CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 VỚI SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤCỞ TÂY BẮC (1959-1965)

 

PGS.TS. Phạm Văn Lực

                   Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc -  Trường Đại học Tây Bắc

            Tóm tắt                

Bài báo đề cập khái quát tình hình Tây Bắc sau 1954, chủ trương đưa giáo viên miền xuôi lên phát triển văn hóa giáo dục ở Tây Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng - Chính phủ và một số bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tế.

            Từ khóa: Giáo viên, tình nguyện, Tây Bắc 1959

  1. Đặt vấn đề

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc sự quan tâm đặc biệt.   

Ngày 29 - 4 - 1955, Người ký Sắc lệnh số 230/SL quy định việc thành lập Khu Tự trị Thái-Mèo, đến ngày 7 - 5-1955, Khu Tự trị Thái - Mèo chính thức đượccông bố thành lập. Mục đích thành lập Khu Tự trị Thái-Mèo đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:

Khu tự trị Thái - Mèo là bộ phận khăng khít trong đại gia đình Việt Nam, cùng với dân tộc anh em khác đoàn kết thành một khối như ruột thịt.Nó sẽ luôn được sự giáo dục vàlãnh đạo của Đảng và Chính phủ và sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác[1].

Được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh,Đảng - Chính phủ và sự giúp đỡ của các tỉnh miền xuôi, từ 1959 đến 1965, sự nghiệp văn hóa giáo dục các tỉnh Tây Bắc có những biến đổi chưa từng có trong lịch sử và đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ về các mặt.

  1. Nội dung
  2. Khái quát tình hình kinh tế xã hội Tây Bắc sau hòa bình lập lại (1954)

Tây Bắc chủ yếu bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và một phần của Hoà Bình. Tây Bắc là địa bàn sinh sống lâu đời của 30 dân tộc anh em: Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, Mường, Tày, Nùng, Thổ, Dao, Kháng, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Cơ Lao, La Chí, La Ha, Lào, Giáy, Cao Lan, Sán Chỉ, Bố Y, Sán Dìu, Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La, Pu péo[2].

Trong lịch sử, Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, đây là vùng đất “Tam Mãnh” qua Lào vào Vân Nam và Hưng Hoá; là nơi xung yếu của Bách Man, cửa ngõ của Lục Chiếu, che giữ cho Trấn như giậu như phên, án ngữ miền thượng du làm then làm chốt…[3].

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khẳng định:“Địa vực Tây Bắc có tầm quan trọng không chỉ với Việt Bắc mà còn với cả cách mạng Đông Dương”[4].

Năm 1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên thăm Tây Bắc cũng khẳng định:

“…Tây Bắc là hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc… Nước non, non nước đẹp hơn tranh, nhìn không chán mắt. Đây là đất nước hùng vĩ của một dân tộc anh hùng…”[5].

Hiện nay, Tây Bắc có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và trong quan hệ giao lưu quốc tế.

Vì thế, Đảng - Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Tây Bắc sự quan tâm đặc biệt.

Thế nhưng, sau hoà bình được lập lại (1954), Tây Bắc chìm ngập trong cảnh nghèo nàn lạc hậu; phần lớn người dân đi sơ tán trong thời kỳ chiến tranh mới trở về quê cũ, ruộng đất thì hoang hóa lâu ngày, cuộc sống chưa ổn định; đói kém thiếu lương thực diễn ra ở cả vùng thấp (trong đồng bào Thái) cũng như ở vùng cao trong các dân tộc: Mông, Kháng, Mảng, Lào, Lự, Hà Nhì, Khơ Mú… Trong thời kỳ này, Ủy ban Hành chính các tỉnh Tây Bắc đã phải kêu gọi đồng bào tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và xin hỗ trợ của Nhà nước để “cứu đói”, “cứu rách” cho đồng bào các dân tộc, nhất là ở vùng cao[6].

Cùng với đói kém là tình trạng mù chữ, dốt nát trong nhân dân, sau hoà bình được lập lại (1954)gần 100% dân số Tây Bắc mù chữ, số người biết tiếng phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay; cả Khu Tây Bắc lúc đó mới chỉ có một vài điểm trường cấp 1 được mở ra sau ngày giải phóng (1952)… Về y tế, số thầy thuốc ở Tây Bắc lúc đó vô cùng hiếm hoi, chỉ có một vài y tá, hộ lý và một vài trạm cấp phát thuốc của quân đội được lập ra từ hồi phục vụ Chiến dịch Tây Bắc (1952) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); vì thế, ốm đau, bệnh dịch trong đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc thường xuyên diễn ra… Trong khi đó, tàn dư của chế độ cũ như: rượu chè, cờ bạc, nghiện hút và các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin…còn ảnh hưởng nặng nề trong đời sống, sinh hoạt của  nhân dân.

