SỬ THI “TÁY PÚ XẤC”[1] – KIỆT TÁC TRONG KHO TÀNG VĂN HOÁ DÂN GIAN VIỆT NAM

PGS.TS. Phạm Văn Lực

Giám đốc TTNC văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Trường Đại học Tây Bắc

            Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của các dân tộc, là kết quả giao lưu và tiếp thu những tinh hoa của nhiều nền văn minh trên trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa dân gian đã góp phần hun đúc nên tâm hồn, khí phách của bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc...

Trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam có sự đóng góp của các dân tộc ở khắp mọi miền của đất nước, trong đó có văn hoá Thái Tây Bắc, mà tiêu biểu là sử thi “Táy pú xấc” - một kiệt tác đóng góp vào văn hoá, văn minh Đại Việt.

 1.Vài nét khái quát về dân tộc Thái và văn hoá Thái

1.1. Khái quát về dân tộc Thái Tây Bắc

Tây Bắc một phần của lãnh thổ Việt Nam, một bộ phận của Tổ quốc việt Nam. Tây Bắc chủ yếu bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Từ rất sớm trong lịch sử vùng đất Sơn La – Tây Bắc đã hội tụ được cư dân trong vùng và cư dân từ các nơi khác thiên di đến làm ăn sinh sống trên mảnh đất này. Cho đến ngày nay, Tây Bắc là địa bàn sinh sống lâu đời của 23 dân tộc anh em: Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, La Ha, Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun, Tày, Nùng, Dao, Mường... trong đó dân tộc Thái là dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, chiếm 51% dân số trong vùng (số liệu thống kê ngày 1/4/2009).

Dân tộc Thái chủ yếu sinh sống ở các vùng thấp, vùng giữa đất đai màu mỡ, gần nguồn nước, giao thông đi lại thuận tiện. Hiện nay người Thái tập trung sinh sống đông nhất ở các vùng: Mường Thanh, Mường Lay (Điện Biên); Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu); Thuận Châu, Mường La, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên (Sơn La), Mường Lò (Yên Bái); Than Uyên (Lào Cai)...

Về sự có mặt của dân tộc Thái ở Tây Bắc, cho đến ngày nay tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng: cư dân thuộc nhóm tiếng Tày - Thái vốn sinh sống ở vùng cao nguyên Thanh Tạng (Tây Tạng – Trung Quốc), do không chịu thần phục chính sách đồng hoá thôn tính của các triều đại phong kiến Hán tộc nên vào thời điểm cuối thiên niên kỉ thứ nhất đầu thiên niên kỉ thứ hai sau công nguyên họ đã ồ ạt tìm đường thiên di xuống phía Nam theo đường sông Mê Công và sông Hồng (người Thái gọi là Nặm Tao) đổ bộ lên Myanma, Lào và vào vùng Tây Bắc Việt Nam. Đến cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIV ở Tây Bắc đã xuất hiện ba trung tâm Thái: điểm cực Nam và Tây Nam là Mộc Châu (trung tâm của người Thái trắng), điểm cực Bắc và Tây Bắc là Mường Lay (trung tâm của người Thái trắng), vùng giữa là Mường Muổi trung tâm của người Thái Đen thuộc Thuận Châu ngày nay).

Quá trình phát triển, ba trung tâm người Thái ở Mộc Châu, Mường Lay, Mường Muổi (Thuận Châu), thường xuyên xung đột, lấn chiếm lẫn nhau. Dưới thời Tạo Ngần (thế kỉ XIV), do chăm lo đến phát triển kinh tế, xây dựng bản mường, dần dần thế lực của Tạo Ngần ở Mường Muổi trở nên cường thịnh, thu phục được hai trung tâm người Thái ở Mộc Châu, Mường Lay và các tộc người khác ở Tây Bắc, xoá đi tình trạng phân tán cát cứ, thống nhất được Tây Bắc. Dân tộc Thái chính thức ổn định địa bàn cư trú trong các thung lũng, đất đai bằng phẳng, màu mỡ gần nguồn nước, tiện lợi giao thông “bản mường bắt đầu xuất hiện”. Từ đây lịch sử xã hội Thái nói chung, văn hoá Thái nói riêng có những bước phát triển quan trọng.

