MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THIẾT CHẾ XÃ HỘI THÁI TRUYỀN THỐNG Ở TÂY BẮC

 PGS.TS. Phạm Văn Lực

Giám đốc TTNC Văn hóa các dân tộc Tây Bắc

Tel. 0915.802.693; hoặc 0948518889; Email:pvldhtb@gmail.

     A.Đặt vấn đề

Dân tộc Thái là dân tộc thiểu số có số dân đông nhất ở Tây Bắc. Quá trình hòa huyết, sinh sống, dân tộc Thái đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa đậm đà sắc thái bản địa và tạo dựng được một thiết chế xã hội độc đáo, chặt chẽ, quy củ từ trên xuống dưới. Trong phạm vi của bài viết này, tôi xin đề cập dến một số vấn đề trong thiết chế xã hội Thái truyền thống ở Tây Bắc

     B.Nội dung

  1. Vài nét khái quát về dân tộc và văn hóa Thái

Nguồn gốc lịch sử

       Tây Bắc một phần của lãnh thổ Việt Nam, một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam. Tây Bắc chủ yếu bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Từ rất sớm trong lịch sử vùng đất Sơn La - Tây Bắc đã hội tụ được cư dân trong vùng và cư dân từ các nơi khác thiên di đến làm ăn sinh sống trên mảnh đất này. Cho đến ngày nay, Tây Bắc là địa bàn sinh sống lâu đời của 20 dân tộc anh em: Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, Khơ Mú, Hà Nhì, Mường, Tày, Nùng, Dao, San Chí, La Hủ, Lào...; trong đó đông nhất là dân tộc Thái chiếm 53% dân số của Tây Bắc (số liệu thống kê ngày 1/4/2013).

       Dân tộc Thái chủ yếu sinh sống ở các vùng thấp, vùng giữa đất đai màu mỡ, gần nguồn nước, giao thông đi lại thuận tiện. Hiện nay người Thái tập trung sinh sống đông nhất ở các vùng: Mường Thanh, Mường Lay (Điện Biên); Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu); Thuận Châu, Mường La, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên (Sơn La), Mường Lò (Yên Bái); Than Uyên (Lào Cai)…

       Về sự có mặt của dân tộc Thái ở Tây Bắc, cho đến ngày nay tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng: cư dân thuộc nhóm tiếng Tày - Thái vốn sinh sống ở vùng cao nguyên Thanh Tạng (Tây Tạng – Trung Quốc), do không chịu thần phục chính sách đồng hoá thôn tính của các triều đại phong kiến Hán tộc nên vào thời điểm cuối thiên niên kỷ thứ nhất đầu thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên họ đã ồ ạt tìm đường thiên di xuống phía Nam theo đường sông Mê Công và sông Hồng (người Thái gọi là Nặm Tao) đổ bộ lên Myanma, Lào và vào vùng Tây Bắc Việt Nam. Đến cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV ở Tây Bắc đã xuất hiện ba trung tâm Thái: điểm cực Nam và Tây Nam là Mộc Châu (trung tâm của người Thái trắng), điểm cực Bắc và Tây Bắc là Mường Lay (trung tâm của người Thái trắng), vùng giữa là Mường Muổi trung tâm của người Thái Đen thuộc Thuận Châu ngày nay).

       Trong quá trình phát triển, ba trung tâm người Thái ở Mộc Châu, Mường Lay, Mường Muổi (Thuận Châu), thường xuyên xung đột, lấn chiếm lẫn nhau. Dưới thời Tạo Ngần (thế kỷ XIV), do chăm lo đến phát triển kinh tế, xây dựng bản mường, dần dần thế lực của Tạo Ngần ở Mường Muổi trở nên cường thịnh, thu phục được hai trung tâm người Thái ở Mộc Châu, Mường Lay và các tộc người khác ở Tây Bắc, xoá đi tình trạng phân tán cát cứ, thống nhất được Tây Bắc. Dân tộc Thái chính thức ổn định địa bàn cư trú trong các thung lũng, đất đai bằng phẳng, màu mỡ gần nguồn nước, tiện lợi giao thông “bản mường bắt đầu xuất hiện” [11; 11]. Từ đây lịch sử xã hội Thái nói chung, văn hoá Thái nói riêng có những bước phát triển quan trọng.

