộc, nhạc cụ tre nứa, tục săm mình của các cư dân Nam Á  đều như phảng phất những gì đã từng được sách chữ Hán, cũng như các truyền thuyết nói về xứ sở của các vua Hùng thời xa xưa” [11, tr.218]. Điều đó cho phép chúng ta có thể khẳng định cư dân Nam Á là nhóm cư dân bản địa sinh sống lâu đời trên vùng đất Sơn La-Tây Bắc.

            Đến khi người Thái thiên di vào Tây Bắc (cuối Thiên niên kỷ thứ nhất đầu Thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên), giữa các nhóm người Thái thiên di với cư dân Nam Á đã xảy ra  những cuộc tranh chấp quyết liệt về địa bàn sinh sống. Cuối cùng do thất thế trong các cuộc tranh chấp với người Thái, nhóm cư dân Nam Á đã bị dồn lên các vùng núi cao sinh sống, còn người Thái đã chọn những vùng thấp, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, gần nguồn nước, giao thông đi lại thuận tiện để định cư.

            Tuy nhiên, trải qua quá trình thời gian, với nhiều biến thiên của lịch sử, các cư dân bản địa với các nhóm người Thái mới thiên di đến dần dần có sự hoà hợp, họ cùng nhau phát triển sản xuất, tạo dựng bản mường, xây dựng lên một công đồng dân tộc thống nhất. Câu truyện về truyền thuyết “Quả bầu” có nói đến: “333 giống Thái và 555 giống Xá, thấy nói Xá (tức Nam Á) lúc đó ở địa vị làm anh, Thái ở địa vị làm em” [8, tr.57]. Trong sự hoà đồng về các mặt kinh tế, văn hoá… nhóm cư dân Nam Á đã tiếp nhận nhiều sắc tố văn hoá của dân tộc Thái và các dân tộc khác. Từ đó những nét văn hoá cổ truyền bản địa của người Nam Á  dần dần bị mai một.

            Cho đến ngày nay, các dân tộc La Ha, Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun…nằm trong số 26 dân tộc anh em  của Tây Bắc, họ sinh sống tập trung ở dọc sông Đà và rải rác ở các tỉnh Tây Bắc.

* Ngữ hệ Thái - Kadai, bao gồm các dân tộc Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Tày, Thái, Sán Chay (Nhóm Tày Thái), Cơ Lao, La Ha, La Chí, Pu Péo (Nhóm Kadai)

+ Dân tộc Thái (có hai ngành Thái Đen và Thái Trắng) thuộc nhóm tiếng Tày- Thái, đây là dân tộc ít người đông nhất ở Tây Bắc, chiếm 53% dân số [5, tr.12] và cũng là dân tộc có trình độ kinh tế-xã hội phát triển sớm hơn so với các dân tộc ít người khác trong tỉnh. Mặc dù đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quá trình thiên di của người Thái vào vùng Sơn La-Tây Bắc, nhưng căn cứ vào thành tựu của một số công trình nghiên cứu như: “Lịch sử các quốc gia Đông Nam Á (Tập 2) - Lịch sử nước Lào”[4], “Văn hóa và lịch sử Thái ở Việt Nam”[10] và trên cơ sở của các tài liệu dã sử chữ Thái ở địa phương…chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm người Thái thiên di vào vùng Sơn La-Tây Bắc có hai đợt:

            Đợt thứ nhất vào thế kỷ IX, X, một bộ phận người Thái ở Thượng lưu Tây Giang đã men theo triền sông Đà và sông Mê Kông đi về phía Nam vào vùng Bắc nước Lào và Tây Bắc Việt Nam. Cho nên trong thời kỳ này đã hình thành nên một số điểm tụ cư của người Thái trắng ở dọc sông Đà như Mường Lay, Mường Tè, Mường La [4, tr.24]. Sau một thời kỳ tranh cháp với các cư dân bản địa (Nam Á), người Thái Trắng đã định cư trong các thung lũng, đất đai màu mỡ, gần nguồn nước, giao thông đi lại thuận tiện…Đến thế kỷ XIII, thế lực của trung tâm Thái Mường Lay trở nên cường thịnh, các thủ lĩnh Lôm Lẹch Lẹt Ma đã bành trướng thế lực: phía Bắc phát triển giáp Vân Nam (Trung Quốc), phía Đông đến hết Mường Tè, phía Tây sang đến Nặm U (Thượng Lào), phía Nam phát triển dọc sông Đà từ Mường Chiên (Quỳnh Nhai) đến tả ngạn Mường La. Người Thái có câu:

                              “ Lả púa tiếng Pua Keo

                                 Hua tẻ tiếng Tạo Lay

                                (Cuối sông Đà nổi tiếng Vua Kinh

                                 Đầu sông Đà nổi tiếng Tạo Lay).

Do đó Mường Lay đã trở thành một trung tâm của người Thái Trắng ở điểm cực Bắc và Tây Bắc.

            Cũng trong thời gian này, một bộ phận người Thái trắng từ Mường Đeng (Mường Đỏ) của Lào thiên di vào vùng Mường Sang, Pa Háng… và nhanh chóng toả đi khắp vùng Mộc Châu. Trong quá trình thiên di, để ổn định địa bàn cư trú, chiếm cứ đất đai, các nhóm Thái đã phải tranh chấp quyết liệt với các cư dân Nam Á (Kháng, Mảng, Xinh Mun, La Ha). Đến cuối thế kỷ XIII, Nhọt Cằm (vị thủ lĩnh người Thái trắng ở Mộc Châu) đã đánh thắng nhóm cư dân bản địa Nam Á và làm chủ toàn bộ vùng Mộc Châu rộng lớn, phía Bắc đến tận  Mương Vạt (Yên Châu), Phía Đông là Mường Tấc (Phù Yên), phía Tây, Tây Nam là Mường Ét, Chiềng Cọ(thuộc tỉnh Sầm Nưa của Lào), phía Nam là Đà Bắc, Mai Châu(nay thuộc Hoà Bình). Từ đó vùng đất Mường Sang đã trở thành trung tâm của người Thái Trắng Mộc Châu. Người Thái ví Nhọt Cằm như “Then”(trời) như “phạ”(đất) nổi tiếng khắp vùng [25, tr.31].