Thực trạng đó đặt ra vấn đề, phải nhanh chóng xóa bỏ tình trạng nghèo nàn lạc hậu, thất học trong đồng bào các dân tộc Tây Bắc ? Trước tình hình đó, Đảng - Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời có chủ trương đúng đắn, sáng suốt để phát triển văn hóa giáo dục ở Tây Bắc.

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương đưa giáo viên miền xuôi lên phát triển văn hóa, giáo dụcở Tây Bắc

Sau 4 năm thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo (7 - 5-1955), ngày 7 - 5 - 1959 (5 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác của Chính phủ đã lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc, trong bài nói chuyện tại sân vận động huyện Thuận Châu, Người căn dặn:

“Thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, gặt cho tốt vụ chiêm, chuẩn bị tốt vụ mùa. Đồng thời  phải ra sức bảo vệ rừng cho tốt. Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự giác. Ra sức cải tiến kỹ thuật, làm mương phai cho tốt, làm phân bón cho nhiều, cày bừa cho kỹ, đề phòng sâu bọ, thú rừng.Phát triển bình dân học vụ khắp nơi, làm thêm nhà trường cho con em có chỗ học. Chăm lo vệ sinh, phòng bệnh, làm cho bản mường sạch sẽ, đồng bào mạnh khỏe, sửa sang và giữ gìn đường sá để đi lại dễ dàng, củng cố các tổ chức dân quân và tự vệ, làm tốt công tác nghĩa vụ quân sự. Trong mọi công việc, phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao[7]

    Thực hiện chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15 - 8-1959, Phủ Thủ tướng  ra Thông tư Số: 3116-A7 quyết định điều động giáo viên Cấp 1,2,3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác, Thông tư nêu rõ: “Hiện nay việc phát triển văn hóa giáo dục ở các tỉnh miền núi đang đòi hỏi một cách cấp thiết vì tình hình giáo dục ở các nơi ấy tiến quá chậm. Muốn phát triển được giáo dục điều trước tiên là phải làm cho miền núi có nhiều giáo viên, hướng chính để giải quyết vấn đề giáo viên cho miền núi “là đào tạo thật nhiều cán bộ, giáo viên người địa phương ”. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay thì số người dân tộc biết chữ để làm giáo viên còn rất ít, có nơi không có, như vậy trong thời gian trước mắt không thể nào không đặt ra vấn đề điều động giáo viên miền xuôi lên công tác ở các tỉnh miền núi nhất là Tây bắc, Hải ninh, Hòa bình, Lào cai, v.v…

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác (số lượng phân phối cho từng tỉnh do Bộ Giáo dục quy định theo nhu cầu cần thiết của các tỉnh miền núi).

Giáo viên các cấp lên miền núi là để làm cho các tỉnh miền núi có thêm nhiều thầy giáo để đẩy mạnh phát triển giáo dục làm cho đồng bào và thanh thiếu niên miền núi có chỗ học và được đi học. Việc đưa giáo viên lên miền núi hàng loạt để phục vụ đồng bào dân tộc ngoài việc nâng cao trình độ văn hóa còn có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng vì đồng bào sẽ nhận thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ mà ra sức học tập, sản xuất góp phần tích cực xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Để đảm bảo cho công tác điều động cán bộ lên miền núi được tốt, các Ủy ban hành chính  khu, thành phố và các tỉnh được quy định điều động cán bộ cần chú trọng chọn những giáo viên có sức khỏe, có lập trường tư tưởng tốt (chú trọng chọn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động) và phải làm cho giáo viên thấy rõ nghĩa vụ quang vinh mà tự nguyện đi phục vụ. Phải chú trọng giải quyết kịp thời những khó khăn cho giáo viên, thanh toán kinh phí lương bổng cho giáo viên chu đáo (cả tháng 9 và tháng 10).

Tất cả các giáo viên nói trên trước khi lên miền núi phải tập trung học tập 1 tháng kể từ 15-9-1959 đến 15-10-1959 do Bộ Giáo dục trực tiếp phụ trách.

Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh miền núi như: Khu Tự trị Thái mèo, Hòa bình, Hải ninh, Lào cai, Yên bái và Việt bắc phải chuẩn bị tiếp đón cho chu đáo và phân phối công tác cho giáo viên kịp thời và cùng với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính dự trù kinh phí lương bổng cho giáo viên bắt đầu từ 01 tháng 9 năm 1959.

Việc điều động hàng loạt giáo viên cấp 1, 2, 3 lên phục vụ miền núi lần này là lần đầu tiên trong sự nghiệp phát triển văn hóa giáo dục ở các vùng dân tộc, cho nên phải hết sức chú trọng lãnh đạo tư tưởng tốt và đề phòng các thiếu sót có thể xảy ra như mệnh lệnh, quan liêu, v.v…[8]

Chủ trương đúng đắn của Đảng - Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo, cùng Tỉnh ủy - Ủy ban Hành chính các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh miền xuôi nhanh chóng triển khai thực hiện. Tháng 9-1959, Phong trào xung phong lên phát triển văn hóa giáo dục miền núi, nhất là ở Tây Bắc được phát động; nhiều cán bộ, giáo viên miền xuôi đã hăng hái xung phong lên phát triển văn hoá giáo dục ở Tây Bắc.

  1. Phong trào xung phong lên phát triển văn hoá, giáo dục ở Tây Bắc (9-1959)

Nghe theo tiếng gọi của Đảng - Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 1959, có 860 giáo viên hầu hết đều là anh chị em giáo viên Quốc lập và Dân lập, cấp I và một số giáo viên cấp II, cấp III của 11 tỉnh miền xuôi[9] (riêng tỉnh Hà Nam có 48 giáo viên xung phong lên Tây Bắc, trong đó có NGƯT. Nguyễn Thanh Đàm công tác ở Yên Bái) đã xung phong lên phát triển văn hóa giáo dục ở Tây Bắc.

Trước khi lên Tây Bắc,860 giáo viên được học tập chính trị 1 tháng (từ 15-9 -1959 đến 15-10-1959) tại Trường Bổ túc Công nông Trung ươngở Giáp Bát (Hà Nội) và lớp học đã vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm hỏi và động viên (vào hồi 13 giờ 30 phút, ngày 22 - 9-1959), trong bài nói chuyện Người căn dặn: “Công tác ở miền núi có nhiều khó khăn, các cô, các chú xung phong gánh lấy những khó khăn để làm công tác giáo dục ở miền núi, thế là tốt, là vẻ vang. Nhưng các cô chú cần xung phong đến nơi đến chốn.Cần có tinh thần bền bỉ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ[10].

Để tạo khí thế và động viên các “Chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa giáo dục hăng hái lên đường, Báo Nhân Dân ra ngày 27-9-1959, trong bài xã luận “Hoan hô 860 giáo viên sắp lên đường phục vụ miền núi”, cũng viết: "Lớp cán bộ giáo dục miền xuôi đầu tiên xung phong lên công tác ở miền núi lần này hầu hết đều là anh chị em giáo viên quốc lập và dân lập cấp I và một số giáo viên cấp II và cấp III, ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng và thấm nhuần chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ, các đồng chí đã tự nguyện và quyết tâm góp phần đưa ánh sáng văn hóa tới các vùng miền núi, tới tận những vùng rẻo cao xa xôi nhất. Ðó là một thắng lợi của tinh thần yêu nước và tư tưởng xã hội chủ nghĩa, một thắng lợi của chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ"[11].

Sau khi được chỉnh huấn, ngày 15-10-1959, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đoàn giáo viên miền xuôibắt đầu lên đường đi Tây Bắc. Trong số 860 giáo viên năm đó, có hơn 100 giáo viên được phân vềcông tác ở các huyện: Đà Bắc, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu của tỉnh Hòa Bình. Còn lại,hầu hết lênnhận công tác ở 16 châu của Khu Tự trị Thái - Mèo (sau đổi tên là Khu Tự trị Tây Bắc), đó là:Mường Tè, Mường Lay,Sình Hồ (nay viết là Sìn Hồ),Điện Biên,Quỳnh Nhai,Sông Mã,Tuần Giáo,Thuận Châu,Mường La,Mai Sơn,Yên Châu,Mộc Châu,Phù Yên (cả Bắc Yên),Phong Thổ (thuộc tỉnh Lào Cai),Than Uyên,Văn Chấn (thuộc tỉnh Yên Bái).