1.2. Một số đặc trưng tiêu biểu của văn hoá Thái.

Quá trình hoà huyết, sinh sống đồng bào Thái – Tây Bắc đã sáng tạo ra nền văn hoá văn nghệ dân gian đa dạng phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu là các giá trị:

Về văn hoá vật chất, là cư dân sống lâu đời ở Tây Bắc đồng bào Thái đã sáng tạo ra một nền văn hoá vật chất hết sức đa dạng và độc đáo, đúng như người Thái đã nói:

             “Ăn cơm nếp, uống rượu cần

               ở nhà sàn, mặc “xửa cỏm”

Hoặc người Thái cũng có câu:

             “Đi ăn cá về nhà uống rượu

               ở thì ngủ đệm, đắp chăn ấm.”

Một trong những sản phẩm độc đáo của nền văn hoá vật chất của đồng bào Thái Sơn La - Tây Bắc là hình ảnh của ngôi nhà sàn cổ của người Thái được dựng lên trên cơ sở của sự phát triển kinh tế-xã hội, hài hoà với môi trường thiên nhiên, xinh xắn đẹp cả về hình thức cũng như nội dung. Ngôi nhà sàn của đồng bào Thái Sơn La - Tây Bắc có cấu trúc mái che hai hồi hình khum khúm lưng rùa, có Khâu cút trọc trời... đã trở thành biểu tượng độc đáo của “văn hoá dân tộc, của núi rừng hùng vĩ”. Ngoài ra nói đến văn hoá vật chất còn phải nói đến tính độc đáo của những hoa văn mặt phà, khăn piêu và một số những vật dụng khác... có đường nét uốn lượn, gam màu sặc sỡ. Đó chính là sản phẩm lao động cần mẫn của đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị dân tộc Thái...

Trong sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của dân tộc Thái, chúng ta không thể không nói đến “Xển mo”, “Khắp một lao”, “Khắp sư”, “Khắp báo sao” và các làn điệu múa dân gian. “Khắp sư”, “Khắp báo sao” có nghĩa là đọc, là ngâm, là hát những bài hát dân gian của dân tộc. Trong sản xuất, đời sống sinh hoạt, hát (người Thái gọi là khắp) đối với họ không thể thiếu được. Người ta tự hát một mình hoặc hát cho mọi người nghe một cách say xưa. Trước đây đã có những cuộc hát kéo dài 2, 3 ngày đêm. Qua hát người ta không những thưởng thức thi vị của ý thơ mà còn gửi gắm tâm tư, tình cảm vào những âm thanh trầm bổng của giọng hát hay. Hễ có thơ là người ta có thể hát ngay theo một lối hát cho hợp với thể loại. Đó chính là các làn điệu dân ca biểu hiện bằng lối hát thơ thích hợp của từng vùng. Cũng là truyện thơ, nhưng khi hát làn điệu khác nhau hoàn toàn. Không bao giờ hát sử thi “Táy Pú Xấc” như hát Tậo thơ anh hùng ca “Chương Han”; người ta cũng không hát “Phanh mương” (Kể chuyện dựng bản mường) như hát truyện thơ “Chàng Lú, Nàng ủa”. Lại cũng có thể có hai lối hát cho cùng một tác phẩm thơ. Truyện thơ “Sống chụ son xao” khi nhàn dỗi ngâm nga thì phải theo làn điệu “Khắp sư”, khi hát ở các bữa tiệc cưới thì phải theo làn điệu “Khắp báo xao”. Hát có kèm theo nhạc khí, chiêng trống tăng thêm không khí rạo rực, sôi nổi hoặc lâm ly thống thiết... Có thể nói, những giá trị văn hoá tinh thần phong phú đa dạng của dân tộc Thái tràn đầy sức sống.

Cùng với những tinh hoa văn hoá độc đáo thể hiện đời sống tình cảm đằm thắm thiết tha của cộng đồng dân tộc, đồng bào Thái còn có nhiều phong tục tập quán tốt đẹp như: lễ mừng thọ, lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới, hội ném còn, Hạn Khuốn. Ngoài ra, đồng bào Thái còn có các tập tục truyền thống lâu đời như: ma chay, cưới xin, cúng bản, cấm mường... Mỗi phong tục tập quán có một sắc thái riêng, nhưng tựu chung lại là thể hiện sự phong phú của đời sống tình cảm, nếp tư duy của cộng đồng dân tộc đã phát triển đạt đến trình độ cao chứ không phải là “...Cách tư duy mờ mịt kiểu tôn giáo...” Đặc biệt với việc sáng tạo ra chữ Thái cổ và bộ sử thi “Táy pú xấc” là một kiệt tác đóng góp vào nền văn hoá, văn minh Đại Việt.