Tình hình kinh tế xã hội

Đặc điểm kinh tế xã hội điển hình của người Thái Tây Bắc là sản xuất nông nghiệp, với hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, cuộc sống của họ còn dựa vào khai thác lâm sản, săn bắn, hái lượm trong rừng, đánh bắt cá ở ven các sông, suối… Đúng như câu ca của người Thái:                                      

                                       “Cơm nước ở mặt đất

                                         Thức ăn ở trong rừng

       Thế nhưng, ngay trong từng khu vực cụ thể do tác động của điều kiện tự nhiên, sự phong phú của cây trồng, vật nuôi… và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của cư dân, nên mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có thế mạnh riêng của mình trong việc phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp trên những địa bàn khác nhau. Điều này đã được khẳng định trong câu ngạn ngữ Thái:

                                       “Xá ăn theo lửa

                                         Thái ăn theo nước

                                         H’Mông ăn theo sương mù” [13]

       Công - thương nghiệp ở Tây Bắc hầu như chưa phát triển, sản xuất thủ công nghiệp và thương nghiệp chưa tách khỏi nông nghiệp để trở thành một ngành kinh tế độc lập…Ở một số địa phương trong vùng cũng đã manh nha những ngành nghề thủ công truyền thống, điển hình như: làm gốm ở Mường Chanh (Mai Sơn), Mường Sại (Thuận Châu), các nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre và nghề mộc đã trở thành phổ biến trong nhân dân… Nhưng, sản phẩm hàng hoá ít, quy mô sản xuất nhỏ hẹp trong từng gia đình, đến khi thực dân Pháp xâm lược (1858) và suốt cả thời kỳ thuộc Pháp, hoạt động giao lưu trao đổi hàng hoá ở Tây Bắc chưa phải là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá- tiền tệ mà vẫn chủ yếu theo phương thức trao đổi truyền thống “vật đổi vật”. Đặc điểm này đã kìm hãm kinh tế Tây Bắc trong tình trạng lạc hậu, thậm chí đến năm 1945 vẫn chưa vượt qua “thời kỳ đầu của hình thái kinh tế-xã hội phong kiến” [7;11].

Bản sắc văn hóa

Qua quá trình hoà huyết, sinh sống, đồng bào Thái - Tây Bắc đã sáng tạo ra nền văn hoá văn nghệ dân gian đa dạng phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu là các giá trị:

       Về văn hoá vật chất, là cư dân sống lâu đời ở Tây Bắc đồng bào Thái đã sáng tạo ra một nền văn hoá vật chất hết sức đa dạng và độc đáo, đúng như người Thái đã nói:

                          “Ăn cơm nếp, uống rượu cần

                             Ở nhà sàn, mặc “xửa cỏm

Hoặc người Thái cũng có câu:

                         “ Đi ăn cá về nhà uống rượu

                           Ở thì ngủ đệm, đắp chăn ấm.” [10]

       Một trong những sản phẩm độc đáo của nền văn hoá vật chất của đồng bào Thái Sơn La - Tây Bắc là hình ảnh của ngôi nhà sàn cổ của người Thái được dựng lên trên cơ sở của sự phát triển kinh tế-xã hội, hài hoà với môi trường thiên nhiên, xinh xắn đẹp cả về hình thức cũng như nội dung. Ngôi nhà sàn của đồng bào Thái Sơn La-Tây Bắc có cấu trúc mái che hai hồi hình khum khúm lưng rùa, có Khâu cút trọc trời… đã trở thành biểu tượng độc đáo của “văn hoá dân tộc, của núi rừng hùng vĩ”. Ngoài ra, nói đến văn hoá vật chất còn phải nói đến tính độc đáo của những hoa văn mặt phà, khăn piêu và một số những vật dụng khác… có đường nét uốn lượn, gam màu sặc sỡ. Đó chính là sản phẩm lao động cần mẫn của đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị dân tộc Thái…