            Đợt thiên di thứ hai của người Thái đen diễn ra vào đầu thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên (thế kỷ XI, XII), “Một bộ phận tổ tiên người Thái Đen từ Mường Ôm, Mường Ai, miền đất nằm giữa sông Nậm U và sông Hồng (người Thái gọi là Nặm Tao) thuộc miền Nam tỉnh Vân Nam do Tạo Ngần (hay Tạo Xuông) thiên di xuống chiếm miền Mường Lò mà cánh đồng Nghĩa Lộ là trung tâm”. Trong luật tục Thái ở Mường Muổi (Thuận Châu) cũng viết: “Người Thái xưa ở đất Hán kéo nhau xuống ăn Mường Lò”[25]. Đến đời con là Tạo Lò tiếp tục phát triển thế lực đến các miền xung quanh như Mường Min (Tú Lệ), Than Uyên, Dương Quý, Văn Bàn ven sông Hồng [8, tr.59]. Sau đó, từ vùng “Đất ba giải, miền chín lưu vực con sông” Lạng Chượng (con út của Tạo Lò) tiếp tục cầm binh đánh thắng các bộ tộc Nam Á mở rộng thế lực ra Mường Chiến (nay thuộc Mường La) sang Mai Sơn, lên Sơn La, Mường Muổi (Thuận Châu) đến tận Mường Thanh (Điện Biên). Để chiếm cứ đất đai, ổn định địa bàn cư trú, Lạng Chượng đã phải nhiều lần chinh chiến với các cư dân bản địa người Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Kháng, thuộc nhóm Nam Á. Theo sách dã sử “Táy Pú Xấc” và truyền thuyết của dân tộc Thái cho thấy:

            “Lạng Chượng phải chật vật lắm mới thắng nổi quân Nam Á (bao gồm các tộc người Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Kháng). Truyền thuyết còn kể rằng quân Xá(tức Nam Á) có tên làm bằng đồng sắc nhọn, quân Thái chỉ có tên tre,  Lạng Chượng mới nghĩ cách lập mưu thách nhau bắn xem ai tên ai cắm vào đá là thắng. Quân Xá bắn tên đồng vào đá thì bật ra. Quân Thái biết cách nạp cục xáp ong vào đầu tên tre nên bắn vào đá thì dính. Quân Xá chịu thua phải chịu dâng trống đồng, để quân Thái chiếm đất, còn quân Xá phải chạy vào vùng sâu mà ở” [11, tr.218]. Hiện nay trong lễ hội truyền thống “Xênra” của người Thái Thuận Châu có cả một mục diễn lại cảnh người Xá dâng trống đồng cho người Thái (Xá Cú Coong).

            Như vậy, đến đầu thế kỷ XIII ở Tây Bắc đã hình thành ba trung tâm của người người Thái: điểm cực Bắc và Tây Bắc là Mường Lay (trung tâm của người Thái Trắng); điểm cực Nam và Tây Nam là Mộc Châu (trung tâm của người Thái Trắng), vùng giữa là Mường muổi (trung tâm của người Thái Đen thuộc Thuận Châu  ngày nay). Trong quá trình phát triển, ba trung tâm Thái kể trên thường xuyên xung đột, lấn chiếm lẫn nhau. Đến thời Tạ Ngần (cuối thế kỷ XIV), do chăm lo đến phát triển kinh tế, xây dựng bản mường, dần dần thế lực của Tạ Ngần  ở Mường Muổi (Thuận Châu) trở nên cường thịnh đủ sức thu phục được hai trung tâm người Thái ở Mộc Châu, Mường Lay và các tộc người khác ở Tây Bắc, xoá đi tình trạng phân tán cát cứ, thống nhất được Tây Bắc. Từ đây, lịch sử xã hội Thái ở Tây Bắc có những bước phát triển  quan  trọng và đạt được những thành tựu rực rỡ về tất cả các mặt:

            + Về đời sống kinh tế, cuộc sống của dân tộc Thái chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi… Ngoài ra họ còn biết khai thác lâm sản, săn bắn, hái lượm và làm một số nghề thủ công như: gốm, mộc, dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre… Sản phẩm nổi tiếng còn để lại cho đến tận ngày nay với những mái nhà sàn có mái che hai hồi hình khum khúm, những hoa văn mặt chăn, mặt đệm, khăn piêu… độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc.

            + Về mặt xã hội, người Thái ở Tây Bắc thường quần tụ sinh sống theo bản,  mỗi bản có từ 20-30 gia đình. Nhưng, cũng có những vùng trù phú như: Tường Phù, Huy Thượng, Huy Hạ(Phù Yên), Chiềng Ly, Thôm Mòn (Thuận Châu), Mường Sang (Mộc Châu) dân cư quần tụ đông đúc 50-60 gia đình một bản. Trong  bản của người Thái, theo quy định truyền thống người cao tuổi có uy tín được suy tôn làm trưởng bản. Trưởng bản là người có nhiệm vụ bao quát mọi việc, từ làm ăn, duy trì luật tục, bảo vệ đất đai, nguồn nước cho đến các lễ nghi, tôn giáo. Trong gia đình của người Thái là gia đình phụ hệ, người đàn ông giữ vai trò quan trọng trong gia đình. Nhưng một số tàn dư của chế độ mẫu hệ như tục ở rể vẫn được bảo lưu. Con trai người Thái thường phải ở rể bên nhà vợ từ 3-5 năm, sau đó mới được phép làm lễ đón dâu chính thức về nhà mình.

            Tuy còn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu nhưng đến khi Pháp xâm (1858) xã hội Thái cũng đã có sự phân hoá giai cấp, trong xã hội có quý tộc, phìa, tạo ở địa vị thống trị và nắm mọi quyền chức từ châu đến bản. Bên dưới có nông nô, cuông, nhốc, tầng lớp này bị quý tộc phong kiến áp bức bóc lột tàn bạo theo phương thức bóc lột truyền thống: “Cống nạp sản vật và phu phen tạp dịch không công”.

Về tổ chức xã hội: Trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858), trong xã hội người Thái ở Sơn La cũng đã hình thành những đơn vị hành chính trên bản, theo cách gọi truyền thống của địa phường là “Mường”. Mường được hình thành là do nhu cầu của quá trình đấu tranh phát triển sản xuất, bảo vệ địa bàn cư trú và chống lại sự xâm nhập của các tộc người từ nơi khác đến. Vì thế, Mường ban đầu thực chất là một sự liên minh lãnh thổ theo kiểu liên minh quân sự, Mường thường là sự liên minh lãnh thổ  của 5-7 bản, cũng có khi là cả một khu vực rộng lớn hàng chục bản, tuỳ theo địa thế đất đai, ảnh hưởng của người đứng đầu, điều kiện kinh tế…

            Đứng đầu các Mường lúc đầu là một vị thủ lĩnh quân sự (tiếng địa phương gọi Khun), sau này khi xã hội phát triển, vị thủ lĩnh quân sự dần dần trở thành người điều hành tất cả mọi công việc trong Mường nên được gọi là Chẩu mường và được cha truyền con nối (cứ như thế uy quyền của dòng họ quý tộc dần dần được tạo lập). Chẩu mường có quyền  quy định  lệ cống nạp sản vật, lao dịch, binh dịch, tổ chức các “Đội quân chinh chiến”(hay còn gọi là Đội quân Áo Đỏ) để bảo vệ bản mường, chống lại sự xâm nhập của các tộc người từ các nơi khác đến.

            Lịch sử đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của các đội quân “Chinh chiến”(hay còn gọi là Đội quân Áo Đỏ) ở các châu, mường dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh: Sa Khả Sâm, Cầm Quý, Cầm Lạn, vùng Mường Sang (Mộc Châu) đã tích cực tham gia nghĩa quân của Lê Lợi đánh đuổi quân Minh (thế kỷ XV) và các đội quân “Chinh chiến” của  Bạc Cầm Ten (Thuận Châu), Cầm Ngọc Hánh (Mai Sơn)… đã tích cực tham gia chống giặc “Cờ Vàng” (Tàn dư của Thái Bình Thiên Quốc) ở vùng Sơn La-Tây Bắc cuối thế kỷ XVIII.