2. Sừ thi “Táy pú xấc” - một kiệt tác trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam

2.1. Vài nét khái quát về bộ sử thi “Táy pú xấc”

“Táy Pú Xấc” là bộ sử thi lớn ghi lại lịch sử “Chinh chiến” của dân tộc Thái từ thời Tạo Lò (con Tạo Ngân) kéo dài đến Kam Nho (50 đời nối tiếp). Nhưng, rõ nét nhất là từ thời Lạng Chượng (con trai thứ 7 của Tạo Lò) kéo quân chinh chiến lên Mường Chiến, Mường Chai, lên Mường La, Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Quài (Tuần Giáo), Mường ẳng rồi vào Mường Thanh (Điện Biên). Đến thời Tạo Thanh thì trở xuống đóng đô ở Mường Muổi.

Trải qua bước đường “Chinh chiến” của 50 đời Tạo, cư dân Thái đã phải đối mặt với không ít những hiểm nguy, trải qua bao phen “đầu rơi máu chảy, nước mắt sôi, mồ hôi đổ”. Đồng thời với những cuộc chinh chiến đó, cư dân Thái còn phải không ngừng đấu tranh để thống nhất nội bộ, ổn định cuộc sống, tạo dựng bản mường. Hơn nữa, do sinh tồn ở vùng đất “giữa” có sự liên quan tới cả vua Lào và vua Kinh, vì thế các thủ lĩnh Thái vừa phải cứng rắn kiên quyết, vừa mềm dẻo khéo léo xử trí phù hợp với thời thế trong quan hệ xã hội nhiều chiều cũng như trong quan hệ đối kháng địch ta. Kết quả Họ đã đạt được “vua Kinh cần, vua Lào yêu” [tr.4]. Và họ luôn giữ được bản Mường, không ngừng phát triển kinh tế văn hóa và bảo tồn được dân tộc.

Quá trình này được các Mo mường ghi chép lại một cách tỉ mỉ trong các tài liệu chữ Thái cổ như “Quam tô mương”, “Piết mương”, trong đó tiêu biểu nhất là sử thi “Táy pú xấc”. “Táy pú xấc” là do các ông Mo, ông Chang ở các địa phương viết, vì vậy thường mỗi mường có một bộ “Táy pú xấc”; ví như: “Táy pú xấc của Mường Tấc”, “Táy pú xấc của Mường Muổi”, ”, “Táy pú xấc của Mường Lò”, “Táy pú xấc của Mường Sang”, “Táy pú xấc của Mường Mụa”...; trong đó tiêu biểu nhất là “Táy phú xấc của Mường Muổi”, bởi nơi đây vốn là cố đô lâu đời của đồng bào Thái Tây Bắc...

“Táy pú xấc” tuy được bắt đầu từ thời Tạo Lò trải qua 50 đời đến Kam Nho, nhưng các sự kiện lịch sử trong bộ sử thi này có liên quan đến cả qúa trình “Chinh chiến” của cha, ông trước và sau đó rất nhiều. Kiệt tác của bộ sử thi “Táy pú xấc” không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn cả về lĩnh vực kinh tế xã hội và văn hoá.

Với ý nghĩa đó, thời gian qua nhiều tập thể và cá nhân đã tích cực sưu tầm các tài liệu chữ Thái ở địa phương; nhiều bộ “Táy pú xấc” cũng đã được sưu tầm và biên dịch ra chữ Quốc ngữ. Trong phạm vi của bài viết này, ngoài những bộ sử thi đã sưu tầm được, chúng tôi còn tham khảo thêm công trình sưu tầm và biên dịch bộ “Táy pú xấc” của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tây Bắc Lường Vương Trung.