       Trong sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của dân tộc Thái, chúng ta không thể không nói đến “Xển mo”, “Khắp một lao”, “Khắp sư”, “Khắp báo sao” (hát trao duyên) và các làn điệu múa dân gian. “Khắp sư”, “Khắp báo sao” có nghĩa là đọc, là ngâm, là hát những bài hát dân gian của dân tộc. Trong sản xuất, đời sống sinh hoạt, hát (người Thái gọi là khắp) đối với họ không thể thiếu được. Người ta tự hát một mình hoặc hát cho mọi người nghe một cách say xưa. Trước đây đã có những cuộc hát kéo dài 2, 3 ngày đêm. Qua hát người ta không những thưởng thức thi vị của ý thơ mà còn gửi gắm tâm tư, tình cảm vào những âm thanh trầm bổng của giọng hát hay. Hễ có thơ là người ta có thể hát ngay theo một lối hát cho hợp với thể loại. Đó chính là các làn điệu dân ca biểu hiện bằng lối hát thơ thích hợp của từng vùng. Cũng là truyện thơ, nhưng khi hát làn điệu khác nhau hoàn toàn. Không bao giờ hát sử thi “Táy Pú Xấc” như hát tập thơ anh hùng ca “Chương Han”; người ta cũng không hát “Phanh mương” (Kể chuyện dựng bản mường) như hát truyện thơ “ Chàng lú, Nàng ủa”. Lại cũng có thể có hai lối hát cho cùng một tác phẩm thơ. Truyện thơ “Sống trụ sôn xao” khi nhàn dỗi ngâm nga thì phải theo làn điệu “Khắp sư”, khi hát ở các bữa tiệc cưới thì phải theo làn điệu “Khắp báo xao”. Hát có kèm theo nhạc khí, chiêng trống tăng thêm không khí rạo rực, sôi nổi hoặc lâm ly thống thiết… Có thể nói, những giá trị văn hoá tinh thần phong phú đa dạng của dân tộc Thái tràn đầy sức sống.

       Cùng với những tinh hoa văn hoá độc đáo thể hiện đời sống tình cảm đằm thắm thiết tha của cộng đồng dân tộc, đồng bào Thái còn có nhiều phong tục tập quán tốt đẹp như: lễ mừng thọ, lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới, hội ném còn, hạn khuốn. Ngoài ra, đồng bào Thái còn có các tập tục truyền thống lâu đời như: ma chay, cưới xin, cúng bản, cấm mường… Mỗi phong tục tập quán có một sắc thái riêng, nhưng tựu chung lại là thể hiện sự phong phú của đời sống tình cảm, nếp tư duy của cộng đồng dân tộc đã phát triển đạt đến trình độ cao chứ không phải là “cách tư duy mờ mịt kiểu tôn giáo” [9; 51]. Đặc biệt với việc sáng tạo ra chữ Thái cổ và bộ sử thi “Táy pú xấc” là một kiệt tác đóng góp vào nền văn hoá, văn minh Đại Việt.

  1. Một số vấn đề trong thiết chế xã hội và luật tục Thái

Thiết chế xã hội truyền thống của người Thái Tây Bắc rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề, nhưng trong phần này tôi chỉ đề cập đến đơn vị hành chính, tổ chức xã hội, bộ máy chức dịch và luật tục.

2.1. Về đơn vị hành chính và tổ chức xã hội

Tổ chức xã hội Thái Tây Bắc được hình thành theo đơn vị hành chính, chặt chẽ, quy củ từ trên xuống dưới: từ Mường đến Bản.

* Mường

Mường được hình thành là do nhu cầu của quá trình đấu tranh phát triển sản xuất, bảo vệ địa bàn cư trú và chống lại sự xâm nhập của các tộc người từ nơi khác đến. Vì thế, Mường ban đầu thực chất là một sự liên minh lãnh thổ theo kiểu liên minh quân sự, Mường thường là sự liên minh lãnh thổ của 5-7 bản, cũng có khi là cả một khu vực rộng lớn hàng chục bản, tuỳ theo địa thế đất đai, ảnh hưởng của người đứng đầu, điều kiện kinh tế…

Đứng đầu các Mường lúc đầu là một vị thủ lĩnh quân sự (tiếng địa phương gọi Khun), sau này khi xã hội phát triển, vị thủ lĩnh quân sự dần dần trở thành người điều hành tất cả mọi công việc trong Mường nên được gọi là Chẩu mường và được cha truyền con nối (cứ như thế uy quyền của dòng họ quý tộc dần dần được tạo lập). Chẩu mường có quyền quy định lệ cống nạp sản vật, lao dịch, binh dịch, tổ chức các “Đội quân chinh chiến”(hay còn gọi là Đội quân Áo Đỏ) để bảo vệ bản mường, chống lại sự xâm nhập của các tộc người từ các nơi khác đến [10].

Lịch sử đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của các đội quân “Chinh chiến”(hay còn gọi là Đội quân Áo Đỏ) ở các châu, mường dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh: Sa Khả Sâm, Cầm Quý, Cầm Lạn, vùng Mường Sang (Mộc Châu) đã tích cực tham gia nghĩa quân của Lê Lợi đánh đuổi quân Minh (thế kỷ XV) và các đội quân “Chinh chiến” của Bạc Cầm Ten (Thuận Châu), Cầm Ngọc Hánh (Mai Sơn)… đã tích cực tham gia nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích chống giặc “Cờ Vàng” (Tàn dư của Thái Bình Thiên Quốc) ở vùng Sơn La-Tây Bắc cuối thế kỷ XIX.