            Với một tổ chức xã hội như vậy, cũng có một cơ cấu giai cấp và bộ máy thống trị tương ứng:

            Cơ cấu giai cấp: Đến khi Pháp xâm (1858) trong cơ cấu giai cấp xã  hội  ở Tây Bắc đã có sự phân hoá sâu sắc thành hai giai cấp chính: thống trị và bị trị.

            Giai cấp thống trị bao gồm:  quý tộc phong kiến Tri châu, Kỳ mục, Phìa, Tạo; trong đồng bào Mông, Khơ Mú có Thống lý, Thống quán. Đây là bộ phận giai cấp có đặc quyền, nắm toàn bộ các chức sắc trong xã hội từ châu, mường đến các bản. Bộ phận này chiếm rất ít trong xã hội, nhưng lại chiếm 8/10 ruộng đất trong xã hội dưới hình thức “ruộng chức”. Ngoài những tầng lớp trên, xã hội Tây Bắc còn có tầng lớp mo mường chuyên làm nhiệm vụ cúng lễ mê tín dị đoan thống trị nhân dân về mặt thần quyền. Tầng lớp này có số lượng khá đông đảo, được hình thành đồng bộ từ trên xuống dưới, từ Phủ đến Châu, Mường, Bản… Dựa vào uy quyền trong xã hội và tập tục truyền thống, giai cấp thống trị đã áp bức, bóc lột nhân dân hết sức tàn bạo về tất cả các mặt: kinh tế, chính trị xã hội và cả về mặt thần quyền .

            Giai cấp bị trị gồm có: nông dân, cuông, nhốc, đây là bộ phận giai cấp bị bóc lột, họ chiếm số đông 98% dân số nhưng chỉ chiếm 2/10 ruộng đất trong xã hội... Do địa vị kinh tế-xã hội quy định và do sự trói buộc của những luật tục truyền thống, những bộ phận giai cấp này đã bị tầng lớp quý tộc, phong kiến  áp bức bóc lột tàn bạo cả về vật chất cũng như tinh thần. Hàng năm họ phải cống nạp những của ngon vật lạ trên rừng, dưới ruộng theo quy định của từng vùng và làm nghĩa vụ phu phen tạp dịch không công cho tầng lớp quý tộc phìa, tạo từ 1-2 tháng trong một năm. Năm 1933, luật tục của Mường muổi (Thuận Châu) có điều khoản ghi:

            “…Nếu dân bắn được nai, lợn, gấu, bò tót phải biếu đùi sau một thăn trong dính vào thân ngoài và một miếng thịt. Nai phải biếu thêm một bộ lông và đuôi, gấu biếu thêm hai chân, nếu không có thăn thì nộp đùi thay. Nếu nai có nhung, lấy nhung, gấu lấy mật, hổ lấy da và xương…”

             Bộ máy thống trị: Để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp quý tộc phong kiến và điều hành xã hội, ở Tây Bắc đã hình thành bộ máy cai trị chặt chẽ từ châu đến bản. Ở vùng dân tộc Thái, đứng đầu châu, mường là các chẩu mường (mường trung tâm) đứng đầu các mường là phìa, phó phìa, dưới bản là các quan bản, tạo bản. Ở vùng đồng bào Mường là quan lang, lang đạo. Ở vùng đồng bào Mông là thống lý, thống quán, quan sự do các séo phải (trưởng bản) và mù lao (phó bản) bầu lên. Ở vùng dân tộc Khơ Mú có các sen, quản, khun đứng đầu cai quản .

            Tiêu biểu cho bộ máy thống trị đó là sự trị vì của các dòng họ quý tộc nắm mọi quyền hành chức sắc trong xã hội từ châu đến bản như họ Cầm, họ Lò ở Mai Sơn, họ Hoàng ở Yên Châu, họ Sa ở Mộc Châu, họ Đèo ở Mường Lay, Quỳnh Nhai; đặc biệt dòng họ Bạc ở Thuận Châu (Sơn La) cha truyền con nối đã nắm quyền thống trị 37 đời đến năm 1945 mới kết thúc [25, tr.11].

            Với bộ máy thống trị chặt chẽ từ trên xuống dưới, tầng lớp quý tộc phong kiến địa phương đã thống trị, bóc lột nhân các dân tộc cả về mặt kinh tế, chính trị xã hội cũng như về mặt thần quyền. Một trong những phương thức bóc lột điển hình ở Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung là: “Cống nạp sản vật và phu phen tạp dịch không công”. Bộ máy thống trị và phương thức bóc lột này về sau đã được thực dân Pháp duy trì cho đến tận năm 1945 mới kết thúc.

            + Các dân tộc: Tày, Lào (thuộc nhóm Thái-Kadai) ở Tây Bắc với một số lượng không đáng kể, họ thường sinh sống đan xen với các dân tộc Thái, Mường, Kinh…ở khắp các địa phương trong tỉnh. Các dân tộc Tày, Nùng đến vùng Sơn La – Tây Bắc từ thời Pháp thuộc, với nhiều lí do khác nhau nhưng chủ yếu là do thực dân Pháp bổ nhiệm các chức dịch như: tri châu, đội, phán, thông ngôn. Cũng có một số ít người sang theo con đường làm ăn, hoặc hôn nhân… Cuộc sống chính của họ là sản xuất nông nghiệp: làm ruộng nước, nương rẫy và phát triển chăn nuôi, một bộ phận làm nghề thủ công chuyên đan lát, làm hàng mây tre, hoặc bán thuốc …

            + Người Lào (thuộc nhóm Thái - Kadai) ở Tây Bắc từ lâu đời nhưng với số lượng không đáng kể, cuộc sống chính của họ cũng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy, chăn nuôi… Ngoài ra họ còn biết khai thác lâm sản, săn bắt  hái lượm và làm hàng thủ công. Hiện nay người Lào sinh sống chủ yếu ở xã Mường Và (Sốp Cộp-Sơn La), Mường Lói (Điện Biên) , Tam Đường Lai Châu và một số địa phương trong vùng.