2.2. Sử thi “Táy pú xấc”- giá trị lịch sử                                                                                                                                                Trước hết sử thi “Táy pú xấc” giúp chúng ta thấy được những nét cơ bản của lịch sử vùng đất Tây Bắc, trình tự như sau: trước khi cư dân Thái thiên di vào Tây Bắc thì cư dân Nam á (La Ha, Kháng, Mảng, Khơ Mú...) đã là chủ nhân của vùng đất này. Cư dân Nam á có trình độ phát triển kinh tế xã hội khá cao, họ là chủ nhân của nền văn hoá kim khí với những sản phẩm nổi tiếng như: trống đồng, thạp đồng; họ coi trống đồng là vật thiêng “Thần cổ đồng” và chỉ được dùng trong các dịp lễ hội. Đến khi người Thái thiên di vào Tây Bắc, giữa nhóm cư dân Thái mới đến với cư dân bản địa Nam á thường xuyên diễn ra các cuộc tranh chấp quyết liệt về đất đai và địa bàn sinh sống. Cuối cùng, do bị thất bại trong các cuộc tranh chấp với cư dân Thái, nhóm cư dân Nam á đã phải cống nạp trống đồng và nhường những vùng đất tốt ở thấp và gần nguồn nước cho người Thái, còn mình thì rút lên núi cao hoặc các vùng sâu, xa để ở. Trong lễ hội Sêntra ở Mương Muổi (Thuận Châu – Sơn La) ngày nay vẫn còn diễn tả lại cảnh người La Ha cống nạp trống đồng cho người Thái.

Sử thi “Táy pú xấc” cùng các tài liệu dã sử “Quam tô mương”, “Phiết mương” của địa phương đã đề cập đến nguồn gốc lịch sử của dân tộc Thái:

“Người Thái vốn là cư dân thuộc nhóm tiếng Tày – Thái sống ở vùng Thanh Tạng (thuộc cao nguyên Tây Tạng – Trung Quốc) do không chịu thần phục chính sách đồng hoá thôn tính của các triều đại phong kiến Trung Quốc họ đã tìm đường thiên di xuống phía Nam”.

Vấn đề này cũng được phản ánh trong luật tục Thái của Mường Muổi (Thuận Châu – Sơn La): “Người Thái xưa ở đất Hán rủ nhau xuống ăn Mường Lò (Nghĩa Lộ)”

Sử thi “Táy pú xấc” đã miêu tả lại quá trình thiên di xuống phía Nam của dân tộc Thái đầy gian truân vất vả và phải đối mặt với không ít những hiểm nguy. Quá trình này diễn ra thành từng đợt và kéo dài:

Đợt thứ nhất: Vào khoảng thế kỉ thứ IX - X, do không chịu thần phục chính sách đồng hoá thôn tính của các triều đại phong kiến Hán tộc nên một bộ phận người Thái ở Thượng nguồn sông Tây Giang đã men theo triền sông Đà và sông Mê Kông thiên di xuống phía Nam vào vùng Bắc nước Lào và Tây Bắc Việt Nam- hình thành nên một số điểm tụ cư của người Thái trắng ở dọc sông Đà như Mường Lay, Mường Tè, Mường La. Sau một thời kì tranh chấp với các cư dân bản địa (nhóm Nam á), người Thái trắng đã định cư trong các thung lũng, đất đai màu mỡ, gần nguồn nước, giao thông đi lại thuận tiện... Đến thế kỉ XIII thế lực của trung tâm Thái Mường Lay trở nên cường thịnh, các thủ lĩnh Lôm Lẹc, Lẹc Ma đã bành trướng thế lực ra các vùng xung quanh: phía Bắc phát triển đến giáp Vân Nam (Trung Quốc), phía Đông đến hết Mường Tè, phía Tây sang đến Nậm U (Thượng Lào), phía Nam phát triển dọc sông Đà, từ Mường Chiên (Quỳnh Nhai) đến tả ngạn Mường La, người Thái có câu:

“Lả te tiếng pua Keo

Hua te tiếng Tạo Lay”

(Cuối sông Đà nổi tiếng Vua Kinh

Đầu sông Đà nổi tiếng Tạo Lay)

Do đó Mường Lay đã trở thành trung tâm Thái ở vùng Bắc, Tây Bắc.