Mường là một đơn vị hành chính trong xã hội Thái ở Tây Bắc, nhưng không có nghĩa tất cả các mường đều có vị trí và vai trò như nhau, mà có “Mường lớn” (người Thái gọi là Mường Luông) và “Mường nhỏ” (có nơi gọi là Chiềng). Ví dụ: ở Mộc Châu,“Mường Luông” là Mường Sang được gọi là mương trung tâm, chẩu mường cai quản cả một vùng rộng lớn; các mường nhỏ như Mường Tè, Mường Sại, Chiềng Khừa, Chiềng Đi, Chiềng Ve, Mộc Hạ, Xuân Nha...phải phụ thuộc và có nghĩa vụ cống nạp sản vật, làm nghĩa vụ phu phen, tạp dịch cho Chẩu mường của Mường Sang. Hoặc ở Mường Mụa (Mai Sơn) mường trung tâm là Mường Chanh, các mường nhỏ như: Mường Lầm, Mường Lạn, Mường Lói, Mường Và, Chiềng Khương, Chiềng Pằn, Chiềng Mung, Chiềng Chung, Chiềng Mai... đều phụ thuộc vào Chẩu mường của Mường Chanh. Ở Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Muổi là mường trung tâm, còn các mường nhỏ như: Mường É, Mường Phiềng, Chiềng Khoang, Chiềng Bôm, Chiềng Ngàm, Chiềng Sại...đều phụ thuộc vào mường trung tâm là Mường Muổi. Thậm chí, từ khi Tạ Ngần quy phục được các trung tâm Thái ở Mường Sang (Mộc Châu) và Mường Lay (XIV), thống nhất Tây Bắc, Mường Muổi (Thuận Châu) còn trở thành “Thủ đô” của xã hội Thái vùng Tây Bắc[10].

Đến thời Hậu Lê (XV), ở Tây Bắc có tổng số 16 châu Thái (tiếng Thái gọi là Síp hốc châu Táy), đó là: “Mường Lò, Mường Tiến (hay còn gọi là Chiêu Tấn, đến năm 1909 thực dân Pháp đổi là Than Uyên), Mường Tấc (Phù Yên), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Vạt (Yên Châu), Mường Mụa (Mai Sơn), Mường La, Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lay, Mường Tùng (Tùng Lăng), Mường Hoàng (Hoàng Nham), Mường Tiêng (Lễ Tuyền), Mường Chiềng Khem (Châu Khiêm)Mường Chúp (Tuy Phụ), Mường Mi (Hợp Phì)” [11; 15].

Dưới triều Nguyễn (XIX), Tây Bắc được gọi là vùng “Thập Châu” thuộc tỉnh Hưng Hoá, cụ thể là các châu mường sau: “Mường Lò, Mường Tiến (hay còn gọi là Chiêu Tấn, đến năm 1909 thực dân Pháp đổi là Than Uyên), Mường Tấc (Phù Yên), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Vạt (Yên Châu), Mường Mụa (Mai Sơn), Mường La, Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lay. Còn 6 châu mường: Mường Tùng (Tùng Lăng), Mường Hoàng (Hoàng Nham), Mường Tiêng (Lễ Tuyền), Mường Chiềng Khem (Châu Khiêm), Mường Chúp (Tuy Phụ), Mường Mi (Hợp Phì) đã bị Nhà Thanh cướp mất hồi thế kỷ XVIII” [6; 37].

* Bản

Người Thái Tây Bắc thường quần tụ sinh sống theo bản, mỗi bản có từ 20-30 gia đình. Nhưng, cũng có những vùng trù phú như: Mường Tấc (Phù Yên), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Thanh (Điện biên), Mường Than (Than Uyên), Mường Lò (Nghĩa Lộ)... dân cư quần tụ đông đúc 50-60 gia đình một bản.