* Ngữ hệ Hán - Tạng, bao gồm các dân tộc Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ (Nhóm tiếng Hán), Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La (Nhóm Tạng - Miến)

Người Hoa (Hán)

            Người Hoa thiên di đến vùng Sơn La-Tây Bắc vào những thời điểm và do nhiều nguyên nhân khác nhau; hoặc là do đói khổ phải phiêu bạt, họ đã tìm đường thiên di đến Sơn La-Tây Bắc làm ăn sinh sống; hoặc là những nghĩa binh trong các cuộc khởi nghĩa nông dân bị triều đình phong kiến đàn áp cũng đã dạt vào lẩn trốn…Ồ ạt và gần đây nhất là từ khi triều đình phong kiến Mãn Thanh tăng cường đàn áp các phong trào nông dân khởi nghĩa, đặc biệt là sau sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc; nhiều vị thủ lĩnh và các nghĩa quân đã mang theo cả gia đình, vợ con chạy vào vùng Sơn La-Tây Bắc để tránh sự đàn áp của triều đình. Khi vào nước ta có những toán nghĩa quân đã góp phần cùng với triều đình phong kiến Nguyễn dẹp loạn và tham gia chống thực dân Pháp xâm lược, tiêu biểu là quân “Cờ Đen” của  Lưu Vĩnh Phúc. Có toán nghĩa quân đã thoái hoá biến chất trở thành giặc giã cướp bóc nhân dân như giặc “Cờ Vàng” do Hoàng Sùng Anh, Ngô Côn đứng đầu… Đến khi thực dân Pháp với Triều đình Mãn Thanh kí kết Quy ước Thiên Tân ngày 11/5 /1885, tất cả các toán nghĩa quân Trung Quốc lẩn trốn trên đất Việt Nam buộc phải rút quân về nước. Nhưng nhiều người trong số họ đã tìm cách ở lại sinh sống và trở thành một bộ phận của cư dân vùng Sơn La-Tây Bắc hiện nay. Quá trình sinh sống, những nhóm người Hoa kể trên cũng đã đoàn kết với các cộng đồng cư dân trong vùng, cùng nhau lao động góp sức xây dựng bản mường và có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ nhiều gia đình người Hoa bị xúi dục đã chuyển về nước sinh sống. Hiện nay số lượng người Hoa ở Sơn La – Tây Bắc còn không đáng kể, họ sinh sống ở rải rác khắp các địa phương trong tỉnh như: trung tâm thị xã, thị trấn và vùng thấp. Cuộc sống chính của họ là buôn bán, làm ruộng, một bộ phận làm nghề bán thuốc.

Còn các dân tộc Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, Lô, Cống, Si La (thuộc nhóm Tạng Miến) là những dân tộc sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Về đặc điểm kinh tế xã hội của họ cũng chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp, với hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi; ngoài ra, cuộc sống của các cư dân này còn dựa nhiều vào khai thác lâm sản ở trong rừng, đánh bắt cá ở các khe suối. Công thương nghiệp hầu như chưa phát triển.

2.2.2. Tình hình kinh tế - xã  hội

            Trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858), đặc trưng kinh tế-xã hội của Tây Bắc là kinh tế nông nghiệp. Cuộc sống của cư dân chủ yếu dựa vào hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi. Công- thương nghiệp ở Tây Bắc hầu như chưa phát triển.

Tuy nhiên, do tác động của yếu tố địa hình, đất đai, sông ngòi, khí hậu… nên kinh tế Tây Bắc cũng có sự phân chia thành những khu vực và ngành nghề khác nhau khá rõ rệt:

            + Vùng thấp, bao gồm 4 cánh đồng “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tâm Than, Tứ Tấc và vùng dọc sông Đà. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của Vùng, ở đây nhìn chung dân cư đông đúc, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, nhiều ruộng nước… cho nên thế mạnh của vùng này là canh tác ruộng nước, cây trồng chính là lúa ruộng. Ngoài ra, ở hầu hết các chân ruộng cư dân còn trồng các loại cây hoa màu như: rau, quả, bầu, bí, đậu, đỗ…; cây nông sản lấy mật, lấy sợi như: bông, gai, mía… Khu vực này còn có nhiều thế mạnh trong việc phát triển chăn nuôi gia súc như: trâu, bò, ngựa, lợn…; gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng…và nuôi, thả cá trong các ao, ruộng…

            Tuy diện tích ruộng nước nhỏ, hẹp nhưng do cư dân Tây Bắc sớm biết đúc kết kinh nghiệm canh tác, sử dụng phân bón trong sản xuất và thực hiện luân canh nên năng suất cao hơn so với làm nương rẫy ở các sườn đồi, núi.

            + Vùng cao, chiếm phần lớn diện tích đất đai trong Vùng. Ở khu vực này, chủ yếu là núi đá, có xen kẽ với núi đất, khí hậu mát mẻ…, thế mạnh của vùng cao là sản xuất nương rẫy và phát triển chăn nuôi... Có thể nói, từ rất sớm trong lịch sử để duy trì cuộc sống, cư dân Tây Bắc đã biết lợi dụng nương rẫy để tra lúa (lúa nương), trồng ngô, khoai, sắn và các loại cây hoa màu như: rau, quả, đậu, đỗ; cây nông sản như: bông, gai và một số loại cây ăn quả khác… Trong điều kiện thiên nhiên ưu đãi, diện tích rộng nên sản phẩm thu được từ sản xuất nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong đời sống, kinh tế của các dân tộc… Cùng với sản xuất nương rẫy, ở vùng cao còn có thế mạnh về phát triển chăn nuôi gia súc như: trâu, bò, lợn, gia cầm như: vịt, gà, ngan, ngỗng… Tuy cách thức chăn thả còn rất lạc hậu, chủ yếu theo kiểu thả rông, sản phẩm thu được ít… nhưng chăn nuôi cũng có vị trí quan trọng trong việc duy trì cuộc sống của nhân dân trong vùng.

            Ngoài hai ngành sản xuất chính trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống của cư dân Tây Bắc còn dựa vào khai thác lâm sản, săn bắn, hái lượm trong rừng, đánh bắt cá ở ven các sông, suối… Đúng như câu ca của người Thái:                                       

                                       “Cơm nước ở mặt đất

                                          Thức ăn ở trong rừng”.

            Thế nhưng, ngay trong từng khu vực cụ thể do tác động của điều kiện tự nhiên, sự phong phú của cây trồng, vật nuôi… và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của cư dân, nên mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có thế mạnh riêng của mình trong việc phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp trên những địa bàn khác nhau. Điêù này đã được khẳng định trong câu ngạn ngữ Thái:

                                     “ Xá ăn theo lửa

                                        Thái ăn theo nước

                                         H’Mông ăn theo sương mù”.

            + Nhóm cư dân Nam Á (theo cách gọi miệt thị trước đây là Xá) bao gồm nhiều tộc người khác nhau: Kháng, La Ha, Xinh Mun, Mảng… Họ là những cư dân có biệt tài trong việc làm kinh tế nương rẫy ở ven các sườn núi có độ dốc cao, theo kiểu truyền thống: “đao canh hoả chủng”, dùng dao phát cỏ, cây sau đó để khô dùng lửa đốt lấy tro, đợi đến đầu mùa mưa dùng gậy “chọc lỗ tra hạt”. Họ còn biết căn cứ vào độ dốc của từng sườn núi để gieo trồng những loại cây lúa, ngô, hoặc đậu đỗ, khoai, sắn… cho phù hợp. Riêng đối với dân tộc Kháng ngoài việc làm nương rẫy, còn rất thành thạo trong công việc đóng thuyền độc mộc, đánh bắt cá ở các sông, suối. Chính người Thái cũng phải thừa nhận: “thuyền tốt không gì bằng thuyền Kháng”. Ngoài ra họ còn có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác lâm sản, săn bắt, hái lượm trong rừng, chăn thả gia súc.