Riêng6 châu của tỉnh Sơn La (tái lập năm 1963) có 137 giáo viên miền xuôi lên công tác (sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 102 giáo viên đã chuyển về xuôi chỉ còn 35 người là bám trụ lâu dài cho đến ngày nay, trong số đó có các thầy Trần Bá Phong, Trần Bá Phương, Vương Minh Hoàn, Trịnh Mạnh Hùng (Mộc Châu), thầy Trần Luyến, thầy Vũ Đình Nhuần (thành phố Sơn La)…[12].

Các châu của tỉnh Lai Châu cũ (tái lập 1963) đã đón nhận 211 giáo viên miền xuôi lên công tác. Tỉnh Nghĩa Lộ đón nhận 110 giáo viên miền xuôi lên công tác; riêng huyện Mù Cang Chải đón nhận 14 giáo viên, đó là: Nguyễn Văn Nghi, Đoàn Lãng, Nguyễn Anh Tài, Nguyễn Hữu Thăng, Đinh Xuân Thái, Phạm Văn Đại, Nguyên Hữu Thịnh, Nguyễn Xuân Cư, Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Văn Thúc, Nguyễn Văn Đại và ba thầy: Lê Tiên, Hà Đình Luật, Hoàng Văn Ngân (đã lên từ năm 1958làm công tác xoá nạn mù chữ cho cán bộ và nhân dân địa phương)[13].

Cùng với phong trào vận động giáo viên miền xuôi tình nguyện lên công tác ởTây Bắc, Đảng - Chính phủ cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ cho các tỉnh Tây Bắc. Trên tinh thần đó,ngày 30-6-1960 Bộ Giáo dục đã ký Quyết định số 267 thành lập Trường Sư phạm cấp II, Khu tự trị Thái - Mèo (sau đổi tên là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc)[14]. Ngay sau khi thành lập, Trường đã mở được 5 lớp ngắn hạn, đào tạo cấp tốc (3 tháng, 6 tháng) được trên 200 giáo viên cấp 1, kịp thời bổ sung vào đội ngũ giáo viên các tỉnh Tây Bắc lúc bấy giờ.

Từ năm 1960, tiếp tục có 7 đợt, tổng số 246 giáo viên ở Nam Hà, Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…xung phong lên Tây Bắc. Năm học 1960-1961, tỉnh Sơn La được bổ sung thêm 51 giáo viên miền xuôi, tỉnh Lai Châu là 61 giáo viên; các châu của Nghĩa Lộ, Yên Bái và Lào Cai cũng được tăng cường thêm hơn 100 giáo viên[15]. Nhờ vậy, sự nghiệp văn hoá giáo dục ở Tây Bắc ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là đối với các huyện vùng cao.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục phổ thông các tỉnh Tây Bắc, đặt ra vấn đề phải tăng cường công tác quản lý từ tỉnh đến cơ sở, trên tinh thần đó ngày 1-6 -1963, Ty Giáo dục Lai Châuđược thành lập, cuối năm 1963 Ty Giáo dục Sơn La cũng được thành lập...

Đặc biệt, do nhu cầu đội ngũ giáo viên ngày một nhiều, Khu ủy Khu Tự trị Tây Bắc đã chỉ đạo Ủy ban Hành chính các tỉnh Tây Bắc nhanh chóng thành lập các Trường Trung học Sư phạm của tỉnh. Quán triệt chủ trương của Khu ủy, ngày 15-10-1963 Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La ra quyết định thành lập Trường Trung học Sư phạm Sơn La; ngày 22-7-1963, Ủy ban Hành chính tỉnh Lai Châu ra quyết định thành lập Trường Trung học Sư phạm Lai Châu;Trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ cũng được thành lập vào 12-1962...

Do có nguồn lực mới, đến năm 1965, giáo dục phổ thông các tỉnh Tây Bắc có sự phát triển mạnh mẽ: hệ thống giáo dục phổ thông đã được hình thành ở cả ba cấp học, cấp 1, cấp 2, cấp 3; toàn Khu đã có 8 trường cấp 3 (Lai Châu 2 trường cấp 3, Sơn La có 4 trường cấp 3, Nghĩa Lộ 2 trường cấp 3); số học sinh đến lớp ở các tỉnh đều đạt trên 95% (riêng Sơn La đã có 5 vạn người được xóa mù, 2 vạn người theo học bổ túc, cứ 1000 dân có 65 học sinh)[16]. Đây là thành quả to lớn của giáo dục phổ thông các tỉnh Tây Bắc từ 1959 đến 1965.