Trong bản của người Thái, theo quy định truyền thống người cao tuổi có uy tín được suy tôn làm trưởng bản. Trưởng bản là người có nhiệm vụ bao quát mọi việc: từ làm ăn, duy trì luật tục, bảo vệ đất đai, nguồn nước cho đến các lễ nghi, tôn giáo... Tất cả các vấn đề này được hệ thống hóa thành quy định hết sức nghiêm ngặt gọi là “Luật bản”, “Luật tục”... Điều đặc biệt, sự giàng buộc giữa các cộng đồng cư dân trong bản, mường của người Thái Tây Bắc chủ yếu dựa trên quan hệ huyết thống của các dòng họ, tiêu biểu như: họ Hoàng ở Mường Vạt (Yên Châu-Sơn La), họ Sa ở Mường Sang (Mộc Châu-Sơn La), họ Cầm ở Mường Mụa (Mai Sơn-Sơn La), họ Đèo ở Mường Lay (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La), họ Bạc ở Mường Muổi (Thuận Châu-Sơn La)...

* Gia đình

Gia đình là hạt nhân trong thiết chế xã hội của người Thái Tây Bắc. Gia đình của người Thái Tây Bắc là gia đình phụ hệ, người đàn ông giữ vai trò quan trọng trong gia đình. Nhưng, một số tàn dư của chế độ mẫu hệ như tục ở rể vẫn được bảo lưu. Con trai người Thái thường phải ở rể bên nhà vợ từ 3 đến 5 năm, sau đó mới được phép làm lễ đón dâu chính thức về nhà mình [10]. Đặc biệt, trong ngôi nhà của người Thái có thể có nhiều thế hệ cùng chung sống nhưng duy nhất chỉ có một bếp lửa. Điều này hoàn toàn khác với phong tục của một số dân tộc ở Tây Nguyên như người Ba Na, Ja Rai, Brâu... trong một mái nhà của họ cũng có nhiều thế hệ cùng chung sống, nhưng do được ăn riêng nên có thể chia ra thành nhều bếp lửa.

Như vậy, thiết chế xã hội truyền thống của người Thái Tây Bắc được tổ chức theo đơn vị hành chính (bản, mường) chặt chẽ, quy củ từ trên xuống dưới, hạt nhân của thiết chế này chính là gia đình; sự giàng buộc giữa các cộng đồng cư dân trong các bản, mường của người Thái chủ yếu dựa vào mối quan hệ huyết thống của các dòng họ. Tương ứng với tổ chức xã hội như vây, trong xã hội Thái truyền thống cũng có bộ máy chức dịch phù hợp để duy trì luật tục, xây dựng bản mường và đấu tranh chống lại sự xâm nhập của ngoại tộc.

2.2. Bộ máy chức dịch và luật tục

* Sự hình thành các giai tầng trong xã hội

Tuy còn trong tình trạng nghèo nàn lạc hậu, nhưng đến khi Pháp xâm (1858) trong xã hội Thái truyền thống ở Tây Bắc cũng đã có sự phân hoá giai cấp khá rõ rệt, trong xã hội có quý tộc, phìa, tạo ở địa vị thống trị và nắm mọi quyền hành, chức tước từ châu đến bản. Bên dưới có nông nô, cuông, nhốc; trong xã hội Thái ở Tây Bắc, tầng lớp này bị quý tộc phong kiến áp bức bóc lột tàn bạo theo phương thức: “Cống nạp sản vật và phu phen tạp dịch không công” [1; 12].

Giai cấp thống trị là bộ phận giai cấp có đặc quyền, nắm toàn bộ các chức sắc trong xã hội từ châu, mường đến các bản. Bộ phận này có số lượng rất ít, nhưng lại chiếm 8/10 ruộng đất trong xã hội, dưới hình thức “ruộng chức” [10]. Ngoài những tầng lớp trên, xã hội Sơn La còn có tầng lớp mo mường chuyên làm nhiệm vụ cúng lễ mê tín dị đoan, thống trị nhân dân về mặt thần quyền; tầng lớp này có số lượng khá đông đảo, được hình thành đồng bộ từ trên xuống dưới, từ châu, mường đến bản… Dựa vào uy quyền trong xã hội và tập tục truyền thống, giai cấp thống trị đã áp bức, bóc lột nhân dân hết sức tàn bạo về tất cả các mặt: kinh tế, chính trị xã hội và cả về mặt thần quyền .

Giai cấp bị trị gồm có: nông dân, cuông, nhốc, đây là bộ phận giai cấp bị bóc lột, họ chiếm số đông 98% dân số nhưng chỉ chiếm 2/10 ruộng đất trong xã hội… [10]. Do địa vị kinh tế-xã hội quy định và do sự trói buộc của những luật tục truyền thống, những bộ phận giai cấp này đã bị tầng lớp quý tộc, phong kiến áp bức bóc lột tàn bạo cả về vật chất cũng như tinh thần. Hàng năm họ phải cống nạp những của ngon vật lạ trên rừng, dưới ruộng theo quy định của từng vùng và làm nghĩa vụ phu phen tạp dịch không công cho tầng lớp quý tộc phìa, tạo từ 1-2 tháng trong một năm.

