Hiện nay, chè được xác định là loại cây trồng chủ lực ở Tà Xùa.Chè Tà Xùa đã trở thành một loại đặc sản hiện đang mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương.Chè được trồng chủ yếu trên nương và một số ít ở xung quanh vườn nhà.
Phụ nữ Mông hái chè trên nương
Trên thực tế, chè không phải là giống cây trồng mới tại Tà Xùa bởi nơi đây hiện có hơn 1000 gốc chè cổ thụ trên dưới 200 năm tuổi đang được bảo tồn và cho thu hoạch với sản lượng khá cao. Bên cạnh đó, từ cuối những năm 1970, hợp tác xã trồng chè Chung Trinh cũng đã được thành lập, tham gia lao động sản xuất là các đội viên của bốn bản Tà Xùa A, Chung Trinh, Mống Vàng và Tà Xùa C. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ sản xuất, năng lực quản lí, đầu ra cho sản phẩm… dẫn đến làm ăn kém hiệu quả nên hợp tác xã này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian sau đó bị giải thể… Mặc dù vậy, cây chè vẫn được đồng bào lưu giữ, không bị phá bỏ hoàn toàn. Từ năm 1998, sau khi Chương trình 135 được triển khai, đời sống kinh tế người dân dần có sự chuyển biến. Cây chè được UBND xã và người dân địa phương quan tâm đầu tư, phục hồi sản xuất.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Tà Xùa, năm 2023, tổng diện tích chè trong toàn xã là 236,9 ha, trong đó diện tích cây chè cho thu hoạch là 206,9 ha, diện tích chè chăm sóc chưa cho thu hoạch là 30 ha, số cây chè cổ thụ được đưa vào bảo tồn là 1.500 cây. Năng suất chè búp tươi đạt từ 4.5 đến 5 tấn/ha. Sản lượng chè búp tươi năm 2023 đạt từ 15 đến 18 tấn[1]. Có thể nhận thấy, diện tích cây chè đang có xu hướng tăng dần qua các năm gần đây. Hầu hết, tất cả các hộ người Mông trong xã đều có nương trồng chè. Hộ nào ít cũng trồng được 1 đến 2 ha, hộ trồng nhiều lên đến 5,6 ha. Theo anh Lù A Châu (bản Chung Trinh) cho biết: thông thường 10 kg chè búp tươi sau khi sao sẽ cho ra 2kg chè khô. Chè vụ Xuân Hè tuy đạt sản lượng nhưng chất lượng chè không cao nên giá bán thường giao động từ 200 - 250 nghìn/1 kg. Ngược lại chè vụ Đông tuy sản lượng búp thu được ít song chất lượng chè được nhận xét là thơm ngon, vị đậm đà và đạt nước hơn nên giá bán thường sẽ cao hơn chè vụ Xuân Hè từ 2 - 3 lần, đặc biệt gần đến những dịp cuối năm như Tết Nguyên đán của đồng bào dưới xuôi... chè Tà Xùa có thể bán được với giá lên tới 1 triệu đồng 1 kg.
Chè búp tươi
Trước đây, người Mông sao chè bằng phương pháp thủ công. Chè được sao bằng bếp củi trên những chiếc chảo sắt to. Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, được sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, đồng bào đã mua máy sao chè về sử dụng, từ đó công việc sao chè cũng đỡ vất vả và đạt hiệu quả hơn. Ông Lù A Chua (bản Chung Trinh) cho biết: Nhà ông có khoảng 2 ha chè đang cho thu hoạch, “một năm tính cả lúc đắt lúc rẻ thì cũng thu được khoảng 50 triệu đồng”. Có thể nhận thấy, với một tộc người vẫn dựa vào kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo thì cây chè đã mang lại cho người Mông nơi đây một nguồn thu nhập có giá trị kinh tế tương đối cao và ổn định.
Máy sao chè của người Mông hiện nay
[1] Ủy ban nhân dân xã Tà Xùa, Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngày 18/12/2023.