Cũng trong thời gian này một bộ phận người Thái trắng từ Mường Đeng (Mường Đỏ) của Lào theo đường Chiềng Ve thiên di vào vùng Mường Sang, Pa Háng... và nhanh chóng toả đi khắp vùng Mộc Châu. Trong quá trình thiên di, để chiếm cứ đất đai và ổn định địa bàn cư trú, các nhóm Thái cũng đã tranh chấp quyết liệt với các tộc người Kháng, Mảng, Xinh Mun... Đến cuối thế kỉ XIII, Nhọt Cằm đã đánh thắng các cư dân bản địa Nam Á làm chủ toàn bộ vùng Mộc Châu rộng lớn, phía Đông đến Mường Tấc (Phù Yên), phía Bắc đến Mường Vạt (Yên Châu), phía Tây, Tây Nam là Mương ét, Chiềng Cọ (thuộc tỉnh Sầm Nưa của Lào), phía Nam là Đà Bắc, Mai Châu (Hoà Bình). Từ đó vùng đất Mường Sang (Mộc Châu) đã trở thành trung tâm của người Thái trắng. Người Thái ví Nhọt Cằm như “Then” (trời), “Phạ” (đất) nổi tiếng khắp vùng.

Đợt thứ hai, vào đầu thiên niên kỉ thứ hai sau công nguyên (thế kỉ thứ X – XI): “Một bộ phận tổ tiên của người Thái Đen từ Mường Ôm, Mường Ai, miền đất nằm giữa sông Nậm U và sông Hồng (người Thái gọi là Nặm Tao), thuộc miền Nam tỉnh Vân Nam do Tạo Ngần (con Tạo Suông) dẫn đầu thiên di xuống chiếm Mường Lò mà cánh đồng Nghĩa Lộ là trung tâm” [tr.7]. Trong luật tục Thái ở Thuận Châu cũng viết: “Người Thái xưa ở đất Hán kéo nhau xuống ăn Mường Lò...”. Đến đời con là Tạo Lò tiếp tục phát triển thế lực đến các miền xung quanh như Mường Min (Tú Lệ), Than Uyên, Dương Quý, Văn Bàn, thuộc ven sông Hồng... Ông đã được các vùng lân cận vì nể, chịu dâng tiến nhiều của cải châu báu:

“Kim, Than đến dâng bát

Rặt bát hoa viền vàng”[tr.178]

“Muổi, La đến cống trâu

Rặt trâu đen đuôi hoa” [tr.180]

Sau đó từ “vùng đất ba dải, miền chín lưu vực con sông” Lạng Chượng (con út của Tạo Lò) tiếp tục cầm binh đánh thắng các bộ tộc Nam Á mở rộng thế lực ra Mường Chiên (nay thuộc Mường La), sang Mai Sơn, lên Sơn La, Mường Muổi (Thuận Châu) đến tận Mường Thanh (Điện Biên). Để chiếm cứ đất đai, ổn định địa bàn cư trú, Lạng Chượng đã phải nhiều lần chinh chiến với các cư dân bản địa nhóm Nam Á. Theo sử thi “Táy Pú Xấc” và “Quam tô mương” của dân tộc Thái thì:

“Lạng Chượng đã phải chật vật lắm mới thắng nổi quân Nam Á (bao gồm các tộc người Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Kháng). Truyền thuyết còn kể rằng quân Xá (tức Nam á) có tên làm bằng đồng sắc nhọn, quân Thái chỉ có tên tre, Lạng Chượng mới nghĩ cách lập mưu thách nhau bắn xem tên của ai cắm vào đá là thắng. Quân Xá bắn tên đồng vào đá thì bật ra. Quân Thái biết cách nạp cục xáp ong vào đầu tên tre nên bắn vào đá thì dính. Quân Xá chịu thua phải chịu dâng trống đồng, để quân Thái chiếm đất, còn quân Xá phải chạy vào vùng sâu mà ở”.

Trong quá trình phát triển, các thủ lĩnh của ba trung tâm Thái ở Mộc Châu, Mường Lay, Mường Muổi, thường xuyên xung đột, lấn chiếm lẫn nhau. Đến thời Tạo Ngần (cuối thế kỉ XIV), do chăm lo đến phát triển kinh tế, xây dựng bản mường, khuyên bảo nhân dân; dần dần thế lực của Tạo Ngần ở Mường Muổi trở nên cường thịnh, thu phục được hai trung tâm người Thái ở Mộc Châu, Mường Lay và các tộc người khác ở Tây Bắc, xoá đi tình trạng phân tán cát cứ, thống nhất được Tây Bắc. Từ đây lịch sử xã hội Thái nói chung, văn hoá Thái nói riêng có những bước phát triển quan trọng.