* Bộ máy chức dịch

Để phát triển sản xuất, xây dựng bản mường, duy trì luật tục và đấu tranh chống lại sự xâm nhòa từ bên ngoài, trong xã hội Thái Tây Bắc cũng đã hình thành một bộ máy chức dịch (có từ 7 – 10 ngươi) được tổ chức chặt quy củ, chẽ từ châu đến bản và có đặc trưng cơ bản sau:

+ Đứng đầu châu, mường là các chẩu mường (mường trung tâm) đứng đầu các mường nhỏ là phìa, phó phìa, dưới bản là các quan bản, tạo bản. Trong xã hội Thái truyền thống, các dòng họ quý tộc nắm mọi quyền hành, chức sắc trong xã hội từ châu đến bản, như: họ Cầm, họ Lò ở Mường Mụa (Mai Sơn), họ Hoàng ở Mường Vạt (Yên Châu), họ Sa ở Mường Sang (Mộc Châu), đặc biệt dòng họ Bạc ở Mường Muổi (Thuận Châu) cha truyền con nối nắm quyền thống trị suốt 37 đời đến năm 1945 mới kết thúc [10].

+ Bên dưới là các phó phìa (có từ 2 đến 3 người), chuyên trong coi về các lĩnh vực đời sống sản xuất, thu cống nạp và lao dịch; một người trông coi về văn hóa xã hội, lễ nghi, luật tục và cùng với mo mường đảm nhiệm lĩnh vực tinh thần tư tưởng, cúng mường, cúng bản, tế lễ thần linh. Ngoài ra, các phó mường (hay còn gọi là mường phìa) còn có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc nghĩa vụ lao dịch của các địa phương trong vùng đối với chẩu mường...

+ Ngoài các chức phìa trên, trong bộ máy chức dịch của mường còn có một vị thủ lĩnh (người Thái gọi là Khun – tương đương phó phìa) chuyên phụ trách “các đội quân chinh chiến”, an ninh trật tự và quân sự trong vùng.

+ Mo mường, người Thái có câu: “họ Cầm làm quan, họ Lường làm Mo, họ Lò làm tạo”. Mo mường là bộ phận có học thức trong xã hội nên thường được tôn sùng làm thầy chuyên cúng tế bản, mường, thần linh và chuyên ghi chép Quan tô mương, Táy pú xấc, Phanh mương, Phiết mương... Mo mường cũng có nhiệm vụ dạy chữ Thái cho con em các gia đình quyền quý, chẩu mường ở trong vùng...

+ Dưới bản là các tạo bản, quan bản có nhiệm vụ trực tiếp trông coi các vấn đề sản xuất, thu cống nạp, đốc thúc lao dịch của bản. Các tạo bản cũng thuộc dòng họ thống trị của các chẩu mường hoặc các mường phìa...

Từ khi quy phục được các tộc người khác, thống nhất được Tây Bắc (XIV), quý tộc Thái cũng thực thi luôn cả quyền thống trị của mình đối với các dân: Khơ Mú, Hà Nhì, Kháng, Mảng... ở trong vùng. Họ bắt các sen, quản, khun của người Khơ Mú, Hà Nhì phải cống nạp và phục dịch theo quy định; hoặc ngay cả một số quan lang, lang đạo của người Mường bị lép vế ở Tây Bắc cũng phải có nghĩa vụ cống nạp cho quý tộc Thái. Quy định này còn được áp dụng cả với các thống lý, thống quán, quan sự, séo phải của dân tộc Mông về sau này.

Với bộ máy chức dịch chặt chẽ từ trên xuống dưới như vậy, tầng lớp quý tộc phong kiến Thái đã thống trị, bóc lột nhân các dân tộc cả bằng biện pháp kinh tế và phi kinh tế; một trong những phương thức bóc lột điển hình ở Tây Bắc trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858) là: “Cống nạp sản vật và phu phen tạp dịch không công” [1; 12]. Bộ máy thống trị và phương thức bóc lột này về sau đã được thực dân Pháp duy trì cho đến tận năm 1945 mới kết thúc.

* Luật tục

Trong xã hội Thái truyền thống ở Tây Bắc, các chẩu mường dùng uy quyền của mình và luật tục của bản, mường để điều hành xã hội và thực thi các quy định trong vùng.