                                  Kết luận và bài học kinh nghiệm

Có thể nói, trong 10 năm đầu kể từ sau hoà bình lập lại (1954), mặc dù trong hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách, nhưng giáo dục đào tạo các tỉnh Tây Bắc đã có những chuyển biến chưa từng có trong lịch sử và đạt được những thành tựu rực rỡ về các mặt.

Có được thành tựu đó, là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng - Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó công đầu là thuộc về những thế hệ Nhàgiáo năm 1959 đã khai phá, mở đường và quan trọng hơn nữa là đã thắp lên được “ngọn lửa” của lòng hiếu học trong đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Từ thực tế triển khai chủ trương phát triển văn hoá giáo dục miền núi và các tỉnh Tây Bắc của Đảng - Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1959 -1965, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một làĐường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng - Chính phủ và Chủ tịchHồ Chí Minh, chủ trương đó lại được triển khai một cách đồng bộ, sáng tạo (từ Trung ương đến cơ sở), phù hợp với thực tế của địa phương miền núi, nghèo nàn lạc hậu, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống… là nhân tố có tính chất quyết định nhất đối với thắng lợi của công cuộc phát triển văn hóa giáo dục ở Tây Bắc thời kỳ này.

Hai là: Thực tế cho thấy, lên công tác ở miền núi, nhất là các tỉnh Tây Bắc đầy chông gai thử thách, do đó không phải chỉ cần những giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề: “Tất cả vì tương lai con em các dân tộc Tây Bắc thân yêu”. Có thể nói, chỉ có tình thương yêu học sinh, tận tâm, tận lực, bám trường, bám lớp, khéo léo vận động đồng bào các dân tộc, giàu nghị lực vượt khó, năng động sáng tạo, không ngừng học hỏi vươn lên… mới có thể trụ vững lâu dài ở Tây Bắc được.

Ba là: Phải thống nhất quan điểm: “Dạy tốt”, “Học tốt” không chỉ là phong trào thi đua mà còn là yêu cầu, giá trị, mục tiêu của giáo dục ở tất cả các cấp học trong cả nước cũng như của Tây Bắc cần phải đạt được; vì thế, trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua “Dạy tốt”, “Học tốt”; chớ vì khó khăn “đặc thù” của Tây Bắc mà coi nhẹ vấn đề này.

Bốn là: Bảo đảm được sĩ số, quyết liệt phấn đấu duy trì được sĩ số đối với giáo dục vùng cao không chỉ có ý nghĩa chính trị xã hội lớn lao mà còn là sự đảm bảocho giáo dục phát triển bền vững và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; trên cơ sở đó mới có thể từng bước nâng cao được dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nhân tài trong con em các dân tộc thiểu số.

Năm làPhát triển giáo dục vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đòi hỏi phải tận tụy, bền bỉ, sáng tạo và quyết tâm rất cao.   

Gắn bó với đồng bào các dân tộc, yêu thương và thấu hiểu những khó khăn, những thiệt thòi của người dân và trẻ em vùng cao, khéo vận động, tìm ra những giải pháp phù hợp với từng vùng, từng cộng đồng dân tộc, cụ thể hóa thành biện pháp linh hoạt của người quản lý, thành thao tác và kỹ năng trong tuyên truyền vận động, trong giảng dạy và trong ứng xử khéo léo của từng nhà giáo. Đến với dân, gần gũi dân, chiếm được lòng tin của dân, thu hút được học sinh đến lớp và duy trì tỉ lệ chuyên cần là điều kiện tiên quyết đầu tiên của sự thành công.

