DẤU ẤN HỒ CHÍ MINH

TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VÀ THỜI ĐẠI

 

PGS.TS. Phạm Văn Lực

 

 

  1. Hình ảnh Hồ Chí Minh in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc

Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9.9.1969 tại Quảng Trường Ba Đình Hà Nội, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non song đất nước ta đã sinh ra Người và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta”.

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà sử học, nhà văn hóa, chuyên gia lịch sử quân sự đã thống nhất khẳng định: Cùng với nhân vật lịch sử huyền thoại Quốc tổ Hùng Vương, còn có 13 nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã đi vào lòng dân, xứng đáng được xây dựng tượng đài, đó là: Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Chủ tịch Hồ Chí Minh [8].

Vì 14 vị trên đã đáp ứng được một trong ba tiêu chí: Người khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ ngoại xâm, giành độc lập dân tộc; người đứng đầu một vương triều có đóng góp đặc biệt xuất sắc, lãnh đạo dân tộc giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; nhà quân sự, chính trị, văn hóa lỗi lạc.

Tất cả 14 nhân vật lịch sử đó được nhân dân tôn kính, thờ phụng ở rất nhiều nơi. Trong đó, Quốc tổ Hùng Vương được thờ phụng ở hơn 1.400 di tích; “Đức thánh Trần” Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ phụng ở hơn 400 làng xã và di tích lịch sử tại nhiều địa phương [8].

 

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam. Ảnh tư liệu

Tại sao các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, đặc biệt là Quốc tổ Hùng Vương, Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được nhân dân ta tôn kính, thờ phụng ở khắp nơi như vậy ?

Bởi vì, các vua Hùng đã có công khai cơ lập quốc, xây nền đắp móng cho giang sơn Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc để Tổ quốc ta trường tồn đến hôm nay và mai sau.

Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng dân tộc gắn liền với 3 lần chiến thắng quân xâm lược Mông-Nguyên, để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam và mang tầm thời đại ở thế kỷ XIII.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất ở thế kỷ XX; người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chế độ dân chủ công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á; người cha thân yêu của các LLVT nhân dân Việt Nam; người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.

Lịch sử vốn khách quan, lòng dân là công tâm nhất. Không ai có thể phong “thánh” cho ai, mà “thánh” xuất phát từ lòng dân, sống mãi trong lòng dân. Thế nên, dân gian mới có câu “Thương dân, dân lập đền thờ…” [8].

Lòng dân Việt Nam đối với Bác Hồ, có lẽ không câu nào sâu sắc hơn câu đối mà ông Nguyễn Văn Từ đã viết cách nay 55 năm, nhân dịp mừng sinh nhật Bác tròn 70 tuổi (19-5-1960): “Lo vì Dân, nghĩ vì Dân, vui khổ cũng vì Dân, dốc chí thờ Dân, công Bác với Dân thiên thu bất tận/ Bố gọi Bác, con gọi Bác, cháu chắt lại gọi Bác, nối dòng theo Bác, lòng Dân mong Bác vạn thọ vô cương[8].

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẽ lại bản đồ chính trị thế giới thời hiện đại lần thứ hai

           Đánh giá về đóng góp của Hồ Chí Minh đối với dân tộc và thời đại, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định chính Hồ Chí Minh là người vẽ lại bản đồ chính trị thế giới thời hiện đại lần thứ hai (1945).

Cách mạng tháng Tám 1945 của dân tộc Việt Nam hoàn toàn được sánh vai với cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, vì:

+ Với thắng lợi của cách mạng tháng Mười đã mở ra cho nhân loại kỷ nguyên phát triển mới: Quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cách mạng tháng Mười đưa đến sự ra đời của nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - Liên bang cộng hòa XHCN Xô viết rộng 1/6 diện tích địa cầu. Từ đó bản đồ chính trị thế giới có hai mầu: một là mầu của các nước tư bản, hai là mầu của Liên bang cộng hòa XHCN Xô viết do Lê nin sáng lập. Điều đó chứng tỏ người vẽ lại bản đồ chính trị thế giới thời hiện đại lần thứ nhất chính là Lê nin.

           + Năm 1945, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chế độ Dân chủ Nhân dân tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội (2/9/1945) – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một lần nữa đã tạo ra sự biến đổi sâu sắc về diện mạo thế giới hiện đại. Từ 1945, bản đồ chính trị thế giới có ba mầu: một mầu các nước tư bản, một mầu các nước xã hội chủ nghĩa và mầu thứ ba là của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh sáng lập - một thể chế chính trị chưa hề có tiền lệ trong lịch sử.

Với công lao to lớn đó, ta có thể khẳng định người vẽ lại bản đồ chính trị thế giới thời hiện đại lần thứ hai chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là tiêu chí “đắt giá” nhất để UNESCO (Ủy ban Văn hóa – Giáo dục - Khoa học của Liên Hợp quốc) truy tặng cho Người hai danh hiệu kép: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  1. Tên tuổi Hồ Chí Minh in đậm dấu ấn thời đại

Nhân dân, dân tộc Việt Nam tôn kính Bác Hồ như một tình cảm tự nhiên, vì Người đã làm “rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Nhưng không chỉ có vậy, tên tuổi Hồ Chí Minh đã vượt qua biên giới lãnh thổ Việt Nam, lan tỏa sâu rộng trên nhiều nước và trở thành một trong những nhân vật mang dấu ấn thời đại.