Luật tục Thái thực chất là hệ thống những quy định của bản, mường về tất cả các vấn đề của đời sống sản xuất, văn hóa xã hội, rừng núi, đất đai, bản mường...Những quy định này bắt buộc mọi thành viên trong bản (không loại trừ một ai) đều phải tuân thủ một cách vô điều kiện; ai vi phạm đều phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc như: bị phạt vạ hoặc buộc phải bỏ bản đi chỗ khác sinh sống...

Ví dụ, Luật tục của Mường Muổi (Thuận Châu) có điều khoản ghi: “…Nếu dân bắn được nai, lợn, gấu, bò tót phải biếu đùi sau, một thăn trong dính vào thân ngoài và một miếng thịt. Nai phải biếu thêm một bộ lông và đuôi, gấu biếu thêm hai chân, nếu không có thăn thì nộp đùi thay. Nếu nai có nhung, lấy nhung, gấu lấy mật, hổ lấy da và xươngNếu ai không thực hiện sẽ bị cấm không được vào rừng săn bắn và phải đến phục dịch cho chẩu mường từ 1 đến 3 năm” [10].

Hoặc, Luật tục của Mường Muổi (Thuận Châu) cũng quy định như sau: “Mọi người trong bản không ai được săn bắn những con thú đang trong thời kỳ chuẩn bị sinh nở; không ai được tận thu quá mức để làm mất giống thú quý hiếm, thảo mộc làm thuốc, hương liệu và gỗ quý...Ai không thực hiện sẽ bị phạt vạ...” [10].

Hoặc, Luật tục của Mường Quày (Tuần Giáo) cũng quy định về việc bắt cua, cá như sau:“Không ai được dùng lá độc trên rừng để bắt cua, cá ở sông suối, cấm mọi người trong bản không được tháo ao để bắt cá, bắt ốc vào lúc trăng rằm (vào lúc con ốc đang trong kỳ sinh trưởng)...” [10].

Nhiều quy định nghiêm ngặt về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và vệ sinh bản mường cũng được đề cập trong luật tục ở tất cả các bản mường của người Thái Tây Bắc. Ví dụ, trong Luật tục Thái ở Mường Sang (Mộc Châu), Mường Vạt (Yên Châu), Mường Lầm (Sông Mã) và Mường Phăng (Điện Biên)...đều ghi: “Các cánh rừng ở đầu nguồn các khe suối, mó nước (hang nước), nơi tiến hành việc tang lễ, ma chay (rừng ma) tuyệt đối không ai được xâm phạm; cho dù chỉ một cành cây khô bị gió làm gãy xuống cũng không được lấy về làm củi; nếu ai vi phạm sẽ bị phạt vạ: bố mẹ, người thân khi chết sẽ không được làm thủ tục ma chay, chôn cất ở đó; hoặc ít ra cũng phải trồng bù lại một vạt rừng ở gần đó và chăm sóc cho đến khi nào cây trưởng thành, được già làng, trưởng bản và bộ máy chức dịch địa phương thừa nhận mới được xóa án...” [10]

Hoặc, luật tục của người Thái cũng quy định: “khi cúng bản đã đặt cành lá làm hiệu ở ngoài cổng, ai cố tình vào làm ảnh hưởng đến thần linh là sự vi phạm tập tục”. Ngay cả việc con cháu: “ngược đãi ông bà, bố mẹ già” đều bị coi là không đúng với luật tục. Hoặc, trong luật tục của người Thái Tây Bắc cũng cấm “vợ hoặc chồng không được ngoại tình”, điều này không giống với “Chợ Tình” của người Mông. Trong “Chợ Tình” của người Mông, “bắt vợ” và “những cuộc hẹn hò gặp nhau, để hàn huyên” của những đôi trai gái trước đây yêu, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, vẫn được coi là hợp pháp.

Nhìn chung, luật tục Thái Tây Bắc rất toàn diện, đề cập đến tất cả các vấn đề của đời sống xã hội, bản mường và rất thâm nghiêm; những quy định này ổn định bền chặt và được lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận ngày nay.

  1. Một số những nhận định, đánh giá

- Thiết chế xã hội truyền thống của người Thái Tây Bắc được hình thành từ rất sớm theo đơn vị hành chính và có những nét đặc trưng riêng.

- Tính đặc thù trong thiết chế xã hội Thái ở Tây Bắc thể hiện ở chỗ:

+ Sự liên kết giữa các cộng đồng cư dân trong xã hội Thái Tây Bắc truyền thống chủ yếu dựa vào mối quan hệ huyết thống của các dòng họ.