            + Dân tộc Thái là dân tộc có trình độ sản xuất phát triển sớm hơn các dân tộc khác trong tỉnh, cuộc sống của họ cũng chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi; cây lương thực chính là: lúa, ngô, khoai, sắn. Từ rất sớm trong lịch sử, dân tộc Thái đã đạt đến trình độ cao về canh tác ruộng nước thông qua hệ thống mương, phai để: “dẫn thuỷ nhập điền”. Nhờ vậy mà họ đã chủ động được tưới, tiêu, làm cho sản xuất nông nghiệp ở loại hình ruộng nước và nuôi thả cá trong các ao, ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao... Ngoài ra, dân tộc Thái cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc làm nương rẫy, khai thác lâm sản, săn bắn, hái lượm trong rừng và chăn thả gia súc…

            + Đối với dân tộc Mông, do quen sống trên các sườn núi cao quanh năm sương mù bao phủ, khí hậu mát mẻ, nên từ xa xưa họ đã biết tận dụng đất đai ở các sườn núi để làm nương rẫy theo kiểu riêng của mình không giống với nhóm cư dân Nam Á và người Thái, là dùng dao phát cỏ, cây chờ khô, dùng lửa đốt, rồi cày xới dọn cho sạch cỏ, sau đó mới tiến hành trồng trọt. Loại cây trồng phù hợp nhất đối với vùng núi cao là cây ngô, đỗ, rau củ... Dân tộc H’Mông cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác ruộng bậc thang, chăn thả gia súc, trồng bông, gai, khai thác lâm sản, săn bắn và hái lượm trong rừng…

            Công - thương nghiệp ở Tây Bắc hầu như chưa phát triển, sản xuất thủ công nghiệp và thương nghiệp chưa tách khỏi nông nghiệp để trở thành một ngành kinh tế độc lập…Ở một số địa phương trong Vùng cũng đã manh nha những ngành nghề thủ công truyền thống, điển hình như: làm gốm, các nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre và nghề mộc đã trở thành phổ biến trong nhân dân… Nhưng, sản phẩm hàng hoá ít, quy mô sản xuất nhỏ hẹp trong từng gia đình, đến khi thực dân Pháp xâm lược (1858) và suốt cả thời kỳ thuộc Pháp về sau, hoạt động giao lưu trao đổi hàng hoá ở Tây Bắc chưa phải là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá- tiền tệ mà vẫn theo phương thức trao đổi truyền thống “vật đổi vật”… 

             Nhìn chung, trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858) cư dân Tây Bắc sống dựa vào nông nghiệp, với hai loại hình sản xuất chính: làm ruộng nước ở các thung lũng, nương rẫy ở ven các sườn đồi, núi. Công thương nghiệp hầu như chưa phát triển. Về cách thức sản xuất còn rất lạc hậu, vẫn phổ biến theo kiểu  “Chọc lỗ tra hạt”, vì thế nên sản xuất rất manh mún, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, lệ thuộc chặt chẽ vào thiên nhiên… Đặc điểm này đã kìm hãm kinh tế Tây Bắc trong tình trạng lạc hậu, thậm chí đến năm 1945 vẫn chưa vượt qua “thời kỳ đầu của hình thái kinh tế-xã hội phong kiến”.

  1. Về truyền thống lịch sử và văn hoá

3.1. Truyền thống văn hóa

Tây Bắc là khu vực hiện còn một mật độ khá dày các di chỉ khảo cổ có niên đại khác nhau từ thời kì đồ đá đến thời kì kim khí. Những công cụ sản xuất thuộc thời kì Đá mới tìm thấy ở Tuần Giáo (Điện Biên), Bản Mòn (Thuận Châu - Sơn La)... cùng nhiều hiện vật bằng đồng như: trống đồng, thạp đồng tìm thấy ở Sông Mã, Thuận Châu, Mai Sơn... chứng tỏ Tây Bắc là địa bàn sinh sống lâu đời của người nguyên thuỷ và nằm trong phạm vi của nền văn hoá kim khí phát triển rực rỡ của đất nước ta. Với bề dày của truyền thống văn hoá, các dân tộc Tây Bắc đã sáng tạo ra nền văn hoá văn nghệ dân gian đa dạng phong phú đâm đà bản sắc dân tộc, với những truyện thơ nổi tiếng như: Xống trụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu), sử thi Táy Pú Xấc (Bước đường chinh chiến của cha ông). Các dân tộc trong vùng đều có tín ngưỡng thờ vật tổ, cùng các lễ tết như: lễ mừng thọ, mừng nhà mới, cơm mới và nhiều phong tục tập quán khác. “Xoè” là đặc sản nghệ thuật múa Thái và trở thành biểu tượng của văn hoá Tây Bắc. Hầu hết các dân tộc Tây Bắc đều có sở thích âm nhạc chung đó là hệ nhạc cụ hơi có lưỡi gà bằng tre, bằng đồng, bằng bạc. Nét chung của văn hoá các dân tộc ở Tây Bắc đó là nếp sống hoà thuận, tôn trọng người già, yêu thương con trẻ và giúp đỡ nhau vô tư. Đặc biệt với việc sáng tạo ra Chữ Thái cổ của đồng bào Thái là một kiệt tác đóng góp vào nền văn hoá, văn minh Đại Việt...

3.2. Truyền thống lịch sử

Là một vùng biên cương có vị trí chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Tây Bắc là một vùng thường xuyên phải đương đầu với các thế lực xâm lược từ ngoài vào. Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa ngược và xuôi, đấu tranh kiên cường với quân thù, đã được hun đúc từ lâu. Truyền thống đó đã được sử sách ghi lại đó là: Vào thế kỉ thứ XIII, trong chiến thắng vang dội của cả nước đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên, nhân dân Tây Bắc đã góp phần công sức của mình. Điều đó đã được “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên ghi lại: “...Quân Nguyên về đến trại Quy Hoá (Tây Bắc thời đó nằm trong lộ Đà Giang và lộ Quy Hoá) trại chủ là Hà Bổng chiêu tập dân người Man tập kích, giặc lại thua to...”.

Đầu thế kỉ XV, nhân dân Tây Bắc, tiêu biểu là nhân dân Mộc Châu dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Sa Khả Sâm đã đứng dậy chống quân Minh. Đội quân của Sa Khả Sâm đã gia nhập nghĩa quân Lê Lợi, Nguyễn Trãi góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại độc lập cho đất nước. Sa Khả Sâm được vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) rất tin yêu phong tước đứng đầu lộ Đà Giang và được đổi sang họ Lê của nhà vua. Trong sự nghiệp chống quân Minh, đội quân “áo Đỏ” của nhân dân Tây Bắc đã đi vào lịch sử, tiêu biểu cho mối tình đoàn kết ngược - xuôi để chiến thắng quân thù.