Sáu là:Hệ thống trường lớp ở vùng cao không nhất thiết cứ phải xây dựng thật hoành tráng mà cần phải được quy hoạch, xây dựng một cách hợp lý với địa hình, công năng phải tiện dụng, phù hợp với sự phát triển quy mô đào tạo của từng cấp học và điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo Nhân Dân ra ngày 27-9-1959
  2. Bài: “35 năm thầm lặng những "chuyến đò". Báo điện tử tỉnh Điện Biên đăng ngày 20-11- 2017
  3. Nguyễn Thanh Đàm: Họ đã “xung phong đến nơi đến chốn”. Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018).Báo Yên Bái ngày 10-8-2018
  4. Đình Tứ: “50 năm - một chặng đường đầy khó khăn đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng cao Mù Cang Chải”. Báo điện tử Yên Bái ngày 18-11-2009.
  5. Thông tư của Phủ Thủ tướngSố: 3116-A7,ngày 15 tháng 08 năm 1959: Về việc điều động giáo viên Cấp 1,2,3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác. Tài liệu lưu tại Văn phòng Phủ thủ tướng Chính phủ.

6.Vi Văn An, Nguyễn Văn Huy (2010): “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

  1. Tài liệu của Cục lưu trữ Trung ương Đảng - Phông Tây Bắc, ký hiệu TM.61-65
  2. Trần Luyến - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sơn La: “Diễn văn kỷ niệm và vinh danh đoàn Nhà giáo năm 1959 lên công tác ở Sơn La” (Nhân kỷ niệm 50 năm đoàn Nhà giáo năm 1959 lên công tác ở Sơn La) - Tài liệu lưu tại Hội khuyến học tỉnh Sơn La.
  3. Vương Kiêm Toàn (1986): “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp chống nạn thất học, nâng cao dân trí”.Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La 1954-1975 (tập 2). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994.
  5. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu 1945-1975 (tập 1). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1999.
  6. Hồ Chí Minh toàn (tập 1). (1911- 1920). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995
  7. Hồ Chí Minh toàn (tập 4). (1945- 1946). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995
  8. Hồ Chí Minh Toàn tập (tập 7). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, trang 236 
  9. Hồ Chí Minh Toàn tập (tập 9). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, trang 436 
  10. Quyết định thành lập Trường cấp II Khu tự trị Thái – Mèo. Tài liệu lưu trữ tại trường Đại học Tây Bắc.

PRESIDENT HO CHI MINH

WITH CAREER DEVELOPERMENT EDUCATION OF TAY BAC (1959-1965)

Abtract

This article generallymentions northwest situation after 1954,the policy of bringing lowland teachers to develop educational culturein the Tay Bac of President Ho Chi Minh, the Party - govermen and some lessons learned from threality.

Keyword: teacher, volunteer Tay Bac 1959

 Tài liệu tham khảo

[1]Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 7, trang 236 

[2]Vi Văn An, Nguyễn Văn Huy (2010): “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

[3](1978) Thơ văn Lý-Trần (Tập 3). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội- Viện Văn học, Hà Nội.

[4]Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2011): “Chiến đấu trong vòng vây của địch (Hữu Mai thể hiện) - Tổng tập hồi ký”. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

[5]Báo Nhân dân ngày 17.5.1961.

[6]Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La 1954-1975 (tập 2). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, trang 12

[7]Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 9, trang 436 

[8]Thông tư của Phủ Thủ tướngSố: 3116-A7, ngày 15 tháng 08 năm 1959: Về việc điều động giáo viên Cấp 1,2,3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác. Tài liệu lưu tại Văn phòng Phủ thủ tướng Chính phủ.

[9]11 tỉnh đó là: Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc.

[10]Nguyễn Thanh Đàm: Họ đã “xung phong đến nơi đến chốn”. Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018).Báo Yên Bái ngày 10-8-2018

[11] Báo Nhân dân ngày 27-9-1959

[12]Trần Luyến - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sơn La: “Diễn văn kỷ niệm và vinh danh đoàn Nhà giáo năm 1959 lên công tác ở Sơn La” (Nhân kỷ niệm 50 năm đoàn Nhà giáo năm 1959 lên công tác ở Sơn La) - Tài liệu lưu tại Hội khuyến học tỉnh Sơn La.

[13]Đình Tứ: “50 năm - một chặng đường đầy khó khăn đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng cao Mù Cang Chải”. Báo điện tử Yên Bái ngày 18-11-2009.

[14]Quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo.Tài liệu lưu tại Trường Đại học Tây Bắc.

[15]Theo lời kể của NGƯT. Hoàng Văn Bình (Một trong số giáo viên năm 1959) – Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Lai Châu.

[16] Tổng hợp số liệu từ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La 1954-1975 (tr.85) và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu 1945-1975 (tr.282)