  1. “Táy pú xấc” phản ánh diện mạo kinh tế - xã hội truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc.

Sử thi “Táy pú xấc” đã phản ánh khá sinh động diện mạo của đời sống kinh tế xã hội của đồng bào Thái Tây Bắc.

Kể từ khi Tạo Ngần thu phục được hai trung tâm Thái, thống nhất Tây Bắc (thế kỉ XIV), lịch sử kinh tế xã hội Thái nói chung, văn hoá Thái nói riêng có những bước phát triển mới. Đồng bào Thái chính thức ổn định địa bàn sinh sống, định cư trong các thung lũng hoặc ở các phiêng bãi ven sông, suối, đất đai màu mỡ phì nhiêu “bản mường xuất hiện”. Đặc biệt, để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và củng cố sự thống nhất trong cộng đồng Thái Tây Bắc, Tạo Ngần đã có lời khuyên mọi ngươì:

“Đầu bản, cuối mường đều là cánh phải, cánh trái của Mường Muổi. Người đứng đầu các mường không được tranh giành nhau làm cho bản mường loạn lạc, dân đói khổ tan tác. Hàng năm phải nộp cống vật cho Mường Muổi để Chúa đem về xuôi dâng vua” [tr.33]

Trong các ghi chép của “Táy pú xấc”cũng chỉ rõ cuộc sống của đồng bào Thái Tây Bắc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi; cây lương thực chính là lúa, ngô, khoai, sắn.

Đọc “Táy pú xấc” và các tài liệu chữ Thái ở địa phương như “Quam tô mương”, “Phiết mương”... chúng ta cũng thấy được, từ rất sớm trong lịch sử dân tộc Thái đã có biệt tài về trình độ canh tác ruộng nước thông qua hệ thống mương, phai để: “dẫn thuỷ nhập điền”. Nhờ vậy mà họ đã chủ động được tưới, tiêu, làm cho sản xuất nông nghiệp ở loại hình ruộng nước và nuôi thả cá trong các ao, ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao... Ngoài ra, cư dân Thái cũng có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, đánh bắt cá ở ven các sông suối và khai thác lâm sản ở trong rừng. Đúng như câu ca của người Thái:                  

                   “Cơm nước ở mặt đất

                    Thức ăn ở trong rừng”.

Thế nhưng, ngay trong từng khu vực cụ thể do tác động của điều kiện tự nhiên, sự phong phú của cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của cư dân, nên mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có thế mạnh riêng của mình trong việc phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp trên những địa bàn khác nhau. Điêù này đã được khẳng định qua câu ngạn ngữ Thái:

                   “Xá ăn theo lửa

                   Thái ăn theo nước

                   H’Mông ăn theo sương mù”.

Còn Công - Thương nghiệp trong đồng bào Thái Tây Bắc hầu như chưa phát triển, sản xuất thủ công nghiệp và thương nghiệp chưa tách khỏi nông nghiệp để trở thành một ngành kinh tế độc lập... ở một số địa phương của Tây Bắc cũng đã manh nha những ngành nghề thủ công truyền thống, điển hình như: làm gốm ở Mường Chanh (Mai Sơn), Mường Sại (Thuận Châu), các nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre và nghề mộc đã trở thành phổ biến trong nhân dân... Sự giao lưu trao đổi hàng hoá có tính chất đặc trưng trong xã hội Thái truyền thống đó là phương thức giao lưu trao đổi ngang giá “vật đổi vật”.

Sử thi “Táy pú xấc” cũng cho chúng ta biết được tổ chức xã hội truyền thống của dân tộc Thái Tây Bắc. Dân tộc Thái thường quần tụ sinh sống theo bản, mỗi bản có từ 20 - 30 gia đình; ở những nơi trù phú một bản có thể đông đến 60-70 hộ; gia đình của người Thái là gia đình phụ hệ, người đàn ông giữ vai trò quan trọng trong gia đình. Nhưng, một số tàn dư của chế độ mẫu hệ như tục ở rể vẫn được bảo lưu, con trai người Thái thường phải ở rể bên nhà vợ từ 3-5 năm, sau đó mới được phép làm lễ đón dâu chính thức về nhà mình. Đặc biệt, trong ngôi nhà của người Thái có thể có nhiều thế hệ cùng chung sống nhưng duy nhất chỉ có một bếp lửa.