Đến thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam trở nên thối nát, chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra liên miên, chính quyền phong kiến trung ương lơi lỏng vùng Tây Bắc - một vị trí chiến lược của Tổ quốc. Lợi dụng sự suy yếu của chính quyền phong kiến trung ương và sự lục đục của các chúa đất Thái, Lự...giặc Pẻ (hay còn gọi là giặc Pọng, giặc Nhuồn) từ Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc) tràn sang cướp phá gây nên bao cảnh đau thương tang tóc cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Đúng lúc đó, Hoàng Công Chất - thủ lĩnh của phong trào nông dân khởi nghĩa (1739 - 1769), sau một thời kì hoạt động ở miền đồng bằng liên kết với các thủ lĩnh phong trào nông dân: Vũ Đình Dung, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ...đến năm 1751 ông đã kéo quân vào hoạt động ở vùng thượng du Thanh Hoá, sang cả vùng Mường Puồn (thuộc tỉnh Sầm Nưa của Lào), rồi tiến quân lên Tây Bắc, đoàn kết với các thủ lĩnh dân tộc Thái vùng Điện Biên là Ngải và Khanh và thủ lĩnh người Thái ở Mường Muổi (Thuận Châu), Mường La, Quỳnh Nhai...để cùng chống giặc Pẻ hung ác. Nghĩa quân của Hoàng Công Chất đã giải phóng được thành Sa Mứn (còn gọi là thành Tam Vạn), đuổi được giặc Pẻ ra khỏi Tây Bắc. Hoàng Công Chất còn cho quân sĩ xây dựng thành Bản Phủ để án ngữ vùng biên ải Tây Bắc. Cảnh sống đoàn kết thanh bình ở địa phương đã được ghi lại bằng những câu ca dao:

“... Quân Ngải, quân Khanh,

 Quân của Thiên Chất.

 Ai muốn biết hãy coi

 Người Kinh cùng người Hoa,

 Người Thái, với người Lào, người Xá,

 Vui vẻ cùng nhau tay làm miệng hát”...

Đến cuối thế kỉ XIX, do chính sách thống trị bóc lột tàn bạo của triều đình phong kiến Mãn Thanh, đời sống nhân dân Trung Quốc trở nên cùng cực, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã bùng nổ, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc.

Sau khi bị triều đình phong kiến Mãn Thanh đàn áp (17/9/1864), nhiều toán nghĩa quân đã dạt vào vùng Tây Bắc. Có bộ phận đã cùng với triều đình phong kiến Nguyễn và nhân dân ta dẹp loạn và chống thực dân Pháp tiêu biểu là quân “Cờ Đen” của Lưu Vĩnh Phúc. Nhưng cũng có bộ phận khi chạy vào Việt Nam đã thoái hóa biến chất trở thành những toán giặc giã nhân dân ta quen gọi là giặc “Cờ Vàng”, chuyên đi tàn sát, cướp bóc nhân dân, tiêu biểu là các toán quân do Hoàng Sùng Anh, Ngô Côn, Diệp Tài... cầm đầu.

Vì thế, tình hình Tây Bắc trở nên hết sức phức tạp: trong khi nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp ngày một gần, các dân tộc Tây Bắc đang phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho công cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp thì lại phải đối mặt với giặc “Cờ Vàng”. Lúc này nhiều địa phương của Tây Bắc nhất là các vùng dọc sông Đà như: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu... thường xuyên bị giặc “Cờ Vàng” (bộ phận thoái hoá của Thái Bình Thiên Quốc) tràn vào cướp phá.

Tình hình đó đã buộc nhân dân các dân tộc Tây Bắc phải đứng lên chống giặc “Cờ Vàng” để bảo vệ bản mường. Cuộc đấu tranh chống giặc “Cờ Vàng” diễn ra hết sức quyết liệt dưới mọi hình thức, lúc đầu họ tìm mọi cách lẩn tránh, không chịu hợp tác với giặc:

“Xóm làng xơ xác, nhân dân đói khổ, nhiều nơi nhân dân đã phải bỏ cả làng, bản rủ nhau chạy vào rừng sâu để ở”.

Cuộc sống của các dân tộc cơ cực như con thú trong rừng:

“... dân sống cuộc đời như nai như hoẵng, nay đây mai đó.

Dân như loài quốc, như cáo, như chồn chui rúc rừng sâu”.

Trong bối cảnh đó, để dồn sức chống giặc “Cờ Vàng”, nhân dân các địa phương Tây Bắc đã phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của mình, đoàn kết một lòng thành lập các Đội nghĩa binh (hay còn gọi là các Đội quân chinh chiến), dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh châu, mường người địa phương tiêu biểu như: Bạc Cầm Ten (Thuận Châu), Cầm Ngọc Hánh (Mai Sơn)... phối hợp với quân của tỉnh Hưng Hoá cùng chiến đấu chống giặc “Cờ Vàng”. Đặc biệt trong các cuộc chiến đấu ác liệt đó, nhiều nghĩa quân và một số thủ lĩnh như: Bạc Cầm Ten, Cầm Ngọc Hánh đã anh dũng hy sinh... Cuối cùng sau hơn 7 năm chiến đấu gian khổ, đến năm 1880 cả vùng Tây Bắc đã đuổi được giặc “Cờ Vàng”, giữ yên được bản mường và lại gấp rút bước ngay vào cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.

Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam ở Đà Nẵng. Ngày 20/11/1873 thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất; ngày 25/4/1882 thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Trong không khí sục sôi của cả nước chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù đang phải đương đầu với giặc “Cờ Vàng” nhưng các dân tộc Tây Bắc tiêu biểu là đội quân của Mộc Châu và đội quân của Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu, Tuần Giáo vẫn anh dũng, kiên cường đứng trong hàng ngũ của Đạo quân “Thập Châu” (Đạo quân của tỉnh Hưng Hoá do Nguyễn Quang Bích và Lưu Vĩnh Phúc thành lập) kéo về vây giặc ở Hà Nội cùng với quân của Hoàng Tá Viêm và quân “Cờ Đen” của Lưu Vĩnh Phúc.

Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra phức tạp và hết sức ác liệt, quân Pháp tuy chiếm được thành Hà Nội nhưng không sao mở được địa bàn chiếm đóng ra các tỉnh lân cận vì bị quân ta vây hãm. Sau hơn một tháng địch bị quân ta vây nhốt ở trong thành Hà Nội trở nên hoang mang dao động, trong tình thế khó khăn đó ngày 21/12/1873 tướng giặc Phơrăngxi Gácniê (Francis Garnier) - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ mang quân ra phía Sơn Tây để phá vòng vây. Nhưng vừa ra đến Cầu Giấy chúng đã rơi vào ổ phục kích của đội quân “Thập Châu” và quân “Cờ Đen”, các nghĩa binh của ta chiến đấu rất dũng cảm giết chết tại trận tên tướng giặc Phơrăngxi Gácniê (Francis Garnier).