Cách đây 36 năm, sau khi tập hợp ý kiến của 300 nhà khoa học trên thế giới, cuốn từ điển tiểu sử mang tên “Văn hóa thế kỷ XX” (XXth Century culture) được Nhà xuất bản Harper and Row (Mỹ) xuất bản năm 1983, trong đó có tiểu sử Hồ Chí Minh [8].

Được xếp vào tiểu sử danh nhân văn hóa thế giới, vì ý kiến của 300 nhà khoa học đều có chung nhận định: “Hồ Chí Minh là người khởi xướng, giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đường chủ chốt được mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á và của thế giới thứ ba" [8].

Cuối tháng 12-1999, khi nhân loại sắp kết thúc thế kỷ XX và thiên niên kỷ thứ hai để bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba, tờ The Times (Thời báo) hàng đầu nước Mỹ cùng Hãng truyền hình CBS đã công bố 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ XX. Đây là kết quả được bầu chọn bởi 7 triệu người dân của nhiều nước trên thế giới, trong danh sách đó có Hồ Chí Minh. Trong số 100 nhân vật được bầu chọn, The Times lại chọn ra danh sách 20 nhà lãnh đạo và nhà cách mạng có uy tín nhất thế giới, trong đó có Hồ Chí Minh cùng những tên tuổi lừng danh khác như: V.I.Lê-nin, M.Găng-đi, Man-đê-la… 

Trong khóa họp toàn thể lần thứ 24 tại Pa-ri (Pháp) từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987, UNESCO đã thảo luận, xem xét và thông qua Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào thời điểm đó, cả thế giới mới có 21 nhân vật lỗi lạc trên thế giới đáp ứng tiêu chí chung nhất là “Những người để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại” được UNESCO ra nghị quyết kỷ niệm.

Đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-1990), UNESCO đã chính thức tôn vinh Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất". Nghị quyết của UNESCO có đoạn nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Những lý tưởng của Người là hiện thân của nguyện vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Không ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh được thế giới đánh giá cao như vậy. Trước đó, vào năm 1923, ngay lần đầu tiên gặp Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ Xô-viết Ô-xíp Man-đen-xtam từng có nhận định sắc sảo như một lời tiên tri: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai” [8].

“Nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”

Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô từng nói: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.

Có lẽ vì vậy mà sau khi Bác Hồ qua đời, 45 năm qua (1969-2014), trong số hơn 60 triệu lượt khách vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Người và tham quan khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, có khoảng 7 triệu lượt khách nước ngoài đến từ 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng trăm tổ chức quốc tế, trong số đó có rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách nổi tiếng thế giới.

Với lòng ngưỡng mộ Bác Hồ, bên cạnh việc đặt tên đường, tên trường học, tên quảng trường, tên vườn hoa, tên công viên mang danh “Hồ Chí Minh” ở nhiều nước trên thế giới, đến nay có 15 nước thuộc các chế độ khác nhau ở nhiều châu lục như: Nga, Pháp, Anh, Cu-ba, Thái Lan, Phi-líp-pin, Mông Cổ, Mê-xi-cô, Xri Lan-ca, Ma-đa-gát-xca… đã dựng tượng đài Hồ Chí Minh.

Những “con số biết nói” đó như minh chứng rõ ràng hơn về Hồ Chí Minh đã nằm trong trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế sâu sắc đến nhường nào!

Những dẫn chứng trên đây thêm một lần khẳng định: Nhân dân ta kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh như một tình cảm tự nhiên và rất đỗi thiêng liêng. Người là tinh hoa của lịch sử dân tộc mấy ngàn năm hội tụ, là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và là biểu tượng văn hóa bất tử của dân tộc Việt Nam. Lý tưởng, niềm tin, lẽ sống của Bác Hồ là lý tưởng, niềm tin và lẽ sống của cả dân tộc Việt Nam.

Tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúng ta tin tưởng rằng tư tưởng của Người luôn là ngọn đuốc sáng, soi đường cho nhân dân ta tiến về phía trước để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu bốn biển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. (1977) Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Các tổ chức tiền thân của Đảng. HN.
  2. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Đinh Xuân Lâm (1994), Hồ Chí Minh những hoạt động quốc tế, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, HN.
  3. Nguyễn Phan Quang. Công bố tư liệu về Nguyễn Ái Quốc. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 9/2004.
  4. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (2001). Đại cương lịch sử Việt Nam. Toàn tập. NXBGD. HN.
  5. (1995) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1 (1919-1924), NXBCTQG, HN. Tr. 416
  6. (1996) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, NXBCTQG, HN. Tr. 127
  7. Bùi Đình Hạc (Đạo diễn) phim: “Hồ Chí Minh chân dung một con người”, “Đường về Tổ quốc” và “Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số của nước Pháp”. Ban Thời sự - Đài truyền hình Việt Nam 2017.
  8.  Thiệu Văn (31.8.2019): "Bác H tượng đài của lòng dân". Tuần Việt Nam. Nét