Trong xã hội Thái truyền thống, các dòng họ quý tộc nắm mọi quyền hành chức sắc trong xã hội theo chế độ phìa, tạo và được cha truyền con nối. Vì thế người Thái có câu: “Họ Lường làm Mo; họ Lò làm Tạo”. Phương thức bóc lột truyền thống của xã hội Thái là “cống nạp sản vật và phu phen tạp dịch không công”

Đặc điểm nổi bật trong xã hội Thái truyền thống là sự liên kết giữa các cộng đồng cư dân trong vùng chủ yếu dựa trên quan hệ huyết tộc của các dòng họ và truyền thống cộng đồng công xã trong các bản mường.

Ngoài ra, “Táy pú xấc” cũng chỉ rõ bộ máy quân sự của xã hội Thái truyền thống, không cố định mà luôn có sự phù hợp với từng thời điểm lịch sử. Bởi do hoàn cảnh địa lí hiểm trở, giao thông không thuận lợi, kinh tế khó khăn nên không thể nuôi giữ nhiều quân thường trực. Cứ mỗi lần, sau khi kết thúc cuộc chiến là các đội quân “áo đỏ” (Y phục truyền thống của các đội quân “Chinh chiến” đồng bào Thái) phải giải thể quân; các tướng lĩnh tuỳ theo cấp bậc và công trạng mà tấn phong chức tước xứng đáng, như làm Ông, làm Quan, làm Phìa...nắm quyền cai quản các bản mường và hưởng bổng lộc bằng suất ruộng giành ưu tiên gọi “Nà Bớt”. Khi có chiến sự những người nắm chức quyền đó lại trở thành tướng lĩnh. Hoặc ở thời bình ai được lên ngôi Chậu Mường cũng đều ra sức sắp xếp lại tổ chức chính quyền dưới trướng của mình cho phù hợp.

  1. Sử thi “Táy pú xấc” một kiệt tác thơ ca.

Qua quá trình hoà huyết, sinh sống đồng bào Thái – Tây Bắc đã sáng tạo ra nền văn hoá văn nghệ dân gian đa dạng phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu là các giá trị về văn hoá vật chất cũng như nền văn hoá văn nghệ dân gian đa dạng phong phú, tiêu biểu là các tác phẩm: “Sống chụ xon xao”, “Chàng Lú, Nàng ủa”, “Táy pú xấc”...

Nói đến văn hoá nghệ thuật dân gian Thái, chúng ta không thể không nói đến “Xển mo”, “Khắp một lao”, “Khắp sư”, “Khắp báo sao” và các làn điệu múa dân gian. Như đã trình bày ở trên, “Khắp sư”, “Khắp báo sao” có nghĩa là đọc, là ngâm, là hát những bài hát dân gian của dân tộc. Nhưng, những tác phẩm khác nhau, ở những địa phương cụ thể và tùy từng hinh thức sinh hoạt hay lễ hội thì lại có những làn điệu hát khác nhau rất tinh tế. Cũng là truyện thơ, nhưng khi hát làn điệu khác nhau hoàn toàn; không bao giờ hát sử thi “Táy Pú Xấc” như hát tập thơ anh hùng ca “Chương Han”; người ta cũng không hát “Phanh mương” (Kể chuyện dựng bản mường) như hát truyện thơ “Chàng Lú, Nàng ủa”. Lại cũng có thể có hai lối hát cho cùng một tác phẩm thơ. Truyện thơ “Sống chụ xôn xao” khi nhàn dỗi ngâm nga thì phải theo làn điệu “Khắp sư”, khi hát ở các bữa tiệc cưới thì phải theo làn điệu “Khắp báo xao”. Hát có kèm theo nhạc khí, chiêng trống tăng thêm không khí rạo rực, sôi nổi hoặc lâm ly thống thiết...