Các đội quân Tây Bắc lại tiếp tục phối hợp với quân “Cờ Đen” của Lưu Vĩnh Phúc kéo về vây giặc ở Hà Nội. Lần này với lực lượng đông đảo trên 800 nghĩa binh và hơn 6000 người tải lương, nghĩa quân đảm nhiệm hướng quan trọng ở Cầu Giấy. Để tiêu hao sinh lực địch, nghĩa quân dùng lối bắn tỉa và ban đêm dùng thang tre vượt thành vào quấy nhiễu chúng. Trong tình thế khó khăn lúng túng vì bị vây hãm trong gần một tháng, mờ sáng ngày 19/5/1883 Hăngri Rivie (Henri Rivière) liều chết dẫn 550 lính cùng 3 cỗ đại bác yểm trợ kéo ra Cầu Giấy để phá vòng vây nhưng đã bị quân phục kích của ta chặn đánh quyết liệt. Sau hơn hai giờ chiến đấu quân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giết chết tên tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ, Hăngri Rivie (Henri Rivière).

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Sơn Tây (16/12/1883), Hưng Hoá (12/4/1884) và Tuyên Quang (31/5/1884), tình hình trở nên nghiêm trọng hơn lúc nào hết, nhưng các nghĩa binh Tây Bắc vẫn cùng các lực lượng chống Pháp vùng Tuyên Quang tổ chức nhiều trận phục kích và bao vây quân Pháp gây cho chúng nhiều thiệt hại... Có thể nói, thực dân Pháp vẫn chưa kiểm soát được các châu mường vùng Thập Châu. cuối năm 1885, hàng ngũ kháng chiến vùng Thập Châu dần dần được phục hồi. Nhân dân Thập Châu hưởng ứng Hịch Cần vương của vua Hàm Nghi do Tôn Thất Thuyết phụ chính, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Quang Bích, lúc này được vua Hàm Nghi phong lễ bộ thượng thư, sung hiệp thống Bắc kì quân vụ (chỉ huy quân đôi Bắc Kì chống thực dân Pháp).

Tờ hịch của triều đình do vua Hàm Nghi kí vào tháng 7/1885 truyền đi khắp nơi trong nước. Nhiều sĩ phu, văn thân yêu nước hưởng ứng, vận động nhân dân nổi dậy chống thực dân Pháp. Các cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Bãi Sậy, Hương Khê...nổ ra đã nói lên tinh thần yêu nước, chí quật khởi của nhân dân ta hồi đó.

Ở Thập Châu, sau khi thành Hưng Hóa thất thủ (tháng4/1884), Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp rút về lập căn cứ chống Pháp ở vùng dọc sông Thao. Nghĩa quân đã cùng với nhân dân ra sức chiến đấu cản giặc. Với lối đánh du kích, nghĩa quân đã làm cho địch tiêu hao mỏi mệt... Phải chiến đấu trong điều kiện hết sức gian khổ, nghĩa quân vẫn bền bỉ, một lòng đánh giặc cứu nước. Tinh thần ấy đã được ghi lại qua thơ của Nguyễn Quang Bích, người thủ lĩnh xuất sắc của nghĩa quân:

           “...Đêm ngày chỗ ở không nhất định.

               Chỉ có lều tranh cùng cửa phên.

               Gian khổ ai là không sợ hãi.

               Chỉ có lương tâm không hề trái...”

               (Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX (1858 - 1900)).

Phong trào chống thực dân Pháp do Nguyễn Quang Bích trực tiếp chỉ huy đã phát triển nhanh chóng với trung tâm hoạt động lúc đầu là vùng Đại Lịch, vùng lòng chảo Nghĩa Lộ, Mường Cơi, Thu Cúc, Lai Đồng và Yên Lập (Vĩnh Phú). ở đây đồng bào các dân tộc Tày, Thái, Mường, Mông, Dao... đã hết lòng ủng hộ nghĩa quân. Thanh thế của nghĩa quân ảnh hưởng khắp miền tây Tổ quốc.

Ở Nghĩa Lộ, đồng bào vùng thấp Văn Chấn dưới sự lãnh đạo của lãnh binh Vương Văn Doãn (nhân dân địa phương còn gọi là Chánh Đạo Doan, hay Doanh) cũng hoạt động mạnh. Nghĩa quân đã tổ chức tuyến phòng thủ từ làng Dọc, làng Vần, Đại Lịch đến vùng lòng chảo Mường Lò. Ở đây họ đã bắt liên lạc thường xuyên với những cánh nghĩa quân hoạt động ở vùng Cẩm Khê (Vĩnh Phú).

Ở Sơn La, cuối năm 1887 giặc Pháp triệt để sử dụng những thủ lĩnh đã ra hàng chúng trong việc đánh chiếm các vùng sông Đà và sông Mã. Đến đâu chúng cũng thực hiện âm mưu lừa mị dân chia rẽ nội bộ nghĩa quân và đàn áp những người chống lại chúng. Tháng 01/1888 Cầm Bun Hoan đã dẫn địch từ Bảo Hà (Lào Cai) vào chiếm Sơn La. Mặc dù lực lượng của chúng đông hơn, có vũ khí tốt hơn, nghĩa quân Mường La đã dựa vào pháo đài Bản Cá (xã Chiềng An) chống lại chúng rất anh dũng. Sau nhiều ngày cầm cự, nghĩa quân đã xông ra khu ruộng Xam Kha (Mường La) đánh giáp lá cà với địch. Nhiều tên giặc đã ngã gục trước lưỡi dao, mũi mác của nghĩa quân.

Ở Lai Châu năm 1888 trong việc cản giặc, nghĩa quân Mường Lay, Phong Thổ đã bố trí tuyến phòng thủ từ Than Uyên đến phía nam Lào Cai. Nghĩa quân dùng lối đánh du kích, giặc mạnh thì sơ tán vào rừng, giặc sơ hở lại ra hoạt động, xuất kích bất ngờ, đánh vào những chỗ hiểm của chúng, buộc chúng phải lui quân. Nhờ lối đánh đó, nhiều cuộc tấn công của giặc Pháp đã bị đẩy lui.

Có thể nói, trong khoảng thời gian từ khi giặc Pháp đánh chiếm Hà Nội lần đầu tiên, đến lúc kết thúc phong trào Cần Vương (1896), nhân dân vùng Thập Châu đã đứng trong phái kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian đó nhân dân vùng Thập Châu đã có những đóng góp, hy sinh lớn lao, không những trong sự nghiệp bảo vệ bản mường, nơi quê hương của mình, nơi địa đầu của Tổ quốc, mà còn chi viện cho miền xuôi mỗi khi Tổ quốc cần đến.