+ Các dòng họ quý tộc Thái vừa là chủ thể của bộ máy chức dịch địa phương: nắm tất cả mọi quyền hành trong xã hội, đề ra các quy định, hình thành tập tục, luật tục; lại vừa là người điều hành, thực thi các quy định và luật tục đó trong xã hội Thái ở Tây Bắc.

- Thiết chế xã hội, tập tục và luật tục của người Thái Tây Bắc, có tính hai mặt cả tích cực và hạn chế:

+ Tính tích cực, nó là nguồn gốc để hình thành sự đoàn kết thống nhất trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong xã hội, nhất là việc bảo tồn các phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục, quy định về bảo vệ rừng, động vật hoang dã, nguồn nước, giữ gìn vệ sinh bản mường của dân tộc Thái... Nhờ có quy định nghiêm ngặt này mà môi trường sống được bảo đảm, nhiều cánh rừng già, các sản vật của Tây Bắc vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay.

+ Hạn chế, sự tồn tại của thiết chế xã hội này là nguyên nhân hình thành tính độc đoán, chuyên quyền, thủ tiêu tính dân chủ...

- Tính thực tế và sự nghiêm ngặt chính là yếu tố quyết định sức sống lâu bền của các tập tục, luật tục Thái Tây Bắc; cho nên nó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến tận ngày nay.

C. Kết luận

Là một trong số trên 20 dân tộc ở Tây Bắc, dân tộc Thái đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà sắc thái bản địa, có những đóng góp to lớn vào kho tàng văn hóa chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Thiết chế xã hội Thái Tây Bắc là kết quả của hàng nghìn năm đấu tranh phát triển sản xuất, tạo dựng bản mường, chống lại sự xâm nhập của ngoại tộc. Thiết chế xã hội Thái rất rộng lớn và toàn diện, nhưng cốt lõi là các thành tố: đơn vị hành chính, tổ chức xã hội, bộ máy chức dịch và luật tục.

Bên cạnh những hạn chế như: sự độc đoán, chuyên quyền, cay nghiệt và hà khắc...; các tập tục, luật tục Thái cũng có nhiều yếu tố tích cực, nhất là những quy định về bảo vệ rừng, nguồn nước, động vật hoang dã, vệ sinh bản mường... Trong hoàn cảnh hiện nay, khi môi trường thiên nhiên của nước ta đang bị xâm hại nghiêm trọng (môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên rừng bị tàn phá, nguồn nước cạn kiệt...) đặt ra vấn đề cần thiết phải kế thừa, phát triển những yếu tố tích cực trong thiết chế xã hội và tập tục, luật tục Thái để xây dựng bản mường văn hóa mới và phát triển bền vững cho Tây Bắc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tài liệu tiếng Việt

[1] Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (2002): Lịch sử Đảng bộ Sơn La 1939-1954 (Tập 1), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2] (1975) Các tộc người ở Tây Bắc Việt Nam. Ban dân tộc Khu tự trị Tây Bắc xuất bản.

[3] (1976) Các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam (dẫn liệu nhân chủng học). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

[4] (1998) Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 1, 2, 3, 4) Viện khoa học xã Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa xã hội Hà Nội.

[5] Hoàng Lương (1997). Một số suy nghĩ về quá trình tộc người của các nhóm Thái Việt Nam. Tạp chí Dân tộc học, số3.

[6] Đặng Nghiêm Vạn, Đinh Xuân Lâm (1975). Điện Biên trong lịch sử. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

[7] Trần Quốc Vượng (chủ biên), (1998). Cơ sở Văn hoá Việt Nam. Nhà xuấ bản Giáo dục, Hà Nội.

[8] Nguyễn Trãi (1959): Dư địa chí (Bản dịch của Phan Huy Tiếp; Hà Văn Tấn chú thích và giới thiệu ). Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội.

[9] Cầm Trọng – “Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam”. NXB Chính trị Quốc Gia, 2005.

  1. Tài liệu chữ Thái và điền dã

[10] Quam tô mương của (Kể chuyện bản mường) của các mường: Mường Piềng, Mường La,Mường Muôi, Mường Mụa, Mường Quày, Mường Sang… Tài liệu lưu tại bảo tàng Sơn La.

[11] Táy Pú Xấc (Những bước đường chinh chiến của cha ông).Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.

[12] Chương Han. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La. Phanh mương (bản Mường Muổi, Mường Piềng, Mường La).Tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La.

[13] Tài liệu điền dã tại Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và Yên Bái, Lào Cai - tháng 10/2015.