Trong sinh hoạt văn hoá đời thường ai mà biết hát “Táy Pú Xấc” thì rất được tôn trọng và làn điệu hát ở đây nhất thiết phải là “khắp sư” có tính chất ngâm nga, chậm rãi như kể lại một cách tình tiết về quá trình “Chinh chiến” của cha ông. Qua cách hát ngâm nga như vậy cả người hát lẫn người nghe như được sống lại trong chất anh hùng ca bi tráng của cha ông đã ngấm vào máu thịt của cộng đồng dân tộc Thái hàng bao nhiêu thế hệ và truyền lại cho chúng ta ngày hôm nay. Còn “Táy Pú Xấc” dùng trong những lễ nghi lớn như: cúng cầu phúc thọ của Tạo chủ mường, cúng mường, cúng Xên Cha...thì lại hoàn toàn khác với “khắp” trong sinh hoạt văn hoá đời thường. Trong những nghi lễ này, hát “Táy pú xấc” làn điệu không thể là “khắp sư” mà phải là “Khắp báo sao”, người chủ hát xướng “Táy Pú Xấc” cũng phải là những ông Mo, ông Nghè, ông Chang. “Khắp báo sao” là cách hát lâm ly thống thiết, có kết hợp với điệu bộ, mục đích là để làm toát lên chất anh hùng ca bi tráng trong bước đường “Chinh chiến” của cha ông trong lịch sử. “Khắp báo sao” sử thi “Táy pú xấc” trong các dịp đại lễ là một cách hát rất khó và không phải ai cũng hát được. Bí quyết và kiệt tác của tác phẩm này cũng là ở đó.

Có thể nói, “Táy Pú xấc” là một tác phẩm sử thi lớn của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Với hàng nghìn câu thơ “Táy pú xấc” phản ánh công lao của ông cha chính chiến, công lao của cha ông khai phá mở mang đất nước, công lao của ông cha xây dựng bản mường, bảo tồn và phát triển dân tộc.

“Táy Pú Xấc” đã phản ánh một cách thâu tóm nối tiếp liền mạch các sự kiện quan trọng nổi bật về công sức hi sinh lớn lao xương máu, công sức lao tâm, lao lực gian nan vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt...

“Táy Pú Xấc” vừa tả dòng chảy lịch sử vừa đặc tả khắc sâu những sự kiện hào hùng nổi bật, cho nên nó vừa mang chất sử liệu đồng thời vừa mang chất anh hùng ca bất diệt.

Kết luận

“Táy pú xấc” là bộ sử thi lớn của đồng bào Thái Tây Bắc, nó không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị to lớn về mặt văn hoá, thơ ca. “Táy pú xấc” thực sự là kiệt tác đóng góp vào kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian Việt Nam.

     Tác phẩm thật quý giá, cần được bảo tồn, nghiên cứu, khai thác, phát huy những cái hay cái đẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “Táy Pú Xấc” của Mương Sang (Mộc Châu – Sơn La)
  2. “Táy Pú Xấc” của Mường Tấc (Phù Yên – Sơn La).
  3. “Táy Pú xấc” của Mường Muổi (Thuận Châu – Sơn La)
  4. “Táy pú xấc” của Mường Lò (Yên Bái)
  5. Vương Trung (sưu tầm và dịch) - “Táy Pú Xấc”. NXB Văn Hoá Dân Tộc.
  6. Trần Ngọc Thêm - “Cơ sở văn hoá Việt Nam”. NXB Giáo Dục,H. 2002.
  7. Vì Trọng Liên “Vài nét về người Thái Sơn La”. NXB Văn Hoá dân tộc, năm 1999.
  8. Bùi Tịnh “Các tộc ngưòi ở Tây Bắc Việt Nam”. Ban dân tộc Tây Bắc XB 1975.
  9. Cầm Trọng – “Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam”. NXB Chính trị Quốc Gia, 2005.
  10. Giữ gìn, phát huy di sản văn hoá các dân tộc Tây Bắc, NXB Văn Hoá Dân Tộc, tạp chí Văn hoá văn nghệ, 2001
  11. Bước đầu tìm hiểu về nghề gốm truyền thống ở Mường Chanh (Mai Sơn). Khoá luận tốt nghiệp của Nguyễn Thị Hằng.Tài liệu lưu tại thư viện Trường Đại học Tây Bắc.

 

 

 

[1] Bộ sử thi lớn của đồng bào Thái Tây Bắc