Sau khi đàn áp xong phong trào Cần Vương ở Thập Châu trong những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đế quốc Pháp đã sử dụng tầng lớp quý tộc và bọn tay sai lập ra bộ máy thống trị, áp bức nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Trong vòng 34 năm (1897 - 1930), nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã kiên trì bền bỉ chống lại giặc Pháp xâm lược, nhiều cuộc đấu tranh vũ trang đã nổ ra. Có những cuộc nổi dậy mới nhóm lên đã bị quân thù dập tắt. Nhưng cũng có cuộc nổi dậy đã kéo dài nhiều năm, đã giành được quyền làm chủ trên một vùng rộng lớn. Song các cuộc nổi dậy đều bị thực dân Pháp tàn sát rã man và không đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra. Điều này nói lên khuyết, nhược điểm chung của các cuộc nổi dậy về đường lối, sách lược, phương pháp tiến hành..., mà trong hoàn cảnh nhiều mặt còn hạn chế những người lãnh đạo các cuộc nổi dậy thời kì đó chưa thể đề cập đến các vấn đề một cách toàn diện. Nhược điểm này của các phong trào chống thực dân Pháp ở Tây Bắc, cũng như trong cả nước thời kì đó đã phản ánh rõ yêu cầu của nước ta trong những năm đầu thế kỉ XX, đòi hỏi phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Song chúng ta khẳng định những hoạt động yêu nước và sự hy sinh của những người xưa cho Tổ quốc, có một giá trị hết sức lớn lao. Nhân dân Tây Bắc, cũng như nhân dân cả nước đời đời ghi nhớ những sự kiện lịch sử và sự hy sinh đó. Những việc làm của thế hệ trước đã đem lại những thành quả cho thế hệ sau, mà trước hết là những giá trị to lớn về mặt tinh thần. ở nơi Cai Khạt phá nhà tù, cướp súng giặc để giết giặc, sau này Lò Văn Giá, người thanh niên ưu tứ của nhân dân Tây Bắc đã dũng cảm hy sinh thân mình phục vụ cho cách mạng. ở nơi xưa kia đồng bào vùng cao cùng người thủ lĩnh tiêu biểu là Pa Chay, với vũ khí thô sơ kiên quyết đánh địch sau này Sùng Phái Sinh, Vừ A Dính... đã lập lên những chiến công to lớn...

Trong thời kì 1930 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là chi bộ cộng sản nhà ngục Sơn La (thành lập năm 1940), các dân tộc Tây Bắc đã thành lập “Đội thanh niên Thái cứu quốc” và “Hội người Thái cứu quốc” (cuối năm 1943) đứng lên đấu tranh chống đế quốc phong kiến góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và có những đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), kháng chiến chống Mĩ (1954 - 1975)…

Tóm lại, với những sự kiện lịch sử xẩy ra ở Tây Bắc từ trước và trong khi nhân dân ta bước vào thời kì chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ xâm lược, đã chứng minh truyền thống đoàn kết, xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam nói chung, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói riêng đã được hun đúc từ lâu đời. Nhân dân Tây Bắc không những đã có những cố gắng lớn lao trong việc xây dựng và bảo vệ bản mường, nơi địa đầu của Tổ quốc, mà còn sẵn sàng chi viện cho miền xuôi khi cần thiết. Ngược lại, mỗi khi Tây Bắc gặp khó khăn lại nhận được sự giúp đỡ của cả nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Tiếng Việt.
  2. (1976) Các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam (dẫn liệu nhân chủng học). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Phạm Văn Lực, ThS. Lò Văn Nét: “Sự cần thiết phải điều chỉnh thành phần một số dân tộc và tên gọi dân tộc thiểu số ở Tây Bắc - Việt Nam trong một số công trình đã công bố”. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Tây Bắc số 13 (6/2018)
  4. Hoàng Bình Chính: Hưng Hoá xứ phong thổ lục (Bản dịch đánh máy Phòng tư liệu Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).
  5. (1991) Lịch sử các quốc gia Đông Nam Á ( Tập II ) – Phần: Lịch sử nước Lào. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Hà Nội.
  6. Lã Văn Lô - Đặng Nghiêm Vạn (1968): Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  7. (1972) Nhân dân các dân tộc Tây Bắc chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1930). Tập 1 (Sơ thảo). Ban dân tộc Khu tự trị Tây Bắc xuất bản.
  8. Đặng Nghiêm Vạn, Nghiêm Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy, Thanh Thiên (1972): Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc. Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội.
  9. Đặng Nghiêm Vạn, Đinh Xuân Lâm (1975). Điện Biên trong lịch sử. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  10. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (1977): Tư liệu về lịch sử và xã hội Thái ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  11. (1998) Văn hoá và Lịch sử người Thái ở Việt Nam. Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
  12. Trần Quốc Vượng (chủ biên), (1998). Cơ sở Văn hoá Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  13. Nguyễn Trãi (1959): Dư địa chí (Bản dịch của Phan Huy Tiếp; Hà Văn Tấn chú thích và giới thiệu ). Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội.
  14. Tiếng Pháp.
  15. Le Gouverneur géneral de l’ Indochine de l’ arrêté. Hanoi, le 10 octbre 1895,  A. Rousseau.
  16. Le Secrètaire géneral de l’ Indochine et le Directeur géneral des travaux publies sont chargés, charcun en  ce qui le concerne, de l’excution du Président arrêté.  Hanoi, le 7 avril 1904, Beau. Le  Resident supérieur Tonkin  est chargé de l’excution du  président arrêté.  Hanoi, le 23 Aout 1904, Beau.
  17. H.L Jammes (1898). Au pays Annamite. Paris.
  18. Danier. J (1900): Les races et les peuples de la tere. Paris.
  19. Deporte: Monographie du 4è terricoire militair de Lai Chau.
  20. Saint Poulop (1935): Notice sur la Province de Son La.
  21. Sevenier: Notice sur la Province de Van Bu
  22. Mou Peyrat (1903): Rapport général sur la Province de Van Bu.
  23. Girard. H (1903): Les tribus sauvages du Haut-Ton Kin Man et Meo notes au thropomètrique et  ethnographique. Bull géog.  Hist et desoript, Paris.
  24. (193) Histoire militair de l’indochine des  débuts jus qu’ à nos jours. Hà Nội.
  25. Thomazi (1934): La conquête de l’indochine. Paris.
  26. Pierebrocheux et Daniel Hèmery: Indochine la colonisation amigue (1858-1954).

III. Tài liệu chữ Thái và  điền dã.

  1. Táy pú xấc (Sử thi của dân tộc Thái). Tài liệu lưu tại bảo tàng Sơn La.
  2. Quam tô mương của Mường La (Kể chuyện bản mường Của Mường La). Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.
  3. Quam tô mương của Mường Muổi – Thuận Châu (Kể chuyện bản mường của Mường Muổi). Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.
  4. Quam tô mương của Mường Tấc – Phù Yên ( Kể chuyện bản mường của Mường Tấc). Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.
  5. Quam tô mương của Mường Tè – Mộc Châu (Kể chuyện bản mường của Mường Tè – Mộc Châu). Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.
  6. Chương Han. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.
  7. Phanh mương ( bản Mường Muổi, Mường Piềng, Mường La ).Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.
  8. Phiết mương (bản Mường Sang). Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.

 

 

 

[1]  Có ý kiến cho rằng Tây Bắc bao gồm toàn bộ phần đất nằm ở phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây giáp Lào, phía Nam và Tây Nam  giáp Hòa Bình, Thanh Hóa. Khu tự trị Thái – mèo thành lập ngày 7.5.1955 lại chỉ bao gồm hai tỉnh Sơn La, Lai Châu (cũ) cộng với hai huyện Than Uyên, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái và huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai . Địa giới Tây Bắc theo Ban Chỉ đạo được thành lập ngày 24/8/2004 theo quyết định của Bộ Chính trị nhằm giúp Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW bao gồm 11 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An.